Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Xem Bói

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Nền văn hóa của Đông và Tây có rất nhiều thứ khác xa nhau nhưng cũng có nhiều thứ tương đồng, một trong những điểm giống nhau đó là "phụ nữ khoái xem bói" dù người ta biết rõ "thầy bói nói láo ăn tiền" nhưng họ vẫn khoái nghe nói láo. 
Vì vậy mà thầy bói xứ nào cũng sống nhăn răng, sống khỏe khoắn, mập mạp trắng trẻo...
Tui có lần đã kể cho các bạn nghe hồi xưa tui cũng có học qua nghệ thuật xem bói của ông anh rể bà con, nào là xem tướng, xem chỉ tay, xem chữ ký. Rồi lại còn học bói bài của một người bạn lúc đang ở trên đảo tị nạn chờ đi định cư. 
Tui học để biết cách nói phét cho dể cua gái mà thôi, chứ thật ra tui toàn lần vách đoán mò, lâu lâu chó ngáp phải ruồi đoán trúng cho một vài cô. Ấy vậy mà hồi đó cũng nổi tiếng lắm nghen...
Nhưng đi đêm thì có ngày gặp ma, có lần tui bị bể mánh nên đành bỏ cái nghề "làm dễ mà hái ra tiền". Thiệt tình là uổng quá trời quá đất. Nếu không bỏ nghề hỏng chừng bây giờ tui trở thành "Đa Dại" coi bói rồi...
Người ta thường nói gieo gió thì gặp bão. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Tui ngày xưa hay lần vách đoán mò cho các nàng thì bây giờ bà xã tui, đám em gái, đám cháu gái cũng bị người ta lần vách, đoán tùm lum tá lả rồi các nàng lại cũng ngoan ngoãn móc túi lấy tiền ra dâng cho họ, vậy thôi. 
Đời có vay có trả mà...

Cũng chưa lâu lắm, đâu khoảng chừng 7 hay 8 năm về trước. Khi mà đám cháu và thằng con trai của tui tất cả đều có việc làm yên ổn. Vợ chồng tui quyết định nghỉ hưu sớm để đi đó đi đây chơi cho biết sự đời với người ta. Bởi vì từ ngày cưới nhau cho tới lúc đó tụi tui chưa có đi đâu hết ngoại trừ vài lần lết lết về thăm nhà cho bà già vui thôi, kể cả "tuần trăng mật, trăng bao tử" tụi tui cũng chưa đi. 
Thường thường nếu tui về Việt Nam một mình thì tui không thông báo cho gia đình làm khỉ gì cho mất công đưa đón, đã phiền phức mà lại tốn tiền vô ích. Từ Mỹ dzìa tới phi trường Việt Nam thì tui chỉ cần ngoắc một chiếc tắc xi, thẩy 2 thùng đồ lên rồi trực chỉ xa cảng miền tây, ra đó mua 2 cái vé xe đò, một cho tui và một cho 2 cái thùng đồ, ngồi đã rộng lại còn có chổ gác chân thoải mái. Đôi khi xe hết chổ, tui thấy cô nào ngộ ngộ đang đứng, sợ cô nàng mỏi chưn tui rộng lòng cho người ta ngồi ké để con đường dài hun hút rút ngắn lại chút nào đở chút nấy.
Nhưng lần đó tui về với hiền thê của mình, cái vụ cho người ta ngồi ké đâu thể nào hé răng ra được, vậy cho nên tui giao nhiệm vụ mướn xe cho thằng cháu đảm trách...
Mười giờ sáng máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Tuy là buổi sáng nhưng mà trời vẫn nắng nóng cháy da, mặc dù đêm rồi trời có mưa, nước còn động lại trong những ổ gà hai bên phi đạo. 
Bốn chiếc xe bus đang đậu nối đuôi nhau chờ đưa các "Vịêt Kiều" vô nhà ga. Tiếng những nữ hành khách đến từ Đài Loan ồn ào như vở chợ, họ chen lấn lên xe bus làm như là chậm một chút thì bị bỏ lại ngoài trời không bằng...
Trong nhà ga có máy điều hòa không khí nên đở nóng hơn. Đội công an kiểm soát cửa khẩu, chắc phải hơn mấy chục mạng họ cũng chia làm 2 bên nội địa và Quốc tế. Những cổng đi trong nước thì lèo tèo 4 năm cổng mà vắng teo kiểm soát viên ngồi ngáp ruồi. Còn phía bên Quốc Tế đang giờ cao điểm hết hảng máy bay nầy hạ cánh thì tới hảng khác đáp xuống. Hành khách đủ hạng người, đủ sắc dân thi nhau chen lấn nhưng rồi cũng xếp được hàng trước sau có thứ tự như thiên hạ...
Hai vợ chồng tui chọn cổng số 9, số tốt cho nó hên khỏi sợ trục trặc kỹ thuật. Trước mặt tôi là một đám người Đài Loan đang xí xô xí xào với nhau, phía sau là một cặp vợ chồng già người da trắng, đang yên lặng đợi chờ. Tui thì tay xách nách mang hai cái va li nhỏ một cho nàng một của tui, nàng thì rảnh rang nên bắt chuyện làm quen với "Laura Bush" hai người cũng xí xô xí xào nhưng tiếng nhỏ quá tui hỏng nghe được nhiều. Chỉ biết đại khái hai ông bà Mỹ ở Denver dự định viếng Sài Gòn, ra Hạ Long, trở lại Huế rồi dong về Mỹ. Vợ tui hỏi:
- Sao bà không viếng thủ đô Việt Nam?

Bà ta cười trả lời:
- Có chớ! Sài Gòn đó. Tui luôn luôn nghĩ nó là thủ đô nước Việt của cô mà...

Con số chín đúng là con số hên dễ sợ, hàng số 10 và hàng số 8 nhích từng chút một, chậm như rùa, còn hàng của tui đứng thì đi nhanh như tên lửa. Tui kể thiệt hỏng thêm hỏng bớt chút nào, bởi vì đám người Đài Loan phía trước chìa cái Passport xanh dờn với cái tên đọc hỏng được là các "Chiến Xỉ" công an nhà ta cầm con dấu đống xuống cụp cụp liền tay còn miệng thì ngậm câm, im lìm như hến. 
Hai hàng bên kia dù là Passport Mỹ đi nữa nhưng mà tên Việt Nam, chắc công an sợ phản động nên hỏi kỹ lắm vì vậy hơi bị chậm...
Hồi trước tui nghe nói qua trạm công an phải cho tiền nó, còn như không chịu cho thì nó quần cho một hồi lòi mồ hôi hột. Không biết thiệt giả ra sao, nhưng tui thì nhất định không cho cắc nào.
Vợ tôi thong thả đi trước nàng chìa cái passport Mỹ ra nhưng lại là tên Việt Nam 100%. Chú công an ngước lên nhìn mặt, định hỏi điều gì đó nhưng thấy bà xã tui đang vẫy tay chào tạm biệt với "Laura" anh ta làm thinh luôn...

Tui thì không may mắn như vậy vừa trình giấy thì bị hỏi một câu ngớ ngẫn:
- Anh tên gì. Sanh ở đâu?

Bà vật nó, giấy tờ người ta ghi rành rành ra đó mà nó còn hỏi móc họng. Tui chưa kịp trả lời thì nó nhìn thấy vợ tui đứng chờ nên nhỏ giọng hỏi tiếp:
- Đi chung với bà xã hả?

Tui gật đầu, dzị là nó đóng dấu cái cụp cho qua luôn không chờ câu trả lời của tui. Đúng là hàng số 9 hên thiệt là hên...
Lấy hành lý xong thì còn một cửa nữa mới lọt được ra ngoài. Đó là trạm kiểm soát hành lý của hải quan cửa khẩu. 
Bốn cái thùng giấy carton và 2 cái va-li nhỏ được tui chất lên 2 chiếc xe đẩy, vợ chồng mỗi người thủ một chiếc, passport tờ khai quan thuế cầm sẵn trên tay nhưng tui chưa vội đẩy ra ngoài, tui chờ quan sát kỹ càng, xem thử cổng nào xét dễ, cổng nào không rọc đồ ra khám. Nhưng vô ích cổng nào cũng y chang như cổng nấy, có người nó bắt mở tung ra, có người nó không thèm ngó tới coi giống gì trong đó. 
Thiệt tình lạ lùng quá, nghĩ hỏng ra. Tui còn đang đứng xớ rớ phân vân chưa biết gởi thân vô chốn nào thì có một chú em trẻ tuổi phụ chất đồ ở nơi nhận hành lý, đến gần nói nhỏ:
- Chú kẹp vô passport chừng 20 đô là người ta không xét tới đồ đâu, chú đừng lo.

Cha mẹ ơi! Bốn thùng đồ của tui toàn là đồ phế thải, quần áo cũ nếu đem bán hết, biết có được 20$ hông nữa, vậy mà phải bóp bụng nộp tiền mãi lộ 20$ thì thiệt là đau hơn thiến. Còn như không nộp tiền mãi lộ nó bới tung ra hết, mất công ngồi xếp lại, chắc cũng cả giờ chứ hỏng phải chơi...
Không biết bà xã tui trước khi đi nghe ai mách nước mà thủ theo cả đống giấy một đồng, nàng rút 5 tờ kẹp vô passport rồi hiên ngang đẩy xe tới cổng kiểm soát gần nhất. 
Cô cán bộ kiểm tra thấy cái passport dầy cộm đầy tiền đô thì mừng húm kéo lẹ ra rồi nhét tiền vô hộc bàn, tiện tay nàng đống dấu cái cụp. Cô ta còn sợ người phía sau đứng chờ lâu nên giúp tui để đồ lên máy kiểm soát cho nhanh. Đúng là 5 anh em nhà Washington có uy dễ sợ...
Chúng tui vừa lú ra ngoài một chút thì ối trời ơi!
Nóng gì, nóng dữ vậy nè
Mồ hôi trốn kỹ, ai đè kéo ra?
Mồ hôi mẹ, mồ hôi cha
Cùng nhau lập hội trổ hoa đầy mình.
Tui lột luôn cái áo ngoài chỉ chừa độc nhất cái áo thun bên trong mỏng ten, lửng thửng tay đẩy xe trước, tay kéo xe sau bà xã đi kế bên hộ tống, lâu lâu dùng tờ báo quạt đở ít cái, vậy mà nó mát hết biết...
Phía trước mặt tui đoàn người đang đứng chờ thân nhân chen lấn nhau như đủa vắt trong ống. Nhiều người quá làm tui tối tăm mặt mũi hỏng biết cháu mình ở đâu mà tìm. Nhưng hên quá hai thằng cháu gọi tôi bằng cậu đứng núp xó nào đó hỏng biết, chúng thấy vợ chồng tui nên chạy vội ra khoanh tay chào hỏi rồi dành lấy hai cái xe đồ mà đẩy đi, còn tui cũng dành lấy cây quạt bằng tờ báo của hiền thê mà quạt lại nàng để trả công...

Chiếc xe Toyota SUV 7 chổ ngồi vừa tấp vô sát lề đường, hai thằng cháu tui lui cui mở cốp sau chất đồ lên tui tiến tới định mở cửa bước vào thì gặp ngay một cô Mỹ tóc bạch kim ngồi thù lù trong đó. Tui vội khép cửa xe lại la nhỏ:
- Chết cha! Lộn xe rồi tụi con ơi. Để đồ xuống đi.

Thằng Mẫn trấn an:
- Không lộn đâu cậu. Xe của mình mà. Cô Mỹ ngồi trong đó là cô giáo dạy Anh văn cho Út Nghiệp đó.

Cùng lúc đó cô gái Mỹ cũng xuống xe, đến bên vợ chồng tôi làm quen:
- Helen! Nice to meet you.

Vợ chồng tui lên xe cũng muốn làm quen với cô ta để có thêm người nói chuyện trên đường về.Tụi tui giới thiệu sơ qua về mình rồi hỏi nàng:
- Cô là cô giáo của Nghiệp bao lâu rồi, mà dạy ở trường nào vậy?

Helen vui vẻ cho biết. "Cô ta là trao đổi du học sinh, đang học về ngôn ngữ Việt Nam năm vừa qua ở Sài Gòn. Mùa hè nầy cô muốn tìm hiểu thêm đời sống dân tỉnh lẻ, hơn nữa cô muốn biết rỏ về thuyền nhân, tại sao Rạch Giá lại có nhiều người bỏ nước ra đi, vì vậy khi biết Nghiệp có thân nhân ở Mỹ về cô xin theo để làm quen". 
Vậy là bà xã tui có người đấu láo suốt đoạn đường dài "Sài Gòn-Rạch Giá", còn tui thì được rảnh rang ngắm lại phong cảnh hữu tình của quê hương mình yêu dấu...
Bà xã tui thì biết rõ đồ ăn Mỹ phục vụ trên phi cơ, tui không hợp khẩu vị nên vừa lên xe đã hỏi anh tài xế:
- Chổ nào bán đồ ăn sáng ngon vậy chú?

Cánh tài xế xe du lịch ở Việt Nam tài tình, thông thái vô cùng, chuyện trời trăng mây nước, từ thời sự thế giới cho tới cô gái đẹp bỏ chồng trong hẻm nhỏ đều nắm rõ trong lòng bàn tay, nhất là quán ăn, quán nào ngon, quán nào rẻ đều rành sáu câu vọng cổ...
- Cô chú muốn ăn gì nói rõ hơn thì cháu mới biết mà chở tới.

Bà xã tui cười cười hỏi:
- Cơm hay phở vậy anh?
- Phở đi, ở đây bán toàn là phở tươi ngon hơn bên mình.

Bà xã nhìn tui, lườm một cái:
- Phở thiệt thì được còn phở kia thì chết với em.

Phở Quyền nằm trên đường gì ở Phú Nhuận tui quên tên mất chỉ nhớ gần cổng xe lửa số 9. Là một căn phố mặt tiền khang trang lịch sự, phía trước có xe bánh bao, bánh tiêu giò chéo quãy bên trong nhiều dãy bàn dài xếp từng hàng, hai bên quạt máy mở hết tốc lực, kêu ù ù muốn điếc con ráy. Nhìn chung cũng OK có điều hơi dơ một tí. Nhưng quán ăn bình dân được vậy là quý rồi muốn sạch sẻ thì vô nhà hàng 4 hay 5 sao, nhưng nhà hàng thấy thì sang nhưng ngon hay sạch thì phải thử mới biết...
Thiệt ra phở Quyền ăn cũng ngon mà hơi rẻ so với giá phở ở Mỹ.
Khoảng 12 giờ thì tụi tôi bắt đầu trực chỉ về quê. Xe đời mới máy lạnh chạy êm ru, chỗ ngồi rộng rải thoải mái nếu so với xe đò thì đã hơn nhiều, thiệt là tiền nào của nấy...
Đường Sài Gòn Rạch Giá cải tiến rất nhiều. Xa lộ Miền Tây được xây cất chạy cũng êm lắm. Bắc Mỹ Thuận cũng được thay thế bằng cây cầu treo nhỏ 2 chiều, mỗi chiều 2 lane. Xe qua cầu thì tô phở trong bụng tôi cũng chạy mất tiêu, cho nên tui hỏi chủ tài xế:
- Trên đường về có quán cơm nào ngon mà sạch hông vậy? Ghé lại làm đở vài chén cho ấm bụng chiến sĩ coi.

Phải công nhận chú tài xế kỳ nầy lái xe êm ru mà tìm quán ăn cũng giỏi. Qua khỏi cầu Mỹ Thuận một đổi chú nói:
- Hệ thống quán Năm Ri ở đâu cũng có nhưng nó chém khách đi xe du lịch dữ lắm. Cái quán nầy hơi nhỏ hơn, gần kế bên cũng sạch sẻ, giá cả "mềm mại" đồ ăn tươi mà cô chủ nấu ngon lắm, cháu bảo đảm hỏng ngon cô chú khỏi cho cháu tiền bo.

Chú tài xế nầy đúng là thứ thiệt có bằng cấp đưa đón "Việt Kiều" anh ta nhắc khéo sợ tui quên không chịu cho tiền típ.
Quán Mai Trâm trước cửa có vài cây trứng cá nên không khí trong lành mát rượi. Thực đơn được in chữ lớn đàng hoàn giá cả cũng tạm cho là rẻ. Tui mời cô chủ quán tới hỏi:
- Quán cô có món nào ngon, ăn rồi không quên được, hông dzậy.

Vừa hỏi xong thì tui thấy mình bị hố. Vì bà xã ngồi kế bên hỏi kiểu đó chắc khó sống, nên lẹ làng trớ lại ngay. 
- Ý tui muốn nói ngon thiệt là ngon để chuyến trở lên nhớ mà kêu lại cái món mình đã thử qua.
Cô chủ cười mĩm chi cọp:
- Quán cháu món nào cũng ngon hết xẩy. Nhưng hôm nay có tôm càng tươi, còn sống nướng than, ăn với rau sống thì hết ý. Cá Ngác nấu canh chua đi chú, hay là cá trê vàng chiên mắm gừng... Cô kể một hồi tui coi lại thì tất cả đều ghi trong thực đơn...

Tui đưa cho bà xã đi chợ nàng lịch sự hỏi ý Helen nhưng cô giáo mù tịch chỉ nhe răng cười:
- Tùy ý cô đi.

Cái quán nầy bán cho khách du lịch nên nấu đồ ăn không mặn mấy. Món canh chua cá ngác thì ăn đứt mấy cái nhà hàng Việt Nam bên Mỹ. Tôm còn đang búng "chóc chóc" đem đi nướng than hồng thì đâu có chổ nào chê nổi. Cá trê vàng chiên chấm mắm gừng ngon bá cháy...
Sáu người ăn no cành hông mà tốn chưa được 50$...
Đường lộ bây giờ cũng khá tốt gần 4 giờ chiều tui tới ngang cầu Cái Dâu chợt nhớ nhà thằng Vũ nên định cho xe quẹo vô thăm nó một tí, nhưng còn đang suy nghĩ có nên hay không vì mình đi đông người quá, thoáng một cái thì xe đã qua khỏi rồi tui đành phải lờ luôn. Thiệt là tình mà...
Nhà tui nhộn nhịp khác thường các cháu đều tề tựu về đông đủ để đón mợ nó vì nàng lâu lâu mới về một lần...
Ăn uống chuyện trò vui vẻ đủ thứ trên đời. Những chuyện không đầu, không đuôi, lộn tùng phèo, hết người nầy kể tới người kia hỏi không đâu vào đâu.
Helen cũng thích tám chuyện không thua gái Việt chút nào. 
Nhà tui có thằng em Út, nhỏ cháu dạy Anh văn, thằng cháu làm ở phi trường cũng khá Anh ngữ cộng thêm bà xã nữa cho nên cô ta thích lắm, tám chuyện "liền tay". 
Không biết khởi đầu câu chuyện như thế nào mà má tui kêu tui đi xem bói coi thử chừng nào thằng con trai tui cưới vợ. Tui lắc đầu trả lời:
- Con nít ở Mỹ chừng nào muốn lập gia đình thì nó thông báo cho mình biết, hơi sức đâu mà má lo. Cho dù có lo cho nó, nó cũng đâu có đồng ý. Hơn nữa má biết con không tin thầy bói mà, đi coi làm gì cho tốn công, tốn tiền dzậy.

Nhỏ em kế chen vô:
- Ở đây có ông thầy mù coi bói hay dàn trời luôn. Bói đâu trúng đó, anh nghe mà lạnh mình luôn.

Tui thì biết tỏng ông thầy đó cũng là chó ngáp phải ruồi, nhưng nhờ ngáp ngay nhà tui nên tụi nó tin. Đơn giản vậy thôi. 
Còn bà xã nghe giới thiệu thì nôn lắm hỏi tới:
- Hay dữ lắm hả cô ba? Hay cở nào kể lại nghe coi.

Em tui kể rằng. 
Thằng Út năm đó đã gần ba mươi mà chưa chịu lấy vợ. Chia tay bạn gái cũng lâu vẫn chưa có bồ mới. Nhân khi ông thầy mù đến nhà nhỏ em chơi thì má tui muốn xem thử coi chừng nào thằng quý tử lập gia đình. Ông thầy hỏi tuổi rồi lấy đồ nghề ra xủ quẻ phán:
- Nội trong năm nay thôi, chú út sẽ lấy vợ.

Má tui không tin nên hỏi vặn lại:
- Nhưng mà nó chưa có bồ thì lấy ai mà cưới?

Ông thầy mù trả lời:
- Bác đừng lo, tới lúc chú ấy đòi vợ bác lo cưới còn không kịp.

Thằng Út lúc đó đang dạy Anh văn trong trường Y Tế tỉnh Rạch Giá. Nó bị một cô học trò chấm trúng rồi cua dính luôn. Cô nàng đồng ý về quê ở, tình nguyện làm dâu. Đúng y như lời thầy mù đoán chưa tới tết là thằng Út có vợ...
Chuyện khác còn hay hơn. 
Có lần tui làm bảo lãnh cho đứa cháu đi du học, sắp tới ngày phỏng vấn thì ông thầy rờ mu rùa lại đến chơi nhà nhỏ em kế. Ông ta là anh em chú bác với chồng nó nên cũng tới chơi thường. Cháu tui hồi họp muốn biết tình hình ra sao nên nhờ thầy xủ cho một quẻ.
Thầy Mù phán:
- Cháu không có số xuất ngoại dù có xin bao nhiêu lần cũng đều bị từ chối.

Đúng y chang nó phỏng vấn 3 lần đều bị đánh rớt mà không biết lý do cho dù dịch vụ lo rất đầy đủ hồ sơ.
Cũng ngày hôm đó một đứa cháu gái khác muốn xem tình duyên. Ông thầy mù phán:
- Tình duyên của cháu thấy gần mà xa. Cháu lấy chồng thì biệt xứ. Mà cháu có số xuất ngoại đó. Nếu xin đi một lần là được ngay.

Hai đứa cháu đâu có tin. Nhưng mấy tháng sau có người quen rinh con cháu tui qua Mỹ.
Bà xã nghe kể thì tối ngủ không được, sáng sớm là hối đi nhà ông thầy Mù liền tay. Helen nghe tiếng được tiếng mất, sau khi vợ tui thông dịch lại cũng nhất quyết đòi xem bói cho bằng được.
Chúng tui chất nhau xuống vỏ máy chạy đi nhà ông thầy mù ở Chàm Chẹt. 
Mấy con rạch bây giờ được sáng vét sâu, đất đấp lên hai bờ kinh nên dân chúng cất nhà ở rất nhiều. Cây ăn trái được trồng dầy đặt, bóng mát phủ xuống dòng sông. Chiếc vỏ vọt rẻ nước chạy băng băng, Helen thò tay xuống nước rẻ một đường dài rồi thích thú vung nước lên mình thằng cháu...
Càng vào sâu trong ruộng nhà cửa thưa dần, những mái lá càng xiêu vẹo trống trước trống sau cũng không khác ngày xưa bao nhiêu.
Đi khoảng hơn một giờ thì tụi tôi tới nơi. Thằng em rể đã điện thoại thông báo với ông thầy bói là có Việt Kiều, Mỹ gái đến chơi nên nhà ông thầy mù chuẩn bị tiếp đón long trọng lắm. 
Căn nhà kê tán khá lớn, có lẽ bề thế nhất ở nơi đó. Dưới sông trồng một hàng dừa lửa để giữ đất khỏi bị lở. Hai bên đường vô nhà trồng 2 hàng đu đủ trái đeo tới ngọn, xung quanh nhà ổi, xoài nhiều vô số. Phía sau nhà là cả một cánh đồng lúa vừa mới trổ bông xanh dờn, thơm ngát. 
Ông thầy mù mà biết hưởng thụ ghê đi. Vỏ máy vừa cặp bến là bà vợ chạy xuống chào hỏi rối rích, màn giới thiệu xong đâu đấy tụi tui theo gia chủ lên nhà. 
Ông thầy bói đang xem cho thân chủ gái. Cô nầy từ Chàm Chẹt đi ngã đường lộ vào. Cô ta đang xem coi anh chồng mình bỏ vợ nhà theo vợ bé chừng nào thì trở về nhà. 
Tui không thích mấy, khi nghe chuyện riêng của thiên hạ nên bỏ ra sau vườn xem cây trái và nhất là mấy hầm cá đủ loại. Cá rô phi, cá diêu hồng đang sức lớn... thấy mà ham
Thằng cháu tới thông báo bà xã tui mời vô xem bói. Tui đang mê mẫn với cây với cá đời nào chịu nghe ba cái chuyện tầm phào nên trả lời:
- Mấy mợ cháu coi cho đã đi. Cậu không thích bói toán đâu.

Bà xã tui cũng ra theo năn nỉ:
- Vô coi với em đi. Ông thầy nầy hay lắm ổng xem cho Helen đúng bon hết trơn hè.

Tui từ hôm qua là đã đoán ra cô Helen nầy chắc là lớn lên ở miền quê nước Mỹ như Julia mà tôi quen ngày xưa, cũng không chừng cô chọn thằng cháu tui làm bạn trai tạm thời cho đở buồn trong những ngày sống ở đây thôi nhưng sợ nàng mất vui nên hỏi lại:
- Ổng ta nói cái gì mà em cho là giỏi? Có phải nói là Helen bây giờ tuy cuộc sống có khó khăn nhưng về sau thì rất là giàu có ít ai bằng. Còn duyên tình thì có rất là nhiều người đeo đuổi trong quá khứ cũng như hiện tại. Đúng hông?

Bà xã vừa cặp tay kéo tui vô vừa cười nói:
- Anh xạo ghê, tự nảy giờ chắc núp coi em làm thông dịch cho Helen nên biết rỏ đúng hông? Chứ còn gì nữa.

Ông thầy mù đang ngồi trên bộ ngựa gõ đen mun, láng bóng cạnh đó có một cái hộp gỗ đang mở nắp bên trong có một cái mu rùa vàng bóng lộn cở bằng bàn tay, một cái hộp mủ dài đựng mấy đôi đủa mun. Nghe tiếng chân ông ta lên tiếng:
- Anh hai cũng muốn thử tui nữa sao?

Tui cười cười trả lời:
- Bà xã muốn chú bói xem tình duyên của nàng về già ra sao thôi, chứ tôi thì tới đây chỉ muốn uống với chú vài ly tình nghĩa. Già rồi chỉ chờ xuống lổ thôi, biết trước làm cái gì cho thêm lo.

- Anh mà già nổi gì? Nghe tiếng nói là biết anh còn trẻ măng. Bảo đảm ra đường người ta gọi bằng anh chú hỏng ai kêu anh bằng chú đâu mà lo. Để tui bói cho chị hai một quẻ rồi tụi mình lai rai. Nảy giờ thằng con tui đi rước ba vợ của nó cũng lâu rồi mà sao chưa về tới hỏng biết nữa.
Bà xã tui kê khai lý lịch xong xuôi thì ông thầy mù một tay rờ cái mu rùa thần tay kia bấm lia lịa từ ngón út lên ngón trỏ rồi từ ngón trỏ trở về ngón út còn miệng thì lẩm bẩm đọc tên 12 con giáp rồi còn nào là Giáp, Ất, Bính, Đinh...
Đọc thần chú một hồi thì ông ta bắt đầu nói về quá khứ của nàng, vừa nói vừa chờ xem phản ứng. Chắc các bạn đang thắc mắc ổng mù thì làm sao biết được phản ứng của thân chủ phải hôn? Chờ chút, chờ tới khi ổng xỉn rồi ổng nói cho nghe...
Bà xã tui mê mẫn hưởng ứng nhiệt tình, nói tới đâu khen tới đó khen hết mình nhất là cái câu:
- Số của chị là số "vượn phu ích tử".

Nàng nghe xong thì không nhịn nổi kêu lên:
- Thấy hông? Anh hên lắm đó. Kiếp trước có tu nên mới cưới được em.

Tui rủa thầm "Cha thầy bói dở hơi bố láo".
Nàng chưa ngưng ở đó mà còn hỏi thêm:
- Thầy coi cho ảnh được hông vậy? Coi thử xem từ nay về sau ảnh còn cô nào theo nữa không?

Ông thầy mù nầy chắc có thần giao cách cảm, ông ta biết tui đang rủa thầm. Nghe bà xã nói xong thì ông hỏi tuổi tôi, rồi mở hộp đủa lấy ra 2 đôi, khấn lầm thầm xong thì thảy lên cái mu rùa thần, 2 tay lần mò tìm mấy chiếc đủa. Rờ đã một hồi thì ông ta nói:
- Trước khi ảnh gặp chị thì ảnh có ít nhất là bốn người tình, nhưng từ khi cưới tới giờ thì ảnh chung tình lắm.

Bà xã tui nôn nóng:
- Chuyện đó thì tui biết, cái tui muốn hỏi thầy là chuyện sau nầy kìa.

Ông thầy mù rờ mu rùa và mấy chiếc đủa kỷ lại lần nữa rồi phán một câu chắc như đinh đống cột chuối:
- Có đó! Ở bên nầy, ở bên kia bên nào cũng có người thương ảnh hết. Chị liệu mà lo.

Đúng là cha thầy bói dở hơi. Tui nghe xong mừng húm nhưng mà chờ 7, 8 năm nay rồi có thấy ma nào đâu...
Còn bà xã thân yêu thì tuyệt đối nghe lời ông thầy mù cho nên: 
Anh đi đâu thì em theo đó cho tới bây giờ. Chuyện là dzị đó. Các bạn có gan thì dắt các chị nhà đi xem bói thử coi thì biết...

Chuyện ông thầy bói mù nhậu xỉn rồi kể về bí quyết nghề coi bói của ông ta cho tui nghe, thì chắc phải chờ tui xỉn rồi mới kể lại được, vậy đi nghen.

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét