Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 17

Mường La- Mường Kim- Lai Châu
Ký sự của Thanh Hà 


1/-
Ngày 17.04.2022
Khi chúng tôi khởi hành từ Tà Xùa, Bắc Yên tỉnh Sơn La đã quá trưa nên đến Ngã Ba Mường Kim, quận Than Uyên tỉnh Lai Châu cách 175km thì bóng tà dương đã chìm khuất sau lưng đồi. Vùng nầy khí hậu hai mùa khô và mưa, là thung lũng bao gồm đồi núi xen kẻ đồng bằng, độ cao chừng 500 m –650 m. Người Thái đông nhất, rồi đến người Kinh, H’Mong, Dao…

Mấy ngày nay trên đường đi thời tiết cứ lúc mưa lúc nắng nên chúng tôi phải dừng lại mặc và cởi áo mưa mấy lần, coi như nhân tiện thư giản gân cốt bớt mỏi vì ngồi mãi trên xe. Đến cột mốc Mường La, tỉnh Sơn La giáp ranh với Mù Cang Chải hai bên phong cảnh hữu tình, có giòng sông (hay hồ) uốn quanh mấy ngọn đồi núi mặt nước trong xanh gần như phẳng lặng, chỉ gợn chút sóng bởi cơn gió nhè nhẹ thoáng qua. Đẹp và thơ mộng quá nên chúng tôi nấn ná khá lâu để ngắm cảnh và chụp hình (tất nhiên rồi). Tối nằm trên chiếc giường êm ái ở homestay Minh Thức, Mường Kim tôi mở ipad tìm hiểu thêm về những nơi mình đã đi qua, đọc thấy mấy link giới thiệu Mường La có đập thuỷ điện lớn nhất nước.*

*Kỳ trước tôi nhớ có kể khi đến Hoà Bình thì người dân cùng truyền thông báo chí địa phương nói hồ thuỷ điện Sông Đà Hoà Bình lớn nhất VN. Sau qua Yên Bái thì báo chí địa phương đó nói hồ thuỷ điện Thác Bà Yên Bái lớn nhất VN. Nghe vậy nên tôi đùa chắc đến tỉnh khác lại có một cái đập thứ ba cũng lớn nhất VN, tưởng nói chơi ai dè có thật. Họ thêm rằng hồ thuỷ điện Mường La chẳng những lớn nhất VN mà còn lớn nhất Đông Nam Á !!! 
*Từ đây sắp đến địa đầu đất nước thuộc thượng du toàn rừng với núi nên không thể đốn cây rừng khoét đá núi lấy chỗ chứa nước làm đập thuỷ điện được, chứ không thì trong tương lai chắc chúng ta sẽ có hồ thuỷ điện thứ tư lớn nhất thế giới lắm !!!

Sau một đêm ngon giấc, cơ thể chúng tôi được nạp năng lượng đủ cho hành trình kế tiếp. Tôi khoan khoái ra balcon hít thở không khí trong lành buổi sáng. Vừa mở cửa, cảnh đầu tiên lọt vào mắt tôi là cây xoài với những trái tròn tròn nhỏ xinh ngay cạnh balcon chỉ cần giơ tay ra là hái được trái. Nhìn mấy trái xoài đòng đưa theo làn gió nhè nhẹ thổi, lại nhớ ngày xưa Ngoại chúng tôi có trồng ba cây xoài, sau Tết ra bông trỗ trái, những trái xoài non rụng đầy dưới gốc. Chị em tôi thường quanh quẩn ra lượm trái nào lớp da còn căng bóng đem vào chấm nước mắm đường nhai giòn rụm vị chua chua ngòn ngọt ngon lành, giờ nhắc tự nhiên nước miếng ứa ra hai bên lưỡi !!

Một trong  ba cây xoài trồng gần hàng rào lúc đầu tàng lá chưa cao nên khi trái chín chưa bị dòm ngó. Theo năm tháng cây cao lớn dần, cành nhánh phát triển vươn hẳn ra phía đường. Chờ xoài già sắp chín, ban đêm kẻ trộm dùng cây sào chọt cho trái rớt để nhặt. Những trái xoài xanh mượt cạnh đường lần lượt không cánh mà bay mất dần. Thời ấy các loại bánh, trái cây đâu có bày bán quanh năm đầy chợ như hiện giờ, chỉ tới mùa mới có.
Xót ruột muốn bảo vệ giữ gìn mấy trái xoài chín ngon cho đàn cháu sáu đứa, ông Ngoại tối tối gom lá xoài khô rụng làm thảm lót dưới gốc cây, trải chiếu giăng mùng ngủ canh chừng, thế là kẻ trộm không ăn trộm được nữa. Đâu người xa lạ, chính là bà con họ hàng sống sát cạnh nhà tôi chứ ai, bị Ngoại bắt gặp mấy lần.

Tôi thấy Ngoại ngủ dưới gốc cây ngộ nghĩnh giống chúng tôi chơi ”nhà chòi”nên thích lắm, đòi ra ngủ chung với Ngoại để được hưởng cái thú thần tiên cổ tích “Công chúa ngủ trong rừng”, còn tôi thì “Cô bé ngủ dưới gốc xoài” mà người lớn không cho sợ đau lưng và cảm gió.
Nghĩ mà nhớ thương ông bà Ngoại, Ba Má với “những ngày xưa thân ái” làm sao.

Ngày thơ ơi đã qua mất rồi
Còn niềm tin trong lòng vẫn nở hoa…
…Còn tìm đâu tìm đâu mái nhà
Còn tìm đâu ngôi trường cũ mến yêu
Còn tìm đâu mây buông tóc xoã
Tìm đâu em thơ nho nhỏ
Tìm đâu tuyết sương mẹ già…
( Cuốn Theo Chiều Gió, nhạc Anh Việt Thu )

Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương…
( Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân, nhạc Đoàn Nguyên )

Trở lại với chuyến viễn du. Trong suốt hành trình trú ngụ qua đêm ở các khách sạn hoặc nhà nghỉ khác nhau, tôi chấm điểm nhà nghỉ Minh Thức ở Mường Kim, Than Uyên này tốt nhất về nhiều phương diện. Phòng ốc sang trọng đẹp đẻ, sạch sẽ, rộng rãi, nhất là bathroom trang bị chu đáo từng chi tiết không thua gì khách sạn 3 sao– . Buổi sáng rời đi, tôi cám ơn và khen sự đón tiếp lịch sự, sạch sẽ, chu đáo của hai vợ chồng chủ nhân trẻ, họ rất vui. Tôi còn chụp hình đứng trước bảng hiệu để nếu mai kia có du lịch ngang đây thì nhớ địa chỉ tìm thuê nữa– Nói vậy thôi, chứ tôi đã đến thượng du Việt Bắc hai lần rồi nên chắc không quay lại. Chả bù cái nhà nghỉ ở Đồng Văn lỡ thuê nhầm mụ chủ bác sĩ hống hách, khiếm nhã không tả nổi.

2/-
Ngày 18.04.2022
Từ Than Uyên, Lai Châu đến Hà Giang khoảng 250 km- 300 km tuỳ thuộc hướng đi. Chọn Sapa thì đường sẽ dài hơn là trực chỉ Lào Cai, Sapa cũng thuộc tỉnh Lào Cai.
Nếu đi ngã Sapa, sẽ theo đường đèo Ô Quy Hồ, một trong bốn đỉnh đèo nổi tiếng ở miền Bắc, cạnh dãy Hoàng Liên Sơn. 
Sợ dọc đường không tìm được quán ăn, nên chúng tôi mua phòng bị mấy hộp xôi mặn, vài món ăn vặt, nước uống. A, phải nhìn nhận xôi Bắc ngon như xôi miền Nam.

Nghiên cứu bản đồ, biết dãy núi Hoàng Liên Sơn chiều dài khoảng 180 km giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái. Gọi tên Hoàng Liên Sơn vì trên núi mọc rất nhiều cây cỏ hoàng liên, có nhiều đỉnh mà đỉnh cao nhất là Fansipan 3143 mét, được mệnh danh nóc nhà Đông Dương. Hoàng liên là loài cỏ dại cao khoảng 25–30cm, còn có tên vương chi liên, sâm hoàng liên là dược thảo trị các chứng cao huyết áp, tim mạch , mụn nhọt, an thần, thanh nhiệt…rất hiệu quả.
Tôi nhớ môn địa lý thời tiểu học dạy rằng dãy Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt Nam.
Nhiều năm sau, có dịp đọc hàng trăm câu chuyện của chính chứng-nhân-sống-sót kể rằng Hoàng Liên Sơn là một trong những địa danh kinh hoàng tàn khốc đã khắc sâu vào tâm trí họ dấu ấn đớn đau oan nghiệt sẽ đeo mang đến cuối cuộc đời không thể nào quên được. Nghe lòng dâng lên cảm giác xót xa ngậm ngùi !!!

Hai cô cậu trẻ nghe nhắc tên núi thì đòi leo lên đỉnh Fansipan chơi chừng một tiếng rồi hãy đi tiếp đến Hà Giang! Vĩnh An kêu :
—Trời đất, Fansipan cao hơn ba cây số, leo bộ lên leo bộ xuống hơn bảy cây số mà đi một tiếng hả ? Sợ 100 mét hai đứa còn không leo nổi đó chứ. Nếu muốn đến đó chơi thì chúng mình phải ở lại ít nhất vài ba ngày chứ không thể nào tới Hà Giang kịp hôm nay đâu.
Cô bé-ốc-tiêu cãi chày cãi cối :
—Nếu không leo nổi thì ít ra cũng đến được chân núi nhìn cái cho biết.

Nơi nào hai người trẻ cũng muốn đến, nhưng với điều kiện chỉ ghé mắt nhìn rồi biến ngay như tia chớp chứ không cần vào thăm viếng chiêm ngắm, miễn sao là đã từng hiện diện chỗ ni chỗ nớ là đủ.
Tôi để “đám trẻ” quyết định theo ý, không xen vào. Thế là chia hai toán: Vĩnh An chở tôi đi thẳng Lào Cai để qua Hà Giang, chứ không đi qua Sapa mất thêm thời giờ. Vì đằng nào cũng không leo lên đỉnh, còn nhìn từ xa núi nào cũng giống núi nào, trên chuyến viễn du đã đi qua hàng trăm núi non nhìn chưa mãn nhãn chắc. 

Họ nhất quyết đến núi Hoàng Liên Sơn bằng được. Số là năm người chúng tôi đi ba xe, mà hai cô cậu là sở hữu chủ của hai chiếc xe kia, nên Thiên Trang vợ của Vĩnh An bắt buộc phải đi theo hai người.
Chính xác là bé ốc tiêu đòi đi, Triệu và Trang phải chìu theo. Nói thêm ngoài đề, cô ốc tiêu nầy so với cả đoàn thì cái gì cũng đều nhỏ nhất: tuổi tác, chiều cao, cân nặng…thế mà thích chỉ huy ra mệnh lệnh luôn cho cả tôi nữa, buồn cười thật.

Khoảng 4 g, chúng tôi đến Hà Giang, tìm thuê khách sạn, tắm rửa thay quần áo đi dạo phố. Tưởng Hà Giang là tỉnh miền núi gần sát biên giới Tàu, đồng bào Thượng đông hơn người Kinh, gần 20 sắc tộc, theo thứ tự : H’Mong, Tày, Dao, Pà Thẻn, Giáy, Lô Lô..v..v. chắc buồn tẻ ai ngờ ban đêm trung tâm phố quán xá đèn đuốc giăng mắc rực rỡ không thua các tỉnh thành khác là mấy. Có lẽ đây là trạm trung chuyển tiếp đón nhiều du khách ngoại quốc muốn đi xem cao nguyên đá Đồng Văn cách 150 km nên nhiều khách sạn hàng quán nhà cửa khá tối tân.

Chúng tôi chỉ ở lại một đêm không đủ thời gian tìm hiểu nhiều về phong tục tập quán mỗi sắc tộc. Cái nhìn tổng quát về y phục phụ nữ, trẻ em gái hoa văn tương tự nhau, chỉ những ai sống gần họ mới phân biệt được, ngoại trừ phụ nữ Dao ngoài áo thì mặc thêm quần bó, còn phụ nữ H’Mong mặc váy kèm áo. Đặc điểm chung nam phụ lão ấu là chiều cao của họ rất thấp bé, ốm yếu. Thế mà trước nay tôi hình dung dáng dấp họ cường tráng mạnh mẽ cao ráo chứ. 

Toán kia mãi đến gần 10 g đêm mới đến, nín im chả nghe khoe khoang vụ leo núi. Sau đó Trang kể đâu có leo bộ nổi, họ có bán vé télécabine đưa lên núi nhưng giá quá mắc hai đứa nó không chịu mua (bởi thiếu nhà tài trợ là tôi 🤪), rốt cuộc chỉ đứng ngoài cổng chưa đến được chân núi rồi quày quả ra đi, gặp mưa chán phèo.

Tất nhiên Hà Giang cũng có đặc sản như các vùng miền khác, họ giới thiệu ít nhất 10 món mà tôi có thể ăn vài món như xôi ngũ sắc của người Tày, thắng dền, bánh tam giác mạch. Còn lại thì tôi không động tới, dù chỉ nếm thử cho biết, nhất hạng là món “thắng cố”. 
A, coi chừng nhầm lẫn với “thắng dền”. 
Thắng dền tức chè trôi nước nhân đậu xanh hay đậu đỏ với nước đường hoa mai, gừng, mè, đậu phộng rang. Nhìn mấy viên chè tròn nhỏ xinh xắn xen lẫn bột pha màu tím lá cẩm đựng trong cái chén cũng nho nhỏ rất dễ thương hấp dẫn.
Còn thắng cố, ôi chu choa cách đây gần 5 năm tôi ra Sapa với vợ chồng chị bạn, được người thân của họ hướng dẫn đi chơi, có giải thích món thắng cố chế biến từ phân trong ruột non của ngựa, nấu với xương cùng lục phủ ngũ tạng hầm bà lằng bò heo lẫn lộn. Họ sẽ cho các gia vị để giảm bớt mùi như lá chanh, hoa hồi, thảo quả ( là gì nhỉ ?). Tôi tưởng anh ấy nói đùa, ai ngờ là sự thật. Bình thường tôi đã chẳng ăn tim gan nội tạng của bất cứ con gì – ngoại trừ mề gà vịt– huống chi món thắng cố có phân trong ruột non con ngựa !!!

Tôi quen một cô bạn người Lào. Cô kể đám cưới hay những lễ lớn của người Lào cũng nấu món súp với phân lấy trong ruột non của bò để đãi mà bắt buộc cô dâu chú rể phải ăn, vì cho là đem lại may mắn. Chồng cô ấy là dân Thuỵ Sĩ chính gốc cũng cố nuốt nhưng không biết. Ăn xong cô mới nói thật khiến anh ta ói mửa quá trời.

Mấy giai thoại nầy tôi viết không phải với mục đích chê bai, mà chỉ muốn ghi lại ẩm thực đặc sản của từng vùng miền. Người địa phương đã quen ăn từ lúc nhỏ thì món ấy họ thấy ngon, nhưng với người chưa từng ăn thì khẩu vị khác hẳn. Chẳng hạn người Việt thèm ăn nước mắm, người Tàu chỉ ăn nước tương, Tây nghe mùi đã bỏ chạy ngàn dặm*
*Hình như hiện nay nhiều dân Tây trẻ tập ăn và thích ứng nước mắm rồi.

Riêng tôi món phô mai ( fromage), phải mất năm sáu năm cho cái mũi quen dần mùi thì tôi mới thưởng thức và thấy ngon được. Nhớ lại bữa tiệc đám cưới tôi, lúc sắp kết thúc để qua phần ăn tráng miệng nhà hàng mang dĩa phô mai đầy ụ đủ các loại, phía trên xếp chùm nho, dâu, múi cam, đào,… trang trí (theo thói quen người Tây phương thì sau khi xong món chánh, kế tiếp phải có dĩa phô mai ăn kèm bánh mì thì mới gọi là bữa ăn đúng bữa ăn Ắt Có Và Đủ, thiếu nó thì coi như bữa ăn chưa hoàn tất. Cô em chồng thấy tôi không ăn được phô mai nên đưa nho tím mời tôi. Tôi cám ơn cầm lấy, rứt một trái cho vào miệng, cố lịch sự lắm nhưng vẫn không thể nào nuốt trôi và giấu được nét mặt nhăn nhó bởi cái mùi nồng của sữa bò lên men bám vào vỏ nho. Nhìn điệu bộ tôi ai nấy đều cười thông cảm, không nài ép nữa.

Thanh Hà
06, 2023 









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét