Trầm Vũ Phương
Cụ Nguyễn Công Trứ có làm bài Hàn Nho Phong Vị Phú, trong đó có câu: “ Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch ”. Học trò nghèo nhiều bữa thiếu gạo phải ăn rau. Ca dao tục ngữ cũng có nói như vầy: “Đói ăn rau, đau uống thuốc “. Vậy suy ra ăn rau cũng tốt đâu thua gì ăn cơm. Lúc tôi có được cái nhà mấy bạn đồng nghiệp hỏi có trồng cây không chớ ít ai hỏi có tới chuyện trồng rau. Cứ gặp nhau là hỏi: “ Nhà ông có trồng ổi hay hồng không vậy? “. Hồng đây là cây hồng có trái màu cam. Quả thật hai thứ này lúc có trái thấy mà mê. Mãi về sau này khi đến chơi nhà mới biết là ngoài cây hồng, cây ổi họ còn có một vườn rau. Trồng chơi mà ăn thiệt, lần nào tôi cũng được ưu ái mang về vài bó rau cộng với mấy loại trái cây. Cho nên ban đầu mình xin nhưng sau thì chuyển qua trồng. Ôi! Sướng thiệt, buổi cơm có tô canh rau, có dĩa cải xào, có rỗ rau thơm kế bên, chồng chan, vợ húp gật đầu khen cái vườn rau.
Hồi mới về đây, sinh hoạt trong cộng đồng, cứ đi dự tiệc ở nhà hàng miết, việc gì họ cũng kéo nhau ra nhà hàng, họ mời mình khó từ chối. Cho đến nổi hầu như tôi thuộc lòng cái thực đơn, kể sơ sơ mà nghe nhé mở đầu là món đồ nguội bát bửu, đến súp măng cua, các món chính là gà quay xối mỡ bánh bao, thịt bò xào cải làn, gỏi sứa tôm thịt, chim cút rô ti, cá hấp Hồ Nam và sau cùng là cơm chiên Dương Châu. . . Cái câu ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật nghe mà ngán tới cổ.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ trước 75, mỗi tháng ban thông tin xã đưa cho ba tôi một cuốn Hương Quê, có lẽ là nguyệt san, tôi thích lắm vì nghĩ mình không phải dân thành thị, ngược lại mình sống gắn bó với đồng lúa nương khoai, nguyệt san này gồm có những bài phóng sự về đời sống người dân quê, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt rồi lại thêm truyện ngắn của Sơn Nam với Bình Nguyên Lộc. Lúc đó tôi mê nuôi cá lia thia mà đọc truyện Thám Tử Rừng Xanh thì thích đến cỡ nào. Không nhớ trong cuốn Hương Quê số mấy có một bài khá đặc biệt có tựa đề Trời Trồng Rau Nuôi Sống Nhân Dân làm cho tôi khó quên, bài viết có hình minh họa kế bên, đó là hình một bác nông dân ngồi bên thúng rau. Đọc bài này chẳng những để giải trí mà còn giúp cho mình một số hiểu biết về các thứ rau cải đồng quê.
Ở Mỹ này thì mình tự trồng rau chớ không phiền đến ông trời, thật ra ăn thì chẳng bao nhiêu nhưng nhìn ngắm để thấy tình quê hương lãng đãng, đi làm về ra sau vườn tưới nước cho luống cải, buội rau, nhiều khi ngắt một lá ngò, vò một lá quế, nhai một đọt tần ô để thấy đời nhiều hương vị. Đó là chưa nói đến mỗi buổi chiều đều diễn ra cái hoạt cảnh vợ tôi bắt ốc hái rau, đầu đội chiếc nón lá, tay cắp cái rỗ con thoăn thoắt giữa hai hàng đậu đũa, lom khom bên luống cải bẹ xanh hoặc khi ẩn khi hiện dưới giàn mướp, giàn bầu. Coi như bữa cơm chiều nào cũng có món canh rau, món rau xào, rau luột chấm tương. Rau vườn nhà có cái hay là giữ được lâu hơn rau mua ngoài chợ. Nếu mùa hè ăn không hết thì cất vào ngăn đá dành cho mùa đông.
Cái gì lâu dần rồi cũng trở thành triết lý, ăn nhiều rau quả với các loại hạt theo các nhà dinh dưỡng cho biết rất có lợi cho sức khỏe, không biết có thật hay không nhưng khi ăn canh bầu, canh mướp, canh khổ qua. . . thì ngủ một lèo tới sáng. Còn điều này nữa khi nấu chung hai thứ với nhau thì đau nhức không còn. Để cho gọn dễ nhớ tôi với bà xã đặt thành câu thơ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
Nhất má đao ( rau má nấu chung với bí đao ).
Nhì mướp ngót ( mướp nấu chung với bồ ngót )
Tam bầu mồng ( bầu nấu chung với mồng tơi )
Tứ mướp đắng ( khổ qua )
Ngũ bí ngô ( trái bí rợ )
Khổng Tử có tứ thư, ngũ kinh. Tôi với bà xã cũng có tứ thư là : Rau, Quả, Ngủ Cốc, Nước Lọc. Còn ngủ kinh là nói như ở trên.
Cái từ “Đi lộn vườn “ mới nghe thì lạ nhưng biết rồi thì quen. Nghĩa là lâu lâu gặp hàng xóm, mình tặng họ trái bầu, quả mướp thì họ đáp lễ bằng bó rau lang với chùm ớt sừng trâu. Rồi có khi đi bộ ngang qua nhà bác H dừng lại hỏi thăm sức khỏe, bàn chút chuyện đời rồi bác vào nhà mang ra cho khách hai tách nước lá sâm uống cho mát trong tiết hè nóng nực.
Nhà có cái vườn sau cũng là nơi khách khứa hay ra ngắm nhìn, rồi trong khi chờ đợi món cá nướng lúc chủ nhà đang bận tay, bận chân khách đi vài bước tới hàng dậu đưa tay hái một nắm lá mơ để chút nữa ăn kèm với cá. Có khi trà tam rượu tứ ngồi dưới giàn thiên lý, ông bạn xoay người ra sau ngắt vài lá cóc non cho vào dĩa bánh xèo. Nấu phở ở nhà ăn thì có lá quế, bún bò Huế thì có sẳn tía tô, bún riêu cua thì có rau kinh giới, bún nước cá Kiên Giang thì có húng nhủi, húng cây. . . Cái vườn rau trong một truyện của nhà văn Tô Hoài nó đẹp, nó nên thơ như thế nào thì tôi không biết chớ mấy đứa em họ thích đến đây làm dáng để chụp hình, đứng bên giàn mướp có hoa vàng, bên giàn bầu có hoa trắng hay giữa đám rau sâm đất có hoa tím nở li ti.
Trong kho tàng văn học dân gian có những câu ca dao cũng như bài vè rất phổ biến như sau:
- Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
- Mẹ mong gã thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
- Canh bầu nấu với cá trê
Ăn vô cho mát mà mê vợ già
- Ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Bài vè:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè các rau
Thứ ở hỗn hào
Là rau ngành ngạnh
Trong lòng không tánh
Vốn thật tâm lang
Đất rộng bò ngang
Là rau muống biển
Quan đòi thầy kiện
Bình bát nấu canh
Ăn hơi tanh tanh
Là rau vấp cá
Có cha không mẹ
Rau má mọc bờ
Thò tay sợ dơ
Nó là rau nhớt
Rau cay như ớt
Vốn thiệt rau răm
Sống trước ngàn năm
Là rau vạn thọ
Tánh hay sợ nợ
Vốn thiệt rau co
Làng hiếp chẳng cho
Nó là rau húng
Lên chùa mà cúng
Vốn thiệt hành hương
Giục ngựa buông cương
Là rau mã đề. . . . .
Ai thích nhạc Hoàng Thi Thơ thì thế nào cũng biết bài Duyên Quê. Trong bài có câu:
Anh cuốc vườn sau
Mặt trời trên đầu
Ruộng vườn lên màu
Vì em ước mong đây đó chung lòng.
Mùa hè trời nóng nên cuốc đất cũng lã mồ hôi , coi vậy chớ có vài đám mưa thì rau mau lớn. Mấy đứa con đi học cũng đem về nhà nào là cà chua, dưa leo, cà tím, bông cải xanh, bông cải trắng. . . vì chúng cũng trồng rau ở trường. Cô giáo nói em nào trồng được nhiều thì em đó có greentumb, chúng nó thấy cái vườn rau tôi trồng sao lớn quá thì chúng nói tôi có
darkgreentumb, tụi nó nói đúng vì tôi chuyên hái rau đậu bằng tay chớ không dùng dao, kéo nên mủ bám làm mấy đầu ngón tay có màu xanh đậm. Tấm lịch treo tường để coi ngày tháng, bây giờ trở thành cái chổ để bà xã ghi chú thực đơn, hôm qua canh mướp, rau ngổ xào, hôm nay canh khổ qua với thịt bò cuốn lá lốt, ngày mai canh bông bí với rau càng cua trộn dấm.
“ Vì em ước mong đây đó chung lòng “. Phải rồi! Cái vườn rau sau nhà coi vậy chớ hay ghê. Nó ru người ta không bằng nỗi nhớ, nó giữ người ta khắng khít với trái ngọt cây lành, nó nhắc người ta tuy ở xa mà không quên hương đồng cỏ nội.
Trầm Vũ Phương
Tháng bảy mưa ngâu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét