Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Mẫu Đơn Trên Sóng Biển

Đoản văn của Thanh Hà (Switzerland)


 1-

Từ khi vào lớp học vở lòng, tôi đã bắt đầu làm quen với sách.
Do chị tôi đi học mua về: truyện tranh, tuổi thơ, cổ tích, gương danh nhân, hiếu thảo... Do ba má tôi đọc tạp chí, tiểu thuyết. Do ông bà ngoại tôi có, sách kinh Phật.

Lúc đầu thì coi truyện tranh, sau đọc qua các sách khác theo tuổi và kiến thức.Tôi tin rằng những gì mà ta tiếp nhận được ở thời thơ ấu: sự giáo dục, môi trường chung quanh, sự kiện, câu chuyện... góp phần rất lớn hình thành nên bản tính, phẩm chất, nhân sinh quan của ta ở tuổi trưởng thành vậy.

Có những việc tưởng như nhỏ nhặt, chẳng hạn một lời nói, một cử chỉ, một tấm hình... cũng có thể khắc sâu vào tâm hồn, trí nhớ ta vĩnh viển như vết chàm mà thời gian cũng không thể xoá nhoà. Nó chỉ ẩn giấu, hoặc ngủ vùi ở một góc nào đó trong miền ký ức để rồi một hôm nó bỗng thức tỉnh, khuấy động khiến lòng ta chao đảo bâng khuâng.

Khi còn bé, chúng tôi có dịp đọc tờ Thế Giới Tự Do, là một tập san được in trên giấy trắng tinh khổ lớn hơn tờ A4 một chút, hình màu tươi đẹp. (Mà những năm 60, 70 kỹ thuật hình màu vô cùng hiếm.) Giới thiệu về những đất nước xa xôi, những sa mạc hoang vu, những miền băng tuyết trắng màu tinh khiết, những núi non rừng rậm điệp trùng, những thú vật dữ hiền lẫn lộn, những chim muông ca hót rộn ràng, những kỳ hoa dị thảo tuyệt mỹ.

Phải chăng từ những gì tôi khám phá trên tập san này đã gieo vào tâm hồn tôi giấc mộng viễn du khắp bốn phương trời, để được tận mắt chiêm ngưỡng và hoà lẫn vào với sự hùng vĩ , mênh mông, huyền diệu của thiên nhiên; những kiến trúc nhà thờ, lâu đài, viện bảo tàng... do con người xây dựng tự thuở hồng hoang cho đến cận đại.

May mắn thay, lớn lên,niềm mơ ước hoá thành hiện thực. Nói ví von, như cánh chim, tôi có thể dang cánh bay đến bất cứ vùng trời nào tôi thích.

Cũng qua tờ báo, lần đầu tiên tôi ”làm quen” hoa thược dược, uất kim hương (tulip). Những đoá hoa đủ màu sắc, đẹp mỹ miều khiến lòng tôi – chỉ là 1 con bé chừng 9, 10 tuổi – ngơ ngẩn say sưa. Tôi yêu thiên nhiên, cây cỏ bắt nguồn từ trang sách truyện hay chính bản chất mình đã là thế từ lúc ra đời? 

Năm tháng dần trôi, trước mắt tôi vẫn còn hiển hiện hình ảnh 1 nhóc con tóc uốn quăn,những buổi trưa hè tay cầm nhành cây dâm bụt chạy quanh trước sân hoặc bên hông nhà đuổi theo vài con bướm vàng nho nhỏ xinh xinh nhởn nhơ bay lượn định bắt về bỏ trong keo để... nuôi.

Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng
Xoè đôi cánh, xoè đôi cánh
Bươm bướm bay đôi ba vòng
Bươm bướm bay đôi ba vòng
Trên hàng hoa, trên hàng hoa

Hay thơ thẩn ngắm nhìn mấy nhánh dây tơ hồng nở hoa màu đỏ thắm, bé tí uốn quanh giàn mồng tơi hoa tim tím ;rồi hàng rào dâm bụt cơ man là hoa rực rỡ , cây bông giấy cùng một chùm nở hai màu trắng , tím sen kỳ diệu. Hoa lý (không phải hoa thiên lý) đến mùa ra trái nở hoa trắng thơm ngát, đẹp lung linh-­‐ thu hút bao nhiêu đàn ong bướm về hút mật -­‐ rụng đầy sân,mỗi sáng phải quét dọn.

Nhóc con của ngày xa xưa ấy là tôi đó, cái cô bé cứ thắc mắc tự hỏi sao bông mười giờ biết là 10 giờ mà nở hoa đúng hẹn vậy. Sao hoa trinh nữ biết mắc cở giấu mặt khi có người chạm đến. Thế rồi trí óc non nớt tự kết luận thực vật cũng có linh hồn như con người.

2-

Cuối tháng 5 , tôi sang đảo Mainau, Đức xem hoa.
Đây là một đảo nhỏ diện tích 45 hecta, được mệnh danh là Đảo Của Loài Hoa, có hàng trăm loại, mỗi năm khoảng 1 triệu du khách đến viếng, không có cư dân, chỉ có nhà hàng, quán cà phê, quán kem, quầy bán hàng lưu niệm cho du khách. Tôi đã đến đây vài lần, mỗi lần vào các tháng khác nhau để được ngắm hoa theo mùa. Như tháng tư thì tulip (uất kim hương), tháng năm mẫu đơn, tháng 8 hoa đỗ quyên, hoa hồng....

Tôi đã nhìn thấy hoa mẫu đơn nhiều lần, trong vườn, hoặc trong công viên nhưng chưa bao giờ
cùng lúc hội tụ nhiều như vậy. Cả rừng hoa thi nhau khoe sắc trắng, hồng, vàng, đỏ, tím... lộng lẫy, chói ngời dưới ánh nắng hè thì dẫu ai có mang nỗi niềm u uẩn thế nào, nhưng đứng trước cảnh thần tiên như thế, lòng cũng trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, tạm quên mối ưu phiền ngay. Tôi về lật sách tìm hiểu thêm thì biết có nhiều truyền thuyết về mẫu đơn mà trong đó có 3 câu chuyện làm tôi chú ý:

A-­‐ Hoa Hồng Không Gai:
Truyện kể rằng Đức Mẹ Maria khi nghe tin Chúa Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, ngài quá đau đớn đã khóc nhỏ hàng nghìn giọt nước mắt lên1 bụi
hồng. Đến ngày lễ Ascension (Thăng Thiên), từ bụi hồng này bỗng nở ra những đoá hoa thật to, thật đẹp mà kỳ diệu là nhánh không còn gai. Về sau người ta gọi là hoa mẫu đơn vậy.

B-­‐ Vua Đường Minh Hoàng & Dương Quí Phi:
Thuở xưa có 4 người đàn bà mệnh danh Tứ Đại Mỹ Nhân, được miêu tả có nét đẹp vào hàng “quốc sắc thiên hương“, (mà cũng chính là những người làm cho “khuynh quốc khuynh thành“, nước mất thành nghiêng luôn). Đó là:

  • Trầm ngư Tây Thi
  • Lạc nhạn Vương Chiêu Quân
  • Bế nguyệt Điêu Thuyền
  • Tu hoa Dương Quí Phi


Họ đẹp đến nổi cá lặn (trầm ngư), chim sa (lạc nhạn), trăng thẹn (bế nguyệt), hoa hờn (tu hoa).

Một hôm vua Đường Minh Hoàng cùng Dương Quí Phi ngồi uống rượu ngắm trăng, hoa. Nhìn vẻ yêu kiều của thứ phi như lấn áp cả hoa mẫu đơn, vua yêu cầu thi sĩ Lý Bạch làm thơ để ngợi ca sắc đẹp bà. Bài thơ Thanh Bình Điệu ra đời mà đoạn đầu là dành để tán dương Dương Quí Phi. 

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng 
(Lý Bạch)

Dịch:
Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây
Hiên sương phơ phất gió xuân bay
Nếu không gặp gỡ trên Quần Ngọc
Dưới nguyệt Dao Đài sẽ gặp ai
(Trần Trọng San)

Thoáng bóng mây qua nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông 
(Ngô Tất Tố)

C-­‐ Bà mẹ bị giặc bắt,để áp lực muốn dụ các con ra hàng nếu không thì sẽ hành
hạ mẹ. Các con là những người hiếu thảo, cầm lòng không đậu muốn hàng giặc
để cứu mẹ. Nhưng bà cương quyết không cho, cắn lưỡi chết để các con khỏi
vướng bận mà quyết chiến. Nơi mộ phần bà, sau mọc lên cây mẫu đơn.

3-

Tôi để ý nhiều lần, trong đời tôi thường gặp những sự kiện liên kết nhau thành một chuỗi . Chẳng hạn như tháng 5 tôi đi xem hoa , trùng hợp thời điểm mùa mẫu đơn nở. Tâm hồn vẩn còn bị choáng ngợp, bâng khuâng trước tặng phẩm diệu kỳ tạo hoá mang đến. Rồi tháng 7 tôi đi nghỉ hè ở bãi biển, tôi có dịp quen biết một người mà cuộc đời họ ít nhiều gắn kết với loài hoa này.

Thành phố Rosas, Spain. Biển Địa Trung Hải

Buổi sáng tuy mới 10 giờ mà bãi biển đã đông nghịt người. Trời xanh ngát chen lẫn mấy cụm mây trắng lững lờ biếng nhác trôi. Vài đợt sóng lén lút vỗ vào bờ bỡn cợt với đám trẻ con nghịch cát. Tôi như hoà lẫn giữa trời và nước.Nhớ mấy câu thơ đọc khá lâu trong 1 quyến sách của Thượng toạ Thích Nhất Hạnh không nhớ tựa. Cái tật trích dẫn thơ, nhạc ...tôi không chừa được:

Bởi vì mắt ngó trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Bởi vì mắt ngó biển khơi
Cho nên mắt cũng sáng ngời đại dương

Vì bận “ngó biển khơi“ hy vọng là khi tắm xong lên bờ mắt mình được “sáng ngời màu đại dương“ mà hai tay hai chân rẽ nước, tôi bơi ra xa hồi nào không hay. Nhìn chung quanh chả còn các bạn đâu, đang định quay vào thì chợt thấy có vật gì màu vàng, đỏ, trắng rập rờn trên sóng. Lại gần, thì ra là hoa mẫu đơn, dể có vài chục đoá. Ô, ở đâu ra thế này? Có phải do Thần Biển Poseidon –thần thoại Hy Lạp – hay thần Neptune (La Mã) gởi đến tặng tôi không? Đang tự cười vì bản-­‐ tính-­‐ mơ – mộng – vĩnh – viễn của mình, cầm vài đoá gần nhất, định mang vô bờ khoe với các bạn thì có ai đang bơi lại gần.

Hơi hốt hoảng, vì tóc ướt lại chỉ ló gương mặt nên khó phân biệt giới tính, thì
nghe giọng nói phụ nữ cất lên, yên tâm rồi.

Cô ấy nói tiếng Anh yêu cầu đừng đụng đến những đoá hoa, hãy để chúng trôi đi. Tôi xin lỗi vì tưởng hoa vô chủ. Cô giải thích là do cô thả ra biển.
Khi nhận ra cả hai đều có gương mặt Á đông, chúng tôi hỏi gốc gác nhau. Người Việt, lại bất ngờ nữa.

Chuyện trò qua lại, biết khách sạn chúng tôi ngụ cũng gần nhau. Vì đây là điểm du lịch mọi người khắp thế giới đổ về nên toàn là khách sạn và chung cư cho thuê. Cô ngõ ý nếu tôi không làm gì thì hẹn buổi chiều gặp nhau đi dạo, uống nước cho vui. Lúc nói chuyện, tôi đọc được trong mắt cô nửa thôi thúc, nửa van nài tôi hãy nhận lời gặp cô, tôi có cảm tưởng là cô muốn kể tôi nghe điều gì đó. Ánh mắt thăm thẳm cùng gương mặt thiện cảm nên tôi đồng ý ngay.

4-

Cô có một cái tên rất đẹp, nhưng tôi gọi cô là Mẫu Đơn.

Chúng tôi hẹn nhau ở nhà hàng Monte Carlo uống nước nghe nhạc sống. Họ gồm 2,3 nhạc và ca sĩ, hát những bản tình ca rộn ràng vui tươi hay dịu êm lãng mạn. Nhiều cặp đủ các hạng tuổi ra giữa sân nhảy theo nhạc, rất tình tứ. Hầu như đêm nào chúng tôi cũng đi dạo và vào các nhà hàng để uống nước, xem thiên hạ khiêu vũ. Nếu không thì ở lại khách sạn thưởng thức điệu flamenco, là điệu vũ đặc sắc của dân tộc Tây Ban Nha.

Cô đi nghỉ hè với chồng,người Áo. Áo là một quốc gia có nhiều điểm tương đồng như Thuỵ Sĩ, tức là không có biển, trung lập,dân số khoảng 8 triệu 6 trăm ngàn, nhỉnh hơn Thuỵ Sĩ chút.( 8 triệu).

Chồng cô là một người điềm đạm, trầm tỉnh, hơi ít nói. Hoặc có lẽ tôi không nói được tiếng Đức, (dân Áo nói tiếng Đức), ông ấy lỏm bỏm vài tiếng Pháp, nên dùng tiếng Anh, mà tôi nói không giỏi nên ngoài mấy câu xã giao, chúng tôi không thể trao đổi các vấn đề sâu xa hơn được. Không lẻ để vợ phải dịch mãi.

Uống nước xong, chúng tôi ra ngoài đi dạo dọc theo bờ biển .Đêm Costa Brava mát mẻ, người đi lại tấp nập. Chồng cô từ giã về khách sạn trước, nói để cho hai chúng tôi có nhiều thời giờ trò chuyện với nhau.

Chúng tôi chọn một băng ghế ngồi quay ra biển, hơi cách xa chỗ ồn ào. Cô kể cho tôi nghe chuyện đời cô.

Người từ Áo, kẻ từ Thuỵ Sĩ, tình cờ gặp nhau trên đất Tây Ban Nha, nói cùng ngôn ngữ, dù cô trẻ hơn tôi cả chục tuổi. Nhưng có lẽ : Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu chăng? Hoặc cô nghĩ là sau chuyến nghỉ hè ai quay về nhà nấy chắc gì gặp lại nên cô dể dàng trút nổi niềm đeo nặng với một người không biết gì về quá khứ, và có thể trong tương lai cũng không nốt?

Cô sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, thuộc một tỉnh ven biển miền tây. Sống bằng nghề đánh cá. Gia đình thuộc hàng khá giả, có nhiều ghe tàu. Anh chị em cô hầu như chưa ai tốt nghiệp trung học thì bỏ ngang, chỉ lo hưởng lạc vì tiền bạc tạo ra quá dể dàng. Riêng cô là út thì leo lên hết bậc đại học – một hiện tượng lạ của gia đình -­‐. Cô bảo chẳng qua vì thời giờ dư thừa không biết làm gì cho hết nên đến trường vậy thôi. Chứ cô cũng vừa học vừa phá tán ghê lắm. Tốt nghiệp được cũng là một phép mầu. Chắc trường đại học tư?

Tiền tài, danh vọng thường đi đôi. Gia đình cô đã có tiền tài, mà danh vọng thì chưa. Vì vậy cô định xin việc làm nhưng ba cô ngăn cấm, nói “đi làm lương ba cọc ba đồng, một tháng không đủ tao mua một chai rượu ngoại để nhậu với bạn bè. Tốt nhất là về tính sổ sách , cân cá tôm giao nhận hàng đi đến“. Bất đắc dĩ, cô nghe lời. Nhưng phần lớn là để đở đần má cô. Một người đàn bà suốt  đời chỉ sống vì chồng vì con, tuy giàu sang nhưng lam lủ, cực hơn người giúp việc. Vì người giúp việc làm có giờ giấc, xong được nghỉ. Còn bà thì từ tờ mờ sáng đến tận khuya. Những việc làm không tên nhưng choáng hết thời gian và sức khoẻ.

Chút kiến thức cô tiếp nhận ở đại học đã bị môi trường chung quanh làm mờ phai dần đến độ lúc đầu cô thấy chối tai khi nghe những lời lẽ thô tục của
những người hợp tác làm ăn thì một thời gian sau nó trở nên bình thường, thậm chí thỉnh thoảng cô còn xử dụng một cách vô ý thức. Cô tự hỏi chả lẻ cả đời cô phải làm một công việc tẻ nhạt chán chường thế này. Rồi cô vừa làm vừa xài tiền vung vãi, anh chị em mạnh ai nấy xài. Bòn rút, lấy cắp vì ba má cô không thể kiểm soát nổi một bầy con ăn hại.

Trong thâm tâm cô mơ hồ nhận biết hành động của mình là sai trái, nhưng cô bất cần, giống chiếc tàu trong cơn bão, xoáy tròn nghiêng đập, nếu không vững tay lèo lái thì chìm nghỉm là cái chắc. Má cô cố khuyên răn đàn con nhưng chẳng ai nghe, còn cãi: vậy chớ làm ra tiền để thờ hả? Hay chết đem chôn theo xuống âm phủ xài?

Cô thương má nhất, chưa dám thất lễ với bà , nhưng cũng chưa làm gì để bà hảnh diện hết.

Thời gian cứ trôi, Mẫu Đơn vẩn cứ quẩn quanh với bao câu hỏi kiểu ‘’To Be Or
Not To Be‘’ mà không có câu trả lời. Cho đến một ngày...

Mở ngoặc: nếu ai đọc vở Hamlet, Hoàng Tử Xứ Đan Mạch của Shakespeare sẽ hiểu Mẫu Đơn ám chỉ gì với câu To Be Or Not To Be.

Cho đến 1 ngày, tai hoạ giáng xuống cái gia đình trọc phú nhưng thiếu đức ấy, là cái ngày bác sĩ báo cho hay má cô bị ung thư ruột cần phải giải phẩu. Cả nhà bàn nhau đưa má cô qua Singapore trị. Nhưng ai là người đi theo chăm sóc bà?

Ba cô lấy cớ bận lo công việc không thể giao phó cho ai khác.  thật ra ông còn lo nhậu nhẹt với bạn bè và du hí với bồ nhí)
Các anh chị đùn đẩy nhau, lấy cớ: không biết tiếng Anh tiếng em, học bao nhiêu trả hết lại thầy cô, qua xứ người biết gì mà nói chuyện. Hơn nữa, họ
đã lập gia đình riêng, không có thời giờ. Chỉ có Mẫu Đơn độc thân, biết tiếng Anh, con cưng của má thì đi theo lo cho má là hợp tình hợp lý rồi ( thật ra họ ích kỷ sợ cực khổ vì phải chăm sóc người bịnh, chứ họ cũng du lịch ngoại quốc nhiều lần rồi, có cần nói tiếng Anh gì đâu). Thế là 1 mình cô đưa má đi Singapore trị bịnh.

Lúc má vào phòng mổ, cô ngồi ngoài hành lang chờ vì cũng không biết đi đâu. Chả lẽ về khách sạn? Lại không quen ai. Đến chiều tối, má cô còn hôn mê nên người ta bảo cô ra về, sáng hôm sau hãy quay lại. Cô đâu biết là ở các bịnh viện ngoại quốc, thân nhân chỉ được đến thăm chứ không ngủ cùng qua đêm. Cô trả lời là muốn ở lại đây chờ đến khi má cô tỉnh lại, họ giải thích là không thể được, dù có năn nỉ cách gì.

(Giờ đây khi đã sống nhiều năm ở tây phương thì Mẫu Đơn mới hiểu cách điều hành của bịnh viện trên thế giới chứ lúc đó cô rất tủi thân, đau khổ, trách móc đủ thứ).

Buộc lòng quay về khách sạn, đơn côi giữa đất lạ trong đêm mưa rơi rả rích, lo âu không biết kết quả giải phẩu ra sao, má có tỉnh lại hay thế nào? Mẫu Đơn lắc đầu xua đi ý nghĩ bi quan đen tối. Một cách vô thức, cô cầu nguyện Đức Phật Quán Thế Âm phù hộ độ trì cho má bình an. Đây là lần đầu tiên cô đặt hy vọng vào đấng vô hình, vì biết đồng tiền cũng bất lực trước ông thần Định Mệnh. Nhớ lại ở nhà má cô có thờ Đức Phật, mỗi buổi sáng thức dậy má thường đứng trước bàn thờ chắp tay lầm rầm khấn nguyện. Ba và các anh chị chẳng những không có lòng tôn kính đấng linh thiêng mà còn cười chế nhạo.

Tối đó, Mẫu Đơn gần như không chợp mắt. Cô suy nghĩ. Chỉ một lằn ranh mỏng manh giữa cuộc sống và cõi chết. Tiền tài, danh vọng, vinh quang chỉ là bề mặt hào nhoáng ,phỉnh phờ người ta mà thôi. Tất cả, không loại trừ một ai, từ bậc chính nhân quân tử cho đến kẻ tiểu nhân hèn mạt, từ mệnh phụ cành vàng lá ngọc cho đến cô gái thôn quê chân chất, từ quí ông quí bà ngụ trong lầu son gác tía cho đến người vô gia cư... đều Kết Thúc Từ Nơi Bắt Đầu, tức là cõi Hư Không vậy.

5-

Phải chờ căn bệnh trầm kha của má, Mẫu Đơn mới Ngộ về ý nghĩa cuộc đời!

Khi trở về nhà, cô thay đổi hẳn cách sống. Giờ cô thường xuyên làm việc từ thiện, chăm sóc má vì bác sĩ cho biết là bịnh này không thể chửa khỏi, chỉ cầm cự tới đâu hay đó. Cô thử khuyên răn các anh chị hãy bỏ việc ăn chơi phung phí, mà lo giúp đở người gặp khó khăn thì bị họ nói  con khùng!

Trong những ngày má bịnh, Mẫu Đơn có nhiều thời gian để chuyện trò, hoặc đọc sách cho má nghe. Có lần sau khi bà nghe xong quyển Huyền Thoại Dương Quí Phi của Lâm Ngữ Đường, bà bỗng nói: ”má chưa bao giờ thấy bông mẫu đơn ở ngoài đời, nhưng nghe tả đẹp quá. Nếu mai này má về với cát bụi, má chỉ ước là đem má thiêu rồi rải tro ra biển, nếu con tìm được bông mẫu đơn thì thả theo cùng với má , là má mãn nguyện lắm”.
Kể đến đây, Mẫu Đơn nghẹn ngào ngưng bặt. Tôi choàng tay qua vai cô để an ủi, cảm thông. Cô nói:

‐ Gia đình không chịu thiêu như lời má trăn trối. Mộ phần được xây to và đẹp
như một biệt thự thu nhỏ.

Lắc đầu, cô thêm :
‐ Để làm gì? Đó chỉ là hình thức loè thế gian. Lúc má còn sống có ai quan tâm, yêu thương gì má. Bây giờ mất rồi có ý nghĩa gì nữa. Đạo đức giả thôi.
Ngày giỗ đầu của má, cô đặt mua thật nhiều hoa mẫu đơn nhập về từ Saigon, (lúc này đã có nhiều hoa nhập cảng từ ngoại quốc vào VN)
rồi thuê một chiếc đò nhỏ chạy cách xa bờ và thả hoa theo cơn thuỷ triều trôi ra biển.

6-

Má Mẫu Đơn bàn với ba cô là hãy chia gia tài cho các con để bà yên lòng nhắm mắt. Ba cô tuy có thói trăng hoa nhưng vẩn nể vợ, đồng ý.
Mỗi người được 2 chiếc tàu đánh cá, 1 căn nhà lớn ở Saigon.
Sau khi má qua đời, hai chiếc tàu bị các anh chiếm, nói:

‐ Mầy còn độc thân lại con gái biết gì chuyện ghe tàu. Để tụi tao coi sóc dùm
mai mốt lấy chồng tao đưa lại. Giờ mỗi chuyến về có lời tao đưa cho.

Nhưng chưa bao giờ cô nhìn thấy một đồng nào hết, nói:
‐Đánh bắt lỗ lã, lại phải sửa chửa máy móc, lưới, giá dầu tăng...

Thật ra họ giử hết tiền lại cho bản thân.
Còn căn nhà thì 1 chị dụ dỗ thế chấp để lấy vốn làm ăn, rồi mất tiêu.

Ba cô bảo: 
- Mầy muốn đi đâu thì đi, đi luôn cũng được. Có mầy ở nhà cũng vô tích sự, mầy chỉ lo làm chuyện tào lao, lấy tiền nuôi bá gia bá tánh.

Vì từ ngày má mất, cô càng năng làm việc từ thiện. Nghe nói ở đâu có người bịnh, hoàn cảnh eo hẹp cô tìm cách giúp đở. Trẻ em nghèo hiếu học , ba mẹ thiếu điều kiện cô đóng tiền trường, mua viết, giấy, sách vở....

Bị gia đình hất hủi nhưng cô tìm được cho mình niềm vui qua việc làm “tào lao“ nầy. Ở hiền gặp lành, 2 năm sau, chính trong một lần tham gia với đoàn thiện nguyện quốc tế vào VN chửa trị bịnh cho người nghèo mà Mẫu Đơn gặp người mà sau này nên duyên chồng vợ với cô vậy.
Mỗi năm đến ngày giỗ má, cô đề nghị chồng du lịch qua những nơi có bờ biển‐-­‐ mà châu Âu thì có rất nhiều bãi đẹp, thơ mộng như tranh - trước là thư giản, sau là để cô rãi hoa theo sóng như ý thích của bà.

Cô tin rằng từ trên cao, lưng chừng trời trong xanh lộng gió, linh hồn má cô đang mĩm cười hạnh phúc dõi theo dáng dấp nhỏ nhoi của con gái út hoà cùng những cánh hoa rực rỡ giữa trùng dương mênh mông sóng gợn. Và như bao người mẹ hiền, hẳn bà nhận xét: hoa đẹp nhưng con gái tôi còn đẹp bội phần hơn hoa nữa kia.

Vì cô có Một Tấm Lòng!

Ai trong đời mà không từng ít nhất một lần lầm lỗi. Điều quan trọng là Nhận-­‐Biết và Sửa Chửa. Để mỗi sáng thức dậy, ta đón nhận ngày mới với tâm hồn bình yên thanh thản. Chỉ cần vậy, đã đáng sống rồi.

Thanh Hà
Switzerland, Sept 2015





4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Tuổi thơ bao giờ cũng hồn nhiên trong sáng, không biết lo âu là gì. Đọc những tản văn của Má 4 lần nào cũng gợi nhớ về một thời tuổi thơ năng động, nô đùa, quậy phá vô tư lự ^^ Ước mong sao một lần được trở về để được gặp lại Ông Bà, gặp lại Ba Mẹ, Cậu Dì và chính mình của ngày xưa. Mọi người đều quây quần bên nhau thật vui biết bao nhiêu.
    Đọc câu chuyện của Má 4 càng thấy mình hạnh phúc vì còn có Ba Mẹ để được yêu thương, để được la mắng vì cái tội lâu không chịu về thăm nhà hihi, hạnh phúc là ở đó chỉ sợ đến một ngày không còn ai ngóng trông hay chỉ là một lời trách nhẹ cũng không có, thật không dám nghĩ thêm nữa. Như cô Mẫu Đơn, không còn Mẹ thì gần như không còn gì cả. Cũng may người ở hiền thì gặp lành cuối cùng cô ấy cũng thực hiện được nguyện vọng của Mẹ mình và tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình dù phải xa quê hương mới thực hiện được. Đúng là trời không phụ người có lòng.
    Văn phong của Má 4 thật nhẹ nhàng thanh thoát nhưng cũng rất gần gũi làm cho con đây là người ít viết văn nhưng cũng muốn viết vài dòng để chia sẻ cảm xúc của mình. Cám ơn Má 4 đã kể những câu chuyện thật ý nghĩa để con nhận ra được giá trị cuộc sống mà mình đang có.

    Trả lờiXóa
  4. M4 viết lần nào cũng đong đầy cảm xúc cả. Trên thế gian này có lắm chuyện đời bi ai, những nghịch cảnh trớ trêu mà chỉ khi con người ta có cơ hội và chịu lắng nghe nhau nói mới có thể hiểu mà cảm thông với nhau được. Gặp nhau đã là duyên rồi, thế nhưng có những cái duyên chỉ dừng lại ở chỗ lướt qua nhau mà không để lại một lời, thế nên cuộc gặp gỡ vô tình mà có thể chia sẻ chuyện đời cho nhau nghe, phần nào xoa dịu nỗi đau của nhau đó là thiện duyên rất lớn rồi m4 ơi. Chúc m4 của con vẫn mãi luôn yêu đời, yêu người như vậy nhé! Thương má 4!

    Trả lờiXóa