Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

Tôi Đi Bán Báo Xuân Cho Trường

 Tùy bút của Thanh Hà

*Kính tưởng nhớ các Thầy:  –Nguyễn Văn Hiệu (Hiệu Trưởng & Việt Văn)
                                                – Lê Văn Xợp (Sử Địa) 
*Kính tặng Thầy Trần Khải Thành (Anh Văn)
* Tặng các bạn chung lớp 10A TH Kiên Thành xưa. 

1/-

Trong đời tôi vài lần bị té xe gắn máy, trong đó có hai lần rất nặng tưởng sẽ để lại di chứng: lần
đầu lúc 16 tuổi, lần thứ nhì cách nay 5 năm ở Huế. Nhưng 
như người ta hay nói, chắc nhờ được Ông Bà phù hộ độ trì nên tôi vẫn bình yên“sống sót”. Tuy bị tai nạn như vậy mà cái sở thích lãng du trên con ngựa sắt vẫn còn âm ỉ trong tôi chưa chừa, hẹn khi nào tên quỉ dịch nham hiểm covid đầu hàng nhân loại tôi sẽ về Việt Nam dung dăng dung dẻ cùng các cháu đi thăm tiếp các cảnh quan xinh đẹp chỉ được đọc trong ca dao, lịch sử chứ chưa được tận mắt chiêm ngắm ngoài đời thật.

Ở đây tôi chỉ nhắc lại kỷ niệm lần té xe năm 16 tuổi.
Đó là vào dịp Tết Nguyên Đán năm tôi học lớp 10 trường trung học Kiên Thành. Trường lúc ấy còn rất non trẻ, chỉ mới mở bậc trung học được 5 năm, mà chúng tôi là học sinh của một trong hai lớp đầu tiên vào lớp 6, do thầy Đổ Hoà Lợi làm hiệu trưởng–niên khoá sau thầy Lợi bàn giao chức hiệu trưởng cho thầy Nguyễn Văn Hiệu– Mỗi lớp 60 học sinh, chia ban Anh văn và Pháp văn. Hết niên học, lại thi tuyển sinh vào lớp 6, còn lớp 6 chúng tôi nâng lên lớp 7, nên mỗi tựu trường có thêm nhiều lớp hơn.
Năm chúng tôi học lớp 10, nhân dịp Tết Nguyên Đán thầy Hiệu có ý tưởng làm đặc san xuân, kêu gọi tất cả học sinh từ lớp 6 đến lớp 10 hưởng ứng viết bài.

*Theo một ý nghĩa nào đó, hai lớp đầu tiên của chúng tôi luôn luôn là những cánh chim đầu đàn của trường trung học Kiên Thành, nên phải làm gương nếu không muốn bị chê bai là đàn anh đàn chị gì bất tài mặc dù chưa chắc tuổi đời chúng tôi “cao”hơn các học sinh lớp “nhỏ”, bởi thuở ấy có rất nhiều học sinh đến trường muộn 4 hoặc 5 năm là chuyện bình thường. Ngay trong lớp tôi cũng không thiếu trường hợp ấy.

Vấn đề là lúc mới mở hai lớp 6, sĩ số 120, 60 trò cho mỗi lớp. Nhưng khi niên khoá kết thúc, tựu trường trở lại thì số học sinh vơi dần lý do chuyển trường, nghỉ học… nên năm ấy hai lớp 10 chúng tôi cộng lại chỉ khoảng 50 người. 

Mới thấy thầy Hiệu thật can đảm cho ra đặc san xuân mà Thầy biết rõ hơn ai hết thực lực cùng khả năng của một ngôi trường trung học quận hãy còn sơ khai, học trò trình độ cao nhất chỉ lớp 10. Hơn nữa, đâu phải trò nào cũng thích viết văn làm thơ.
Lúc ấy thầy Trần Khải Thành dạy Anh Văn là giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi.
Không hiểu thế nào mà khi bầu Ban Chấp Hành Học Sinh, thì các đại diện mỗi lớp đồng thanh bầu tôi làm trưởng ban Báo Chí toàn trường mới lạ.

Từ khi còn học tiểu học tôi đã hí hoáy tập viết truyện nhi đồng, cổ tích rồi, tất nhiên là rất non nớt vụng về. Theo thời gian, các nhân vật trong truyện cũng lớn cùng với tuổi, tôi viết qua truyện thiếu nữ… hình như bài thơ tình tôi làm năm 15 tuổi chi đó– có thể gọi như vậy, dù chỉ là chút xíu bâng khuâng– nhưng có điều tôi chỉ dám đưa những truyện, thơ… ấy cho các chị em tôi đọc thì làm sao họ biết gì về tôi mà chịu bầu tôi vào chức vụ đó vậy nhỉ. A, có lẽ qua các bài luận văn tôi luôn được thầy Hiệu chấm điểm cao chăng?

Nghe nói trường sắp ra đặc san xuân, tôi rất hào hứng viết nào là đoản văn, nào thơ, truyện... đồng thời khuyến khích cô em thứ năm, cậu em thứ sáu cũng là học sinh Kiên Thành tham gia. Nhưng “hai đứa nó” đâu có thích văn chương nên không chịu viết, đã vậy nhân tôi gợi ý, chúng nó bèn đề nghị ngược lại nhờ tôi viết dùm bài cho chúng đem nộp. Em gái có tài ca hát rất hay, em trai mới học lớp sáu còn ham chơi đập lon bắn bi vớt cá lia thia thôi. Thế là ngoài các bài đăng bằng tên của mình, tôi là tác giả cả các bài đứng tên các em. Khi đặc san được in ra, chúng nó kể là các bạn cùng lớp tưởng chúng viết, khen quá chừng. Vui thật.

Ngoài ra, Thầy Hiệu còn kêu tôi làm Sớ Táo Quân. Tôi nhủ thầm mà không dám tỏ lộ, rằng trong trường có bao nhiêu Thầy Cô tài giỏi, sao Thầy không nhờ họ viết có phải hay hơn là giao cho tôi, một con bé mới vừa bước qua tuổi 16 được vài tháng, làm sao đủ khả năng viết bài sớ Táo Quân. Tôi biết mình vô lý, vì đặc san là phải do chính học sinh viết chứ đâu phải Thầy Cô. 
Ôm mối lo không ai giúp được, ráng chịu khó mày mò mấy đêm ngày, cuối cùng tôi cũng hoàn thành bài sớ theo khuôn mẫu mỗi hàng bốn chữ, đúng vần điệu hoà hợp nhau, không thiếu sót tên Thầy Cô nào, cũng như trình tấu Ngọc Hoàng những thành quả đạt được, cùng những hy vọng cho tương lai ngôi trường mới chào đời có mấy năm non trẻ.
Thầy xem gật đầu tỏ ý hài lòng. Sau in ra tôi thấy bài nguyên vẹn không bị xoá hay thêm thắt chữ nào. 
*Tôi được các bạn bầu làm trưởng ban báo chí toàn trường, đâu phải là danh hảo nhỉ. 

Trong đời, đó là lần duy nhứt tôi sáng tác sớ Táo Quân. Tuy không đặc sắc nhưng đầy đủ ý nghĩa không thể chê được. Giờ nếu ai yêu cầu tôi viết sớ thì xin đầu hàng thôi.
Yên tâm nghĩ phần việc mình đã xong, nhưng mấy ngày sau thầy Hiệu lại kêu tôi viết thêm một bài giới thiệu về lịch sử của trường từ lúc khởi đầu đến thời điểm đó như thế nào, trải qua giai đoạn gian nan khó khăn làm sao..v..v..Tôi vẫn không dám từ chối dù trong bụng ngầm phản đối. 
—Trời ơi Thầy ơi, em chỉ là một học sinh 16 tuổi thôi mà Thầy.
Nhưng rồi tôi cũng làm tròn trách nhiệm. Nghĩ lại cũng có chút tự hào, bởi khi Thầy quyết định giao việc ấy cho tôi, nghĩa là Thầy đã tin tưởng khả năng viết của cô học trò nầy, đó là phần thưởng xứng đáng còn gì hơn nữa.

Nói không ngượng miệng, có thể cho rằng cuốn đặc san xuân năm ấy, riêng phần tôi đóng góp các bài văn, thơ, sớ, bài giới thiệu thành lập trường… chiếm một phần ba (hoặc hơn) của cuốn báo rồi. Kể cả các bài hai đứa em đứng tên mà tôi là tác giả nữa.
Tiếc là toàn bộ thư viện gia đình tôi đã bị tiêu huỷ hết sau ngày 30 tháng tư đen, tất nhiên có cả đặc san xuân, nên chút kỷ vật thời học trò thơ ngây ấy chỉ còn lưu giữ trong hoài niệm mà thôi.
Chắc các cựu học sinh Kiên Thành, cũng không ai giữ được ấn phẩm xuân đầu tiên ấy đâu !

2/-
Sau khi in ấn xong, tới giai đoạn phát hành.
Dĩ nhiên, ưu tiên cho học sinh trường nhà mua trước. Sau đó mới tính chuyện đem chuông đi đánh xứ người.

Tôi nhớ buổi sáng ấy. Tuy miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng hơi hướm mùa đông cũng len lõi đến thăm; khiến vài loại cây: xoài, lý… trong sân nhà vàng khô rơi rụng. Gió bấc khá lạnh, một lý do để giữ ấm vừa tăng phần duyên dáng cho các nữ sinh khoác thêm áo len bên ngoài áo dài trắng, đủ màu hài hoà trang nhã. Tôi còn nhớ mình mặc áo len màu vàng chanh.

Thầy Thành cho hay là sẽ chọn vài em nam nữ cùng Thầy mang đặc san xuân đến một vài trường trung học bạn bán, với mục đích giao lưu tình thân giữa các trường với nhau và thu hồi vốn in ấn. Nhóm chúng tôi trực chỉ đi Long Xuyên. Trên đường đi tiện sẽ ghé qua trường trung học quận Kiên Tân, là ngôi trường đã có từ lâu rất bề thế.

Chở nhau trên bốn chiếc honda 67 gồm thầy Thành, thầy Xợp cùng ba nam sinh : anh Phước, anh Nhơn, anh Hoà ; phía nữ có Thanh Bạch và tôi. May là đường đi Long Xuyên chạy ngang nhà tôi, nên tôi yêu cầu thầy ghé lại xin phép má. Má tôi ngần ngừ - vì trước giờ đời thuở nào chị em tôi được quyền đi xa một mình mà không có người lớn trong gia đình dẫn dắt đâu -. Nhưng vì lý do chính đáng, có hai giáo sư bảo đảm nên miễn cưỡng chấp nhận. 

Lần đầu tôi được đi xa với thầy và các bạn lòng hớn hở với cảm giác phiêu lưu thật khó tả. Thầy Thành chở Thanh Bạch, anh Phước chung xe anh Nhơn, anh Hoà chở tôi, thầy Xợp chạy một mình. Phân công ai ngồi sau thì ôm chồng báo.

Chúng tôi ghé vào trường trung học Kiên Tân. Các thầy liên lạc ban giám hiệu trình bày mục đích và xin phép được vào các lớp đang giờ học để bán báo. Lác đác vài học sinh chịu móc tiền ra mua, tôi không còn nhớ giá. 

Cám ơn sự thông cảm của giáo sư đứng lớp và các học sinh mua báo, xong thầy trò tiếp tục lên đường. 
Đoạn từ Rạch Sỏi tới Kiên Tân, Kinh B… có tráng nhựa tương đối bằng phẳng dù đôi chỗ bị lở ổ gà nhưng càng đi xa đường càng xấu, lớp nhựa bị tróc gần hết lồi lõm mấy cục đá to giờ thành ổ voi, dằn xóc mạnh đất bụi tung theo vòng quay bánh xe. Thời ấy phái nữ được chở chỉ ngồi một bên xe. Nếu cô nào dám phá lệ ngồi bỏ chân hai bên thì bị đánh giá chê bai không đứng đắn.
Vì vậy, đương nhiên là tôi ngồi khép nép một bên cho anh Hoà chở, vạt áo dài sau vắt ra đằng trước cẩn thận để đừng vướng vào bánh. Vốn nhút nhát, tôi giữ một khoảng cách tài xế để tránh mỗi lần xe dằn sóc không đụng chạm vào bạn dù là bất đắc dĩ. Tay phải tôi vịn chặt vào yên xe, tay trái ôm chồng báo khoảng hai chục cuốn, lúc đầu không thành vấn đề, nhưng theo thời gian thì càng lúc nó càng trì nặng trên cánh tay mỏi nhừ. 
Tôi ngồi im lặng không dám hở môi nói một câu gì với anh Hoà hết. Tương tự, biết tánh thẹn thùng của tôi nên anh cũng nín thinh. Chỉ còn tiếng động cơ xe nổ dòn và những lần xe lọt ổ gà thì trái tim dội mạnh trong lồng ngực nặng nề mệt mỏi.

Khi đoàn chúng tôi đến Láng Sen, đoạn dân cư nhà cửa thưa thớt, bên trái đường cập xuôi bờ sông đang nước lớn gần sát mé thì tai nạn xảy ra, mà nạn nhân không ai khác chính là tôi !
Bất thần, xe sụp ổ voi thật mạnh. Tôi chỉ nhớ toàn thân người mình bị nhấc bỗng khỏi yên xe, chồng báo bên cánh tay trái rơi lả tả rồi tôi không biết gì nữa.

Rồi tôi nghe nhiều tiếng người nói lao xao bên tai, lơ tơ mơ ủa mình đang ở đâu vậy, mở mắt định thần từ từ. Hình như có ai đang ngồi cạnh đỡ lưng tôi, có vật gì mềm mại xoa xoa trên trán cạnh thái dương. Giờ phân biệt rõ từng tiếng nói của Thầy và bạn. A nhớ lại rồi, xe sụp ổ voi đầu tôi đập xuống đường bất tỉnh, trán bị đá đâm trúng chảy máu nên anh Phước lấy khăn tay lau chùi thử cầm máu cho tôi, Thanh Bạch ngồi phía sau đỡ lưng tôi dựa vào cô ấy. Không biết thời gian tôi bất tỉnh bao lâu, mà khi tỉnh lại tôi đã được kéo vào cạnh lề. Tôi lồm cồm định đứng dậy, nhưng các thầy lo lắng ngăn lại, bảo ngồi nghỉ thêm chút nữa, hỏi han xem tôi còn đau chỗ nào. Cái khăn chậm máu trên trán thấm đỏ, anh Phước nhúng nó xuống sông sả rồi tiếp tục đặt lên trán tôi thêm một lúc. Tôi nhìn xuống, bàn tay trái bị tróc một mảng da nho nhỏ. Cả áo len lẫn áo dài bên vai trái thủng lỗ tròn đường kính 3 cm.

Không thể ngồi hoài ở ngoài đường vắng, chờ một lát cho tôi hoàn hồn và tỉnh táo, chúng tôi đi tìm trạm Y Tế, mọi người chờ bên ngoài chỉ Thầy Thành và Thanh Bạch đưa tôi vào cho cô y tá chích thuốc ngừa đông máu, băng bó vết thương ở bàn tay.

Hình như anh Nhơn có người bà con gần đâu đó, nên Thầy đề nghị đến xin cho tôi nghỉ ngơi, khi nào xong việc sẽ đón tôi cùng quay về Rạch Sỏi. Nhưng tôi từ chối, nói đã khoẻ rồi, muốn được tiếp tục tham gia.
Không thuyết phục được tôi, nên Thầy trò lại dắt díu nhau lên đường. 
Lần nầy thầy Xợp chở tôi, còn anh Hoà chạy một mình.

Rồi cũng đến đích. Trường Thoại Ngọc Hầu là ngôi trường công lớn nhất Long Xuyên, một tỉnh rất trù phú thịnh vượng ở miền Tây, chỉ thua Cần Thơ. Là nơi tổ chức hai kỳ thi tuyển Tú Tài cho học sinh các tỉnh khác tụ hội về ứng thí.

Vào bên trong sân trường khang trang, tôi mới nhận thức: Với chiếc áo len lẫn áo dài rách rưới thủng vai, bộ mặt xanh xao thất thần như thế thì làm sao mà tôi dám bước chân vào các lớp học, đi từng bàn mời gọi các nam thanh nữ tú ủng hộ đặc san xuân của ngôi trường quận Kiên Thành chưa có tăm tiếng gì hết đây hỡi Trời !
Thầy Thành giải quyết nỗi bối rối lo lắng dùm tôi. Thầy chỉ cái băng ghế đặt dưới gốc phượng gần cổng trường, kêu tôi ngồi chờ. 
Thở phào nhẹ nhỏm, tôi nhìn theo bóng mọi người ôm chồng báo xuân khuất sau hành lang lớp học, chút tiếc nuối vì không được tham gia cùng thầy bạn.

Ngồi chưa ấm chỗ, bỗng nghe tiếng xe honda từ ngoài cổng chạy vào, người lái là một anh chàng ốm nhom mặc quần xanh áo trắng mang phù hiệu Thoại Ngọc Hầu. Xe chạy ngang tôi, anh ta tò mò đưa mắt nhìn, hết vòng sân nghĩ sao anh ta quành xe nhắm hướng tôi mà chạy đến. Chết rồi, tôi đang mặc áo rách vai, ngồi bơ vơ ở một góc sân trong khi tiết học vẫn còn. 
Đậu xe trước mặt tôi, lên tiếng chào nhau. Sau đó anh ta hỏi tôi học lớp nào, sao không vào lớp..v..v.. tôi giải thích cho anh ta hiểu tôi không phải là học trò trường nầy, và vì sao tôi mặc áo rách ngồi đây đợi thầy, bạn… 
Trao đổi thêm dăm câu, anh ta hỏi tên, tôi chưa kịp trả lời thì thoáng bóng các thầy, bạn xuất hiện ngoài hành lang nên anh ta vội vàng từ giã nổ máy xe chạy mất. 
Đặc san cũng vơi gần hết, kết quả khá tốt. Ăn trưa xong, đoàn chúng tôi quay về Rạch Sỏi.

Tết sắp đến, tự dưng hồi ức tôi bỗng quay về năm học đệ tam ấy (lớp 10), một trong những kỷ niệm khó quên. Là lần đầu tiên trường trung học Kiên Thành làm đặc san xuân, có bàn tay tôi đắc lực nhúng vào – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng–từ lúc manh nha ý tưởng cho đến lúc khai sinh. Sau khi ra đời, có cả máu từ đầu óc và ngón tay tôi đổ trên đường để mang nó đi giao lưu trường bạn chứ đâu vừa !!!
Sau tết đó, cô bạn thân nhất Thanh Bạch rời trường lớp theo chồng bỏ cuộc chơi, chúng tôi mất dấu cho đến khoảng hơn chục năm nay mới tìm gặp lại. 

Ngậm ngùi, bởi hai trong ba vị giáo sư tôi nhắc trên đây đã yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Không biết Thầy Thành và anh Hòa hiện nay ở nơi đâu, thì anh Nhơn, Phước, Thanh Bạch vẫn bình an mạnh khoẻ. Trước cơn dịch chúng tôi còn may mắn hội ngộ cùng nhau. Chính anh Phước nhắc tôi nhớ nơi xảy ra tai nạn ở Láng Sen, chứ tôi thì quên mất địa danh.
Mỗi một ngày qua đi, là chúng ta càng tiến dần đến trạm dừng cuối của đường đời. Nếu còn cơ hội tái ngộ Thầy Cô bạn hữu ngày xưa, chúng ta đừng ngần ngại đưa tay nắm lấy.

Thanh Hà
15.Jan.2022
   



1 nhận xét:


  1. Cuối tuần đọc bài tùy bút của Thanh Hà nhớ những "ngày xưa thân ái" vô cùng.
    Trước khi là thầy... ai cũng phải là trò. Thuở phấn trắng sân trường dù ở phía nào, trên bục dạy hay dưới bàn ngồi cũng thật nhiều kỷ niệm đẹp!

    Khi về dạy cấp 3 Rạch Sỏi, tôi có gặp gỡ và quen biết với thầy Nguyễn Văn Hiệu, thầy Lê Văn Xợp. Nhưng lại không biết đến thầy Trần Khải Thành?

    Mới đó mà đã một đời người thoáng chốc. Tất cả đã trôi xa, vĩnh viễn trôi xa...

    Chúc TH một năm mới Nhâm Dần 2022 nhiều sức khỏe, may mắn, an vui!

    NN Hoàng

    Trả lờiXóa