Tản văn của Thanh Hà - Switzerland
1/-
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương
( Tôi đi tìm lại một mùa xuân, Đoàn Nguyên )
Tết sắp đến rồi, chỉ còn hơn 3 tuần nữa thôi.
Giờ ngồi không chẳng làm gì, đầu óc cũng thảnh thơi nên ”nó” hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Tôi chiêm nghiệm một điều: Người ta rất ngộ, lúc còn nhỏ thì mong thời gian trôi nhanh để được lớn. Khi lớn thì bận rộn túi bụi với cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp, nuôi dạy con cái ..v..v..quá mệt mỏi nên mong cho mau tới ngày về hưu để được an nhàn hưởng lộc thọ. Rồi ngày mong ước ấy đến, con cái rời bỏ đi xây tổ ấm riêng, còn lại hai ông bà sáng trưa chiều tối đi ra đi vào đụng mặt nhau chỉ ta với ta, thì đầu óc quay nhớ về xa xưa, cái thời con nít chơi nhà chòi dần dần tới tuổi hoa niên, những kỷ niệm lần lượt sống dậy khiến lòng ngậm ngùi tiếc nhớ. Ước gì thời gian quay ngược về quá khứ để mình được sống lại thuở ấu thơ.
Tôi chưa đến nổi già lắm. Mới bắt đầu mùa thu của cuộc đời thôi, nhưng vì tính đa sầu nên hoài cảm sớm hơn người khác. Hể ngó thấy cái gì hiện đại thì liền bắt tâm trí so sánh lại với thời cổ xưa, rồi đâm ra lẩn thẩn, bâng khuâng.
Gia đình tôi hai bên nội ngoại có điểm giống nhau là sống về nghề nông. Nhưng khác nhau chỗ ông bà nội có 7 người con và là địa chủ ở một làng ngày xưa chuyên về sản xuất chiếu (bây giờ thì hoàn toàn biến mất, chẳng còn một ai trong làng hành nghề nầy nữa). Còn ông bà ngoại chỉ có má tôi là con một duy nhất, và chỉ sở hữu có vài mẫu ruộng mà nếu thời đó đừng tiếp nuôi một bầy cháu ngoại 6 cái tàu há mồm chỉ biết ăn với học là chị em chúng tôi thì cuộc sống của ngoại cũng khá nhàn hạ, phong lưu theo kiểu của người nông dân chân chất thời bấy giờ.
Vì ông bà nội là địa chủ nên ba tôi được cho học hành tử tế như bao cậu công tử, rồi sau ra làm công chức. Má tôi là một thiếu nữ rất thông minh ham học, lại xinh đẹp nhất nhì trong làng bên cạnh, nên mới 16 tuổi đang ôm mộng trở thành y tá, bị ông ngoại bắt nghỉ học đem về gả cho ba tôi. Má tôi khóc lóc van xin, thầy giáo dạy má cũng đến nhà thuyết phục, bà ngoại tuy là phụ nữ phục tùng nhưng đã có tư tưởng tiến bộ cũng xúm vào năn nỉ nhưng không lay chuyển được ông ngoại “con gái học tới đó là đủ rồi”. Thế là má tôi đành nuốt lệ theo chồng, làm vợ anh công chức đẹp trai, hào hoa phong nhã.
Tình yêu đến sau hôn nhân, ba má tôi sống trong hạnh phúc hoà hợp. Vì vậy sáu chị em tôi mới có mặt trên trần gian nầy đó !!!
2/-
Ba tôi là một công chức thanh liêm nên gia đình chúng tôi sống rất thanh bạch. Má tôi tuy là một “lady” trong làng nhưng cũng phải may quần áo cho dân chung quanh để phụ thêm. Và nhất là nhờ ông bà ngoại cưu mang, nếu không thì chúng tôi không thể vào đại học ở Saigon với bao chi phí nhà trọ, sách vở, ăn, xe... Ông bà nội tôi mất sớm, lúc chị hai tôi mới ra đời được mấy tháng. (Đất đai tiêu tán ...bởi vì?!)
Với người khác, khi nhắc đến gia đình là người ta nghĩ đến ba mẹ, anh chị em. Nhưng với tôi, gia đình bao gồm ông ngoại, bà ngoại, ba má, chị em. Ông bà ngoại là những thành viên không-thể-thiếu trong khái niệm Gia-Đình của chúng tôi.
Nếu được hỏi: ai là người mà tôi ngưỡng mộ nhất? Tôi không ngần ngại trả lời, những người đàn ông tôi tôn thờ yêu quí nhất trong đời chính là ông ngoại và ba của tôi (sau này thêm vào chồng tôi nữa). Những người đàn bà tôi tôn thờ yêu quí nhất trong đời chính là bà ngoại và má của tôi. Vì đó là những người đã hy sinh cả đời để nuôi và giáo dục chúng tôi khôn lớn.
Tôi khâm phục những vĩ nhân anh hùng, những anh thư nữ kiệt, những người có tấm lòng quảng đại vị tha nhân. Nhưng chính sự hy sinh lặng lẽ âm thầm của ông bà ba má tôi mới là tấm gương chói sáng nhất, gần gũi nhất soi chiếu vào tâm hồn chúng tôi, dẫn dắt cho chúng tôi noi theo đến tận cuối đường đời vậy.
Nhiều lần tôi muốn viết về ông bà ngoại, ba má tôi. Nhưng tôi biết mình không đủ tài năng để diễn tả. Cần phải một bộ trường thiên tiểu thuyết mới đủ, với bao giai đoạn thăng trầm một đời.
Thôi thì ở đây tôi chỉ nhắc đến một việc nho nhỏ nhân dịp xuân về. Tuy nhỏ nhưng là một mảnh không thể thiếu trong bức tranh ký ức của tôi được.
3/-
Ngày xưa khi tôi còn bé, mỗi năm vào cuối tháng chạp, khi đã xong vụ mùa, lúa gặt đem về phơi khô đổ vào bồ để dành ăn dần cho đến mùa tới. Ngoại tôi để ra một công đất trồng nếp, vì vậy nhà chúng tôi có nếp ăn quanh năm không phải mua. Nếp tươi mới gặt ngoại đem một ít rang giã thành cốm dẹp, trộn với dừa nạo, nước dừa, đường thơm thơm dẻo dẻo tuyệt ngon, mà sau nầy tôi có ăn nhiều lần do người ta bán vẫn không sao tìm lại cái hương vị thơm dẽo của hạt nếp tươi ấy nữa.
Ngoài cốm dẹp, ngoại còn làm bánh phồng để ăn dần ra mãi hết tháng giêng.
Để cho ra chiếc bánh phồng, giai đoạn đầu thì tôi không biết vì lúc ấy còn bé lo chơi hơn bếp núc nên chả để ý ngoại làm thế nào. Giờ đây ngoại đã khuất bóng, tôi chẳng thể hỏi người được nữa. Nhưng giai đoạn sau thì tôi nhớ rõ vì chúng tôi có tham dự vào.
Trẻ con tuổi ăn ngủ, tôi còn nhớ má vào giường đánh thức mấy chị em để cán bánh. Trời cuối năm lành lạnh, tối đen vì phải thức thật sớm kịp làm cho xong để bình minh le lói ánh rạng đông là phải hoàn tất mang ra phơi nắng.
Tôi nhớ hình ảnh ông ngoại đứng dùng cái chày cao bằng người lớn giã vào cái cối , bà ngoại thì hai tay xoay trở khối bột trắng tinh đựng trong cối. Mỗi lần ông ngoại giã chày xuống , nhấc chày lên thì bà ngoại nhúng hai tay vào chậu nước lạnh hay nước cốt dừa chi đó rồi lẹ làng bắt khối bột trở sang mặt khác cho ông ngoại nện chày vào. Ông bà ngoại tôi làm rất ăn khớp, nhịp nhàng: ông giã, bà xoay. Tôi nhìn mà cứ lo sợ rủi bà ngoại không rút tay ra kịp sẽ bị cái chày nện trúng, và thán phục ngoại tôi vì chưa bao giờ hai người trật nhịp.
Lúc thấy nếp đã nhuyễn thành khối bột dính nhau, không còn hạt nào nguyên thì ngoại đem ra khỏi cối. Ông ngoại xong nhiệm vụ nặng nề thì lại bàn rót cà phê, nước trà ra uống, vấn thuốc lá hút.
Ba má chị em tôi xúm xít vây quanh, trước mặt là tấm thớt và miếng lá chuối có thoa dầu cho trơn. Bà ngoại bắt bột thành viên tròn để vào lá chuối cho từng người. Ta dùng tấm lá thứ hai đậy lên viên bột rồi cán mỏng ra. Mấy chị em tôi còn nhỏ nên chưa đủ lực , cứ mắm môi mắm lợi mà ép cho bột mỏng ra. Vì nếp quá dẽo nên cứ phải đẩy nhiều lần nó mới không thun lại , cái nào cái nấy méo mó. Người lớn phải chỉ dẫn nhiều lần , từ từ mới tạm tròn và xinh xắn.
Bánh cán xong thì đem đặt lên chiếc chiếu mới đã giặt sạch. Cả nhà vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, không khí rộn ràng của những ngày giáp tết.
Viết đến đây mà tôi vẫn còn như thấy lại hình ảnh sum vầy, hạnh phúc giản đơn của gia đình tôi mấy mươi năm về trước.
Chiếc bánh cuối cùng vừa cán xong thì mặt trời cũng bắt đầu dọi tia nắng lên vạn vật. Các chiếc chiếu đựng bánh phồng được mang ra phơi trên giàn cây bầu cây bí đã thôi ra trái bên vườn.
Tôi còn nhớ có một năm, sau khi phơi được vài giờ thì mặt trên đã khô, phải ra trở bánh cho đều. Lúc đó đã nghỉ tết không phải đến trường, tôi lân la ra tiếp ngoại thì thấy có con chim sẻ xà xuống kiếm ăn trên bánh ướt nên hai chân tí hon của nó bị kẹt cứng vào chiếc bánh tự hồi nào không bay đi được. Đến khi tôi nhìn thấy, mừng quá tôi bắt nó gọn vào trong tay, nó kêu chiêm chiếp giãy giụa. Tôi đem vào nhà khoe ầm ỉ hết. Định tìm cái lồng để nuôi. Nhưng sau nhớ câu: cá chậu chim lồng, tội nghiệp quá nên tôi thả cho nó bay hoà vào đất trời mùa xuân.
Đến giai đoạn ..ăn.
Một hình ảnh khác mà tôi không bao giờ quên, là giáp tết cũng có mấy ngày trời trở cơn gió bấc. Lá xoài, lá cây lý rụng đầy sân. Buổi sáng, bà ngoại và má thức dậy nấu xôi – nếp đầu mùa thơm dẽo phưng phức—rồi ngoại ra sân gom lá đốt để nướng bánh phồng. Ngoại tôi rất khéo tay, làm gì cũng kỹ lưỡng và ngon đẹp, bánh ngoại nướng bỏ ra có má múc xôi để vào, rắc dừa nạo, đậu phộng rang vàng, đường..lên mặt xong gói tròn lại cho nhanh lúc bánh còn nóng kẻo nó nguội thì sẽ bể. Sau đó chia cho mỗi đứa. Chúng tôi chỉ ăn một phần ba chiếc là đã no ứ vì bánh phồng ngoại tôi làm nó rất to và dầy. Đường kính dể đến 30cm, dầy gần 1cm lận.
Hương vị chiếc bánh ngọt thơm, âm thanh khi cắn nghe dòn rụm. Vào trong miệng thì nhẹ tan trên đầu lưỡi, tôi nhớ hoài chiếc bánh phồng ngoại làm, nếu chọn thi thì chắc chắn ngoại tôi sẽ được giải nhất ngay.
He he, mèo khen mèo dài đuôi đó.
Khi tôi 14 hay 15 tuổi thì ngoại yếu không giã bánh phồng nữa, thế là chúng tôi không còn được ăn chiếc bánh dân dã chứa nhiều tình tự quê hương.
4/-
Năm rồi về VN, buổi sáng qua piscine để bơi tôi có thấy vài người bán xôi trước cổng vào Trung Tâm: xôi lá dứa, lá cẩm, đậu xanh, xôi vò... được bao bằng bánh phồng cắt làm tư. Mừng quá, kêu chị tôi mua mang về nhà. Hí hửng vì sắp được thưởng thức món xôi bánh phồng, nhưng vì họ gói xong còn nóng, cho vào cái bao plastique nên về tới nhà, lớp bánh đã mềm nhũn nhệu , thất vọng quá chừng.
Sau đó, cháu tôi có đi tìm mua bánh họ nướng bán riêng, bánh mỏng chứ không dầy như của ngoại làm nên không cảm được cái dòn tan trên đầu lưỡi.
Tôi tiếc nhớ hoài hương vị chiếc bánh phồng của ngoại, hay đúng hơn là tôi thương tiếc cái kỷ niệm êm đềm thời xa xưa ấy. Qua rồi.. Qua thật rồi !!!
Giọng ca sĩ Minh Hiếu cất lên nghe bùi ngùi não nuột:
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Dù không mong đến chuyện tương phùng
Dù tháng năm trôi vào xa vắng
Và xuân nay khác biệt xuân xưa
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân năm đó chưa thấy lại
Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái
Tìm để mà tìm như thế thôi...
Thanh Hà, Switzerland
12. Jan.2016
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương
( Tôi đi tìm lại một mùa xuân, Đoàn Nguyên )
Tết sắp đến rồi, chỉ còn hơn 3 tuần nữa thôi.
Giờ ngồi không chẳng làm gì, đầu óc cũng thảnh thơi nên ”nó” hay nghĩ ngợi vẩn vơ. Tôi chiêm nghiệm một điều: Người ta rất ngộ, lúc còn nhỏ thì mong thời gian trôi nhanh để được lớn. Khi lớn thì bận rộn túi bụi với cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp, nuôi dạy con cái ..v..v..quá mệt mỏi nên mong cho mau tới ngày về hưu để được an nhàn hưởng lộc thọ. Rồi ngày mong ước ấy đến, con cái rời bỏ đi xây tổ ấm riêng, còn lại hai ông bà sáng trưa chiều tối đi ra đi vào đụng mặt nhau chỉ ta với ta, thì đầu óc quay nhớ về xa xưa, cái thời con nít chơi nhà chòi dần dần tới tuổi hoa niên, những kỷ niệm lần lượt sống dậy khiến lòng ngậm ngùi tiếc nhớ. Ước gì thời gian quay ngược về quá khứ để mình được sống lại thuở ấu thơ.
Tôi chưa đến nổi già lắm. Mới bắt đầu mùa thu của cuộc đời thôi, nhưng vì tính đa sầu nên hoài cảm sớm hơn người khác. Hể ngó thấy cái gì hiện đại thì liền bắt tâm trí so sánh lại với thời cổ xưa, rồi đâm ra lẩn thẩn, bâng khuâng.
Gia đình tôi hai bên nội ngoại có điểm giống nhau là sống về nghề nông. Nhưng khác nhau chỗ ông bà nội có 7 người con và là địa chủ ở một làng ngày xưa chuyên về sản xuất chiếu (bây giờ thì hoàn toàn biến mất, chẳng còn một ai trong làng hành nghề nầy nữa). Còn ông bà ngoại chỉ có má tôi là con một duy nhất, và chỉ sở hữu có vài mẫu ruộng mà nếu thời đó đừng tiếp nuôi một bầy cháu ngoại 6 cái tàu há mồm chỉ biết ăn với học là chị em chúng tôi thì cuộc sống của ngoại cũng khá nhàn hạ, phong lưu theo kiểu của người nông dân chân chất thời bấy giờ.
Vì ông bà nội là địa chủ nên ba tôi được cho học hành tử tế như bao cậu công tử, rồi sau ra làm công chức. Má tôi là một thiếu nữ rất thông minh ham học, lại xinh đẹp nhất nhì trong làng bên cạnh, nên mới 16 tuổi đang ôm mộng trở thành y tá, bị ông ngoại bắt nghỉ học đem về gả cho ba tôi. Má tôi khóc lóc van xin, thầy giáo dạy má cũng đến nhà thuyết phục, bà ngoại tuy là phụ nữ phục tùng nhưng đã có tư tưởng tiến bộ cũng xúm vào năn nỉ nhưng không lay chuyển được ông ngoại “con gái học tới đó là đủ rồi”. Thế là má tôi đành nuốt lệ theo chồng, làm vợ anh công chức đẹp trai, hào hoa phong nhã.
Tình yêu đến sau hôn nhân, ba má tôi sống trong hạnh phúc hoà hợp. Vì vậy sáu chị em tôi mới có mặt trên trần gian nầy đó !!!
2/-
Ba tôi là một công chức thanh liêm nên gia đình chúng tôi sống rất thanh bạch. Má tôi tuy là một “lady” trong làng nhưng cũng phải may quần áo cho dân chung quanh để phụ thêm. Và nhất là nhờ ông bà ngoại cưu mang, nếu không thì chúng tôi không thể vào đại học ở Saigon với bao chi phí nhà trọ, sách vở, ăn, xe... Ông bà nội tôi mất sớm, lúc chị hai tôi mới ra đời được mấy tháng. (Đất đai tiêu tán ...bởi vì?!)
Với người khác, khi nhắc đến gia đình là người ta nghĩ đến ba mẹ, anh chị em. Nhưng với tôi, gia đình bao gồm ông ngoại, bà ngoại, ba má, chị em. Ông bà ngoại là những thành viên không-thể-thiếu trong khái niệm Gia-Đình của chúng tôi.
Nếu được hỏi: ai là người mà tôi ngưỡng mộ nhất? Tôi không ngần ngại trả lời, những người đàn ông tôi tôn thờ yêu quí nhất trong đời chính là ông ngoại và ba của tôi (sau này thêm vào chồng tôi nữa). Những người đàn bà tôi tôn thờ yêu quí nhất trong đời chính là bà ngoại và má của tôi. Vì đó là những người đã hy sinh cả đời để nuôi và giáo dục chúng tôi khôn lớn.
Tôi khâm phục những vĩ nhân anh hùng, những anh thư nữ kiệt, những người có tấm lòng quảng đại vị tha nhân. Nhưng chính sự hy sinh lặng lẽ âm thầm của ông bà ba má tôi mới là tấm gương chói sáng nhất, gần gũi nhất soi chiếu vào tâm hồn chúng tôi, dẫn dắt cho chúng tôi noi theo đến tận cuối đường đời vậy.
Nhiều lần tôi muốn viết về ông bà ngoại, ba má tôi. Nhưng tôi biết mình không đủ tài năng để diễn tả. Cần phải một bộ trường thiên tiểu thuyết mới đủ, với bao giai đoạn thăng trầm một đời.
Thôi thì ở đây tôi chỉ nhắc đến một việc nho nhỏ nhân dịp xuân về. Tuy nhỏ nhưng là một mảnh không thể thiếu trong bức tranh ký ức của tôi được.
3/-
Ngày xưa khi tôi còn bé, mỗi năm vào cuối tháng chạp, khi đã xong vụ mùa, lúa gặt đem về phơi khô đổ vào bồ để dành ăn dần cho đến mùa tới. Ngoại tôi để ra một công đất trồng nếp, vì vậy nhà chúng tôi có nếp ăn quanh năm không phải mua. Nếp tươi mới gặt ngoại đem một ít rang giã thành cốm dẹp, trộn với dừa nạo, nước dừa, đường thơm thơm dẻo dẻo tuyệt ngon, mà sau nầy tôi có ăn nhiều lần do người ta bán vẫn không sao tìm lại cái hương vị thơm dẽo của hạt nếp tươi ấy nữa.
Ngoài cốm dẹp, ngoại còn làm bánh phồng để ăn dần ra mãi hết tháng giêng.
Để cho ra chiếc bánh phồng, giai đoạn đầu thì tôi không biết vì lúc ấy còn bé lo chơi hơn bếp núc nên chả để ý ngoại làm thế nào. Giờ đây ngoại đã khuất bóng, tôi chẳng thể hỏi người được nữa. Nhưng giai đoạn sau thì tôi nhớ rõ vì chúng tôi có tham dự vào.
Trẻ con tuổi ăn ngủ, tôi còn nhớ má vào giường đánh thức mấy chị em để cán bánh. Trời cuối năm lành lạnh, tối đen vì phải thức thật sớm kịp làm cho xong để bình minh le lói ánh rạng đông là phải hoàn tất mang ra phơi nắng.
Tôi nhớ hình ảnh ông ngoại đứng dùng cái chày cao bằng người lớn giã vào cái cối , bà ngoại thì hai tay xoay trở khối bột trắng tinh đựng trong cối. Mỗi lần ông ngoại giã chày xuống , nhấc chày lên thì bà ngoại nhúng hai tay vào chậu nước lạnh hay nước cốt dừa chi đó rồi lẹ làng bắt khối bột trở sang mặt khác cho ông ngoại nện chày vào. Ông bà ngoại tôi làm rất ăn khớp, nhịp nhàng: ông giã, bà xoay. Tôi nhìn mà cứ lo sợ rủi bà ngoại không rút tay ra kịp sẽ bị cái chày nện trúng, và thán phục ngoại tôi vì chưa bao giờ hai người trật nhịp.
Lúc thấy nếp đã nhuyễn thành khối bột dính nhau, không còn hạt nào nguyên thì ngoại đem ra khỏi cối. Ông ngoại xong nhiệm vụ nặng nề thì lại bàn rót cà phê, nước trà ra uống, vấn thuốc lá hút.
Ba má chị em tôi xúm xít vây quanh, trước mặt là tấm thớt và miếng lá chuối có thoa dầu cho trơn. Bà ngoại bắt bột thành viên tròn để vào lá chuối cho từng người. Ta dùng tấm lá thứ hai đậy lên viên bột rồi cán mỏng ra. Mấy chị em tôi còn nhỏ nên chưa đủ lực , cứ mắm môi mắm lợi mà ép cho bột mỏng ra. Vì nếp quá dẽo nên cứ phải đẩy nhiều lần nó mới không thun lại , cái nào cái nấy méo mó. Người lớn phải chỉ dẫn nhiều lần , từ từ mới tạm tròn và xinh xắn.
Bánh cán xong thì đem đặt lên chiếc chiếu mới đã giặt sạch. Cả nhà vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, không khí rộn ràng của những ngày giáp tết.
Viết đến đây mà tôi vẫn còn như thấy lại hình ảnh sum vầy, hạnh phúc giản đơn của gia đình tôi mấy mươi năm về trước.
Chiếc bánh cuối cùng vừa cán xong thì mặt trời cũng bắt đầu dọi tia nắng lên vạn vật. Các chiếc chiếu đựng bánh phồng được mang ra phơi trên giàn cây bầu cây bí đã thôi ra trái bên vườn.
Tôi còn nhớ có một năm, sau khi phơi được vài giờ thì mặt trên đã khô, phải ra trở bánh cho đều. Lúc đó đã nghỉ tết không phải đến trường, tôi lân la ra tiếp ngoại thì thấy có con chim sẻ xà xuống kiếm ăn trên bánh ướt nên hai chân tí hon của nó bị kẹt cứng vào chiếc bánh tự hồi nào không bay đi được. Đến khi tôi nhìn thấy, mừng quá tôi bắt nó gọn vào trong tay, nó kêu chiêm chiếp giãy giụa. Tôi đem vào nhà khoe ầm ỉ hết. Định tìm cái lồng để nuôi. Nhưng sau nhớ câu: cá chậu chim lồng, tội nghiệp quá nên tôi thả cho nó bay hoà vào đất trời mùa xuân.
Đến giai đoạn ..ăn.
Một hình ảnh khác mà tôi không bao giờ quên, là giáp tết cũng có mấy ngày trời trở cơn gió bấc. Lá xoài, lá cây lý rụng đầy sân. Buổi sáng, bà ngoại và má thức dậy nấu xôi – nếp đầu mùa thơm dẽo phưng phức—rồi ngoại ra sân gom lá đốt để nướng bánh phồng. Ngoại tôi rất khéo tay, làm gì cũng kỹ lưỡng và ngon đẹp, bánh ngoại nướng bỏ ra có má múc xôi để vào, rắc dừa nạo, đậu phộng rang vàng, đường..lên mặt xong gói tròn lại cho nhanh lúc bánh còn nóng kẻo nó nguội thì sẽ bể. Sau đó chia cho mỗi đứa. Chúng tôi chỉ ăn một phần ba chiếc là đã no ứ vì bánh phồng ngoại tôi làm nó rất to và dầy. Đường kính dể đến 30cm, dầy gần 1cm lận.
Hương vị chiếc bánh ngọt thơm, âm thanh khi cắn nghe dòn rụm. Vào trong miệng thì nhẹ tan trên đầu lưỡi, tôi nhớ hoài chiếc bánh phồng ngoại làm, nếu chọn thi thì chắc chắn ngoại tôi sẽ được giải nhất ngay.
He he, mèo khen mèo dài đuôi đó.
Khi tôi 14 hay 15 tuổi thì ngoại yếu không giã bánh phồng nữa, thế là chúng tôi không còn được ăn chiếc bánh dân dã chứa nhiều tình tự quê hương.
4/-
Năm rồi về VN, buổi sáng qua piscine để bơi tôi có thấy vài người bán xôi trước cổng vào Trung Tâm: xôi lá dứa, lá cẩm, đậu xanh, xôi vò... được bao bằng bánh phồng cắt làm tư. Mừng quá, kêu chị tôi mua mang về nhà. Hí hửng vì sắp được thưởng thức món xôi bánh phồng, nhưng vì họ gói xong còn nóng, cho vào cái bao plastique nên về tới nhà, lớp bánh đã mềm nhũn nhệu , thất vọng quá chừng.
Sau đó, cháu tôi có đi tìm mua bánh họ nướng bán riêng, bánh mỏng chứ không dầy như của ngoại làm nên không cảm được cái dòn tan trên đầu lưỡi.
Tôi tiếc nhớ hoài hương vị chiếc bánh phồng của ngoại, hay đúng hơn là tôi thương tiếc cái kỷ niệm êm đềm thời xa xưa ấy. Qua rồi.. Qua thật rồi !!!
Giọng ca sĩ Minh Hiếu cất lên nghe bùi ngùi não nuột:
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Dù không mong đến chuyện tương phùng
Dù tháng năm trôi vào xa vắng
Và xuân nay khác biệt xuân xưa
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân năm đó chưa thấy lại
Tôi vẫn đi trong chiều xuân tái
Tìm để mà tìm như thế thôi...
Thanh Hà, Switzerland
12. Jan.2016
Thật sống động quá, ước gì con được một lần trải nghiệm những ngày giáp Tết như vậy. Tuy chỉ là chiếc bánh phồng thôi nhưng M4 đã thổi hồn vào đó để nó trở nên là một món bánh gắn kết tình thân không gì có thể thay thế được.
Trả lờiXóaA, nói đến đây thì ký ức tuổi thơ của con cũng ùa về, con nhớ lại lúc ông Cố bà Cố còn sống con hay chạy ra ngoài sân chọn 1 khúc củi dừa vô gãy lưng cho Bà Cố, còn ông Cố thì hay kêu 'đứa nào đó đi mua dùm cho ông 2 điếu si rô' (thuốc lá hiệu Hero) hihi. Lúc đó thì Ông Bà đã già yếu rồi nên con không có cơ hội thưởng thức được sự khéo léo của 2 người. Tuy nhiên, con cũng có ông Ngoại bà Ngoại giỏi như M4 đã có,còn có thêm mấy Má nữa, con nhớ lúc M4 chưa đi Thuỵ Sĩ thì những ngày gần Tết mọi người cũng quây quần bên nhau gói bánh tét, tụi con lúc đó nhỏ xíu chỉ ngồi nhìn ngó được một chút là chạy loanh quanh chơi chỗ khác rồi. Con nhớ hình ảnh của Bà cùng với 5 cô con gái ngồi theo vòng tròn người thì xếp lá, lau lá cho sạch, người thì múc đậu rải đều thành hàng dài trên lá, người thì để nhân vào giữa nào là nhân đậu, nhân chuối rồi còn có nhân thịt nữa, người thì gói lại giữ cho thành hình trụ tròn rất công phu. Con nhớ rất rõ hình ảnh của M4 miệng cắn sợi dây lát, tay thì xoay xoay để cột cho tròn đòn bánh, M4 rất khéo tay nên đòn bánh của M4 cột rất đẹp hihi, khi xong xuôi hết thì thả tất cả vô cái nồi lớn, M4 là người thường xuyên canh củi lửa, giữ cho cái nồi lớn đó không tắt, chịu khó thức cùng Bà nấu cả đêm cuối cùng cũng được những đòn bánh ngon lành. Hình như với con khi nhớ về M4 của ngày xưa thì là M4 rất xinh đẹp, rất thương con, thương hết mấy đứa cháu, rồi hình ảnh con với Bích Tuyền ngồi phía sau M4 đạp xe phía trước đưa đón tụi con đi học; là hình ảnh M4 bên bếp lửa với những món ăn ngon lành. Những hình ảnh đó cho tới bây giờ trong lòng con vẫn còn và M4 vẫn vậy, vẫn xinh đẹp và yêu thương con cháu hết mực. Cám ơn Má 4 thật nhiều vì đã cho con những hồi ức về những kỷ niệm đẹp về tình thân thương của những người trong gia đình không gì thay thế được.