Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Đảo Kra

 Trầm Vũ Phương 


Đảo Kra, Thailand
Khi nói chuyện về hòn này, hòn nọ mấy người bạn tôi có người biết, có người thì cả đời chẳng biết nó ra sao? Tôi có tới bốn lần đi ra hòn. Lần đầu là khi học trường Kiên Thành, thầy Ấn tổ chức đi hòn Sơn Rái. Ra ngoài đó được nghe huyền thoại về thời Gia Long tẩu quốc. Đó là khi Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị truy đuổi bởi quân Tây Sơn, đã đổ bộ lên hòn đảo này tìm nơi trú ẩn, dĩ nhiên đoàn người để lại dấu chân trên cát, cũng chính vào lúc nguy cấp đó bổng đâu xuất hiện một đàn rái cá, chúng đã vô tình xóa hết vết chân nguời, khi quân Tây Sơn đến nơi thấy không có dấu hiệu nào khả nghi nên bỏ đi. Lần thứ hai tôi theo đoàn hướng đạo hải quân ra hòn Nghệ, đến hòn vào buổi tối, cả đám lịt kịt lên bờ tìm chổ cắm trại. Sáng sớm hôm sau ra chỗ người dân địa phương nhóm chợ nghe loáng thoáng rằng: “ Tối hôm qua lính của tiểu khu ra đây, chắc là giữ an ninh cho ngày bầu cử”. Tôi không nhớ là bầu cử cho điều chi và chúng tôi thì quả giống lính thật, ai cũng mang ba lô, bình nước, gậy gộc, cờ quạt. . .  Còn lần ra hòn thứ ba và thứ tư thì xảy ra sau này, lúc tôi làm cho Công Ty Dược Phẩm, toán Dược Liệu chúng tôi được lệnh đi Phú Quốc. Đi bằng tàu đò đến Dương Đông, khi đến đó chúng tôi vào Phòng Y Tế Huyện trình giấy, buổi chiều có buổi tiệc đãi khách, đồ biển nào là cua ,ghẹ, mực, tôm, cá bốp còn đưa cay thì có rượu tắc kè. Vì tửu lượng không cao nên tôi đầu hàng, trưởng phòng là chú bảy Y cười nheo mắt nói: “ Chuyến này Dược Liệu thua rồi “. Bên hông chú có đeo cây súng ngắn loại colt 45 bá nạm bạc, đây là dịp tốt để khoe, chú nói tay quận trưởng bỏ chạy bỏ quên cái này. Trong lúc chén tạc chén thù thì nghe có tiếng la hét, người trực chạy lên kiếm chú bảy báo cáo sự việc. Chú bảy ra lệnh: “ Chích morphin cho nó “. Hỏi ra mới biết người ngư phủ Thái bị thương lúc tàu bị kéo về đây vì đánh cá lậu. Morphin là thuốc giảm đau, chú đang nhậu mà nó la hét như vậy chịu sao được. Lần sau cùng ra ngoài Phú Quốc, tôi đi một mình, bác N làm giấy cho tôi rồi nữa đùa nữa thật: “Đi rồi có về không? “. Cái đó làm sao mà  biết được?. Ngày cuối năm, biển êm tàu đi nhẹ nhàng, đang lim dim ngủ bổng nghe tiếng AK dòn dã, thần trí tôi liên tưởng tới một vụ cướp tàu, kiểu này là cháu không về rồi bác N ơi!!, Tôi lần ra boong tàu lại nghe một loạt AK nữa nhưng hơi xa. À! Thì ra tàu quốc doanh gặp nhau giữa đường chào nhau ấy mà. Có ai đó nằm võng vừa ca giọng cổ nghe mùi riệu: “ Phú Quốc tôi miền thùy dương, cát trắng. Núi sừng sững nước bao quanh, bốn bể xây. . . . . thành”. Lại gặp chú bảy Y, kỳ này chú, người tài xế với tôi lái chiếc Landrover đi tới những địa danh lạ hoắc: Đường Bào, Cầu Sấu, Ong Lang, Gành Gió nhiều nơi lắm gom mớ dược liệu đặt mua kỳ trước cộng với kỳ này. Buổi chiều lang thang ra Dinh Cậu, tình cờ gặp lại mấy người quen làm bên Thông Tin Văn Hóa Thị Xã, thế giới này đâu phải mình ta đâu, chúng tôi kéo đến nhà chị M. nhậu bia với mực ống. Buổi gặp này không biết có còn lần sau không?

Trên đường vượt biển, số tôi cũng gặp hòn. Hòn này có tên là đảo Kra thuộc hải phận Thái Lan, thật là khác xa với những lần đi ra hòn thuở trước. Lần này thực tế là bị đẩy lên hòn với bao nguy cơ chờ đợi, ghe của tôi cộng với một chiếc khác được biết xuất phát từ Cà Mau gặp hải tặc rồi đều bị chúng giong về đây, đã vậy còn bị những tàu khác thay phiên nhau tấp vô làm thịt. Đã có rất nhiều bài viết về chuyện này nên tôi xin không kể lại ở đây. Điều đáng nói là cái ý tưởng chống lại bọn hải tặc đã nhen nhúm trong đầu tôi, tôi suy luận tụi nó ít mình thì đông hơn sao lại sợ?. Mình ba người không lẽ không khống chế được một thằng?. Nhớ lại lúc bị bắt qua tàu Thái, mấy cô gái đi chung ghe bị tụi nó kéo lên nhốt trong phòng thuyền trưởng, đám đàn ông con trai thì bị tập trung trước mũi tàu, mấy cô gõ gõ cửa kính vừa khóc vừa nói: “Đừng bỏ tụi em mấy anh ơi! “. Nghe mà đau sót biết chừng nào. Tôi để ý thấy mỗi lần tàu chúng nó đến thì có khoảng ba hay bốn tên đi ca nô còn không thì lội vào bờ. Thằng nào cũng ở trần xâm đầy mình, mặc khố, tóc xoăn để dài, đeo dây xanh đỏ  chắc là bùa, một cây dao ngắn đeo bên hông. Cái tâm lý sợ hãi làm cho người ta trở nên mềm yếu, mất khả năng chống trả và không còn sáng suốt tìm mưu tính kế. Cho nên tôi có bàn với một số anh em, phải hành động để có cơ sống còn chớ không ngồi chờ chết. Hôm nay có lẽ là bước qua ngày thứ sáu hay thứ bảy trên hoang đảo, phải làm sao có một ngày khác với mọi ngày, một ngày không thể quên. 

Trời chiều bắt đầu chìm theo ánh hoàng hôn, ngoài xa khơi từng đợt sóng xô đẩy vào bờ đá, tiếng gió lùa qua rừng cây nghe xào xạc từng hồi, mọi người lặng lẽ chờ đợi màn đêm phủ trùm lên hoang đảo, không biết chuyện gì sẽ xãy ra. Ánh sáng từ đống lửa bập bùng soi rõ từng khuôn mặt đầy vẻ suy tư lo lắng. Đàn bà, con gái, trẻ em được sắp xếp ngồi phía trong, vòng bên ngoài là trai trẻ, đàn ông những người còn sức để chiến đấu. Vũ khí thì có gậy gộc, đá sỏi, dây leo. . . Tối nay thế nào chúng nó cũng vô đây, không biết bao nhiêu tên,  không biết bao nhiêu tàu. Kế hoạch đã sắp xếp đâu vào đó, ai đánh chặn, ai dẫn đường đi trốn. Có người đã bị chúng bắt đi, ghe tôi có người đã trở thành góa phụ vì chồng đã bị hải tặc giết chết.

Khoảng tám giờ, mây đen còn che khuất ánh trăng, tầm mắt mọi người nhìn thấy một ngọn đèn nhỏ từ ngoài xa, cứ mỗi giây trôi qua là con tàu hiện ra càng lớn, tàu đánh cá Thái Lan chiếc nào cũng to, một kiểu như nhau, sơn phết lòe loẹt, cờ xí lô nhô, chúng mở đèn sáng rực vào ban đêm. Tàu từ từ đến gần hơn trong lúc mọi người đang hồi hộp nhìn nó ngừng cách bờ khoảng vài trăm mét. Tiếng vài nguời đàn bà giọng đầy sợ hãi: “ Nó vô rồi kìa mấy ông ơi! “. Một chiếc ca nô rẽ sóng chạy một mạch vào thẳng bãi cát, rồi có ánh đèn pin quẹt qua quẹt lại, tên này tóc dài, mặc áo trắng, quần ngắn đi về hướng chúng tôi, vì trời tối nên không thấy có đeo vũ khí gì không, toán anh Nghĩa bất thần nhào ra quật tên này ngã xuống đất, hai thanh niên đè lên người hắn làm cho hắn không làm sao nhúc nhích được chỉ còn mỗi cái đầu lúc lắc, tôi nghe hắn vừa rên vừa van xin: “ Alright, don’t kill ! “. Hai cánh tay bị bẽ quặt ra sau lưng, ngón tay của hắn chỉ chỉ về phía sau. Lại nghe tiếng mấy bà: “ Một chiếc ca nô nữa thêm hai thằng nữa kìa “ . Một thằng thì đang bị khống chế giờ thêm hai thằng nữa vậy phải cần người của toán anh Nghĩa đến tiếp tay với toán anh Tân. Lần này thì làm quá gọn, hai tên cũng chịu cảnh bị thịt đè người. Tịch thu được hai cái đèn pin, hai bình nước, một con dao xếp loại bỏ túi. Hai tên nói gì mà tôi nghe loáng thoáng: “ Japanese “. Thằng Sơn từ chổ hai thằng kia ngược trở lại gặp tôi thở hổn hển nói:
      - Tụi nó có đeo bùa anh Phương ơi!
Tôi sực nhớ ra là người Miên và người Thái hay đeo bùa với lại đeo ngà voi, nanh heo rừng. Hồi ở quê tôi thường nghe người ta nói về bùa ngãi, bùa cà tha, ai đeo thì đạn bắn không thủng, dao chém không đứt. Lại còn nghe có ông thượng sĩ già người Miên  đeo bùa cà tha, đi hành quân mà ổng cứ đi sâng sẩng không sợ bị trúng đạn chi hết. Kiểu này thì hơi mệt không khéo nó quăng cả đám xuồng biển hết thì nguy. Tôi bảo em Sơn:
      - Thằng nào đeo bùa em giựt cho đứt ra đem lại đây cho anh.
Người ta nói bùa cà tha mà muốn cho hết linh nghiệm thì dùng đố dơ mà trét lên nó hoặc dùng nước tiểu mà hoá giải.  Sơn chạy trở lại trên tay cầm một vật vuông vuông, có lủng lẳng giây đeo cổ,  tôi lấy làm lạ thường bùa cà tha được để bên trong một cái  bao nhỏ làm  bằng vải có hình tam giác, khâu gắp lại hai mặt. Tôi bấm đèn pin lên xem. Úy, trời đất ơi!, tôi bật ngữa khi thấy mấy mẫu tự U N H C R*.  

Tôi la to:
      - Thả ra, thả ra, ngưng chiến.


Trầm Vũ Phương
Ngày 5 Tháng bảy, 2025


*U N H C R là Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, trong truyện tôi viết trên đây là họ thuê một chiếc tàu Thái chạy ra đảo Kra để giúp người tỵ nạn, nhóm tôi được đưa về quận Batbanang thuộc miền nam Thái Lan đúng vào dịp Giáng Sinh. Có bốn nhân viên Cao Ủy người Nhật theo tàu. 
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét