Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Dấu Chân Hạnh Phúc

Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Long (Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng)


1. 

Kèm theo những con đường mang số, là tên hướng nam của đông và tây. Đường số Một của đông nam đầu nầy là đường số Một của tây nam phía kia thành phố. Miami không phải là thành phố của những du khách không rành đường xá. Taxi là phương tiện hữu hiệu nhưng lại là phương tiện nguy hiểm nhất ở đây. Người ta tìm bờ biển dễ dàng hơn tìm một địa chỉ. Chừng như mọi ngõ ngách của Miami đều đổ ra biển. Tôi dừng lại cuối góc đường số 18 và rẽ về hướng Simpson Park. Mấy dãy hàng quán, chợ thực phẩm của cộng đồng người Cu-ba nối dọc hai bên bờ đường. Đây cũng là 'thủ phủ' của dân bụi đời, không nhà cửa khắp nơi tụ về thành phố Miami. Gần hai tuần nay, tôi đi qua lại khu phố nầy không biết bao nhiêu lần. Ban ngày, tôi đứng hoặc ngồi ở một góc đường, nhìn thật kỷ từng khuôn mặt người qua lại. Ban đêm tôi cũng lang thang dọc theo con phố xuôi về phía chân cầu, đổ ngang ra biển. Dân địa phương gọi nơi đây là chung cư của dân bụi tứ xứ. Vẫn không tìm thấy được khuôn mặt nào của người Á-đông. Hầu hết là người Mỹ da đen, dân 'xì' Cu-ba và vài nhóm người Mỹ trắng. Niềm nôn nao ban đầu nguôi và hy vọng cũng cạn dần theo số tiền túi tôi qua từng bửa ăn. Căn phòng ngủ trọ tồi tàn, dơ bẩn mỗi đêm gần hai chục đô. Mấy năm thắt lưng dành dụm cứ trôi xuôi nhanh hơn nước đổ.
             
Đêm nay đi bơ vơ thất thểu trên con phố vắng tanh, tôi cứ tưởng mình đang đi tìm chính mình trong giấc mơ hư ảo. Một nơi tôi không có tôi. Một nơi tôi xa lạ với bóng mình nghiêng đảo phía sau. Ý nghĩ đơn giản thoáng hiện, hãy từ bỏ nơi nầy trở về với thế giới tôi có thật. Có nghĩa gì một lời hứa vu vơ. Thủy chung chi một chút tình thoáng gặp. Vậy mà tôi vẫn chần chừ không nỡ. Khuôn mặt ngây dại, thiết tha bủa vây tôi khắp ngã. Ánh mắt đớn đau như van lơn một ước vọng sau cùng. Tôi muốn la hét lên trong đêm dài khắc nghiệt. Đâu đây, bàn tay ai lạnh lẽo trắng xanh đang càu xé trong trái tim tôi nhịp đập thẩn thờ. Tôi còn lại bao nhiêu đêm, bao nhiêu mặt người bắt gặp. Cùng tận, tôi phải làm gì cho hết một đời em khổ lụy. Người đàn bà cưu mang tiền kiếp tình tôi. Người đàn bà u uẩn và có nụ cười thật trẻ con, Diệp Ái Dung.    

2.               

Căn chung cư năm tầng, nằm giữa góc đường Jones và Ellis trong khu downtown. Tiền trả là một căn phòng độc thân và hai trăm tiền mặt một tháng. Công việc vệ sinh ba ngày cuối tuần, cộng thêm sửa chửa lặt vặt điện nước ngoài giờ làm việc của thằng quản lý. Đối với đời sống của một sinh viên xồm xồm như tôi cũng tạm ổn thỏa. Ngoài ra nếu muốn, tôi có thể đi làm thêm buổi tối trong tuần. Căn chung cư không rộng nhưng cao. Hành lang mỗi tầng nhỏ hẹp, cũ kỷ và móc ẩm. Tôi chia đều lịch trình làm việc mỗi cuối tuần. Chiều thứ Sáu, tôi bắt đầu hút bụi từng dãy hành lang từ cao xuống thấp. Thứ Bảy giặt thảm từ thấp lên cao. Chúa nhật thu dọn rác dọc theo các phòng và chung quanh thùng chứa rác ở cuối tầng hầm. Hơn phân nửa dân cư ngụ là người Việt tị nạn và người gốc Hoa.  Phần còn lại là Mỹ đen và vài bà Mỹ trắng nghèo, sống cô độc bằng trợ cấp dành cho người già của chính phủ. Công việc quen dần, tôi dư thời giờ làm quen và ghi nhớ từng gia đình, từng người ở chung cư.             

Tầng dưới thấp có gia đình anh Đạt. Một vợ, ba con. Đứa lớn nhất sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn bồng trên tay. Chị Trang, vợ anh, còn rất trẻ, nhỏ hơn tôi gần một con giáp. Dáng người nhỏ nhắn, trắng xanh, chị lúc nào cũng lầm lủi và ít cười. Nhiều lần gặp mặt, tôi chào, tươi cười làm quen. Chị chỉ khẻ gật đầu và lặng lẽ lướt đi. Anh Đạt trạc tuổi tôi, nhưng trông lụm cụm như ông già ngoài năm mươi. Mỗi lần ra ngoài, lúc nào Đạt cũng chống gậy, đội mũ nỉ kín đầu và áo len kín cổ. Anh vừa mổ hạch trong não vài tháng trước đây. Đang lành lặn, mạnh khỏe anh biến thành kẻ tàn phế. Thoáng chốc, bất ngờ. Cửa thiên đường tự do chưa kịp mở, đã vội đóng kín, đẩy anh vào tuyệt vọng một đời người. Oán trách không lấp đầy cuộc sống, họ phải đối diện với bao khắc nghiệt đời thường. Cả gia đình phải sống lây lất, trong cậy vào tiền trợ cấp tàn tật xã hội. Đạt cười đã khó khăn, mỗi lần nhắc lại, anh muốn khóc cũng không được nữa. Chị Trang phải vừa chăm sóc anh và khóc thay cả cho anh số phận. Biển rộng sông dài, không biết họ có còn tin vào rủi may trước mặt. Không hiểu sao, mỗi lần hút bụi hoặc giặt thảm ngang phòng gia đình chị, tôi cố làm thật nhẹ nhàng sợ gây nhiều tiếng động.

Tầng lầu thứ ba là phòng ông Anders, nhạc sĩ người Thụy Điển. Dáng người lêu nhêu, ông nói tiếng Anh với âm giọng khó nghe. Mỗi sáng nếu gặp ông ra khỏi phòng là đúng sáu giờ ba mươi. Ông trở về lúc mười một giờ trưa và đi ăn tối vào đứng bảy giờ tối. Một thời khóa biểu nhất định, bất xê dịch. Đôi lần từ hành lang, tôi nghe văng vẳng tiếng kèn saxophone của ông vọng ra buồn và rời rạc. Tôi nghĩ thầm, chắc ông không phải là người nhạc sĩ giỏi. Đáng buồn là cùng tầng với ông là bốn năm gia đình người Hoa, lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Họ sống từng căn, nhưng sinh hoạt thành một đại gia tộc. Con nít người lớn, bất luận, chạy giỡn qua lại từ nhà nầy sang nhà khác. Mùi dầu mở chiên xào lúc nào cũng nồng nặc dãy hành lang. Ngược lại, họ rất tốt bụng thảo ăn, có gì cũng chia sẽ, mời mọc hàng xóm. Có lần ông Anders nói với tôi, " nhiều lúc tao cần sự yên lặng để sáng tác. Đến nay tao cảm thấy cần cả mùi vị ồn ào của đời sống trong âm nhạc ". Tôi mong ông tìm thấy những tác phẩm để đời.             

Cuối dãy tầng thứ tư là căn phòng cánh cửa thường mở rộng và bỏ ngõ bất ngờ. Một buổi tối, có tiếng hát nho nhỏ, khàn đục phát ra, len lỏi dài theo dãy hành lang vàng vọt, ẩm móc. Ngắt khoảng, lạc điệu, lúc rõ lúc chìm nên khó phân biệt được lời bài hát. Tôi đi lần theo tiếng hát, từ phía trong cánh cửa mở rộng nghênh ngang. Bên trong căn phòng nhỏ hẹp, bày biện sơ xài, tẻ nhạt. Trên chiếc giường giữa nhà, người đàn bà mặc bộ đồ ngủ màu đỏ tươi, ngồi ru hát ru con. Mái tóc lở vai, che nghiêng khuôn mặt cúi xuống. Sau vài giây bối rối, tôi đưa tay gõ nhẹ cửa phòng. Khuôn mặt ngước lên, mái tóc đen mướt rẽ đôi hờ hững. Tôi bối rối, lặng người trước khuôn mặt tuyệt đẹp ngẩn nhìn. Đôi môi chúm nhỏ vẫn còn lẩm bẩm bài hát dở dang. Ánh mắt tôi chạm đôi mắt đen tròn, vời vợi. Khoảng khắc, tôi không còn hiện hữu chung quanh.   

- Tôi thấy cửa phòng chị mở..

Người đàn bà quay hẳn người lại. Một bên ngực hở trần, lồ lộ. Trái vú no nê, trắng ngần. Phía dưới tay là con búp-bê tóc vàng hoe, cuộn tròn trong tấm khăn bông cũng màu đỏ thẳm. Tôi đưa tay khép vội cửa phòng.   

- Đừng anh... Đừng đóng cửa nhốt mẹ con em..! 
Kéo vạt áo che ngực, người đàn bà hốt hoảng đi nhanh về phía tôi.   

- Xin lỗi anh, Dung cứ tưởng là chồng Dung.   
- Không có chi.

Dung, tên người đàn bà, giọng trầm tỉnh nói nhỏ:   
- Phiền anh quá. Để Dung đóng cửa phòng lại... Chào anh.

Cánh cửa khép kín. Dãy hành lang im lìm, vắng lặng. Đêm chợt ngơ ngác chìm sâu.  

Ngày tháng trôi xuôi và giòng đời cũng không hề trôi ngược. Diệp Ái Dung, tôi  biết nhiều thêm về người đàn bà cửa mở trong đêm. Dư luận luôn khắc nghiệt với mọi con người, nhất là những khổ đau của họ. "Dung, con nhỏ khùng có giấy tờ, có tiền trợ cấp chính phủ. Nó mặt mày đẹp đẽ nhưng dại dại, điên điên. Thằng chồng thì nghiện ngập, bao nhiêu tiền bạc đều trôi vào mấy cái ống chích... Nó sanh được đứa con trai, sống được vài tháng thì chết. Suốt ngày nó cứ ôm con búp-bê, cho bú và hát ru ngủ. Mấy tháng nay thằng chồng cũng bỏ đi biền biệt. Con nhỏ chui rúc trong phòng, cả tuần lễ không ra đường... Tội nghiệp !".

Tôi gặp lại Ái Dung vài lần trong hành lang. Dung dững dưng, xa lạ như chưa lần nói chuyện. Đôi mắt lạnh lẽo, nàng không nhìn thấy ai ngoài khoảng không trước mặt. Tình đời, tình người xứ sở lạnh lùng nầy tôi đã thấm thịt da. Lạ gì. Vậy sao tôi cứ chợt thấy buồn, mất mát vu vơ. Nhiều đêm tôi nằm trằn trọc, nhớ lại hình ảnh người đàn bà với một bên bờ ngực trần tuyệt đẹp, chập chờn giấc ngủ.  

Đêm cuối tuần, các tầng chung cư vắng tanh. Mười giờ, tôi đã hoàn tất mọi công việc dọn dẹp, vệ sinh. Định gọi cho Vân, nhưng lại thôi. Chắc giờ nầy Vân đang ở ca vũ trường nào đó. Sao một đời tôi cứ là tên nhà quê bắt bóng đuổi hình. Vân còn trẻ, đẹp, ca hay nhảy giỏi. Còn tôi... Quen nhau vài tuần Vân rũ tôi đi nhảy đầm. Tôi tình thật bảo không biết và không thích. Vân cười ngất, trợn mắt nhìn. "Anh nói giỡn hay nói chơi vậy. Đàn ông con trai cỡ anh mà không biết nhảy thì thật là khó tin... Mà thôi, nếu không biết Vân chỉ anh vài tiếng đồng hồ là xong ngay thôi. Dễ lắm, mà free  nữa". Tôi cười buồn, cảm ơn. Từ đó nàng ít gặp và gọi cho tôi. Lứa tuổi "hoa mộng" mười sáu mười bảy, trong bạn bè tôi cà-phê quán nầy quán nọ, nhảy đầm từ party nầy đến vũ trường kia, thì tôi phải lanh thang hè phố bán từng tờ vé số phụ giúp gia đình. Tuổi trẻ tôi ít niềm vui và nhiều nỗi buồn. Hình ảnh những đứa trẻ chờ đợi, dành nhau phần đồ ăn thừa bên lề đường, trong quán ăn khiến tôi trở thành thằng cứng đầu, chẳng chịu chơi. Sài-gòn những năm 69, 70 phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ, tôi quen thân với gia đình chị Cathy Huệ, ban nhạc Hammer. Lần nào ban nhạc đi trình diễn ở các Club Mỹ tôi đều được đi theo. Không phải  để nhảy nhót mà để phụ giúp kiếm thêm tiền. Không đả phá hay chống đối nhưng loại nghệ thuật nầy không có chỗ đứng trong đời sống tôi... Thôi thì thả bộ ra ngoài lang thang, kiếm uống ly cà-phê cuối ngày, cuối tuần. Có điện thoại. Đầu dây là chị Trang, bồn tắm bị nghẽn nhờ tôi xuống sửa dùm. Chị Trang đón tôi phía sau cửa với chiếc khăn tắm đang quấn quanh mình. Căn phòng phảng phất mùi khói nhang và dầu gió xanh. Anh Đạt và hai đứa nhỏ đã đi ngủ. "Tắm xong cho mấy cha con, tới phiên mình thì cái bồn tắm nghẹt nước. Khuya rồi, phiền anh quá...", chị ngượng ngập. Tôi cười, "nghề của tôi mà chị". Nước vẫn còn lấp xấp nửa bồn. Tôi tháo ống thoát nước. Tóc đóng bẩn từng nùi. Không quá mười phút, nước thoát thông dòng. Tôi dùng bàn chải chùi rửa sạch sẽ bồn tắm thì chị cản, "để Trang chùi rửa cho anh". Đứng dậy thu xếp đồ nghề, tôi mới chợt nhận ra khoảng cách giữa chị và tôi thật gần. Thật gần đủ cho tôi nghe rõ từng hơi thở dồn dập, khó khăn của chị, của tôi. Khuôn mặt chị đỏ bừng. Tay chân tôi lúng túng, thừa thải. Cánh cửa buồng tắm đã khép lại tự bao giờ. Chị cắn chặc môi dưới, nhìn tôi chờ đợi.  Trong ánh mắt trũng nước của chị, tôi không thấy một chút gì vẩn đục ngoài niềm cay đắng, xót xa. Chiếc khăn tắm rời khỏi tầm tay, rơi xuống mặt sàn bở ngỡ. Thân hình đàn bà nỡ nang, cân đối với những đường nét khêu gợi, mở toang bao nhiêu cánh cửa khát vọng đời người.     

- Anh khinh Trang lắm phải không?   
- Không... tôi không có ý nghĩ đó.   
- Trang chỉ là một người đàn bà... Một người đàn bà tầm thường thôi anh.   
- Tôi hiểu.

Giọng nói tôi khô đắng. Hiểu. Tôi đã hiểu gì hay cũng chỉ liều lĩnh nói bừa. Trang và tôi, giữa những vách ngăn đạo lý, giữa đời khổ lụy cưu mang. Tôi đã hiểu gì ở Trang, người đàn bà đứng dưới trời nghiệt ngã, chịu đựng và hy sinh. Trong cuộc sống con người luôn luôn cố tìm hiểu lý do, tìm kiếm nguyên nhân cho mọi hành động. Vài lần đúng trong vạn lần sai. Biên giới đúng sai, với tôi, nằm ở tấm lòng không phải đôi mắt hạn hẹp và ích kỷ... Tôi trân trọng trên từng phần da thịt Trang. Tất cả mọi tiếng động giây phút nầy đều đáng tội. Tôi cúi hôn, đắm chìm và tận cùng trong nỗi cảm xúc vô bờ. Thời gian lặng chết, chơi vơi. Không gian tan vỡ từng mảnh cuộc đời tuyệt vọng, long lanh... 

Tôi bước ra khỏi phòng chênh vênh, khấp khểnh. Phía sau, Trang khép cánh cửa, đóng kín trọn một đời. Văng vẳng trong dãy hành lang vàng vọt, tiếng hát xuyên suốt mọi khổ đau, thù hận.                  

" Imagine there's no heaven 
It's easy if you try 
No hell below us 
Above us only sky 
Imagine all those people  
living for today 

Imagine there's no country 
It isn't hard to do 
Nothing to kill or die for 
And no religion, too 
Imagine all those people  
living life in peace... (*)  

Tôi thèm một khoảng trời đêm và niềm cô đơn cùng tận.          

3. 
    
Sân thượng của chung cư là khoảng sân rộng và trống, dùng để gắn các trụ antena của người mướn phòng. Nơi, từ đó, tôi có thể nhìn bao quát vùng trời và thành phố chung quanh. Trên lưng tôi, vết càu xứt của Trang chắc đã khô. Cầu mong cho tất cả an bình. Cho tôi. Cho Trang. Nếu tội lỗi, ở một mức độ đạo đức nào đó, xin thượng đế hãy quay mặt là ngơ, như không nghe thấy. Chúng tôi chỉ là con người. Chỉ là một sinh vật bé nhỏ có ý thức và xúc cảm. Và, ý thức cùng những xúc cảm chân thành, chúng tôi hiện hữu trong nhau... Đêm nhiều gió và bầu trời đầy sao. Tiếng hát quen thuộc của ai chợt vọng lại từ một góc sân. Diệp Ái Dung. Chắc chắn là Dung. Tôi đi nhanh về hướng đó. Tiếng hát chợt im bặt. Và tiếng khóc. Bất chợt, ai oán. Tôi rùng mình, cơn lạnh chạy dài dọc cơ thể. Trong bộ đồ toàn trắng, Ái Dung qùy gập người nức nỡ.   

- Đừng. Đừng... Van lạy các ông đừng hành hạ tôi nữa. Tôi đau quá, mệt quá. Tôi không còn thở được nữa mà..!

Dựa thân vào bờ tường, tôi mở rộng mọi giác quan và đóng kín mọi tiếng động. Cả hơi thở của mình. Tôi ý thức chung quanh nhưng mơ hồ những gì có thật.     

- Cứu con. Cha mẹ ơi cứu con với...

Cái bóng trắng vùng dậy. Ái Dung quờ quạng đôi tay vào khoảng đêm đen sệt, lạnh.     
- Cứu tôi với. Máu nhiều quá... máu tôi ra nhiều quá. Cứu tôi với !

Tôi chạy vội về phía nàng. Ôm chặc lấy tôi, thân thể Ái Dung mềm mại, lạnh trơn. Bên trong bộ đồ ngủ trắng mong manh là cơ thể trống không của nàng. Một bên tai tôi là những giọt nước mắt nóng hổi chạy dài xuống cổ. Ngôn ngữ chôn vùi, bất lực. Niềm yên  lặng trở thành một sức mạnh chống đở những yếu lòng. Tôi đở Ái Dung ngồi xuống sàn sân thượng. Nàng vẫn úp mặt, rúc vào ngực tôi. Thời gian xuôi ngược, chung quanh chỉ còn tiếng thở đều của Dung và gió đêm lành lạnh...    

Bừng giấc, Ái Dung đã vùng ra khỏi lòng tôi. Không biết tôi đã chợp mắt, thiếp đi tự bao giờ.     
- Mày là ai? Mày đã làm gì tao... Mày hãm hiếp tao còn giết chết con tao nữa phải không?

Tôi hốt hoảng tháo lui. Giọng bén sắt, Ái Dung chồm về phía tôi. Không biết từ đâu, bao giờ trên tay nàng là con dao nhỏ, dài sáng trắng. 
    
- Thằng khốn nạn. Thằng cướp biển... Tao dơ nhớp. Tao mất chồng, mất con. Tao không còn gì để sống. Tao không giết mày, tao cũng giết chính tao.

Tất cả diễn ra quá nhanh. Thoáng chớp. Người đàn bà quay thẳng lưởi dao vào bụng mình. Tiếng kêu đau đớn thoát ra, khô khan, đứt khoảng. Ngã gập, phần áo ngủ trắng giữa bụng lênh láng máu. Tôi dằn mạnh lưởi dao khỏi tay Dung. Thân thể người đàn bà run cầm cập, miệng thốt ra nhiều tiếng kêu vô nghĩa. Tôi cởi áo, quấn chặc ngang bụng Ái Dung. Thoáng trong đầu, máy điện thoại và con số 911.    

Đôi mắt khô cứng nhưng đầu óc tôi thật tỉnh táo. Phòng đợi có vài ba người Mỹ và tôi. Ngước nhìn đồng hồ, đã hơn nửa tiếng đồng hồ mà cô y tá vẫn chưa trở lại. Sau đêm mất ngủ trong phòng tạm giam cảnh sát, cơ thể rã rời tôi đang chống chỏi lại não bộ của chính mình. Ký giấy tờ ra khỏi trạm cảnh sát là tôi đi thẳng đến bệnh viện. Y  tá báo tôi hay Dung vừa tan thuốc mê trong phòng hồi sinh, bác sĩ chưa cho phép thân nhân vào thăm. Phải nửa giờ sau, cô mới cho phép dẫn vào... Ban đầu cảnh sát không tin tôi là người ngoại cuộc. Không chứng minh được tôi có thể ra toà về tội cố sát, hành hung gây thương tích cho phụ nữ. Tê dại mọi cảm xúc, tôi chỉ nghĩ đến vết thương trên bụng của Ái Dung và cầu  mong nàng được bình yên. Mãi đến gần trưa hôm sau, cảnh sát mới đồng ý minh chứng vô tội và thả tự do cho tôi. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống trân trọng, qúi báu và đáng sống như hôm nay. Mọi khổ đau đều vô nghĩa. Mọi tranh chấp, hơn thiệt đời nầy chỉ là trò chơi. Con người đang sống giữa trời và đất. Lên hay xuống, trên hay dưới cũng đều hữu hạn đời nầy... 

Mắt nhắm nghiền, khuôn mặt xanh xao quen thuộc. Chân tay của Ái Dung buột  bằng những miếng khăn vải xuống các cạnh giường. Tôi cố nhìn thật lâu, thật sâu để tìm lại dấu vết của hôm qua trên khuôn mặt nàng. Tuyệt nhiên không. Bình thản và chút trẻ con trong hơi thở đều hoà, nhẹ tênh. Tôi vẫn không hiểu, mãi mãi sẽ không hiểu được hết  những gì mình đã gặp, đã sống, đã nhận thức như tưởng chừng. Những gì phía sau quá khứ đời nàng. Những gì đang hủy hoại thân hình bé nhỏ, đáng yêu kia. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đầu giường. Từ cửa sổ, vệt nắng chiều vô tình xuyên ngang chổ tôi ngồi khoắc khoải. Đâu ánh mắt đầu tiên cho tôi chờ đợi bâng quơ.   

- Ông... Cô ấy đã tỉnh lại kìa.

Tiếng cô y tá đánh thức. Tôi choàng tỉnh, đã chạm ánh mắt Ái Dung tự bao giờ. Nàng mĩm cười, nụ cười  có thực với đời sống quanh đây. 
    
- Anh làm gì ở đây. Dung đang ở đâu đây anh..? 

Dung chuyển mình. Vết nhăn đau đớn hằn lên khuôn mặt đẹp bất chợt.     
- Dung đừng cử động, không tốt. Vết thương chưa lành sẽ ra máu.  
- Tại sao. Tại sao trói Dung lại như vầy. Dung đau lắm. Đau ở bụng lắm.   
- Để tôi đi báo bác sĩ. Ông cố giữ đừng cho cô ấy vùng vẫy nhiều. Bác sĩ sẽ đến ngay thôi.
 
Cô y tá đi nhanh ra cửa. Tôi đưa ngón tay ra dấu trên miệng.   
- Dung đang bị thương nặng ở bụng. Cử động nhiều máu ra và sẽ đau lắm.  

Tôi biết giây phút nầy nàng đang tỉnh. Hay ít nhất Dung ý thức được những gì tôi nói ra. Bằng ngôn ngữ của nàng, tôi kể lại Dung nghe mọi chuyện xảy ra đêm qua. Khuôn mặt chìm sâu mệt mõi, nàng đáp thều thào: 
  
- Cảm ơn anh. Dung biết anh là người tốt... Không biết Dung còn sống bao lâu  nữa để đáp ơn anh. - Dung đừng nghĩ quẩn. Cố nghĩ ngơi, bác sĩ sẽ đến ngay.   
- Dung không điên khùng giây phút nầy đâu anh... Đã cứu giúp Dung, xin anh giúp cho trọn vẹn... Dung nhờ anh đi tìm anh ấy. Anh Minh, chồng Dung...   
- Tôi không biết mặt Minh. Mà tìm ở đâu?   
- Miami. Anh ấy đang ở Miami... Trên đầu tủ phòng Dung là hình anh ấy. Phía sau là hộp bánh đựng tiền Dung dành dụm. Anh lấy đó làm tiền tiêu xài... Dung...

Khuôn mặt đẹp trắng bệt và lấm tấm mồ hôi. Phía dưới miếng băng quấn ngang bụng đã thấm ướt máu. Đôi mắt van lơn, khờ dại, người đàn bà cố nói thêm nhưng không thành tiếng. Vệt máu tươi rịn ra, chảy dài theo khóe môi. Người bác sĩ bước vào. Cô y tá yêu cầu tôi phải rời phòng khẩn cấp. Tôi bước ra, không kịp quay lại nhìn Dung lần nữa.   

4.  

Những chiếc thùng giấy dán chồng chất lên nhau thành từng chiếc lều-sống dưới gầm cầu của dân bụi đời. Bên trong chiếc mềm chỉ cũ kỷ, cái gối và vài ba bộ quần áo vắt ngổn ngang. Chỗ ở của Minh là đây. Người đàn ông da đen hàm răng cái mất cái còn, nói với tôi:   

- Người ta báo nó lạm thuốc chết. Nhưng tao biết chắc là nó tự tử. Ngày trước đó, nó gom hết dụng cụ đồ đạc qua chia cho tao và mụ già Donna. Luật tụi tao, thằng nào chết thì "nhà cửa", đồ đạc nó được bảo vệ giữ nguyên chờ thân nhân đến nhận. Nếu quá một tháng không ai thừa nhận, tụi tao mới dọn dẹp, chia đồ để dành phần chỗ ở cho người khác... Mầy cứ tự nhiên thu giữ các kỷ vật của nó để lại. Thành thật chia buồn với mầy. Tao phải đi. Chào và chúc mầy nhiều may mắn. 
Tôi chia tay người Mỹ da đen và bước vào trong lều. Mùi hôi của đồ ăn để lâu và mùi ẩm thấp nồng nặc. Nhìn quanh, khó khăn lắm tôi mới nhận ra bức hình bán thân của Ái Dung dán ở một góc. Chắc chắn là nơi trú tạm của Minh. Cuối cùng tôi đã thực hiện được lời hứa của tôi và ước nguyện của nàng. Tuy không trọn vẹn, nhưng cũng đến nơi cho một lời hứa. Gom mấy bộ đồ và bức hình, tôi trở về phòng trọ. Thôi thì cũng một kiếp người. Sống tạm thác về, kẻ trước người sau. Nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng cái chết vẫn cùng chung một nghiã. Nghiã tận một đời.   

5.     

Tôi bấm gọi số bệnh viện của Diệp Ái Dung. Đầu giây cô y tá báo tôi hay tình trạng sức khỏe của nàng đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Rồi bằng giọng nói hân hoan, cô y tá báo tôi tin vui khác:  

- Cũng may lưỡi dao dài chỉ cắt phạm vào gan của cô ấy. Bào thai trong bụng không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Đến nay bác sĩ cho hay thai nhi phát triển bình thường, khỏe mạnh. Có khi chính nó sẽ giúp cô ta hồi phục nhanh hơn. Xin thành thật chúc mừng ông và gia đình. 

                                               
Nguyễn Vĩnh Long


(*) Imagine - John Lennon      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét