Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Những Thư Tình Năm Cũ - Phần Cuối

Tùy bút của Nguyễn Kim Hoa 

3. 

Tác giả Nguyễn Kim Hoa
Tất cả cũng xuôi dòng vào quá khứ. Đời người con gái bóng thời gian còn triũ nặng hơn nhiều. Như bao nhiêu người phụ nữ, tôi không muốn nhắc về quá khứ trong cuộc sống gia đình. Nhưng với anh thì khác, hơn suốt 40 năm anh luôn nhắc nhở, luôn trân trọng những gì thuộc về quá khứ riêng tư của tôi. Có hôm anh ấy nằm hằng giờ, chỉ muốn nghe tôi kể về những kỷ niệm, những mối “tình thơ dại” của tôi thời mới lớn. Có lần tôi cắc cớ hỏi tại sao? Anh trầm ngâm, rồi nói: “Không phải ai cũng có được những thăng trầm, buồn vui, thơ mộng của tuổi mới lớn. Đó là gia tài, là hành trang cho cuộc sống tâm hồn mai nầy… Khoa học kỹ thuật hiện đại, đến một lúc nào đó, sẽ chôn vùi những cảm tính đợi chờ của tình nhân, những mơ ước lãng mạn trong tình yêu trai gái…”.
Mà quả thật vậy, nhìn vào tuổi trẻ của hai con tôi hôm nay: chừng như tình yêu của chúng chỉ nằm chiếc “điện-thoại-di-động”. Những ánh mắt trao tình, những tình thư nắn nót và những đợi chờ trao tay… nay chỉ là những tin nhắn (text) ngắn gọn khô khan đến “kỳ cục”. Và cần gì những đợi chờ khi mà chúng có thể Facetime bất cứ giờ phút nào, bất cứ ở đâu! Tình yêu chỉ còn là sự lựa chọn, sự muốn có được không phải là dâng hiến, cho đi. Là người mẹ, tôi muốn các con có được và nhiều hơn nữa những gì cha mẹ trải qua và mơ ước. Thời khoa học hiện đại của chúng có tất cả “nhu cầu và phương tiện” cuộc sống nhưng chừng như thiếu vắng trầm trọng lòng kiên nhẫn và xúc cảm mộng mơ của tuổi trẻ. Nên mỗi lần có dịp nói chuyện với hai con, tôi cũng thường kể lại những kỷ niệm, những bàn tay người đã trao cho mẹ chúng những lá thư tình năm cũ bằng tất cả sự trân trọng, tri ân.

… Ngày tôi ra trường xem kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là lần đầu tiên tôi hẹn gặp anh ở Rạch Giá. Trên chiếc xe đạp mini, anh chở tôi lòng vòng thị xã và dừng lại bên bờ đá dọc sân banh. Khác với giờ lên lớp, ngoài đời anh rất ít nói và có nói cũng rất kiệm lời. Tôi nắm chặt tay anh nhìn biển chiều Rạch Giá thật đẹp. Trên bao la những gợn sóng vàng óng ánh là hòn Rùa nằm giao đầu với biển rộng. Anh hỏi tôi dự tính gì sau khi tốt nghiệp phổ thông? Trời ơi, ở giây phút này lại hỏi tôi chuyện học hành thì thiệt là… “hổng giống ai”! Tôi lắc đầu, “Em chưa có dự tính gì hết...”. “Sau khi nghỉ ngơi, em phải chuẩn bị tinh thần để thi vào đại học”, anh nhìn tôi nói nhỏ, giọng ôn hòa. Không trả lời gì hơn, tôi ôm cánh tay anh vào lòng nhìn ánh mặt trời chiều rực hồng đang rơi dần vào mặt biển. 
Những ngày tháng sau đó, tôi nghe theo lời anh làm hồ sơ chứng lý lịch chuẩn bị giấy tờ thi vào trường đại học bưu điện. Anh hứa sẽ đợi và giúp đỡ tôi mọi mặt trong thời gian học tập. Cầm giấy tờ tôi ra xã xin chứng nhận, thì xã chỉ lên huyện vì thời gian gia đình tôi về sống địa phương mới hơn 2 năm. Lên huyện thì lại bị đẩy về xã cũng với cùng lý do trên. Nhìn vào bảng lý lịch “ngụy quân” dày cộm của tôi, lại sống “lang thang” qua bao nhiêu tỉnh thành khác trước khi về lại Rạch Giá, “anh” thư ký nhìn tôi vẻ “khó chịu” rồi đưa tôi vào gặp ông phó chủ tịch xã. Trước mặt tôi là người đàn ông trung niên da ngâm đen, môi tái thâm mặc chiếc áo sơ-mi rộng quá khổ bỏ ra ngoài, phó chủ tịch xã. Hắn đọc lướt qua bản lý lịch rồi nhìn đăm đăm vào hai cánh tay tôi hỏi: “Sao địa chỉ nơi cư trú của cô trước đây không có tên đường, tên xã phường và cả tên huyện cũng không có?”. Bấy giờ tôi mới ngã ngửa ra, vì thật thì hầu hết các địa chỉ tôi sống qua đều ghi gần như giống nhau như: “căn số 4, khu B, trại gia binh tiểu khu Vị Thanh (hay trung đoàn 7) tỉnh Chương Thiện. Không có số nhà, tên xã hay tên huyện như địa chỉ thông thường của các gia đình khác. Tôi cố gắng giải thích nhưng chừng như hắn không hiểu (hay không chịu hiểu). Tôi để ý và khó chịu vì hắn ít khi nhìn mặt mà cứ nhìn hai cánh tay trần với những sợi lông tơ nằm sát  dài của tôi. “Cô phải trở về chỗ ở cũ, lấy địa chỉ mới xin thị thực địa phương rồi thì xã chúng tôi mới chứng nhận được”, hắn vừa nói vừa đưa lại tờ khai lý lịch. Tới nước này, tôi đành nói luôn: “Mấy chỗ ở đó bây giờ thành trại lính bộ đội các ông làm sao có địa chỉ xã huyện được. Xin ông cứ chứng nhận dùm, sao cũng được”. Hắn sầm mặt, giằng tờ lý lịch xuống bàn, ghi mấy chữ rồi đóng dấu, ký tên. Võn vẹn chỉ có 5 chữ: “Lý lịch không rõ ràng”! 
Cầm tờ giấy chứng nhận trong tay, tôi không thấy buồn giận chút nào, mà ngược lại còn cảm thấy nhẹ nhõm người. Khi nghe được chuyện này, anh ấy buồn lắm nhưng vẫn an ủi tôi: “Rồi sẽ có cơ hội khác”!
Hẹn hò và gần gũi anh nhiều hơn, tôi khám phá ra thầy H. nghiêm trang trên lớp trong mắt mọi người, chỉ là cơn bão “giả” mà thôi. Trong đời sống thường tình, giữa cuộc đời cơm áo gạo tiền anh chỉ là một tâm hồn rất “trẻ thơ”, dễ tin và đối nhân xử thế đầy cảm tính. Và anh cũng là người tình duy nhất của tôi, không hề viết một lá thư tình nào cho tôi cả. Lần đó tôi đưa anh ra bến Trống (nơi tôi và mấy đứa bạn cùng lớp hay hẹn nhau nói chuyện trên trời dưới đất và hát nhạc xưa), ngồi nghe gió biển thổi hắt hiu trong những tàn cây mắn dọc theo bờ. Nhiều lần tôi nhìn mắt anh chờ đợi… anh vẫn hồn nhiên đùa giỡn những sợi lông tơ trên cánh tay trần của tôi. Không thể chờ đợi hơn nữa tôi đành nói nhỏ, “Hôn em đi!”. Nụ hôn môi ngất ngây đầu tiên tôi nhận ra ngay, đây mới thật sự là “cơn bão” mà tôi đang có trong tay. Tôi hỏi: “Có bao nhiêu người đã hỏi anh câu này rồi?”. “Chỉ ba người thôi”, anh cười cười với câu trả lời chân thật, “trẻ thơ”.
Khi biết chuyện “thư tình” của tôi và anh Đ.K. Lập, với L.H. Di, L.V. Kiệt anh nhiều lần nhắc tôi: “Em phải nói rõ và có lời xin lỗi Di, Kiệt và anh Lập khi có dịp”. Để anh yên lòng tôi gật đầu hứa, nhưng thiệt tình tôi không biết phải “nói rõ” và xin lỗi điều gì? Tôi luôn quý mến những tình cảm của Di, của Kiệt, của anh Lập…  dành cho mình. Nhưng tình yêu không phải chỉ là sự thương cảm mà phải là sự rung động, dâng hiến của trái tim. Tôi hiểu nhiều hơn theo thời gian của đời sống. Thời gian sau đó, tôi nghe tin có người cố tình gây khó khăn thậm chí muốn thương tổn tới anh, tôi giận vô cùng. May mà mọi việc xảy không có gì trầm trọng… Nào ai biết được anh là người dạy tôi sự trân trọng từng lá thư, từng tên người, từng kỷ niệm của quá khứ.  “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng phát súng lục, thì tương lai sẽ trả lời bằng khẩu đại bác” (If you fire at the past from a pistol, the future will shoot back from a cannon), anh thường đọc tôi nghe câu của nhà thơ Rasul Gamzatov đã viết trong tập thơ nổi tiếng “Dagestan của tôi”.
Sau đám hỏi tôi một vài tháng thì anh Đ.K. Lập về Rạch Giá thăm tôi, sau khi mãn hạn quản thúc. Anh Lập ở nhà anh Hai tôi bên An Hòa và nhắn muốn gặp mặt tôi. Báo tin và rủ anh theo tôi để gặp anh Đ.K. Lập thì anh từ chối và nói: “Em hãy đi gặp anh Lập một mình như ngày nào, có mặt anh sẽ làm cho cả hai khó xữ”. Tôi vừa giận vừa thương, có ai đời lại xúi “hôn thê” đi gặp “bồ cũ” một mình bao giờ ?! Cho đến hôm má tôi làm bữa cơm tại nhà đãi anh Lập trước khi anh ấy trở về Vị Thanh, thì anh vào tham dự. Hai người gặp nhau nói cười vui vẻ vô cùng. Anh Lập đã xin nghỉ việc ở bệnh viện thị xã Vị Thanh cùng chị Mỵ dọn về Hỏa Lựu và hiện “chạy chọt” mua bán thuốc chợ đen rất khá giả. Anh Lập còn hứa hẹn khi nào anh chán dạy thì cứ cho hay, cùng nhau mua bán thuốc tây. Các bạn biết không, suốt cuộc gặp gỡ đó, trong câu chuyện, lời nói anh ấy cứ coi như tôi vẫn còn là “bồ” của anh Lập, vậy mới nói! Cuối bữa ăn anh Đ.K. Lập thổi tặng chúng tôi bài Suối Mơ của Văn Cao:

“… Suối ơi! 

“Ôi nguồn yêu mến, 
“còn ghi khi bóng ai tìm đến 
“Đàn ai nắn buông lưu luyến 
“Suối hát theo đôi chim quyên 

“Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối  
“Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát 
“Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi… 
   
  Định cư ở Mỹ nhiều năm sau, tôi mới được tin anh Đ.K. Lập có gia đình vào tuổi gần bốn mươi và có hai đứa con trai. Nghe nói gia đình anh Lập có cơ sở làm ăn lớn, nhà cửa khang trang ở thành phố Cần Thơ. Anh và tôi rất vui mừng trước tin này và luôn cầu phúc cho gia đình anh Đ.K. Lập thật nhiều thành công và hạnh phúc. Nhất là tôi, tin hơn rằng mỗi người chúng ta đều có duyên nợ và số phận xuôi chảy theo dòng định mệnh của cuộc đời. 

*********

Bốn mươi năm như “bóng câu qua cửa”, cuộc sống hiện tại chừng như “khựng lại” trước thời gian và hình dáng con người. Anh thường nói, “Viết những dòng chữ xuôi ngược thời gian, là đem con nước của kỷ niệm trở về tắm mát hiện tại. Dòng nước trong của dĩ vãng sẽ khiến tâm hồn mình giữ mãi những hình ảnh đẹp cuộc đời và tránh những bào mòn của sự lão hóa”. Đúng hay sai, hay cũng chỉ là câu nói không biện minh được gì cho số phận. Rồi một hôm anh đi làm về khoe với tôi, “Anh mới tim được cái này hay lắm”. Mở TV, vào Youtube anh cho tôi xem bài hát vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” do L.H. Di hát. Đúng là tiếng hát của Di, vẫn trầm ấm, ngọt ngào như thuở nào. Những hình ảnh của quá khứ lại ùa về, tôi thấy anh lại vui mừng như “trẻ thơ” mấy ngày hôm ấy. 
 
     Bây giờ đã vào giữa tháng Sáu, nơi tôi ở thường có những cơn mưa chiều dai dẳng và các trường trung học đã đóng cửa vào hè. Trên hai trang Blog’s Trung Học Kiên Thành và Tha Hương mà anh và tôi thường xuyên theo dõi, đọc bài mỗi sáng thức dậy: tôi ở nhà và anh thì trong sở làm. Đã thấy có nhiều bài thơ viết về hoa phượng, về tuổi học trò của nhiều năm về trước. Có tuổi học trò êm ả như những dòng sông hiền hòa quê tôi và cũng có tuổi học trò trôi qua nhiều ghềnh thác của cuộc chiến tranh trong quá khứ. Nhưng dù trên nhánh đời nào tuổi học trò vẫn mãi mãi là khoảng thời gian của khung trời đẹp nhất một đời người. Với tôi tuổi học trò còn mang theo những lá thư tình năm tháng cũ, để cám ơn đời, cám ơn những tay người gửi tặng. Xin các bạn và anh hãy ngồi xuống, để nghe tôi hát trong tâm tưởng những lời ca đã đi cùng năm tháng:

“… Thời gian như ngọn gió 
“Mùa đi cùng tháng năm
“Tuổi theo mùa đi mãi
“Chỉ còn anh và em 
“Chỉ còn anh và em  
“Cùng tình yêu ở lại…

“Kìa bao người yêu mới 
“Đi qua cùng heo may
“Chỉ còn anh và em 
“Cùng tình yêu ở lại… (*)


Tháng Sáu đầu hè, 2019
Nguyễn Kim Hoa


(*) Thư Tình Cuối Mùa Thu – thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét