Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Nhớ Về Trường Cũ Kiên Thành

 Tản mạn của Thanh Hà 



Quận Kiên Thành ngày xửa ngày xưa chỉ mở từ lớp vở lòng đến lớp ba – tôi không nhớ rõ năm nào–. Muốn học hết tiểu học phải qua An Hoà.
Ba tôi là công chức, nhận nhiệm sở ở nơi khác đến năm chị hai 10 tuổi mới dọn về Rạch Sỏi cho gần ông bà Ngoại. Lúc ấy chị đã vào lớp tư nên bắt buộc chị phải qua An Hoà học, con đường đến trường rất nhiêu khê đối với một cô bé gái 10 tuổi. Nầy nhé, chị phải đi bộ từ nhà đến Ngã Ba Rạch Sỏi khoảng 900 mét, nơi ấy có thêm ba giao lộ : bên phải đường ra tỉnh lỵ Rạch Giá, bên trái dẫn đi Minh Lương, chị theo con đường giữa tiếp tục xuôi xuống bến đò Cống Hoà Hưng thêm vài trăm mét để đón xuồng qua sông. Gọi là Cống Hoà Hưng vì nơi đó có trại cưa lớn tên Hoà Hưng và có cái cống thoát nước to nên mọi người lấy hai tên ghép lại gọi cho dễ nhớ. 
Từ Cống Hoà Hưng có chiếc xuồng nhỏ mỗi buổi sáng chở học sinh băng ngang con sông khá rộng, cập theo Chợ Giữa là một cái cồn nổi có nhiều nhà cửa, trại đóng tàu thuyền rất phồn thịnh tấp nập kẻ bán người mua, tiếp tục chèo băng qua An Hoà mới tới trường. Mỗi ngày hai lượt đi về, rất bất tiện cho những học sinh nhỏ tuổi. Có một năm vào mùa nước lũ, thuỷ triều dâng cao chiếc xuồng chở học sinh bị lật úp giữa giòng. May thay lúc ấy có nhiều tàu lớn bé qua lại nên được các người lớn biết bơi nhảy xuống sông cứu hết các học sinh, không có ai bị chết đuối.

Có lẽ sau vụ chìm xuồng nầy chính phủ nhận ra nhu cầu cấp thiết tránh cho học sinh nguy hiểm khi phải sang sông, nên Rạch Sỏi có mở thêm lớp tới hết bậc tiểu học. Thế là từ chị ba trở xuống mấy chị em tôi không phải sang An Hoà học nữa. 
Nhưng muốn vào trung học đệ nhất cấp phải thi vào trường công lập duy nhất Nguyễn Trung Trực Rạch Giá, cách 7 km – nơi đào tạo biết bao nhân tài xuất chúng –. Ngoài trường nầy, còn có các trường trung học tư thục : Lâm Quang Ky, Võ Văn, Phó Điều. 

*Sẽ thiếu sót nếu không kể ở quận Kiên Tân cách tỉnh 25 km. Tuy cách xa tỉnh nhưng đã mở trường trung học từ lâu.

Chị ba học hết tiểu học Kiên Thành thì ngày ngày đón xe lam cùng chị hai ra trường Nguyễn Trung Trực, lúc ấy chị hai học trên chị ba 3 lớp vì tuổi hai người cách nhau ngần ấy năm. Thấy hai chị lớn yểu điệu trong tà áo dài trắng, tôi thích lắm. Mong cho mau đến ngày vào trung học để được giống hai chị. 
Ai ngờ đến lượt tôi, hí hửng tưởng mình sắp được làm học sinh tỉnh, bỏ cái lốt học trò trường quận, hãnh diện cài trên ve áo phù hiệu tên ngôi trường mang danh vị tướng tài ba oanh liệt từng đốt cháy tàu Pháp trên giòng sông Nhật Tảo. Dè đâu đúng vào năm tôi thi lên trung học thì quận Kiên Thành lại quyết định mở lớp đệ thất – tức lớp 6– gồm hai lớp A Anh văn, B Pháp văn. Mỗi lớp sĩ số 60 trò. Lúc ấy thầy Đỗ Hoà Lợi là hiệu trưởng đầu tiên.

Thất vọng quá. Thế là tôi lại tiếp tục học trường quận, chỉ khác một chữ trong danh xưng, từ Học Sinh nay thành Nữ Sinh và được xúng xính trong tà áo dài trắng như các chị. Ít ra cũng an ủi thấy mình được làm người lớn chút chút rồi, dù trong giờ ra chơi tôi vẫn còn cột hai vạt áo qua bên hông để chơi nhảy dây, chơi lò cò, hoặc lấy giấy xé ra thành chùm ở một đầu, đầu kia cột thun chơi đá cầu.

Hết năm đệ thất (6), trường mở thêm lớp đệ lục (7), đồng thời cho thi tuyển thêm hai lớp sáu. Cứ thế, hể chúng tôi học hết lớp nào thì năm sau sẽ mở nâng cao dần lên. Đến đệ nhị ( 11) thì gián đoạn một năm.  
Lý do năm ấy sau khi thi Tú Tài Một xong thì số học sinh đậu quá ít không đủ sĩ số để mở lớp 12.Chỉ có ba người thi đậu: một người ở ban A và hai người ban B

*Tôi xin giải thích để những bạn trẻ biết rõ hơn về hệ thống giáo dục cũ. Là từ năm 1972 trở về trước, học sinh học hết đệ nhị ( tức 11) bắt buộc phải thi lấy bằng Tú Tài Một. Nếu đậu thì tiếp tục lên đệ nhất ( lớp 12) thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần rồi mới vào Đại Học. Mà muốn vào Đại học phải qua kỳ thi tuyển chọn lọc rất gắt gao, ngoại trừ ba phân khoa chỉ ghi danh là Khoa Học, Luật và Văn.
Sở dĩ tôi nhớ kỹ như vậy vì tôi là cô học trò duy nhất ban A của trung học Kiên Thành thi đậu năm ấy! ( chà, nghe cái giọng có vẻ khoe khoang gớm, mà tôi vẫn còn giữ gìn cái Chứng Chỉ Tú Tài Phần Thứ Nhất khoá ngày 02.08.1972 đây nè). Tôi nhắc lại chuyện nầy để giải thích nguyên nhân vì sao khoá học mới 1972-1973, Kiên Thành bị gián đoạn lớp 12 chứ không phải khoe khéo đâu à. Mà có khi tôi sẵn dịp khoe khéo cũng không chừng !!!
Thấy cười lắm. Hồi chị hai, chị ba tôi thi Tú Tài Một phải qua tận Long Xuyên. Má tôi không dám cho chị hai đi một mình nên dắt díu lũ em 5 đứa của chị tháp tùng để ủng hộ tinh thần, sẵn dịp cho chúng tôi đi chơi hè xa một chuyến. Tới lượt chị ba thì má để chị đi một mình cùng bạn, chắc thấy chị lanh lợi hơn chị hai sao đó nên không cần phải đi kèm.
Tới phiên tôi, thì mấy ông bên ngành Giáo Dục bỗng tội nghiệp học sinh Kiên Giang lặn lội xa quá nên quyết định mở Hội Đồng thi tại trường tỉnh Nguyễn Trung Trực. Trong khi tôi mơ được trải qua kinh nghiệm như ngày xưa sĩ tử vác lều chỏng từ mọi miền đất nước lặn lội bao tháng ngày về kinh đô ứng thí. Hơn nữa, để được cảm giác ta đây cũng là người lớn giống hai chị của mình vậy.
Trời ơi, tức chết. Sao tôi luôn bị cản trở giấc mộng hoài nhỉ? Coi nè: lúc tôi sắp vào lớp sáu thì tự nhiên Rạch Sỏi mở trường trung học để tôi đừng được học trường tỉnh. Khi tôi học đệ nhị thì đó cũng là năm cuối cùng còn thi Tú Tài Một, đã vậy còn không được đi Long Xuyên mà phải thi tại tỉnh nhà !!! 

Các ông ở Bộ hay Ty Giáo Dục tưởng thực hiện điều tốt lành cho phụ huynh đỡ tốn kém và học sinh đỡ vất vã, ai ngờ toàn “phá bỉnh” khiến tôi bị 2 lần thất vọng vì giấc mộng không thành và mấy ổng sao không chịu ra quyết định bãi bỏ kỳ thi Tú Tài 1 đúng vào năm tôi học lớp 11 để tôi khỏi phải thức khuya gạo bài nhất là thời gian gần ngày thi thức đến một hai giờ sáng báo hại tôi mệt mỏi lo lắng gần chết, mà chờ tôi thi xong rồi năm sau mới chịu bãi bỏ chớ.

Chúng tôi tan đàn xẻ nghé. Người xin làm cô giáo, kẻ học Cao Đẳng Sư Phạm, Cán Sự Y Tá, vào quân ngũ, làm ruộng, buôn bán, lên xe hoa… Riêng tôi, bù lại ba lần hụt hẫng, được ba má cho theo chị ba lên thẳng Saigon học tiếp đệ nhất chứ không vào trường Nguyễn Trung Trực (bỏ giấc mơ ngày cũ), sau vào Văn Khoa cho đến ngày 30 tháng tư thì thất học về quê nấu cơm giặt quần áo.

Thế là bất cứ năm nào, hai lớp trung học đầu tiên A,B của chúng tôi cũng là những cánh chim đầu đàn của trung học Kiên Thành. Nếu có ai muốn tìm hiểu lịch sử trường bắt đầu từ khi nào, thì chính thầy hiệu trưởng Đỗ Hoà Lợi cùng những Giáo Sư đã đảm trách việc giảng dạy hai lớp A, B chúng tôi năm đầu tiên ấy chính là những người đã có công đối với trường rất lớn vậy.
Một hoặc hai năm sau thầy Lợi từ chức hiệu trưởng, chỉ chuyên giảng dạy môn Công Dân, giao cho thầy Nguyễn Văn Hiệu – là giáo sư dạy môn Việt Văn – lên kế vị. Thầy Hiệu vừa làm hiệu trưởng vừa tiếp tục dạy Quốc Văn cho chúng tôi. Hè năm 1972 tôi rời trường nên không rành tin tức về các Thầy Cô nữa.

Như chúng ta biết, hồi những năm 1960’s, 1970’s, quận Kiên Thành dân cư không nhiều, nên khi mở hai lớp sáu đầu tiên là quy tụ học trò từ nơi khác mới đủ sĩ số 120 cho hai lớp Anh và Pháp. Cầu Quay, Mong Thọ, Kinh B, Tà Niên… thậm chí có một bạn từ Long Xuyên nữa, nhưng đa số đến từ thị xã Rạch Giá. Khi kết thúc năm học, các bạn ở xa có thể làm đơn xin chuyển trường hay có người vì gia cảnh nghỉ học.., vì vậy mỗi mùa tựu trường thì số học sinh mỗi thưa vắng dù đầu năm lớp 10 đã bổ sung thêm một ít từ các trường quận xa khác, nhưng vẫn đìu hiu lắm.
Tôi nhớ năm lên lớp 10, lúc đó phải chọn ban A môn Vạn Vật làm môn chính, ban B toán. Đã vậy còn thêm môn Anh hoặc Pháp là sinh ngữ chính ngay từ lớp sáu. Học trò lác đác không thể chia làm bốn lớp, nên trường sáp nhập ai theo ban A chung lớp, ban B chung lớp. Khi đến giờ tiếng Anh hoặc Pháp thì ai học sinh ngữ nào sẽ gom lại học sinh ngữ ấy. Tiếp tục như vậy cho đến năm lớp 11.
Sau năm 1975, bạn bè tứ tán mỗi người một phương, một hoàn cảnh, thỉnh thoảng nghe thông tin về một vài bạn khác mà tôi có dịp gặp, thì hầu như cuộc sống ai cũng khó khăn bất trắc như nhau. Thật ngậm ngùi. Thương số kiếp bạn, ngẫm nhìn lại số kiếp mình cũng không khá gì hơn.

Vài chục năm sau. Cuộc đời có trầm rồi cũng có thăng. Như mưa rồi đến nắng, hết đông rồi sang xuân. Tôi thử tìm bạn cũ. Vui buồn lẫn lộn. Có người đời sống viên mãn thành công, có người đang lao đao vật lộn với cơn bịnh buổi tàn thu, có người đã yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng. Nhớ về ngôi trường Kiên Thành xưa nơi Thầy Cô đã ươm mầm cho kiến thức tôi đâm chồi. 
Về lần này tôi có dịp đi ngang ngôi trường cũ. Nhiều nhà cửa xây san sát hai bên chỉ còn nhìn thấy tấm bảng trường – đã đổi tên mà xe chạy nhanh tôi chưa kịp đọc là gì – nằm khiêm tốn thụt lùi vào trong, khiến tôi liên tưởng đến những tấm ảnh có quá nhiều người muốn thu cho đủ vào tầm ngắm, bắt buộc phải đứng ép vào nhau chật cứng như cá mòi xếp hộp, có người bị ép sát quá khiến vai thu cổ rụt, hai cánh tay cứng đờ bó chặt, có khi chỉ lú được một phần gương mặt vì bị cho đứng tuốt đằng sau lưng những người khác trông rất thảm thương tội nghiệp.

Nhìn lại ngôi trường mình từng theo học 11 năm, thú thật không khiến lòng tôi xao xuyến chút nào. Bởi tôi đâu tìm thấy chút gì của ngôi trường xưa tôi từng theo học. Bởi nó đã bị thay tên khác mà tôi nghe kể vài lần nhưng chẳng buồn để tâm. 
Mặc dù Thầy Cô ngày xưa, bạn học cũ vẫn thường xuyên xuất hiện trong tâm trí tôi , vẫn thân thuộc gần gũi như thể mới gặp hôm qua hôm kia. Nhưng:

Ngày thơ ơi đã qua mất rồi…
…Còn tìm đâu ngôi trường cũ mến yêu…
 (Cuốn Theo Chiều Gió, Anh Việt Thu )

Thanh Hà, 06.2022




2 nhận xét:


  1. Chào mừng bạn TH về lại trang nhà cho độc giả và KT sẽ được tiếp tục đọc văn thơ của bạn nữa rồi và KT đoan chắc sẽ được nghe bạn kể về những chuyến du lịch thật ly kỳ và hấp dẫn hé … vui quá chừng nè.

    Đọc bài viết của TH , hihihi KT đang cười 1 mình vì nhớ lại 2 câu
    - Học tài thi phận
    - Người tính không bằng Trời tính
    Nếu đem áp dụng vào trường hợp của bạn chắc cũng đúng phần nào đó đa .

    Cám ơn bạn nghen, nhờ bài văn của bạn nên mình biết rõ thêm về Trường THKT mà ngày hôm nay KT cũng được làm quen với rất nhiều cựu học sinh và chị em họ Phùng được góp mặt trong thơ và nhạc …

    Thì đó , nhờ bạn khoe khoé mà giờ mình mới biết cô bạn tui học giỏi quá chừng nè, nhưng bạn tính , bạn ước mơ cũng không bằng mấy ông trong Bộ Giáo Dục tính hé, nếu không thì có lẻ từ trước 1975 chúng mình dám có thể đã học chung trường chung lớp rồi nha.
    Nhưng vì số đã có duyên với nhau nên giờ tụi mình vẫn là bạn hé .
    Mến chúc TH những ngày tới thật vui vẻ và như ý, nhiều sức khỏe để chúng mình còn được tương ngộ trong tháng 7 này tại xứ Cờ Hoa nha . ❤️
    Kim Trúc Phùng
    Tb : mình phục bạn có trí nhớ tốt quá chừng đi nè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyển lời của chị Thanh Hà

      “ Chào Kim Trúc, TH rất vui đọc comment của KT về bài viết. Thật ra bài này TH đã viết hồi tháng 2 lận, chỉ còn đoạn chót chưa xong, nghe nói còn mấy ngày nữa là đóng quyển đặc san cho nên dù TH đang háo hức với cái vụ chu du tiếp tục nhưng cũng dành thời giờ viết nốt đoạn chót để góp mặt với mọi người cho vui đó.

      “Nhắc lại cái chuyện xưa. Thật vậy, mấy cái ông ở Bộ ( hay Ty) Giáo Dục ác với TH quá xá, toàn là kỳ đà cản mũi. Giấc mơ được học trường tỉnh không thành, giấc mơ được lều chỏng đi thi ở tỉnh xa cũng không được, bù lại “mấy ổng” bắt TH phải thi Tú Tài Một kỳ cuối cùng, sao hổng chịu bãi bỏ ngay năm đó, báo hại TH gạo bài thức đêm thức khuya và lo lắng gần chết. Thật là tình !

      “Ngày mai TH khăn gói lên đường nữa rồi, lại vắng mặt thêm thời gian nữa. Hẹn mùa thu hay đông gì đó mới rảnh mà viết tiếp , cái này là trả thù cho hai năm dịch covid, giờ bù đắp lại đó mà. Nhưng có điều là chúng mình sắp hội ngộ vào giữa tháng 7 rồi, TH nôn nao quá chừng chừng nè.
      Chúc KT luôn mạnh khoẻ yêu đời , cống hiến cho mọi người những bài thơ cùng tiếng ca truyền cảm hoài huỷ nhé.
      Thương,
      Thanh Hà
      *TH có gởi mail cho KT đó, có vào đọc chưa

      Xóa