Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Giữa Cuộc Rong Chơi

 Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng  

1.

"... Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa..."  (1)

Một mùa hạ cũng vừa tàn, những ngày đầu chớm thu lạnh thoáng heo may. Cái lạnh se nhẹ nơi tôi ở đủ để khoắc lên người chiếc áo trở mùa mỗi sáng. Cái lạnh loanh quanh cũng đủ để "con sâu làm biếng" có cơ hội lấn áp những hứa hẹn không đợi. Đã nhiều ngày qua tôi dự định sẽ viết một bài về những tiếng hát đời thường trên "kênh THKT" giữa cuộc rong chơi. Làm xong khung cho bài viết rồi thôi, làm biếng lên ngôi. Hẹn lại ngày mai sẽ bắt đầu và đã hơn hai tuần lễ của ngày mai, vẫn không gõ được chữ nào ra hồn!
Sau trận mưa đêm, tôi chợt bàng hoàng nhận ra những cành khô trơ trọi lá phía sau vườn. Tất cả không còn nữa, tất cả đã rụng rơi. Chỉ một đêm mà thời gian đã lướt qua không chờ đợi. Thời gian trôi đi thật lạnh nhạt cũng thật êm đềm. Thời gian mang đến nhiều điều trước mặt, nhưng lại mang đi nhiều thứ vĩnh viễn phía sau. Những ngày tuổi trẻ đã qua, những yêu thương sôi nổi một thời, những giận hờn trách móc của tâm hồn rộng mở không ngăn và những sức khỏe tràn bờ mà mọi hy sinh cống hiến dễ dàng như hơi thở. Thời gian ơi, em đã mang đi tất cả và không bao giờ nhớ trả lại, không bao giờ nhớ quay về... Nên tôi không chờ đợi nữa. Nên tôi đã ngồi xuống. Và tôi phải bắt đầu viết để cùng người trong cuộc rong chơi..!
2.
Kỳ cựu và đều đặn nhất trên trang nhà Trung Học Kiên Thành là hai tiếng hát: Kim Trúc và thầy Vĩnh Trương. Tiếng hát miệt mài, ngày càng dày dạn cảm xúc từ miền "xứ lạnh tình nồng" (Canada) Kim Trúc thể hiện niềm đam mê ca hát qua nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Nếu mạng xã hội thay đổi bộ mặt truyền thông thỉ karaoke làm thay đổi bộ mặt giải trí âm nhạc của thế giới. Từ thành thị đến nông thôn, từ căn phòng gia đình đến những phòng hát karaoke cộng đồng, quần chúng. Karaoke ngoài là phương tiện ca hát giải trí còn phương tiện kỷ thuật dạy hát rất hữu hiệu. Tuy vậy karaoke không phải là dụng cụ âm nhạc dễ cho người hát "hay", có cảm xúc có hồn bởi sự lệ thuộc. Lệ thuộc vào hòa âm, vào nhịp lý định sẵn. Nhạc không dìu người mà người hát phải hoàn toàn theo hòa âm thu sẵn... Nên phần nào đó, tôi rất khâm phục người tập hát và hát hay, có hồn qua karaoke. Trong đó phải kể tiếng hát của Kim Trúc. Hát để góp vui với đời và phải có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc, Kim Trúc mới giữ được "ngọn lữa" trong tiếng hát của mình đến hôm nay. Sân khấu là cuộc đời thường, là niềm vui của gia đình, bạn bè và là người quen biết gần xa. Dõi theo Kim Trúc trong mấy năm qua, chỉ trên blog THKT tôi đã cảm nhận được ngoài niềm đam mê Kim Trúc với những cố gắng không ngừng đã tiếng hát lời ca của mình lan tỏa đến với bạn bè, người nghe. 

"Ðời một người con gái, ước mơ đã nhiều,
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang thẹo...

Xin một lần xiết tay nhau
Một lần cuối cho nhạu
Xin một lần vẫy tay chào
Thôi dòng đời đó, cuốn người theo..."  (2)

Là người miền tây nam bộ, nhưng trong tiếng hát Kim Trúc phát âm rất rõ và rất tốt ngữ pháp (tròn vành rõ chữ). Đây là điều kiện thiết yếu để người nghe cảm nhận và hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của ca từ. Giọng Kim Trúc khỏe với những chữ "luyến" rất tới và giữ được các câu chữ cuối nhiều độ ngân tốt và có cảm xúc. Phải chăng đó cũng là ưu điểm của giọng ca cổ nhạc hát "tân nhạc" như trước đây có Hương Lan và gần đây là Mỹ Huyền, Hương Thủy...

Đam mê và miệt mài như một kiếp tằm nhả tơ, không thể không đến nhạc sĩ, tiếng hát thầy Vĩnh Trương. Bản giấy học trò kẻ khung nhạc, tiếng guitar và giọng hát chân phương, thấm đậm âm điệu nam bộ của thầy trở nên thân quen gần gũi với hầu hết các thân hữu của THKT. Và hầu hết các nhà thơ trên trang nhà, đều ít nhất một lần được thầy phổ thành bài hát. Nghe riết thành quen, thỉnh thoảng vắng thầy vài ba tuần tôi cũng thấy nhơ nhớ. Mỗi lần vào nghe thầy vừa đàn vừa hát một bài thơ mới vừa phổ nhạc, tôi đều hình dung: 
Một chàng lãng tử đang ôm đàn ngồi hát nghêu ngao, sảng khoái tại một quán nước hay quán nhâu ven đường ở dưới chân cầu Rạch Sỏi, trong một chiều nắng nhạt, gió mùa biển mặn chợt về! Nếu được ngồi chung bàn, nghe thầy đàn hát và cùng nhau nâng ly rượu Đường Xuồng thì... cả thế giới này có cũng như không, phải không thầy Vĩnh Trương?

Còn nhớ cũng thời gian này hai năm trước đây (2019), một cuối tuần tôi tình cờ nghe được tiếng hát của Như Lê. Tên mới lạ và giọng hát cũng là lạ. 

"... Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi..."  (3)

Tiếng hát Như Lê có độ vang và quãng âm lạ. Cho đến hôm Như Lê hát "Phải Lòng Con Gái Bến Tre" (PLCGBT) thì tôi thật sự xúc động và thích thú vô cùng. Hình ảnh MV tuyệt với chiếc phà Rạch Miễu đã trở thành huyền thoại và bản phối âm thật hay. Luyến láy ngọt ngào, từng chữ từng câu đầy cảm xúc và rót vào lòng người điệu hát của một quê hương chân chất, mến yêu. Tiếng hát Như Lê thăng hoa, lột xác với nhiều âm điệu mang đậm nét dân ca nam bộ. Như Lê đã thử thách tiếng hát vốn loại "trữ tình" đến với âm giai mang nhiều chất ngũ cung. 
Tiếng hát Như Lê gợi tôi nhớ lại vào cuối năm 2011 tôi vể Việt Nam và cùng bạn bè đi nghe nhạc phòng trà Đồng Dao ở Sài Gòn. Trong dịp đó, tôi nghe một người nữ ca sĩ trẻ hát "Hạ Trắng" (Trịnh Công Sơn) có chất giọng thật lạ và thật cuốn hút người nghe. Ca sĩ Đặng Ánh Nguyệt có quãng giọng rộng, cao vút mà không chói nhưng lại len lõi váo tâm hồn người nghe. Tiếng hát Ánh Nguyệt đã ám ảnh và theo tôi cả đêm hôm ấy.
Đôi lúc người hát không cần phải thật hay thật điêu luyện mà cần cho người nghe nhớ. Để khi họ cất tiếng hát người nghe biết ngay là ai. Tiếng hát là lạ của Như Lê có vài điểm nhấn như vậy! 

Vào khoảng cuối tháng 6 năm nay, trang nhà THKT lại xuất hiện một ca sĩ mới, Việt Đức. Mới ở đây là ca hát, còn thì mọi người quá quen những bài thơ và đóng góp nhiều kỳ công trong những khung thơ của Việt Đức (Kim Ba). Mới thấy các cô có thật nhiều tài, vừa ca hát vừa làm thơ như Việt Đức, Kim Trúc, Như Lê. Chừng như bắt đầu bằng một bài cổ nhạc và liên tục sau đó là những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Điều đáng nói là, Việt Đức xen kẻ nhạc Trịnh và cổ nhạc, nói theo ngôn ngữ bây giờ, "vậy mới ghê chớ"! Thường thì người ca cổ rất ít khi "dám rớ" đến nhạc Trịnh bởi những kỹ năng trong cách hát. Nhưng trong cuộc rong chơi âm nhạc giữa đời thường Việt Đức đã làm được điều này rất đáng quý, đáng hoan nghênh. Điều để lại trong tôi là, tiếng hát Việt Đức rất trẻ, hồn nhiên và thể hiện nhiều tấm lòng với âm nhạc, với văn chương. Cuộc sống vốn dĩ đã truân chuyên, lo âu và tới một tuổi nào đó là sự nhàn chán, trống rỗng. Âm nhạc, nghệ thuật là những đốm lửa luôn hâm nóng tâm hồn và trái tim ta trong muôn nẽo đời thường.  

"...Làm người ở lại có bao giờ vui
Khi tình nhân không còn đứng chung đôi
Làm người ở lại bao giờ cũng buồn
Như nụ quỳnh hương chẳng còn ngát hương..." (4)

Tiếng hát trầm buồn như đưa những cảm xúc rơi lơ lững, quãng giọng vừa đủ để lời "Tiễn Đưa" của anh man mác lòng người. Không phải chỉ bất ngờ mà ngay lần đầu, tôi ngạc nhiên và thích thú vô cùng với tiếng hát của anh Trần Văn Phú. Tiếng hát anh tự nhiên, không cầu kỳ đầy chất tự sự, như một không gian trống trải, phủ thấp những nỗi buồn của buổi tiễn đưa và người ở lại. Và trong tháng 10 vừa qua, anh Trần Văn Phú lại một lần nữa đưa chúng ta đến một cảm xúc dạt dào khác qua ca khúc "Sông Quê" (Đinh Trầm Ca) với cố ca sĩ Phi Nhung. Cũng với chất giọng đầm ấm, tự nhiên anh kết hợp thật hài hòa với tiếng hát mộc vút cao không lẫn lộn của cố ca sĩ Phi Nhung. Anh khiến tôi nhớ đến đôi song ca Thái Châu - Phi Nhung trong ca khúc này vào những năm 1997. Đã có tấm lòng với đất quê hương Rạch Giá, có tài tổ chức (trong ban tổ chức HNLTKG 2019 thành công tốt đẹp tại miền nam California), nay lại biết thêm anh hát cũng thật hay, thật nhiều cảm xúc!

Bên những tiếng hát đóng góp cho sự phong phú, đa dạng của trang blog THKT nếu không nói đến cô "người mẫu" xinh đẹp Khánh Nga, là điều thiếu sót lớn! Hầu hết các MV của các bạn đều có sự "làm đẹp", thu hút người nghe bằng những hình ảnh thật nghệ thật của Khánh Nga. Tôi không may mắn quen biết hay gặp mặt Khánh Nga, chỉ qua những hình ảnh chợt như thật gần gũi và "quen" vô cùng cô "người mẫu" có nét đẹp hồn nhiên, tự tại đời thường. Nét đẹp xinh xắn của Khánh Nga dàn trải và xuyên qua nhiều MV thật lãng mạn, mộng mơ để làm đẹp hơn cho bài hát. Khánh Nga cũng làm tôi nhớ đến Sài Gòn thuở nào, nhớ đến một người bạn ngày xưa cũ. Người bạn gái rất thân Lê Thị Mai, nhà dưới chân cầu Công Lý phía bên kia của chùa Vĩnh Nghiêm. Gia đình Mai rất sùng đạo Phật, nên trong những dịp rằm hoặc lễ lớn tôi thường theo nàng đi chùa Vĩnh Nghiêm. Điều đáng nhớ là ngoài sở hữu dáng thon cao, nét đẹp sáng Mai còn có ngón đàn tranh tuyệt vời. Mai đã nhiều lần biểu diễn đàn tranh tại Hội Việt Mỹ và phòng Văn Hóa Pháp ở Sài Gòn. Môt kỷ niệm khó quên là, có lần Mai dẫn tôi đi ăn phở Dậu trong căn hẽm nhỏ đường Công Lý gần nhà nàng. Đi vào quán nhỏ mà bao cặp mắt hướng về bàn chúng tôi suốt bữa ăn. Và khi hai tô phở dọn ra bàn, tôi chẳng thấy tương đen tương ớt hay dĩa rau giá nào cả? Tôi hỏi, Mai vừa cười vừa chọc quê, "Đây là quán phở bắc chính gốc, hổng phải phở miền tây nam bộ của anh đâu mà hỏi tương đen tương ớt và rau giá "! Vậy mà tôi đã ghiền. Từ đó, bất cứ lúc nào có tiền là tôi chạy ngay đến nhà Mai, để rủ rê người đẹp đi ăn phở Dậu.

3.
Để thỉnh thoảng ngày tháng hôm nay hay ở lứa tuổi nào đó, những lời chúc nhau "may mắn, an vui, hạnh phúc" sẽ phải cần có một điều kiện thiết yếu. Đó là sức khỏe. Có sức khỏe là bạn có thật nhiều may mắn. Có sức khỏe là bạn được an vui. Có sức khỏe là bạn có đầy hạnh phúc. Có sức khỏe bạn sẽ hát thật hay, viết thật nhiều và giữ gìn được nét đẹp của mình, phải không các bạn?
Để kết lại bài viết, tôi xin kể câu chuyện vui có thật 100% về phép dưỡng sinh giữ gìn sức khỏe, được truyền tụng trăm năm về trước. Có hôm bà xã tay lấm đất cát ngồi xuống than: "Cân thì không giảm, mà chỉ làm vườn chút xíu đã thở không ra hơi! Không biết phải phải làm thế nào để giữ gìn sức khỏe tốt?". Tôi trả lời ngay: "Dễ thôi. Mình cứ thực hành đúng phương pháp dưỡng sinh người xưa truyền lại "Đêm bảy - Ngày ba" là không lo gì sức khỏe"! "Nói chuyện đàng hoàng mà ông toàn là nói tục, bậy nói bạ không hà!". "Rõ ràng là em nghĩ ngợi bậy bạ. Đây là chuyện đàng hoàng, khoa học...". Bà xã vẫn chau mày, không thèm hưởng ứng. "Em nghe cho kỷ nghen. Ở bất cứ tuổi nào, hoàn cảnh nào chúng ta cũng cố gắng mỗi đêm phải ngủ đủ ít nhất từ bảy tiếng đồng hồ. Ban ngày dù ở lứa tuổi nào, bận rộn đến đâu cũng phải ăn đủ ngày ba bữa: sáng, trưa và chiều; nhất định không được bỏ bữa. Thực hiện được hai điều này, sẽ giữ gìn được sức khỏe tốt nhất"! "Huumm... Thiệt vậy sao. Thấy cũng hợp lý quá...", bà xã gật gù.

Bài viết như một kỷ niệm trong dòng đời, giữa cuộc rong chơi mà không ai trong chúng ta biết được ngày mai. Hãy nâng niu, trân trọng với giây phút hiện tại để rồi thoáng chợt tất cả sẽ trôi nhanh thành quá khứ, thành những bến bờ kỷ niệm. Mến chúc tất cả các bạn thật nhiều sức khỏe và nhớ thực hành hai phép dưỡng sinh kể trên nghen các bạn!

Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng
(1) Một Cõi Đi Về - Trịnh Công Sơn
(2) Bài Không Tên Số 2 - Vũ Thành An
(3) Bài Không Tên số 3 - Vũ Thành An
(4) Tiễn Đưa - thơ Đặng Hiền, nhạc Lê Đức Long






3 nhận xét:

  1. Cám ơn thầy Hoàng đã thổi một cơn gió ấm áp vào những tiếng hát mùa thu, quả đúng là tất cả đều là hát nghiệp dư, tuổi này rồi , ca hát tự nó cũng đã mang lại niềm vui 1 trong nhiều đều mình yêu thích, mà đã thích thì diễn mới đạt, mới trọn và đây cũng là một sở thích lành mạnh cho mọi lứa tuổi.
    Cám ơn những lời phê bình của thầy, đó là một niềm khích lệ rất lớn cho KT, xin chúc thầy và bx Kim Hoa luôn vui vẻ, an bình và sức khỏe tốt nha .
    Kim Trúc Phung

    Trả lờiXóa
  2. Em xin chào thầy buổi sáng, Đọc những bài viết của thầy luôn cho em nhiều cảm xúc , và hôm nay là những bồi hồi , những hoài niệm về những ngày tháng đã đi qua trong đời người trong đó có đoạn đường lưu lại trong căn nhà này • Blog Trung học Kiên Thành “ với những người thân quen - có người đã quen biết và gặp gỡ, và nhiều người chưa lần gặp mặt nhưng cứ thấy thân quen , gần gũi vô cùng . Như thiếu vắng điều gì đó, thấy mong nhớ vô cùng , như đang “ Trong cuộc rong chơi “ mà bị ngừng lại ở một đoạn đường nào đó dù chỉ trong chốc lát , khi có lúc bận rộn một vài ngày không vào thăm được “ căn nhà “ chung này .
    Em cảm ơn Thầy vẫn luôn đồng hành cùng “ tụi em “ và luôn khích lệ với những nhận xét thật hay và gần gũi .như một người đã rất thân quen ,
    Ngày qua mùa tới thời gian cứ thế mà trôi qua , thật đáng trân trọng quãng thời gian mọi người chúng ta còn được “ thấy “ nhau mỗi ngày phải không Thầy ,
    Em xin chúc Thầy và bà xã luôn thật nhiều sức khỏe, niềm vui , bình an và hạnh phúc
    Thân mến
    NL

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Thầy đã luôn đồng hành với những tâm hồn “yêu văn nghệ”, thứ văn nghệ đời thường của thế hệ học trò U60, U70, mà thầy luôn dành cho tất cả những khích lệ đầy tình cảm.
    Chúc Thầy và bà xả luôn thực hành phương pháp dưởng sinh của người xưa để luôn được dồi dào sức khỏe và tiếp tục cuộc rong chơi với chúng em.
    TV Phú

    Trả lờiXóa