Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 28

Một Góc Sàigòn
Ký sự của Thanh Hà 


1/-
Ngày 03.03.2024. Buổi tối

Saigon bây giờ không còn hấp lực gì để thu hút quyến rũ tôi được nữa. Không như ngày xưa lúc còn đi học, đối với tôi Saigon là cả một khung trời tương lai tươi sáng mở ra nhiều con đường đầy ắp hoài bảo ước mơ. Là nơi mà tôi nghĩ mình sẽ chọn để định cư dài lâu. Thế mà cuộc đời đâu phải như một quyển vở mình có thể viết ra những điều theo ý.

A, tôi tự cười chế giễu mình về cái vụ hở ra là nhắc “chuyện ngày xưa”, y hệt ông bà Ngoại, Ba Má thuở sinh thời cũng hay kể cho con cháu nghe chuyện ngày xưa của các người (từ tiền bán thế kỷ 20 cho đến khi chúng tôi ra đời) với tất cả sự trân trọng, luyến thương, nhớ tiếc một quá khứ trôi tuột mất hút theo giòng thời gian. 

Và chị em chúng tôi đã lắng nghe với sự vui thích, tò mò, thèm muốn. Mường tượng được sống ở thời của những người dân bản tánh hồn hậu, chân chất, hiền lương, thanh tao như thế nào..v..v.. thì giờ đây “câu chuyện ngày xưa” sẽ được tiếp tục kể, gián tiếp qua những hồi ký, tuỳ bút của tôi… để thế hệ trẻ (con, dâu, rể, cháu… của chị em tôi) hiểu cách sống của người hậu bán thế kỷ 20 ở miền Nam, vẫn giữ gìn được bản chất hiền lương, tôn kính, tương thân tương ái vô vị lợi…đậm nét trong tình họ hàng, xóm giềng ra sao…
 
Người ta nhận xét tính người già trở nên lẩm cẩm, thích “nói dài, nói dai” đúng không? Chắc không sai. Người già hay lo xa, sợ sệt những điều mà lớp trẻ cho là quá đáng. Hay lập đi lập lại một câu nói, một sự việc…nhiều lần làm kẻ đối thoại phát chán. Hay so sánh cho rằng mặc dù bây giờ đời sống tân tiến, vật chất đầy đủ văn minh hơn nhưng hồi xưa con người hạnh phúc, nhịp sống êm ả hơn người thời nay bởi không nuôi quá nhiều tham vọng ..vv và vv..
Tôi giờ cũng y hệt. Vậy tôi đã già rồi ư ? Thôi đừng nhắc chữ Già, mà hãy tự lừa mình dùng chữ Cao Niên cho nhẹ gánh nặng tuổi tác chất chồng trên vai đi nhỉ!

Người-cao-niên-tôi đây lẩm cẩm, thay vì chỉ nhập đề một câu ngắn gọn :”Saigon bây giờ không còn thu hút tôi được nữa” thì kéo dài cả trang giấy giải thích nầy nọ lê thê. Thật mệt ghê! Tóm lại là tôi chỉ ghé lại SG trước là thăm các cháu–hơn phân nửa đại gia đình tôi đã lập nghiệp sinh sống ở đó–và họ hàng cùng vài ba người bạn quen ngoài trường lớp. Sau là một trạm dừng chân trung chuyển mỗi lần từ phương xa trở về thăm quê.
Bạn cũ đã tan tác mất dấu cả rồi.
 
Buổi tối, một cháu trai chở tôi đi một vòng thành phố. Ngang dinh Độc Lập cũ, đường Tự Do(cũ), toà Thị Chính, Toà Hạ Viện Quốc Hội(cũ), đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, Vương Cung Thánh Đường…kỷ niệm xưa loáng thoáng hiện về, khiến lòng gợn lên chút xao xuyến…Thôi, kỷ niệm hãy nằm im trong một góc tâm hồn đi nhé! 

Chúng tôi ghé vào nhà hàng Thiên Lý ở quận 1 ăn cơm niêu ngẫu nhiên. Không gian vừa vặn, trang trí bày biện đẹp mắt và thức ăn rất ngon! Tình cờ mới biết họ đã làm chủ mấy chục nhà hàng trong thành phố, tương lai họ định sẽ mở 80 nhà hàng khắp tỉnh thành Việt Nam. 
Các cô cậu nhân viên trẻ đón tiếp khách rất lễ phép, nhã nhặn. Thì ra sự thanh lịch Saigon vẫn còn đó chứ chưa hẳn biến mất. Tôi đã chứng kiến nhiều nghĩa cử thiện tâm của người Saigon (các quán ăn 0 đồng, những bình nước lọc đặt bên vệ đường miễn phí…) lẫn ở các tỉnh miền Tây (qua các chuyến xe chở nước ngọt mang cho người dân vùng ngập mặn tháng ba tháng tư vừa qua)*

*Một vài con sâu làm rầu nồi canh, có nghĩa là tôi vẫn còn thấy những hình ảnh trái tai gai mắt xuất hiện chỗ nầy chỗ nọ trên nhiều con đường Saigon đông đúc xe cộ qua lại vào ban ngày- tôi nhắc lại: vào ban ngày- ”các đấng nam nhi” vẫn ung dung ngừng xe đứng quay mặt vô hàng cây tự thưởng thức một trong tứ khoái của con người. Mà kỳ lạ là tôi chứng kiến chuyện ấy ở ngay đất địa Saigon chứ không phải ở các tỉnh, làng quê!!!

Suy cho cùng, vì đâu nên nỗi? Tôi biện hộ thay cho họ đây: theo thiển ý, Saigon giờ sáp nhập nhiều quận nên diện tích quá to lớn, lại thiếu những WC công cộng cho người dân. Mà đó là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người, chỉ chịu đựng ở mức độ nào đó nên họ buộc lòng phải “xã nước cứu thân”,chứ chờ lúc về đến nhà chắc vỡ bàng quang mất.

*Chứng kiến chuyện ấy từ hai năm trước, nên giờ tôi hết còn bị sốc, kinh ngạc như lúc đầu, chỉ là sự ngao ngán than ôi cho một Saigon Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ còn hảo danh quá khứ!!!

2/
Ngày 04.03.2024
Con đường nhà cháu tôi sống có nhiều restaurent, caféteria, cửa hàng bách hoá, tiệm cắt uốn tóc, bán băng nhạc…nhộn nhịp, gì cũng có. Buổi tối hôm sau dì cháu kéo đi bộ tìm chỗ ăn khỏi mất công nấu. Cách nhà 100 m, thấy có 1 quán nho nhỏ bán bánh canh cá lóc, bèn ghé vào chọn ngồi ở hàng hiên, nơi vừa đủ đặt cái bàn nho nhỏ cho 4 người. Bên trong cũng chỉ đủ chỗ bày biện bếp và thức ăn đặt trong tủ kính, với 1 cái bàn.
Tô bánh canh nấu với cá lóc xắt miếng, nước súp pha nghệ vàng khá đặc biệt, khi ăn thêm vào rau càng cua, rau đắng. Lần đầu tôi ăn bánh canh hương vị nghệ, lại nấu với cá lóc, nên đoán là đặc sản của người miền Trung, chả biết có đúng. 

Tôi vốn không ăn được ớt cay. Không hiểu sao cái lưỡi tôi rất nhạy cảm, õng ẹo, hể có hơi hướm chút xíu ớt trên đầu đũa là tôi cảm nhận ngay, bị dị ứng, đau đớn lắm. Bánh canh tối đó có chút vị cay– chắc của gừng hay tiêu–, hai vị này thì cái lưỡi tôi “chấp nhận”, nếu đừng cho quá nhiều.

Thỉnh thoảng có mấy người ngừng xe vào đặt mua mang về, rảnh rang nên cô chủ ra ngồi bắt chuyện với chúng tôi. Lan man những chuyện vô thưởng vô phạt, cô hỏi chúng tôi ăn bánh canh thấy thế nào ? Chúng tôi khen ngon, lạ miệng, lần đầu tôi ăn bánh canh cho nghệ vào nước, có phải đặc sản miền Trung không?

Cô đánh trống lãng, không trả lời vào đúng câu hỏi mà chỉ nói cô là dân cố cựu Saigon. Có điều nghe cách cô phát âm thì mọi người đã đoán được ngay gốc gác miền Trung của cô rồi. Tôi nói món bánh canh nầy không phải là món miền Nam, mà giống như ăn mì Quãng. 
Cô vẫn không xác định hay phủ định, mấy lượt lập lại cô là dân Saigon. Rồi hỏi chúng tôi là dân Saigon hay đâu. Cháu tôi nói chúng tôi là dân tỉnh miền Tây. Cô lại nhận xét hình như tôi ở nơi xa về chứ không phải ở trong nước? Tôi định bắt chước cô giấu nơi hiện sinh sống, chỉ nói là dân Rạch Giá lên thành phố chơi, nhưng cháu đã nhanh nhẹn trả lời thay, nên hết giấu. Cô nói: nhìn cách ăn uống và nói chuyện là nhận ra ngay tôi từ phương xa về.

Ngạc nhiên. Vì tôi chỉ mặc bộ đồ thật đơn giản, quần jean xanh áo thun trắng, tóc kẹp đuôi, lê đôi dép tông hai quai lẹp xẹp trong nhà của cô cháu, mặt không chút kem son nào hết. 
Nhân câu cô vừa nói, cháu trai tôi thêm vào:
–Chị nhận xét hay hén. Cũng như chúng em ăn bánh canh biết ngay xuất xứ của người miền Trung, vì bánh canh miền Nam đâu có cho nghệ. Hơn nữa nghe cách phát âm của chị cũng nhận ra.

Hi hi, lúc ấy cô mới chịu nhận cô gốc miền Trung (ở đâu quên mất), từ nhỏ mồ côi nên người
dì mang vô Saigon nuôi nấng thương như con ruột, lớn lên ở đây. 
Nghĩ thầm: sao cô không chịu nhìn nhận nguồn gốc của mình mà cứ lòng vòng nói mình là dân Saigon vậy nhỉ.

À, chắc cô nghĩ nếu nói là dân Saigon thì sẽ nâng cao giá trị bản thân lên hơn, bởi Saigon từng một thời hoàng kim, là niềm vinh hạnh cho những người được sinh ra và lớn lên ở Saigon-bất luận tầng lớp thấp hay cao-. Thật vậy. Saigon nơi tượng trưng cho sự tao nhã, lịch sự, thân thiện, lòng tốt. Nơi từng qui tụ bao tinh hoa, trí tuệ anh tài xuất sắc phục vụ và dẫn dắt quốc gia trở nên cường vinh phồn thịnh đâu thua kém gì các quốc gia lân bang.

Nhớ lại trong thời gian ở Saigon mấy lần trước, muốn đi thăm bà con mà các cháu kẻ đi làm người đi học không ai chở, nhờ cháu đặt taxi tôi bạo gan đi vài lần. Đường phố đông đúc, kẹt xe di chuyển rất chậm. Có vài tài xế vui tính bắt chuyện cho qua thời gian. Một lần chú lái taxi kể rằng quê ngoài Bắc, nhưng chú đưa vợ con vào đây lập nghiệp đã nhiều năm, bất đắc dĩ lâu lâu mới về thăm bố mẹ chứ thâm tâm chả thích về chút nào. Bởi chú thấy gần gũi thân thiết với dân miền Nam- những người thật thà chân chất- nên giờ trở về quê ngoài kia, cảm thấy không phù hợp nữa.

Rồi chú nói thêm là lúc đầu chú rất chăm chỉ, chạy từ sáng cho tới gần nửa đêm để kiếm tiền cho thật nhiều. Nhưng giờ chú học theo dân miền Nam, chỉ làm vừa đủ, còn dành thời gian về ăn cơm đúng bữa với vợ và chơi với con cái. Không có chạy theo đồng tiền để đánh mất hạnh phúc gia đình. 
 
Chuyện người quê quán tứ xứ về Saigon lập nghiệp, rồi gắn bó yêu thương thành phố nầy hơn nguyên quán, tôi nghe rất nhiều. Khiến dâng lên một cảm giác hãnh diện thay cho “vương quốc Saigon”như thể chính mình cũng là một “thần dân” trong đó vậy.
 Ngày xưa, tôi cũng từng may mắn, hạnh phúc được học hành, được trải qua một phần đời hoa mộng ở nơi đây.

Nhưng bây giờ Saigon thay đổi nhiều quá, tôi không còn cảm giác quen thuộc gần gũi, như kẻ bị gạt ra ngoài lề. Chỉ “Saigon ngày xưa” mới thực sự là “Saigon của tôi”, vẫn ngự hoài một góc trong trái tim tôi. 

Nữa! Lại cái câu Ngày Xưa nữa !!!

Bây giờ sống nơi xứ sở thanh bình
Có ai nhớ về Saigon ngày cũ
Đường Duy Tân với hàng me xanh quyến rũ
Đôi lứa lượn lờ trên chiếc vespa trắng chiều cuối tuần

Bây giờ sống hơn nửa kiếp phù vân
Có ai nhớ buổi sáng cúp cua vào Rex xem Love Story
Ngồi Brodard ngắm phố phường, ăn kem chung một ly
Ghé Thư Viện Quốc Gia ôn bài dưới tàng cây che mát

Đêm sáng trăng, tiếng đàn guitar hoà cùng giọng trầm ai hát
Giữa lặng im triệu giấc ngủ say mềm:
“Mặc áo the, đi guốc mộc, về đây nghe em”*
Câu mời gọi luồn cơn rung da thịt

Bây giờ–Ngày ấy: Hai bờ sông cách biệt
Một đoạn đời sang trang đã từ lâu
Nhìn cánh lan rơi nhắc nhớ dấu yêu đầu
Đâu ai tắm hai lần trong cùng giòng nước** !!!
( TH, Một Thuở Saigon)

*Lời bài hát Về Đây Nghe Em của Trần Quang Lộc
**Câu nói của Heraclite: “Không ai tắm hai lần trên cùng một giòng sông”

Thanh Hà
LCDF, 07/07/2024 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét