Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Tản Mạn Khúc Ca Giáng Sinh - Phần 3

 Tản Mạn của Thanh Hà 


1/-
Mùa đông tháng 12. Cũng là mùa Giáng sinh, mừng Chúa Jésus ra đời cách nay hơn 2000 năm ở Bethléem, cách Jérusalem 10km. Tôi thử tìm các ca khúc liên quan đến chủ đề này. Đầu tiên phải nhắc đến hai nhạc sĩ:
Nguyễn Vũ với ca khúc Bài thánh ca buồn
Đài Phương Trang với Hai mùa Noel.

Có giai thoại thú vị về hai nhạc sĩ với hai bài hát nổi tiếng trên. Trong lần trả lời phỏng vấn của Jimmy Show– một thanh niên còn rất trẻ có các phẩm chất về tài năng, kiến thức lẫn đức độ–nhạc sĩ Đài Phương Trang kể mỗi khi có dịp gặp nhau thì nhạc sĩ Nguyễn Vũ thường nói đùa với mọi người rằng:”ông Đài Phương Trang là đối thủ của tôi đó nhé”. Bởi ns Nguyễn Vũ sáng tác Bài Thánh Ca Buồn rất nổi tiếng được mọi người yêu thích thì ns Đài Phương Trang cũng có một bài về giáng sinh nổi tiếng ngang ngửa, là Hai Mùa Noel. Rất nhiều người lầm tưởng Hai Mùa Noel là của ns Nguyễn Vũ, thậm chí trung tâm nhạc tăm tiếng ở Mỹ còn giới thiệu khi ca sĩ trình diễn bản đó là của ns Nguyễn Vũ. 

a/-Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể sự ra đời của nhạc phẩm trên. Lần đó ông đến dự thánh lễ ở Nhà Thờ Đức Bà Saigon, vô tình thấy một chàng thanh niên cao đẹp, ăn mặc rất thanh lịch đang đứng bên ngoài nhà thờ, dáng bồn chồn cặp mắt hướng nhìn xa xa thỉnh thoảng vén tay áo nhìn đồng hồ. Đoàn người đông đúc lũ lượt tiến vào bên trong giáo đường mà anh chàng vẫn đứng ở gốc cây, đích thị là chờ ai. Hình ảnh đó đã đập vào mắt nhạc sĩ ở giây phút đầu tiên, tan lễ trở ra thấy chàng thanh niên vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ. Ông đi ngang, không nén tò mò khẽ nhìn chàng trai, thấy gương mặt càng buồn bã hơn khiến ông cám cảnh. Về nhà hình ảnh ấy cứ lởn vởn trong đầu ông không rời. Nhân mùa Noel năm 1972, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Giám Đốc nghệ thuật băng dĩa Continental nơi Đ.P.Trang cộng tác yêu cầu ông sáng tác 1 bản nhạc chủ đề Noel, hình ảnh chàng trai gợi cảm hứng, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ ca khúc Hai Mùa Noel ra đời, với tiếng hát ca sĩ Anh Khoa.

Một kết thúc có hậu–A, tôi luôn thích những câu chuyện kết thúc có hậu như trong cổ tích–. Hai tuần sau khi bài hát được phổ biến, thì ông nhận được bức thư ẩn danh gởi cho ông nhờ nhà phát hành chuyển. Nói rằng nhờ ca khúc Hai Mùa Noel mà anh đã giảng hoà với người yêu do hiểu lầm đã giận không đến nơi hẹn. Ông linh cảm đó chính là chàng trai đứng dưới gốc cây ở Vương Cung Thánh Đường nên đề nghị cuộc hội ngộ, thì quả đúng là người thanh niên ấy. Ông rất vui là ca khúc của mình đã mang hạnh phúc cho họ. Hai bên giữ liên lạc nhau, thời gian sau họ mời ông dự lễ cưới.
 
Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu
Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh van cầu…
Nhìn nhau không nói nên câu
Vì biết nói nhau gì đây
…Rồi Noel qua chúng ta chia tay giã từ
Hẹn nhau năm tới khi giáng sinh về muôn nơi
Mình trao cho nhau hoa lồng nhẫn cưới thiệp hồng
Dìu nhau xem lễ đêm đông
Bên nhau muôn đời em ơi

Thế mà vì chút hiểu lầm của tuổi trẻ tuy đắm say nhưng bồng bột, nàng giận không đến xem lễ. Nhưng nhạc sĩ đã đổi vị trí hai người trong bản nhạc cho cảm động hơn:
Nhưng nay mùa Noel đến rồi
Từng đêm em thức nguyện cầu…
…Nơi xưa mình em đứng, không thấy bóng anh đâu…

…Nửa đêm tan lễ, bước em bơ vơ trở về
Chợt nghe nước mắt rơi ướt trên bờ môi khô
Rồi Noel qua bao mộng ước cũng xa rồi
Gặp nhau chi để thương đau
Yêu nhau chi rồi xa nhau
(Hai Mùa Noel, nhạc Đài Phương Trang)

May nhờ nghe ca khúc giống tâm trạng hai người, nên cô gái hết giận, tình yêu kết thúc bằng đám cưới tốt đẹp*
*Mấy chục năm sau, thời cuộc đổi thay ông mất dấu. Giờ không biết họ còn sống hay mất, ở phương trời nào. Cầu mong cho họ mãi hạnh phúc trăm năm!

b/-Bài Thánh Ca Buồn cũng ra đời vào cuối năm 1972 nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác, hãng dĩa Sơn Ca phát hành– cũng do nhạc sĩ đại tá Nguyễn Văn Đông giám đốc nghệ thuật, ca sĩ Thái Châu hát đầu tiên. Nhạc viết về tình yêu đôi lứa tuy tựa là Thánh Ca.
Nhạc sĩ gốc Hà Nội, thời thơ ấu sống ở Đà Lạt kể rằng lúc ông là cậu bé 14 tuổi, có một thiếu nữ rất xinh ngoan đạo hay đi ngang nhà ông để đến lễ ở nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), vì thế mà ông “chịu khó” đi lễ mục đích là để được gặp nàng,”một thiếu nữ tóc xoã vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên”,”lầm lũi làm cái đuôi ba tháng trời mà một lời bẻ đôi cũng không dám thốt. Lòng thành chỉ được hưởng chút ân huệ cỏn con: được biết cô tên Th., lớn hơn ông 2 tuổi”.

Một lần tan lễ Giáng sinh thì trời đổ mưa, ông theo chân cô gái nép vội vào hiên một ngôi nhà trú mưa. Cả hai chỉ cách nhau một…gang tay mà không trao đổi với nhau câu gì. Từ ngôi nhà gần đó, vẳng lên giai điệu bài Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night)lời Việt Hùng Lân hoà lẫn tiếng mưa rơi: 
Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Đất với trời, se chữ Đồng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…

Bỗng cô Th. đưa tay hứng giọt mưa và khẽ hát theo. Giọng hát cô Th.buồn da diết khiến ông”lặng người, hết sợ quê, ông bèn đưa tay khẽ vuốt nhẹ lên…những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm Th, cô quay sang nhoẻn cười nói: Cám ơn nghen! Mưa tạnh, người trong mộng khuất dạng mà “thằng con trai 14 tuổi” vẫn còn đứng ngẩn ngơ như thể “một nửa hồn tôi mất”.
Ba ngày sau, gia đình ông chuyển vào Saigon, thế là hết. Tâm trạng ông như đánh mất vật gì quý giá. Từ đó hể mỗi lần nghe bài Silent Night là ông nhớ lại ánh mắt nụ cười tựa thiên thần của “người ấy”.
Mãi 14 năm sau, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đề nghị ông viết nhạc Giáng sinh thì những kỷ niệm cũ tưởng lãng quên theo giòng thời gian bỗng nhiên sống dậy, nên chỉ trong gần 2 tiếng đồng hồ ông đã ký âm xong bài hát – nhạc sĩ Đài Phương Trang viết Hai Mùa Noel cũng chỉ 2 tiếng đồng hồ, sao mà nhiều cái trùng hợp quá vậy–

Cả hai ca khúc của hai nhạc sĩ đều được mọi giới yêu thích, đã 55 mùa Giáng sinh mà hai ca khúc trên vẫn vang lên đều đặn khắp nơi. 
Bài thánh ca đó còn nhớ không em

Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp đôi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…

Cùng nhau quỳ dưới trần Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mang buồn…

…Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo bay sau…
…Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu…

Tuy nhiên, ông nói ca khúc có vài chỗ bị sửa sai lời. Chẳng hạn, lời gốc: “Rồi một chiều áo trắng THAY màu, em qua cầu xác pháo theo sau” thì bản in mới, và các ca sĩ trẻ đổi :”Rồi một chiều áo trắng PHAI màu”, làm thay đổi ý nghĩa ông muốn nói. Bởi ông định nói”áo trắng thay màu, nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày xưa nay đã thành áo màu khác, hoặc có thể là màu áo cưới”. 
Ông còn đùa tếu:”áo trắng phai màu thành màu cháo lòng à!”

Ngoài ra, ở đoạn cuối có câu:”Rồi những đêm THẾ TRẦN đón Noel” thì bị sửa lại:” Rồi những đêm THÁNH ĐƯỜNG đón Noel”. Ông viết Thế Trần là vì lễ Noel không chỉ dành riêng cho người có đạo Thiên Chúa, mà đã trở nên lễ hội lớn chung cho tất cả mọi sắc dân, mọi tầng lớp xã hội, mọi quốc gia rồi.
Ông mong muốn mọi người tôn trọng lời bài hát, hát đúng ca từ*
Rồi những đêm thế trần đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi

*Tôi lại nói ngoài đề một chút. Thỉnh thoảng tôi nghe ca sĩ tự động sửa ngôi thứ trong một bài hát, thí dụ ANH thành EM, EM thành ANH; biện luận là để cho phù hợp với người hát nam hoặc nữ, thì dù tôi có ngưỡng mộ giọng của ca sĩ ấy, có yêu thích nhạc phẩm ấy nhiều bao nhiêu tôi cũng tắt nhạc chuyển sang nghe bài khác vì ngao ngán. Tôi hiểu cảm giác của tác giả khi tác phẩm của mình bị người khác tự ý đổi lời gốc. Chẳng khác gì đứa con(tinh thần) mình rút gan ruột sinh ra mà thiên hạ cứ tự tung tự tác nắn sửa gọt giũa làm thay đổi ý nghĩa điều mình chất chứa truyền tải.

Tôi từng nghe vài nữ ca sĩ nổi tiếng hát bài Bao Giờ Biết Tương Tư, sửa chữ Em thành chữ Anh trong đoạn dưới đây– mà “Tôi”đích thị là chàng trai mới có gan đứng chờ đợi nàng dưới mưa, chứ hiếm khi có chuyện ngược đời nàng hứng mưa để chờ chàng, nghe gượng ép thế mà họ vẫn hoán vị ngôi thứ được, hay thật.
Ngày nào cho tôi biết
Biết yêu Em rồi tôi biết tương tư ( bị đổi thành Anh)
Ngày nào biết mong chờ
Biết rộn rã đợi Em dưới mưa (đổi thành Anh)
(Bao Giờ Biết Tương Tư, nhạc Phạm Duy)

Một thí dụ khác, là bài Chiếc Lá Cuối Cùng của nhạc sĩ Tuấn Khanh, lời gốc ông viết là:
Đêm QUA CHƯA mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ CHỞ mùa sang…

Nhưng nhà xuất bản lại in sai:
Đêm CHƯA QUA mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ TRỞ mùa sang
Thế rồi mọi người kể cả nhiều ca sĩ cứ đó mà hát sai đến tận bây giờ.

Một ca khúc về Giáng sinh khác của nhạc sĩ đại tá VNCH Nguyễn Văn Đông Một Mùa Sao Sáng:
Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời
Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui
Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la
Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam…

…Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi sao
Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn người Việt càng thương nhau hơn
Đất nước nầy đây sáng đức tin Chúa trên trời cao
( Mùa Sao Sáng, nhạc Nguyễn Văn Đông )

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết rất nhiều ca khúc tân nhạc. Có ca khúc lời giản đơn dể hiểu mà sang trọng như bài Mùa sao sáng, Bóng nhỏ giáo đường…những bài tình ca khiến lòng bâng khuâng thổn thức:
Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người*
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ…( Nhớ một chiều xuân)

Còn hầu hết đều đặt lời dựa theo điển tích, ý thơ cổ rất thâm trầm, tuyệt hay như trong Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp, Dạ sầu… -mà ông lấy tên Phượng Linh-…
Tôi đặc biệt yêu thích Chiều mưa biên giới, Thương về mùa đông biên giới (sẽ trở lại với bài hát này sau)
*Tôi từng chứng kiến chỉ một câu “chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người” mà vực dậy một chuyện tình đã chấm dứt của hai người bạn! 
Để thấy âm nhạc có sức mạnh mãnh liệt tác động vào tâm hồn người ta như thế nào.

2/-
Có hàng trăm bài nhạc ngoại quốc về Giáng sinh nổi tiếng toàn thế giới, có tuổi đời 1,2 thế kỷ vẫn luôn thịnh hành qua mọi thời đại, ai ai cũng đều biết 
a/-kể cả trẻ em như bài Jingle Bells. Đoản khúc vui tươi với âm thanh chuông leng keng đơn giản có tuổi đời gần 200 năm, dù thật ra là bài hát dành cho Ngày Lễ Tạ Ơn–Thanksgiving–chứ không có chữ nào nói về Noel thế nhưng không thể thiếu, như mùa Giáng sinh thì phải có ông già Noel, tuần lộc mũi đỏ Rudolph, cây thông, nến, quà cáp.
 
Jingle bells, jingle bells, jingle all the way
Oh,what fun it is to ride
In a one horse open sleigh…

Bài hát này đầu tiên tên One Horse Open Sleigh (Một con ngựa trượt băng) của ông James Pierpont người Mỹ, lúc nhỏ từng hát và chơi phong cầm cho ca đoàn nhà thờ.
Nhạc sĩ Trường Kỳ dịch lời Việt:
Mừng ngày Chúa sinh ra đời/ Nào cùng nắm tay tươi cười/ Hoà bình đến cho muôn người/ Cùng cất tiếng ca mừng vui…
….Đêm Noel đêm Noel ta hãy cùng vui lên
Đêm Noel ơi đêm Noel, ơn trên ban lành cho trần thế
Đêm Noel chuông vang lên chuông giáo đường vang lên
Đêm Noel đêm Noel ta hãy chúc nhau an bình.

Bài hát nầy tôi được nghe lần đầu là do Giáo sư Trương Tấn Vĩnh dạy Anh văn lúc học đệ thất hay đệ lục (lớp 6,7). Dịp cuối năm dương lịch Thầy dạy chúng tôi hát bằng tiếng Anh. Lời lẽ cùng âm điệu vui tai nên tôi rất thích thú nhớ hoài. Dành một phút tưởng niệm đến người Thầy cũng là người chú hiền lành đã yên nghỉ nơi cõi xa.

b/-Một bài hát về Giáng sinh khác xuất xứ từ Nam Mỹ Puerto Rico, nhạc sĩ José Feliciano viết bằng hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, Feliz Navidad bằng những điệp khúc đơn giản dể nhớ. Bài hát viết theo thể nhạc pop thịnh hành ở Mỹ, Canada và các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Feliz Navidad/ Feliz Navidad/ Feliz Navidad
Prospero Ano y Felicidad

I wanna wish you a Merry Christmas ( 3 times)
From the bottom of my heart

c/- Một bài hát của Anh từ thế kỷ 16: We wish you a Merry Christmas, điệu nhạc tiết tấu vui tươi, với lời chúc Giáng sinh và năm mới an lành hạnh phúc được khắp thế giới yêu chuộng. Theo truyền thống người Anh, vào đêm Giáng sinh những giáo dân tặng bánh (pudding) cho các người hát thánh ca trong buổi lễ. 

We wish you a Merry Christmas (3 times)
And a Happy New Year

Good tidings we bring to you and your kin
We wish you a Merry Christmas and Happy New Year
Oh, bring us some figgy pudding (3 times)
So bring it’s right here…

d/-Một ca khúc Áo đã có từ 200 năm, được dịch ra hơn trăm ngôn ngữ Silent Night: Đêm Thánh Vô Cùng rất quen thuộc với người Việt được nhiều nhạc sĩ dịch lời Việt, trong đó được biết đến nhiều là của nhạc sĩ Hùng Lân với tiếng hát ca sĩ Thái Thanh; và bản kia do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ca sĩ Hoàng Oanh trình bày.
Nhiều người vẫn tưởng là của một trong các nhạc sĩ thiên tài Áo như Haydn, Mozart, Beethoven sáng tác. Cho đến khi tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr, ông ghi : nhà soạn nhạc: Franz Xaver Gruber, (lời là của “thầy Sáu” nhà thờ Joseph Mohr) thì mọi tranh luận mới ngưng.

Giai thoại kể rằng ông Mohr thích làm thơ. Có thời gian vùng núi tuyết phủ trắng xoá, trong không gian yên tỉnh, tức cảnh sinh tình ông sáng tác bài thơ tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” Có nghĩa “Silent Night! Holy Night!”.
Sau ông chuyển đến nhà thờ St.Nicholas ở Salzbourg (quê hương của Mozart). Noel 1818, cây piano của nhà thờ bị hư, cha Sở định cho ca đoàn hát cùng tiếng đàn giutar. Ông Joseph đưa bài thơ năm xưa từng làm đề nghị ông Franz Gruber là người chơi đàn cho nhà thờ soạn giai điệu. 
Nửa đêm, thay vì nghe tiếng đàn piano hay đại phong cầm chơi những khúc nhạc quen thuộc thì giáo dân được nghe tiếng guitar tấu lên giai điệu nhẹ nhàng lan toả trong không gian tĩnh lặng thiêng liêng, nghe như tiếng vọng từ trời. Người nghe”chợt thấy lòng từ bi bất ngờ”, mọi tị hiềm thù hận biến mất, chỉ còn sự thanh thản bình yên, thương yêu nhân loại.

Bản nhạc còn mất nhiều năm đi lòng vòng qua tay nhiều người, biểu diễn nhiều nơi chẳng hạn cho vua Phổ nghe, tại khuôn viên nhà thờ Trinity, New York..v..v.sau cùng dịch sang tiếng Anh. Lời ca lẫn giai điệu rất giản dị, chứ không khúc chiết cầu kỳ bác học nhưng lại chinh phục trái tim toàn thế giới đến tận ngày nay.
Silent night, Holy night
All is calm all is bright
Round yon virgin Mother and Child
Holy infant so tender and mild
Sleep in heavenly peace, Sleep in heaven peace
( Joseph & Gruber, Silent night)

Lời dịch của nhạc sĩ Hùng Lân:
Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Đất với trời se chữ Đồng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm chi đền…

Dù tôi là người ngoại đạo, nhưng cùng cầu nguyện:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm 

Thanh Hà
Giáng sinh 2023




5 nhận xét:

  1. Ở đoạn nói về bài hát Jingle Bells, TH có viết :”bài hát lần đầu do Giáo sư Trương Tấn Vĩnh dạy Anh Văn lúc học đệ thất hay đệ LỤC (tức lớp 6 hay lớp 7)”.Thế mà TH lại viết nhầm đệ NHỊ !!! Thật là tình, không biết hồn để ở đâu vậy nữa. Thành thật xin lỗi với quí độc giả của blog THKT.
    Nhân dịp nầy, TH chúc toàn thể các Thầy, Cô, các bậc niên trưởng, anh, chị, bạn học, bạn văn…một Giáng sinh thật an lành vui vẻ.
    Thanh Hà

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đã sửa cho chị xong

      Xóa
    2. Cám ơn “Hoa trang chủ” thật nhiều nhé. Tuổi già lẩm cẩm rồi, nhiều khi nghĩ một đằng mà viết một nẻo. TH

      Xóa

  2. 
    Hi bạn thương ,
    Bạn khỏe không nè ?, mà KT thấy bài TH viết liên tục, biết là bạn khỏe và có hứng thú viết rồi hé, như hôm qua đến nay bạn viết về nhạc mùa Lễ Giáng Sinh khắp nơi trên thế giới, cám ơn bạn đã viết và gợi ý nhắc lại cho KT những bài hát về mùa Lễ và năm mới, nhưng phải nói là những bài hát cũ, nhưng bất hủ TH hé, tới thời điểm này thành thật mà nói gần như không thấy hay ít có bài hát nào mới về đề tài này được sáng tác sau 75 mà ăn khách hoài hoài và nghe đi nghe lại , hát tới hát lui mãi vẫn làm cho mọi người thấy hay , xúc động và đưa ta về một trời kỷ niệm của tuổi hoa niên hé bạn thương.
    Mến chúc TH và gia đình một mùa Lễ và năm mới với nhiều sức khỏe và niềm vui như ý nha ❤️
    Kim Trúc Phùng

    Trả lờiXóa
  3. Kim Trúc thương,
    Đúng là y như rằng chúng ta có mối thần giao cách cảm, hể người nầy nghĩ đến người kia và định viết thư thăm thì “đằng ấy” đã viết trước cho”đằng nầy” rồi , hoặc ngược lạ, KT có nhận thấY vậy không nè.

    Đúng rồi, dạo nầy gần cuối năm đề tài về mùa đông trong kho tàng thi ca có rất nhiều, nên TH có nhiều cảm hứng để viết. Với lại cũng không khó viết, vì TH chỉ chịu khó sưu tầm rồi ghi chép lại cho chúng ta cùng nhau đọc để nhớ tiếc, để mà mơ mộng, để nhắc về một kỷ niệm nào đó có liên quan đến câu thơ lời nhạc ấy..v.v..
    TH thấY gia đình họ Phùng cũng “hoạt động” náo nhiệt lắm , nên lây nhiệt huyết cho TH đó. Giờ biết được Kim Thơ em gái KT cũng có tài ca hát, thật tự hào gia đình có giòng máu di truyền hén.
    TH sẽ viết mail riêng cho KT để “ngồi lê đôi mách” thêm nữa nhé*
    * Bốn chữ trong ngoặc kép trên đây là ngôn ngữ trước 75, lâu quá không thấy ai xử dụng, TH cũng quên luôn. Giờ cứ ngồi nghĩ mãi mới nhớ ra đó.🤪
    TH cũng chúc KT và đại gia đình hưởng 1 giáng sinh bình an vui vẻ.
    Thương,
    Thanh Hà

    Trả lờiXóa