Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Tìm Về Kỷ Niệm

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng


       "Bạn cũ xa rồi, có người về đất buông xuôi
Năm ba đứa bạt phương trời
Hai thằng chờ đầu quân năm tới..

Ve ơi, hát gì điệu nhạc lâm ly
Khóc người biền biệt sơn khê
Cố nhân đi bao giờ mới về..?  (1)

Lời bài hát luôn khiến tôi xúc động mỗi lần nghe. Hình ảnh ngôi trường, bè bạn, thầy cô của một thời học sinh; hình ảnh bàn lớp, học trò của một thời trên bảng đen phấn trắng. Là trò trước khi là thầy, hơn ai hết tôi hiểu và thương cảm vô cùng lứa tuổi "không sách vở cầm tay / có tâm sự đi nói cùng cây cỏ" (Đinh Hùng). Để những năm "làm thầy" ngắn ngủi, tôi vẫn đôi khi bỡ ngỡ, như chưa kịp bước qua tuổi học trò... Rồi năm tháng đời người tất bật, có người ở lại có người ra đi. Như bao chuyến đò qua sông trường lớp, người học trò cũ chỉ là khách bộ hành. Con đò dòng sông ở lại, vẫn mãi một đời chờ những lữ hành năm xưa. Thời gian có thể làm đổi thay cảnh cũ, nhưng lòng người vẫn còn mãi bao kỷ niệm tuổi học trò. 
"Tìm Về Kỷ Niệm" cũng chính là chủ đề cho cuộc Hôi Ngộ Liên Trường Kiên Giang lần này, 2022 tại thành phố Denver, Colorado. Cơn đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua, đã thay đổi toàn thể sinh họat, cuộc sống, tập quán... của con người trên mặt đất. Thêm vào đó, khung cửa thời gian cũng khép hẹp dần những gặp gỡ của chúng ta. Mọi cố gắng cho cuộc "hội ngộ" trong giai đoạn này, thật đáng ngưỡng mộ và trân quý vô cùng. Để tìm về kỷ niệm, để khắc ghi thêm bao kỷ niệm mai này. Cuộc đời là một chuỗi thời gian phía sau của ký ức. Và trong dòng ký ức muôn vẻ muôn màu đó, có bao nhiêu kỷ niệm để thương nhớ, khắc ghi không thể nào quên. Có kỷ niệm là những nụ cười, những niềm vui. Nhưng cũng không ít kỷ niệm là nỗi buồn, là nước mắt mặn môi. Tuy nhiên tuổi học trò, trường cũ tình xưa là chuỗi thời gian duy nhất, mà kỷ niệm chỉ là những hình ảnh, tình cảm tươi đẹp nhất một đời người. Ở đó kỷ niệm chỉ có nụ cười, niềm vui và nỗi buồn, nước mắt nếu có chỉ làm tâm hồn, ánh mắt thêm trong sáng, long lanh.
Chừng như theo tôi nhớ, cả tỉnh thời gian những năm 1975 - 1980 chỉ có 4 trường trung học cấp 3: trường Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), trường Rạch Sỏi, trường Tân Hiệp, trường Phú Quốc..(?). Hai trường trung học Tân Hiệp và Phú Quốc, tôi chưa lần có dịp ghé thăm hay ở lại nên không có hình ảnh hay kỷ niệm gì. Cứ đinh đinh rồi sẽ có dịp thôi không vội gì, vậy mà mãi cho đến lúc xa quê hương, sống đời viễn xứ vẫn chưa có dịp ghé qua. Tôi nuối tiếc vô cùng. Duy hai trường Nguyễn Trung Trực và Rạch Sỏi, một tôi đã từng dạy nhiều năm và một tôi ghé thăm ở lại nhiều lần nên có rất nhiều kỷ niệm mang theo.

Trường phổ thông trung học Rạch Sỏi
Tiền thân của trường trung học Kiên Thành, ngôi trường cấp 3 Rạch Sỏi là cơ sở của trường cấp 1, gồm ba dãy nhà trệt, quay ra phía mặt đường. Dãy giữa dài, gồm sáu phòng học và một phòng cuối làm thư viện, thiết bị. Nối theo đầu nầy, là dãy nhà bốn phòng tập thể cho thầy cô giáo ở  xa. Đối diện phía bên kia là một dãy ba phòng học với nền cao hơn. Phía cuối chừng như là một phòng học dự định xây bỏ dở, chỉ xong phần nền. Chính giữa ba dãy phòng là sân trường, nửa nền xi-măng và nửa nền đất là phần sân cho giờ thể dục. Buổi chiều lại biến thành sân bóng chuyền cho cả học sinh và các thầy “thi đấu”. Nối theo phần sân xi-măng là con đường với hai hàng bạch đàn, qua cổng trường dẫn đến con lộ chính. Hai bên phía sau cổng trường, một bên là chái để đậu xe; một bên là văn phòng họp hội đồng và phía sau là bếp ăn tập thể. Con đường thơ mộng hơn với hai bên ao đào thắm đầy hoa súng màu hồng tím thật đẹp. Đối diện trường, bên kia con lộ là vài quán nước nhỏ – chủ yếu bán cho học trò và thầy cô của trường.  Một trong quán nước đó, có quán cà-phê nhà dì Năm. Tôi biết tên qua lời chuyền tai của học trò. Nơi chứng kiến, là nhân chứng biết bao “vật đổi sao dời” của ngôi trường cấp 3 bé nhỏ này. 
Bên ngoài vòng rào bằng tre, gỗ (không biết đã có tự bao giờ) phía sau trường là những vuông ruộng lúa của dân chúng ngụ chung quanh. Và phía bên hông trái của trường là mấy thửa ruộng của gia đình thầy Nguyễn Văn Trực. Sau nầy sang nhượng lại cho thầy Quách Nhứt. Nói chung là hai phần chu vi của trường được bao bọc với những thửa ruộng, quanh mùa gió lộng. Hình ảnh những buổi học, từ trong lớp thầy trò được hít thở hương vị của lúa trổ đòng, mùi thơm của rạ khô sau mùa gặt. Tất cả những hương vị đó đã ăn sâu vào mọi ngõ ngách của ký ức, hoài niệm một đời tôi mãi không quên! 
Phía bên kia chân cầu Rạch Sỏi, đường vào chợ Giữa, có một nhà máy xay làm phân bón cá. Những buổi chiều hanh nắng, mùi phân bón cá theo gió nồng nực cả một vùng thị trấn. Lúc ban đầu thật khó chịu, nhưng dần dà cũng thành quen. Những năm tháng lưu lạc về sau, tôi vẫn nhơ nhớ mùi vị đặc biệt nầy trong những buổi chiều hanh nắng. Con người sẽ dễ quên đi những bình yên, phẳng lặng. Nhưng sẽ một đời cưu mang, trăn trở với những vị nồng của đắng cay, khốn khó đi qua. Thay đổi là quy luật của cuộc sống. Ngôi trường ngày xưa có thay bao nhiêu tên, có đổi bao nhiêu cổng hay lớp học tường cao, với tôi vẫn là ngôi trường thân thương trong ký ức. Tôi cưu mang, yêu thiết tha ngôi trường cấp 3 nhỏ bé cũng từ bao điều yêu dấu đó... Ôi kỷ niệm ngày xưa sao bổng chợt tìm về!

Trường trung học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá
Có lẽ đây là ngôi trường khang trang và đẹp nhất tỉnh Kiên Giang, thành phố Rạch Giá. Tuy
không dạy tại đây, nhưng tôi có rất nhiều lần ghé thăm, ăn ngủ tại trường. Mỗi năm ít nhất một lần, tôi chấm thi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 luôn được tổ chức hằng năm tại trường Nguyễn Trung Trực (NTT). Tất cả học sinh, thầy cô giáo toàn tỉnh đều tụ họp tại đây. Học sinh thì hai ngày. Thầy cô giáo gác và chấm thi cả hai tuần lễ. Hầu hết học sinh các huyện trong tỉnh đều được các thầy cô tổ chức, hướng dẫn việc ăn ở trong những ngày tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chừng như đối diện với trường cấp 3 NTT, là trường cấp 1&cấp 2 (?). Đây là nơi các em học sinh, nếu không có nhà người quen hay bà con tại Rạch Giá, sẽ được sắp xếp ở tạm qua đêm. Ngày thi thứ nhất đầy căng thẳng, lo lắng trôi qua. Đêm hôm đó, thầy trò giúp nhau tìm một chỗ ngủ trong các phòng học để lấy sức cho buổi thi thứ hai. Cuộc thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau hai ngày, cuối cùng cũng kết thúc. Một vài học sinh về nhà, còn phần lớn đều ở lại qua đêm, mai về sớm.  
Đây được xem như là "đêm kỷ niệm" cuối cùng của thầy trò thời trung học! Chiều hôm đó, tôi mượn nồi niêu xoong chảo... của khu nội trú giáo viên của trường NTT để thầy trò làm "đêm không ngủ". Thời kỳ bao cấp "gạo châu củi quế", mấy thầy trò chia nhau một nồi cháo cá và hai nồi cháo đậu xanh dưa mắm! Đêm càng khuya càng thắm thiết. Từng lớp, từng nhóm chụm đầu vào nhau vừa ăn vừa nói "chuyện nắng mưa" hoặc chỉ lặng yên nâng niu từng giây phút vĩnh viễn trôi qua của thời trung học. Trời gần sáng, các em yêu cầu được bắt tay thân mật với thầy cô trước buổi chia tay. Đến lượt tôi, chừng như có nhiều bàn tay xiết nhẹ, đầm ấm không muốn xa rời... 

*****  *****  *****  *****

Tất cả đã lùi sâu vào quá khứ. Tất cả đã trở thành kỷ niệm. Kỷ niêm như những bông hoa lục bình tím nhạt, trôi mênh mông từng cụm trên dòng sông đời muôn thuở. Kỷ niệm luôn đẹp và trân trọng dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Viết những dòng chữ này hôm nay, nhiều thầy cô và các em đang sống trên quê hương hay cùng khắp một vùng đất nào đó của mặt địa cầu; xin hãy xem bài viết này của tôi như một ký ức, một kỷ niệm tìm về thật đẹp trên dòng chảy đời người. Đã hơn bốn mươi năm, thời gian thoáng chốc trôi xuôi, tưởng chừng như mới hôm qua mà đã cuối một đời người…  Với các thầy cô, các em đã vĩnh viễn rời cuộc đời tạm, vào cõi vĩnh hằng, thì đây như nén hương lòng thương tưởng tôi kính dâng...
"Tìm Về Kỷ Niệm" cũng là chủ đề cuộc gặp mặt của Hội Ngộ Liên Trường Kiên Giang 2022 được diễn ra tại Denver, Colorado. Xin kính chúc thầy cô và các em học sinh cùng thân hữu tham dự sẽ có được những giây phút quý báu bên nhau, những tìm về với bao kỷ niệm của trường cũ tình xưa... Kính chúc BTC cuộc hội ngộ gặt hái nhiều thành công mỹ mãn, ghi lại nhiều hình ảnh yêu thương nghĩa tình nhất, cho bao kỷ niệm không quên mãi những mai này.
    
Thời gian có ngừng đây bao giờ
Thương tiếc rồi sẽ làm buồn vu vơ
Nhiều lúc muốn quên để xoá mờ
Nhưng mỗi lần nhìn xuân về thương nhớ
Người đó ta đây tình vẫn chia phôi biết cuộc đời mình ra sao
Ôm kỷ niệm chẳng nửa lời thở than
Một tâm khúc cho người thương cho tiếng đàn
Đời đã không mang những gì mình mơ ước mà sao khó tìm quên
Chia ly là hết xót xa nhiều cũng thế
Nhớ thương bây giờ xin trả lại thời gian..."  (2)


Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng
(1) Trường Cũ Tình Xưa - Duy Khánh
(2) Trả Lại Thời Gian - Thanh Sơn





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét