Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Tản Mạn Khúc Ca Mùa Đông - Phần 2

Tản Mạn của Thanh Hà


Trong khu vườn âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có hàng ngàn ca khúc viết về mùa đông & Giáng sinh thật hay. Tôi lục lọi sưu tầm một số bài phổ biến tiêu biểu mà chắc chắn nhiều người thuộc nằm lòng. Có những bài ca sĩ vừa cất giọng lên, giật mình tưởng đâu nhạc sĩ viết giùm cho nỗi niềm riêng.

Rất nhiều ca khúc mùa đông thật ý nghĩa, tiếc tôi không thể kể hết trong một bài viết ngắn, chứ không phải những bài hát đó không hay. Thành tâm tạ lỗi với các nhạc sĩ.

Người ta nói âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế, quả không sai. Chỉ nghe giai điệu cung đàn vang lên cũng cảm nhận được bằng mối giao cảm đặc biệt mà không cần hiểu lời, rằng bản nhạc diễn tả niềm vui hạnh phúc, buồn sầu đau khổ, hùng tráng, bi kịch, dân ca, hát ru…
Điều thú vị mà công chúng rất thích khi khám phá, là gần như mỗi một bài hát ra đời đều có câu chuyện kèm theo: vì sao nhạc sĩ viết bài ấy, trong hoàn cảnh, tâm trạng nào, nhân vật “bí ẩn” nào..v..v..theo những gì tôi đọc thì những ca khúc “ruột, thành công nhất”của mỗi nhạc sĩ đều là những câu chuyện thật của đời họ. Cho nên mới có sức truyền cảm mạnh mẻ lay động hằng triệu trái tim thính giả vậy.

1/-
*Một trong những bản nhạc trở thành bất hủ, trường tồn với thời gian, đầu tiên phải nhắc đến bài Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác từ năm 1939, thời bắt đầu cho nền tân nhạc VN nghiêng theo giai điệu phương Tây. Bài hát trải qua 84 năm đến tận bây giờ vẫn được yêu thích, đón nhận–nhất là những người sống tha hương thì càng thấm thía hơn ai hết–
Chiều chưa đi màn đêm buông xuống
Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời…

…Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu!…

Nhạc sĩ xứ Huế kể rằng mùa đông năm 1939 ông đang học ở Hà Nội, gia đình gặp khó khăn không có tiền gởi cho ông mua vé về quê ăn Tết. Đêm 30 ông buồn lang thang khắp phố phường, đi ngang ga Hàng Cỏ. Nhìn xe lửa rời ga, theo quán tính ông đi bộ về hướng Nam. Tiếng còi tàu rúc lên rồi xa dần càng khiến ông nhớ nhà da diết. Đến phố Khâm Thiên nơi có nhiều nhà hát ả đào, cả dãy chỉ còn 2 nhà mở cửa. Đến nhà thứ nhì có một ca nhi bước ra đón khách. Thấy ông chỉ là 1 thanh niên tuổi đôi mươi, ăn mặc lôi thôi nghèo kiết thất vọng nên cô quay trở vào, vừa soi gương treo cạnh cửa vừa đưa cánh tay trần vuốt nhẹ mái tóc. Ông tiếp tục đi mãi trên phố không người cho đến lúc giao thừa mới quay về gác trọ. Buồn bả, cô độc ông đã viết lên ca khúc tả tâm trạng của chính mình, và hình ảnh cô ca nhi còn hằn in tâm trí:
…Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…

Có hai người bạn tâm sự tôi nghe cùng câu chuyện liên quan đến khúc ca nầy. Hơn ba mươi năm trước, người bạn thứ nhất kể rằng thời gian bạn đi du học trời Tây; cuối tuần nhằm vào ngày giao thừa tết âm lịch tuyết giăng đầy trời, bạn học về hết, không người thân thích bạn đi lang thang ngoài đường nhớ nhà, vừa hát lầm thầm bài Đêm Đông vừa khóc nước mắt ướt đẫm mặt không buồn lau.
Ba mươi năm sau, người bạn thứ hai cũng trong hoàn cảnh y hệt. Trở lại trường đại học, làm lại cuộc đời từ đầu nơi viễn xứ. Bạn cũng đi lang thang trong màn đêm giá buốt vào đêm Tết không người thân thích, cũng khe khẽ hát bài Đêm Đông, cũng không muốn khóc nhưng nước mắt tự dưng chảy…
Giờ tôi ngồi viết trong không gian im ắng tuyệt đối không một tiếng động, mai là ngày tưởng niệm 10 năm chồng mất, bên ngoài tuyết phủ trắng mái nhà đường phố, tâm trạng cũng không khá gì.
…Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng…

Bốn câu cuối là ước mong tha thiết của tác giả, hai chữ đêm đông lập đi lập lại nhiều lần trong suốt bài hát, nghe mà…đứt ruột :
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà

Theo lời nhạc sĩ, lúc bản nhạc ra đời thì chỉ có mấy điệu Tango, Valse, Foxtrot, sau năm 1950 mới có thêm điệu Slow Rock. Cô ca sĩ Bạch Yến đổi bài hát từ điệu Tango sang Slow Rock cho phù hợp với tâm tư buồn nhớ sâu lắng hơn, nhạc sĩ rất cám ơn ca sĩ đã khiến bài hát càng thêm thành công vượt thời gian.

2/-
Những ngày cuối tháng 11.2023 chúng ta chưa kịp nguôi nỗi tiếc thương Hoà
Thượng Thích Tuệ Sỹ rời cõi tạm thì vài ngày sau lại đón nhận thêm tin buồn văn, thi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng nối gót ra đi! 
Ngày xưa tôi có đọc truyện Giờ Ra Chơi, Áo Mơ Phai… của ông. Nhưng ở đây tôi chỉ xin nhắc về nhạc.
Ngoài tiểu thuyết ông có làm thơ, kịch và viết nhạc. Trong số đó có hai ca khúc Tình khúc thứ nhấtEm đến thăm anh đêm ba mươi ông viết lời cho nhạc Vũ Thành An. Hai ca khúc nầy có liên quan đến nhau. Ngoài ra nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn còn viết bài Saigon niềm nhớ không tên hay Nước mắt cho Saigon năm 1979, chấn động lòng người hoài cổ.

Nhạc sĩ Vũ Thành An đã kể lại sự ra đời của 2 ca khúc như sau: Nhạc sĩ (NS) có quen một người con gái, cô nhiều lần nói NS hãy viết 1 ca khúc để kỷ niệm mối tình của hai người, nhưng ông cứ lần lữa hoài. Cho đến lúc cô khóc, hỏi bộ ông không yêu cô sao mà không chịu viết. Nên một chiều xuân 1965 ông bắt đầu viết trong đó có câu”bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở…”
NS đưa bài hát cho văn sĩ (VS) Nguyễn Đình Toàn xem vì hai người cùng làm việc chung tại Đài Phát Thanh Saigon. VS nói sẽ viết lời cho bài hát ấy và cũng chính VS Nguyễn Đình Toàn hát lần đầu trên Đài trong chương trình Nhạc Chủ Đề do VS phụ trách, ngay lập tức được thính giả tán thưởng nồng nhiệt.

Tôi lúc ấy chỉ là cô bé 15, 16 tuổi “biết” ông qua ca khúc Tình Khúc Thứ Nhất mà đến tận bây giờ mỗi khi một mình “thèm hát” thì” Tình vui theo gió mây trôi/ Ý sầu mưa xuống đời/ Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi/ Mấy tuổi xa người…(Tình Khúc Thứ Nhất)” tự động bật ra cách tự nhiên, vô thức như thể lúc nào nó cũng nằm núp sẵn đâu đó, chực chờ cơ hội là “nhảy vọt” ra khỏi môi vậy.
Một cô bé 15,16 tuổi thì vốn sống có là bao, hãy còn quá thơ ngây khờ khạo chưa hề trải qua một lần nếm trải khổ hạnh thế mà đã “cảm nhận” những ca từ đẹp như mơ, lấp lánh sắc màu thần tiên –hay bởi tôi vốn yêu thích truyện cổ tích nên tâm hồn tôi đón nhận dể dàng?–
Nhưng sao trọn bài hát, từng câu từng chữ đều phảng phất sự gãy đổ, vương vất những tan tác chia xa? Trong niềm vui đã có mầm mống thiên tai, trong hạnh phúc đã len lỏi ý sầu nuôi suốt đời?

Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi…
…Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài…

Cho nên, cần phải: Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…
…Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây…

Bởi: Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền…

Thế rồi: Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường…
…làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
 (Tình Khúc Thứ Nhất, nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn)

Những năm học trung học, giáo sư dạy Quốc văn có cắt nghĩa mấy câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh: 
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé…
…Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau…lơ lửng…với nghìn xưa
( Ngập ngừng, thơ Hồ Dzếnh)
Lúc ấy tôi quá ngạc nhiên không hiểu sao tác giả bảo vậy, cho rằng chắc ông thi sĩ nầy lập dị. Nhiều năm sau tôi mới ”ngộ”vì sao.

—Sau khi Tình Khúc Thứ Nhất ra đời thì NS Vũ Thành An tình cờ đọc trong tập thơ của VS Nguyễn Đình Toàn bài Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi, có câu “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em” khiến V.T.An liên tưởng đến chiếc ghim (broche) hình chiếc lá mà bạn gái thường cài lên áo, nên ông mượn lời bài thơ viết tiếp nhạc phẩm Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi:
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…

…Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết…

Tình yêu của đôi bạn trẻ trong sáng thanh khiết quá. Niềm vui giản đơn Cảnh hoà điệu với Tình “trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết”. 
Nhưng rồi trong nỗi rộn ràng tình yêu đã bắt đầu xuất hiện những phôi pha tan vỡ:

Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa…

…Đá buồn chết theo sau ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau
( Em đến thăm anh đêm 30, nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn)

Đối với tôi, lời thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn hoà hợp vào điệu nhạc Vũ Thành An quá xuất sắc, nâng ca khúc lên tầng cao nhất của cảm xúc người thưởng thức.
Trong bài không có chữ nào nói về mùa đông, nhưng tôi thấy Tết âm lịch rơi vào tháng 1 hoặc 2, tức vẫn còn mùa đông nên tự ý ghép bài này vào chung chủ đề.

3/-
Có một nhạc phẩm trữ tình không kém, sáng tác vào năm 1947 tức đã 76 năm: Em đến thăm anh một chiều mưa của nhạc sĩ Tô Vũ. Nói thêm, ông là em trai của nhạc sĩ Hoàng Quý, rất nổi tiếng với ca khúc Cô Láng Giềng (viết năm 1943) mà ai ai cũng đều biết*

*Tôi“nhiều chuyện” một chút. Nhạc sĩ Hoàng Quý (hay Quí) viết ca khúc này dành tặng cho 1 ca sĩ nổi danh hát hay xinh đẹp thời đó là Hoàng Oanh–không phải cô Hoàng Oanh hiện nay–lúc ông phải tạm rời quê hương Hải Phòng đến Sơn Tây làm việc. Rồi thời gian xa cách vì quá nhớ nhung cô ca sĩ nên ông bỏ việc quay trở về. Sau đó ông xin hỏi cưới cô Hoàng Oanh được sự đồng thuận của hai bên gia đình. Nhưng đau đớn thay, chưa kịp tổ chức đám cưới thì nhạc sĩ lâm bệnh hiểm nghèo và mất lúc mới 26 tuổi (năm 1946).
Ông Tô Vũ thêm rằng anh ông viết chỉ đến đoạn niềm vui sắp gặp người yêu là ngưng:
Cô láng giềng ơi
Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi
Chân bước vui bên bờ đường quê
Em có hay chăng giờ tôi về ( Cô Láng Giềng, nhạc Hoàng Quý).

Nhạc sĩ Tô Vũ thấy viết chỉ chừng ấy thì nghe “chưa đã”nên đề nghị để ông viết thêm lời, hư cấu cho sầu thảm lôi cuốn hơn. Được anh ông đồng ý, ông Tô Vũ viết thêm lời 2, chứ “cô láng giềng” ngoài đời không có phụ bạc nhạc sĩ . Thật là nỗi oan Thị Kính cho người con gái! 
Thật vậy ông Tô Vũ có lý, nhờ có thêm đoạn sau mà ca khúc đã gây xúc động cho biết bao người. Ông hư cấu thêm rằng khi chàng trai về tới trước ngõ thì nghe vang tiếng pháo đốt tiễn người yêu đi lấy chồng:
Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo…
…Tôi biết người ta đón em tưng bừng…
…Cô láng giềng ơi
Nay mối duyên thơ đành lỡ rồi…

Ối! tôi đã lạc đề quá xa rồi–Tôi còn định trích thêm lời nhạc nữa, nhiều chuyện quá🤪. 
Trở lại với nhạc sĩ Tô Vũ– tên thật là Hoàng Phú–. Bản nhạc được viết theo câu chuyện có thật của chính ông. Thời gian do công việc yêu cầu ông sống trong 1 nơi vắng vẻ ở miền quê cùng phòng với 2 đồng nghiệp, cả ba người có dịp quen biết với ba cô gái cách đó 8 km, phải qua một con sông. Một ngày mùa đông mưa gió, hai người bạn ông đi vắng, ông đang ngồi buồn nhìn mưa rơi, thình lình 1 trong 3“người em gái hát hay” đến thăm. Niềm vui vỡ oà, hai người ngồi trò chuyện ngắm mưa rất tình cảm.
Dư âm của buổi gặp gỡ xui ông viết nên ca khúc với tình cảm bồi hồi tha thiết:
Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều…
…Em đến thăm anh chiều đông giá
Em đến thăm anh trời mưa gió
Đường xa lạnh lùng…
Niềm cảm xúc dâng trào, nhưng hai người chỉ nắm tay, nhìn nhau mà không thốt nên lời(!)
Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu
Lời nghẹn ngào, hồn anh như say như ngây, vì đâu?
Gió đưa cánh chim trời
 Đó đây cách xa vời…

Tác giả biết giây phút gặp gỡ chỉ là thoáng chốc, hợp đó rồi sẽ tan mau:
Dẫu khăng khít đôi lòng
Chiều nào em xa anh…
…Có hay lúc đêm về
Gót chân bước reo âm thầm
Trên đường một mình ngoài mưa
Mưa như mưa trong lòng anh…  

Cuộc gặp gỡ bất ngờ khiến trái tim nhạc sĩ bồi hồi. Nhưng lúc tiễn cô gái ra về nhạc sĩ chỉ biết nhìn theo gót chân”em”rồi thầm ước ao phải chi cô ấy quên đường về:
Lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh
Ta ước mơ một chiều thêu nắng
Em đến chơi quên niềm cay đắng
Và quên đường về…
( Em đến thăm anh một chiều mưa, nhạc Tô Vũ)
 
Nhạc sĩ kể rằng: câu chuyện về “người em gái” chỉ dừng lại ở kỷ niệm”em đến thăm anh một chiều mưa” là hết, không giải thích gì thêm. Thế là không có hậu truyện.
( còn tiếp)

Thanh Hà
Dec.2023



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét