Tùy bút của Thanh Hà
1/-
Lúc tôi hãy còn bé chưa ý thức thời gian một năm có bao nhiêu tháng bao nhiêu ngày, chỉ nhớ mỗi khi cảm nhận hơi hướm buốt lạnh của ngọn gió mùa Đông Bắc -tức gió bấc- thổi tràn về phía Nam khiến mọi người co ro mặc thêm áo len giữ ấm thì vài ngày sau Ba tôi sẽ chở Má đi chợ Rạch Giá, mua về nhiều khúc vải đủ loại để may quần áo cho cả nhà, trong đó có ba xấp vải hoa văn trang nhã dành cho các chị em tôi mỗi đứa ba bộ đồ giống hệt nhau, là tôi biết ngày Tết cận kề.
Không khí trước Tết của gia đình tôi rộn ràng náo nhiệt thấy rõ. Trong khi người lớn bận bịu chuẩn bị bao nhiêu việc thì bọn trẻ con chúng tôi không làm gì chỉ lăng xăng dòm ngó, tíu tít đếm ngược thời gian trừ đi từng ngày mong cho mau Tết mà sao nó trôi chậm quá.
Đầu tháng 12 âm lịch Má thôi nhận hàng cho khách để dành thời giờ may quần áo cho gia đình 10 nhân mạng.
Chủ nhật tuần sau Má dắt mấy chị em đến tiệm của bác ba, bác bảy anh họ của Ba để các bác cắt uốn tóc cho chúng tôi. Má kiên nhẫn ngồi chờ từ trưa tới tối mịt mới uốn xong bốn cái đầu quăn tít ngắn ngủn. Hôm sau vào lớp, thấy vài bạn nữ mái tóc giống như của tôi, có đứa bạn trai trêu chọc:
—Ngộ hén, hể Tết tới là đầu tóc mấy đứa con gái uốn quắn queo .
Bà Ngoại mua mấy trái bí đao to, khoai lang đỏ, đu đủ, mãng cầu…ông Ngoại dùng cây sào dài có gắn móc câu ở ngọn để móc mấy trái dừa cứng cậy (tức không già không non) đem làm mứt. Ngoại, Má cùng nhau gọt vỏ bí, khoai, đu đủ, cắt thành lát mỏng chữ nhật dài chừng 6cm. Riêng bí đao ngoài lát mỏng còn làm thêm hình trụ dùng kim to đâm thủng nhiều lỗ nhỏ để khi ướp đường mau ngấm. Tất cả đem ngâm vôi trắng một đêm, hôm sau sã nước lạnh nhiều lần, trụng lại bằng nước sôi, vớt ra chờ ráo cho mỗi món vào thau inox riêng, cân lượng đường bằng với lượng bí, khoai, đu đủ trộn đều rồi đặt lên mấy chiếc ghế ngoài sân phơi nắng, đậy lại bằng cái vĩ lưới mắt cáo để ngăn ruồi và bụi. Dừa bào mỏng rửa sạch chờ ráo nước bắt lên chảo sên đường cho khô, thêm chút mùi vanille thơm phứt, kích thích khứu giác lẫn vị giác mọi người.
Mấy thau mứt phơi nắng đâu phải chỉ thu hút lũ ong, ruồi mà cả tôi và hai đứa em gái, trai nữa cơ. Nhìn những thanh bí trong veo quện đường sền sệt quyến rũ quá, buổi trưa canh chừng người lớn không để ý, tôi và hai đứa em thay phiên nhau rón rén đến thò tay vào bóc trộm miếng bí cho vào miệng. Trời ơi, ngọt lịm ngon làm sao nhất là ăn trong sự lén lút !
Nhưng chúng tôi không dám ăn vụng hoài, sợ Ngoại Má nhìn thấy thau mứt hao hụt nhiều sẽ đoán ngay thủ phạm. Chúng tôi lần lượt thử qua món đu đủ, khoai lang. Món khoai chưa thấm đường lạt và cứng nên chúng tôi chỉ lấy một miếng chia ba rồi thôi không thèm để mắt tới nữa. Tóm lại chỉ món bí đao là được chúng tôi chiếu cố thường xuyên cho đến bữa Má cười nói:
—Sao mình đậy vĩ kín vậy mà mấy con ruồi cũng chun vào thau ăn mứt bí hao hụt nhiều vậy kìa.
Ba chị em tôi ngượng ngùng sợ hãi quá phải thú nhận, khoanh tay xin lỗi Má không dám ăn vụng nữa.
Trước Tết một tuần Ông bà Ngoại thức sớm quết bánh phồng nếp. Ông nện chày xuống khối bột đựng trong cối đá, bà ngồi cạnh chờ cho ông giở chày lên là dùng tay đảo bột thật nhanh, kịp nhấc bàn tay lên trước khi ông hạ nhát chày tiếp theo xuống nghiền bột cho thật nhuần nhuyễn. Động tác cả hai thật nhịp nhàng “ăn rơ” chưa bao giờ ông lỡ nhịp trúng vào tay bà. Sau đó tới giai đoạn cán bánh mỏng tròn đường kính 15 cm đặt lên chiếc vĩ đan bằng tre đem phơi một nắng là hoàn tất. Bánh đem nướng trên lửa than, cái nào cái nấy nở to gấp đôi, dày cắn nghe giòn rụm trong miệng.
Ông Ngoại luôn đảm trách việc nặng, ông tính ngày để lặt lá mai trước sân trụi trơ cành, tính toán sao cho nụ nở bung đúng vào ngày 30 để đón giao thừa rất tài tình. Ông đem bộ lư hương trên bàn thờ xuống hì hục ngồi chùi bằng chất gì trộn với trấu cho đến khi bộ lư bóng màu đồng, bàn thờ còn chưng cặp nến, cặp dưa hấu có dán giấy đỏ cùng dĩa trái cây mấy loại làm căn nhà sáng bừng lên hẳn.
Bà Ngoại mua củ kiệu tươi, cải xanh về muối dưa ăn với bánh tét. Đậu xanh, mỡ hành, chuối xiêm, đậu trắng để gói hai loại bánh tét nhân đậu và nhân chuối. Lá chuối cắt ngoài vườn không phải mua.
Nhiều người hay nhắc kỷ niệm rất lãng mạn nên thơ là tối 30 canh nồi bánh chưng bánh tét trong không gian lành lạnh ánh lửa bập bùng, tôi chưa bao giờ được hưởng cái thú đó. Bởi khoảng 4 giờ khuya ngày 28 chạp bà Ngoại đã gói bánh, gần sáng con cháu thức dậy xúm vào cột dây đến khi vừng hồng nhú lên là hoàn tất, đến phiên ông Ngoại phụ trách việc nấu bánh. Ra sân sau bắt cái bếp dã chiến bằng ba cục đá vững chắc, nhóm lửa từ các khúc cây bỏ lăn lóc trong kho không xử dụng, cùng các nhánh dừa khô mấy hôm trước ông đã gom sẵn. Cái nồi đất chất gần bốn chục đòn bánh. Mấy khúc củi to lâu tàn nên không phải ngồi canh suốt buổi, chỉ thỉnh thoảng ra chất thêm củi vào thôi. Nấu từ sáng đến chiều thì bánh chín.
2/-
Khi tôi học lớp năm cấp tiểu học trường quận, thì hai người chị của tôi đã vào trung học trường Nguyễn Trung Trực tỉnh Kiên Giang rồi.
Mỗi buổi sáng cả nhà thức dậy, chuẩn bị ăn uống xong ai có việc nấy toả đi mỗi hướng. Ông bà Ngoại vác mai cuốc ra đồng chăm lo mấy mẫu ruộng. Ba đi làm ở Ty Thông Tin Rạch Giá bằng chiếc Honda 67. Chị hai chị ba chở nhau trên chiếc Honda dame 50 trắng xanh thanh lịch đến trường cách nhà 8 km. Tôi, em gái thứ năm, em trai thứ sáu đi bộ 1,5 km đến trường quận. Lúc ấy chỉ còn Má vừa trông chừng bé út vài tháng tuổi trong hai căn nhà rộng thênh thang vừa may quần áo cho láng giềng kiếm chút thu nhập góp thêm vào nuôi đàn con sáu đứa. Vì tuy chức vụ ba tôi là trưởng ty nhưng đồng lương khiêm tốn chỉ đủ sống chứ không dư dả.
Ba Má hay ví von ngôi nhà chúng tôi giống như một tổ chim, chúng tôi là đàn chim non. Sáng sáng đàn chim rời tổ, đến trưa hoặc chiều bay trở về tụ họp quây quần bên mâm cơm thơm mùi gạo nàng Hương, tíu tít kể chuyện trường lớp cho ông bà Ngoại Ba Má nghe.
Tôi ao ước thời gian qua thật nhanh để tôi mau lớn, vào trung học mặc áo dài trắng như hai chị của mình và được xoã tóc thề nữa. Hình ảnh mỗi sáng hai chị trong chiếc áo dài dắt xe ra đường, người ngồi lái người ngồi một bên phía sau phong cách đài các, mái tóc dài bay nhè nhẹ theo chiều gió như hai cô tiên nhỏ khiến tôi mê mẫn quá chừng.
Chị hai xấp xỉ 16 tuổi, gọi văn hoa là tuổi trăng tròn. Ong bướm cũng bắt đầu lượn lờ trước ngõ. Ong bướm tức mấy anh học lớp cao hơn trong đồng phục áo trắng quần xanh thư sinh nho nhã hay mấy “chú nhà binh”cầu vai đeo hoa mai vàng oai phong lẫm liệt.
Chắc bị nhiều chàng “dòm ngó” nên chị hai cảm thấy mình là người lớn. Mà người lớn thì không cần cặp đựng sách vở, chỉ ôm trong tay thôi. Chị ba thấy vậy cũng bỏ cặp ở nhà. Chồng sách vở hai chị để hết trong giỏ đằng trước xe.
Mong ước mãi cũng đến lúc tựu trường tôi vào lớp đệ thất,-tức lớp sáu - Thế là giấc mơ mặc áo dài thoả nguyện, tôi sung sướng hãnh diện mặc chiếc áo dài lụa trắng Má may đầu tiên trong đời. Từ nay tôi không còn là “học trò” mà thăng hạng”nữ sinh”, cũng được má cho để tóc dài, đồng vai phải lứa với hai chị rồi đây.
Thời gian đầu được làm nữ sinh tôi thích lắm, nhưng bản tính trẻ con vẫn còn ham nhảy dây, nhảy lò cò, đánh cầu, cút bắt vào giờ ra chơi với mấy nhỏ bạn cùng lớp. Khi chơi, hai tà áo phất phơ cứ vướng víu vào sợi dây, chúng tôi bèn cột túm hai vạt lại bên hông, thế là tha hồ nhảy nhót tung tăng cho đã. Thấy thế tụi con trai xúm vào trêu chọc:
—Trời ơi, lớn đầu mà còn chơi nhảy dây, nhảy lò cò như con nít, lêu lêu mắc cỡ.
Con gái chúng tôi tức tối nhao nhao :
—Tụi tui thích thì chơi đó rồi sao, còn hơn con trai tò mò đi rình con gái, thấy ghét.
Tôi còn tiếp tục cột hai tà áo bên hông chơi nhảy dây đến hết lớp đệ lục (lớp 7) mới ngưng.
Tết năm sau. Má may cho hai chị áo dài màu. Chị hai áo màu vàng hoàng yến, chị ba áo hồng phấn sao mà dịu dàng xinh xắn, trong khi tôi và em gái vẫn còn mặc đầm. Má nói tôi lớn chút nữa mặc áo dài màu mới hợp với tuổi.
Các bạn của hai chị đến chúc tết nhau, cũng mặc áo dài màu.
Trước giờ mỗi khi ra đường Má đều mặc áo dài hoa hay màu, tôi nghĩ má người lớn mặc áo dài màu là chuyện hiển nhiên. Mấy ngày xuân tôi gặp rất nhiều cô đi cùng người yêu, hoặc phụ nữ bên cạnh chồng con duyên dáng trong các tà áo dài đủ sắc màu, từ phơn phớt nhẹ nhàng đến rực rỡ thắm tươi nhưng tôi không chú ý. Nay thấy hai chị trong chiếc áo thanh lịch quá, thế là tôi lại cầu xin cho mình lớn nhanh thêm vài tuổi để được mặc áo dài màu. Áo màu mới giống người lớn, giống các chị tôi, chớ áo dài trắng thì con nít 11 tuổi vào trung học cũng mặc được.
3/-
Chờ đến năm tôi thi đậu tú tài I mới được Má thưởng may chiếc áo dài màu– hồi xưa học hết lớp 11 phải qua kỳ thi tú tài I, nếu đậu học tiếp lớp 12 lấy tú tài đôi–. Tôi còn nhớ đó là chiếc áo màu thiên thanh. Ngắm gương, bỗng nhiên thấy mình chín chắn hẳn. Hãnh diện làm sao !
Hể dịp lễ hay thỉnh thoảng hai chị rủ đi chơi với người yêu, tôi liền lấy áo dài thiên thanh ra mặc để thấy mình đoan trang thục nữ giống chị vậy.
Ở tuổi 17, tôi hết cầu xin thời gian qua nhanh để được lớn thêm, bởi nhận thức mình đang sống thời trẻ trung tươi đẹp nhất của đời người.
Tôi yêu quí trân trọng chiếc áo dài trắng. Tượng trưng cho sự trắng trong tinh khiết, là thế giới của trường lớp sách vở nơi gom nhặt kiến thức chuẩn bị hành trang vào đời.
Thi đậu tú tài đôi, tôi ghi danh ĐH Văn Khoa. Từ “nữ sinh” giờ lên”sinh viên” không bắt buộc mặc đồng phục nữa, vào lớp phái nữ chúng tôi tha hồ làm dáng: hôm âu phục quần ống patte d’éléphant áo bó, hôm chiếc áo dài lụa dệt chìm cành trúc màu sắc trang nhã. Tuy vậy tôi thường xuyên mặc áo dài trắng để thấy mình trở lại là một cô nữ sinh ngoan hiền ngây thơ ngày nào*
*Tâm lý con người thường ngược đời như vậy, chỉ mơ những gì mình chưa đạt, hoặc đã rời khỏi tầm tay.
4/-
Tôi chỉ được mặc áo dài thêm một mùa xuân, đến hè thì vận nước thay đổi. Chúng tôi không còn quyền ăn mặc theo ý, những chiếc áo dài trắng lẫn màu đem xếp vào ngăn tủ. Rồi lần lượt bị đem cắt sửa thành áo ngắn mặc hàng ngày. Mãi cho đến mười mấy năm sau, khi theo chồng sang quê người tôi mới có dịp mặc trở lại chiếc áo mà nhờ nó dáng dấp phụ nữ Việt Nam được các văn thi nhạc sĩ tôn vinh ca tụng qua bao nhiêu lời thơ ý nhạc.
Nơi xứ lạ, cứ sáng mùng một Tết cổ truyền tôi đều khoác lên người chiếc áo hai tà tha thướt với tâm trạng háo hức nôn nao y như lần mặc đầu tiên khi bước chân vào cổng trường trung học.
Yêu biết mấy chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam!!!
Thanh Hà
Xuân 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét