Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Tản Mạn Thi Ca Mùa Đông - Phần 1

 Tản Mạn của Thanh Hà


Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
(Khung Trời Cũ, Đại Thiền sư Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ)***

I/-
Tôi đã từng viết về mùa thu, giờ mùa thu sắp tàn nhường bước cho mùa đông ngự trị, nên tôi sẽ nói về mùa đông cho công bằng- kẻo chúng kiện tôi thiên vị-.

Theo lịch thì mùa đông bắt đầu ngày 22.12 của năm trước, kết thúc vào 20.03 của năm sau. Miền Nam Việt Nam nằm gần đường xích đạo, nhiệt độ không khác biệt bao nhiêu nên gần như không có mùa đông đúng nghĩa đông. Nhưng xứ tôi sống hiện nay thì thời tiết thay đổi rõ rệt. Các người làm dự báo thời tiết so sánh những năm 1990 mùa đông trung bình +0,2 oC, đến năm 2020 trái đất ấm dần đã tăng +1,4 oC. Tháng 1, 2 cái lạnh khắc nghiệt nhất. Mỗi ngày vua mặt trời chỉ vạch mây ngó xuống nhân gian chừng vài tiếng, còn lại thì cả bầu trời chỉ một màu trắng đục hoặc xam xám, âm u khiến rất nhiều người bị bịnh”trầm cảm thời tiết”phải cầu cứu đến bác sĩ.

Tôi lục trong trí nhớ tìm thơ của các thi sĩ Việt viết về mùa đông. So các bài viết về mùa thu thì hơi ít. Sao vậy nhỉ? Có lẽ mùa đông ít thơ mộng trữ tình nên ít gợi cảm hứng– đây là thiển ý của tôi không biết đúng sai–. Mùa đông thường cho màu xám trắng, không sắc đỏ vàng của lá, xanh thẳm của không gian. Ở Việt Nam bầu trời không tuyết rơi, quá giá lạnh, cây trơ trụi chỉ còn cành khô khốc– có chăng ở miền Bắc được thú đi dưới mưa phùn– Miền Nam có gió bấc thổi qua được vài hôm là hết. Các nữ sinh chỉ kịp lôi áo len màu vàng chanh, mỡ gà, thanh thiên, lục lam, tím Huế, tím sen… làm dáng chưa kịp gây cảm hứng cho các thi nhân, các cây si đứng ngóng đợi góc sân trường nói lên nỗi lòng thì nhiệt độ đã nóng bức trở lại, đành xếp áo cất vào tủ đợi mùa bấc sang năm.

Lần giở lại quyển thơ Đường, ông Thôi Hộ đời Đường Đức Tông có làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt kể về chuyện một chàng trai nhân tiết thanh minh dạo chơi ở phía nam Đô thành, ngang qua trang viên cẩm lệ có bao nhiêu hoa đào nở. Đẹp quá nên lấy cớ vào xin nước uống, cơ duyên gặp tiểu thư đem lòng cảm mến.
Năm sau trở lại hy vọng gặp nàng, nhằm lúc cả nhà đi vắng cổng đóng then cài chỉ thấy hoa đào đùa cợt với gió đông. Thất vọng tưởng nàng đi lấy chồng chàng đề một bài thơ trên cánh cổng. Cô con gái trở về nhà xem thơ, nhớ thương sinh bịnh thời gian sau ốm chết. Chợt Thôi Hộ ngẫu nhiên lại đến, ôm thây khóc. Khiến nàng hồi tỉnh. Ông cha đem nàng gả cho chàng trai (tức Thôi Hộ?). Chuyện tình kết thúc có hậu.

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Đề Đô thành nam trang, Thôi Hộ)
Dịch nghĩa:
Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong
Hoa đào mặt ngọc gợn ánh hồng
Mặt người nay biết đi đâu vắng
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông
Thấy hoa đào–đồng nghĩa với tiết xuân đông. Thi hào Nguyễn Du dựa vào điển tích trên mà viết chuyện Kim Trọng trở về chốn cũ tìm Thuý Kiều, than ôi cảnh đã khác xưa
Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẻ vách mưa rả rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
( Kiều, Thơ Nguyễn Du )

—Từ câu chuyện hoa đào, tôi nhớ sang bài thơ Ông Đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua..
Ngày xưa mỗi dịp Tết, người ta thường thuê ông đồ viết câu đối để trang trí phòng khách. Dần dần, chế độ phong kiến bãi bỏ, chữ nho không được coi trọng, ít người thuê viết đối liễn. Ông đồ không còn ngồi bên phố hoa đào chờ người thuê viết chữ:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
( Ông đồ, thơ Vũ Đình Liên)

2/-
Tôi vẫn tìm ra mấy vần thơ trác tuyệt của các đại văn thi sĩ Việt Nam thuở xưa diễn tả tâm tư u uẩn trong cái sầu lạnh mùa đông qua lời lẽ thanh tao tinh tế, không kém phần lãng mạn:

*Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
Giải buồn chén rượu lúc sầu đông
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
Gió phẩy mưa băng giải mặt sông
( Mùa đông, thơ Ngô Chi Lan)

–Nữ sĩ Ngô Chi Lan biểu tự Quỳnh Hương, thường được gọi là Kim Hoa nữ học sĩ. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, là chị em họ với vua, cháu gái của Quang Phục Hoàng thái hậu. Bà là một trong những nữ thi sĩ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.

*Ông Đặng Trần Côn làm quan dưới thời Hậu Lê tiền bán thế kỷ 18 có viết Chinh Phụ Ngâm Khúc, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch theo thể thơ song thất lục bát:
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Tuyết mai trắng bãi phù dung đỏ bờ
(Phù dung lại đã bên sông bơ xờ)
( Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn. Bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm )

*Tương tự thể thơ song thất lục bát, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng sinh cùng thế kỷ 18 đời Hậu Lê, tả nỗi lòng nàng cung phi bị thất sủng. Nhưng thật ra ông đã mượn tình cảnh cung phi để tự nói lên thân phận mình:
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng trà mi trập trùng?
Chồi thược dược mơ mòng thuỵ vũ
Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu
Cành xuân hoa chúm chím chào
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai
( Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều )

*Đại thi hào Tố Như Nguyễn Du (thế kỷ 18- 19) than thở giùm cho Thuý Kiều, nếu biết sắp để chuộc cha phải bán mình cho Mã Giám Sinh – một phàm phu tục tử thì thà lúc trước hiến dâng tiết hạnh cho người tình xứng đáng, tức là Kim Trọng.
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi
( Kiều, Nguyễn Du)

*Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ với bài thơ Vịnh mùa đông:
Nghĩ lại thì trời vốn cũng sòng
Chẳng vì rét mướt bỏ mùa đông
Mây về ngàn Hống đen như mực
Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng
(Vịnh mùa đông, Thơ Nguyễn Công Trứ)
—Cụ có nhiều câu thơ tôi rất tâm đắc, như hai câu thơ nói lên chí khí bậc quân tử trong Vịnh Cây Thông:”Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nhất là hai câu mà tôi dùng làm kim chỉ nam cho cách sống thường nhật:
Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn
Dịch: Biết đủ là đủ, chờ đợi đủ bao giờ mới đủ
Biết nhàn là nhàn, chờ đợi nhàn bao giờ mới nhàn.

*Sang thế kỷ 20, thi sĩ Lưu Trọng Lư viết về mối-tình giữa người con gái có đôi mắt buồn vời vợi ngồi bên song cửa: 
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng
Với chàng trai đứng bên ngoài bờ tường, nhìn nhau hiểu nhau qua ánh mắt mà không cần bày tỏ tiếng yêu, bởi “có nói cũng không cùng” trọn một mùa đông. Rồi cũng như đàn sếu hết mùa ân ái nên sang sông, thì tình cũng vụt phôi phai theo thời gian:
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng

Qua hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi
Qua rồi mùa ân ái
Đàn sếu đã sang sông

Em ngồi bên song cửa
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa
( Một mùa đông, thơ Lưu Trọng Lư)
 
*Khi nhắc đến thi sĩ Nguyễn Bính là chúng ta nghĩ ngay đến Cô Hàng Xóm: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn”
Hay Những Bóng Người Trên Ga “Những cuộc chia lìa khởi tự đây/ Cây đàn sum hợp đứt từng dây…/… Những chiếc khăn mầu thổn thức bay/ Những bàn tay vẫy những bàn tay/ Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt/ Buồn ở đâu hơn ở chốn nầy”

Thật hiếm gặp bài thơ tác giả nhắc về mùa đông:         
Cơ giời định rớt cả mùa đông
Suốt chín mươi đêm xuống một lòng
Giấc bướm ngại sang đò bến lạnh
Không về với kẻ lẻ chăn bông
( Mùa đông nhớ cố nhân, thơ Nguyễn Bính)
 
*Biết chăng chị? Mỗi mùa đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn thấy lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng
( Đan áo cho chồng, thơ TTKH)
—Thi sĩ TTKH bí ẩn chỉ đăng có 4 bài thơ vào khoảng cuối năm 1937 ở Hà Nội rồi biến mất không để lại chút dấu vết nên gần 90 năm sau có rất nhiều giả thuyết đưa ra mà vẫn không ai biết tác giả là ai, nam hay nữ. Bài đầu tiên Hai Sắc Hoa Ti-gôn nổi tiếng nhất được nhiều người đem chế thơ trào lộng rất thịnh hành.
Nên hiểu hể bài thơ hay nhạc nào được công chúng đem chế lại thành trào lộng luôn là những bài quen thuộc phổ biến rất được yêu thích.

*Trong số các thi sĩ hiện đại- thế kỷ 20,21–những thi sĩ có nhiều bài thơ, câu thơ kiệt xuất được giới yêu thích thi ca thuộc nằm lòng–ở đây tôi kể vài bài thơ tiêu biểu họ viết liên quan đến mùa đông (không nhớ hết):
Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi, say với ai?…
Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi
Thoảng gió trà mi động mấy bông
( Đời vắng em rồi say với ai, thơ Vũ Hoàng Chương)

*Chiều mùa đông
Đốt ngọn lửa hồng
Ta đọc tập thơ sầu, cười với bóng
Khói thuốc xanh bay về hư không…
…Ôi những bước u hồn về ảo phố
Anh đã đi và tôi sẽ đi!
(Hoài niệm, thơ Đinh Hùng)

—Tôi đặt thơ hai thi sĩ kề nhau, vì cả hai sinh cùng thời chỉ chênh lệch 4 năm. Vũ Hoàng Chương sinh năm 1916, Đinh Hùng năm 1920. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cưới chị ruột thi sĩ Đinh Hùng, trở thành anh rể thi sĩ Đinh Hùng. Là các thi sĩ cự phách trong làng văn thơ, nhưng chưa bao giờ có nhà riêng và đều qua đời trong túng quẩn.

*Thi sĩ Cung Trầm Tưởng lưu lạc nơi trời Tây, diễn tả tâm trạng trĩu nặng nỗi buồn tiễn người yêu về quê giữa khung cảnh mùa đông rét mướt Paris ở ga Lyon đèn vàng:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris 
Suốt đời làm chia ly…

…ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…

…tàu em đi tuyết phủ
Toa anh lạnh gió đầy
Làm sao anh không rét
Cho ấm mộng đêm nay
Và mơ ngon trên khắp nẻo đường rày!
( Chưa Bao Giờ Buồn Thế, thơ Cung Trầm Tưởng)

*Cùng thời, thi sĩ Tô Thuỳ Yên:
Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
(Trường Sa hành, thơ Tô Thuỳ Yên)

Em hãy cho ta tin tưởng mãi
Những lời thề ngọt uống trên môi
Những đêm thừa gió trăng man dại
Những tháng mưa đông vắng mặt trời
(Một lần cuối khác, thơ Tô Thuỳ Yên)

*Em ngủ trong mùa đông
Cánh đồng tôi nước ròng
Em đi qua bến sông
Nhớ gì chăn gối cũ
Linh hồn tôi ăn năn
Về giữa ngày giá buốt
( Chẳng bao giờ dậy nữa, thơ Du Tử Lê)

—Các thi sĩ thời hiện đại tôi kể trên đều đã rời bỏ nhân gian, bước vào cõi vĩnh hằng mà chúng ta gọi họ là“người thiên cổ”cả rồi !

*Ngoại trừ vài thi sĩ còn tại thế như thi sĩ Hà Huyền Chi của “Đơn xin cưới anh thảo rồi lại xé/ Từng mảnh hồn anh nhầu nát so đo/ Bởi không muốn thấy người yêu nhỏ bé/ Một sớm nào thành goá phụ ngây thơ (Goá phụ ngây thơ)” cũng nhắc về mùa đông trong:
Em khóc nghìn chiều thành suối thành sông
Ta đau từng chiều tình xám mùa đông
( Gần nhau thật gần dù tình mãi xa, thơ Hà Huyền Chi)

—Hay trong mấy câu thơ nghe cái lạnh thấm cả hồn dù không nhắc đến hai chữ mùa đông:
*…Người đi mang cả hồn ta theo
Những sớm mù sương, những tím chiều
Những khuya trăng lạnh soi đời lạnh
Ta có gì ngoài núi quạnh hiu…
( Thăng trầm, thơ Hà Huyền Chi)
Thi sĩ sinh năm 1935, tại Hà Nội. Xuất thân trường Võ Bị Đà Lạt. Là nhà thơ, đạo diễn, diễn viên rất nổi tiếng ở miền Nam trước 1975. Là một trong các văn thi sĩ tiền bối hiếm hoi còn tại thế, mấy năm gần đây nguồn thi hứng vẫn còn phong phú, tiếp tục cho ra đời nhiều bài thơ tuyệt luân.

—Ông Phạm Thiên Thư là một thi sĩ từng đi tu(1964–1973) rồi hoàn tục. Hiện nay ông sống tại Saigon. Thơ của ông vừa có nét thiền vừa trữ tình một cách nhẹ nhàng thanh thoát, thể hiện nhiều nhất trong trường thiên lục bát Động Hoa Vàng:
*…Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông…
…Gầy em vóc cỏ mây dời
Tay em mai nở chân trời tuyết pha…
…Đất nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông…
…Bông hoa trắng rụng bên đường
Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng 
( Đưa em tìm động hoa vàng, thơ Phạm Thiên Thư)

—Bài thơ Em Lễ Chùa Này thi sĩ viết dựa vào câu chuyện buồn có thật của một vị sư kể lại khi ông còn là chú tiểu thì có 1 cô bé hay đi chùa, chú tiểu là người đánh chuông cho cô bé. Đến cuối năm đó cô bé bịnh chết.
*Vào mùa đông- cùng em đi lễ
Lễ chùa này- một thoáng mưa bay…
…Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa-trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa-tơ óng như mây
( Em lễ chùa này, thơ Phạm Thiên Thư)
Các bài thơ trên đều được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc được mọi giới công chúng yêu thích, sẽ thiếu sót nếu quên nhắc bài Ngày Xưa Hoàng Thị…

***Tôi bắt đầu bài tản mạn nầy từ hơn 1 tuần nay, đề tài về mùa đông nên tôi tìm các bài thơ liên quan đến mùa này. Tôi chọn bốn câu thơ của Đại Hoà Thượng, thi sĩ, thiền sư Thích Tuệ Sỹ để mở đầu cho bài viết, định sẽ đưa nguyên vẹn cả bài thơ vào cuối bài thì ngày 24.11.2023 nhận hung tin Thầy đi về cõi Phật, được M.K. gởi pdf tập kỷ yếu Tri Ân Hoà Thượng do hội đồng Hoằng Pháp ấn hành. Bàng hoàng tiếc thương vô cùng! Tôi định viết cảm xúc của mình về Thầy mà “văn dốt vũ dát” quá không biết có đủ khả năng ???

Thanh Hà, 28.11.2023




2 nhận xét:

  1. Bài viết TH thật công phu và nhiều xúc cảm! Chữ nghĩa đáng quý vô cùng trong những ngày tháng này.
    HT Thích Tuệ Sỹ vưa ra đi, nay lại đến nhà văn Nguyễn Đình Toàn...

    Tất cả chỉ là vô thường. Tất cả không phải những gì chúng ta mang đi, mà những gì chúng ta để lại. Dù chỉ là một hạt bụi..!

    Thân mến,
    NNH

    Trả lờiXóa
  2. TH cám ơn Thầy Hoàng đã có nhận xét về bài viết của TH.
    Sự ra đi của Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ và nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã để lại một khoảng trống to lớn cho những người còn ở lại, một thiếu hụt mất mát vô cùng đối với nền văn hoá VN!

    Lại một trùng hợp, là TH sắp viết về nhà văn Nguyễn Đình Toàn vào bài kế tiếp (vì liên quan đến chủ đề). Mượn lời ca của NS Trịnh Công Sơn, thay đổi vài từ cho phù hợp với cảm xúc: “từng Nhân Tài bỏ ta đi, như những giòng sông Đầy…”

    Nhờ Thầy chuyển lời TH thăm Kim Hoa với Thầy nhé. Chúc gia đình thầy luôn bình an vui mạnh. Thanh Hà

    Trả lờiXóa