Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 27

Rạch Sỏi - Sài Gòn
Ký sự của Thanh Hà 


Ngày 03.03.2024

Viễn du trên con ngựa sắt không giống như ngồi xe bốn bánh, cháu biết sức của dì-là tôi- có giới hạn nên chương trình chia ra ba giai đoạn để “m4(má tư) không mệt mỏi hao tốn sức lực, vừa để dành cho lần tới chứ nếu gom lại đi hết một lần thì những lần sau đâu còn chi để đi nữa”. 

—Tháng 3 năm 2022 tôi đã thực hiện phần Một cho chuyến đi từ Đà Nẵng ra tận địa đầu phía Bắc –Hà Giang– 1 tháng, thăm viếng gần hết mấy chục tỉnh thành phía Bắc, định năm sau 2023 tiếp tục phần hai ở miền Trung. Nhưng phải hoãn lại cho đến tháng 03.2024 mới thực hiện được, bởi người dự kiến sẽ đồng hành cùng– hai xe cho bốn người– trước đó nửa năm ăn hải sản con Nhum gì đó, gan thận bị nhiễm độc nặng phải vào bệnh viện cứu cấp khá lâu tưởng đâu đã qua bên kia thế giới loài người khi tuổi còn xanh. Nay tạm ổn, nhưng bắt buộc uống mỗi ngày vài chục viên thuốc không biết đến bao giờ mới ngưng. Bị tác dụng của thuốc nên gương mặt, dáng dấp cậu ta phì nộn tôi nhìn hết ra dù mới 23, 24 tuổi. Giờ ăn uống gì cũng nơm nớp lo sợ bị nhiễm độc cả.  

Hầu như ai nghe nói tôi du lịch bằng moto cũng lắc đầu thán phục (hay ngao ngán) lẫn lo ngại giùm. Trời ơi, chả biết “nó” tìm thấy nỗi thích thú nào trong việc mỗi ngày ngồi 250km–300km trên chiếc xe hai bánh, phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt da thịt, các cơn mưa khi thì dai dẳng khi thì ào ạt, gió thổi thốc luồn qua áo quần lạnh lẽo*. Hành hạ cái thân:
Mệt quá đôi chân nầy 
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này
Nằm xuống với đất muôn đời…
(Ngẫu Nhiên, Trịnh Công Sơn)

Sao không chịu ngồi trong xe bốn bánh cho an toàn, mặc thời tiết bên ngoài thế nào thì nhiệt độ trong xe vẫn mát mẻ thoải mái. Lỡ buồn ngủ thì chễm chệ dựa đầu vô thành ghế ru hồn vào mộng ngon lành không lo gục té lộn cổ xuống đất, thế mà “nó” chọn con đường gian khổ chi nhỉ. Còn chưa kể đến các tai nạn tán đởm kinh hoàng thịt xương nát tan nữa.

Nghĩ thầm: gì mà phóng đại lên vậy, đi chơi kiểu nầy rất vui đâu có gì đáng sợ, chỉ sợ không đủ sức khoẻ để thực hiện thôi. Tôi năng tập thể dục mỗi ngày nên sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai, không biết mệt mới thích đi chứ nếu lo sợ tai nạn, lây virus, trúng độc thực phẩm, da rám nắng đen đúa…thì tôi chọn đi xe bốn bánh rồi. 

Tôi vốn có khuynh hướng suy nghĩ tích cực,“thấy ly nước còn đầy phân nửa chứ không phải đã vơi phân nửa”.

a) *Ngẫu nhiên lúc tôi viết bài nầy thì trùng hợp thời điểm trên internet, báo chí, youTube…quốc nội lẫn quốc ngoại đưa tin ồn ào chuyện nhà sư Thích Minh Tuệ đi bộ từ Nam chí Bắc đầu trần chân đất, khất thực chỉ ăn ngày một buổi trưa, mặc áo cà sa sư nhặt vải cũ bị vứt trong thùng rác đem ghép lại; ngủ thì chọn nghĩa trang, nhà hoang, rừng vắng. 
—Đặc biệt sư có khả năng khi ngủ chỉ ngồi dựa vào góc cây hay bức tường chứ không hề nằm. 
—Sư đã từng di hành từ Nam chí Bắc từ sáu(6) năm nay. Đây là lần di hành thứ tư thì giới truyền thông mới đưa tin lên mạng rầm rộ, nên dân chúng khắp nơi (cả thế giới) triệu triệu người đều tận tường. 
Ý nguyện của sư là sẽ tiếp tục đi như thế cho đến khi nào không đủ sức chứ không ngưng nghỉ*

*Nếu tôi nhớ không lầm thì mấy năm trước đã có một vị sư đi bộ kiểu “nhất bộ nhất bái hay tam bộ nhất bái”trên đường thiên lý rồi. Đi tới đâu dân chúng rần rần đi theo, nhưng mức độ chưa đông như với sư Minh Tuệ. Được thời gian không lâu thì có vài chục “vệ sĩ tự xưng tự phát(!)” tháp tùng với mục đích bảo vệ, ngăn cản người dân không được tiếp cận sư.
Tôi có xem vài clip quay cảnh tượng này vài lần, thì mọi tin tức về Thầy bỗng biến mất không để lại chút dấu vết nào. Trong thời điểm ấy, người thân tôi trong lúc du lịch ngoài Bắc có chứng kiến tận mắt vị sư đang đi trên đường. Thỉnh thoảng nhớ đến việc ấy, tôi vẫn thắc mắc không biết số phận vị sư về sau ra sao, có được tiếp tục tu hành theo ý nguyện… nhưng tôi không bao giờ còn nghe nhắc gì tới vị sư bí ẩn ấy nữa.

Nên lần này khi nghe câu chuyện về sư Minh Tuệ, thoạt đầu tôi cứ ngỡ là vị sư của năm xưa. Sau ngẫm nghĩ, biết không phải. Vì vị sư năm ấy cao niên hơn sư Minh Tuệ, và rất bí ẩn, không hề tiếp xúc phát ngôn với bất cứ ai nên không ai biết Sư xuất xứ từ ngôi chùa nào, tên tuổi, quê quán… chỉ có võ đoán, đồn đãi tin chưa được kiểm chứng.

Sư Minh Tuệ tu theo hạnh đầu đà của Ngài Ca Diếp, đệ tử của Đức Phật Thích Ca từ hơn hai ngàn năm trước. Các sư thực hành theo lý tưởng mục tiêu để dứt bỏ mọi tham sân si của thế gian, chấm dứt khổ đau, thoát vòng luân hồi sinh tử. Và trước mắt là đạt được sự bình yên thanh tịnh, thân tâm an lạc chứ không phải là sự tự đày ải hành xác như người trần mắt thịt hình dung rồi cứ than thở tội nghiệp giùm các sư.
Tôi thành kính nghiêng mình bái phục sư Minh Tuệ. Lần này có thêm 72 vị sư tháp tùng theo chân sư nữa.

*b) A! nhắc đến sư Minh Tuệ khiến tôi lại liên tưởng ông sư gì mà tuyên bố nhiều câu rất hùng hồn về Nghiệp Chướng ấy. Đại khái ông giảng pháp cho chúng sanh trong đó có đoạn rằng: ”ai lúc trẻ thích đi du lịch nhiều thì khi về già sẽ bại liệt nằm một chỗ”.  

Thật buồn cười quá chừng. Thế thì hiện giờ còn đủ sức khoẻ tôi phải lợi dụng đi càng nhiều hơn nữa, kẻo mai mốt già bị nghiệp chướng bại liệt nằm một chỗ như ông ấy rủa là toi đời. Ông sư nầy giỏi, có máu tếu chọc hàng trăm triệu người cười nhỉ.
Mà ông ta còn trù rủa những người có nghề nghiệp khác nữa chứ không chỉ dân thích du lịch. Tôi không kể thêm vì chắc chắn ai cũng tỏ tường cả rồi.

Trở lại nghiêm trang –tôi thật nhiều chuyện–, tôi không hề dám so sánh việc các sư đi bộ thực hành hạnh tu với chuyện tôi đi chơi bằng moto qua các nẻo đường đất nước.
Các sư đi bộ là thực hành phương pháp tu về mặt tâm linh, còn tôi đi ta bà là thuần mục đích giải trí, chiêm ngắm phong cảnh, di tích lịch sử, lẩn quẩn trong vòng tục luỵ.

Còn bởi hai điều: thứ nhất là tôi không có ý định sẽ đi tu, tôi còn quá nặng nợ hồng trần chưa dứt sao mà tu cho được. Thứ nhì là tôi không đủ sức khoẻ, nghị lực, can đảm đi bộ một mình từ Nam chí Bắc đầu trần chân đất dưới cái nóng thiêu đốt, cái mưa gió ướt lạnh; mà chỉ thực hiện cuộc phiêu lưu mạo hiểm cùng với người thân do ham thích đam mê.
Tôi sợ ma sợ thú gần chết, lại dốt đặc phương hướng đường sá rủi đi lạc sao.

Giai đoạn II
Lần trước quả đúng chúng tôi trải qua đủ mọi thời tiết mưa bão, gió, nắng, nhưng lần nầy chúng tôi gặp may, chẳng bị trận mưa nào. Ngoại trừ lúc từ Qui Nhơn đi Tam Kỳ,
Quãng Ngãi đến đoạn Lộ Diêu thị xã Hoài Nhơn là có mưa phùn lấm tấm điểm tô chút thi vị vào bức tranh vân thuỷ lúc chiều hôm.
Còn nắng đầu tháng ba bất quá ”chỉ 39,40 độ” gì đó (nếu đi gần cuối tháng ba thì nhiệt độ đường nhựa nóng 45 độ hoặc hơn). Chúng tôi nhanh chóng tìm cách thích nghi hoàn cảnh, là khi xe đang vi vu trên đường tạo sức gió nên không đến nổi bức bối nặng nề, trừ lúc xe ngừng, chẳng hạn gặp đèn đỏ thì phải mau mau hạ mặt nạ, giở mũ ra tức thời kẻo mồ hôi tuôn đổ nghẹt thở.

Ngồi lâu hai chân mỏi nhừ thì đậu nơi có cây che bóng mát, xuống vận động chốc lát cho máu lưu thông, hoặc ghé quán giải khát bình dân bên đường có mắc võng* nghỉ ngơi uống nước dừa, cà phê… tránh nắng.     

*Chuyện quán cà phê võng, cũng có điều đáng bàn: ai kỹ lưỡng sạch sẽ chắc chắn sẽ không dám đặt lưng lên mấy cái võng vắt vẻo tòn ten giữa hai hàng cột nhà– ý quên cột quán–. Bởi tôi đồ chừng ở đa số các quán, thời gian từ lúc chiếc võng được giăng lên cho đến lúc tiếp đón chúng tôi cũng tính bằng năm, hình như chưa bao giờ được tháo ra giặt giũ! Cứ nhìn màu sắc mấy chiếc võng thì đủ đoán mức độ dãi dầu phong sương khói bụi do hàng hàng xe cộ lưu thông qua lại tô điểm cho nó rồi. Hơn nữa đã đón tiếp bao nhiêu tấm lưng bám bụi đường của khách nam nữ già trẻ đặt lên rồi nhỉ? Tôi lại đồ chừng trong những người khách đường xa ấy, đâu phải ai cũng mạnh khoẻ.

Tôi giờ thành ”dân đi bụi” chính cống nên chả ngại bụi bám hay nhiễm virus gì ráo (trước mỗi chuyến về V N tôi đều uống vaccin ngừa các bịnh nhiệt đới nên bớt lo). 
Cởi mũ, áo khoác, khẩu trang, bao tay, giầy thể thao, vớ, trèo lên võng nằm duỗi chân thoải mái, chờ chủ quán mang trái dừa xanh có ống hút ực chất nước ngòn ngọt, trôi qua cổ họng đến đâu mát đến đấy. 

Thiên đường hay niết bàn là đây chứ còn đâu nữa.
Tôi thoải mái đến độ có một vài lần còn chợp mắt thiu thiu năm, mười phút gì nữa ấy. Sáng 03.03 dì cháu tôi khởi hành từ nhà Rạch Sỏi, chặng dừng chân ngày đầu tiên là Saigon. Con đường quá thân quen đi đi về về bao nhiêu lần nhà cửa tiếp nối những cánh đồng xanh màu mạ, không còn bóng dáng con trâu đâu nữa.

Qua cầu Vàm Cống, tôi mong đến Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (xưa kia là tỉnh Kiến Phong) cách Sa Đéc 30 km, nơi bên đường cạnh bờ sông người ta trồng hàng trăm cây phượng vĩ, tiếp nối hàng bằng lăng. Tháng 03 trên cành chỉ lá xanh chưa đơm hoa, đến tháng 05 tôi trở lại con đường ấy thì hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím đã nở bung cánh, khoe sắc màu tươi thắm dưới bầu trời xanh quyện chút mây trắng lờ lững, in bóng xuống giòng sông (hay con kênh) hiền hoà phẳng lặng, khoảng không gian êm đềm vắng vẻ buổi trưa, vẫn chưa bị đô thị hoá với người chen chúc lao xao tiếng còi tàu xe inh ỏi, thật hiếm.
Nhìn hoa phượng, bỗng cảm giác điệu nhạc quen thuộc văng vẳng bên tai, thương quá thời học sinh áo trắng ngoan hiền nay chỉ còn trong ký ức:

*Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…
( Nỗi Buồn Hoa Phượng, Nhạc sĩ Thanh Sơn)

**Quay về kỷ niệm lúc còn học sinh
Tà áo trinh nguyên tô thắm bao tình
Đời học sinh với nét đoan trinh
Tươi đẹp như mầu hoa xinh
Có đôi khi thấy buồn một mình…

…Bây giờ kỷ niệm đi vào thời gian
Ngày tháng trôi qua hoa nắng phai tàn…
…Phiêu bạt cuộc đời phong ba
Nhớ thương về kỷ niệm ngày qua
(Tuổi Học Trò, Minh Kỳ–Dạ Cầm)

***Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu
( Phượng Hồng, Vũ Hoàng phổ theo thơ Chút Tình Đầu, Đỗ Trung Quân)

Sau Lấp Vò đến Lai Vung cũng thuộc tỉnh Đồng Tháp –Kiến Phong cũ–.
Vùng này có nhiều mảng ruộng trồng sen, ấu. Cả một đoạn đường dài hàng trăm gian hàng đặt cạnh vệ đường người ta bày bán sữa sen, tức chiết từ hạt sen nấu thành sữa. Rồi sen sấy, hạt sen khô...Và trái ấu hấp nước dừa. Khách chỉ việc tấp xe vào lề, không cần phải bước xuống- kể cả xe bốn bánh-người bán túc trực niềm nở phục vụ. 

Thật cảm động “gặp lại” những củ ấu thời thơ dại của tôi!
Hồi nhỏ Bà Ngoại hay Má đi đâu về đều mua quà bánh, trong số đó có củ ấu.
Khi tả về đôi môi đẹp của cô gái, người ta hay ví “đôi môi trái ấu”, còn ca dao tục ngữ thì đưa ra sự thiên vị của con người khi yêu hay ghét ai “Khi yêu trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”.
Chứng tỏ trái ấu đã chiếm một ngôi vị khá trân trọng trong cách suy nghĩ của người Việt tự thuở xa xưa rồi.
Củ ấu có màu đen hình đôi môi, hay trái tim kéo dài chiều ngang, hai mép nhọn cong lên nên còn gọi là ấu sừng trâu*. Hồi xưa người ta để nguyên cả vỏ luộc cho chín rồi đem bán, muốn ăn phải dùng răng cắn lớp vỏ bọc ngoài khá cứng, củ ấu ngọt bùi tương tự như hạt mít, hạt hạnh nhân…Mấy năm trước tôi đi xe ngang qua vẫn thấy người ta bày bán nguyên cả vỏ, còn hiện nay thì họ đã tỉ mỉ tách vỏ chỉ còn phần nhân ăn được, đựng trong hộp có tăm để người ăn ghim củ ấu không bị dính tay, hấp với nước cốt dừa nên vị bùi, ngọt, thơm rất hấp dẫn.

*Nói về trái ấu sừng trâu vì hai mép nhọn cong lên, rồi người ta còn khen đôi môi trái ấu biểu tượng cho nét đẹp cô gái, khiến tôi bật cười liên tưởng cô thiếu nữ với đôi môi ấy chắc bản tính lém lĩnh và thích ăn quà vặt lắm đây !

2/-
Sẽ không có gì ghi chép thêm nếu quãng đường Trung Lương– Long An–Saigon (nếu nhớ không lầm) cứ cách một đoạn ngắn vài chục, vài trăm mét người ta dựng bảng quảng cáo khá to mà từ xa đã đập vào mắt gợi chú ý tuy chưa đọc rõ chữ, chưa biết họ quảng cáo cái gì? Gọi là to, nhưng kích thước của chúng còn thua rất xa hàng trăm bảng quảng cáo sữa tươi, sữa chua Ba Vì đặt dọc quốc lộ 21 A đường Thăng Long quận Ba Vì, miền Bắc. Nó to kềnh to khủng nhìn hoa cả mắt, chính báo chí quốc nội còn viết là “chằng chịt như mê hồn trận” khiến khách đi đường có cảm tưởng các chủ hàng dùng bảng hiệu và chữ in thật lớn để cạnh tranh lẫn nhau, khai thác tâm lý khách hàng nghĩ là nơi nào cơ ngơi đồ sộ mới chứng tỏ ăn nên làm ra, sữa ngon bổ hơn chỗ nọ. Khi xưa Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây, giờ đã sát nhập thành 1 quận của Hà Nội. Ngày xưa nhắc đến địa danh Ba Vì là gợi nhớ đến bài thơ trữ tình nổi tiếng mà “lớp người muôn năm cũ” thế hệ tôi không ai mà không biết, của thi sĩ Quang Dũng:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
( Đôi Mắt Người Sơn Tây, Quang Dũng)

Còn hiện nay nhắc đến Ba Vì chắc người ta chỉ nghĩ đến sản phẩm sữa bò tươi nhỉ ?!

Viết dông dài lát lại lạc đề, ở đoạn Trung Lương–Saigon xuất hiện vài chục hay cả trăm bảng quảng cáo từ xa. Lại gần mới thấy bên cạnh tấm bảng còn cái lồng sắt gắn trên bốn chân diện tích mỗi chiều hơn 1 mét, trong chứa những con vật đen thủi ngọ nguậy. Tôi không dám tả nhiều mà tóc tai đã dựng ngược, da nổi gai ốc cả lên rồi đây. Tấm bảng viết rằng: “tại đây có bán chuột đồng còn sống” kèm in hình chú tí với cái đuôi ngúc ngắc, thật rùng rợn. 

Trời ơi, đó là con vật mà tôi kinh hãi nhất trên đời ấy.
Nên sau đó, hể thoáng thấy cái bảng từ xa tôi liền quay mặt về hướng khác, hai mắt nhắm tịt để tránh“nỗi ám ảnh kinh hoàng”trêu ngươi mình*

*Khi xưa đời sống thiếu thốn, sau mùa gặt lúa người ta mới bắt chuột đồng làm thức ăn, đó là bất đắc dĩ. Còn bây giờ vật chất đã khá hơn thì người ta hết thèm những món như heo, bò, gà, vịt, tôm, cua…mà đảo ngược lại, săn lùng những món kinh dị như con đuông– là 1 loại sâu sống trong ngọn dừa–, dơi, rắn mối, thằn lằn, rươi (có hàng trăm chân giống rết màu xanh, vàng, tía sống trong nước có đám rong, cát, bùn). Nậm pịa, thắng cố là món canh nấu từ tạp chất chứa trong ruột non của trâu, bò, ngựa…hai món này xuất xứ của dân miền thượng du Bắc Việt.

Ngoài ra còn phải kể thêm con sá sùng (hệt như con đĩa trơn tuột, hay con trùn) mà nhiều người dùng nó nấu phở, xem như loại hải sản quí hiếm, Đông y khen rất bổ dưỡng. Tôi chỉ nhìn thấy cái thân phơi khô của nó rồi tưởng tượng lúc sống nó ngoe nguẩy ra sao đã nổi gai ốc rồi, nên dù nó có bổ quí đến đâu tôi cũng nghiêng mình không dám nếm thử. 

Rồi cũng tới Saigon. Thế là thoát nạn!

LCDF, 24.05.2024
Thanh Hà





3 nhận xét:

  1. Đọc bài ký sự #27 RS-SG của Thanh Hà mà thèm... đi, mà nhớ quê nhà vô cùng!
    Nhớ từ RS qua Tân Hiệp, ngả ba Lộ Tẻ, phà Vàm Cống (nay là cầu), Lấp Vò, Lai Vung, Sa Đéc... rồi đến cầu Mỹ Thuận có huyện Bình Minh của Vĩnh Long...

    Qua các kênh Youtube thấy bây giờ trong nước, nhu cầu ăn uống các loại hàng "đặc sản" đến phát kinh ngạc, phát sợ luôn (nói theo sư Minh Tuệ, trong 5 giới thì dân VN mình khó lòng mà thành chánh quả...) :-))

    Như vậy đã tới Sài Gòn "đèn xanh đèn đỏ"... sẽ theo dõi cuộc viễn du của TH trong những ngày tới!

    NN Hoàng

    Trả lờiXóa
  2. Cút cu bạn thương
    May mà TH bạn tôi ngừng đúng lúc, đang giờ ăn trưa vừa ăn vừa đọc, minh cũng theo chân bạn đi bụi…
    - Ở khúc đầu theo chân TH từ đi dần qua TUỔI HỌC TRÒ với hoa Phượng hoa bằng lăng thật hào hứng, rồi được thưởng thức trái ấu tuổi thơ thật là tuyệt vời , …
    Thế nhưng màn chấm dứt thật là ấn tượng …ớn ..hihihi.

    KT rất khiếp sợ con gì không chân, trườn hay ngoạ ngoạy hoặc nhiều chân (2-4 thì bình thường hơn , ít hoặc nhiều chân hơn nữa ớn nổi da gà luôn hihihi )
    Cám ơn bạn đã kể rất mạch lạc rõ nét về quê hương của mình để những người xa xứ chưa có điều kiện và thời gian cũng có thể theo chân bạn đi bụi dài dài hé.
    Mến chúc TH nhiều sức khỏe và niềm vui nha để kể tiếp nữa nha, KT luôn ủng hộ chờ đọc tiếp nè .
    Mến thương
    Kim Trúc

    Trả lờiXóa
  3. Thầy Hoàng, Kim Trúc thân mến,
    TH cám ơn Thầy và bạn đã theo dõi các ký sự của TH và luôn luôn ủng hộ, khuyến khích tạo động lực để TH viết tiếp. Miền Nam chúng mình đa số mang địa danh mộc mạc nhưng quá thân thuộc, đúng không? Dọc đường TH chứng kiến (bắt gặp) nhiều sự việc hoặc tiếp xúc với nhiều người ở mỗi địa phương khác nhau. Đa số đều tử tế, cư xử đúng mực, thỉnh thoảng mới có vài trường hợp ngoại lệ.
    Nếu có dịp về VN, gia đình thầy Hoàng & Kim Trúc thử đi chơi kiểu “giang hồ lãng tử” như TH&co… sẽ thấy rất thú vị lắm đó.🤪😋😄

    Nói về ẩm thực VN hiện nay, ngoài những món “kinh hoàng khiếp đảm”, những cái bảng hiệu quán xá lập dị “không giống ai” ra (TH không ghi chú nên giờ quên mất rồi) thì may mắn có rất nhiều món ăn thức uống chế biến từ những thực phẩm quen thuộc hàng ngày nhưng theo kiểu mới, rất ngon lạ, tinh tế không ngờ.

    Lúc nầy mùa hè đến, thời tiết ấm áp bắt đầu mùa nghỉ hè của học sinh lẫn người lớn nữa rồi. Nên ai nấy đều rục rịch chuẩn bị valise lên đường tiếp, không biết TH có thời gian yên tĩnh mà viết tiếp, thôi thì được đến đâu hay đến đấy vậy. Thầy Hoàng, KT kiên nhẫn chờ vậy nghe.

    À mà chị em KT vẫn còn quá “sung độ” hé, cứ ca hết tân tới cổ nhạc, rồi làm thơ… sao mà giỏi quá vậy ta. TH bái phục bạn quá chừng .
    TH




    Trả lờiXóa