Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Vọng Giang Nam

 Trầm Vũ Phương 

Làng tôi cũng giống làng bên, cũng là cảnh trên chợ dưới sông, buổi sáng có chợ nhóm, buổi chiều có bán bún nước, cháo lòng, buổi trưa có cà phê, buổi tối có bánh phồng . Cảnh coi như không có gì đặc biệt để ngắm còn người thì có chuyện để kể. Tôi nhớ có ông hai Nghệ biết chữ nho, tết nào ba tôi cũng đến để có liễng dán trên trang thờ và cột nhà, chữ nho tôi không hiểu cho nên ba tôi có viết thêm ba chữ “ Trọng Chữ Tín” trên một miếng cạc tông treo lên cái xà ngang thì tôi mới biết cái phương châm sống ở đời của người, hàng xóm quý trọng ông cũng do điều này. Ông hai Nghệ mỗi năm chỉ viết liễng một lần vào dịp tết còn bình thường thì sau khi thay bộ áo dài khăn đóng, rời cái bút lông, nghiêng mực tàu, giấy đỏ, ông liền trở thành một nông dân cày sâu cuốc bẩm. Mỗi làn gặp ông ở tiệm cà phê là tôi khoanh tay chào, đáp lại ông mĩm cười gât đầu, gương mặt ông phúc hậu để râu dài nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông vuốt râu. Bây giờ không biết còn có bao nhiêu người đến ông để xin chữ “ Tân Xuân Vạn Phúc”. Có lẽ giấy điều, nghiêng mực, bút lông đã nằm yên trong tủ chịu cảnh nhện giăng, bụi lấp. Tôi vẫn nhớ nụ cười của ông hiền hòa, thanh thảng chẳng buồn chuyện nắng, chuyện mưa.

Làng tôi coi vậy chớ có vua, người mà trong xóm hay gọi là “ Quốc Vương” là chú hai Ninh. Lúc trước chú có đi gánh hát, có đóng vai vua, về sau này nghỉ hát chú về sống ở đây. Làm quốc vương mà chú ham mê cờ bạc, vì suốt ngày chỉ ở không và ngồi trong sòng bạc nên trông chú trắng trẻo, đẹp trai, trong  khi đó vợ chú đội một xề bánh trên đầu đi bán rất vất vã có khi phải dắt theo mấy đứa nhỏ, cực nhọc mà không dám than. 
Chú có mặt trong các sòng lớn cho đến sòng nhỏ. Sòng hốt me thì khi thua hết tiền chú xin làm đếm hột, chà nút, thay chung, đổi cần. . . Còn sòng nhỏ như sòng bông vụ, bầu cua thì thiếu chịu, mấy đứa đàn em nắm lưng thì chú chỉ mấy cái răng vàng bảo là tao trả bằng vàng chớ tiền mặt không có giá.  

Nhà anh ba Hiệp là tiệm cà phê khá quen thuộc trong xóm. Còn anh thì lâu lâu mới về, nghe nói anh đi học hay làm gì ở Sài gòn không rõ nhưng mỗi lần về là bọn nhóc trong đó có tôi rất thích thú, coi anh như thần tượng, anh có tài kể chuyện, chơi đàn, nhảy đầm, hội họa…  Đặc biệt vì mến tôi nên chỉ cho tôi vài thế võ thái cực đạo nữa. Hình như cái gì anh cũng rành rọt hết, ở xóm có người đến gặp chìa ra một cuốn sách toàn chữ tây nhờ anh giãng nghĩa, tôi nhiều khi bí toán cũng hỏi anh, mấy tay chơi vũ cầu, bóng bàn gọi anh là sư phụ. Nhớ có lần để mừng tân niên, anh mượn nhà lồng chợ để tổ chức, anh dùng một cái dù hỏa châu treo ngay giữa như một cái lều, rồi mỗi góc lều có giăng thêm giây kim tuyến màu rực rỡ, rồi nào là giàn nhạc với micro, âm ly, loa phóng thanh đủ cả, có khoảng năm, sáu bàn, bày bánh mức, hạt dưa, nước ngọt, trai thanh nữ tú trong xóm đều được mời đến dự. Không biết anh ngoại giao ở đâu có được mấy trái khói màu, khi chương trình khai mạc, ngoài tiếng nhạc, tiếng pháo, cả cái nhà lồng chợ chìm trong một màn khói ngũ sắc, không khí tưng bừng, náo nhiệt, nhà nhà xung quanh người túa ra xem. Dư âm hào hứng đó không kéo dài, ngày hôm sau có người mời anh đến trụ sở xã làm việc, họ muốn biết làm sao anh có trái khói màu và quan trọng hơn nữa là phải chăng có ý chỉ điểm để Việt cộng pháo kích vào xã phải không?
Một thời gian sau không thấy anh trở lên Sài gòn nữa, anh đi tu, trở thành tín hữu Cao đài. Thánh thất Cao đài ở xóm tôi lớn lắm so với số tín hửu thì không đông. Không biết Thánh thất xây dựng hồi nào mà cách kiến trúc là lạ. Thường thì hai tháp ở hai bên chánh điện có hình vuông cao, trái lại Thánh thất này không có hai tháp cao vuông mà lại có hai tháp tròn thấp hơn chánh điện. Thánh thất tọa lạc trên một khu đất rộng có nhiều cây sao cao lớn xung quanh, phía trước có dựng một cột phướng, phướng là một giải lụa màu trắng có chiều dài từ ngọn phướng xuống gần chân cột phướng, tôi không hiểu nó mang ý nghĩa gì về mặt tôn giáo. Cổng chính được xây bằng gạch, những hàng chữ trên cổng về sau này do chính anh ba Hiệp vẽ lại bằng sơn đỏ trên nền trắng. Thánh thất có một đội đồng nhi giao cho anh hướng dẫn. 
Cái hình ảnh anh ba Hiệp hào hoa phong nhã bổng biến mất thay vào đó là một tín hửu thuần thành, ngoài thời giờ tu niệm ờ Thánh thất về nhà anh leo lên gác thượng để ngồi thiềng, anh hay tiên đoán những việc tương lai, đúng hay không thì tôi không chắc nhưng có một lần anh bảo tôi:
- Bé nghe lời anh mua số đề đi, chiều nay sổ số 21 đó”.  
Tôi cũng ráng đi mua. Ai ngờ đâu sổ 21 thật, sao linh quá vậy! 

Ông Tổ Cải lương có biết là xóm tôi có kép, có đào, có nhạc sĩ cổ nhạc không? Về kép thì có “ Quốc Vương” nêu ở trên, đào thì có chị Nhành con của bác chín Diệp, mà bác lại là nhạc sĩ cho gánh hát đó, chưa hết còn có bác ba Luận, tuy bấy giờ làm thợ hớt tóc nhưng bác còn là người chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn kìm, đàn nguyệt. . . Tôi đã từng đến tiệm bác để nghe đàn ca tài tử. Từ nhà bác đi thêm khoảng vài nóc gia nữa là tới nhà anh Tâm mù, có ngón đàn ai nghe cũng mê cũng mệt, em trai của anh với tôi là bạn học nên tôi hay đến chơi cũng để nghe anh đàn có khi anh với vài người bạn cùng hòa tấu với nhau trước hiên nhà rất thú vị. Chiều chiều lại có người bạn đưa anh đi dạo xóm, rồi có một ngày cái chuyện đi dạo lại thành chuyện đi “thăm” vì bên kia sông có một mái chòi sát bờ nước, mấy người trai làng bơi xuồng đi giăng câu thường cố tình bơi chậm chậm ngang qua để hy vọng gặp mặt cô Hồng, còn nếu hên nữa thì nghe được giọng hát huê tình của cô. Chèn ơi! cô nổi tiếng là đẹp, về đêm ngọn đèn dầu trong chòi tranh tự nó không mang đến niềm ấm áp mà khi có anh Tâm đến thăm và ngồi gần nói chuyện thì nó lung linh như ánh sao trời. Cô đứng không được vì bị bại liệt bẩm sinh, một người khiếm thị dễ có sự đồng cảm với một người bại liệt, mỗi người có một hoàn cảnh không may cho đời mình, từ đó hiểu nhau rồi thương nhau.

Ở cái tuổi của cô tư Hóa thì mấy cô ở xóm ăn đứt, nhưng cô tư đâu có quan tâm với lại ở tuổi nào đều có cái đẹp ở tuổi đó, cô có khuôn mặt tròn thỉnh thoảng cô có tô môi son một chút, tóc bới gọn gàng, thân hình đều đặn với quần lãnh áo bà ba. Gặp ai cô cũng cười hỏi thăm chuyện ruộng nương:
- Lúa lúc này tốt không anh năm?
- Lúa anh là lúa sạ hay cấy vậy anh mười?
Ở trong tiệm cà phê cô hay được bác này, bác nọ mời uống một ly xây chừng hay một ly cà phê bạc xỉu, người ta thích nghe cái cách bắt chuyện với lời lẽ ngọt ngào của cô tư, nhiều ông lơi lã với cô thì cô cũng trêu chọc lại một cách tự nhiên. Chồng cô hiền lành, nước da đen đúa, mắt lòi, miệng méo cho nên cô có quen ai thì chú cũng không có ý kiến. Có người nói cô là “ dân thả” nhưng cô nói chuyện rất hiểu biết, có duyên nên không cần thả cũng có người theo. Chuyện cũng đâu có gì mà ầm ĩ. Cô như là cái bông tim tím trong đám lục bình hoặc là màu đỏ đỏ hồng hồng của đám nhản lồng bên bờ ruộng. Với lại khi ngồi với nhau trong tiệm cà phê mấy ông có chuyện gì cũng nói hết rồi, có cô tư Hóa ngồi gần đó góp thêm lời này ý nọ làm cho câu chuyện thêm vui thí dụ như vầy:
- Đêm qua em nằm chiêm bao.
- Thấy gì vậy cô tư?
- Dạ, em thấy em đang cưỡi ngựa.
- Ồ! Ngựa thì 52, cô nghe tui đi, đánh 52 là trúng phóc đó.
- Thưa anh, theo kinh nghiệm nếu thấy ngựa thì mình phải đánh con dê.
- ??!!!

Vào khoảng thời gian đó tôi độ có mười mấy tuổi thôi mà đã thấy cái tình xóm làng nó khắng khít, ai cũng thương cái nơi chôn nhao cắt rún của mình và chấp nhận những nghiệt ngã của cuộc đời. Hồi đó có mấy người cũng lìa quê đi kiếm sống ở nơi xa nhưng rồi cũng trở về, thằng bạn học thời tiểu học cũng vậy, nó theo anh chị lên Sài gòn làm ăn nhưng nó không quên tôi, nó gởi về cho tôi một bó viết chì màu kèm theo một hộp bi mới tinh đầy màu sắc vô cùng quyến rũ tôi chưa bao giờ thấy. Nhưng cái chuyện tôi nhớ nhất là một hôm tôi vô nhà nó chơi, chị nó tên Mai đang quét nhà, kế đó là ba nó đang đứng chải đầu trước cái tủ kiếng, chị Mai thấy tôi liền quay qua ba nó nói gọn lỏn:
- Ba! Thằng Bé nó muốn con Oanh.
Con Oanh là em gái của thằng bạn tôi, nghe câu nói đó tôi hết hồn hết vía chạy trở ra ngoài sân không kịp.

Mẹ tôi được người trong xóm gọi là bà Tám. Hồi xưa gia đình nghèo mẹ tôi phụ giúp gia đình bằng cách làm bánh rồi giao mấy đứa em đi bán trong xóm. Khi về với ba tôi thì ít có dịp trở lại nghề cũ, mỗi khi có gánh hát hay có đoàn chiếu bóng lưu động về thì mẹ tôi nhớ nghề, liền chỉ huy mấy đứa em gái tôi làm bánh bán kiếm chút tiền chợ, thường là bánh bông lan, tôi nhớ cái khuôn bánh hình tròn có hai cán dài của mỗi bên úp lại, mở khuôn ra thì thấy bên trong có nhiều lỗ để đổ bột vào, những lổ đó mang nhiều hình khác nhau như hình gà, cá, chó có cả hình bông hồng nữa. Bột bánh được đổ vào các lổ này rồi úp khuôn lại đợi chín thì mở khuôn ra, nhẹ nhàng dùng một que tăm lấy bánh ra sắp vào một cái mâm, có cái nào quá lửa thì mấy em được phần. Rồi có một đêm, đang lúc chiếu phim thì không biết chuyện gì có người la, nhiều người chạy hoảng loạn, gọi nhau ơi ới chắc sắp có cảnh bắn nhau, xung quanh nhà lồng chợ đều có nhà và cửa tiệm thấy chổ nào còn mở cửa thì người ta chạy ngay vào tìm hầm tránh đạn, mẹ với mấy đứa em cùng một số người xông vào cửa tiệm tạp hóa của chú tư Đời Nay chui tọt vô hàm trú ẩn, lúc đó mấy chú trong đoàn chiếu bóng cũng quýnh quán quên chạy đi tắt máy điện mà vội rút dây diện ra khỏi máy chiếu và làm rớt đầu điện lên cái bàn mượn của tiệm cà phê, cái bàn có một lớp thiếc ở trên mặt nên nó dẫn điện liền, mấy chú lo dẹp máy móc trên bàn đều bị điện giật. Trong hầm tối thui, bên ngoài cũng còn tiếng người chạy qua chạy lại thì bổng có tiếng la thất thanh:
- Tui bị thương rồi, bà con cứu, cứu tui.! Nóng quá!
Không nhìn thấy nhau nhưng ai cũng cảm nhận một nỗi kinh hoàng bao trùm căn hầm, có người bị thương làm sao đây? Có người chui ra khỏi hầm tìm hộp quẹt, đến khi có chút ánh sáng thì ai cũng bật ngữa:
- Bà tám ơi! Sao bà đem cái khuôn bánh vô đây làm chi vậy? Làm cho người ta bị phỏng rồi nè.
Hóa ra trong lúc mất hồn mất vía, mẹ tôi thay vì ôm cái hộp tiền thì lại rinh cái khuôn bánh bông lan nóng hổi từ trên lò than chạy a thần phù vào hầm khiến cho mấy người bên trong bị phỏng mà họ cứ tưởng mình bị lạc đạn.Thiện tai! Thiện tai!.   

Ở xóm tôi cũng có một bến đò, chị Út đưa đò người dễ coi, duyên dáng, ban đầu chỉ là giúp đưa khách qua sông vậy mà dần dần chị trở thành cô lái đò bến hạ, tôi với tụi nhỏ tắm sông hay lội sang bến cầu nhà chị giả làm khách gọi đò, chị năn nĩ đừng có bám đò nếu nghe lời sẽ mua bánh cho ăn. Anh tư là em anh ba Hiệp hay rủ tôi đi đò qua sông chơi mặc dù anh không quen ai bên đó, trong lúc đi đò anh có lời chọc ghẹo làm cho chị Út đỏ mặt tía tai tôi mới biết anh có tình ý với chị rồi. Có nhiều đêm dân bên kia sông đi coi hát cải lương về khuya nhà chị Út tắt đèn đi ngủ hết nên mấy anh trai làng chỉ còn nước lội sông về, vừa lội vừa ca vọng cổ như vầy: “ Em Út ơi! Tiếc  làm chi đò ngang một chuyến, mà nở để kẻ qua sông phải lội nước đêm. . . ơ . . . ơ . . . dài. Cớ làm sao mà cửa đóng then gài.”

Bây giờ cây đa cũ bến đò xưa trở thành ký ức xa xôi trôi về từ một phương trời xa lạ.

Trầm Vũ Phương
Đêm trăng hạ tuần tháng 10 dương lịch năm 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét