Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 8

BÊN BỜ PISCINE
Truyện vui - Tản mạn của Thanh Hà

1/-

Ở hồ tắm có thể ví như một xã hội thu nhỏ. Nơi đây tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, rồi từ đó cũng hóng hớt nhiều câu chuyện hỉ, nộ, ái, ố… của cái tiểu xã hội trong xã hội nầy (hoặc đôi lần chính là người trong cuộc).

Mở ngoặc : Chữ hóng hớt là tôi vừa mới “ăn cắp” nhân đọc một phóng sự trên internet. Thấy nó trúng phóc với nội dung mình sắp sửa viết nên chớp liền tuýt suỵt. Hóng-hớt. Hay ! Ai mà nghĩ ra cái danh từ này quả là hóm hỉnh và ranh mãnh thật. 

Hiện ra trong đầu tôi cái cảnh các bà hay các ông (kinh nghiệm cho thấy cái khoản nầy các ông cũng không thua gì các bà đâu nhé) lăng xăng vểnh lỗ tai rình hoặc chăm chú lắng nghe mấy chuyện”ngồi lê đôi mách” hoặc “thị phi” diễn ra chung quanh rồi đem kể lại cho người khác; rồi người khác đem kể lại cho người khác; rồi người khác tiếp tục kéo dài lê thê ra xa nữa, nữa… mà thầm khen ai phát minh cái danh từ trên quả là tài tình thật. Từ lúc “học” thêm chữ mới nầy tôi cứ lâng lâng cười tủm tỉm một mình mãi.

Không kể vài piscine thuộc khách sạn tư nhân, thành phố tôi sống có ba hồ lớn mà hai nằm trong nhà có mái che để quanh năm bốn mùa dù mưa rơi tuyết đổ dầy đến cả mét mọi người vẫn đến bơi lội thoải mái vì hồ luôn được giử ở độ ấm 28*C. Còn một hồ ngoài trời chung quanh gió lộng nắng táp, chỉ mở vào cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 là đóng cửa. Lúc đó học sinh tựu trường, mặc dù    chưa vào thu mà không khí đã se lạnh, nên gần như chả ai có can đảm nhảy xuống hồ nữa.


Lúc đầu tôi đi tắm ở thành phố khác cách nơi tôi sống hơn 2g xe chạy.
Trung bình mỗi năm vài lần chúng tôi giử phòng ở trung tâm thermale Saillon , hoặc Ovronaz, mỗi lần một tuần lễ. Là khu nghỉ dưỡng bao gồm một chuỗi khách sạn, restaurant, các hồ nước nóng, massage, sauna…Thuỵ Sĩ. Nước này từ thiên nhiên chảy ra nên chứa nhiều chất khoáng có thể chữa bệnh về thấp khớp, da…Thuỵ Sĩ tuy là một quốc gia có diện tích rất nhỏ,dân số hơn 8 triệu nhưng là Cộng Hoà Liên Bang Thuỵ Sĩ, có 26 bang ,gọi bằng canton thay vì tiểu bang.
Thời gian đầu tôi chỉ đi tắm ở nơi xa thôi. Cứ nghĩ về thành phố nơi mình cư ngụ toàn bạn bè người quen, để họ nhìn thấy mình mặc maillot de bain thì ngượng. Dù chồng tôi có dùng lý lẽ xấu che tốt khoe để thuyết phục cách nào tôi cũng lắc đầu nguầy nguậy.

Vì chưa quen phơi bày thân hình “cha sinh mẹ đẻ”, có cảm tưởng như diễn show demi-nu cho bàng dân thiên hạ xem miễn phí. Nhưng sau vài lần quan sát hàng trăm bô-đì già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu hiện diện ở hồ thì tôi tự tin hẳn lên, thấy việc bày-biện chút mảng thịt da nơi hồ tắm hay bãi biển là bình thường không còn ngại gì.

Hơn nữa, giấc mơ được bơi lội từ thời thơ ấu giờ mới thành hiện thực, mà nếu chờ đi thành phố khác mới xuống nước thì một năm được vẫy vùng mấy lần cho thoả. Nên rốt cuộc tôi cũng chiến thắng được cái tư tưởng e thẹn vô lý để gia nhập hồ tắm gần nhà.

Ngoài ra, còn bởi trong số người đến tắm, có hai mẹ con nhà kia luôn đi cùng nhau. Người con gái ngoài 40 tôi quen vì cô ấy là y tá làm việc cho hội Nomad, gồm nhiều bác sĩ y tá săn sóc người bịnh tại gia. Lúc trước thỉnh thoảng cô có đến chăm sóc chồng tôi. Người mẹ chắc khoảng từ 65 đến 70 tuổi. Đặc điểm của hai người là chỉ mặc bikini (tức áo và quần hai mảnh) cùng màu đỏ y hệt nhau. Cô con gái có dáng dấp khá màu mỡ nhưng còn chấp nhận được. Riêng mẹ của cô thì… dù đã gặp thường xuyên, nhưng mỗi lần thấy hai mẹ con nối đuôi nhau theo bậc thang bước xuống hồ tôi vẫn luôn ngạc nhiên về tính phớt tỉnh Ăng-lê quá tự nhiên của người mẹ. Bà hẳn phải rất tự tin bản thân hoặc là s’en fiche hay don’t care mới dám mặc áo tắm hai mảnh đỏ chói khoe cái vòng hai tròn to hơn vòng một và vòng ba gấp nhiều lần như vậy. Nó khiến ta liên tưởng đến cái tonneau dùng để chứa rượu của các nhà sản xuất rượu nho, hoặc cái bụng con cá nóc phình căng ấy.

Bà có cái thân hình “củ khoai tây cắm trên hai cây tăm “ như thế mà vẫn thoải mái đi đứng tự nhiên trước hàng trăm đôi mắt quan sát–trong đó có tôi –, vậy thì mình đâu có gì mà mắc cở chứ.

Tôi lẩn thẩn tự hỏi : nếu lỡ lúc giơ tay giạng chân ra bơi mà cái móc áo bị đứt hay vuột ra thì bà sẽ phản ứng thế nào nhỉ ! 
Nếu là tôi chắc độn thổ mất. Ủa, phải nói độn thuỷ mới đúng chứ.
Kể ra thì tôi khá tào lao, khéo lo chuyện bao đồng thật.
Hi hi, ai nhiều chuyện đâu chưa thấy, mà đã thấy tôi hóng hớt quá trời rồi .

Mở ngoặc: Thì ngay từ câu mở đề tôi đã nói trước rồi cơ mà. Có điều tôi chỉ quan sát rồi nhận xét thầm thôi chứ không có hóng hớt với người khác.

2/-
Tôi mua vé cả năm, hết hạn thì lại mua tiếp cho năm sau. Tính ra tiết kiệm gấp nhiều lần nếu mình chỉ mua vé tháng hay mỗi lần vào cửa.

Vé tôi được quyền vào tất cả các hồ công cộng ở đây, nhưng tôi chỉ đến duy nhất một piscine có mái che cách nhà 5’ chạy xe. Mùa hè, piscine này đóng cửa 6 tuần, mọi người đều đổ xô ra piscine lộ thiên lớn gấp hai, ba lần hơn. Còn tôi thà thiếu bơi lội trong 6 tuần nhưng vẫn không chịu sang hồ lớn ấy. Lý do vì ngại… sự thay đổi! Ngại sang hồ khác thì gặp một số gương mặt mới nữa, trong khi ở hồ cũ thì chúng tôi gần như quen biết nhau hết rồi.

Đi piscine, ngoài việc tốt cho sức khoẻ, ngừa bệnh nhất là người từng mắc bệnh về tim, ung thư, khớp xương…còn giúp cho các cô, bà…duy trì vóc dáng; ngăn bớt sự phát triễn của vòng hai kẻo nó biến thành bánh xe Pirelli hay Michelin, thì đó còn là nơi để mọi người thư giãn, chuyện trò trước lạ sau quen. 

Nếu hợp tính, mối giao hảo từ chỗ là bạn-tắm-hồ sẽ nảy nở dần thành thân hữu. 

Đi tắm hồ cũng vui vui. Nơi tôi đến bơi là cái hồ xây đúng tiêu chuẩn hình chữ nhựt dài 25 m, rộng khoảng 15 m. Đáy từ cạn 1,2 m đến sâu dần 1,8m hoặc 2 m. Lúc đầu tôi chỉ dám bơi sát theo thành hồ và đến mức vạch 1,4m là phải dừng lại để…thở vì mệt. Xong mới tiếp tục , mà chỉ lẩn quẩn được nửa hồ là quay lại vì chân không chạm được đáy là hoảng, sợ chết chìm.

Dần dần tôi bơi được từ đầu này đến đầu kia một mạch liền không phải dừng lại hai, ba đoạn . Khi mục đích đã đạt được, tôi thấy vui dù mệt muốn đứt thở luôn.

Theo số lần đến hồ, tôi tiến bộ từ từ. 
—Tôi bơi được cả lượt đi lẫn lượt về mới phải dừng lại để thở và nghỉ mệt.
—Bắt đầu nhích xa cái thành hồ từ 1 mét,rồi 1,5 m rưỡi, 2 mét mà không hồi hộp vì sợ chết chìm. Rồi sau này thì vùng vẫy ở giữa hồ như ai vậy.
—Rồi tôi bắt đầu sang bên phía phần hồ dành cho người bơi nhanh chứ không bơi chung với nam phụ lão ấu nữa. 

Bởi bên nầy hồ mỗi người phải tuân theo qui tắc là bơi hàng một, theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, nếu ai bơi nhanh hơn thì giống như lái xe, xê dịch ra bên trái để vượt lên người bơi chậm rồi trở vào hàng một mà tiến lên,
chứ không có như bên hồ lớn cứ từng cặp các bà các ông hoặc ông với bà cứ dàn hàng ngang hai người hoặc ba người vừa bơi vừa tán gẫu với nhau như đi bộ trên đất. 
Trẻ con cũng không được phép sang bên nầy nhảy từ trên thành nhào xuống nước văng tung toé vào mắt mũi người khác.
Và nhất là để tránh nghe chuyện-thiên-hạ vô bổ.
Nhưng dù có tránh cỡ nào rồi cũng bị nghe lóm không nhiều thì ít.

Số là mỗi sáng đúng 9h thì người có trách nhiệm trông coi piscine mới chịu mở cửa, nên mọi người đã đến khá đông thì ngồi đứng rải rác ngoài gian phòng chờ đợi. Lợi dụng vài phút ít ỏi đó người này kháo chuyện với người nọ, nên dù ai không thích nghe, bất đắc dĩ câu chuyện cũng lọt vào tai như thường. 

Cứ ngỡ chỉ có người Á Đông hay dòng giống con Rồng cháu Tiên mới ăn nói ngang ngược hoặc nhiều chuyện, mà thật ra dân xứ nào cũng y hệt nhau hết. Có điều nhóm nầy chỉ chiếm thiểu số nên ít bị tai tiếng như dân mũi tẹt da vàng. Nếu họ theo đạo Phật thì thế nào cũng nghe giảng về hai chữ Sân, Si cho mà coi. 
Gần như tôi không gặp người Việt nào đến tắm, toàn dân Tây cả.
Và đây là vài câu chuyện khá tức cười , tào lao tôi nghe được ở hồ.

Chẳng hạn có hai bà ngoài 70, một bà có thói quen bơi ngửa. Khi bơi ngửa thì giống như khi ta đi thụt lùi, cái đầu đi trước nên bà không nhìn thấy ai từ phía đối diện hướng về phía mình. Bà kia thì bơi từ từ nhẹ nhàng nhưng đúng là “chàng gây” thay vì xê dịch ra để tránh thì bà cứ xâm xâm đường ta đi ta không tránh ai hết. Cánh tay hoặc đầu của bà-bơi-ngửa chạm vào người bà-bơi-xấp, thế là:

—Sao bà bơi mà không chịu để ý gì đến người khác vậy ? Lần nầy là lần thứ mấy bà đụng tôi rồi đó.
—Xin lỗi, tôi nằm ngửa mặt lên trời và bơi thụt lùi nên không thấy. Sao bà thấy mà không chịu tránh?
—Tại sao tôi phải tránh, trong khi mỗi người phải ý thức đừng để làm phiền ai chứ. Bà làm tôi đau nè thấy không.
Bà-bơi-ngửa bắt đầu nổi đoá:
—À nếu bà bị đau thì cứ đến bác sĩ lấy giấy chứng thương, bảo hiểm của tôi sẽ bồi thường cho bà.

Từ đó hai bà gặp nhau là cứ hằn học gầm ghè. Tôi quen với cả hai nên mỗi bà kể cho tôi để tìm đồng minh. Tôi chỉ biết nghe và ậm ừ cười trừ.

Thời gian sau bà-bơi-ngửa thường đến rất trễ, khi tôi tắm xong ra hong tóc thì bà mới vào. Tôi xã giao cho có chuyện để trao đổi:
—Sao Marlene dạo này đi trễ thế? Bộ ngủ nướng hả?
—Đâu có. Tại tôi muốn tránh gặp con-gà-mái hay kêu toang hoác điếc lỗ tai đó chứ. Giờ này mọi người về bớt, tôi tha hồ bơi như ý.

Tôi cười nắc nẻ. Marlene cũng cười phụ hoạ, cặp mắt ánh lên sự láu lỉnh trẻ nít.

(Còn tiếp...)
Thanh Hà 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét