Quảng Nam - Tam Kỳ
Ký Sự của Thanh Hà
Ngày 09/03/2024
Bánh bèo-bánh canh Mỹ Thọ- Phù Mỹ
Từ Qui Nhơn chúng tôi dự định sẽ đến Quảng Nam, khoảng cách 250km nghỉ đêm. Nhưng nấn ná ghé chỗ nầy chỗ nọ xế chiều mới thật sự rời Qui Nhơn nên quyết định hể tới đâu thấy trời nhập nhoạng tối thì dừng.
Đến xã Mỹ Thọ-Phù Mỹ-Bình Định khoảng 4g chiều.
Cháu dâu Trang thấy góc ngã tư đường có dựng bảng bán bánh bèo, bánh canh bèn hội ý nhau ghé ăn thử, xem có giống bánh quê nhà mình không. Vĩnh An thèm cà phê, sẵn đối diện bên kia đường có quán cà phê giải khát rộng thoáng, thế là tiện lợi đôi đàng.
Nghe rằng Mỹ Thọ có ba sản vật nổi tiếng:
–Nếp Chánh Trạch 3 tháng, tức là từ trồng đến thu hoạch chỉ trong vòng ba tháng, rất ngon dẻo.
–Bí đao*Chánh Trạch khổng lồ, nặng từ 30 –40 ký
–Rượu Mỹ Thọ.
Tiếc là tôi không tìm thấy ai bán xôi nếp lẫn được ngắm trái bí đao to bự. Rượu lại càng không.
Mà chỉ được “ăn” bánh canh và “thấy” bánh bèo Mỹ Thọ thôi.
*a/ Có giai thoại về bí đao, tôi kể đây như thêm “hương vị mắm muối” cho bài viết đỡ khô khan nhàm chán chứ không có ý “kỳ thị ngôn ngữ”hay chê bai gì. Ngay bản thân tôi cũng phát âm sai đầy cả ra đó thôi.
Các cháu tôi (hơn chục cháu lận) chơi thân với hai chị em rất dễ thương. Nguyên quán ông bà ngoại của hai chị em nầy ngoài Trung vào sống Saigon từ rất lâu, đời mẹ sinh trưởng Saigon, ba dân miền Tây nên đến đời cháu coi như dân Nam rặt từ giọng nói đến tính tình. Có lần ba mẹ đưa về quê Quảng Nam thăm họ hàng, người cậu dẫn hai chị em ra vườn khoe cây trái lẫn rau củ trồng rất tươi tốt.
*Đến giàn bí, cậu chỉ cháu xem, nói đây là trái “bí đô”. Cô chị hiền thật thà, không hiểu sao gọi là trái bí đô. Cô em lanh lợi hơn, thay cậu giành trả lời:
–Vì nó to quá nên người ta gọi là trái bí đô, tức là đô con, bự con đó.
Ông cậu cãi: Không phải, loại bí này tên là bí “đô”
Cậu lập đi lập lại mấy lần mà hai chị em vẫn chưa hiểu, chừng bà ngoại ra giải thích đó là trái bí đao mà phát âm thành “đô” chứ không phải vì nó to con mà gọi là đô.
*b/ Mỗi địa phương thường có cách phát âm đặc biệt của vùng đó, đôi lúc gây ra nhiều trận cười đau cả miệng. Nhớ lần tôi về quê chơi sang nhà dì ăn giỗ, con dâu của dì nấu ăn rất ngon. Được mọi người khen, cô mới kể là lúc sáng định mua “găng bò” nấu với gì đó mà ra chợ nhằm hôm không có “găng bò” chứ không thì còn ngon hơn nữa.
Cô ấy lập đi lập lại nhiều lần là tiếc không tìm được “găng bò”, tôi tưởng cô nói món “cây răng con bò”(dân miền Tây hay nói R thành G) nên ngạc nhiên hỏi:
–Ủa, răng bò mà sao em nấu cho mềm ra ăn được, hay vậy?
Cô ấy bảo:– Chèn ơi, chị chưa ăn “găng bò” hả, nhai giòn giòn sực sực dai dai ngon lắm chị.
Tôi càng ngạc nhiên cố hỏi:
– Ô cái răng bò cứng vậy chắc em phải nấu lâu lắm mới mềm hả?
–Không đâu chị, nấu chừng nửa tiếng, một tiếng gì là mềm hà.
Lúc ấy chị hai tôi ngồi cạnh mới giải thích cô ấy nói là”gân bò” chứ không phải “răng
bò”. Thì ra cô ấy phát âm  thành Ă nên tôi tưởng cô ấy nói về cây răng, lại phát âm R thành G nên mới “nghe một đàng hiểu một nẻo” chết người như vậy.🤪😬.
*c/ Chị ba tôi thỉnh thoảng nhắc chuyện ngày xưa lúc chị học lớp đệ thất (lớp 6), ngồi cạnh cô bạn người Bắc sống ở Kinh Cái Sắn-Tân Hiệp, bữa nọ hỏi chị:–Mầy có rầu không ?
Chị đáp:–Không, tao không có rầu. Làm gì mà rầu.
–Không phải rầu. Mà “chai rầu” để trị bệnh ấy. Tau đang đau đầu😜
Hi hi. Thì ra cô ấy hỏi mượn chai dầu gió chứ không phải hỏi có “buồn rầu” không. Ngay người cùng gốc Nam kỳ còn bị bé cái lầm nói chi khác vùng nhỉ.
Chủ bán bánh là 1 phụ nữ trung niên dáng tròn trịa đứng loay hoay bên cạnh hai bếp, một bếp đặt nồi bánh canh, bếp kia đặt xửng hấp bánh bèo. Chúng tôi ngồi vào bàn thấp bên cạnh một cô khách trẻ ngồi sẵn ở bàn kế bên, trước mặt cô có đôi đũa gác lên tô nước mắm pha ớt đỏ tươi và khoảng chục cái dĩa tròn nhỏ đựng bánh bèo đã trống trơn xếp chồng lên nhau, có vẻ cô đợi bà chủ mang tiếp xửng thứ nhì. Vĩnh An sang bên kia uống cà phê chứ không ăn, nên cháu dâu đặt ba phần bánh bèo.
Bà chủ mang một mâm đựng chục cái bánh bèo cho cô gái, kêu chúng tôi đợi chút. Tôi liếc nhìn cái bánh bèo bốc khói nóng hổi mà cô gái nhúng vào tô nước mắm đầy ớt đỏ, chỉ thấy bột gạo thêm tí hành lá xắt nhỏ và đậu phộng rang. Không có nước cốt dừa* lẫn đậu xanh tôm khô xay, thế mà cô gái thưởng thức với vẻ ngon lành, thoáng chốc đã ăn xong, kêu tính tiền.
*Như có lần tôi kể, dân miền Trung không hề cho nước cốt dừa vào thức ăn, bánh… tuy nhiên ngoài nớ trồng dừa rất nhiều không thua gì trong Nam, giá cả còn rẻ hơn.
Ước gì họ cho thêm nước cốt dừa vào bánh thì sẽ béo ngon biết mấy, thật tiếc.
Nhìn mấy cái bánh“cưng cứng” chỉ toàn bột, sự khấp khởi ban đầu bỗng nhiên lắng xuống nhưng trót đặt phần rồi đâu thể từ chối. Nhớ ở Rạch Giá (lại so sánh) có quán chuyên bán bánh bèo xóm Lò Heo gần rạp hát Châu Văn thỉnh thoảng các cháu chở đi ăn sao mà hấp dẫn bởi bột mềm mại mà không bở. Có hai loại bánh ngọt và mặn. Bánh ngọt có lớp nước cốt dừa, mè phủ lên trên. Còn bánh mặn trét đậu xanh tôm khô xay nhuyễn chỉ nhìn cũng đủ thèm, thơm ngon tuyệt hảo !!! Cháu Trang cũng thường mua bánh bèo từ các gánh hàng trong chợ Rạch Sỏi mang về nhà, ngon mềm không thua quán.
Chắc thấy ánh mắt tôi ngó mấy dĩa bánh bèo không mấy mặn mà, cháu Trang đoán được ý tôi nên tế nhị đề nghị:
–M4 ăn bánh canh để con đổi lại kêu cho m4 nhé, có nước cho dễ nuốt.
May quá, được cháu cứu nguy rồi. Bà chủ mới hấp xửng đầu nên xin đổi lại 1 tô bánh canh và 2 phần bánh bèo.
Bảng quảng cáo 1 phần 10 cái bánh bèo 20 ngàn đồng VN (80 xu Mỹ), tô bánh canh giá 5 ngàn (20 xu). Trời đất, họ bán vậy sao có lời nhỉ. Cháu dâu hỏi bà chủ tô bánh canh giá có 5 ngàn a, bà xác nhận và mở nắp vung nồi lấy vá khuấy bánh lên cho chúng tôi xem, cùng lúc chỉ chồng tô đặt cạnh. Với người khác thì sẽ cho tô ấy là nhỏ vì nhỉnh hơn cái chén chút xíu nhưng với tôi thì vừa đủ.
Được sự đồng ý của bà chủ, Vĩnh An và Sơn bưng hết các món sang quán cà phê chỗ ngồi rộng rải thoải mái.Tôi kêu nước dừa tươi. Trong suốt chuyến du hành hể vào quán là tôi gọi nước dừa tươi. Chợt nhớ lời bài Những Ngày Xưa Thân Ái (Phạm Thế Mỹ) ca sĩ Duy Khánh hay hát: “Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”, xin sửa lại cho hợp với mình”uống nước dừa hay nước mát quê hương”. Nhờ ngày nào tôi cũng uống“nước mát quê hương”nên cơ thể không bị khô héo, kiệt sức là vậy.
Trong tô bánh canh có 3 hay 4 lát chả mỏng manh (cá?thịt?), hành, ngò. Nêm nếm vừa ăn nên tôi không có gì kêu ca. Giá chỉ 5 ngàn tức 20 xu, đòi hỏi gì hơn chứ, chả bù bên xứ tôi một tách trà nhỏ túi lọc đã là 3,7 francs Thuỵ Sĩ (khoảng 5 đô Mỹ) rồi ấy. Tôi không khó khăn trong việc ăn uống miễn đừng “lạ lùng, quái dị” và không hợp khẩu thì không nếm thử thôi 🤭😜.
Còn mấy cái bánh bèo Trang, Sơn nuốt mãi không hết. Thật phục lăn cô bé ăn hết hai chục bánh bèo ấy.
Nói thêm: Chúng tôi chỉ ghé có 1 gian hàng thức ăn kiểu bình dân ở 1 xã nhỏ, nên không thể kết luận 2 món này “đại diện, tiêu biểu” cho cả thị xã, tỉnh, vùng…được. Tôi chỉ ghi lại những gì chính bản thân chứng kiến, kẻo “quơ đũa cả nắm” thì “oan ức” cho tôi và cho họ nữa.
Đèo & Bãi Biển Lộ Diêu- Hoài Nhơn- Bình Định
Lót dạ xong, chúng tôi lượt thượt kéo nhau đi tiếp.Trên đường hể thấy nơi nào non nước hữu tình lại tấp vô ngắm nghía, chụp hình, nên khi chúng tôi vượt qua đoạn đèo Lộ Diêu-Hoài Mỹ thị xã Hoài Nhơn khá dốc ngoằn ngoèo hoang vắng, một bên vách đá dựng đứng, bên rừng tràm xanh ngăn ngắt thì mặt trời đã bị che khuất bởi màn sương giăng trắng đục, rải mưa phùn phun trùm lên vạn vật trông ảm đạm. Nếu những sợi tơ trời li ti ấy không phủ mờ mặt kính chiếc nón bảo hiểm thì tôi cũng không nhận ra mặt mũi quần áo, hành lý ươn ướt mát lạnh, tăng thêm phần bí ẩn bâng khuâng cho lữ khách buổi chiều hôm.
Đoạn đường cả chục cây số không một nhà dân, cũng không gặp chiếc xe nào rong ruổi khiến tôi liên tưởng lần chạy gần trăm cây số từ Hà Giang về Bắc Cạn bị lạc đoàn. Chỉ độc chiếc xe hai dì cháu mò mẫm trong đêm đen tối trên đường vắng tanh một bên là rừng cây cùng vực sâu một bên là núi đá, lác đác ẩn hiện vài căn nhà sàn của dân Thượng chon von trên cao.
Lần này đi chung bốn người, trời chạng vạng, hình như thoảng nghe trong gió chút hơi hướm mùi biển gần kề nên không lo ngại lắm.
Quả thật, xe xuống cuối đèo là đến biển Lộ Diêu với bãi cát mịn viền dài quanh ghềnh đá. Mưa phùn chỉ lãng đãng trên đèo, giờ cũng ngưng.
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
(Kiều, Nguyễn Du)
Truyện Kiều của thi sĩ Nguyễn Du quả thật là một đại tuyệt phẩm ra đời ngót nghét 200 năm vẫn giữ nguyên giá trị vô song. Mỗi khi tôi định diễn tả điều gì mà “bí lù” chữ thì tôi luôn mượn lời thơ của cụ Nguyễn Du nói giùm. Chỉ cần đọc 8 câu thơ thượng dẫn là ai ai cũng mường tượng được tâm trạng lữ khách trước quang cảnh chiều hôm ở bãi Lộ Diêu rồi, đúng không ?
Dự tính đến Quảng Nam (khoảng 100 km) mới dừng nhưng không kịp, đã chạng vạng. Nên đành ngủ đêm ở Tam Quan-Hoài Nhơn-Bình Định.
Thế là chúng tôi đến Bình Định từ chiều ngày 08 qua ngày 09 vẫn còn lẩn quẩn trong vùng kéo dài qua sáng ngày 10 mới rời khỏi “xứ nẫu”
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dìa* xứ nẫu bỏ mình bơ dơ*
Nẫu dìa quài* đó thăm quê
Chừng nào nẫu lại trở dô* trong này…
…Thâu rầu* tạm biệt chia ly
Ngừ dìa*, kẻ ở bờ mi lệ trào
(Thơ- ca dao Bình Định)
*Đến tận nơi, mới khám phá dân Phú Yên, Bình Định có cách phát âm nhiều chữ giống dân quê tây nam bộ, họ cũng xưng ”tui, dìa, v thành d..”
Để “tui” thử trả lời theo lối nói của dân Bình Định trộn âm Xứ Quảng coi có giống không nghe:
Nẫu dìa trỏng đoá them quê
Vài boa nem nữa nẫu re them mình (TH)
Dịch: Nẫu về trong đó thăm quê
Vài ba năm nữa nẫu ra thăm mình 🤪🤭
Ngày 10/03/2024
Quảng Nam
Từ Tam Quan chúng tôi lần lượt đi qua nhiều địa danh mà tôi nhớ man mán không rõ ràng, như tỉnh Quảng Ngãi có:
–Đèo Bình Đê (còn gọi đèo Sa Huỳnh) giáp ranh Hoài Nhơn tỉnh Bình Định và Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi.
–Thị trấn Châu Ổ, chợ ẩm thực cùng tên, bán nhiều món ăn trong đó bún thịt nướng được thực khách rất ưa chuộng, các loại ốc…
–Mộ Đức v.v..
Miền Trung có Ngũ Quảng gồm 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đức (năm 1945 đổi thành tỉnh Thừa Thiên, Huế). Quảng viết theo chữ Nôm nghĩa là mở rộng. Do các vùng này đều là đất mới khai phá được sáp nhập vào Đại Việt 300 năm trước.
Nhờ các cháu mà tôi được may mắn đi thăm hết 5 xứ Ngũ Quảng, nhìn tận mắt những vùng đất từng được nghe nhắc nhiều đến trở thành quen thuộc trong tâm thức. Có vài câu ca dao về xứ Quảng:
*Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, nội tán phá tan
Truông nhà Hồ nằm giữa hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình
Phá Tam Giang là đầm phá lớn tại Phong Điền- Thừa Thiên, Huế mà thi sĩ Tô Thuỳ Yên có viết bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ thành bản nhạc cùng tên rất nổi tiếng.
*Mẹ bồng con ra ngồi Ái Tử
Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu
Bao giờ nguyệt xế trăng lu
Nghe con chim quyên kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng
Cầu Ái Tử trên quốc lộ I từ Quảng Trị đi Đông Hà.
Núi Vọng Phu ở Phú Yên (Đèo Cả). Hai câu thơ đầu được ca sĩ Duy Khánh đưa vào bài hát Lối Về Đất Mẹ ai cũng biết.
*Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say
*Học trò trong Quảng ra thi
Thấy o gái Huế chân đi không đành
*Quảng Nam hay cãi /Quảng Ngãi hay lo
Bình Định nằm co/ Thừa Thiên hốt sạch (vè)
Chúng tôi từ Quảng Ngãi qua địa phận Quảng Nam đã trưa, nên ghé lại Tam Kỳ cách Đà Nẵng 60 km ăn cơm gà.
Tiếng đồn gà Tam Kỳ là một trong các đặc sản tỉnh Quảng Nam. Là loại gà nhỏ con khoảng 1,5 ký nuôi thả tự nhiên trong vườn, không chích thuốc kháng sinh. Phẩm chất thịt ngọt tuy chắc dai lại mềm. Ngộ nghĩnh là ức gà chỉ xé theo chiều dọc chứ không theo chiều ngang. Và khi bỏ gà vào nồi nước vừa nóng đã nghe mùi thơm. Có lẽ nhờ thổ nhưỡng và không khí gió biển.
Tiếng đồn quả không sai. Mỗi người 1 dĩa cơm với 1 đùi gà nho nhỏ nhìn rất bắt mắt, không quá nhiều nên không tạo cảm giác ngán ứ. Mà chỉ có 50 ngàn tức 2 đô Mỹ. Thế mà tôi cũng ăn không hết cơm. Người chủ quán sợ chúng tôi chê mắc, phân trần vì là gà nuôi nên bán giá ấy, chứ gà thông thường chỉ có 25, 30 ngàn thôi.
Tôi nghĩ thầm không nói ra: các món ăn ở miền Trung sao rẻ quá trời đất.
A mà nhớ hồi xưa lúc bà ngoại tôi còn khoẻ, bà ham thích hoạt động ít chịu ngồi yên nghỉ ngơi. Ngoại có nuôi một đàn gà, một đàn vịt để lấy trứng, một con heo để ăn cám và thức ăn thừa (khi đủ lớn thì bán). Cứ sáng sáng Ngoại mở chuồng gà vịt, đem thau lúa ra sân rải cho chúng xúm xít tranh nhau ăn. Tiếng kêu quang quác của các chị gà mái, tiếng gáy ò ó o của anh gà trống mào đỏ, bầy gà con chíp chíp, bầy vịt quạc quạc hoà lẫn tiếng chú heo ột ột trong chuồng chưa được ăn nên đòi phần, tạo nên một hợp âm hỗn tạp vui tai chỉ miền quê mới có.
Chúng tôi được ăn thịt gà Ngoại nuôi bằng lúa dự trữ trong bồ hoặc tấm gạo. Ngoài ra cả ngày chúng còn chạy bươi chỗ nầy chỗ nọ kiếm ăn trong sân, nên thịt ngon ngọt thơm tho chắc nịch cũng giống thịt gà Tam Kỳ ấy.
Nhắc kỷ niệm xưa, tôi chạnh lòng nhớ đến người bà kính yêu của chúng tôi vô hạn. Hình ảnh bà Ngoại dáng nhỏ nhắn lưng hơi còng mặc chiếc áo cánh trắng, búi tóc muối tiêu nhỏ xíu sau ót, hàm răng những lúc không ăn trầu trắng nõn (chỉ dính chút màu trầu viền quanh kẻ răng) còn đều đặn cho đến khi qua đời 80 tuổi không mất cái răng nào, cánh tay vung vẫy những hạt lúa cho đàn gia súc. Cả ngày Ngoại siêng năng hết nấu nướng lại quay sang làm bánh chăm sóc chồng, con, cháu, không quản nề hà cực khó. Hình ảnh bà Ngoại, Má là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu chỉ sống hy sinh cho gia đình.
Ông bà ngoại, Ba Má đã không còn trên cõi đời từ lâu nhưng thật sự các người vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi không rời.
Ông bà Ngoại ơi ! Ba Má ơi !
Thanh Hà
LCDF, 24/09/2024
Cảm ơn tác giả Thanh Hà đã cho mình trải nghiệm chuyến đi về Quảng Nam Tam Kỳ qua những dòng ký sự thật gần gũi với những cảm xúc chân thật.
Trả lờiXóaChào bạn…?
Trả lờiXóaTH đoán đây là cô bạn Kim Hương nè, đúng không ? TH cám ơn bạn đã chịu khó đọc và khích lệ mình trên hành trình đi thăm mọi miền đất nước. TH ghi lại những gì tai nghe mắt thấy, đó là cái nhìn chủ quan nhưng hy vọng có nhiều người cũng đồng tình với TH về vài điểm- như bạn K.H đồng tình vậy.
Thương mến,
Thanh Hà
KH cảm ơn bạn TH đã nhận ra mình nha ! Rất mong được tiếp tục đọc những bài Ký sự của TH qua những chuyến viễn du sắp tới để có thêm những hiểu biết về những vùng đất mà mình chưa có cơ hội được đặt chân đến..Chúc cho Thanh Hà thật nhiều sức khỏe có thật nhiều năng lượng tích cực để làm được những điều mình thích.
Trả lờiXóaXứ quảng ngãi có món đặc sản. Con don
Trả lờiXóaTH cám ơn “người ẩn danh” đã vào viết nhận xét. Tiếc là anh/chị/bạn…đã không giải thích nhiều hơn về món đặc sản Quảng Ngãi-con don- cho độc giả hiểu thêm về món ăn xứ Quảng.
Trả lờiXóaChúc anh(chị, bạn…) nhiều niềm vui và sức khoẻ.
Thân,
Thanh Hà