Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 18

Hà Giang 
Ký sự của Thanh Hà 


1/-

Ngày 19.04.2022
Hà Giang buổi sáng nắng vàng rực rỡ, ấm áp báo hiệu một ngày đẹp. Chả bù hôm qua dù không lạnh, 22 độ C nhưng mưa cả ngày lúc nhiều lúc ít. Núi chập chùng núi, rừng tiếp nối rừng. Gió thổi thốc rất mạnh xe chỉ nhích với tốc độ 10–20 km. Có những đoạn đường hai bên là ngọn đồi nhỏ đất màu đỏ thắm –tôi dốt về địa chất, chỉ đoán là đất bazan– mưa nhiều nên đất bị sụt lỡ đổ xuống lòng đường chắn lối, thêm vào công trình đang làm đường xá, mấy xe ủi xúc đất chạy tới lui nên con đường lầy lội nhão nhoét ổ gà ổ voi to tướng rất nguy hiểm. Phải chạy thật cẩn thận, kẻo nguy cơ chao nghiêng té nhào vào đống bùn đỏ.

Tôi không ghi nhớ hết địa danh mình đã đi qua hoặc nhớ không theo thứ tự. Cái nhìn tổng quát thì quang-cảnh-thiên-nhiên nơi nào cũng đẹp, hùng vĩ, trữ tình đúng câu “non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”.

Chúng tôi ăn sáng xong tìm mua nước uống, mấy hộp xôi các loại: gấc, cẩm, đậu xanh nhìn rất bắt mắt kèm thịt chà bông (người Bắc gọi là ruốc), trứng cút, thịt chiên, saucisse -tức xúc xích- tôi không hảo nên dặn họ đừng cho vào phần của tôi. May sao có một gian hàng bán mía ghim tức mía chặt từng lóng nhỏ đựng trong bịch, nên mua vài bịch. Từ Hà Giang tới Đồng Văn 150km, mang thức ăn theo yên tâm không sợ đói khát nếu lỡ không tìm được quán ăn vừa ý.

Chỉ tội Vĩnh An vốn ghiền cà phê nhất là buổi sáng, thiếu chất đắng này thì cháu không được sảng khoái huống chi để bắt đầu ngày mới cho chuyến hành trình dai dẳng lê thê. Mấy hôm nay sáng nào cháu cũng cảm thán chuyện không tìm được nơi bán cà phê. Lạ là các quán ăn chỉ phục vụ thức ăn quanh đi quẩn lại phở, bún chả, xôi, nước đóng chai, coca cola, vài loại nước tăng lực, may lắm có quán bán cà phê bột gói hoà tan. Tìm một ly cà-phê-hạt-thật-sự-pha-bằng-máy cũng hiếm như tôi tìm bánh mì vậy. Hình như dân ngoài ấy không có thói quen ngồi quán nhâm nhi thưởng thức cà phê như dân miền trong, họ đến quán ăn xong là đi ngay. 

Nên gần phân nửa chuyến đi, hai dì cháu kẻ ao ước cà phê, người mơ tưởng bánh mì như thể sống ở đầu thế kỷ 20. Ngược lại với đàng trong, từ thành thị đến nông thôn, từ đại lộ mênh mông đến ngõ ngách nhỏ hẹp nơi nào có cư dân là nơi đó có quán cà phê, bánh mì thì không chỉ trong tiệm mà người ta còn đẩy xe đi bán dạo. 
Trước công viên Rạch Sỏi nơi sáng nào không có tiết học, cháu nội của chị ba 15 tuổi hay chở tôi trên chiếc xe đạp điện đến tập thể dục, có gánh bánh mì thịt của người phụ nữ đặt trước cổng, bà bán đắt không kịp nghỉ tay đến nổi chỉ đủ thời gian xẻ chiếc bánh gắp thịt rau ngò ba tê dưa chua ngọt đặt vào, người chồng tiếp chan nước sốt gói giấy cột dây thun trao bánh và nhận tiền khách mới kịp. Dù đựng bánh trong gánh ngồi trên nền đất nhưng giá không hề rẻ, cũng tương đương như trong tiệm. Tôi hay mua mang về nhà thưởng thức bánh giòn đúng khẩu vị ngon tuyệt vời.

Cột mốc KM 0– Hà Giang

Trước khi rời Hà Giang, “mấy đứa nhỏ” kêu ngừng lại trung tâm thành phố, đường Nguyễn Trãi nơi xây cột mốc KM 0 và gần đó thêm một cột mốc bằng đá nguyên khối cao lớn, cạnh bờ sông Lô. Đây là nơi du khách không thể bỏ qua khi đến Hà Giang nếu    muốn lưu ảnh kỷ niệm, một số người lần lượt chờ. Đến phiên dì cháu sau khi loay hoay chọn thế đứng, chụp nhiều kiểu xong định đi thì nghe tiếng nói:
—Chị ơi, em hỏi chị điều này, bạn em muốn xin phép chị cho nó được chụp ảnh chung với chị cạnh cột mốc, chị có đồng ý không ?

Tôi ngó quanh quất, không hiểu ai nói với ai. Một cậu trai trẻ đứng đối diện cách tôi 3 mét – tự nảy giờ bận làm duyên làm dáng không để ý thấy- đang nhìn về hướng chúng tôi, tay cầm điện thoại, miệng mĩm cười thân thiện. Thoạt đầu tôi tưởng cậu ấy nói với Trang hoặc bé ốc tiêu vì cậu ấy gọi “Chị”–tôi mà còn được trai trẻ đáng tuổi con cháu gọi bằng Chị ư, chắc nhìn lầm–nên không trả lời ngay sợ mừng hụt bị hố, quay ra sau lưng tìm hai cô gái thì chả thấy cô nào ở gần hết. Ngó lại, thấy ánh mắt cậu vẫn nhìn tôi chờ đợi, vậy đích thị là nói với tôi rồi. Nhưng để chắc ăn, tôi ra dấu lấy tay chỉ vào mình, chưa kịp lên tiếng thì cậu hiểu ý lập lại : 
—Vâng, là em đang nói với chị. Bạn em xin phép được chụp ảnh chung với chị đó ạ. 

Cậu đưa tay chỉ sang một thanh niên đứng rụt rè cách đó 2m. Tôi hơi bất ngờ với lời đề nghị nầy nhưng cũng cười gật đầu đồng ý. A, không phải một mà tới bốn chàng thanh niên lận, trong lứa tuổi hai mươi mấy, bước đến cạnh tôi cho người bạn đạo diễn sắp xếp, tôi đứng giữa mỗi bên hai chàng. Chụp xong một kiểu, cậu ấy kiểm hình gật gù vẻ hài lòng rồi kêu các bạn thay đổi vị trí, xin tôi chụp thêm vài kiểu nữa, thái độ lễ phép lịch sự. 
Xong cậu cám ơn tôi, từ giã ai đi đường nấy. Nhóm năm người, chỉ mỗi cậu nói chuyện với tôi toát vẻ năng động, còn bốn cậu kia im re dáng chất phác rụt rè. 
Nghĩ cũng lạ, đáng lẽ mấy chàng trai trẻ này yêu cầu chụp chung với hai cô cháu gái cùng thế hệ nhau chứ, sao lại muốn chụp cùng tôi nhỉ.

2/- 

Gần trưa, đến một thị trấn- tôi quên ở đâu rồi- thấy một cái quán nho nhỏ xinh xắn, mặt tiền lấp toàn kính trong suốt nhìn rõ nội thất. Trước cửa quán chưng một chậu địa lan hoàng hậu thật to cả trăm đoá hoa nở rủ thướt tha như chào mừng mời mọc quí khách. Họ vẽ bảng Yến Ngọc Coffee to tướng, tôi khều Vĩnh An:
—Có quán bán cà phê kìa Vĩnh An. 
Vĩnh An quay đầu xe lại, vui vì tìm được quán cà phê thực thụ lần thứ nhì - một lần chúng tôi gặp quán cà phê giải khát rất thanh lịch ở thị trấn nào đó cũng quên mất, giờ là lần thứ nhì - chúng tôi dắt xe đưa lên hàng hiên. Mở cửa kính bước vào trong, làn không khí từ máy lạnh toả mát mẻ dễ chịu. Cậu chủ quán ngồi sau quầy đứng lên chào lịch sự. Có cái máy pha cà phê inox đặt trên quầy, Vĩnh An mừng quá gọi ngay một ly cà phê đá, nhấp thử một ngụm, hài lòng khen cà phê ngon, vì mấy hôm nay toàn uống cà phê bột hoà tan. Chắc ở rải rác các tỉnh cũng có quán cà phê thực thụ nhưng tập trung ở thành phố lớn không nhằm tuyến đường chúng tôi đi thôi. Tôi kêu nước cam, nhưng thấy cung cách lễ phép của cậu chủ quán, để đáp lại tôi nảy ra ý muốn thử hương vị cà phê dù không biết uống. Cậu mang cho tôi một ly cà phê filtre đặt trên cái tách đổ nhiều sữa, thêm một ly đá đặt cạnh để tôi tự pha đúng khẩu vị. 
Thật ra tôi uống chè-cà-phê chứ không phải cà phê, vì sữa chiếm gần 2/3 cà phê rồi.

Quán bán cả thức ăn, menu in ấn lộng khung treo quanh tường nhiều món khá hấp dẫn, cũng tới giờ ăn trưa nên chúng tôi gọi món. Cậu chủ vào trong kêu, có hai người trạc tuổi tôi bước ra giới thiệu là ba mẹ của cậu trai. Họ gợi ý cho chúng tôi các món tủ của nhà hàng, lời lẽ nhã nhặn. Tôi gọi các món cơm rang, canh, thịt, cá chiên, người vợ xin lỗi kêu chúng tôi chờ một lát để bà sửa soạn hơi lâu vì mọi thực phẩm đều tươi chỉ khách gọi thì mới nấu chứ không nấu trước sẽ cũ và nguội lạnh. Tôi nói là tôi có nhiều thời giờ, chính các thức ăn chưa nấu tôi an tâm hơn là đã nấu sẵn. 
Đúng là thức ăn khá ngon trình bày trong các dĩa chén đũa đều đẹp sạch, kể cả tăm xỉa răng được bọc giấy chứ không trần trụi. Nhất là toilet sạch bóng, một điều hiếm thấy. Cung cách tiếp đón khách vui vẻ niềm nở. Tiếc tôi không nhớ quán ở nơi nào. 
Chia tay với chút lưu luyến.

Từ Hà Giang trên đường thỉnh thoảng xuất hiện từng toán chạy moto hai người, hoặc nhóm năm bảy người, hoặc một toán trên chục người cũng cồng kềnh ba lô, túi xách, giày thể thao như chúng tôi. Có cả vài đoàn khách ngoại quốc nam nữ với hướng dẫn viên người Việt thuê moto tự chạy. Chúng tôi bớt cảm giác đơn điệu độc hành. Có những đoạn đường xây rộng làm chỗ đậu xe cho khách ngừng lại chụp hình ngắm cảnh. Một nhóm thanh niên thiếu nữ trẻ mặc y phục cùng kiểu màu đen ngồi xếp bằng thành vòng tròn giữa đường nhân lúc ít xe qua lại, cho một người cầm máy thu hình lấy phông là ruộng bậc thang hay cây nghiến cô đơn Cán Tỷ, Quản Bạ xa xa.

Xuất hiện mấy cậu bé cô bé người Thượng đứng dọc theo đường, chờ chúng tôi đến gần thì chạy theo. Lúc đầu tôi cứ tưởng chúng tò mò ngắm du khách vì cả ngày không biết làm gì nên giết thời giờ, sau cứ thấy cách một đoạn thì lại xuất hiện thêm những cô cậu bé khác, vừa chạy chầm chậm vừa nhìn chúng tôi chăm chú như muốn níu kéo hỏi han điều chi. Có cả vài phụ nữ Thượng cũng ngồi hay đứng cạnh đường – nhưng những người lớn chỉ nhìn chúng tôi chứ không chạy ùa theo như trẻ nít–Cháu tôi nói :
–A con hiểu rồi, mấy người này đón khách để xin tiền hay thức ăn đây. Tội nghiệp quá, để mình cho họ đi.
Thấy xe chúng tôi ngừng, hai cậu trai trạc 10 -12 tuổi gầy gò ốm yếu chạy lại. Chúng tôi lấy mấy hộp xôi, bánh đưa. Một cậu bé cầm lấy, không nói gì. Lại đưa mắt tìm trong đống hành trang, có vẻ chờ để nhận tiếp. Thấy thế Vĩnh An nói :
–Hai đứa cùng chia đều nhau nhé. 
Bé chắc chẳng hiểu tiếng Việt nên nín thinh. Tôi nói với Vĩnh An hãy chia phần cho bé kia, chứ không nó tưởng là cho mỗi mình nó, không chia đâu.
Vĩnh An lập lại câu nói mấy lần, cậu bé vẫn tỉnh bơ ôm hết các hộp thức ăn, bánh.
Cháu tôi ra dấu, chỉ vào hộp thức ăn xong chỉ qua cậu bé đứng cạnh và đẩy hai bàn
tay sang hai bên. Cậu bé vẫn an nhiên bất động. Vĩnh An hỏi : 
–Chú nói con có hiểu không ?
Thì cậu bé chỉ hơi gật nhẹ đầu. 
–Thế thì con chia quà cho bạn đi. Bạn hay là anh em, nhìn giống nhau quá ?
Cả hai bé chả trả lời lẫn nhúc nhích mà tiếp tục nhìn vào các thứ treo trên xe. Bé chưa có quà cũng thế, chăm chắm hết nhìn chúng tôi lại nhìn vào xe chứ chả màn mấy món 
mà bé kia đã cầm trong tay.
Rồi cậu bé-đã-nhận-quà bỗng chỉ vào bịch mía treo trên ghi-đông xe, nói giọng lơ lớ:
–Cho xin bịch mía kia đi.
Tôi kêu Vĩnh An còn lại gì thì lấy đưa hết cho bé kia, còn bịch mía chia hai đừng đưa hết một đứa, cho công bằng kẻo đứa có đứa không. Chắc phong tục ở đây ai nhận được thì giữ riêng chứ không chia xẻ nhau. 

Đi thêm một đoạn, từ xa thấy khá đông người và xe tụ tập trên một rẻo đất de ra ngoài khá rộng. Chúng tôi cũng bắt chước ghé lại. Kinh, Thượng lẫn lộn. Phóng tầm mắt nhìn xuống dưới xa là đèo Mã Pí Lèng quanh co ngoạn mục mà lúc quay về chúng tôi sẽ đi trên cung đường ấy. 
Nhiều người lớn, trẻ em trai gái mặc y phục dân tộc đủ màu sắc đứng ngồi kề cà theo du khách. Lưng đeo gùi cắm hoa cải, hoa tam giác mạch, đầu đội vòng cỏ kết hoa làm dáng. Du khách nào thích thì kêu lại chụp chung hình rồi biếu tiền tuỳ lòng hảo tâm nhiều ít. Thì ra không phải những người Thượng nầy bỏ thì giờ lên đây ngồi hóng mát ngắm cảnh, mà họ “làm việc”. Công việc của họ là làm người mẫu cho những du khách tò mò- như chúng tôi chẳng hạn. Dì cháu tôi cũng nhí nhảnh kéo ba bé gái lại chụp hình chung. Ngẫm nghĩ không biết chúng tôi có quá vô tâm lấy việc chụp hình với các bé Thượng làm niềm vui ? Nói đi rồi nói lại, nếu không có những du khách ham vui dừng lại chụp hình, trao đổi tiền hay quà thì những người lớn lẫn trẻ con này sẽ đầu tắt mặt tối còng lưng trồng lúa, bắp, khoai hay xuống suối, mương tìm bắt mấy con cá nhỏ tẹo chưa chắc đã đủ ăn. Diện quần áo đẹp, ngồi chờ khách đề nghị chụp hình, việc nhẹ nhàng chắc chắn thu nhập khá hơn làm nương rẫy. Suy luận vậy tôi cảm thấy bớt có lỗi phần nào.

3/-
Tiếp tục theo quốc lộ 4 C, đến cột mốc báo cách Đồng Văn 26 km, cắm bảng địa phận xã Sùng Là, cách không xa tới ngã ba có khối đá to tướng đặt trước con đường nhỏ, trên mặt vẽ chữ kiểu thư pháp bay bướm : H’Mong Village, khu Tráng Kìm, xã Đông Hà, Quản Bạ. Hỏi thăm cậu chủ quán bán nước và thức ăn vặt ven đường, cậu bảo chạy vào thêm chục km nữa sẽ tới buôn người H’Mong (chính cậu cũng là người H’Mong, nói sõi tiếng Việt), có resort nghỉ dưỡng với nhiều bungalow, nhà cộng đồng Quản Bạ, nơi có câu chuyện tình của nàng Mê Kia và thần Rồng.

Chúng tôi mua vài món ăn vặt cậu chưng trong quầy rồi đi tiếp chứ không vào bản. Thật ra chỉ mình tôi muốn vào thăm thung lũng Sùng Là xem cách sinh hoạt của người Mèo, cùng thiên nhiên với sắc màu xanh cây lá, sắc hồng tím của cánh đồng hoa Tam giác mạch, màu vàng hoa cải… nhưng các cô cậu cháu tôi muốn đến Đồng Văn cho sớm nên thiểu số đành phải phục tùng đa số.

Núi Cô Tiên


Ở Quản Bạ còn có hai ngọn núi hình chóp nón nằm kề nhau, gọi là Núi Đôi hay Cô Tiên . Hai quả núi tròn đều đầy đặn giống bộ ngực thanh tân của người phụ nữ. Truyền thuyết kể rằng xưa có chàng trai H’Mong (Mèo) vừa khôi ngô vừa có tài thổi đàn môi nên đã chinh phục trái tim nàng tiên trên thượng giới tên Hoa Đào. Nàng trốn xuống trần kết duyên cùng chàng, sinh được một bé trai kháu khỉnh. 
Ngọc Hoàng hay được, sai quân bắt nàng về. Thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nên nàng bỏ lại đôi nhũ hoa để chồng cho con bú. Sau con khôn lớn, bầu ngực biến thành hai quả núi. Nhờ dòng sữa của tiên Hoa Đào nên vùng đất này khí hậu mát mẻ, rau quả cây trái ngon ngọt, bắp lúa được mùa. Nước mắt nàng khóc thương chồng biến thành sông Miện, chảy xuôi theo vùng đất phía sau cổng trời.
Cho hay bất cứ dân tộc nào cũng đều có những huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích rất hùng tráng lãng mạn lưu lại nhiều thế hệ đời sau.

Mục đích chuyến đi này tôi cố ý tìm xem cao nguyên đá, phố cổ Đồng Văn, dinh thự vua Mèo xưa, nhất là các cánh ruộng bậc thang từng thấy trong các bức tranh triển lãm hay lịch treo tường, một vùng phì nhiêu màu xanh lá mạ non, hay mùa thu lúa chín, cùng lá ngô đồng đổi sắc đỏ vàng đẹp lộng lẫy xao động cả trái tim tôi từ nhiều năm nay. Ruộng bậc thang tôi đã thấy nhiều nơi vùng Tây Bắc : Mộc Châu, Lào Cai, Sapa… nhưng chỉ là các mẫu ruộng bậc thang nhỏ không đáng kể.

Có lẽ chúng tôi không đến đúng chỗ. Hơi thất vọng vì không được chiêm ngắm cảnh ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Sau nghiên cứu lại, thì quả nếu chúng tôi muốn xem thoả chí phải đến vùng Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Tuyên Quang phía Tây Hà Giang thượng nguồn sông Chảy, sông Bạc. Hoặc ở xã Bản Phùng, Bản Luốc, Bản Nhùng…có đỉnh Chiêu Lầu Thi nổi tiếng cao 2400m nơi nhiều người Nùng, Dao, Mèo sinh sống mới chiêm ngắm cảnh bậc thang ruộng như ý được. Tiếc thật.

Hoa Tam giác mạch

Chúng tôi tiếp tục đi qua Yên Minh, Mèo Vạc. Bên vệ đường, phía sau những thanh rào chắn (barriere ) dọc theo xa lộ còn một khoảng đất trống nhỏ sát mép bờ vực người dân tận dụng trồng bắp hay cải xanh kéo dài hàng chục, trăm cây số.
Lác đác vài cánh đồng trồng hoa tam giác mạch tức kiều mạch. Là loại hoa be bé dễ thương lúc mới nở màu trắng dần chuyển sang hồng nhạt, hồng tím, đỏ sẫm khi úa tàn thì phai sắc mà du khách có thể mua vé vào xem, chụp hình. Chúng tôi cẩn thận không dẫm chân lên luống hoa để giữ các cây nguyên vẹn. Tam giác mạch được chế biến thành bánh bằng cách xay hạt cho nát, nhào với bột, đem đúc khuôn hấp chín hoặc nướng trên lửa than.

Thanh Hà
07.2023 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét