BÊN BỜ PISCINE (Tiếp Theo)
Truyện vui - Tản mạn của Thanh Hà
1/-
Bà Maria gốc Ý, ông Johnny dân Canada, tuổi đều vượt qua lục thập hoa giáp tức là xoay hết một vòng Can, Chi trên 60 tuổi–tôi cũng bày đặt nói chữ như thể mình am hiểu tử vi ấy–. Là hai trong số người đi tắm hồ tính tình vui nhộn sống động nhất. Mỗi khi có mặt họ là cả hồ nhộn nhạo chờ xem mấy màn trình diễn ngộ nghĩnh.
Maria uốn éo trong bộ bikini màu sắc giả bộ đi dọc theo bờ hồ như đang trình diễn thời trang áo tắm rồi mới chịu xuống nước.
Còn ông Johnny thì có một thời gian chân bị mỗ đi lại hơi khó khăn, nhưng lần nào trước khi xuống nước cũng đóng vai clown (vai hề )luồn chân qua lại nhiều lần trên cái thành vịn thang bắt xuống nước như thể những người vận động cho dẻo dai trước khi tập múa ballet.
Khi ở dưới hồ ông cứ nghịch như trẻ con, không hiểu làm thế nào mà nước từ trong nắm tay của ông bắn vọt lên không trung cao cả thước, nhiều người thử bắt chước mà không thể nào giữ được vòi nước phun ra thẳng đứng như ông làm.
Johnny với Maria đùa nghịch như hai đứa trẻ, đôi lúc ai chọc lét hay kể câu chuyện tếu gì đó, bà ré lên tiếng cười lanh lảnh vang động điếc tai, mọi người cũng hoà theo, nhưng có vài kẻ khó tính thì lắc đầu cau mày khó chịu.
Lại có một thiếu phụ “trẻ” Angie mới vừa mừng sinh nhật tuổi tròn nửa thế kỷ, gốc Đông phương. Tóc đen tuyền uốn dợn, da ngăm mà vợ chồng tôi có quen sơ từ nhiều năm rồi.
Đối với dân Tây, 50 tuổi vẫn được xem là trẻ trung.
Ở hồ tắm tôi biết có nhiều bà đã 85, 87 tuổi bơi nhanh hơn cả tôi ấy.
Một quí ông 93 tuổi vẫn đi bơi đều đặn, mùa đông tự xúc tuyết ngoài lối vào nhà, tự đi chợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Xem ảnh ngày Angie 18 tuổi là một cô gái xinh xắn, thân hình bốc lửa, vòng nào ra vòng nấy. Cô khoe từng được vài hãng bán quần áo mời trình diễn thời trang, nên trong sổ niêm giám điện thoại, cô tự khai mình là top model dù nghề nghiệp thực tế chăm sóc người cao niên về vệ sinh, ăn uống ở viện dưỡng lão.
Dù Angie gia nhập “hội piscine” sau những người khác nhưng tôi rất ngạc nhiên là làm thế nào mà cô thông thạo tên tuổi và chuyện đời riêng tư, thân thiết với hầu hết mọi người rất dể dàng nhanh chóng. Chỉ cần ai nhắc đến một người nào thì Angie kể liền tiểu sử rút gọn của người ấy tức thời.
Tất nhiên là Maria gốc Ý với Angie gốc Đông phương trở thành bạn bè, đùa giỡn tán gẫu rất tương đắc, bởi tính tình cởi mở vui vẻ giống nhau.
Một hôm tôi bỗng cảm nhận dạo này không khí ở piscine bớt sôi động, không gian im ắng hẳn đi, thấy thiếu thiếu cái gì mà chưa tìm ra nguyên nhân. Bởi như tôi nói, dù là mình chọn bên phần hồ dành cho người bơi nhanh, đến đó mục đích chính là được vùng vẫy dưới nước, luyện tập thể dục chống bệnh tật; phần chuyện trò chỉ hạn chế ở mức xã giao chào hỏi nhưng đây là một xã hội thu nhỏ nên có nhiều câu chuyện dù không muốn cũng “bị” nghe bất đắc dĩ không tránh được.
Mở ngoặc : Bởi vậy tôi có nói rồi, chủ đề bài này toàn là hóng hớt chuyện tào lao mà. Đôi khi chúng ta cần xả sú-báp ( soupape ) thư giản cười đùa chút chứ không phải lúc nào cũng nghiêm trang cứng nhắc như mấy bức tượng chưng ở viện bảo tàng.
Loáng thoáng tôi nghe một người hỏi một người nào đó :
—Maria lúc này sao rồi, đã khá hơn chưa ?
Nghe nhắc tên Maria tôi mới nhận ra đã lâu rồi không thấy bà ấy đến hồ nữa. A thì ra sự yên bình của hồ là vì thiếu tiếng cười ré muốn chọc thủng màng nhỉ của bà đây mà. Trời, thế mà mình không nhận ra chứ, thật là vô tình mà.
Tốp đi tắm buổi sáng đa số người lớn tuổi. Tuổi đời chồng chất chừng nào thì không bịnh này cũng bịnh nọ, ít hay nhiều, nặng hay nhẹ không tránh khỏi. Cho nên hể có ai trong hội-piscine vắng mặt lâu ngày thì tự dưng những người còn lại cảm thấy bất an, lo lắng sợ có chuyện không lành xảy ra cho người thân của mình vậy.
Hỏi thăm tin tức về nhau không hẳn là tò mò, mà vì gần như có một sợi dây bằng hữu nối kết chúng tôi lại nên muốn biết tình trạng sức khoẻ về nhau là chính yếu. Vì đã có nhiều trường hợp ông hoặc bà mấy hôm trước đến hồ trông vẫn mạnh khoẻ yêu đời, mấy hôm sau nghe tin sét đánh đã qua đời vì ung thư hay lên cơn đau tim, đột quỵ…
Như hồi chồng tôi mất, tôi ngưng không đến hồ một thời gian vì đau khổ không thiết tha gì nữa. Mọi người ở đó chuyền nhau tin tức, khi gặp tôi ngoài đường họ đến ôm tôi chia buồn, an ủi. Có người gởi hoa đến tận nhà. Tình cảm rất chân thành ấm áp dù không nói cùng ngôn ngữ. Khi tôi trở lại hồ, mọi người chào đón tôi bằng thái độ rất trìu mến ân cần.
Trở lại chuyện Maria, khi nghe ai đó nhắc đến bà và hỏi đã khá hơn chưa, một cách tự nhiên tôi nghĩ bà bịnh nặng không đến tắm được, bèn hỏi thăm Concettina- đồng hương gốc Ý với Maria, mới nghe câu chuyện như sau :
—Maria ngưng không đến hồ nữa không phải vì bệnh mà vì có chuyện xích mích với Angie.
—Ủa? Tôi ngạc nhiên.
—Chuyện cũng mấy tuần nay rồi, cô (tức là tôi) không biết gì hết à?
—Cháu có đến tắm mỗi ngày đâu mà biết. Hơn nữa cháu bơi phía bên kia hồ có thấy gì đâu.
Bà Concettina cười khúc khích :
—Tức cười lắm như chuyện trẻ con ấy mà. Số là hôm nọ Angie đến trước, xuống hồ một hồi thì Maria mới đến sau. Lúc Maria theo bậc thang bước xuống nước thì vô tình Angie cũng đang bơi gần, sơ ý Maria đụng nhằm vào gáy hoặc vai của Angie,cũng xin lỗi đã lỡ đụng nhằm. Nhưng Angie cho rằng Maria cố tình đạp vào đầu mình vì ghét nên làm lớn chuyện (tôi nghe mà tròn mắt ủa kỳ vậy ta, thấy hai người thân nhau lắm mà, thì ra “ thấy vậy mà không phải vậy “ như bây giờ người ta hay nói đó hén).
Về gặp bác sĩ khai bị tấn công tổn thương vùng não hay gãy cổ gì đó, lấy giấy chứng nhận định bắt phía bảo hiểm của Maria phải bồi thường cho cô ấy. Còn nói là bác sĩ kêu đừng vị nể mà phải bắt đền nữa chứ.
Tôi hỏi :
—Thế Maria trả lời sao? Bác có tin câu chuyện này không ?
—Không, tôi không tin chút nào hết. Bác sĩ nào mà xúi như vậy, tôi nghĩ chuyện bé xé ra to, Maria lỡ đụng nhẹ vì vô tình thôi chứ làm gì mà tới suýt gãy cổ nứt sọ. Chỉ là cô ta phóng đại thôi như từ trước nay vẫn vậy. Phần Maria hãi quá nên chấm dứt đi bơi, tránh gặp Angie vì sợ nếu để bảo hiểm đền thì sang năm sẽ bị tăng tiền lên. Angie nhắn nhe đòi hoài không được nên càng tức thêm.
Thế là piscine vắng bớt một người.
Ông Johnny thiếu bạn đồng loã, tạm thời chưa kiếm được ai thay thế nên cũng ít đùa
Thỉnh thoảng tôi gặp Maria ngoài phố, chỉ chào hỏi vui vẻ mà không đá động gì đến câu chuyện kia.
2/-
Khi người nào đã chọn qua phía phần hồ bơi nhanh, có nghĩa là mục đích chỉ chăm chú vào việc mạnh ai nấy bơi theo ý mình mà không bị cản trở vướng víu đường bơi.
(vì không phải ai đến hồ chỉ để bơi lội thôi, mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi tâm tình nữa cơ ). Ít khi ngưng lại để “kể chuyện trong nhà ngoài phố “, nếu người này bơi nhanh hơn người kia thì cứ tách ra bên trái, vượt lên rồi theo hàng một mà tiến lên như chạy xe trên đường vậy. Tôn trọng lẫn nhau, lỡ quơ tay giạng chân đụng nhằm thì phải nói câu xin lỗi hai bên cười xoà thông cảm, vì đó là chuyện vô tình không tránh khỏi trong diện tích nhỏ hẹp.
Nhưng cũng có trường hợp một anh chàng ngỡ mình là Micheal Phelps (vô địch bơi lội người Mỹ) hay một lady nàng tiên cá nào đó tưởng đây là hồ tư nhân tự cho mình cái quyền ưu tiên bất chấp thiên hạ cứ quẫy tay đập chân nước văng tung toé vào mắt mũi người khác hoặc phóng ào ào lao thẳng vào bất cứ ai. Lỡ đụng cũng chẳng thèm nói một tiếng xin lỗi.
Ngang ngược hơn có một cô nàng chỉ đến bơi được vài lần, còn đuổi tôi sang bên hồ lớn với lý do là cô ta bơi nhanh hơn tôi, vì vậy tôi phải tránh đường cho cô ta chứ ! Tôi dù có “ hiền” ( sic!) cở nào cũng phải phản ứng lại :
—Có nhiều người bơi còn chậm hơn tôi, sao cô không yêu cầu họ mà lại kêu tôi? Đâu phải ai cũng đều bơi vận tốc như nhau hết. Vậy nếu có người bơi nhanh hơn cô thì cô cũng phải sang hồ bên kia à?
Cô ta léo nhéo đòi kêu nhân viên lại để xử xem ai có lý, những người bơi gần đó hỏi cớ sự, tôi kể lại. Thế là có ít nhất bốn người “ giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha“ xúm nhau giảng cho cô ta một trận quê mặt, tôi chẳng cần nói thêm câu nào.
Ông Louis nói với tôi:
—Cô đừng quan tâm. Tôi nói với cô ta đây là hồ công cộng, ai cũng có quyền như nhau chứ không phải hồ riêng mà cô ta có quyền hơn người khác.
Nhớ cách đây hơn một năm, tôi cũng gặp chuyện bị bắt lỗi ngược. Cũng là một phụ nữ dáng to lớn mạnh mẽ, bơi kiểu ngụp lặn như rái cá khá nhanh (chả lẽ phái đẹp lại cư xử ngang ngạnh hơn phái mạnh sao ta).
Tôi bơi trước, cô ta từ sau tiến lên tông vào tôi thay vì nhích qua trái để vượt lên, tôi và cô ta nhìn nhau, tôi nghĩ cô ta phải xin lỗi mình nhưng không thấy, rồi cô ta tiếp tục bơi. Ai dè cô ta dừng lại chờ tôi ở cuối hồ và nói :
—Chị đụng tôi nhé.
Tôi không tin vào tai mình, bèn hỏi lại :
—Xin lỗi, chị vừa nói gì ?
—Tôi nói lúc nãy chị đụng tôi.
—Tôi bơi đằng trước chị, chị bơi sau lưng và tông thẳng vào tôi thế mà chị nói tôi đụng chị là thế nào ? Chính chị mới là người phải xin lỗi tôi mà chị định chờ tôi xin lỗi chị là sao?
Mấy người đang đứng chung quanh lắng nghe, cô ta ngượng, im luôn.
Sau đó, vài lần tôi thấy cô ta dắt một đàn trẻ nhỏ mang ba lô cặp sách đi trên phố. Thì ra cô ta là giáo viên trường mẫu giáo. Không biết cô ta sẽ giáo dục học trò thế nào nhỉ.
Bên bờ piscine tôi còn nghe những chuyện ngồi lê đôi mách riêng tư khác nữa. Nhưng không kể ra đây vì sẽ không còn là tếu để cười cho vui, mà sẽ biến thành xấu xa nhỏ nhen xâm phạm bới móc vào đời tư kẻ khác.
3/-
Ngoài những chuyện hóng hớt trên, chúng tôi như một nhóm người khá thân thiện, chia sẻ chút ít về cuộc sống cho nhau. Như kỳ vacances tới, ai sẽ đi nghỉ ở quốc gia nào, với ai, bao nhiêu ngày?
Hoặc cuối tuần trời đẹp lợi dụng trồng hoa trong vườn, nằm hong nắng (khoản này thì chỉ dân Tây mới thích thôi, mà giờ cũng bớt rồi vì họ được cảnh báo nguy cơ ung thư da). Hay sinh nhật người thân, họ gặp các con cháu đưa đi du thuyền, đi pic nic.
Hoặc họ kể về vợ chồng con cháu, về bệnh tật đang mắc phải. Những niềm vui, những trắc trở trong cuộc sống hàng ngày…Nỗi buồn khi vợ, chồng, con qua đời, tai nạn…
Mở ngoặc: Nhắc đến bệnh tật, lúc nãy tôi đến hồ nghe Jean Francois kể rằng Louis bị ung thư tiền liệt tuyến ở vào giai đoạn cuối (là người đã bênh vực tôi ở trên có nhắc)
Thảo nào mấy tuần nay không thấy ông đến tắm, ngỡ ông đi du lịch, nào ngờ. Trông ông còn mạnh khoẻ thế mà…tôi thật sự buồn như sắp ly biệt một người thân. Vợ ông bị tê liệt phải ngồi xe lăn, qua đời cách nay hai năm. Lúc bà còn sống, ông vẫn đẩy xe cho bà ra ngoài đi dạo, đi chợ, uống cà phê với bạn bè…chăm sóc bà rất chu đáo.
Trông người rồi ngẩm đến ta, không biết đời tôi sẽ kết thúc theo cách nào nhỉ?
Hoặc họ kể về cuộc sống ở nguyên quán của họ. Thuỵ Sĩ có nhiều giống dân di cư sang sinh sống từ vài thế hệ chứ không phải thuần chủng. Chiếm đa số từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhỉ Kỳ, Ma Rốc, Nam Tư…mà vẫn còn giữ liên lạc với họ hàng, chỉ về để thăm viếng, nghỉ ngơi.
Giống như người Việt, nhiều năm xa xứ họ cảm thấy lạc lõng nơi quê cha đất tổ. Về đó, họ có cảm tưởng là người xa lạ , không còn chung quan điểm và lối sống với người bản địa nữa. Còn thế hệ sinh và trưởng thành ở Thuỵ Sĩ thì hoàn toàn đồng hoá thích nghi với quê hương thứ hai, không hề có ý định quay về cố tổ.
Ý họ cùng là dân châu Âu (ngoại trừ người châu Phi, Á Rập) di cư sang Thuỵ Sĩ một thời gian khi quay về quê hương ngay sát cạnh nhau chứ đâu cần vượt đại dương hay trèo đèo băng suối gì đâu, mà lối sống và cách nhìn đã khác biệt với đồng hương rồi, nói chi chúng ta dân châu Á, phong tục tập quán một trời cách biệt thì phải mất nhiều thời gian mới dần thích nghi với quê hương thứ hai nầy vậy.
Truyện bên bờ piscine vẫn còn dài, nhưng tôi tạm ngưng ở đây vì lòng đang nôn nao trước giờ xách valise vượt đại dương, hết còn ý tưởng nào để viết được nữa, để:
Ta sắp về thăm lại quê hương
Thăm người thân bè bạn xóm làng
Thăm giòng sông nhỏ êm đềm chảy
Ruộng rập rờn bông lúa trổ vàng….(Th.H )
Chờ xem bây giờ quê hương chùm-khế-ngọt có còn giống như trong ký ức:
….Quê trong ta mãi là tranh là thơ
Là giòng sông nước ngọt, có hoa dại đôi bờ
Là giữa trưa hè trèo cây hái ổi
Là dịu nắng chiều, chơi trốn tìm quanh đụn rạ khô…(Th.H )
Tôi tự cầu chúc tôi ra đi Thượng Lộ Bình An và trở về Thuỵ Sĩ Bình An Thượng Lộ.
Thanh Hà
Dec.30.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét