Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Bốn Thế Hệ

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Các môn phái trong võ lâm, chỉ có phái "Thất Tình" là có những câu chuyện tương tự giống nhau, nhưng mà 4 thế hệ có cùng một chuyện na ná thì âu cũng là duyên kỳ ngộ. Sư thúc tổ thì chờ những 60 mươi năm mới có thư hồi âm, còn sư thúc thì ít hơn cũng tốn hết 40 năm. Chỉ có "đồ tử, đồ tôn" thì thiệt là thê thảm. 
Một đứa hơn 30 năm thao thức nắn nót làm thơ tình mà không dám gởi, có lẽ cũng không bao giờ có cơ hội để mà gởi nữa, còn đứa kia thư gởi đi đã 46 năm rồi mà "Sao chưa thấy hồi âm".

Hai câu chuyện tình buồn đó như thế nầy:
Ku Tửng có tên trong giấy khai sinh rất kêu đó là Nguyễn Mạnh Hùng. Quê quán ở vùng Miệt Thứ, cái nơi mà có những câu ca, thành ngữ bất hủ như:
"Quê hương tôi, nước mặn đồng chua", hoặc là: "Muổi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh bềnh như bánh canh" hay là:
"Con gái ban đêm... ái ra lửa".
Ku Tửng học hết lớp 9 ở trường Trung Học Tỉnh Hạt Kiên An thì phải khăn gói ra tỉnh trọ học, xếp lại cái tên cúng cơm không mấy gì đẹp đẽ và bắt đầu với tên mới cho kêu hơn.
Chú khờ ra tỉnh cái gì cũng lạ cũng mới mẻ, ngộ nghĩnh, cho nên ngoài giờ học Hùng chỉ đi quanh quẩn trong khu nhà trọ. 
Trước nhà trọ có quán cơm tấm Ngọc Thanh, quán cơm bình dân bán giá rẻ cho học sinh và dân lao động. Mỗi sáng trước khi đi học Hùng thường ra đó ăn một dĩa, buổi chiều đôi khi làm biếng Hùng cũng chơi thêm một dĩa nữa, cho khỏi phải nấu nướng lôi thôi, tốn công và cũng để tiết kiệm củi lửa. 
Là khách thường xuyên của quán, dần dà Hùng quen bà chủ. Bà có cô con gái tên Ngọc Bích học cùng cấp lớp với Hùng, cô ta tuy không sắc nước hương trời nhưng nhìn cũng bắt mắt, nói năng nhỏ nhẹ, hiền hòa, dể mến, thích nhạc êm dịu và rất mê làm thơ...Với những ưu điểm như vậy cho nên có nhiều cậu học sinh trồng "cây si" trước cửa nhà. Trong đó có Hùng.
Một năm sau cây si trồng chưa lớn thì "Mất Nước". Cha đi cải tạo, nhà sa sút Hùng đành phải bỏ học về quê đánh cá phụ mẹ nuôi sống gia đình. 
Thôi đành giã biệt người tình trong mộng.
Rồi thời cơ đưa đẩy Hùng theo tàu đánh cá vượt đại dương sang định cư ở xứ cờ hoa .Tới Mỹ Hùng dự tính đi học lại, nhưng vì cha bệnh nặng trong lao tù, mẹ già còng lưng, còm cỏi với gánh nặng gia đình, mấy đứa em còn quá nhỏ không thể gánh vác bớt chuyện gia đình, vậy là một lần nữa Hùng đành bỏ học chọn cho mình nghề sửa xe, để mong làm có tiền gửi về phụ giúp gia đình.
Năm tháng dần dà trôi qua, Hùng cố gắng dành dụm và cuối cùng cũng mở được một shop sửa xe nhỏ để làm cần câu cơm. Cuộc sống bây giờ đầy đủ nhưng Hùng không thể nào quên người tình trong mộng, chưa bao giờ chàng nguôi ngoai thương nhớ, người con gái có mái tóc dài chấm ngang vai, có khuôn mặt tròn dễ mến, còn giọng nói thì êm như ru và nhất là thích làm thơ...
Nhưng mà hai bờ đại dương nghìn trùng xa cách, Hùng cũng đành phải trôi theo dòng đời như bao người khác, phải lấy vợ sinh con, phải yêu để mà sống.
Một hôm trời đổ cơn mưa lớn, khách vắng tanh. Hùng cùng hai người thợ đang ngồi nhâm nhi bên ly cà phê đắng thì bổng có một chiếc Mercedes cũ xì trờ tới ngang cửa shop kêu lên khịch, khịch mấy tiếng rồi tắt ngủm. Người thợ trẻ nhất trong ba người chạy ra, xổ một câu tiếng Anh:
- May I help you?
Cô chủ xe nghiêng đầu ngó qua ngó lại rồi nói:
- Anh là người Việt Nam hả?
- Đúng rồi! Chị có cần giúp gì hông?
- À. Chiếc xe mắc toi của tôi không biết bị giống gì mà chết máy liền xì. Anh trị nó dùm tôi đi.
- O.K !
Vậy là 3 người ra đẩy chiếc Mer. vào shop. Trong khi hai người thợ hì hục sửa xe thì Hùng và cô chủ xe ngồi uống cà phê tán dóc. Không biết tán thế nào mà trúng phóc ngay cô gái cùng quê Miệt Thứ. 
Hương thơm của bông bần, quyện với mùi chua của phèn làm Hùng ngất ngư con tàu đi. Thế là mấy tháng sau một đám cưới đơn giản được tổ chức dưới sự chứng kiến của một ít bạn bè.
Mấy năm đầu hạnh phúc mau chóng trôi nhanh, rồi con, rồi cái lần lượt chào đời. Hai vợ chồng bận bù đầu với công việc, nào đưa con đi học, nào đi chợ nấu cơm, nào giặt giũ quần áo... 
Anh chồng còn phải bù đầu với đám bù lon, con vít, còn chị vợ thì te tua với bông gòn nước sơn trong tiệm làm móng tay. 
Thời gian cứ thế mà bay đi như họa tiễn liên lục địa. Mới đó mà hai đứa con đã bước vào Đại Học. Bây giờ có được một chút thời gian rỗi rảnh, Hùng mới có dịp nhìn lại mình trong gương. 
Hùng cảm thấy mình thiệt thòi quá mạng, vì chàng còn quá "phong độ ".Tiền bạc thì rủng rỉnh túi lưng túi đầy còn vợ mình... ối thôi! Sau bao năm ngồi sơn sơn, dũa dũa ít vận động nên da ít thịt hơi nhiều, không còn gọn gàng thon thả như trước. Hùng chợt nhớ tới nàng Ngọc Bích dáng người yểu điệu thục nữ, giọng nói nhẹ nhàng nho nhỏ như tiếng chim ca buổi sáng, nỗi nhớ càng ngày càng nung nấu tâm cang.
Để giải toả nổi lòng, Hùng thường lén vợ làm thơ, khi mà tập thơ có hơn 20 bài thì Hùng cũng bắt đầu lén vợ để dành một ít tiền mặt hầu mong có ngày về lại Việt Nam tặng những bài thơ đó cho người tình trong mộng...

Rồi ngày ấy cũng đến. 
Khi chiếc phi cơ của hảng hàng không Air China trượt dài trên đường băng của phi trường Tân Sơn Nhất. Hùng rộn ràng vui sướng trong lòng, sau hơn 35 năm xa xứ, giờ đây sắp gặp lại những người thân yên. Ôi! Một cảm giác lân lân kỳ diệu khó tả.
Chiếc máy bay dừng cách xa phi trường hàng mấy trăm mét. Mọi người mang hành lý xách tay, rồi leo lên 3 chiếc xe bus đậu chờ sẵn phía dưới.
Thủ tục hải quan cũng đơn giản nếu có nhét vào passport một ít tiền đô...
Khi Hùng đẩy xe hành lý ra khỏi cổng, một luồng khí nóng khủng khiếp ùa tới như thiêu rụi thân thể chàng. Phía trước một rừng người vẫy tay, la ó gọi nhau điếc cả con ráy. Rồi hai đứa em và đám cháu của chàng cũng ùa tới vây quanh đua nhau, nào anh nào bác nào cậu khiến Hùng không biết trả lời ai trước.
Rồi đồ đạc cũng được chất lên xe dong tuốt về Rạch Gía. Đường xe bây giờ êm ả hơn lúc Hùng đi vượt biên, có đoạn xa lộ cũng gần như Freeway bên Mỹ nhưng cái mà làm cho chàng khoái nhất là đoạn đường từ Tắc Cậu về Thứ Ba, trước đây phải mất hằng nửa ngày đi đò. Còn bây giờ qua bắc xong thì xe chạy chưa đầy 20 phút là tới nơi rồi.
Thật là tiện lợi vô cùng.
Năm hôm sau khi đã thăm bà con và bạn bè cũ xong. Hùng quyết định đi tìm người tình trong mộng, dù không biết người xưa có còn đó hay chăng? Thằng cháu con nhỏ em kế đèo cậu nó trên chiếc Honda lượn vòng quanh thành phố Rạch Giá. Ôi thành phố thân yêu ngày xưa sao bây giờ xa lạ quá. Tất cả đều đã thay đổi, hoàn toàn thay đổi. Hùng tìm lại quán cơm tấm Ngọc Thanh trong xóm trọ nghèo của dân lao động. 
Kìa! Quán cũ ngày xưa còn đó Hùng lẩm bẩm một mình "Ít ra nơi nầy cũng còn chưa thay đổi "
Hai cậu cháu dừng xe phía trước. Bụng chàng hồi hộp đánh lô tô như ngày đầu mới đến đây. Đang còn phân vân không biết mình có nên vào hay không? Thì bổng cô chủ quán cà phê đối diện bước ra mời:
- Vào ăn sáng, uống cà phê đi anh.
Như bị thôi miên Hùng riu ríu theo vào. Hai cậu cháu đang ngồi chờ cà phê nhỏ từng giọt thì có ba bốn em bán vé số xúm lại mời:
- Mua số đi chú. Mua dùm cháu ít tờ đi. Số đẹp chiều nay xổ nè.
- Tướng chú sang chắc là chiều nay làm tỷ phú đó.
Thằng cháu xua tay nói:
- Không mua đâu. Mấy em đi chỗ khác bán dùm đi.
Bọn trẻ tiu nghỉu bỏ đi. Hùng nhìn theo tội nghiệp nên gọi 2 đứa lại:
- Chú không mua mà bao cho 2 đứa ăn sáng chịu hông?
Cả đám con nít bán vé số gần chục đứa nghe vậy thì đồng thanh reo lên:
- Bao hết đi chú.
- Ờ! Thì bao hết mấy đứa muốn ăn cơm gì cứ qua bên quán cơm tấm mà gọi, ăn xong chú trả tiền cho.
Thế là bọn trẻ nhao nhao đứa thì sườn nướng, đứa thì thịt nướng, bì chả rồi một hột, hai hột loạn cào cào. Cô chủ quán cà phê nóng mặt:
- Tụi bây định ăn không, hổng uống gì hết à? Ngồi chật hết bàn ghế của tao rồi còn bán buôn gì được nữa?
Bọn trẻ lại một phen đưa mắt nhìn Hùng cầu cứu 
- Ừ! Thì các cháu uống gì cứ gọi đi cho cô chủ vui.
Lại một màng đá chanh, bò cụng, 7 up... 
Bọn trẻ vừa ăn, uống, vừa nói cười vui vẻ y như là ngày tết. Hùng khều một em lớn nhất trong bọn hỏi:
- Có phải bà mập ú ngồi xúc cơm tấm là bà Hai Thanh chủ quán không vậy?
Thằng bé trợn to đôi mắt ngạc nhiên nhìn Hùng trả lời:
- Bà cốc Thanh chết lâu rồi. Đó là bà ba Bích, không tin chú hỏi cô Hai chủ quán cà phê đi.
Hùng nghe xong chết lặng cả người. Thôi còn đâu mái tóc dài chấm ngang vai, còn đâu dáng vóc mảnh mai. Bao nhiêu nhớ thương ấp ủ lâu nay bổng chốc tan tành theo mây khói. Hùng lặng lẽ trả tiền xong hai cậu cháu rút êm về nhà.
Đêm đó Hùng không tài nào ngủ được hết dự tính làm việc nầy, sang qua định làm việc nọ. Cuối cùng Hùng quyết định giúp cho Ngọc Bích ít tiền để sửa sang lại quán cơm tấm. Sáng hôm sau 2 cậu cháu lại đến. Bọn trẻ mừng quá hỏi:
- Hôm nay bao tụi cháu ăn cơm tấm nữa hả chú?
- Không hôm nay chú mua cho mỗi đứa 10 tờ vé số chịu hông?
Trả tiền cho chúng xong Hùng xếp 10 tờ vé số lại nhét vô túi từng đứa một rồi dặn chúng:
- Các cháu đừng bán mấy tờ vé số nầy nghen, biết đâu chiều nay tụi cháu đổi đời...
Đứa lớn nhất hôm qua đến bên Hùng nói:
- Hôm qua bà Ba Bích hỏi tụi cháu. "Bộ tụi bây trúng mánh hay sao mà tiệc tùng rùm ben vậy?" 
- Rồi cháu trả lời thế nào? Hùng hỏi lại.
Cháu nói:
- Của chú Việt Kiều bao.
Bả tức quá chửi:
- "Đ.M" Phải tao biết vậy, tao chặt 100 ngàn một dĩa rồi.
Hùng đứng tim khi nghe thằng bé thuật lại nguyên văn.
Thôi còn đâu người tình trong mộng, còn đâu dáng vóc mảnh mai, còn đâu giọng nói ngọt ngào như mật rót vào tai, bây giờ trước mặt chàng một bà vừa mập vừa lùn ăn nói lớn tiếng chửi thề không chớp mắt. Hùng lặng lẽ rút tờ giấy 500 ngàn nhờ thằng bé đưa cho bà chủ quán cơm tấm nói là của chú Việt Kiều trả bù tiền cơm ngày hôm qua, rồi hai cậu cháu ra về trong thầm lặng

Thôi từ nay hết mộng hết mơ 
Hết còn nhung nhớ hết đợi chờ 
Tình xưa xin trả cho dĩ vãng 
Còn lại chút gì của tuổi thơ ?

Đó là chuyện tình của đứa học trò đệ tử. Còn đệ tử thì cũng không khá gì hơn nó.
Đệ tử học chung lớp với nàng từ năm Đệ Thất tới Đệ Nhị. Nhà đệ tử cách trường những 15 cây số nên thường thường phải đi sớm để phòng khi kẹt xe khỏi phải trể học. Những khi tới lớp sớm đệ tử hay kiểm tra lại bài tập được đem về nhà làm. Không biết từ năm nào và vì lý do gì mà nàng cũng đi sớm để rồi 2 người cùng nhau xem lại bài tập, đôi khi không có bài tập thì cùng chơi cờ ca rô. Cứ như thế cho đến cuối năm đệ Nhị trước khi chia tay, không còn gặp nhau đệ tử liều mạng viết cho nàng một bức thư tình, nhưng mà nhát quá nên không dám trao tận tay nàng, phải nhờ thằng bạn nối khố đưa dùm. Bức thư đó tới nay đúng 46 năm đệ tử vẫn chưa nhận được hồi âm. Cũng không biết đứa bạn của mình có trao cho nàng không nữa...

Chờ thư chờ đến bao giờ 
Ngày nay chân mỏi, mắt mờ tay run 
Chỉ còn ngồi nhớ lung tung 

Người xưa giờ biết ở khung trời nào...

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét