Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Tản Mạn Nhạc Tình Tango Mùa Đông - Phần 4

Tản Mạn của Thanh Hà  


Những bài gần đây tôi viết chủ đề thơ nhạc mùa thu, đông…kèm những câu chuyện vui, buồn– hầu hết là buồn–về sự ra đời của tác phẩm– do lúc rảnh rỗi tôi sưu tầm, gom nhặt trong các quyển hồi ký hoặc trên mạng được họ cho phép để ai cũng có thể vào xem được, để chúng ta cùng thưởng thức các áng thơ, ca nhạc trác tuyệt ru hồn người vào cõi mộng tạm quên cuộc sống thực tế đời thường chốc lát. TH
  
1/-
Tango là điệu nhạc có xuất xứ từ Argentine (Á Căn Đình) và Uruguay, hai quốc gia Nam Mỹ sau lan rộng ra toàn thế giới. Tuỳ theo mỗi quốc gia mà Tango được biểu diễn theo mỗi phong cách riêng. Tôi rất thích nghe điệu nhạc nầy với tiết tấu nhanh mà du dương dìu dặt, ngắm nhìn hai thân hình của đôi nam nữ vũ công uyển chuyển lúc vờn múa lúc hoà quyện vào nhau nhịp nhàng thanh thoát, có sức hút man dại quyến rủ mê hồn khiến người ngồi xem biểu diễn cũng nao nức rộn ràng khiến hai chân cũng nhịp theo họ một cách vô thức tự lúc nào.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng,”ông vua Tango” có rất nhiều nhạc phẩm viết theo điệu Tango tôi rất yêu thích. Nhưng ca khúc Gió Lạnh Chiều Đông thì ông viết điệu Blues. 
Có các nhạc sĩ tuy ít viết nhạc thể điệu Tango nhưng là những tuyệt phẩm rung cảm tận tâm can hồn phách người nghe, như các bài:

A/-Bài Tình Ca Mùa Đông điệu Tango được rất nhiều ca sĩ trình bày, lúc đầu tôi cứ tưởng nhạc ngoại dịch lời Việt sau mới biết tác giả là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, ông viết sau khi sang Mỹ (1985). Rất ngạc nhiên và khâm phục, ngưỡng mộ. Ngạc nhiên bởi bản này rất khác với dòng nhạc quen thuộc của nhạc sĩ như: Kinh Khổ, Đưa Em Vào Hạ, 7000 Đêm Góp Lại, Lời Của Mẹ (Rồi 20 Năm Sau), Trộm Nhìn Nhau, Bài Hương Ca Vô Tận, Mùa Xuân Trên Cao….nhất là Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy sau biến cố Mậu Thân 1968 viết về cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp bị gãy vì bom đạn. 

Ông sang Mỹ sống từ năm 1985, vẫn tiếp tục sáng tác mạnh mẻ thêm hàng trăm ca khúc như Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, Bước Chân Việt Nam, Mười Năm Yêu Em, Bài Tình Ca Mùa Đông…

Bản Tình Ca Mùa Đông viết theo câu chuyện tình có thật của nhạc sĩ đa tài lại rất chung tình với chỉ một người phụ nữ duy nhất (hình như thế).
Chuyện kể rằng thời trẻ ông có yêu một thiếu nữ con nhà giàu, vì không môn đăng hộ đối nên không đến được với nhau. Người thiếu nữ lập gia đình, đến năm 1970 mới tái ngộ về chung sống với ông lúc ấy bà đã có 2 con với người chồng trước, nhạc sĩ vẫn yêu thương 2 người con riêng của bà như con ruột.
Hạnh phúc chỉ được 5 năm, đến biến cố 1975 thì vợ ông dẫn hai con theo gia đình sang Mỹ. Cha vợ ngỏ ý ghép tên ông vào danh sách di tản chính thức, nhưng ông tự ái do nhớ lại quá khứ ông bị nhà vợ đã từng không chấp nhận, nên từ chối không đi theo viện cớ còn mẹ già và đàn em. Sau này ông tâm sự:”Trong đời tôi chưa làm điều gì sai trái phải hối hận nhưng việc từ chối không đi Mỹ theo gia đình vợ là việc tôi làm rất sai”. 
Âu cũng là Định Mệnh ! Ông có viết 1 ca khúc Mười Năm Yêu Em để nói về sự hối tiếc:
Tình chưa yên vui, bên sóng đời cuồng nộ
Chợt đêm chia phôi, ngăn cách một đại dương
Từng đêm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối
Nhưng em tình vẫn hát từ bến chờ…

…dường như trong ta, em có điều tuyệt vọng
Dường như trong em, ta vẫn tình hoài mong
Mười năm yêu em cũng sẽ là mãi mãi…
( Mười Năm Yêu Em, nhạc Trầm Tử Thiêng)

Rồi sau nhiều lần vượt biên, bị bắt…10 năm sau ông cũng đến được đất Mỹ, tưởng đâu sẽ gặp lại người xưa, để lần nữa nối lại mối duyên hai lần dang dở. Nhưng lần nầy ông đã trễ chuyến đò. Người xưa không chờ đợi đã ôm cầm sang thuyền khác, tìm hạnh phúc với người mới. 
Bản Tình Ca Mùa Đông ra đời, đánh dấu cho một cuộc tình đẹp nhưng lỡ làng của người đàn ông chung thuỷ. 
Bài tình ca mùa đông
Anh hát giữa đêm lạnh giá
Tình còn mãi chờ mong
Thấp thoáng bóng em vợi xa
Hẹn hò sẽ vì nhau qua phong ba
Anh cố bước đôi chân chậm quá 

Hai người hẹn chờ nhau dù có phong ba bão táp, nhưng thời gian 10 năm thì tương đối lâu, ông cố nhưng chân bước chậm quá để lúc tương phùng mới hay rằng đã muộn màng, người xưa không đợi.
Để rồi ta gặp nhau
Mới biết em không đợi nữa
Trở lại thêm mùa đông
Cho tuyết than trên đầu non
Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa
Anh hứng nốt những giọt cuối mùa…

Là tiếng kêu tuyệt vọng thiết tha của người đàn ông dành cho người yêu dù bây giờ nàng vui duyên mới ông vẫn cám ơn người cũ đã cho nhau một thời gian hạnh phúc. Ông tự an ủi rồi cơn đau sẽ nguôi ngoai, nhưng sao sự nhớ nhung vẫn tràn đầy. Thật là mối tình chung thuỷ!
Anh nhớ khi mặn nồng
Xin cảm ơn em một thời xuân…
…Bài tình ca mùa đông
Hát mãi đôi môi lạnh câm
Lòng thì vẫn hẹn cơn đau nguôi ngoai
Sao nỗi nhớ mỗi ngày mỗi đầy
( Bài Tình Ca Mùa Đông, nhạc Trầm Tử Thiêng)

B/- Một bản tình ca mùa đông khác theo thể Tango là Sao Em Vô Tình của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng.
Bài nầy được sáng tác vào năm 1974 trong băng nhạc Shotguns 19 ca sĩ Thanh Thuý thu âm. Nhạc sĩ là em thứ năm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, vợ đầu của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng là ca sĩ nổi tiếng Mỹ Thể - cùng thế hệ với các ca sĩ Thái Thanh, Ngọc Cẩm (vợ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết)-.
Ông qua đời vào năm 2010 tại Sài Gòn.
Ca khúc nầy được đánh giá là một trong các bản thể loại Tango hay nhất qua mọi thời đại trong làng nhạc Việt. 
Nội dung ca khúc là nỗi lòng của chàng trai yêu thầm lặng một người con gái dù nàng hờ hững vô tình không biết mối tình câm ấy nhưng chàng vẫn tha thiết yêu, tìm hình bóng nàng qua giấc mơ. 

Lại nói ngoài đề: Tương tự mối tình câm trên, tôi liên tưởng đến bài sonnet của thi sĩ Pháp Félix Arvers gồm 14 câu, người ta chỉ gọi tắt là Sonnet d’Arvers, tức “bài sonnet của Arvers”*hoặc Un Secret ( Một Bí Mật) được in vào năm 1832. 

Chuyện kể rằng thi sĩ gia nhập văn đoàn của ông Charles Nodier là Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp thuộc trường phái lãng mạn. Ông Viện sĩ thường tổ chức bình thơ quy tụ nhiều thi sĩ nổi tiếng đương thời, tất nhiên trong đó có F.Arvers. Ông Viện sĩ có cô con gái tên Marie Nodier làm thư ký cho hội. Người ta đồn đoán chắc F.Arvers quen và yêu cô Marie bằng mối tình đơn phương vì cô đã có chồng nên mới viết bài thơ tuyệt vọng nầy.
Bài thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng, ở Việt Nam nhiều người dịch, trong đó có hai bản dịch của văn sĩ Khái Hưng đăng trên báo Ngày Nay trước năm 1940 là Tình Tuyệt Vọng. Và của nữ sĩ Mộng Tuyết dịch năm 1933, được Huyền Viêm đăng trên Kiến Thức Ngày Nay vào năm 2006.
*Sonnet có nghĩa là…sonnet (!), tức không dịch được –giống như café là cà phê vậy–.
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay

Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân…
( Tình Tuyệt Vọng, thơ Pháp, Khái Hưng dịch)

Trong một phút ôm lòng thắc mắc
Mối yêu đương dằng dặc khôn khuây
Đau thương tình khó giải bày
Người làm đau khổ có hay đâu nào…
( Bản dịch của nữ sĩ Mộng Tuyết)

Trở lại với ca khúc Sao Em Vô Tình, không biết tác giả viết ca khúc này từ cảm hứng, tưởng tượng hay về câu chuyện của chính ông. Mà dù chuyện có thật hay hư cấu, ông cũng cống hiến cho đời một ca khúc thật hay về Tình Yêu muôn thuở.


Đã biết em vô tình mà lòng anh vẫn yêu
Đã biết em hững hờ mà anh vẫn nhớ thương
Đã biết khi yêu ai lòng này mang đắng cay
Đã trót mang trong tim một hình bóng dáng ai…

…Phố vắng đêm khuya tàn, lạnh lùng lê bước hoang
Sóng gió qua bao lần còn hoài mong cố nhân…
Những lúc em bên anh mà hồn em vắng xa…
 
…Sao mùa xuân không đến khi đông tàn
Sao hồn ta như chiếc lá thu vàng
Kiếp cô đơn chập chùng buông
Trong bóng đêm dài chỉ một mình ta với ta… 

…ôi còn đâu giây phút yêu ban đầu
Cung đàn xưa vương vấn mối thơ sầu…

…giá buốt trong tâm tư tìm lại dấu vết xưa
Bóng dáng em đâu còn, còn chăng trong giấc mơ
( Sao Em Vô Tình, nhạc Nguyễn Hữu Sáng)

Rất nhiều ca khúc viết về mùa đông tuyệt vời, có điều không phải điệu Tango*
*Tôi ráng lục lọi tìm tòi mỏi cả mắt mà chưa tìm thêm bản thứ 3 nào hết, nên tôi kết thúc bài viết ngắn ở đây.
Những bài hát về mùa đông còn rất nhiều, đều trác tuyệt sẽ rất tiếc nếu không nhắc lại, nên sắp tới tôi sẽ tiếp tục sưu tầm nữa.

Thanh Hà 
Dec.2023




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét