Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Chút Ngày Tháng Vội

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng


Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
... Sitting here resting my bones
And this loneliness won't leave me alone
It's two thousand miles I roamed
Just to make this dock my home
Now, I'm just
Sitting on the dock of the bay
Watching the tide roll away
I'm just sitting on the dock of the bay
Wasting time...   (1)

Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ đĩa nhạc tôi mua được tình cờ ở thành phố New Orleans, Louisiana. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình. Đôi mắt nhắm nghiền, những vết nhăn nhún trên khuôn mặt đen sạm nắng bụi thời gian, tiếng hát chừng như đang dỗ dành, kể lể với thân phận của chính mình. Tiếng hát như níu chân trái tim của bạn lại. Tiếng hát như mời mọc tâm hồn bạn với khoảnh khắc một đời người. Nhưng chung quanh, vẫn mãi mãi thiếu vắng một tấm lòng. Tiếng hát chấm dứt như một tiếng thở dài không dứt. Tôi đã nghe rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát bài nầy, nhưng đây là đầu tôi xúc động mãnh liệt với giọng ca của người ca sĩ đường phố...  Chạnh lòng, chợt như văng vẳng đâu đây tiếng hát vọng từ dĩ vãng: 

Mưa rừng ơi, mưa rừng! 
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu... (*)

Người con gái thân hình bé nhỏ, chiếc nón lá rách vành, một tay với chiếc gậy phía sau là người đàn ông mù; một tay cầm chiếc rổ với những đồng giấy bạc nhầu nát, bơ vơ. Tiếng hát trong trẻo, ngây thơ nhưng chừng ai oán, não nùng trong tiếng ồn ào, nhộn nhịp những cuộc đời xuôi ngược giữa buổi trưa oi bức của bến phà Mỹ Thuận. Tiếng hát ấy đã nằm sâu kín trong mọi tiềm thức của tôi một đời hệ lụy, cưu mang. Người con gái đã đi về đâu giữa trời miên viễn? Cuộc đời họ sẽ có bao nhiêu hệ lụy đời nầy?
Nhiều năm sau nầy, đi ngang cầu Mỹ Thuận, phía dưới hai chân cầu là những dãy nhà san sát, xô bồ. Nói với người lái xe dừng lại, tôi xuống và đi dọc ven đường. Thời gian không chảy ngược nhưng những ký ức là hình ảnh ngược dòng của quá khứ không nguôi. Tóc tôi đã bạc màu năm tháng. Cô gái hát dạo năm xưa chắc cũng không còn trẻ với thời gian. Cô gái ấy là ai? Số phận họ ra sao, về đâu trong biển đời cùng tận. Tôi chợt thấy mình thật nhỏ nhoi, thật cô đơn vẳng trong tiếng hát ngày nào: 

Mưa rừng ơi! Mưa rừng
Tìm đâu hởi ơi bóng người xưa
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng
Bóng chiều về dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi... (* Mưa Rừng – Huỳnh Anh).


Hai nhà sư Hoàn Nguyên & Nhất Nguyên
hát nhạc trữ tình Bolero
Khác hẳn với những hình tượng nầy, gần đây trong nước dậy lên cuôc tranh cải có phần dữ dội về hai nhà sư “bolero” trên mạng youtube và một chương trình thi ca nhạc. Theo thông tin “mạng” và báo chí, Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên là hai nhà sư đã “gây bão” với một vài bài hát bolero trên youtube. Tò mò, tôi có tìm nghe hai nhà sư nầy song ca.  Hình ảnh của hai nhà sư với áo nâu sồng, bình tra, khóm trúc, đêm tĩnh lặng cất cao tiếng hát bản tình ca bolero, trữ tình lãng mạn. Tôi thích nhất là Liên Khúc Mưa – Lạnh Trọn Đêm Mưa (Huỳnh Anh) và Mưa Nửa Đêm (Trúc Phương). Ngọt ngào, truyền cảm trong một khung cảnh rất đạo, rất đời. Ngoài ra thì giọng hát của hai “thầy” cũng thường thường bật trung! Theo dõi những “ý kiến” của dư luận trên báo chí và mạng trong nước: tán thành, ca ngợi và cả chỉ trích, lên án. Thời gian sau, chợt dấy lên cuộc tranh cải khi hai nhà sư nầy tham dự một chương trình thi ca nhạc có tên “Tuyệt Đỉnh Song Ca”, với nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” (Trịnh Công Sơn). Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Long An cũng lên tiếng chỉ trích, đính chính hai vị nầy không phải là nhà sư thuộc giáo hội. Không đề cập nhiều về vấn đề nầy (các bạn dễ dàng google để tìm hiểu thông tin), tôi chỉ muốn đề cập đến vấn đề văn hóa xã hội. Đạo, đời. Đời, đạo. Đạo làm cho đời đẹp. Ngược lại, đời cũng lảm cho đạo cao rộng, bao la. Con chim sơn ca sống trong chùa. Con chim sơn ca sống trong rừng thẳm. Cả hai đều dâng hiến cho đời tiếng hót tha thiết, líu lo. Phải không các bạn?
Khác với dòng nhạc tiền chiến mang nặng tính trữ tình, lãng mạng và nghệ thuật cao. Dòng nhạc “bolero” của thập niện 1960, mang tính nghệ thuật quần chúng, phản ánh một giai đoạn xã hội chiến tranh đưa đến nhiều bế tắc trong cuộc sống. Ca từ giản dị, không trau chuốt, với âm điệu đơn thuần dễ nhớ, dễ hiểu. Hát như kể lể một câu chuyện tình ngang trái, bi kịch của con người và xã hội lọan ly. Sống hôm nay, không biết được ngày mai.
Ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta nghe lại những bài hát bolero nầy là để nhớ về, sống lại trong tâm tưởng với bao kỷ niệm của một thời quá khứ.  Đối với thế hệ trẻ, con cháu chúng ta, chỉ là bức tranh khắc họa của một giai đoạn lịch sử bằng âm nhạc. Để chúng hiểu đã là không dễ, chớ nói gì đến trải nghiệm. Sự “lạm phát” của thị trường âm nhạc bolero trong nước hiện nay đã làm chúng ta trở nên nhàm chán vì sự đơn điệu, nặng tính trình diễn và thương mại của nó. Những ca sĩ trẻ đẹp, có trình độ thanh nhạc tốt, nhưng không hiểu sao tôi không chút xúc cảm khi nghe họ hát. Chừng như họ chẳng hiểu chi về nội dung bài nhạc, nên những “biểu cảm” thật gựơng ép vả giả tạo. Không hiểu, không trải nghiệm, đôi khi họ chỉ cầm hát tự nhiên, chân thật có lẽ sẽ thu phục được người mộ điệu nhiều hơn! 
  Bất chợt choàng tỉnh, tôi nhận ra mình đã lái qua khỏi lối rẽ vào nhà. Tấm bảng “Exit 294” bên đường, cho biết tôi đã chạy lố 3 lối vào.
-Chết, đã chạy quá 3 cái “exit” rồi.
-Em biết. Bà xã trả lời ngắn, nhẹ.
-Sao em không nhắc.
Bà xã vẫn cười nhe, nói:
-Có sao đâu. Huốt vài cái “exit” mình có nhiều cái “exit” khác để quay trở lại. Chứ cắt đứt dòng suy nghĩ của ông, chưa chắc gì sẽ tìm lại được..!   
Nói là vậy, nhưng cũng có lẽ vì đã quen quá với cái tính lãng đãng của tôi. Người khác khó lòng mà chịu đựng nổi. Nhất là cuộc sống của chúng ta hiện nay. Tất cả phải nhanh, phải theo đúng những gì thói quen chúng ta ấn định. Chỉ cần một chút sai sót, một chút lỗi lầm đã dễ khiến chúng ta bực tức, khó chịu. Thói quen chừng như hằn nhiều vết nhăn trong đời sống của tôi. Không phải là những vết nhăn thời gian khắc trên vầng trán, đuôi mắt hay khóe môi trên khuôn mặt của mình. Bởi với ngành khoa học thẩm mỹ hiện đại, những vết nhăn đó có thể được che lấp, tẩy xóa cũng không khó khăn gì. Ở đây, thói quen đã hằn sâu những nếp nhăn trong suy nghĩ của chính tôi. Điều nầy không một công nghiệp thẩm mỹ hiện đại nào có thể che lấp hoặc tẩy xóa được. Vết nhăn càng sâu, tôi càng trở nên chủ quan và cố chấp. Nhận thức là một chuyện, thay đổi lại là một chuyện khác hoàn tòan khó khăn hơn. Thói quen từ đó chiếm ngự mọi suy nghĩ, hành động của tôi, nằm ngoài ý thức. Cộng thêm vào đó, là cuộc sống của chúng ta trong thế giới “ảo”. Từ những mục đích nối kết “tốt đẹp” ban đầu, FB trở thành di căn đáng sợ của chúng ta trong một “vùng đất”, một thế giới “ảo” đầy cám dỗ và nhiều nguy cơ biến thái. Không nói đến thế hệ chúng ta (gần đất xa trời), mà hãy nhìn kỷ thế hệ của con cháu của mình. Cuộc sống chúng chừng như “đóng kín” trong một căn phòng, trong cái màn hình nhỏ bé của những quan hệ, những tình cảm, những xúc động “vui-buồn-giận-ghét” trong một thế giới “ảo” – không thật. Tệ hại hơn là chúng ta đã đem những xúc cảm “ảo” đó vào đời sống thật chung quanh. 
-Tới exit rồi ông!
Tôi cho xe rẽ vào và trở về với hiện thực. Cám ơn em, cám ơn cuộc đời, dù đang có thật hay cũng chỉ là những khoảnh khắc vô thường quanh ta!

Nguyễn Ngọc Hoàng

(1) Bài hát “Sittin’s on The Dock of The Bay” của ca sĩ Otis Redding và Steve Cropper.
Tạm dịch:

Ngồi lại nghỉ ngơi khúc xương của tôi
Và niềm cô đơn nầy sẽ mãi không xa rời
Hai ngàn dặm, tôi đã lang thang
Chỉ để lấy chiếc cầu tàu làm căn nhà ở
Bây giờ tôi chỉ
Ngồi đây trên bến cầu tàu
Nhìn con nước lên trôi xa
Tôi ngồi đây trên bến cầu tàu
Lãng phí thời gian trôi






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét