Lược Sử Trường THKT

***Xin click vào hình để xem hình ảnh rõ hơn

Lược sử Trường Trung Học Kiên Thành


Cổng trường Trung Học Kiên Thành
Lời nói đầu - Trường Trung Học Kiên Thành không còn tồn tại đã trên 40 năm. Bây giờ, các cựu học sinh Kiên Thành đã là những người trưởng thành. Ngoài những người hiện sinh sống ở Việt Nam, còn có nhiều người sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng có lẽ nhiều hơn cả là ở Mỹ. Họ thành công trong xã hội, có danh phận, giàu sang cũng nhiều mà những người thất bại, gặp khó khăn cũng không ít.  Nhưng dù ở đâu, hoàn cảnh nào họ vẫn nhớ đến ngôi trường nhỏ nơi quê hương. Ở hải ngoại họ thường gặp gỡ, hội họp với nhau hoặc trao đổi email, hình ảnh - nhắc về ngôi trường thân yêu đó. Cách đây khoảng 10 năm, tại California, khi bạn Anthony Ngô (Nguyễn Thanh Nguyên), một cựu học sinh Kiên Thành, làm Website "Trung Học Kiên Thành", thầy Võ Văn Hạnh, cựu phụ tá giám học của trường đã có ý tưởng để tiểu sử của trường lên trang web đó, nhưng chưa kịp thu thập đủ tài liệu thì trang web đã đóng vì có nhiều trục trặc... Đành bỏ! Ngày nay, nhân có trang Blog Trung Học Kiên Thành, do Trần Hoa thực hiện thành công, được nhiều bạn cựu học sinh tìm đọc, nên thầy Hạnh và Trần Hoa đã kêu gọi các cựu giáo sư và cựu học sinh KT cùng nhau gom góp tài liệu, ký ức... để đưa lịch sử của trường lên mạng. Lời kêu gọi được nhiều người hưởng ứng. Nhân đó mà có bài Lược Sử Trường Trung Học Kiên Thành. Trường mới thành lập trong thời gian ngắn, chưa phát triển đến đâu đã bị xoá bỏ. Nhưng trong lòng người cựu học sinh KT thì Trường Kiên Thành vẫn tồn tại. Bản lược sử này giúp chúng ta nhớ lại những giai đoạn thăng trầm của trường xưa, để tìm đến gần nhau hơn. 

 Và đây là những người đã góp công, sức để viết trang lược sử này: thầy Nguyễn Văn Hiệu, thầy Huỳnh Ngọc Ấn, thầy Nông Thành Lợi, thầy Võ Văn Hạnh, thầy Hoàng Chiều Nhân, thầy Lê Văn Phúc, và các cựu học sinh Thanh Hà Cornioley, Nguyễn Thị Thúy Phượng, Trần Hoa, Anthony Ngo, Lâm Thị Thanh Sơn… cùng với sự đóng góp ý kiến của rất nhiều Thầy Cô và các bạn cựu học sinh khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến dựa trên trí nhớ, đôi khi không chính xác, cho nên chắc chắn là sẽ có nhiều nhầm lẫn và sơ sót.  Chúng tôi luôn hân hoan đón nhận mọi ý kiến đóng góp, bổ túc, sửa sai... để cho mọi chi tiết liên quan đến trường, ngày càng được chính xác và hoàn thiện hơn nữa.

Xin thành thật cám ơn quý Thầy Cô, và các bạn cựu học sinh THKT.

 Blog THKT


Trường Trung Học Kiên Thành, trước năm 1975, là một trường trung học đệ nhị cấp (coi  phụ chú 1) tại quận Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang. Trường nằm bên quốc lộ 61, xế xế bên kia đường là đền thờ Phó Cơ Điều và Giếng Cây Trâm. Trường cách ngã ba Rạch Sỏi khoảng chừng 10 phút đi bộ.

Tên trường là tên quận. Vậy khi nói về lịch sử của Trường Kiên Thành, nên biết qua sự thành lập của Quận Kiên Thành: Năm 1956, quốc hội Lập Hiến miền nam Việt Nam ban hành Hiến Pháp, đổi tên Quốc Gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hoà theo thể chế dân chủ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm là tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà. Một trong những công cuộc xây dựng đất nước của chính phủ Ngô Đình Diệm lúc đó có việc cải tổ hành chánh. Chính phủ ra sắc lệnh thay đổi địa giới của Đô Thành Sài Gòn Chợ Lớn và các nơi khác trong nước. Nhiều tỉnh mới được thành lập và nhiều tên mới thay thế những tên cũ. Tỉnh Kiên Giang và Quận Kiên Thành cũng được thành hình trong giai đoạn này.

I -Quận Kiên Thành –

Trước năm 1956 chưa có quận Kiên Thành, nó vốn là địa phận quận Châu Thành tỉnh Rạch Giá.

Năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận (gồm Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc) được sát nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Sau năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên quận Châu Thành thành quận Kiên Thành. Đồng thời chính quyền VNCH cũng tách đất quận Kiên Thành (vốn là quận Châu Thành ) thành lập thêm quận Kiên Tân. Quận Kiên Tân đặt quận lỵ tại Tân Hiệp và quận Kiên Thành đặt quận lỵ tại Rạch Sỏi. 

Năm 1957, một nghị định cuả chính phủ VNCH, ấn định các đơn vị hành chính các tỉnh, thì tỉnh Kiên Giang gồm 6 quận (với các tên mới của các quận) là Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Hà Tiên, Phú Quốc.

Quận Kiên Thành và quận lỵ Rạch Sỏi nằm trên ngã ba quốc lộ 80 và quốc lộ 61, cách thị xã Rạch Giá chửng 8 km.

Về phương diện hành chánh, sau năm 1975 quận Kiên Thành lại trở thành một phần của huyện Châu Thành. Quận lỵ Rạch Sỏi trở thành phường Rạch Sỏi. Như vậy, tên quận Kiên Thành chỉ tồn tại từ năm 1956 đến tháng tư năm 1975.

II -Trường Trung Học Kiên Thành: Sự thành lập và phát triển

1) Sơ khởi  (niên khoá 1966-1967 và 1967-1968)

Từ 1956 đến 1965 Quận Kiên Thành chỉ có trường tiểu  học, chưa có trường trung học. Học sinh học trung học phải đi học ở thị xã Rạch Giá. Tại Rạch giá lúc đó có một trường trung học đệ nhị cấp công lập là trường Nguyễn Trung Trực và một trường trung học tư thục là trường Võ Văn (trường này đóng cửa vào năm 1970), một tư thục đệ nhị cấp là trường Phó Điều. Ngoài ra còn có trường bán công (2) Lâm Quang Ky là trường trung học đệ nhất cấp. Học sinh thi vào lớp đệ thất Nguyễn Trung Trực mà rớt thì có thể ghi tên học trường tư hoặc trường bán công.

Năm 1965 do tình hình học sinh trung học càng ngày càng tăng nhiều, việc di chuyển không thuận tiện nên quận Kiên Thành có nhu cầu cấp bách thành lập trường trung học tại địa phương. Qua các báo cáo về tình hình giáo dục tại địa phương về bộ Quốc Gia Giáo Dục, Bộ Giáo Dục đã ra Quyết định số  445360/TTH/HV ngày 31/12/1966, cho mở trường trung học niên khoá 1966-1967 ở Kiên Thành. Do những khó khăn về trường sở và nhân sự, mãi đến cuối năm 1966 mới tổ chức được một cuộc thi tuyển học sinh lớp đệ thất cho trường trung học Kiên Thành. Ban giám khảo do trường Trung Học Nguyễn Trung Trực đảm nhiệm.

Trường Gỗ Kiên Thành
Kết quả thi tuyển được 2 lớp đệ thất, một đệ thất sinh ngữ Anh văn và một đệ thất sinh ngữ Pháp văn (3). Vì việc thi tuyển học sinh trễ hơn ba tháng, nên đến ngày 6 tháng 1 năm 1967  trường mới khai giảng năm học.  Như vậy, lớp đệ thất đầu tiên của trường chỉ học có 6 tháng.

Lúc này, trường chưa có cơ sở vật chất riêng, phải mượn 2 (trong 3) phòng học - ở bên kia đường -  của Trường Tiểu Học Kiên Thành, để giảng dạy.

Thầy Đỗ Hoà Lợi, nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học Kiên Thành kiêm nhiệm hiệu trưởng trường
Thầy Hiệu Trưởng Đỗ Hòa Lợi
Trung Học.

Niên khoá 1967-1968  tuyển thêm được 2 lớp đệ thất.  Vậy là có 4 lớp: 2 lớp đệ thất. 2 lớp đệ lục.

Trong các niên khóa này, giảng viên các bộ môn là do (phần lớn) các giáo chức địa phương - có đủ bằng cấp và trình độ chuyên môn - phụ trách giảng dạy.  Thông thường,  mỗi thầy, cô phải dạy nhiều môn khác nhau.  (Xem "DANH SÁCH THẦY CÔ PHỤ TRÁCH CÁC MÔN HỌC", * Vì trường THKT đã bị mất tên sau năm 1975, nên "Năm Phục Vụ" của quý Thầy Cô được ghi tới năm này mà thôi, mặc dù có nhiều vị vẫn tiếp tục dạy ở trường này - với một cái tên khác - cho đến lúc nghỉ hưu.)-(Xem Danh Sách Thầy Cô)


2) Hình thành (Từ niên học 1968-1969 đến 1971- 1972)

Niên khoá 1968-1969 có thêm 3 lớp đệ thất. Vậy là đến niên khoá này trường có tất cả 7 lớp: 3 đệ thất, 2 đệ lục, 2 đệ ngũ.

Thầy Đỗ Hoà Lợi xin thôi kiêm nhiệm hiệu trưởng trường trung học, chỉ giữ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học mà thôi.

Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Hiệu
Ngày 31/5/1969 Bộ Giáo Dục cử Thầy Nguyễn Văn Hiệu, giáo sư trung học đệ nhị cấp, làm hiệu trưởng trường Trung Học Kiên Thành, thay thế Thầy Đỗ Hoà Lợi.
Do sĩ số học sinh mỗi năm đều tăng nhanh, trường tiểu học không có đủ phòng học. Nhà trường phải chia các cấp lớp cho học 3 buổi: sáng lớp đệ ngũ, trưa lớp đệ lục và chiều lớp đệ thất.
Niên khóa 69-70, trường có 11 lớp: 4 thất, 3 lục, 2 ngũ, 2 tứ... nhưng trường chỉ có 3 phòng học... dù học 3 buổi cũng không đủ chỗ, nên trường phải mượn thêm 1 phòng của chi Thông Tin, ở về phía chợ RS, gần rạp hát Đồng Hưng... làm phòng học thứ tư... cho đến đầu năm 1970, học sinh vẫn phải học 3 buổi  (sáng: lớp đệ tứ và đệ ngũ....)
Để đáp ứng nhu cầu trường sở, Thầy Nguyễn Văn Hiệu đã cùng ông phó quận trưởng Nguyễn Minh Mẫn đi tìm đất để xây trường.  Quận đứng ra vận động xin đất. Cuối cùng thì đã lấy đất ruộng gần chợ Rạch Sỏi, bên đường quốc lộ 61- nối Rạch Sỏi-Minh Lương, ở vị trí đối diện với đền thờ Phó Cơ Điều, phía bên kia đường.  Đất rộng khoảng 2 hecta. Ngân sách xây cất các phòng học do bộ Giáo Dục tài trợ với sự đóng góp của quận và nhất là của phụ huynh học sinh.

Sáu phòng học mới được xây cất trong giai đoạn này. Ngoài ra, phía bên phải, gần cổng ra vào, còn
Lớp học xưa
có một căn nhà 2 tầng. Tầng trên  có xây vách kín, lót gạch bông, làm văn phòng Ban Giám Đốc. Tầng trệt chỉ có cột trống chưa có tường vách chung quanh.

 Việc xây cất do nhà thầu Lan Đình thực hiện. Tuy nhiên, đường đi vào trường rất thấp, không bằng phẳng vì nhà thầu phải lấy đất trong phạm vi đất trường để đắp nền cho việc xây các phòng học. Mùa mưa rất lầy lội. Thầy trò hàng năm phải móc đất  đắp thêm con đường vào các lớp. Đến năm 1972, nhân dịp đại hội Nhân Dân Tự Vệ được tổ chức ở  gần trường, với sự tham dự của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nên con đường vào trường được bồi đắp thêm, và cán đá 

Lớp học xưa
rộng rãi hơn. Có nền cho một cột cờ rất cao. Chung quanh khuôn viên trường được rào bằng giây kẽm gai.

Đầu năm 1970 trường dọn về địa chỉ mới, không còn lớp phải học buổi trưa nữa.

 Số lớp học đến cuối niên học 1970 là 11 lớp: 4 đệ thất, 3 đệ lục,  2 đệ ngũ và 2 đệ tứ.
Trường được chính thức thừa nhận là trường Trung Học Đệ Nhất Cấp do Nghị Định số 227GD/KHPC/PC/NĐ  ngày 05/2/1970  của Bộ Quốc Gia Giáo Dục.

Các Niên Khóa từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1974:

Ban Giám Đốc:
Hiệu Trưởng: Thầy Nguyễn Văn Hiệu
Giám Học: Thầy Lê Phước Quơn (kể từ năm 1972)
Tổng Giám Thị: Thầy Đoàn Văn Sâm
Thư Ký, Giám Thị: Thầy Lâm Văn Ba, Thầy Nguyễn Phúc Đức, Cô Lý Thị Thu Hương...
 Nhân Viên Kế Toán: ông Võ Văn Khai

Thành Phần Giảng Viên: từ niên khoa 1968-1969, ngoài một số giáo chức địa phương vẫn còn tiếp tục dạy các lớp, trường được tăng cường thêm nhiều giáo sư từ các trường khác chuyển tới,  hoặc được bổ nhiệm từ các trường đại học Sư Phạm Cần Thơ và Sài Gòn.  (Xem "DANH SÁCH THẦY CÔ PHỤ TRÁCH CÁC MÔN HỌC" , * Vì trường THKT đã bị mất tên sau năm 1975, nên "Năm Phục Vụ" của quý Thầy Cô được ghi tới năm này mà thôi, mặc dù có nhiều vị vẫn tiếp tục dạy ở trường này - với một cái tên khác - cho đến lúc nghỉ hưu.) - (Xem Danh Sách Thầy Cô)

Hội Phụ Huynh Học Sinh: được thành lập rất sớm,  đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng nhà 
Thầy Hiệu Trưởng Hoàng Chiều Nhân và Hội PHHS
Từ trái sang phải; Ông Lâm Ngọc Chương, Ông Đỗ Văn Cạnh, Ông
 Bùi Quang Khâm, Ông Trương Văn Ninh, Ông Nguyễn Văn Hườn
trường về cơ sở vật chất của trường, cũng như hỗ trợ các giáo sư về mặt tinh thần và nơi ăn nơi ở. Nhất là các giáo sư từ xa đổi đến, hoặc mới tốt nghiệp trường sư phạm được bổ tới.

Hội trưởng đầu tiên là ông Đặng Văn Hưng (Đặng Tấn Phát). Sau này là ông Trương Văn Ninh làm hội trưởng. Thành viên có các ông Bùi Quang Khâm, ông Đặng Tấn Phát, ông Nguyễn Văn Tiết (Hiệp Phát). ông Nguyễn Văn Cao (Việt Ảnh) , ông Trần Văn Dự (Đức Lợi), ông Lâm Ngọc Chương (Việt Lâm), ông Đỗ Văn Cạnh, ông Nguyễn Văn Hườn...

(Thời gian này cũng là lúc trên toàn quốc danh xưng các lớp thay đổi, bỏ cách gọi theo lối hán việt và thứ tự từ số lớn đến nhỏ, thay bằng số ngược lại từ nhỏ đến số lớn.
Lớp đệ thất gọi là lớp sáu; đệ lục gọi là lớp 7; …..lớp đệ tứ gọi là lớp 9. Hết lớp 9 là hết trung học đệ nhất cấp.
Trung học đệ nhị cấp gồm các lớp 10, 11, 12.  Học hết lớp 12, học sinh trên toàn quốc dự thi lấy bằng Tú Tài. Đậu Tú tài được coi là học xong trung học.)

Kể từ niên khóa 1970-1971 trường bắt đầu có lớp đệ tam tức là lớp đầu của trung học đệ nhị cấp. Rồi đến 1971-1972 có lớp đệ nhị. Như vậy trường trở thành trường đệ nhị cấp, nhưng chưa được bộ hợp thức hoá.

3) Củng cố và Phát triển 

Đến niên học 1972-1973 trường Trung Học Kiên Thành mới được hợp thức là Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp do Nghị Đinh số 226 GD/KHPC/PC/NG ngày 31/1/1973 của Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên

Niên khoá 1973-1974 trường cố gắng mở lớp 12, nhưng gặp khó khăn vì sỉ số học sinh còn ít.  Giáo sư chuyên môn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, vì muốn có lớp 12 để học sinh lớp cuối trung học và sẽ thi tú tài, không phải học xa, mặt khác số giáo sư đệ nhị cấp chính ngạch cũng đã đưọc bổ nhiệm tới đã gần đầy đủ, nên ban giám đốc cùng giáo sư và phụ huynh học sinh đồng lòng xin bộ Giáo Dục chấp thuận cho mở lớp 12.  Đến niên khoá 1974-1975, trường đã có lớp 12 đầu tiên.

Hội Phụ Huynh Học Sinh tuy rất tích cực đóng góp vào việc xây dựng cơ sở vật chất của trường, nhưng cũng có những người vì quá nhiệt tâm đến việc giáo dục ở địa phương,  nên có phần can thiệp quá nhiều vào đời sống của giáo sư và vào sinh hoạt chuyên môn, nên gây khó khăn không ít cho việc điều hành của trường.  Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Hiệu đã gặp nhiều khó khăn, muốn củng cố ban giám đốc, nhưng không thực hiện được.

Giữa niên khoá 73-74,  Thầy Nguyễn Văn Hiệu được thuyên chuyển về trường Nguyễn Trung Trực.  Thầy Hoàng Chiều Nhân, giáo sư trường Trung Học Nguyễn Trung Trực được cử xử lý thường vụ trường TH Kiên Thành thay thế Thầy Nguyễn Văn Hiệu.
Sau đó, một Sự Vụ Lệnh của Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên ký ngày 20 tháng 7 năm 1974 cử Thầy Hoàng Chiều Nhân chính thức giữ chức vụ Hiệu Trưởng trường trung học Kiên Thành.

Sau khi chính thức nhận chức vụ Hiệu Trưởng, Thầy Hoàng Chiều Nhân đã mời và đề cử nhân sự vào các chức vụ ban Giám Đốc nhà trường như sau:
Thầy Hiệu Trưởng Hoàng Chiều Nhân

Ban Giám Đốc (kể từ giữa niên khoá 1973-1974):
Hiệu Trưởng: Thầy Hoàng Chiều Nhân
Giám Học: Thầy Lê Phước Quơn  (đã giữ chức vụ Giám học từ niên                         khoá 72-73 )
Phụ Tá Giám Học: Thầy Võ Văn Hạnh (niên khoá 74-75)
Tổng Giám Thị: Thầy Huỳnh Ngọc Ấn (niên khoá 74-75)
Phụ Tá Tổng Giám Thị: Thầy Lê Văn Báo (niên khoá 74-75)
Giám Thị các cấp lớp: Thầy Ngô Văn Tài, Thầy Lâm Beo, Cô Quý,                         Cô Tiêu Nghĩa Phụng, Cô Lý Thị Thu Hương, Thầy                                Huỳnh Chương Trình...
Hành Chánh, Kế Toán: Ông Võ Văn Khai,  Lâm Văn Ba

Sau khi ban giám đốc thành lập và ổn định, Thầy Hiệu trưởng đã triệu tập một buổi họp đặc biệt giữa Ban Giám Đốc, một số giáo sư và các đại diện Hội Phụ Huynh Học Sinh, với sự chứng kiến của ông Chánh Sở Vụ sở Học Chánh Kiên Giang, để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa phụ huynh học sinh và ban giám đốc cũng như giáo sư của trường. Buổi họp diễn ra trong tinh thần dân chủ, cởi mở, tương kính. Những hiểu lầm đã được giải thích thoả đáng. Từ đó phụ huynh học sinh và nhà trường đã hợp tác vui vẻ và tích cực trong nhiều mặt.

Xây dựng cơ sở:

Để dáp ứng việc gia tăng sỉ số học sinh, mỗi năm trường đều xây thêm 2, 3 phòng học. Đến cuối niên học 73-74, bộ Giáo Dục lại cho xây thêm 3 phòng học mới. Ngân sách của bộ không đủ để xây những phòng học khang trang,  hội phụ huynh học sinh đã đứng ra nhận bỏ thêm tiền để xây cất 3 lớp học này. Với nền đắp cao hơn. Phòng học mới được xây bên cánh trái, nếu đứng từ ngoài cổng nhìn vào, các dãy phòng học lập thành hình chữ U, với:
- Bên cánh trái: có 3 dãy, với 8 phòng học (3+2+3)
- Phía chính giữa: có 3 dãy, với 9 phòng học (3+3+3)
- Bên cánh phải: có 2 dãy, với 4 phòng học (2+2)
Tổng cộng có tất cả là 21 phòng học. Một phòng được dùng làm phòng giáo sư.
Sân trường rất rộng, có một khu làm sân bóng chuyền.
Đồng thời hội PHHS cũng hoàn tất luôn việc xây vách chung quanh tầng trệt khu văn phòng, làm thành một phòng lớn dùng làm phòng sinh hoạt và hội họp. Sau này dùng làm thư viện. Tầng trên được trang bị và có vách ngăn làm văn phòng Hiệu Trưởng, phòng Giám Học, phòng Tổng Giám Thị và văn phòng hành chánh, kế toán.
Bảng tên trường: TRUNG HỌC KIÊN THÀNH  đúc bằng bê tông, sơn xanh, chữ trắng.

Ngoài ra Hội PHHS còn có một quỹ học bổng để cấp học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi.


Thư Viện 

Đầu niên học 74-75, Giáo sư Anh Văn là cô Hà Thị Ngâu được cử đi dự khoá tu nghiệp về thư viện ở
Thư Viện
Saigon. Khi về, cô  đảm nhiệm chức Quản Thủ Thư Viện của trường.
Ý kiến thành lập thư viện trường được phụ huynh học sinh và giáo sư vô cùng hưởng ứng.  Nhiều phụ huynh đã tình nguyện tặng bàn ghế, kệ, tủ cho thư viện. Ngoài ra còn có tủ thuốc cấp cứu. Một tủ có nhiều ô cho giáo sư, mỗi người một ô để sách báo, vật dụng riêng….

Về sách đọc, và sách học; ngoài những sách do các cơ quan văn hoá Hoa Kỳ, Pháp, và Tổ Chức Liên Lạc Văn Hoá Á Châu... tặng, nhà trường còn xin ngân sách của bộ Giáo Dục, lạc quyên phụ huynh và giáo sư lấy tiền mua thêm sách. Hơn nữa, trường cũng phát động phong trào học sinh góp sách cho thư viện. Mỗi học sinh có thể đem cho thư viện một hay nhiều sách tùy ý. Chẳng bao lâu thư viện đã có khá nhiều sách tiếng bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh, tiếng Pháp về nhiều mặt văn chương, lịch sử, khoa học... Cô quản thủ thư viện phải vất vả lo xếp loại, đánh số code v.v…làm thẻ mượn sách… Nhiều học sinh cũng thích thú đến làm thiện nguyện giúp cô Ngâu một cách vui vẻ.

Thư viện khánh thành ngày 8/1/1975.  Lễ khánh thành được tổ chức rất trang trọng trong sân trường. Tất cả giáo sư, học sinh đều tham dự. Ai cũng phấn khởi, nao nức chờ vào thư viện xem sách. Các quan khách, nhất là phụ huynh học sinh đều khen ngợi tinh thần làm việc của các giáo sư, các giám thị cũng như tinh thần kỷ luật của học sinh. Sau phần nghi lễ, cửa thư viện mở rộng, mọi người đều hăm hở vào quan sát và mượn sách đọc ngay tại chỗ.

Sinh hoạt học đường

Sinh hoạt học đường là một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục đương thời. Ở trong lớp, học sinh thâu thập kiến thức có tính cách giáo khoa một cách thụ động. Ít có cơ hội phát huy sáng kiến. Sinh hoạt học đường là môi trường để học sinh vui chơi và thực hành những gì đã học. Trong sinh hoạt học đường hoc sinh tập sống tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm, tập sinh hoạt dân chủ, tập lãnh đạo và phát huy sáng kiến.

- Tổ chức sinh hoạt học đường  

Để điều hành và tổ chức các sinh hoạt trong một trường trung học thì có Ban Chấp Hành Hiệu Đoàn. Ban này gồm có Hiệu Đoàn Trưởng,  HĐ Phó và các trưởng ban: Văn Nghệ, Thể Thao, Báo Chí, Xã Hội v.v. . các ban nhiều hay ít tùy trường. Các chức vụ đều do học sinh bầu ra. Ban Giám Đốc nhà trường sẽ cử các giáo sư làm cố vấn. Tuy nhiên tại nhiều trường, vì học sinh chưa quen sinh hoạt và nhiều việc liên quan đến tài chánh và luật lệ nên Hiệu Đoàn Trưởng phải là người thành niên. Thường là một thành viên của ban giám đốc hay một giáo sư.

Mỗi lớp có một giáo sư hướng dẫn (danh xưng giáo sư hướng dẫn chứ không phải là giáo sư chỉ đạo,hay chủ nhiệm) làm cố vấn cho học sinh. Lớp sẽ tổ chức bầu ban đại diện lớp gồm trưởng và phó trưởng lớp cùng các ban sinh hoạt như văn nghệ, thể thao,
Cựu HS. Nguyễn Vinh Quang Tổng Thư Ký 
Ban Điều Hành học sinh THKT, niên khóa 74-75
báo chí, kỷ luật… Các đại diện lớp sẽ bầu một ban điều hành học sinh toàn trường - đứng đầu là Tổng Thư Ký, và các trưởng khối văn nghệ, báo chí, thể thao, du lịch, xã hội... Tổng Thư Ký ban điều hành học sinh toàn trường KT niên khóa 74-75 là Nguyễn Vinh Quang.

Tại trường Kiên Thành, vì là trường mới thành hình chưa lâu, nên năm học 74-75 thì Hiệu Trưởng kiêm Hiệu Đoàn Trưởng và Tổng giám thị Huỳnh Ngọc Ấn là Hiệu Đoàn phó. Các khối đều là do các giáo sư được đề cử ra làm cố vấn cho học sinh. Các cố vấn của các khối gồm có:
Khối Văn Nghệ: thầy Lê Văn Phúc và phụ tá là cô Hà Thị Ngâu
Khối Báo Chí: thầy Nguyễn Đình Lý, phụ tá là cô Bùi Thanh Trang
Khối Thể Thao, Du Lịch: thầy Ngô Văn Tài.

- Các sinh hoạt và thành tích

Các sinh hoạt của trường, lúc đầu chỉ quanh quẩn trong các buổi đi cắm trại, vui chơi hoặc đấu bóng chuyền, bóng bàn... hay thi nấu ăn, gia chánh, bích báo....trong phạm vi nội bộ trường. Thỉnh thoảng có tham gia đấu giao hữu bóng chuyền, bóng bàn với các đoàn thể, hay trường khác trong quận...

Ban hợp ca KT đang trình diễn bài
"Yêu Người Yêu Đời", 1972
Năm 1972, lần đầu tiên trường tham dự thi văn nghệ (đơn ca và hợp ca) trong kỳ đại hội Nhân Dân Tự Vệ, với sự dẫn dắt của Thầy Lê Văn Được.

Lần kế tiếp, sở học chánh Kiên Giang có tổ chức giải thi bóng tròn cho các trường trung học trong thị xã Rạch Giá. Với sự dìu dắt của giáo sư  Nông Thành Lợi, đội bóng tròn Kiên Thành đã được thành lập cấp tốc để dự cuộc tranh giải. Kết quả đội bóng Kiên Thành đã đoạt chức vô địch, thắng đội Nguyễn Trung Trực với tỉ số  2-1.

Và những lần sau nầy, Sở Học Chánh Kiên Giang có tổ chức các cuộc thi văn nghệ, báo chí cấp toàn 
Dự thi văn nghệ Sở Học chánh KG
tỉnh tại Rạch Giá. Giáo sư Nguyễn Đình Lý được mời tham gia ban giám khảo, và thầy Lê Văn Phúc đã dìu dắt đoàn văn nghệ của trường tham dự đầy đủ các cuộc tranh tài đơn ca, hợp ca, vũ, kịch.  Kết quả như sau:
- Đơn ca: em Lâm Thị Thanh Sơn, học sinh lớp 6/4 KT, đã đoạt giải nhất, với bài hát Lòng Mẹ, nhận được giải thưởng là một cây đàn Guitar.
- Hợp ca: trường KT đoạt giải nhì, với Trường Ca Con Đường Cái Quan (trường Nguyễn Trung Trực đoạt giải nhất).
- Vũ: trường KT đoạt giải nhì với vũ khúc Trèo Lên Quan Dốc (trường Minh Đức đoạt giải nhất)
- Kịch: Trường KT đoạt giải nhì với hài kịch Bên Trọng Bên Khinh (trường Kiên Tân đoạt giải nhất)
Dự thi văn nghệ Sờ Học Chánh KG

Về báo chí, trường tham gia dự thi bích báo từ cấp lớp 6 đến lớp 11 (không dự thi cấp lớp 12), và chuyện một chuyện rất hi hữu đã xảy ra, đó là trường THKT đã đoạt giải nhất ở tất cả các cấp lớp từ lớp 6 đến lớp 11.

Vào đầu niên khoá 1974-1975, trường THKT đã có được 30 lớp - gồm 8 lớp 6, 6 lớp 7, 5 lớp 8, 4 lớp 9, 3 lớp 10, 3 lớp 11, và 1 lớp 12 với sỉ số học sinh vào khoảng 1200 em, và một ban điều hành trường gồm ban giám đốc, ban giảng huấn, và nhân viên văn phòng lên đến 40 người... Các sinh hoạt trong phạm vi trường đã rất khởi sắc. Học sinh các lớp đều có tổ chức pic-nic, sinh hoạt văn nghệ, và làm bích báo nhiều hơn. Đội bóng chuyền, bóng tròn  được thành lập và thày trò luyện tập đều dặn hơn. Các thày cô cũng tham dự các buổi đấu bóng bàn cùng học sinh.

Hội chợ Tết Ất Mão 31/01/1975
Ngày 31/1/1975 ban sinh hoạt toàn trường đã tổ chức ngày Hội Tết Dân Tộc để mừng xuân Ất Mão trước khi nghỉ tết. Các giáo sư và học sinh hội họp liên miên trong tình thân và dân chủ trong nhiều ngày trước ngày hội. Học sinh đã có sáng kiến thi làm cành mai trang trí ngày tết. Đến ngày hội, phụ huynh và quan khách đều trầm trồ trước một rừng mai vàng đầy sân trường. Phụ huynh học sinh được mời cùng giáo sư đại diện đi qua rừng mai vàng để chấm giải. Cành mai đoạt giải nhất đã được trao tặng cho một phụ huynh đã đóng góp nhiều công sức cho trường.
Hội chợ Tết Ất Mão 1975

Tại các lớp, học sinh cũng có những sinh hoạt riêng, rất đa dạng. Ban giám đốc và giáo sư được mời đến từng lớp “ăn tết” và chúc tết. Đây là lúc thầy trò gần gũi, thân thiết nhau  nhất, Thầy trò và cả các giám thị có cơ hội trò chuyện, tâm sự ngoài chương trình học.

Đấu bóng chuyền giao hữu với
đội bóng chuyền Đảo Lại Sơn
Để khuyến khích học sinh tham gia sinh hoạt tập thể, tạo dựng tinh thần tương thân tương ái giữa các bạn đồng môn, và sự cảm thông giữa thầy và trò, trường đã tổ chức cuộc du ngoạn hòn Lại Sơn từ ngày 28 tháng3 đến ngày 31 tháng 3, năm 1975.  Trong dịp này các giáo sư và các em học sinh KT đã có dịp viếng thăm các thắng 
Hội chợ Tết Ất Mão 1975
cảnh, và các bải biển đẹp  của hòn... Cùng tắm biển rất thoải mái, và đấu bóng chuyền giao hữu với đội bóng chuyền  khá chuyên nghiệp của đảo... Ghi thêm một kỷ niệm khó quên về ngôi trường thân  yêu của mình...

Trường Trung Học Kiên Thành mặc dầu được thành lập vào năm 1966, nhưng phải trải qua nhiều gia đoạn khó khăn, đến năm 1970 mới bắt đầu có trường sở riêng biệt, tuy vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt cả về cơ sở lẫn nhân sự. Phải đến niên khoá 1974-1975 mới 
được củng cố vững vàng, mọi sự mới vào quy củ và đang trên đường phát triển.

III- Quận Kiên Thành và Trường Kiên Thành biến mất

...Trong những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt.  Dân chúng ở nông thôn không được sống yên ổn làm ăn. Tình hình chính trị, quân sự thay đổi rất nhanh. Do những biến cố liên tiếp trong khoảng đầu năm 1975, trường được lệnh phải bế giảng các lớp ngày 14/4/1975 mặc dầu niên học còn dài. Chỉ có lớp 12 tiếp tục học đến tháng năm để chuẩn bị thi tú tài.  Nhưng rồi học sinh cũng không được học đến kỳ thi tú tài. Sau ngày 30 tháng tư 1975, trường Trung Học Kiên Thành và quận Kiên Thành đều bị mất tên.

Về mặt địa lý hành chánh và mặt cụ thể thì quận Kiên Thành và Trường Trung Học Kiên Thành không còn nữa. Nhưng đối với người dân địa phương, nhất là đối với cựu giáo sư và cựu học sinh - trong nước cũng như ở hải ngoại - thì trường Kiên Thành vẫn tồn tại trong lòng họ. Những buổi hội họp thầy trò KT, những buổi hội ngộ hàng năm ở hải ngoại và những buổi hội ngộ trong nước chứng tỏ điều này. Khi nào còn tình thầy trò, tình đồng học thân thiết, còn tình yêu quê hương, còn đạo lý dân tộc, thì Trung học Kiên Thành vẫn còn. Trang mạng "Blog Trung Học Kiên Thành - Trường Xưa Bạn Cũ" đã làm nhiệm vụ nối kết một cách hữu hiệu, duy trì tinh thần TH Kiên Thành luôn bền vững và gắn bó keo sơn lâu dài hơn nữa.


______________________________________________________________________________

Phụ Chú 

1/ Mục tiêu giáo dục và hệ thống các cấp lớp: Giáo dục VNCH đặt nền tảng trên 3 nguyên tắc: nhân bản, dân tộc, khai phóng (hay khoa học). Nguyên tắc nhân bản là giáo dục giúp trẻ hình thành nhân cách toàn diện của nó một cách tự nhiên, bao gồm lý trí, tình cảm và thể chất. Các môn khoa học thuần lý, khoa học thực nghiệm, khoa học nhân văn... giúp trẻ phát triển trí thức, nẩy nở tình yêu chân thiện mỹ. Mục tiêu dân tộc giúp trẻ hiểu biất về lịch sử, địa lý, văn hóa nước nhà, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, dân tôc. Nhưng trẻ sẽ không sống khép kín mà phải mà mở rộng tình yêu đối nhân loại, không độc tôn dân tộc, có tinh thần tự do, tôn trọng sự khác biệt văn hoá của dân tộc khác, có tinh thần dân chủ và khoa học. Đó là khai phóng.

Hệ thống cấp lớp: tiểu học 5 năm (gồm: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất - sau này là: lớp 1 đến lớp 5), không kể mẫu giáo. Trung học đệ nhất cấp 4 năm (gồm các lớp: đệ thất, đệ lục, đệ ngủ, đệ tứ - sau này là lớp 6 đến lớp 9). Hết đệ tứ (lớp 9) hs phải thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (hay Trung Học Phổ Thông). Đậu THPT rồi mới được học vào học lớp 10. Từ niên khoá 1966-1967 bộ Giáo Dục bỏ hẳn kỳ thi THPT. Học sinh đủ điểm, thì được ghi tên học lớp 10. Hết lớp 12 hs thi lấy bằng Tứ Tài. Trước 1973, hoc sinh học xong lớp đệ nhị (lớp 11) phải thi tú tài phần một. Đậu tú tài phần 1 rồi mới được học lớp đệ nhất (lớp 12)  để thi Tú Tài 2 hay Tú Tài Toàn Phần. Đó là phần học trước Đại Học. Xong tú tài 2, thì học sinh coi như đã trở thành người lớn, có thể tiếp tục học lên đại học hay vào đời làm việc.

2/ Các trường  công, tư và bán công – giáo dục VNCH hoàn toàn miễn phi từ tiểu  học đến đại học. giáo dục tiểu học là giáo dục cưỡng bách. Trẻ em từ 6 tuổi, từ thôn quê hẻo lánh đến thành phố đều được quyền được giáo dục, và bắt buộc phải đến trường học. Tiểu học công chứ không có tiểu học tư. Ở trình độ trung học thì vì ngân sách bộ, nhất là trong tình trạng đất nước có chién tranh, nên trường trung học công lập không đủ đáp ứng nhu cầu. Học sinh muốn vào học trung học công lập phải qua kỳ thi tuyển vào trường công từ lớp đệ thất (lớp 6). Họ sinh không trúng tuyển thì phải học trường tư, nghĩa là phải đóng học phí. Trường bán côngg là một dạng trường tư, nhưng học phí nhẹ hơn vì trường được Bộ Giáo Dục tài trợ.

3/ Chọn sinh ngữ - học sinh lên trung học bắt buộc phải học một sinh ngữ: hoặc Anh ngữ, hoặc Pháp ngữ. Khi ghi tên thi tuyển vào lớp đệ thất học sinh phải chọn học một sinh ngữ cho suốt thời gian học trung học (7 năm). Từ lớp đệ tam trở lên, tức đệ nhị cấp, học sinh phải chọn thêm một sinh ngữ phụ nữa.  Nếu đã có sinh ngữ chính là tiếng Anh thì học sinh sẽ phải học thêm sinh ngữ phụ là Pháp, và ngược lại.

_________________________________________________________________________________

DANH SÁCH THẦY CÔ PHỤ TRÁCH CÁC MÔN HỌC TRƯỜNG THKT

Xin click vào link bên dưới để xem Danh Sách Thầy Cô 
phụ trách các môn học trường THKT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét