Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 19

Phố Cổ Đồng Văn
Ký sự của Thanh Hà 


1/-
Ngày 19.04.2022

Dinh Thự Vua Mèo
Dinh thự vua Mèo
Chúng tôi mua vé viếng dinh thự vua Mèo toạ lạc trong thung lũng
thuộc xã Sà Phìn cách Đồng Văn 10 km. Có chừng chục nam nữ trẻ vào cùng lúc. 
Vua Mèo hay H’Mông họ tên Vương Chính Đức, dinh thự diện tích khoảng 3000m2 xây vào cuối thế kỷ 19, phải 9 năm sau mới hoàn thành. Vua Mèo mời thầy địa lý người Hán xem phong thổ chọn vị thế đất vun lên như mai rùa, tin rằng như vậy sẽ được phú quí dài lâu. Kiến trúc ảnh hưởng ba nền văn hoá Mèo, Pháp và Trung Hoa do người thợ gốc Nam Định thiết kế, tốn 15 vạn bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng VN hiện tại.

Từ ngoài theo mấy bậc thang dẫn đến cổng có hai hàng hoa huệ tây đỏ thắm trồng hai bên như tô điểm chút sắc màu cho căn nhà gỗ ngã xám mốc meo cũ kỹ. Chung quanh sân trước nhiều đại thụ trăm năm cành lá xanh tươi nên cứu vớt phần nào sự u tịch ảm đạm dinh cổ thự. Tôi vốn yêu thích cây kiểng hoa lá nên không thể thờ ơ với mấy cụm hoa amaryllid, mà không dừng lại ngắm nghía chốc lát trước khi bước chân qua cổng. Hai câu đối chữ Hán khắc hai bên cổng, vào bên trong cũng có hai bức hoành phi và câu đối của vua Khải Định ban tặng. Ở lối vào dinh thự đầu tiên, trên trần cùng các cánh cửa chạm khắc hoa văn tinh xảo, tuy tất cả đều nhuốm màu thời gian.

Toàn thể dinh thự gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc chia thành ba dinh hai tầng. Mỗi dinh có một cái sân thông nhau, tổng cộng 64 buồng, tường bằng đá, vách gỗ thông, mái lợp từ đất nung và gỗ thông, sức chứa khoảng 100 người.
Tiền dinh là nơi ở của lính canh, hộ vệ, nô tỳ. Trung dinh, hậu dinh là nơi sinh sống làm việc của gia tộc Vương. Phía sau xây bể chứa nước thật lớn thể tích 300m2 hứng nước mưa từ mái dinh. Vì vùng này rất khô hạn nên ngày nay bể nước là nguồn cung cấp nước cho dân xã Sà Phìn.

Một điều khiến tôi chú ý : Cổng đầu tiên bước vào tiền dinh có chiều cao bình thường như mọi cánh cửa phải vậy, nhưng các khung cửa ra vào trung dinh và hậu dinh kiểu vòng cung chỉ nhỉnh hơn đầu tôi chút xíu, họ còn đóng một thanh gỗ ngang phía dưới vòng cung cho khớp với cánh cửa cao 1,40m–hay 1,50m. Tôi phải cúi đầu thấp xuống mới đi lọt. Không biết có phải sau nầy do sửa chửa thay thế nhiều gỗ ván mục bằng gỗ lim, gỗ nghiến (?) mà họ đóng thêm thanh gỗ ngang ấy ? Chứ lẽ nào chiều cao của cổ nhân chỉ 1,30m –1,40 m, nếu không mỗi lần bước ra vào mà không chú ý sẽ va đầu vào khung cửa té bổ ngửa đau chịu sao thấu ?

Chợ phiên Sà Phìn
Chợ nằm đối diện dinh thự vua Mèo. 
Là một trong bốn phiên chợ-lùi nổi tiếng vùng cao nguyên đá. Gọi chợ lùi, thay vì cứ 7 ngày có họp chợ thì sẽ lùi lại một ngày còn 6, tuần sau lại lùi 1 ngày so với tuần trước. Chợ bán nông sản, trái cây, dược thảo quí, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, y phục kiểu Thượng lẫn Kinh…có khu phục vụ thức ăn, rượu…
Đây còn là phiên chợ tình cho những người yêu nhau hẹn hò gặp gỡ.
Chợ họp từ tờ mờ sáng đến khoảng 4 g thì tan. Chúng tôi đến đã chiều muộn, có lẽ cũng không nhằm ngày chợ phiên nên khoảng sân rộng vắng vẻ. Chỉ những gian hàng cất chung quanh chợ còn mở cửa, chúng tôi tìm được một nơi có đặt hai cái bàn vài ghế bán cà phê, kem, nước trái cây do cô gái trắng trẻo xinh xắn làm chủ. Ngoài ra cô còn bán các loại bánh trái địa phương, dược thảo, thổ cẩm, y phục Kinh lẫn Thượng, khăn quàng cổ, nón treo trên giá lủng lẳng rất bắt mắt…
Tôi vào ngắm các mặt hàng dược thảo: nghệ, hà thủ ô, trà cúc, mật ong và nhiều thứ khác, thấy hộp thuốc nghệ màu vàng chói ghi quảng cáo là nghệ tươi trộn mật ong rừng nguyên chất, bị cám dỗ nên mua 1 hộp 200 viên. Về nhà tôi chỉ uống được mấy viên rồi ngưng, vì viên nào viên nấy tròn vo to bằng đầu ngón tay trỏ cố trợn mắt nuốt đau cổ họng quá trời đất.

Bắt chuyện cô chủ mặc theo lối Kinh, quần bó áo jacket gọn gàng, nói năng nhẹ nhàng không khác chi dân phố thị, khá bất ngờ khi biết cô thuộc dân tộc Tày. Công nhận đây là một trong những phụ nữ Thượng xinh đẹp nhất tôi gặp gỡ trong chuyến du hành. Tôi chụp tấm hình lưu niệm cùng cô. Không có khách nào khác, cô dẫn chiếc moto ra, dặn chúng tôi cứ ngồi uống nước tự nhiên, tới giờ cô đi đón con trai gởi mẫu giáo. Ô, đã mẹ một con rồi ư ? 5 hoặc 10’ sau cô chở con về, thằng bé mặt mũi lanh lợi, nhảy xuống xe vội chạy vòng vòng sân tìm trẻ con khác chơi đùa tiếp. Chút sau, một thanh niên chạy moto đến đậu trước gian hàng, cô giới thiệu là chồng. Tôi lại trầm trồ: cả hai đẹp đôi, thảo nào sinh con khôi ngô là phải.
Tôi thật nhiều chuyện gớm !!

Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá vôi Đồng Văn chứa nhiều dấu tích hình thành vỏ trái đất, được Unesco công nhận công viên địa chất toàn cầu, người ta tìm thấy nhiều khoáng sản, tài nguyên, quang cảnh thiên nhiên đặc biệt. Trải dài 4 quận Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc. Nhiều mẫu loài hoá thạch có tuổi 600 triệu năm được tìm thấy.


Nhiều ngọn núi đá vôi màu xám xịt trơ trụi mà mấy đoàn khách ngoại quốc trèo tuốt ra rìa cheo leo phía dưới vực sâu thăm thẳm, ngồi vắt vẻo để cho bạn chụp ảnh tôi thật bái phục, nhỡ trượt chân rơi xuống chỉ có nát xương bể óc.
Chúng tôi bắt chước họ, nhưng chỉ lên mấy phiến đá vuông nhẵn cách mặt đất vài thước leo dễ dàng chứ không dám mạo hiểm sinh mạng cho mấy tấm hình mà bề nào tôi chỉ xem qua vài lần rồi xếp xó, quên mất. 

Phố cổ Đồng Văn
Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày
Đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng

Khu phố cổ Đồng Văn
Trên đây là câu nói của người dân Đồng Văn về khí hậu thời tiết quanh năm mưa, mây mù. Mùa đông 1oC , hè 24oC. 
Đoàn chúng tôi lại chia hai: nhóm trẻ muốn xem cột cờ Lủng Cú cách Đồng Văn hơn 20 km ở địa đầu nước Việt, tôi không hứng thú nên Vĩnh An đành ở lại tháp tùng tôi, để Trang đi cùng hai cô cậu trẻ. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở phố cổ Đồng Văn.
Người ta nói nếu chưa đến Lủng Cú thì coi như chưa đến Cổng Trời Đồng Văn, bởi nơi đó được xem như nóc nhà Việt Nam. Hai chữ Cổng Trời, khiến tôi lan man nhớ đã từng đọc nhiều câu chuyện về cái tên khét tiếng Trại Cổng Trời, chắc cùng một chốn. 

Nếu dựa vào những gì các trang web mô tả thì phổ cổ Đồng Văn là một nơi vô cùng thơ mộng quyến rũ mà ai cũng ao ước được một lần đặt chân đến trong đời. Rằng phố nằm ngay trung tâm thị trấn, bốn bề núi đá bao bọc. Đầu thế kỷ 20 chỉ vài gia đình người Mèo, Tày, Hoa ở đây; dần dần người Kinh, Dao, Nùng kéo về lập nghiệp. Tuy chỉ vỏn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp dưới núi đá vẫn khiến phố trở nên “rộn ràng kỳ ảo (?), đây là lời của mấy trang web ca tụng”, bởi được pha trộn màu vàng của nắng, màu xanh của cây rừng, màu xám là màu hoài cổ* của các ngôi nhà hai tầng mái ngói âm dương hàng trăm năm tuổi. 
*Nghe hấp dẫn và…hoài cổ quá. 
Với tôi, hể những gì thuộc về “cổ xưa”đều hiếm hoi quí giá và có sức thu hút tôi tìm tòi : cố đô, cổ nhân, cổ thành, cổ vật, cổ trang, cổ mộ..v..v.. Một trang quảng cáo nói phố cổ Đồng Văn so sánh ngang hàng với Hà Nội 36 phố phường và phố cổ Hội An!

Cánh đồng hoa Tam Giác Mạch
Bởi thế tôi mới thực hiện chuyến viễn du xa lắc lơ hàng ngàn cây số
để mong ngắm tận mắt mẫu ruộng bậc thang, cánh đồng hoa tam giác mạch, dinh thự vua Mèo, phố cổ, cao nguyên đá… với sự hăm hở thích thú mặc những lời tiêu cực của mọi người về sự bạo gan thách đố sức khoẻ dám ngồi trên chiếc xe hai bánh trèo đèo vượt núi rừng nguy hiểm. Chuyến đi cho tôi niềm vui, thoả nguyện đã được chiêm ngắm nhiều di tích lịch sử hào hùng của tiền nhân, nhiều thắng cảnh thiên nhiên xinh đẹp đất nước. Tôi đã đi kha khá các quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Hà cớ gì đất nước của chính mình lại không viếng thăm. Đời người thì hữu hạn, chỉ thiên nhiên mới tồn tại dài lâu– hàng thiên niên kỷ, hoặc hơn–.

Nhưng xin thành thật thưa rằng: Đến Đồng Văn mới thấy chợ nhà lồng Rạch Sỏi quê tôi còn to lớn, sầm uất náo nhiệt gấp mấy lần hơn, chỉ thiếu mấy ngôi nhà cổ thôi. Thế mà họ ”dám” so sánh ngang bằng với phố cổ Hội An chứ.

Đó là một con đường dài chừng vài trăm mét, gồm nhiều cửa hàng bày bán thổ cẩm, hàng lưu niệm, bánh trái đặc sản, dược thảo, quán ăn…Bên phải là khu nhà lồng chưa đầy chục quán cà phê, quán ăn, một hoặc hai gian hàng vải vóc lưu niệm …bao bọc ba mặt chung quanh cái sân lót đá, đằng trước là bức tường dựng nên từ những viên đá xếp chồng lên nhau, khá ấn tượng. 
Chúng tôi bước bốn bậc để lên sân, đập vào mắt đầu tiên là quán cà phê Tam giác mạch coffee , lần lượt quán Mộc coffee, lơ thơ vài dân Tây trẻ ngồi uống cà phê ở mấy cái bàn đặt trước sân, rồi quán ăn hay gì đó… đánh một vòng cung dạo qua dăm hàng quán đếm không đầy hai bàn tay, đi 2 phút. Hết ! 
Lựng khựng không biết làm gì, đi đâu nên Vĩnh An lôi flycam điều khiển cho bay vòng vòng thu toàn cảnh mấy nóc nhà mái rêu phong xong vào quán uống cà phê.
Trở xuống đường dạo dọc theo phố, nhà cổ xen lẫn với nhà hiện đại cao tầng, một gian hàng bày bán y phục người Thượng màu sắc hoa văn rất đẹp, có quần áo cho thuê để chụp ảnh kỷ niệm. Đến gian hàng bán đặc sản, chúng tôi mua thử bánh tam giác mạch, và bánh gì nữa quên mất tên. Giờ hỏi các bánh ấy hương vị thế nào tôi cũng không nhớ.

Chuyện người chủ nhà nghỉ ở Đồng Văn
Mọi điều muốn xem đã xem xong, chúng tôi chạy ngược trở lại con đường nối dài phố cổ được vài trăm mét thì gặp một bảng cắm quảng cáo nhà nghỉ Diệu Hiền có lầu khá mới mẻ, hai người đàn bà đứng tán chuyện trước hiên, các cháu dừng lại để Trang đến hỏi thuê. 

*Trong các giao tiếp ăn uống, mua bán…tôi luôn để người nhà lo liệu, không xen vào bất cứ việc lớn nhỏ vì ngại bị chặt chém. Chỉ một lần tôi vào cửa hàng bán nước mắm Phú Quốc nổi tiếng ở Rạch Giá hỏi mua vài lít mang làm quà, bà chủ nói giá đắt gấp ba lần giá đúng của nó, biết mua lầm nhưng ngại không mặc cả. Chả trách dân ngoại quốc đã một lần ghé Việt Nam thì hầu hết đều tuyên bố “một đi không trở lại”, ngoại trừ người Việt tha hương nặng tình gia đình ruột thịt mới trở về thôi – như tôi đây–.

1 bài viết kỳ trước tôi khen nhà nghỉ ở Mường Kim, Than Uyên với tình cảm tốt đẹp rồi thêm vài chữ về nhà nghỉ Đồng Văn mà chưa đi vào chi tiết –cốt để giờ mới kể, thay đổi nội dung để bớt nhàm chán .

Không biết Trang với bà chủ nói chuyện ra sao, chỉ biết sau mấy câu trao đổi thì cháu ra dấu chúng tôi dắt xe đậu trên hàng hiên, mang hành lý lên phòng.
Chỉ có đoàn chúng tôi thuê. Bà chủ ngụ tầng trệt, chừng như độc thân vì hoàn toàn không thấy ai vãng lai hay tiếng nói nào khác. 
Lối lên lầu bên trong từ tầng trệt chứ không ngăn chia riêng biệt, không gian thông thoáng nên người trên lầu làm gì hay người dưới nhà nói gì đều nghe rõ. Chúng tôi thuê 1 phòng rộng ba giường cho năm người, mấy tụi nhỏ luôn dành tôi ưu tiên tắm trước. Sau khi lần lượt từng người tắm xong sạch sẽ, sảng khoái nằm thư giản trên giường kẻ đọc sách người online…bỗng nghe tiếng gõ cửa. Mở ra, là bà chủ trọ Diệu Hiền. Bà dặn chúng tôi khi tắm xong nhớ đóng công tắc máy nước nóng kẻo tốn điện.
Tôi cảm thấy kỳ lạ việc khách thuê phòng mới được 1 giờ thì chủ trọ đã yêu cầu tắt máy nước nóng, nhưng cũng thông cảm cho sự vắng khách.Trang vừa nói vừa cười : bà bị ế ẩm quá, thôi mình tiết kiệm điện cho bà ấy vậy.

Nhưng từ giờ tôi sẽ dùng danh từ “mụ” thay cho tiếng “bà” thì mới lột tả chính xác cảm nghĩ của tôi đối với sự khiếm nhã của người đàn bà ấy, mà buổi sáng hôm sau lúc rời đi tôi mới khám phá cái bảng to tướng quảng cáo “bác sĩ Hoàng thị Diệu, chuyên khoa da liễu” kèm 2 số điện thoại, cái tủ cao hai ngăn đặt cạnh cửa ra vào chứa lèo tèo vài hộp thuốc. Biết nghề nghiệp bà là bác sĩ tôi càng coi khinh gấp bội, bởi bà có bằng cấp nhưng không trí thức (mà bằng cấp đạt được do thực tài hay gì đấy?). 

Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, các cháu đề nghị ra đi bộ dạo phố đêm, từ đây vào trung tâm chỉ mấy trăm mét đường. Tôi hết hứng thú nên nằm nhà tiếp tục đọc sách. Khi các cháu đi được một lát, hơi lạnh tôi tìm mền đắp mới thấy trong phòng chỉ có 3 cái mền, 3 cái gối chúng đã tung ra đắp rồi. Nhớ cháu dặn nếu cần mền gối, khăn tắm thì lấy trong tủ chủ trọ kê ngoài hành lang. Tôi mới lò dò đến mở cánh cửa tủ, nó kêu kẽo kẹt thì nghe tiếng người từ dưới lầu vọng lên, thoạt đầu tôi tưởng ai định nói gì với ai nên không trả lời, tiếp tục với tay lấy mền gối thì âm vang the thé lập lại lần thứ nhì. Thôi đích thị bà chủ nhà chứ chẳng ai khác, bà ra ”chỉ thị” gì cho tôi đây. Tôi hỏi :
—Xin lỗi, chị nói gì tôi không hiểu ?     
Bà ta lập lại tôi hiểu đại khái :
—Mỗi người một cái chăn, không được lấy nhiều.
Quá ngạc nhiên cho cái giọng điệu hách xì xằng nầy, nghĩ thầm chúng tôi đâu đến xin ngủ nhờ, nhưng vẫn lịch sự trả lời : 
—Trong phòng chỉ có ba cái chăn mà chúng tôi năm người tất cả.
Bà ậm ừ gì đó trong miệng. Tôi ôm mền gối quay về phòng. Nửa tiếng sau, đang xem  hình chụp lưu trong máy, lại nghe giọng chanh chua của bà ngoài cánh cửa vọng vào mà tôi không hiểu lấy một chữ. Bực bội, tôi không trả lời cũng không mở cửa.

Chờ các cháu về, tôi kể cho Vĩnh An nghe việc mụ ngăn tôi lấy mền gối, vừa đây lại lên tận phòng léo nhéo cái gì nữa. Cháu xuống nhắc có chuyện gì thì hãy trao đổi với vợ chồng cháu chứ dì – là tôi–không hiểu, thì mụ trả lời đâu có gì, chỉ kêu đem xe đậu ngoài hiên vào nhà để mụ đóng cửa ngủ !
Ôi trời ! Chưa tới 10 giờ. Cho thuê phòng chứng tỏ bà cần tiền mà kiểm soát giám sát khách như thể quản giáo trại giam ấy.
Đã lỡ rồi. Đâu biết thuê nhầm chỗ hắc ám vậy, cố nhịn thêm vài tiếng nữa.

Nhưng chưa hết. 5:30’ sáng. Chỉ mới mình tôi thức dậy rửa mặt đánh răng, nghe tiếng gõ cửa. Cháu An ra mở cửa, lại mụ Diệu : 
—Mọi người chuẩn bị nhanh đến 6: 15’ là rời nơi đây nhé, vì tôi có việc phải đi sớm.
Cái gì ? Mụ lệnh cho chúng tôi phải ra đi lúc 6:15’ sáng ? Tôi có nghe lầm chăng ?
Thông thường mỗi sáng chúng tôi đều rời khách sạn hay nhà trọ lúc 7 g- 7:30’ để kịp đến thành phố khác dù chúng tôi có quyền check-out trước buổi trưa. Khởi hành lúc nào là do chúng tôi quyết định chứ đâu phải chủ nhà ra lệnh phải đi trước 6: 15’ chứ. Thật quá quắt.
Nhưng tụi trẻ cũng ngồi dậy, lần lượt chuẩn bị.
6: 10’. Mụ Diệu lại lên gõ cửa, lần nầy giọng nói gầm gừ:
—Trời ơi, tôi nói 6:15’ mọi người phải đi vì tôi bận việc không ngồi đây chờ được, thế mà giờ vẫn chưa xong là sao ?
Tôi đang thay quần áo nên không xuất hiện được. Vĩnh An trả lời là chúng tôi đang chuẩn bị đây, cũng phải cho thời gian làm vệ sinh và sắp xếp đồ đạc chứ. Mụ lầm bầm bỏ xuống nhà. Đến 6:15’ nhào lên quát tháo tiếp. Giọng vốn the thé lại càng chát chúa khó nghe hơn, xem chúng tôi như những đứa trẻ hư hỏng. 
Đến lúc nầy thì tôi không nín được :
—Theo qui định thuê phòng, khách được quyền ở tới mấy giờ thì trả phòng ?
Mụ trả lời ngang ngược :
—Tôi không cần biết qui định gì sất. Tôi làm việc cho nhà nước nên đúng giờ phải có mặt ở chỗ làm kẻo trễ giờ tôi.
—Chị làm việc nhà nước hay việc gì chúng tôi không cần biết, chỉ biết chị cho thuê phòng thì phải tôn trọng khách và theo đúng qui định luật cho thuê. Bắt khách trả phòng lúc 6 g sáng là thế nào. Tôi trả lời.
Đuối lý, mụ cãi bừa:
—Tối qua tôi có giao hẹn với cô kia – chỉ qua Trang– là sáng phải đi sớm, cô ấy đã chấp nhận rồi.
Tôi tưởng là hai bên thoả thuận thế nên không nói nữa. Sau, Trang mới kể bà chỉ yêu cầu đi sớm chứ chính xác giờ giấc, nghĩ sớm thì cũng phải từ 7 g nên con mới đồng ý đó chứ.
—Lúc ấy sao con không lên tiếng, làm M4 tưởng con chấp nhận trả phòng lúc 6:15’ nên mới thôi không nói tiếp nữa.

Chúng tôi check out, mang xe ra ngoài chất hành lý lúc 6:35’. Hai bên không một lời từ biệt nhau. Cái mặt mụ bự một đống, vốn đã kém xinh giờ càng tệ hại. 😛*
*Đáng lẽ tôi nên khiêm nhường đừng chê bai ai, nhưng thái độ của bà nầy mà không chê thì không hết tức được. 
Như đã kể ở trên, lúc sắp rời đi tôi mới nhìn thấy bảng hiệu bác sĩ da liễu Hoàng thị Diệu. Đồng Văn và các tỉnh phụ cận nơi đồng bào thiểu số chiếm phần lớn. Mụ Diệu này tưởng mình học đến đó là tài giỏi lắm nên sinh cao ngạo, quen thói bắt nạt người dân sơn cước vốn bản tính chân chất lại không rành tiếng Việt. Thật đáng xấu hổ, ngao ngán cho những đầy tớ dân như thế (chính mụ khai là làm việc cho nhà nước, ở Việt Nam hể làm việc cho nhà nước thì gọi bằng “đầy tớ dân”đó thôi).

Trước khi rời Đồng Văn, chúng tôi còn quay lại phố cổ uống cà phê nguyên chất pha bằng máy ở quán Tam Giác Mạch.

Thanh Hà
07.2023






2 nhận xét:

  1. Chào bạn TH
    Cám ơn bạn TH với những bài ký sự hay , mạch lạc, với một trí nhớ siêu đẳng nên cứ mỗi bài là một địa danh xa lạ dù là Việt Nam của mình, cứ như là KT cũng đang đi ngao du thăm cố quốc với Bồ vậy đó, và mỗi bài viết có nét đặc trưng riêng cho cách sống từng địa phương bạn hé.
    Riêng bài này mình cũng thấy “ ứa gan “ ghê, sao mà chướng thế, cho mướn phòng mà không theo luật lệ gì cả, đâu phải mình làm chủ là có quyền hihihi, gàn thiệt giờ nhớ lại vừa thấy tức vừa mắc cười nữa …
    Mến chúc bạn tôi nhiều sức khỏe và sung sức để KT và độc giả được tiếp tục đọc bài và thơ của bạn nghen TH ơi
    KTP

    Trả lờiXóa
  2. Coucou Kim Trúc,
    Cám ơn KT đã theo dõi cuộc hành trình của TH từ đầu cho đến tận địa đầu giới tuyến miền bắc. TH cũng không có trí nhớ giỏi như KT nói đâu, mà do mỗi ngày khi đến đâu thì tối TH ghi chú lại địa danh, cùng điều gì hơi đặc biệt, với lại nhờ coi lại mấy tấm hình và nhất là nếu quên thì gọi điện hỏi thêm cháu Vĩnh An người đã chở mình đi chơi đó.
    Nhờ đến mấy nơi đó mà TH khám phá thêm nhiều phong cảnh cùng nét đặc biệt của mỗi nơi sơ sơ.
    Trong chuyến du lịch thì TH có cái kém vui như câu chuyện nhà nghỉ ở Đồng Văn, còn lại thì rất nhiều điều thú vị như phong cảnh hữu tình, dân địa phương cư xử đúng mực. Với lại TH cũng không có dịp tiếp xúc nhiều với họ vì ban ngày thì rong ruổi trên đường, buổi tối lên giường ngủ để sáng hôm sau đi tiếp.
    TH chúc KT và gia đình luôn bình an mạnh khoẻ, để chuẩn bị cho lần họp mặt ở Boston thật vui nhộn như mấy lần trước mà KT & bạn đã kể đó. Giờ TH vẫn còn tiếc là mừng hụt không được hội ngộ với KT năm ngoái 😢😩
    TH

    Trả lờiXóa