Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 11

Lạc Nẻo Thiên Đường
Ký sự của Thanh Hà 


Vườn tưởng trọn mùa hoang phế
Còn thơm một nụ quỳnh hoa
Lịch tưởng trọn vòng hoen lệ
Còn tươi một ánh dương hoà

…lòng em còn ngát hương duyên
Đỏ thắm như lòng Trái Đất
Tình ta còn mới y nguyên
Như buổi Thiên Đường chưa mất…

…em ạ Thiên Đường vừa mở
Chờ ta chắp cánh bay về
( Thiên Đường Lại Mở, thơ Vũ Hoàng Chương )

Bài ký sự số 10, tôi kể giai đoạn thăm viếng Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, được đặt chân lên chiếc cầu từng chia đôi hai miền Nam Bắc trong 21 năm Hiền Lương bắc qua giòng sông Bến Hải, rồi nào là Thạch Hãn, Đông Hà, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh..những địa danh lưu dấu sử xanh, nơi xảy ra các trận chiến kinh hoàng ác liệt, nơi hàng trăm ngàn dân lành vô tội chết phơi thây lẫn cùng chiến sĩ lúc bỏ nhà cửa tháp tùng đoàn quân lánh nạn chạy về phía Nam. Nên dù chỉ mới đến lần đầu nhưng các địa danh ấy đã in sâu vào tâm khảm tôi cảm giác rất quen thuộc. Nhớ về các biến cố tôi từng nghe, đọc, tả…qua báo chí, qua câu chuyện của chính các nạn nhân khiến lòng tôi xót xa buồn man mác.

Chúng tôi tiến dần ra địa phận Quảng Bình, ga Đồng Hới, bãi biển Nhật Lệ, thành cổ Quảng Bình thì trời ngã xế chiều nên dừng chân nghỉ lại, dạo thăm một vòng thành cổ, mua thức ăn đem pic nic dọc bãi biển Nhật Lệ… sáng hôm sau tiếp tục lên đường khám phá kỳ quan tráng lệ động Thiên Đường.

Từ Đồng Hới đến động Thiên Đường khoảng 75 km, là một quần thể hang động thuộc khu vực vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng. 

Sáu năm trước, sáu dì cháu tôi đã lên chương trình thuê xe gắn máy chạy từ Huế ra thăm viếng động. Nhưng xui xẻo thay – hay chính cái xui lại trở thành điều may mắn?–buổi chiều hôm trước, khi từ lăng mộ vua Minh Mạng quay về Huế, hai chú chó nhỏ đùa rượt đuổi nhau băng qua đường tông vào xe khiến hai dì cháu tôi ngã gục giữa đường thương tích khá trầm trọng đành huỷ bỏ chuyến đi Thiên Đường cho mãi đến giờ mới thực hiện được giấc mộng. Đúng ra chúng tôi có thể thực hiện bằng phương tiện khác từ lâu, là tót lên xe nhà có sẵn vừa tiện nghi an toàn, không vất vả mệt nhọc, không sợ nắng gió sạm da, lại ít tốn thời gian. Nhưng ngặt nỗi cái máu phiêu lưu trong tôi quá mạnh, tôi chỉ muốn đến đó bằng moto với hai vợ chồng người cháu mới thoả chí tang bồng hồ thỉ – vi vu trên con ngựa sắt thú vị nhiều lần hơn trên chiếc xe máy lạnh–. Sau đó các cháu kia của tôi bận việc làm không sắp xếp thời gian nghỉ trùng lúc tôi về VN được nên gát lại đến giờ vợ chồng cháu Vĩnh An mới tìm được cơ hội thích hợp cho chuyến đi dài ngày.

Như câu chuyện Tái Ông Thất Mã, năm ấy chưa kịp khám phá động Thiên Đường tôi đà suýt sa chân vào địa ngục, ngẩm lại, đình chuyến đi có lẽ là điều hay. Bởi xem lại con đường từ Huế vào tới động xa 230 km. Ba chiếc xe chúng tôi thuê là xe Honda thuộc thế kỷ trước, đời 1960’s, đã trải qua một vòng lục thập hoa giáp, động cơ nghe ì ạch rên xiết mệt mỏi lắm, chạy đường trường chắc chắn khó kham nỗi, lỡ chết máy thì coi như chúng tôi “bỏ mạng sa trường”. Chung quanh nơi đó là khu rừng nguyên sinh, chỉ có cây và cây, không phải khu dân cư phố xá tìm đâu chỗ sửa xe ? Ouf !!! Nếu chiều hôm trước không gặp tai nạn ở Huế, ngày hôm sau với ba chiếc xe cà tàng như thế, so sánh nguy cơ hư xe phải dắt bộ vài chục km với tai nạn chó tông, cái nào nguy hiểm hơn ? 
Sáu dì cháu tôi quả là “điếc không sợ súng, gân quá trời gân”.

Lần ấy tôi bị tai nạn cũng là một điều hi hữu khó giải thích. Tôi vốn không tin dị đoan lẫn cuồng tín, nhưng trong chuyện nầy, tôi tin là linh hồn chồng tôi theo bảo vệ phù hộ*. 
*Tôi có thuật lại sự việc trong ba bài ký sự Con Bướm Đen Cánh Viền Vàng mấy năm trước.

Lần này thì yên tâm. Nhóm cháu Vĩnh An & bạn tỏ tường thực lực, trang bị kiểm tra dầu nhớt, máy móc cho chiếc xe của chính mình chu đáo lắm. Hơn nữa hai thanh niên đều biết tự sửa xe, nên lỡ có trục trặc cũng không lo lắng chi.

Động Thiên Đường

Để mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn, tôi sao chép lại nguyên văn tờ propectus tả về động dưới đây. Họ viết nghe hấp dẫn hơn tôi viết.

“Được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất”, động Thiên Đường thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bỉnh là một trong những kỳ quan tráng lệ và huyền ảo bậc nhất thế giới.
Động Thiên đường nằm ở km 16 (cách rìa nhánh tây đường Hồ Chí Minh gần 4 km), nằm trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191m, bao quanh là cánh rừng nguyên sinh hoang sơ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, một địa danh quen thuộc trong các hành trình tour Quảng Bình.

“Động Thiên Đường có chiều dài hơn 31,4 km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m, nơi rộng nhất lên đến 150m; chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60-80m, được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất Châu Á, một trong những hang động kỳ vĩ nhất mà đoàn từng khảo sát nhiều hang động trên thế giới.

“Động Thiên đường có cấu trúc kỳ vĩ, tráng lệ và huyền ảo khiến những người khám phá hang động liên tưởng về một thiên cung nơi trần thế (vì vậy mà động được đặt tên là Thiên đường) là điểm đến không thể bỏ qua trong mọi chuyến du lịch Quảng Bình của du khách kể cả trong và khách nước ngoài.

Media Việt có khuynh hướng thích phóng đại mọi sự.–xin lỗi nhé, tôi cũng là người Việt đây–. Khi mô tả về điều gì cũng đều dùng những lời tâng bốc tận trời xanh, cái gì cũng đứng hạng nhất thế giới: to nhất thế giới, rộng nhất thế giới, cao nhất thế giới, dài nhất thế giới, đẹp có một không hai trên thế giới vân vân và vân vân…vì vậy muốn biết sự thật thì phải nhìn thấy tận mắt mới tin.
Tôi đã đến nơi. Nhìn tận mắt.
Và thật sự, trong mắt tôi, động Thiên Đường xứng đáng với danh xưng Thiên Đường như được ai kia hết lời ca tụng !!! 

Đường nào lên Thiên Thai
Nơi hoa xuân không hề tàn
Nơi bướm xuân không hề nhạt
Nơi tình xuân không úa màu bao giờ
( Đường Nào Lên Thiên Thai, nhạc Hoàng Nguyên )

Từ ngoài quốc lộ rẽ vào đường phụ, trước tiên chúng tôi đến địa phận có động Phong Nha-Kẻ Bàng. Cảnh quan một màu xanh ngát, xa xa thấy ngọn núi nho nhỏ chen lẫn cây ngàn. Muốn thăm động Phong Nha còn phải xuống bến có đò đưa qua sông dài nhiều km mới đến nơi. Chương trình nội ngày nay chúng tôi phải đến Ninh Bình cách 360 km mới dừng chân. Không đủ thời gian, nên chúng tôi ghé bến đò chụp vài tấm hình rồi chạy tiếp.
Chỉ mới từ đoạn đường dẫn vào nơi bán vé- còn hàng chục cây số, nếu nhớ không lầm- tôi đã choáng ngợp bởi cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy: hàng triệu con bươm bướm trắng nhỏ xinh uyển chuyển bay lượn dọc theo hai bên đường như thể vui mừng đón chào du khách, dẫn dắt vào động. Bị thu hút khó cưỡng bởi sinh vật vô tư trong trắng ấy, chúng tôi ngừng xe, dang hai cánh tay đùa giỡn lùa đàn bướm bay vòng vòng chạy tới chạy lui, như hồi còn thơ buổi trưa hay cầm cây đuổi bắt bướm vàng trong sân nhà vậy.

Vé vào thăm động 250.000 đồng V n/1 người, khoảng 10 francs tiền Thuỵ Sĩ. Người về hưu được bớt hình như phân nửa. Qua nơi soát vé, còn đi bộ xuyên rừng 1 km, hoặc không thích đi bộ thì mua vé ngồi xe điện mới đến cổng động. Đầu tiên phải đi men theo sườn đồi lên độ cao hơn 500m rồi theo cửa động đi xuống. Ai quen sống vùng khí hậu ôn đới khi vào động sẽ thấy mát mẻ, còn người không quen cần mặc thêm áo ấm. 
Qua khỏi cửa động hẹp, vào bên trong rộng chừng 200m, trần cao có nhiều khối đá , thạch nhũ được ánh sáng chiếu vào lung linh kỳ ảo dì cháu tôi không thể dừng thốt kêu oh, ah liền miệng bởi cảnh thần tiên lộng lẫy trước mắt. Du khách đi bộ trên chiếc cầu thang gỗ  Ngày xưa hai chàng Lưu Thần Nguyễn Triệu lạc bước Thiên Thai, chắc cảnh quan cũng chỉ đẹp ngần ấy thôi, ngoại trừ hai chàng may mắn gặp ngay Tiên nữ, có suối ngọc reo dưới bước chân, có tiếng đàn tiếng sáo quyện tiếng hát cùng rượu đào chào đón. Còn chúng tôi không được gặp Tiên nam nào, chỉ có anh chàng nhân viên bảo vệ hang cùng lác đác dăm du khách– thời điểm ấy giữa tháng tư 2022, mới chấm dứt việc phong toả bởi Covid-19 –. 


Ngày xưa sao Lưu Nguyễn. Gặp đường lên Thiên Thai
Nhạc vàng ai mê say Rượu đào ai ngây ngất
Suối ngọc reo dưới bước chân đi 
Tiếng nhạc tiên quyến luyến xiêm y
Ôi làm sao lạc vào đường Thiên Thai
( Đường Nào Lên Thiên Thai, Hoàng Nguyên )

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến mấy cung u huyền
( Thiên Thai, nhạc Văn Cao )

Cậu nhân viên tình cờ gặp chúng tôi trong lúc thi hành phận sự, gần như không có khách hay việc để làm khá nhàn rỗi nên cậu đề nghị để cậu chụp hình giùm chúng tôi, lựa nơi góc cảnh sáng và đẹp. Thế là nghiễm nhiên chúng tôi có hướng dẫn viên kiêm nhiếp ảnh gia.  Vừa chụp hình cậu vừa giải thích sơ lược về hang động này được đoàn thám hiểm người Anh phát giác vào năm 2005 mới chính thức công bố - thật ra người dân địa phương đã tìm ra nhiều năm trước đó-. Các núi, nhũ đá có màu trắng ngà, lam, vàng, hay hồng nhạt, được cấu tạo từ hàng triệu năm tuổi hoặc hơn. Động dài hơn 30 km, nhưng chính yếu được khai thác có bắc cây cầu gỗ lưng chừng động chu vi chừng 1km để du khách đi lại chiêm ngắm kỳ quan tuyệt mỹ.
Từ cây cầu nhìn xuống nền hang có con đường kéo dài sâu hơn, cậu nói nếu ai thích mạo hiểm mạnh thì có tour treking dài 7 km, phải ghi tên trước ít nhất vài người, có hướng dẫn viên, chuẩn bị thức ăn nước uống dụng cụ cần thiết thật chu đáo, số tiền trên một triệu ( hình như thế ).

Trong lúc chuyện trò, cậu kể là lúc trước có vào Saigon sinh sống vài năm, sau quay về quê lập gia đình không vào Nam nữa. Trước dịch Covid, ở đây có vài chục nhân viên, nay lớp nghỉ lớp bị cho nghỉ chỉ còn lại 5 người, làm ngày hơn chục tiếng đồng lương bèo bọt, đi về hai lượt xa gần 50 km, lúc ấy xăng lên giá nên đã mất khoản không nhỏ vào lương, muốn tìm việc nơi khác mà chưa ra…v..v.. Nghe kể, tôi cám cảnh nên dúi vào tay cậu tờ 200 ngàn. Đầu tiên cậu từ chối không nhận, nói không phải kể để được tôi tặng tiền. Tôi nói hãy nhận đi đừng ái ngại, coi như chút quà về cho cháu ở nhà. 
Đi thêm một lát, chụp thêm nhiều tấm hình vừa ý, tôi thấy số tiền mình cho ít quá nên lại lục ví đưa tiếp tờ 100 ngàn nữa trước khi từ giã leo lên cửa động trở về cuộc sống trần gian đời thường. Chia tay, cậu cám ơn dì cháu tôi. Còn chúng tôi cám ơn cậu đã chụp cho chúng tôi mấy tấm hình đẹp.
Đọc bài thơ của Sœur Mai Thị Ngượi viết về chuyến du lịch động Thiên Đường

Đường đi lên động Thiên Đường

Thác ghềnh vách đá dặm trường cheo leo
Có khe nước suối trong veo
Rừng xanh cây cối ngoằn ngoèo dáng mơ…

…những ai đến động Thiên Đường
Trở về đều thấy vấn vương Động Trời…

…dù cho ngăn cách đôi bờ
Con sông Bến Hải giữa cầu Hiền Lương
Miền Nam đến động Thiên Đường
Đều qua cầu đó quê hương nối liền…
(Động Thiên Đường, thơ Sœur Theresa Mai Thị Ngượi )

Rời động đã quá trưa, mà mục đích còn xa 360 km tận Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. 
Eo ơi ! 360km đường trường, cháu tôi nói sẽ đi một mạch chứ không dừng lại nghỉ chân ở chặng nào hết “Đường xa ngẫm nỗi sau nầy mà kinh” quá ! Sáng giờ đã ngồi xe lẫn đi bộ leo trèo núi cả 100 km chứ đâu ít.
Để xem sức tôi có kham nổi không nghe.

Thanh Hà 
LCDF, 23.04.2023







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét