Hồi ức của Nhã Quân
Buổi trưa, chị gọi để lại message trong phone cho hay, “Ảnh lại đi lạc trong khi chị đang ở trong
nhà tắm”. Chiều hôm đó, sau khi tan sở, tôi chạy vội đến nhà thì cảnh sát đã tìm được anh trong một khu nhà “di động” gần chỗ chị ở.
nhà tắm”. Chiều hôm đó, sau khi tan sở, tôi chạy vội đến nhà thì cảnh sát đã tìm được anh trong một khu nhà “di động” gần chỗ chị ở.
“Ảnh” là anh H. của tôi và là người con thứ chín trong gia đình. Tôi có người chị gái, sau anh, qua đời lúc quá trẻ, cho nên trong nhà coi tôi như là người kế anh.
Đây không phải là lần đầu anh đi lạc. Năm trước, anh còn ở nhà một mình, khi chị đi làm, anh vẫn thường đi ra ngoài, lòng vòng trong khu vực từ nhà anh ở cho đến nhà tôi. Nhiều lần anh đã thẩn thờ đi vượt ra khỏi cái khu vực đó và đi lạc. Có những lần phải nhờ đến cảnh sát tiếp tay để tìm anh, như lần nầy. Từ những lần đi lạc đó, bác sĩ cho biết là chắc chắn đã mắc căn bịnh Alzheimer! Chị quyết định thôi đi làm để chăm sóc anh.
Anh chị đến Hoa kỳ theo diện HO. Hơn bảy năm trời ở tù cải tạo, với cấp bậc đại úy trong phải đoàn liên hiệp quân sự 4 bên (được thành lập sau hiệp định Paris 1973). Anh được về đoàn tụ với gia đình trong một thời gian thật ngắn ngủi. Vì “hoàn cảnh”, anh chia tay với vợ 3 con về sống với anh chị tôi ở Rạch giá. Rồi cũng vì “hoàn cảnh”, anh có thêm người vợ thứ ba, nhỏ hơn anh hơn mười tuổi, có cưới hỏi (nhờ anh thứ Bảy tôi làm đám cưới), sinh sống ở Sài gòn cho đến khi sang Hoa kỳ. Nhờ có vốn liếng anh ngữ, anh đã xin được một chân phụ giáo (teacher aid) cho một trường middle school và anh đã về hưu được một vài năm, sau hơn 10 năm làm việc ở Hoa kỳ.
Bà con và bạn bè thân quen với anh ai cũng ngạc nhiên khi biết anh mang căn bịnh Alzheimer quái ác đó. Tất cả những ai quen biết, có lần gặp lại anh, đều cảm thấy có cái gì rất tương phản với một hình ảnh về con người anh mà họ biết. Anh đẹp trai, lịch lãm, hào hoa, rất đào hoa và hoạt bát. Trái với hình ảnh bây giờ. Anh già lụ khụ, chậm chạp, bước đi lê lết, ánh mắt nhìn ngu ngơ và nói năng không còn mạch lạc nữa. Thuở nhỏ, tôi và mấy đứa bạn tôi đều nhìn anh với cái nhìn dành cho một thần tượng.
Nhưng chính sự hào hoa và đào hoa của anh đã làm “liên lụy” đến một số người thân trong gia đình, trong đó có tôi…
Gia đình tôi dọn từ Rạch sỏi ra Rạch giá vào năm 1962, sau khi người chị thứ Tư giới thiệu cho Ba mua được căn nhà, cạnh nhà chị, trong một khu dành cho các nhân viên cảnh sát. Ban đầu khu vực nầy chỉ dành đặc biệt cho nhân viên cảnh sát, nhưng sau nầy họ cho cả thân nhân của các gia đình cảnh sát cũng được cư ngụ ở đây. Ông anh rể, chồng chị Tư tôi là một cảnh sát viên, nên đã giúp cho việc mua bán cũng dễ dàng. Thuở đó con đường chạy dọc bờ biển, từ cầu Đúc cho đến tận Bến Trống (An Hòa), còn hoang sơ, cho nên khi mở rộng khu vực nầy người ta phải đào mương hai bên lấy đất để làm nên con đường LQK. Khi gia đình tôi dọn về đây con đường vẫn còn trải đá, những hòn đá to lỏm chỏm đầy khắp mặt đường. Gần như bất cứ nhà nào trong khu tôi ở, muốn vào nhà cũng phải đi qua cây cầu ván, bắt qua cái mương. Dần dà người ta tìm cách lấp đi cái mương đó và những cái mương chung quanh nhà, để có thêm chút đất đai và nhất là để cho được vệ sinh hơn.
Trừ một số gia đình khá giả họ mua những xe đất để lấp mương, đa số còn lại đã chọn cái cách rẻ tiền hơn là lấp bằng rác, xong phủ đất lên trên. Mà có rác để lấp đầy những cái mương đó họ phải trả tiền cho các xe rác công cộng. Mỗi các ngày xe rác cứ tuần tự lấp đầy cái mương, từ nhà nầy sang nhà khác, cho đến khi gần như cả khu vực chỗ tôi ở biến thành một bãi rác. Mùi xú uế nồng nặt cả một khu vực mãi cho đến mấy tháng sau. Những căn nhà nằm sát bờ biển, như nhà tôi, nhờ có gió biển thổi vào cho nên “dễ thở” hơn khu nhà năm bên kia đường. Rồi phải đến gần nửa năm sau, khi những lớp đất cuối cùng được phủ bên trên bãi rác, mọi người mới hít thở được cái không khí trong lành hơn.
Những năm 1955-1960, vì gia đình còn nghèo, nên sau khi học xong tiểu học, anh H không thi vào được trường công, anh phải nghỉ học và ba má cho anh đi học nghề thợ may. Tôi nhớ thời gian có phong trào thanh niên, thanh nữ và thiếu niên cộng hòa có cuộc diễn hành, anh đã may cho tôi bộ đồng phục của thiếu niên cộng hòa. Đó là tác phẩm đầu tiên của anh. Nhờ tác phẩm đầu tiên đó mà anh được nhiều người trong “đoàn thanh thiếu niên cộng hòa” đặt may và nhờ khéo léo cho nên anh cũng tương đối thành công trong nghề thợ may. Sau nầy, khi anh thứ Bảy tôi rời nhà đi lập nghiệp và lưu lạc mãi đến tận Đà lạt, liên lạc lại được gia đình, đã giúp đỡ và khuyên anh trở lại trường và anh bắt đầu lại những năm trung học. Thời gian gia đình tôi chưa dọn ra tỉnh, anh H phải ở trọ nhà chị Tư để đi học. Thuở đó anh học ở trường trung học Song Kiên, sau đó thì học ở trường Võ Văn và sau khi đậu xong trung học đệ nhất cấp, anh Bảy xin ba má đón anh H lên ở với anh và tiếp tục đi học. Thuở mà Rạch giá còn hiếm hoi có người lên Sài gòn để đi học, thì ông anh tôi đã được lên tận xứ thơ mộng Đà Lạt để đi “du học” (vừa du lịch và vừa đi học). Đơn giản vì là ông anh thứ bảy của tôi sống ở Đà lạt có thể lo cho anh.
Trở lại trường, con đường học vấn của anh cũng suôn sẻ nhờ sự thông minh và chuyên cần. Anh hoàn tất chương trình đệ nhị cấp, rồi đậu Tú Tài I, Tú Tài II, rồi vào trường Chính Trị Kinh Doanh, viện đại học Đà lạt. Những năm đó Chính Trị Kinh Doanh là một ngành học mới để đào tạo những người lãnh đạo trong lãnh vực doanh nghiệp, ngân hàng cũng như báo chí và nhân viên ngành ngoại giao, cho nên nghe hấp dẫn lắm. Có lẽ vì vậy mà sau nầy tôi đã đi theo ngành học nầy?
Những năm anh H học ở Đà Lạt, vào những dịp hè hoặc tết đến, tôi thường mong anh về thăm Những lần như vậy anh thường để lại cho tôi những món “thời trang” cũ của anh. Chẳng hạn như những cái áo chemise ngắn tay, màu nhu, với nếp gấp và cái nút ở tay áo; như cái kính mát có gắn hoa “hippy” bên góc… Tôi mê lắm! Đúng là “cũ người mới ta”. Nhưng không phải riêng tôi, đám bạn tôi cũng trầm trồ khi tôi diện lên những thứ đó. Thời đó ở cái tỉnh nhỏ, tôi cũng “alamode” ra phết. Anh H có dáng người cao ráo, ăn diện rất đẹp, cho nên tôi cũng có cảm tưởng mình đẹp lây nhờ những thứ thời trang cũ của anh. Chính cài vẻ đẹp trai, cao ráo, biết ăn mặc và nói năng khéo léo của anh, đã biến anh trở nên một “anh gà trống” sặc sỡ, có sức hấp dẫn mãnh liệt các “chị gà mái” trong khu xóm nhà của tôi.
Cái khu xóm vài chục căn nhà, nằm đối diện nhau, trên con đường LQK, từ khoảng ngã ba đường Chi Lăng đi vào gần tới ngã ba Am Ông Địa. Những người sống trong cái xóm đó dần dà trở thành thân quen trong tình hàng xóm. Tôi nhớ bác Năm T ở căn nhà bên phải, cạnh nhà tôi. Bác có đến mấy người con, trừ hai cô út còn nhỏ, sống với hai bác, còn mấy anh chị lớn làm ăn ở đâu xa. Nghe kể chị thứ Năm cũng có thời là “bồ bịch” với anh H, trước khi chị lấy chồng. Cạnh nhà tôi bên trái là gia đình người chị thứ Tư. Rồi xa hơn có gia đình “ông Vệ N” (hình như ông “Vệ”/ ông “Đội” là cách gọi bình dân cho một chức vụ hạ sĩ quan trong ngành cảnh sát lúc bấy giờ) cũng có mấy người con, và cô lớn cũng đã từng “hẹn hò” với anh H. khi còn những năm trung học. Bên kia đường, có gia đình anh chị Năm D, gia đình anh chị Ba P. Những gia đình nầy đều có con còn nhỏ, cho nên không bị “dính dáng” gì đến anh chuyện của H.
Nhưng nhân vật có gắn liền với câu chuyện nầy là chị L, con của gia đình “ông đội H”. cách nhà tôi khoảng năm căn. Gia đình gồm 4 người, ba má và hai chị em gái. Chị L nhỏ hơn tôi một tuổi. Do đó cái thuở anh H. còn ở xóm, chị L còn là cô bé con. Nhưng khi anh H rời tỉnh thì chị L cũng đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng. Chuyện tình chị L và anh H có lẽ xảy ra từ những năm anh H học ở Đà Lạt và mỗi lần về thăm nhà vào những dịp hè và tết.
Anh H theo học đại học Chính Trị Kinh Doanh được hai năm thì bị động viên vào quân đội và anh theo học khóa sĩ quan Thủ Đức. Một hôm tôi nhận thấy có một cái gì là lạ khi bà chị Tư của tôi kế bên nhà sang thì thầm với má tôi, có vẻ thật nghiêm trọng. Sau đó má tôi cũng lại thì thầm với ba tôi. Rồi câu chuyện thì thầm đó cũng đến tai tôi. Má nói theo lời chị Tư kể, chị L đã nhiều lần sang khóc với chị Tư tôi và cho biết chị đã mang bầu với anh H!
Đúng là một tin chấn động làm mọi người bàng hoàng. Ba bảo,
“Ở với con người ta có bầu là phải cưới!”.
Má nói,
“Khoan đã ông, để hỏi lại thằng con mình coi.”
Ba quả quyết,
“Mấy lần, thằng H về, tui thấy tụi nó thập thò sau vườn rồi, thôi khỏi cần phải hỏi gì nữa. Với lại ba má con L cũng là bạn của vợ chồng con N (chị Tư tôi) và là tình hàng xóm với mình, để mất mặt người ta, coi làm sao được!”
Sau đó, tôi có trách nhiệm viết một lá thư dài, thay mặt ba má, thông báo cho anh H và “ra lịnh” anh phải thu xếp xin phép về để lo đám cưới. Một đoạn “giảng” về đạo đức và trách nhiệm được ba đọc từng chữ cho tôi ghi và bắt tôi đọc lại đến mấy lần, để ông sửa đổi đến khi vừa ý.
Đám cưới sẽ được thu xếp một cách đơn giản, chỉ gia dình hai bên và gia đình chị Tư. Gia đình chị L không đòi hỏi gì cả, nhưng Ba bảo cũng phải lễ lộc đâu đó cho đàng hoàng và ba cũng coi lịch xem ngày tốt để làm đám cưới. Nhưng cũng còn phải chờ anh H trả lời mới thông báo cho nhà gái. Khoảng nửa tháng sau nhận được thư trả lởi cùa anh H. Anh xin lỗi ba má anh đã làm phiền lụy đến ba má và cho biết anh sẽ xin phép tháng sau, đúng ngày ba chọn, anh sẽ về làm đám cưới. Ba má thở phào nhẹ nhỏm, chị Tư và gia đình chị Lành cũng thở phào nhẹ nhỏm.
Gần một tháng dài dằng dặc, mà mọi người đợi chờ, cũng đi qua! Mấy hôm trước ba dặn dò chị Năm lo mua lễ vật cho đám cưới. Cũng có mướn đồ cưới, cũng đủ ngũ quả và cả khai trầu rượu. Ba dặn với tôi:
“Vì thằng H. không có mời bạn bè gì, cho nên con làm rể phụ cho nó nghe. Hổng có gì khó đâu, chỉ bưng khai trầu rượu, sang bên đó ba nhắc cho phải làm gì.”
Tưởng đâu mọi việc sẽ êm xuôi và như cái thở phào nhẹ nhóm lúc đầu. Nhưng đúng đời không như là mơ. Suốt cả ngày hôm qua, đúng là cái ngày anh H. hứa sẽ về, để ngày mai làm đám cưới, cả nhà trông đợi đến mỏi mòn. Anh H. vẫn bặt tăm. Ba má tôi bồn chồn vừa lo, vừa giận. Má nói:
“Hay ráng thêm một ngày đợi thằng H. về.”
Nhưng ba cương quyết là vẫn phải làm đám cưới cho đúng ngày lành. Má nói thêm,
“Nhưng không có thằng rể, thằng P mang khai trầu rượu rước dâu về, như vậy mất duyên con trai người ta.”
Nhưng có lẽ mọi người đều cảm thấy quá mệt mỏi để chờ đợi thêm nữa. Bên nhà gái cũng đồng ý ngày mai làm lể cưới mặc dù không có chàng rể…
Đêm qua một cơn mưa lớn trút xuống, kéo theo sấm sét làm Ba lo và cầu cho ngày mai nắng ráo. Buổi sáng của những ngày cuối tháng bảy, trời sắp sang Thu, hơi lành lạnh. Trời đã ngưng mưa, có lẽ nhớ ba cầu. Cả nhà đã thức dậy từ sớm, mặc dù đến 9 giờ mới xuất phát đi rước dâu. Ba đi một vòng nhắc nhở mọi người. Bên ngoài nắng lên nhè nhẹ, mặt đường vẫn còn ướt, sau cơn mưa đêm qua. Những đám mây xám còn bao phủ cả bầu trời, như báo hiệu sẽ còn những cơn mưa tiếp theo.
Cả gia đình tôi hơn mười người, xếp thành hàng, theo lịnh của Ba và đoàn rước dâu xuất phát. Đi đầu là ba má, tôi bưng khai trầu rượu theo sau. Tiếp theo là anh chị Tư, chị Năm, chị Chín và người em út của tôi bưng những cái mâm quả, có phủ khăn đỏ và một vài đứa cháu cũng xin đi theo…
***
Rồi thủ tục một lễ rước dâu thật đơn giản được diễn ra. Cũng có lạy bàn thờ (một mình chị L), má tôi cũng có đeo nữ trang cho chị. Tôi cũng có rót rượu cho chị mời ba má hai bên. Nhưng gần như tất cả mọi người đã cố gắng đóng trọn vai tuồng của mình, để tránh đừng có thêm một sai sót nào xảy ra, trong một lễ cưới đã có quá nhiều sai sót. Tất cả, không ai bảo ai, đều dành cho cô dâu niềm thương cảm thật đặc biệt. Chị L khóc khi bưng ly rượu mời ba má chị. Nhưng chắc chắn không phải là những giọt nước mắt của những người con gái bình thường trong buổi vu qui.
Khi lễ rước dâu xong xuôi, tiễn gia đình chị L về thì trời lại đổ mưa. Ba nói, “may quá đám cưới đã xong xuôi.” Giọng ba có vẻ như vui, nhưng thật tình, tôi biết không phải ba đang có nỗi vui mừng của người cha vừa lo xong cho con mình một việc trọng đại trong cuộc đời, mà ba buồn lắm, vì tội nghiệp chị L.
Chiều hôm đó, ngay khi cơn mưa vẫn còn, anh H. xuất hiện, quần áo ướt sũng. Cả nhà vui hẳn lên. Tôi không biết là anh đã giải thích như thế nào với ba má và ba má tôi có lời trách phiền gì anh không, hay nhìn cái cảnh anh ướt như chuột lột mà mọi người mũi lòng thương. Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất cho sự vui mừng đó là ai cũng muốn bù đấp cho chị L một chút gì và sự xuất hiện của anh H. lúc nầy là một bù đấp xứng đáng nhất. Má tôi mừng ra mặt, chạy vội ra nhà sau, báo tin cho chị L. hay. Tôi thấy chị nở nụ cười, nhưng buồn.
Rồi những ngày hạnh phúc của chị L là mấy ngày phép còn lại của anh H. Sau đó, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, chị sang phụ chị Chín lo cho ba má tôi. Được khoảng một tuần, ba má nói với chị,
“Thôi, con khỏi qua mỗi ngày nữa. Ba má có chị Chín lo. Một vài bữa con qua thăm ba má là được rồi. Lo dưỡng cái thai.”
***
Sau đó tôi cũng đi “du học” ở Đà lạt. Tôi thường viết thư về thăm nhà và luôn hỏi thăm về chị L cho đến khi tôi biết chị sanh được một cháu gái. Trong một thư trả lời cho lá thư cuối của tôi hỏi thăm về chị L, thì được tin chị và cháu gái tôi đã dọn sang một tỉnh khác và không có liên lạc gì với gia đình tôi.
***
Bây giờ, mỗi khi nhớ lại lời má tôi nói, (“Nhưng không có thằng rể, thằng P mang khai trầu rượu rước dâu về, như vậy mất duyên con trai người ta.”), tôi nghĩ hay là má tôi nói đúng. Chính cái chuyện của anh H. đã làm mất cái duyên “con trai” của tôi?! Nếu không phải vậy thì tại sao tôi vẫn luôn lận đận trong tình yêu trong những năm trung học và cả những năm đại học. Để mãi đến khi vào quân đội tôi mới kiếm được vợ?!
Nhã Quân
(cho hương hồn anh tôi)
Tháng 7/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét