Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Thủy Tiên

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phong Dinh (Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng)


1.

           Tôi bị bắt tại huyện Tân Hiệp chiều ngày hai mươi, giáp tết. Lý do, chở hàng cấm không giấy phép. Thế là tiêu tan hết tài sản mà tôi chắt chiu, dành dụm gần cả năm nay. Nhớ đến mẹ và gia đình trong những ngày tết sắp tới, tôi vừa buồn vừa tức đến bật khóc. Xui rủi, biết trách ai. Tiễn, anh phụ lơ, đã cẩn thận cất dấu hàng cho tôi, vã lại anh cũng quá quen biết với đám công an trạm kiểm soát nầy. Không ngờ chuyến nầy bọn công an tỉnh xuống giải thể đám địa phương, nên tôi bị ‘hốt ổ’ chung cả đám. Đây không phải là lần đầu bị bắt, nhưng lại là lần đầu tiên tôi đi chuyến vốn lớn như vầy. Mười ký bột ngọt, mười ký bột giặt nguyên chất, hơn trăm ống thuốc cầm máu và trụ sinh hàng ngoại. Bột ngọt, bột giặt không nói gì, nhưng hai thứ sau hiếm như vàng mà giới ‘chạy hàng’ chúng tôi gọi là vàng nước. Nên thay vì đưa về khu tạm giam huyện chờ lập biên bản, hồ sơ xét xử tôi nghe bọn công an thì thầm, bàn tán giải thẳng về khám lớn tỉnh Rạch Giá.

        Mãi gần một giờ đêm, chiếc xe cam-nhông bít bùng mới đến chở tôi cùng hai người phụ nữ khác bị bắt cùng trạm, rời huyện Tân Hiệp. Hầu như chín chục phần trăm bạn hàng các tuyến đường miền tây tôi gặp hoặc lấy mối đều là đàn bà con gái. Điều chúng tôi lo ngại, là từ lúc bị bắt đến giờ, không ai còn thấy lại hàng hoá bị tịch thu của mình. Vã lại, cũng chưa thấy ai gọi tôi lên ký biên bản xác nhận mặt hàng như mấy lần trước. Lợi là chúng tôi có thể chạy chọt thêm để được thả  vì chưa có chứng từ gì bị bắt hoặc tịch thu hàng lậu. Nhưng ngược lại, coi như tất cả hàng hoá, tài sản đó sẽ không bao giờ ‘châu về hiệp phố’ với chủ nhân nữa. Mắt trái tôi giật mấy lần, nam tả nữ hữu, linh tính báo điềm không tốt. Mà đằng nào thì cũng mất, miễn đừng tật mang, là còn làm lại bàn khác. Thời nầy biết đâu mà mò, nhằm nhò gì, thua me thì gở bài cào... Đầu óc căng thẳng, thân thể rã rời, nhưng tôi cố quan sát tình hình chung quanh. Hai người đàn bà kia thì đã ngủ gà ngủ gật, trong xe chỉ còn tôi và một tên công an ngồi hút thuốc, canh hờ ở cuối xe. Chắc hắn cũng không hồ hởi gì giờ nầy, gần tết trời lạnh phải giải ‘không’ mấy mụ con buôn về tỉnh thì chán mớ đời. Chợt nhớ ra, tôi vẫn còn sợi dây chuyền mặt cẩm thạch hai chỉ rưởi và chiếc nhẩn một chỉ nhét trong quần lót mà từ chiều lu bu chúng chưa lột tới. Mấy món nầy sẽ là ‘quà cáp’ các anh để tôi được về nhà cho kịp đưa ông Táo. Hy vọng là vậy để chút yên lòng... Đôi mắt tôi khô cứng nặng chì và, không còn đủ ý thức cưỡng bức chính mình được nữa, tôi gục đầu thiếp đi. 
          - Xuống..! Thức dậy, xuống xe!  
                                                                                    
   Tôi bừng tỉnh. Tấm bạt xe mở tung, gió đêm lùa vào lạnh căng. Tôi bước xuống, định thần nhìn quanh. Hình như là cuối dãy nhà lồng chợ, chắc chắn không phải là khám lớn của tỉnh. Tôi hỏi nhỏ chị đồng hành:
          - Đây là đâu vậy chị.
          - Chợ Rạch Sỏi. Không biết tụi nó làm gì mình đây.

        Nghe nói tôi cũng chột dạ. Đêm tối cuối năm, lạy trời đừng đúng theo những gì đang diễn ra trong đầu tôi. Hảm hiếp rồi giết liệng trôi sông, nào ai biết, lại hốt trọn đống hàng không chứng cớ. Thiệt là nhất cữ mà tam tứ tiện. 
           - Mấy chị theo tôi. 
                                            
        Một thằng công an rọi đèn pin về phía trước, thằng khác phía sau hất mũi súng ra dấu. Chúng tôi yên lặng bước theo hướng vào trong chợ, lòng hoang mang. Đi một khoảng đường ngắn, vừa khỏi chợ là đến bến đò. Bây giờ chúng tôi chợt hiểu phần nào sự việc xảy ra. Thay vì đưa về khám lớn tỉnh, chúng tống thẳng chúng tôi về trại tù miệt thứ. 
          - Mấy anh đưa chúng tôi đi đâu đây ?                                                                  
          - Tù, chớ đi đâu. Phá hoại kinh tế tội như phản động, tù cải tạo cho biết. 

          Chúng trả lời mĩa mai. Dưới bến, chiếc đò máy và hai thằng công an khác đang đợi sẵn. Thế là hết, tam thập lục kế đến nước nầy chỉ còn ‘nhắm mắt đưa chân’, tới đâu ‘xâu’ tới đó. Chiếc đò máy rời bến, thằng công an áp tải đứng trên vẫy tay:
          - Chúc mấy chị về thứ Bảy ăn tết vui vẻ.   

        Mình mẩy con nhỏ nóng như lửa đốt. Từ hôm qua đến nay, Xuyến ăn gì ói nấy. Tôi đưa nó lên trạm xá xin thuốc, thằng y tá nói nó làm bộ để trốn lao động, đuổi ra. Tội nghiệp con nhỏ, mặt mày xanh lét chỉ biết khóc. Nhìn Xuyến nằm run rập cập, trán đẩm mồ hôi, tôi chịu không nổi. Đằng nào cũng phải chờ ra giêng, đút lót tụi nó giờ nầy cũng vô ích. Mấy thằng cán bộ lãnh đạo trại đã về hết gia đình ăn tết với vợ con, còn lại là đám canh tù ‘đầu trâu mặt ngựa’, tép riu. Hầu hết phạm nhân của trại tù cải tạo nầy là gia đình chủ tàu tổ chức vượt biên, lươn lận thụt két quỹ nhà nước, sử dụng giấy tờ đi đường hay công lệnh giả và vượt biên bị bắt. Buôn gian bán lận hàng quốc cấm như tôi là trường hợp đầu tiên, đặc biệt. Xuyến ở đây đã hơn bốn tháng, tội vượt biên, đến nay cũng chưa xét xử hay đá động gì tình trạng của nó. Còn như tôi nghe đâu một hai tháng là cùng, nếu biết cửa mà nhờ. Thì tái ông thất mã, bị bắt nhưng vào những ngày cận tết nên cũng đở, lao động cầm chừng và chưa được đám quản giáo chăm sóc tận tình theo đúng lệ ‘tù non’. Chớ nghe đâu luật ‘tù non’ phải lao động tiên tiến ban ngày và học tập cách mạng ‘cá nhân’ với quản giáo tới nửa đêm gà gáy. 
        Tôi kéo cái mền của mình đắp thêm cho nó. Thôi thì đành, tôi vừa bán chiếc nhẩn chỉ rưởi ‘giá cán bộ’, định để xài nhín nhín phòng than, chờ liên lạc gia đình. Tôi cắm đầu đi lên trạm xá để gặp thằng cán bộ y tế lần nữa. Sau khi ngả giá, lục lọi một hồi nó đưa tôi được chục viên aspirin và một chai thuốc ‘thần dược’ dân tộc xuyên tâm liên. Tính ra hơn nửa chỉ vàng. Mà thà vậy, chớ ở tù miệt nầy có vàng chưa chắc gì mua được thuốc. Tôi rẽ vội xuống chái hậu cần ‘xin’ cán bộ Ánh, chị nuôi láng nữ, một chén nước cơm nóng và mấy miếng đường thẻ. Chị người ở Gò Quao, cha mẹ bị bom bừa chết sớm, làm giao liên cho cách mạng từ lúc mười một mười hai tuổi.  Đến năm mười tám, đảng gả chồng cho chị, du kích của huyện. Chưa được một năm, chị trở thành vợ liệt sĩ. Từ đó chị Ánh đi từ bếp lửa cách mạng nầy đến vùng tiếp vận lửa khói khác, người chị nuôi hậu cần bất khuất của vùng quê hương Rạch Giá. Hòa bình, không như bao nhiêu người khác, chị không có nơi nào để trở về mừng ngày đoàn tụ hay vinh quang công trạng của tổ chức. Chị Ánh tiếp tục cuộc đời còn lại của tuổi thanh xuân bên những bếp lửa  cách mạng, chỉ khác không còn dưới tầm bom đạn mà dưới sự cắt chia từng khẩu phần của cơ quan. Cuối cùng với công trạng gia đình liệt sĩ, chị được tổ chức phân công về công tác hậu cần cho trại tù cải tạo ở thứ Bảy nầy. Mới ngoài ba mươi, tôi đã thấy trán chị hằn những vết nhăn khốn khổ và đôi mắt chợt lắm khi vô hồn với những ánh lửa chung quanh. Nên chừng như trong đám đảng viên, cán bộ quản giáo ở đây chỉ có chị là còn sót lại chút thương cảm tình người... Trở lại láng tôi vẫn thấy Xuyến còn thiêm thiếp. Đở Xuyến dậy uống hai viên aspirin, tôi dục nó uống chén nước cơm nóng quậy đường thẻ, lấy sức. Nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn, trẻ thơ của Xuyến thật tội nghiệp. Tôi chỉ lớn hơn Xuyến hai tuổi mà trông tôi già dạn hơn nhiều. Da tôi ngâm đen, tóc tai lùng bùng cháy nắng, ngược lại Xuyến da dẻ trắng xanh, tóc đen óng mượt mà từng lọn. Nhớ lại đêm mới giải xuống, mình không, Xuyến chia với tôi góc mền cái gối. Ở đây cái gì cũng tự túc. Chưa biết gì nhau mà Xuyến đã không ngần ngại nhường tôi tất cả những đồ dùng cần thiết hằng ngày, nhất là phụ nữ. Khác với tánh lanh chanh, lợi ít hại nhiều của tôi, tánh Xuyến lặng lẽ, ít nói nên tôi cũng không biết nhiều về nó. Nhưng nhìn tay chân, mặt mũi và dáng dấp ‘liễu yếu đào tơ’ của Xuyến, tôi đoán chắc nó con nhà khá giả hay ít ra cũng chưa đến nổi, “vào trong kim chỉ ra ngoài mách mung” như tôi.
           - Xuyến mang ơn chị nhiều quá. Không có chị không biết ra sao... 
           - Ơn nghĩa gì. Chị em cùng cảnh ngộ mà. Thôi ráng ngủ chút đi, Dinh lén để dành chút cháo, dậy ăn.
           - Cô Dinh à, vịt về rồi nè.

        Tiếng của Ánh, chị nuôi hậu cần, tôi ra dấu cho Xuyến nằm nghỉ, rồi bước vội về phía chái nhà bếp. Sở dĩ tôi được thong thả ở láng chăm sóc Xuyến là nhờ tài nghệ làm tiết canh của tôi, nhất là món tiết canh vịt. Món mà ngày xưa cha tôi ‘đánh’ nổi tiếng cả đơn vị và truyền lại cho tôi. Vừa đến trại giam hai ngày thì ban quản giáo lên kế hoạch mở tiệc liên hoan cho ban lãnh đạo trại và mời cả bên huyện ủy. Bí thư trưởng ban quản giáo, đồng chí Ba Thái,  dân miệt Hòn rất thích nhậu đế trắng với món tiết canh vịt. Mà mấy năm nay chưa ai làm hài lòng tên nầy. Để lấy lòng đồng chí bí thư, ban quản giáo họp toàn trại để tìm ‘nhân tài’ cho món tiết canh. Điều kiện thật khó lòng từ chối, miễn lao động cho tới  hai tuần lễ sau tết. Nhưng nếu làm liều ‘đánh’ láo, hư dĩa tiết canh thì lao động gấp đôi và không được nhận đồ thăm nuôi một tháng. Vì vậy mà cả ba láng tù không một bàn tay nghĩa khí đưa lên! Tôi đứng lên tình nguyện, lãnh phần. Ngay hôm sau chúng giao tôi một con vịt xiêm làm thử. Dĩa tiết canh được đám quản giáo chiếu cố một cách tận tình, vét sạch đến không cần rửa. Đồng chí bí thư đích thân khen ngợi và ủy lạo tinh thần tôi, chuẩn bị cho bữa tiệc liên hoan với huyện ủy chiều hai mươi chín tết.
        Buổi chiều cuối năm trời lạnh hiu hiu, lay lắt gió. Bên trong hội trường, tiếng cười nói ồn ào của đám cán bộ và quản giáo. Tất cả là hai con chó mực và sáu con vịt xiêm lớn nên mùi thức ăn thơm lừng cả mấy láng trại. Rãnh tay chờ dọn dẹp, Xuyến rũ tôi ra phiá sau nương láng bếp ngồi nghe hương vị tết. Con nhỏ bảo tôi nó mê ca sĩ Duy Khánh là vì bài Xuân Nầy Con Không Về và khe khẻ hát từng đoạn rời rạc, câu nhớ câu không. Rồi tự nhiên Xuyến yên lặng một hồi lâu, chợt quay qua hỏi tôi, quê chị Dinh ở đâu. Câu hỏi bất ngờ của nó làm tôi chưng hửng. Quê tôi ở đâu kìa? Trong khai sanh, tôi sinh ra ở một làng nhỏ thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, tôi nhớ ngờ ngợ mình ở con hẽm nhỏ đường Phan Đình Phùng, gần chợ Bàn Cờ. Nhưng, thời thơ ấu đậm đà trong tôi là những ngày tháng sống ở căn nhà mướn trong cái xóm chuyên làm kẹo mạch nha, đường phố bên lộ Quang Trung, thị xã Quãng Ngãi. Cha tôi lúc đó là sĩ quan truyền tin của sư đoàn 25 bộ binh, đóng ở Mộ Đức. Tôi bắt đầu cắp sách đến lớp mẫu giáo ông giáo Thống được vài tháng thì vào trường nữ tiểu học, cạnh tiểu khu thị xã. Không hiểu sao cái xóm tôi ở không có con gái nên tôi chơi bạn toàn là con trai. Bắn đạn, tạt lon, hớt cá lia thia... đến tắm sông tôi đều rành rọt. Tôi biết lặn, lội sảy, lội chó cũng tại dòng sông tuổi thơ Trà Khúc. Được đâu vài năm, cha tôi lại theo đơn vị chuyển về miền nam, huyện Đức Hoà, Đức Huệ gì đó. Rồi cũng chẳng bao lâu, ông sang tiểu đoàn khác về thị xã Vị Thanh, tỉnh Chương Thiện cho đến ngày giải phóng. Dòng kinh xáng Sà-No chảy lững lờ dọc thời con gái của tôi... Nên tôi không biết trả lời Xuyến thế nào, quê tôi ở đâu. Nghe tôi kể một hơi, con nhỏ cũng chẳng hiểu đâu vào đâu, thôi không thắc mắc nữa. Còn Xuyến, tôi hỏi, quê Xuyến ở đâu. Từ hồi mẹ đẻ đến giờ Xuyến chỉ ở Vàm Răng, chưa lần nào ra khỏi tỉnh, nó trả lờì nhát gừng rồi không trả lời gì thêm. Quên tánh ít nói của Xuyến, tôi cũng yên lặng nhìn bâng quơ buổi chiều cuối năm đang chìm dần phía sau những rừng tràm thăm thẳm tầm mắt. Chợt Xuyến buông tiếng thở dài, từng đợt, như cố ngăn nhưng không kiềm chế được. Nỗi im lặng đồng lõa với nỗi lòng trĩu nặng chung quanh. Hai mươi chín tết, đêm chìm nhanh, lạnh đen trong hương đất trời trừ tịch. Không biết giờ nầy bên ngoài ra sao, mẹ tôi chắc đang ngồi buồn cho đứa con gái sinh ra nhằm tuổi ngọ ‘ nên suốt đời cất vó chạy rong’. Có bàn tay mềm lạnh, xiết nhè nhẹ mấy ngón tay tôi. Khuôn mặt Xuyến chỉ còn là một khung soan nhàn nhạt. Thân hình nhỏ rung từng đợt, gục hẳn vào vòng tay tôi, mềm mại. Trên đôi vai khô gầy, tôi nghe thấm âm ấm giòng nước mắt nấc nghẹn của Xuyến. Con ngựa đầu non chừng như cũng nức nở, ngỡ ngàng. Khóc đi nhỏ, cho nhẹ mọi nỗi lòng. Nước mắt nhỏ, nước mắt tôi dù lẻ loi, cũng sẽ chảy mặn biển đời. 
           - Chị Dinh, Xuyến có điều rất hệ trọng muốn nói với chị. Mà không, Xuyến muốn nhờ chị... 
           - Nói đi Xuyến. Lúc nào Dinh cũng sẵn lòng mà.

        Xuyến nặng nề cố nuốt từng nỗi nghẹn ngào, khô khan. Thỉnh thoảng, những tràn cười nói vọng vào đêm tịch mịch, từ trong hội trường sáng rực đèn ‘măng-xông’, như giục giã giây phút còn lại. Xuyến khẻ hắng giọng và lau mắt đôi lần. Giọng nó dứt khoát và tỉnh táo hơn:
           - Em tên thật là Thủy Tiên, Võ Thị Thủy Tiên. Xuyến là tên giả, khi bị bắt... Một năm trước đây, người bạn nối khố với ba em ghé thăm, thấy em, liền đánh tiếng hỏi mối mai cho con trai của chú. Anh ấy tên Trọng, trung úy pháo binh, sau bốn năm cải tạo giờ còn đang quản
thúc ở địa phương. Chú có cho em và gia đình bức hình chụp đã lâu của anh ấy. Trong hình ảnh còn trẻ và hiền lắm. Gia đình đồng ý ngay. Phần em, lòng cũng không phản đối gì. Những ngày tháng hỗn loạn đó, làm thân con gái, chỉ mong có một nơi yên lấy bản thân... Thời gian sau, anh ấy bị chính quyền địa phương bắt đi lao động cải tạo trở lại. Gia đình quyết định tìm mối tổ chức đưa anh Trọng và em đi vượt biên. Bể ổ, cánh em bị bắt, cánh ảnh thoát được... Bắt giải về đây được vài ngày, em bị thằng quản giáo cưởng hiếp, chiếm mất đời con gái. Nghiệt ngã thay,  em đã mất kinh và có dấu hiệu mang thai với thằng khốn nạn đó. Với anh Trọng, đời em đã chết. Em không còn xứng đáng với anh ấy nữa. Nhưng tấm lòng em, tình cảm em vẫn thuộc về anh. Xuyến muốn nhờ chị thay em đáp lại mối nợ tình nầy. 
        Tôi chưng hửng, cố giương mắt nhìn khuôn mặt trẻ con của Xuyến mờ nhạt trong đêm tối. Xuyến nhờ tôi, bằng cách nào? Tại sao? Tôi rùng mình liên tục, từng cơn lạnh chạy dọc theo cơ thể. Nhớ lại những ngày qua, Xuyến ói mữa liên miên, nóng lạnh từng hồi không phải bệnh hoạn gì, mà là triệu chứng cấn thai. Tôi chưa biết phải nói gì, phản ứng thế nào cho đúng, thì Xuyến tiếp tục giọng thật rõ ràng, chậm rãi :
           - Chị có thể từ chối và quên đi những điều Xuyến chuẩn bị nói cho chị. Mới biết chị, nhưng thời gian ngắn ngũi qua linh tính báo em chị là người tốt, có tình có chung. Gia đình anh Trọng vừa móc mối một chuyến đi nữa cho em, bây giờ là cho chị. Chị Dinh hiểu em nói gì, phải không chị. Trưa mai lúc mười một giờ, chị ra phía sau hội trường, có người đàn ông đợi ở đó. Câu tín hiệu, chị hỏi ‘anh là con chú Sáu Vĩnh ở chợ Vàm Răng’, trả lời ‘dạ phải’ và người đó sẽ giúp chị trốn trên chuyến đò cuối cùng về Rạch Sỏi lúc bốn giờ chiều. Tới bến đò Rạch Sỏi, chị sẽ chuyển qua vỏ lãi đi về Vàm Răng và xuống ghe lớn đợi sẵn ngoài đó... Đây là tất cả giấy tờ khai sinh, chứng minh nhân dân mang tên Thủy Tiên của em, để làm tin. Nếu mọi 
chuyện trót lọt, xin chị thay em để đi chung với anh ấy. Chỉ có vậy. Thời gian còn lại quá ngắn mong chị cho Xuyến biết quyết định ngay... Mà dù thế nào, em cũng cảm ơn chị trước.
        Xuyến móc trong bụng bọc giấy ny-lông gói kín đưa cho tôi. Cầm trong tay, tôi vẫn chưa tin là sự thật. Cứ như giấc mơ, như trong tiểu thuyết mà tôi đọc đâu đó ngày xưa. Nhưng không, Xuyến đang ngồi bên tôi bằng da bằng thịt và sương đã bắt đầu rơi thấm lạnh bờ vai.
           - Xuyến, sương xuống nhiều cảm chết, mình vô trong đi... 
           - Chị Dinh nhận lời của Xuyến ?
           - Chị nhận lời. Nhưng còn chuyện anh Trọng, chị... 
           - Chị nhận lời là được rồi. Mọi chuyện khác sẽ đến sau, chị đừng lo. Xuyến cảm ơn chị và chúc chị nhiều may mắn.

        Nói xong Xuyến đứng dậy, đi thẳng về láng. Tôi nán ngồi lại một mình bên bờ mương, lòng mộng du, chơi vơi như đi giữa sợi chỉ định mệnh mong manh của cuộc đời. Bên kia hội trường, bữa tiệc rượu vẫn chưa tàn trong đêm cuối năm trừ tịch.
                                                               
2.

             Năm nay mùa xuân đến rất sớm. Giữa tháng Ba đã có những ngày thật ấm và nhiều cơn mưa thay vì những cơn bão tuyết, gây ngập lụt nhiều vùng trong tiểu bang. Nhà vắng lặng, Thành đi làm, Thủy đi học chỉ còn mình tôi nằm chèo queo trong căn nhà thênh thang. Bác sĩ ký giấy cho phép tôi dưỡng bệnh tại nhà một tuần lễ trong khi chờ kết quả thử máu, sau một thời gian dùng trụ sinh và thuốc giảm đau vẫn không thấy thuyên giảm.  Lần nầy khả năng phải giải phẩu được đưa ra nghiêm trọng hơn, nhưng bác sĩ vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân của những cơn đau hoành hành lưu chuyển nhiều nơi trong cơ thể tôi. Những sợ hải ban đầu đã lắng dịu dần, tôi bình tâm hơn cho những rủi may trước mặt, còn Thành thì luôn cầu 
nguyện và tin tưởng ơn trên sẽ luôn dìu dắt chúng tôi vượt qua mọi thử thách đời nầy. Như bao lần trước, như muôn ngàn nghịch cảnh đã qua... Tôi ngồi dậy, đi lần về phía cửa sổ. Đầu óc vẫn còn choáng váng, nhưng tôi đã thấy tinh thần phấn chấn, lạc quan hơn nhiều. Trên tường hình Thủy, đứa con gái của tôi, phóng lớn nhìn tôi và tươi cười trong sáng. Mười bốn tuổi Thủy thật vô tư, chưa một lần gian khổ, chưa một nét ưu phiền hằn vết tuổi thơ. Tôi và Thành đã tận tụy, hy sinh tạo tất cả điều kiện chung quanh cho đứa con gái của mình một thời thơ ấu thật tươi đẹp và an bình cho nhiều giấc mơ của ngày mai. Quá khứ tôi là những chuổi ngày của mất mát và chia lìa. Dĩ vãng Thành  là những cơn ác mộng của đạn bom, hận thù và tiếng khóc. Đã quá nhiều đêm tối căm hờn cho thế hệ của chúng tôi. Nhiều hôm Thành nói với tôi anh muốn ăn mắn chưng mặn, không nếm đường hay hành mở linh tinh. Cứ chưng khan cho anh. Hôm đó anh ăn ngon lành, ăn không kịp thở, ăn đổ mồ hôi. Rồi anh ngồi rưng rưng nước mắt. Anh nhớ đến những ngày tháng anh cùng bạn bè, sau khi rời trại cải tạo, phải về vùng kinh tế mới làm mướn kiếm từng bửa ăn. Bây giờ họ ở đâu, đời sống ra sao hay cũng vẫn lận đận từng ngày cơm áo. Thành nhắc tôi nhớ đến những khuôn mặt, những con người đi qua đời tôi, có khi chỉ một lần mà một đời tưởng nhớ, một đời khó quên. Tôi vẫn ước nguyện mọi điều tốt đẹp cho họ, yên bình và hạnh phúc ở mọi góc trời, ở mọi cuộc đời... Tóc Thành bạc nhiều hơn màu thoáng chốc của thời gian. Những vết nhăn xếp thành nhiều nếp đắng cay, gian khổ trên mặt tôi. Không hiểu sao chung quanh chúng tôi người ta lại cố tình đổi thay hình dạng của hiện tại, nhuộm màu mọi sự thật để xóa đi quá khứ. Kỷ niệm chỉ tươi đẹp khi còn nguyên vẹn sắc màu 
trên giòng sông của dĩ vãng... Mà thôi, không hiểu sao lúc nầy tôi hay lẩm cẩm, trách cứ vu vơ. Có lẽ tại mới đó mà đã chớp mắt mười sáu năm. Mười sáu năm của biết bao biển động sao dời. Tôi khẻ dựa vai vào thành cửa sổ, bên ngoài nắng vàng tươi, óng ả như màu con gái. 

           ... Tôi đã làm đúng theo lời chỉ dẫn và không giữ đúng lời hứa ân tình với Thủy Tiên. Ngay trong đêm đầu tiên ở Vàm Răng, tôi đã nói thật hết lòng và nghịch cảnh của mình với Trọng. Thà là nhìn Trọng đớn đau trong sự thật còn hơn lừa dối tấm chân tình tha thiết một đời của anh. Mọi việc không ‘ghê gớm’ như tôi tưởng. Chừng như trong cơn sóng dữ của đất nước, vết thương của mỗi cá nhân như những hạt mưa bụi nhỏ nhoi cuốn hút theo dòng đời thác đổ chung quanh. ‘Cảm ơn Dinh đã cho anh biết thế nào là ý nghĩa của tình yêu, tình người và lòng chân thành của tình bạn ‘, Trọng đã nói với tôi khi hai đứa ngồi nhìn những vạt nắng chiều, chìm tắt dần trên mặt biển. Xa xa là hòn Tre, nơi mà ngày mai là chuyến tàu định mệnh và tôi đáp khẻ, ‘ lẽ ra Dinh mới là người nói cảm ơn anh và Thủy Tiên đã cho Dinh được ‘quá giang’ trong giòng duyên nghiệp nầy’. Trọng chỉ cười buồn, nhìn xa xăm và không nói gì hơn. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Trọng, cũng là lần cuối cùng. Trọng không thể của tôi, và ngược lại, tôi không thể nào của Trọng được. Đành lòng tôi phải lỗi hẹn với Thủy Tiên. Rồi nhỏ sẽ tha lỗi cho tôi, nghe nhỏ... Trọng đã tiễn tôi ra khơi cùng chuyến hải hành nhưng anh thì ở lại. Thái độ lựa chọn của Trọng thật rõ ràng, vì Thủy Tiên, vì trái tim anh mãi mãi thuộc về dòng kinh nước mặn của Vàm Răng. Làm sao tôi quên được cái vẫy tay của anh trên chiếc ghe nhỏ, khuất mờ dần trong màn sương lần tiễn biệt.
         - ‘Thủy Tiên, nhỏ ơi, trong mọi nỗi tận cùng khổ đau hay tuyệt vọng, tình yêu vẫn luôn luôn có thật giữa đời nầy...’ 

    & & &
          
Vừa định cư tại Hoa Kỳ tôi đã cố gắng tìm cách liên lạc với Trọng và Thủy Tiên. Nhưng rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua mà tin họ vẫn mù tăm, vô vọng. Cuộc sống của xã hội mới cuốn hút tôi vào như cơn lốc nhỏ. Hình ảnh của Thủy Tiên, của Trọng cũng mờ dần theo năm tháng. Nhiều lúc tôi thẩn thờ chợt nghĩ ra rằng, có những cuộc đời, những khuôn mặt người chỉ một lần thoáng qua rồi sẽ mãi mãi không bao giờ gặp lại. Họ đi về đâu, cuộc sống ra sao, câu hỏi chừng như thật đơn giản mà câu trả lời bí ẩn, to lớn biết chừng nào. Thỉnh thoảng trong giấc mơ, tôi vẫn thấy khuôn mặt trắng xanh với nụ cười thật trẻ thơ của Thủy Tiên và bàn tay vẫy khuất mờ của Trọng... Rồi tôi gặp Thành, như một tơ duyên tiền kiếp. Chúng tôi yêu nhau ngay từ ánh mắt đầu tiên gặp gở. Lễ cưới đơn sơ, đầm ấm tình người. Thành yêu thương tôi tha thiết, tôi cũng dâng trọn vẹn cho anh tấm tình con gái sắc son. Thủy chào đời năm sau đó, đóng chặc thêm vào cột đời tôi chiếc đinh hạnh phúc. Thành phố xa lạ, quê người nay trở thành nơi ‘chôn nhao cắt rún’ con gái đầu lòng của tôi. Ngày nối tháng, tháng nối năm, chớp mắt mười mấy năm bóng câu vút cửa. Tưởng chừng như mới hôm qua, tưởng chừng như giòng đời sẽ mãi mãi âm thầm trôi lặng lẽ, vô cùng.  Cho đến ngày, có những cơn đau tấn công bất ngờ cơ thể tôi ở vùng thắt lưng, lần xuống dạ con và hai bên đùi. Ban đầu cứ tưởng do những trận cảm cúm thông thường hoặc cơn hành kinh không đều của tôi. Tôi uống Tylenol, những cơn đau dịu 
ngay nhưng chỉ là thời gian rồi cũng trở lại. Thành đưa tôi đi bác sĩ gia đình, cũng không khác gì hơn là những thuốc giảm đau mạnh hơn, tác dụng trong thời gian đầu. Thuốc giảm đau ngày càng tăng cùng với thời gian giữa những cơn đau ngày càng rút ngắn dần lại. Bác sĩ đành giới thiệu tôi vào để khám và thử nghiệm ở bệnh viện địa phương. Sau gần cả tuần lễ đi đi lại lại, thử nước tiểu, thử phân, khám trong và thử máu, các bác sĩ bệnh viện trấn an tôi và gia đình rồi đề nghị tôi vào bệnh viện chuyên khoa nỗi tiếng của tiểu bang để thử nghiệm thêm. Thành thất vọng, lo lắng và xuống sắc ra mặt. Anh trằn trọc mỗi đêm gần như không ngủ. Lần đầu tiên sau mười mấy năm chung sống, anh ăn chay với tôi vào những ngày rằm và lễ lớn. Trước 
đây mỗi lần thấy tôi ăn chay hay cúng quảy trong nhà, Thành không bài bác cũng không hưởng ứng. Có lần Thành nói với tôi, anh đã từng ‘ăn chay’ suốt năm sáu năm liền trong trại cải tạo, nên anh không còn ý niệm gì tốt cả. Nay, nhìn khuôn mặt thành khẩn của anh trong những bửa cơm chay, tôi thương anh đến xót xa trong lòng...

        Tiếng điện thoại reo từng đợt, kéo tôi trở về thực tại. Không biết là Thành hay từ bệnh viện. Mấy hôm nay, ngày nào cứ cách hai tiếng đồng hồ là anh cũng gọi về cho tôi. Tự dưng tôi thấy ái ngái trong lòng khi nhắt chiếc điện thoại lên tay. 
            - Hé-lô...
            - Chào bà, tôi là bác sĩ David Anderson của bệnh viện Duke. Thưa có phải là bà Nguyễn, Dinh Phong Nguyễn, không ạ ?
            - Dạ phải, bác sĩ.
            - Bà Nguyễn, chúng tôi đã có kết quả thử máu của bà... Vì đây là qui luật chung của bệnh viện, chúng tôi muốn được gặp cả ông và bà để thảo luận về kết quả thử nghiệm và phương pháp điều trị. Tôi có thể sắp xếp thời gian ngay bây giờ nếu thuận tiện hoặc, ông bà cần thảo luận giờ giấc thuận lợi và gọi lại bệnh viện cũng được. Mong bà thông cảm vì chúng tôi không thể bàn bạc kết quả bệnh lý trên điện thoại. 
            - Xin bác sĩ cứ cho hẹn, chúng tôi sẽ có mặt.
           - Ngày mai, lúc mười giờ sáng, mong sẽ gặp ông bà tại văn phòng của tôi. Nếu gì lý do nào đó, ông bà không đến được, xin đừng ngại gọi cho tôi sắp xếp cái hẹn khác.
           - Cám ơn, chúng tôi hẹn gặp lại bác sĩ ngày mai.
           - Mong gặp ông bà. Chúc bà một ngày tốt đẹp.

         Tôi thẩn thờ buông ống điện thoại. Giác quan thứ sáu của tôi chừng như báo điều không lành. Nghĩ đến khuôn mặt Thành, khuôn mặt con, tôi ứa nước mắt. Mọi sợ hãi với tôi không còn nữa, nước mắt bây giờ là tình yêu thương vô bờ bến của những người chung quanh. Thế nào đi nữa, sự thật vẫn luôn hiện hữu với cuộc sống hằng ngày, dù muốn dù không. Tôi cố xua đuổi những ám ảnh đen tối trong đầu, giữ lòng bình thản, rồi nhắc ống điện thoại bấm số chỗ làm của Thành. 

           Chiếc giường bệnh cá nhân hẹp và dài, những dây nhợ chuyển máu, đo mạch, đo tim... làm tôi xoay sở khó khăn. Môi khô lở, tay chân lỏng thỏng chừng như không còn thuộc về thân thể tôi nữa. Trần bệnh viện trắng toát, phẳng lỳ như khoảng không gian thăm thẳm, mịt mờ. Chiếc nón nĩ làm đầu cổ tôi ngứa ngái, khó chịu. Sau hai tháng rụng tóc, đến nay đầu tôi không còn một cọng tóc, lúc nào cũng phải đội mũ trùm khăn. Không hiểu sao tôi vẫn còn sống, vẫn còn nhận diện mọi sự việc diễn ra chung quanh. Tất cả đã chuẩn bị sẳn sàng, cho tôi, cho Thủy và cho Thành. Mọi người đều ý thức được định mệnh khắc nghiệt đang từng ngày, từng giờ trôi qua. Nước mắt chưa khô nhưng hy vọng đã cạn. Những sững sốt, hốt hoảng ban đầu đã dần lắng đọng, còn lại là nỗi đợi chờ nát lòng cho phút nhiệm mầu nào đó xảy ra. Bác sĩ với tất cả kỷ thuật của nền khoa học hiện đại nhất thế giới cũng không thể làm gì hơn, chờ đợi. Thành đã làm tất cả, gọi cùng khắp cho sinh mệnh của tôi. Thủy, con gái tôi, vẫn chưa hiểu tại sao lại là tôi với chứng bệnh hiểm nghèo nầy. Ung thư tủy máu. Tại sao, tại sao, chừng câu hỏi nầy tạo thành bao nhiêu kỳ diệu cho cuộc sống chúng ta. Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại hiện diện nơi nầy, lẽ ra không phải là tôi mà một người nào khác. Được và mất, hạnh phúc và khổ đau, hai mặt hiện hữu tất yếu của một cuộc đời. Không thể nào quên được cảm giác của tôi và Thành khi gặp bác sĩ, ái ngại báo tin. Thời gian còn lại không quá sáu tháng, nếu không tìm được người hiến tủy cùng loại nhiểm thể máu. Tỉ lệ hiến tủy máu cùng loại cả nước Mỹ, không quá mười phần trăm. Tôi lại là người Việt, nhóm Á Châu, càng lại tệ hại hơn. Đã hai tháng qua, gần như số lượng hồng huyết cầu không còn trong cơ thể, tôi chỉ sống nhờ vào lượng máu nhân tạo chuyền vào. Khi tỉnh lúc mê, cơ thể tôi sống gượng từng ngày để chờ đợi ngày sống lại và cả ngày không ai muốn chờ đợi. Tôi nằm ở cuối sổ của hội hiến tủy toàn quốc của Mỹ. Bệnh viện cùng cả tôi lẫn Thành đều chỉ còn đặt hy vọng vào hội hiến tủy người Á Châu và hội hiến tủy người Việt, cả trong và ngoài nước. Thành cố gắng liên lạc, vận động người quen biết ở đây, bà con thân thuộc hai bên ở Việt Nam đến thử máu. Kết quả thảm hại và vô vọng. Đến nay, không nói ra, nhưng mọi người đều hiểu ngầm với nhau hy vọng như cây kim nằm dưới lòng đại dương. Nỗi đau của cơ thể không đáng vào đâu, so với nỗi đau đớn, tuyệt vọng của người thân yêu chung quang tôi nhìn. ‘Còn nước còn tát’, còn giây phút nào là còn niềm tin giây phút đó, Thành thường nắm chặc tay tôi an ủi. Ngược lại, thương chồng thiết tha, tôi bắt anh phải hứa sau khi tôi ra đi anh và con phải tiếp tục cuộc đời như một hành trình mới. Anh cần có người bạn đường, nhất là trên đất nước xa lạ, lạnh lùng khan hiếm tình người nầy; và con nữa, nó cũng cần có người vỗ về, chăm sóc. Thành giận, tôi chỉ cười hôn nhẹ tay anh nói nhỏ, “đừng quên rằng không có em, đã có cuộc đời và mất em rồi, đời nầy vẫn mãi mãi thiết tha”. Với tình tôi trong mắt anh, tôi biết anh hiểu tôi muốn nói gì. Bây giờ tôi không còn nghĩ đến thời gian nữa, mà là sống với thờI gian, từng lần tỉnh giấc, từng lần nắm tay của Thành, của Thủy. Có lúc tôi chợt hốt hoảng, tại sao là đêm mà không phải là ngày. Có lúc tôi lại tuyệt vọng không muốn phải tỉnh giấc để nhìn thấy một ngày nữa lại lãng phí trôi đi. Tôi thực sự đầu hàng với định mệnh, đã thực sự buông tay xuôi nhẹ theo từng hơi thở thì thào với tử thần. Những lúc đó, mỗi nụ cười đầm ấm tình người của Thành, mỗi ánh mắt trong sáng, thơ ngây của Thủy luôn giúp tôi vượt qua bao nỗi sợ hãi, yếu lòng và tôi thường thiếp đi trong từng giấc mơ chập chường, với muôn vàn tia nắng sáng...
         Cánh cửa phòng mở rộng, ùa vào cùng tiếng chân người làm tôi tỉnh giấc. Thành đi như chạy khuôn mặt xúc động đến ngây ngô và phía sau là dáng người cao lêu ngêu quen thuộc của bác sĩ Anderson. Tôi định gượng ngồi dậy, Thành đã ôm chầm lấy tôi, nghẹn lời:
           - Tìm được rồi... Dinh ơi, tìm được rồi... 

         Buổi sáng lấp lánh, rực rỡ soi vào khung cửa sổ. Người y tá da trắng thu dọn khay ăn sáng và chào bước ra với nụ cười thật tươi trên môi. Đến nay cơ thể tôi đã tràn đầy sức sống và tóc đã có nhiều cọng mọc lỏm chỏm trên đầu. Cuộc thay máu tủy thành công mỹ mãn, mà mỗi ngày thức dậy với tôi như là một giấc mơ. Không bị một dị ứng nào, cơ thể tôi bình phục nhanh chóng đến bất ngờ đến cả hội đồng giải phẩu bệnh viện cũng phải ngạc nhiên. Một vài nhận định của bác sĩ cho rằng có lẽ do tủy máu hiến là của một thiếu niên trẻ, và các nhiểm thể máu mang tính ‘hợp nhất’ rất cao. Từng dòng máu đang lưu hành trong cơ thể tôi là của người thiếu niên ‘nào đó’ trong nước đã tình nguyện hiến cho. Ôi kỳ diệu thay, tôi đang sống bằng sức sống của một người khác. Một người thật xa lạ mà tôi chưa từng quen biết và có lẽ sẽ không bao giờ có dịp biết đến. Nhiều lần cả tôi và Thành đều cố gắng yêu cầu hội hiến tủy người Việt có biết tên hoặc bất cứ một chi tiết nào liên quan đến người ân nhân cao quí của tôi, của cả gia đình tôi. Nhưng chỉ được trả lời theo đúng qui ước và yêu cầu của người hiến tủy, họ không cho biết bất cứ chi tiết gì về người đó, ngoài chi tiết là của một thanh niên trong nước. Võn vẹn chỉ có vậy. Nhiều đêm tôi chợt mình thức giấc, bâng khâng tự hỏi, dòng máu nào đang lưu chảy và mang lại cho tôi cuộc sống mới với bao nhiêu hạnh phúc đời nầy. Người đó là ai, xin được một đời cảm tạ..!

3.

         Chỉ vài giờ nữa, Thành cùng Thủy đến đón tôi rời bệnh viện. Phòng tôi đầy những bó hoa của bạn bè, người thân, y tá và các bác sĩ bệnh viện. Tôi nhìn chung quanh thật kỷ căn phòng thân thương đã đem lại cho biết bao nhiêu giờ phút đau đớn và nhiệm mầu. Tôi đưa tay vuốt ve tấm ‘ra’ trải giường, bức màn cửa sổ... thân yêu biết chừng nào. Dựa mình vào khung cửa, bên ngoài, phía dưới đường là bãi đậu xe rực vàng màu nắng. Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ phía sau. Tôi quay người lại, bác sĩ Anderson đang chào tôi với nụ cườI thật thân ái:    
            - Chào bà Dinh. Hôm nay trông bà thật tuyệt diệu.
            - Cám ơn bác sĩ nhiều lắm.
            - Xin chúc mừng cho bà. Tôi vừa nhận được điện thoại và fax từ cơ quan hiến tủy người Việt về lý lịch của người hiến tủy mà bà hằng ao ước muốn biết.

         Ông vừa nói vừa đưa tôi tờ giấy fax:
            - Có cả hình, mặc dù không được rõ lắm. Chúc bà mọi điều may nắm và toại nguyện.

         Tôi ngồi vội xuống mép giường, nước mắt tuôn giòng, cúi xuống nhìn tờ giấy fax lòa nhòa. Phía dưới bức hình nhỏ lem đen mực của người thanh niên có khuôn mặt dễ nhìn là vài giòng chữ về lai lịch:

         Tên họ: Trần Trọng Minh
         Ngày và nơi sinh: 24/11/1980 - Huyện Vàm Răng, tỉnh Kiên Giang
         Tên họ cha: Trần Văn Trọng
         Tên họ mẹ: Võ Thị Thủy Tiên. 

Nguyễn Thị Phong Dinh

                                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét