Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Đi Chui

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Mấy hôm nay trời mưa liên tục từ sáng đến tối, tuy là lượng nước không nhiều, nhưng mưa rỉ rả cả ngày lẫn đêm cũng đỡ khổ cho người dân, vấn đề hạn chế nước chắc hổng còn ai nhắc nhở nữa. Tôi đang ngồi đấu cờ trên mạng với những người rỗi rảnh thường ngày, những Nick xanh, Nick đen quen thuộc với tôi, thì lão Trí gọi, cái giọng nhừa nhựa của nó vang lên trong máy:
- Mầy đang làm g..ì đ..ó?
- Đánh cờ tướng chơi, chứ còn làm gì nữa?
- Hai vợ chồng thằng Hiện qua Mỹ mấy tháng rồi, mầy biết chưa?

Hiện và Việt Hà là 2 người bạn học chung thời Trung Học, một cuộc tình vượt thời gian, không biết bắt đầu từ năm nào? Đệ Lục, Đệ Ngũ hay là Đệ Thất, tụi tôi chỉ biết đến giờ nầy hai đứa nó vẫn còn mùi rịu như ngày xưa. Lúc tụi nó còn ở trong nước, thỉnh thoảng tôi cũng có gọi về hỏi thăm. Cách nay mấy tháng tôi gọi thì đường dây không còn liên lạc được...

- Biết rồi, tuần trước thằng Bình có nói.
- Con nó bảo lãnh, đi bằng máy bay sướng ghê. Hồi trước người ta vượt biên đi chui, hay đi đăng ký, đi cách nào  cũng khổ thấy cha. À! Hồi đó mầy cũng đi chui, chuyến đi đó thể nào mà không nghe kể, chỉ nghe nói chuyện ở đảo, mà không nhắc tới vụ tổ chức vượt biên, chuyện đó cũng hấp dẫn lắm chớ bộ. Hay là kể sơ sơ lại cho tụi tao nghe chơi đi. 
- Đi chui, có gì vui mà kể? Ai đi cũng giống nhau, ai cũng lén lén, lúc lúc, trốn chui trốn nhủi hết, có người bị bắt cả chục lần, sạch nhách không còn một cắc ăn xôi, vui sướng gì mà muốn nghe?

Nghe tôi bàn ra trớt quớt nó nói sẵn:
- Hổng muốn kể thì thôi, nói cái gì mầy cũng bàn ra ráo trọi.

Nói xong nó giận cất cánh "bay" liền, rồi  cúp máy cái cụp, sợ nó buồn nên bây giờ tôi xin kể lại cho các bạn nghe câu chuyện cũ rích mà nhiều người đã kể rồi, có người còn viết thành sách, còn làm thành phim, nhưng mà mỗi một câu chuyện đi chui, chắc chắn có rất nhiều tình tiết khác nhau...

Huyện An Biên sau ngày giải phóng là hai quận Kiên An và Hiếu Lễ trước kia nhập lại. Sau 30 tháng tư ít lâu, đám giáo viên "lưu dụng "phải ra trình diện ở phòng giáo dục rồi đi học khóa chánh trị, trước khi trở lại nhiệm sở. Cái thời khắc tranh tối tranh sáng đó, mạnh ai muốn trình diện ở phòng giáo dục nào mình quen thì tùy ý, không  bắt buộc phải chính xác, là nơi mình dạy trước ngày tiếp thu.
Tôi sau Tết Nguyên Đán đã được đổi về trường Mong Thọ 19, nhưng chưa đầy 2 tháng thì xảy ra biến cố khủng khiếp đó, cho nên tôi trình diện ở Huyện Châu Thành. Đang học chánh trị gần xong thì bọn thằng Mạnh và thằng Đáng khóa 10 ghé thăm. Tụi nó òn ỷ, rủ rê, làm tôi với thằng Nghiệp xiêu lòng nên thay vì trở về Mong Thọ hai đứa tôi lại dong tuốt xuống An Biên trình diện. 
Đội ngũ Giáo Viên (GV) ở An Biên lúc đó trình độ thuộc hàng siêu đẳng. Phải nhắc lại trước 1975 thì các bạn mới thấy rõ cái siêu đẳng về chuyên môn cũng như về kiến thức phổ thông. Rạch Giá có 8 quận và Thị Xã, những Quận nằm trên trục lộ giao thông đều có một trường Trung Học năm 1975, bèo lắm cũng được một hoặc hai lớp 12, có xã còn mở được trường Trung Học Tỉnh Hạt, vậy mà Hiếu Lễ thì chỉ có trường Tiểu Học mà thôi, còn Kiên An thì chỉ mới mở tới lớp 9 một lớp Anh Văn duy nhất chưa đầy 20 em học sinh. Toàn Quận Kiên An lúc đó chưa được 30 Giáo học bổ túc, còn lại chỉ là GV công nhật, GV ấp. Trường Trung Học Kiên An thì thảm hơn nhiều, niên khóa 72-73 chỉ có 3 cô giáo dạy giờ mà thôi. Cô Mai ,Cô Nguyệt và cô Phù Hoa. Ngày xưa người ta cũng phân biệt lắm, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm dù là hệ 4 năm hay cấp tốc thì đều được gọi Giáo Sư còn những người chỉ có bằng Tú Tài 2 đi dạy giờ bên Trung Học thì không được công nhận, dù rằng họ cũng bán cháo phổi để mà sống. Nhưng Giáo Sư thì đâu có ai tới vùng U Minh, ngoài trục lộ giao thông còn không có đủ người, huống hồ là trong hóc bà tó, vì vậy khi tôi về Xẻo Rô thì anh Bình dụ tôi xuống Kiên An dạy giờ. Anh Bình khóa 6 Sư Phạm Vĩnh Long không biết hồi nhỏ bị bịnh thế nào mà tay mang tật nên lính chê. Lúc đầu tôi từ chối:
- Mỗi ngày đi xuống đi lên tiền đò ăn hết rồi, còn được bao nhiêu mà đi dạy thêm cho mệt.

Thấy nói hoài hổng xong nên anh ta bồi cho tôi một chưởng tối hậu:
- Chú em mầy xuống đi 2 lớp 7 anh nhập chung thành một, dạy một giờ làm bảng chiếc tính hai giờ bù tiền đò cho,  chịu hông?

Anh kéo tôi về Sở Học Chánh nộp đơn, rồi chờ lấy sự vụ lệnh bổ nhiệm trong ngày. Vậy là tôi trở thành người dạy giờ bất đắc dĩ, lúc đầu anh phân công cho tôi dạy lớp 7, nhưng chờ mải không có bóng ma nào từ thị xã vô xin dạy giờ nữa, anh ta tấn thêm cho tôi  2 lớp 6...
Trước năm 1975 chất lượng của GV đã thảm như vậy, cho nên sau 1975 nó còn thảm hơn nhiều 30 Giáo học bỏ túi, một nửa không trình diện ở An Biên, vì họ có quen biết ở địa phương nên trình diện gần nhà, mấy GV công nhật cũng vậy.

Đội ngũ GV mới được cấp tốc thu nhận có trình độ lớp 9 trở lên, được huấn luyện 3 tháng (chắc là chỉ đủ thì giờ học chánh trị mà thôi). GV mới chưa phải là vấn nạn cần nói, GV kháng chiến mới thực sự là nỗi kinh hoàng, có người chỉ học xong lớp 2 có ông học lớp 5 thì được phân công làm hiệu trưởng...
Hai đứa tôi theo hai đứa nó trở lại An Biên trình diện, anh Tư Thọ lúc đó làm trưởng Phòng Giáo Dục (PGD) mừng rân.
Mà không mừng sao được, người ta, ai cũng muốn dạy trên trục lộ giao thông để dễ di chuyển, khi khổng khi không lại có 2 Giáo Học bỏ túi nửa điên, nửa khùng nên chun vô hóc bà tó mà trình diện.
Sau khi xem lý lịch hai thằng tôi anh Thọ phân công cho thằng Nghiệp làm Hiệu Trưởng trường Đông Yên A, còn tôi thì được giữ lại PGD chung với thằng Mạnh. Bị tách đàn rẻ nghé, thằng Nghiệp không đồng ý nên bàn với tôi:
- Tưởng xuống đây ở chung với mầy chơi cho vui thì tao mới đi, ở riêng như vậy thì tao về Châu Thành với tụi nó.

Tôi đến gặp Tư Thọ nói rõ ý mình, cuối cùng anh ta cho tôi với thằng Nghiệp về Đông Yên. Gọi là trường cho oai chứ thiệt ra trong vùng giải phóng hay nói rõ hơn hai quận Kiên An và Hiếu Lễ trước năm 1975 có lèo tèo mấy cái trường nhỏ xíu đếm trên đầu ngón tay còn  không đủ, ở phía ngoài kinh sáng thì còn có học trò, lọt vô sâu một tí thì không có gì hết. Nhưng với chánh sách mới, muốn trả ơn cho người dân vùng giải phóng, hay là muốn mở trường mới cho bà con cán bộ không chừng. Phòng giáo dục được lệnh phải mở mỗi ấp ít nhất một điểm trường.
Tôi với thằng Nghiệp dắt theo 10 anh chị mới ra trường của khóa 1 cấp tốc, xuống trụ sở của xã Đông Yên, nằm ở ấp Cái Nước. Chúng tôi đến trình diện ủy ban xã để nhận nhiệm vụ, cha chủ tịch thì đi nhậu, ủy ban trống trơn chỉ có hai chú em du kích ngồi chơi bài tiến lên, nghe tôi nói xong một đứa chạy đi tìm mấy ông trong ủy ban, không tìm được cha chủ tịch, chú em du kích nói:
- Ông chủ tịch có công tác đột xuất rồi, anh thư ký thường vụ sẽ về liền.

Một lúc sau thì từ ngoài bước vào một thanh niên với cái nón tai bèo trên đầu, nhìn dáng đi quen quen, tôi cố nhớ xem là ai, nhưng chiếc nón quái ác che mất khuôn mặt nên tôi đành đầu hàng.
- Các  "đồng chí "mới được phân công xuống à?

Vừa nói anh ta vừa lột  nón xuống. Mấy tháng nay nghe hai tiếng "đồng chí" cũng nhiều lần lắm rồi, nhưng cứ mỗi lần nghe ai nói là mình mẩy tôi nổi gai, nổi ốc...
Tôi chưa kịp trả lời thì anh ta lại la lên:
- Ủa! Thầy hả? Thầy đổi về quê rồi mà, sao bây giờ lại xuống đây nữa?

Ạ! Thì ra "ông thư ký thường vụ xã" là một trong những đứa học trò cũ của tôi, tuy là gặp nhau không được mặn mà cho lắm nhưng "ông học trò"  nầy đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong công việc xây cất trường học mới, chăm sóc đời sống cho các đồng nghiệp nhí mới ra trường. Hai tháng sau 5 ấp của Đông Yên A có 9 điểm trường được khai giảng.Tất cả những đồng nghiệp nhí đó, đều có trẻ để mà gõ đầu, dù là số lượng không nhiều lắm. 
Hôm khai giảng điểm trường sau cùng ở kinh Lý Thông, ngày chủ tịch xã nổi hứng mời ủy ban huyện xuống tham dự để khoe thành tích xã mình. Ông chủ tịch huyện quê ở xã Đông Hưng, lúc đó Đông Hưng chỉ khai giảng được một điểm duy nhất ở tại chợ thứ 11, còn đa số các ấp GV nằm nhà đập muỗi mà thôi. 
Đông Hưng không chỉ là quê của chủ tịch huyện  không thôi, mà nó còn là quê của nhiều cán bộ tỉnh ủy Kiên Giang, huyện ủy An Biên nữa, vậy mà phòng giáo dục  không chịu quan tâm đúng mức, để Đông Yên qua mặt, thế cho nên thay vì được khen ông trưởng PGD lại bị giũa te tua...
Giận cá chém thớt, ông trưởng phòng kéo đầu tôi thẩy xuống Đông Hưng để tiếp tục việc xây dựng trường cho cái nôi của cách mạng. Thằng Nghiệp, sau khi tôi bị tống đi, nó cũng chán nản rồi bỏ về Trà Vinh mấy tháng sau đó.
Tôi lúc đầu từ chối không muốn rời Đông Yên, nhưng chủ tịch huyện và trưởng PGD vừa ép vừa dụ ngọt, còn đích thân đưa tôi về Đông Hưng. Hôm tôi đến nhận nhiệm sở mới, họ còn  mở tiệc nhậu tưng bừng, nào cá lóc nướng, rắn luột xã, rùa rang muối...mấy cha xã ủy, các cán bộ trưởng đầu ngành cứ tưởng tôi bà con, bà kía, thân bằng quyến thuộc, ruột thịt sao đó với tay bí thư huyện ủy, nên thời gian sau nầy tôi nhờ vả chuyện gì cũng trót lọt...

Tôi ngoài việc gặp hên, biết cất nhà chút đỉnh, còn có thêm tài ba xạo và uống rượu đế cũng vào hạng đở đở, cho nên rất là hợp gu với mấy cán bộ địa phương, vì vậy việc xây dựng trường sở cho Đông Hưng rất thuận tiện và dễ dàng. Ba tháng sau trường Đông Hưng có tất cả 14 điểm trường được khai giảng. Chỗ nào mà giáo viên còn ở không, chưa có lớp dạy, tôi đều xin về trường mình, số học sinh tôi báo cáo tăng lên gấp rưởi, nhà nào có con nít tôi đều cho anh em ghi tên vô danh sách học sinh ráo trọi, không cần biết chúng nó có muốn đi học hay là không, dư người tôi phân công 3 người dạy 2 lớp, cứ luân phiên nhau mà về nhà. 
Quen phòng lương thực tôi xin cho GV mua gạo, mỗi khi về nhà, đem theo 1 giạ gạo bán lấy tiền lời để đi đò, tôi nhờ ủy ban xã làm giấy xác nhận đó là quà của học sinh biếu cho gia đình cô thầy. Suốt một năm, hơn 40 giáo viên mới không hề có một ai bỏ chạy, còn tôi, trường sở cất xong rồi thì tà tà đi nhậu với mấy cơ quan khác, từ xã cho tới quyện, chơi với Dân Y tôi thấy thuốc tây nhiều quá mà dân miệt ruộng ít có ai biết dùng tới, sợ để lâu quá hạn bỏ uổng, tôi dụ tụi nó để tôi bắt mối bán ra ngoài dùm. Chơi với xăng dầu, sợ dầu xăng bay hơi hao hụt uổng, tôi cũng tìm mối bán bớt dùm, còn bên lương thực tôi lại sợ gạo để lâu bị mốc hư hao, uổng công cày cấy của người nông dân nên cũng tìm mối tiêu thụ dùm, còn bên thương nghiệp cũng vậy...bất cứ thứ gì có thể đem ra chợ đen bán được, tôi đều có mối... 
Trường sở tôi phó mặt cho anh chàng giáo viên mới mà tôi chọn làm hiệu phó chỉ huy, chỉ mỗi tháng lãnh lương trên phòng xong là mang về phát lại, dự cuộc họp nội bộ, ký sẵn một đống giấy nghỉ phép, xong việc là chúng tôi bày tiệc nhậu, mấy cô giáo thì nấu chè, hoặc cháo gà cùng nhau tán dóc vui vẻ...

Tết Nguyên Đán năm đó các GV đã về nhà ăn Tết hết rồi, tôi còn chờ mối để mua mật ong đem về bán nên chưa đi, đang ngồi uống cà phê ăn bún cá trong quán ở chợ thì thấy cô Kim lượn ngang qua, lấy làm lạ tôi bước ra hỏi nhỏ:
- Ủa! Người ta về hết rồi sao cô còn ở đây? Bộ trễ đò hả?

Cô ta làm thinh không trả lời trả vốn gì ráo trọi mà hỏi lại:
- Còn anh? Sao chưa về? Hay là tính ở đây làm rể Đông Hưng 

Tôi cười cười trả lời:
- Rể Rạch Giá thì được, còn rể Đông Hưng hổng dám đâu, muỗi dữ quá nó cắn chết tươi.
- Vậy chứ anh ở lại đây làm gì? Hổng lẽ trễ đò như em? Nhưng mà 2 anh kia đâu?
- Về hết rồi, tôi chờ lấy mật ong xong thì cũng về nhà liền.

Tôi trở về căn nhà tập thể, đang nằm chờ mấy tay thợ gác ong đem mật tới thì cô Kim bước vào, tay cầm một bịch đồ nào cá, nào tôm, nào dưa leo, rau sống...tôi ngạc nhiên hỏi:
- Người ta về hết rồi còn ai nữa đâu mà bày tiệc tất niên?

Chuyện cô giáo, thầy giáo ăn uống, tiệc tùng, nhậu nhẹt chung trong căn nhà tập thể là chuyện bình thường sau ngày "giải phóng".
 Không trả lời câu hỏi của tôi mà cô Kim nói:
- Phụ làm cá cho em đi, ăn cơm xong thì em có chuyện cần bàn.

Chuyện gì thì tôi còn dùng dằn, chậm chạp chứ ăn uống, nhậu nhẹt thì tôi rất sốt sắng lẹ làng, cơm nước xong rồi, mấy thợ gác ong đem mật tới. Mua bán xong tôi hỏi cô giáo Kim:
- Hồi nảy cô muốn bàn chuyện gì vậy, bây giờ nói được chưa?

Ngồi sát bên nhau cô ngập ngừng nói:
- Anh dám đi vượt biên với em không?

Tôi giật thót mình, quay sang nhìn kỹ mặt cô, xem thử coi cô ta nói chơi hay nói giỡn, nhưng khuôn mặt khả ái đó, không có dấu hiệu gì của sự cợt đùa cả. 
Thời điểm nầy người ta đi vượt biên chưa nhiều lắm, nhưng không phải là hiếm hoi, có điều trong đội ngũ GV của An Biên thì chưa có ai xung phong ra biển hết. Tôi lúc đó đang chơi vui, cũng chưa hề có ý tưởng vượt biên, nhưng tánh tôi hay cà rởn thích nói chơi cho đời bớt khổ vì vậy tôi trả lời theo kiểu đẩy đưa:
- Mốc ngoặc buôn lậu tôi còn làm tưới hột sen, vượt biên à. Chuyện nhỏ. Chừng nào hết buôn lậu được thì tôi đi, chỉ sợ tới lúc đó cô nghe tôi rủ thì xách dép mà chạy thục mạng.

Cô Kim nghe tôi nói như vậy thì mừng ra mặt, miệng cười tươi như hoa nở:
- Thiệt à? Vậy tối nay chúng ta đi liền nè, anh có dám hông?

Lần nầy thì tôi tin chắc là cô nói chơi nên dễ gì tôi chịu thua:
- Đi ngay lúc nầy cũng còn được, để tối làm chi cho lâu.
- Anh nói thiệt hả?
- Ai giỡn với cô làm gì? Về đem đồ lại đây, tôi đem mật ong xuống giỏ máy là mình vọt liền, trưa nay là về tới chợ Rạch Sỏi rồi. 

Lúc đó mỗi trường chúng tôi đều được PGD cấp cho một cái vỏ vọt và một cái máy xăng hiệu BS 10 để di chuyển từ điểm trường nầy qua điểm trường khác, tôi hay lấy nó đi chở đồ lậu để bán, lần nầy thì tôi chở mật ong, số lượng tuy không nhiều nhưng nhờ có mối, bán giá cao, vì mật ở rừng tràm U Minh là mật nguyên chất.
Cô Kim nghe tôi nói về Rạch Sỏi thì chưng hửng kề sát mặt vô tai tôi hỏi nhỏ:
- Về Rạch Sỏi làm gì? Một giờ trưa tàu trở về tới chợ, ba má và thằng em trai của em vô đây là mình vọt qua Vân Khánh, hợp cùng gia đình cậu em, tối nay cùng ra tàu lớn vượt biên một lượt luôn.
Nghe tới đó thì tôi bị rét, từ trước tới giờ làm bất cứ chuyện gì tôi cũng tự mình suy tính rồi tự mình quyết định, hôm nay bỗng dưng có người tính sẵn cho mình mọi chuyện, khiến tôi chưng hửng không biết nói thêm gì nữa. Sợ tai vách mạch vừng, rủi có người nghe được thì bỏ mạng vì vậy tôi đứng lên bỏ ra ngoài sân rảo một vòng chung quanh căn nhà tập thể để xem thử có ai lảng vảng gần đó hay không.
Trường Đông Hưng được xây cất trước năm 1975 là ngôi trường tại Quận lỵ nên có tới 9 phòng học kiên cố và một văn phòng, hiện tại lúc đó chỉ xử dụng có 5 phòng học, còn bốn phòng trống thì hai phòng làm nhà ở tập thể, một cho nam, một cho nữ, hai căn còn lại chất bàn ghế dư. Sân trường bị đào xới tan nát để trồng đậu theo kế hoạch nhỏ, tăng gia sản xuất . Những cây đậu mang đầy trái non xanh mướt nằm im dưới ánh nắng cuối đông, vài con bướm còn lởn vởn tìm kiếm mấy hoa đậu trổ muộn mà hút nhụy ...
Tất cả yên lặng, một sự lăng yên ngột ngạt khó tả, bên ngoài thì lặng yên nhưng trong lòng tôi thì nổi sóng, bồn chồn, do dự, nhiều câu hỏi cứ luân phiên hiện ra trong đầu nhưng không có câu trả lời nào xuất hiện cả...
Tôi lôi gói thuốc Vàm Cỏ ra đốt một điếu rồi đứng dựa cửa mà nhìn vào khoảng trống trước mặt...
Thật ra tôi không biết phải trả lời sao với cô giáo Kim, trường tôi không chỉ có mình cô ta, mà nó quy tụ hơn 20 chục Tiểu Thư từ Sài Gòn, Se Đéc, Cần Thơ, Rạch Giá mà thân nhất với tôi là Tiểu Thư RG, đương kim Thủ Quỷ mà cũng là người tìm giúp tôi nhiều mối buôn lậu nhất, phải chi cô ta rủ tôi, có lẽ là tôi vọt liền không cần đắn đo suy tính chi cho mệt xác...
Thấy tôi làm thinh đứng đếm lá cây đậu, cô Kim tới kế bên hỏi nữa:
- Anh nghĩ sao? Đi hay không để em còn lo cho mình chứ, nói thì nghe ngon lắm, tới khi người ta rủ thiệt thì y như bị Trời trồng.

Quay sang cô, tôi hỏi lại lần nữa với hy vọng mỏng manh là cô ta chỉ nói giỡn cho vui thôi:
- Cô nói chơi à, vượt biên người ta phải lập kế hoạch ít nhất cũng vài tháng, chứ nào phải đi nhậu đâu mà hú một cái là nhào vô liền?
- Sao anh biết gia đình em không lên kế hoạch? 

Tôi nhìn cô rồi cười cười y như đang cà rởn:
- Kế hoạch khỉ khô gì, nếu cô muốn rủ tôi đi, thì phải nói với tôi trước để tôi phụ giúp, tìm cách, làm sao có thể đi qua trạm kiểm soát trót lọt chứ, đằng nầy cô a thần phù dẫn người nhà qua bên đó, chỉ có nước nộp mạng cho công an biên phòng chứ vượt biên cái gì? Thôi, ra nhà trọ mang đồ lại đây để đi về, trưa rồi, chuyện vượt biên để khi khác nói tiếp.

Tưởng tôi không tin cô Kim nắm tay, lôi tôi trở vô trong rồi ngồi xuống kể nhỏ cho tôi nghe kế hoạch của gia đình cô đã dự trù cả năm nay, bắt đầu từ khi cô xin về An Biên. Mới đầu cô có ý định xin dạy ở Vân Khánh, nhưng nơi đó không thiếu người vì vậy cô chọn Đông Hưng, bởi Đông Hưng có tới mấy điểm trường nằm sát bên Vân Khánh lại gần kế biển, rồi cũng tại tôi, thay vì phân công từng người tôi lại dùng cách rút thăm chọn điểm, ai trúng nơi nào thì về nơi ấy. Đối với người khác thì cô được xem là may mắn bốc trúng điểm chợ, nhưng với cô thì bị xui tận mạng nó trở ngại cho vụ tổ chức vượt biên của cô. Nhiều lần cô muốn đổi với người khác nhưng sợ bị gây sự chú ý, nghi ngờ nên đành thôi. Cả năm nay mỗi lần về nhà thay vì mua gạo đem về chợ bán cô lại nhờ tôi mua dầu cho cậu cô dự trữ, mới đây cô cũng có đề nghị với cậu cô cho tôi đi theo nhưng bị từ chối. Nghe vậy tôi cắt ngang.
- Cậu cô không cho, sao cô còn rủ tôi? Bộ tính cho tôi đeo theo bánh lái tàu hả?
- Không phải vậy. Ý cậu em là chỉ tổ chức cho người trong gia đình thôi, hơn nữa lúc đầu thấy anh chơi toàn là công an với cán bộ nên cả nhà ai cũng sợ.
- Thì bây giờ tôi vẫn vậy mà, có khác gì với lúc cô mới về đây đâu?

Cô Kim nhìn tôi với cặp mình tình tứ nhưng thoáng chút u buồn, rồi chớp chớp mấy cái mới nói được:
- Khác xa chứ! Hồi mới em chưa thích anh, còn bây giờ...bây giờ em bị thích..thích anh rồi...

Tôi như người nốc phải một ly cối rượu ấp xanh, vừa ngọt, vừa thơm, vừa lâng lâng vừa choáng váng, đầu óc rối bời như mớ bòng bong,  không còn biết trời đất gì nữa hết. Phải mà cô Kim nói với tôi trong một bối cảnh khác thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, đằng nầy lại nói ngay giữa 2 lằng ranh của sự sống và cái chết, mà tôi thì chưa có một ý tưởng nào về vấn đề đó hết, thế cho nên cô ta làm cho tôi không biết trả lời thế nào cho phải đây.
Thấy tôi làm thinh cũng hơi lâu cô hỏi:
- Anh tính sao? Có đi theo em không?

Tôi ngần ngại một lúc rồi hỏi sang chuyện khác:
- Cô có nghỉ tới chuyện, nếu tôi không chịu theo cô thì làm sao chưa?
- Có chớ sao không, anh không đi theo em thì em nhờ người ta đưa gia đình em qua bên đó, ăn đám giổ ông ngoại em chiều nay rồi tối đi luôn, em đã hỏi trước hết rồi chứ bộ.

Nghe kế hoạch của cô Kim tôi thấy có nhiều lổ hỏng to tướng quá, không chắc ăn tí nào, mà tánh tôi thì rất thận trọng, chuyện gì không chắc ăn cở 80% thì không làm chứ đừng nói 5 ăn 5 thua. Vì vậy tôi bàn ra:
- Cô ơi! Là cô. Tính như gia đình cô, chưa qua trạm là đã bị thộp cổ mất rồi. Thứ nhất gia đình cô lạ mặt xuống tới chợ nầy là bị mấy tay công an để ý rồi, lại còn mướn người ta đưa qua miệt biển thì có khác gì kêu công an mà nói "lạy ông con ớ bụi nầy" đâu ?
- Nhưng cậu em mời đám giỗ thiệt mà. Đám giỗ thì mời khách khứa là chuyện bình thường.
- Nhưng nó không bình thường ở chổ từ trước đến giờ ba cô có về đây dự đám giổ lần nào đâu? Còn cậu cô làm sao mà đưa mọi người từ nhà ra tàu được? Cái trạm gác nó nằm chình ình ngay đầu kinh.
- Cái đó thì anh khỏi lo, cậu em sẽ cho mọi người nằm sát rạt xuống dưới vỏ rồi thả xuôi theo nước ròng ra biển vậy là êm re chứ gì mà lo?

Nghe tới đó, trời không nực mà tôi toát mồ hôi:
- Tụi công an lâu lâu nó rọi đèn pin thì cả nhà cô bỏ mạng.

Nghe tôi, toàn là bàn ra cô Kim vô cùng thất vọng nhưng vẫn nói cứng:
- Bị bắt là cùng chứ gì. Mà lỡ như em bị thiệt, lâu lâu anh vô kinh làng Thứ 7 thăm em cho đở tủi thân nghen.

Nói xong cô làm mặt lạnh như tiền đứng dậy ra về. Tôi tuy ngoài mặt làm như chẳng chút quan tâm, nhưng thật ra lo cho cô ta lắm, vì thế tôi nắm tay cô kéo lại nói:
- Tôi tuy không đi theo cô nhưng tôi có thể giúp cô đoạn đường từ đây qua Vân Khánh, còn gia đình cô có qua lọt trạm hay không thì phải xem coi số trời ra sao thì mới biết được 

Cô Kim nghe vậy thì mừng quýnh quay trở lạ ngồi xuống chỗ cũ:
- Thiệt hả? Anh chịu giúp em sao? 
- Nhưng cô phải tin và nghe lời tôi thì may ra.
- Anh nói đi! Cái gì em cũng chịu hết.

Tôi suy nghỉ một lúc rồi dặn cô ta:
- Bây giờ tôi qua bên công an rủ thằng Thắng, phó ban đi dự đám giổ với mình. Nếu nó bận không đi thì tốt, còn như nó đòi theo thiệt thì cô nghỉ cách đuổi khéo nó. Nói cách nào thì tự cô suy nghĩ. Sở dỉ phải qua rủ nó là để đánh lạc hướng sự tò mò, khi nó thấy gia đình cô thì nó không còn thắc mắc theo dõi nữa.

Nghe có lý cô Kim cười tươi:
- Vậy em nói với nó là em dắt anh "ra mắt bên vợ " rồi biểu nó đừng có đi theo để làm kỳ đà cản mũi được hông?

Tôi liếc xéo cô ta một cái rồi trả lời:
- Nói sao cũng được tùy cô mà, nhưng phải tự nhiên làm y như thiệt thì nó không nghi.

Hai đứa tôi cùng ra chợ, ngang qua trụ sở công an xã, tôi ghé vào, thằng Thắng không ở trong đó, chắc là đang ra chợ rình xem tàu về bến có chở theo người nào lạ không. Vừa đi tới quán cà phê thì thấy nó đang phì phà điếu thuốc trên môi, gặp tôi nó la lên:
- Ủa ! Ông thầy không về nhà ăn tết sao mà giờ nầy còn ở đây?

Không vội trả lời, tôi bước vào quán kéo ghế ngồi cùng bàn với nó rồi mới nói:
- Tính về sáng nay đó chớ, nhưng mà cô giáo Kim nhờ chở gia đình cô ta qua dự đám giổ ông ngoại cổ, nên phải trễ một ngày, mà nè ông có quởn hông, theo tui qua đó nhậu chơi cho có bạn.

Thằng Thắng bổng ôm bụng cười sằn sặc:
- Thôi đi cha nội, ông xạo quá đi, đám giổ người ta cúng sáng nay rồi, bây giờ ông còn ngồi đây chưa đi, bộ tính qua bên đó rửa chén hả? Hay là...

Nói tới đó nó bỗng ngưng ngang làm tôi muốn đứng tim, nhưng với dân buôn lậu, có bị bắt tại trận cũng còn đường binh huống hồ gì chuyện chưa xảy ra. Tôi tỉnh queo nói:
- Hổng tin à? Lát nữa ra cầu tàu coi thử đi.

 Vừa nói tới đó thì cô Kim lượn ngang quán, tôi chỉ theo:
- Cổ kìa, kêu vô hỏi thử đi.

Thằng Thắng vẫn chưa hết cười:
--Vụ nầy tui nghi lắm nghen hay là...hay là ...

Tôi nổi nóng la lên :
- Hay là cái con khỉ, có đi không thì nói, để tôi còn rủ thằng khác.

Thắng không kêu cô Kim vô mà nhìn cô giáo cười đểu:
- Tui nghi lắm nghen, điệu nầy chắc cô ta kết ông rồi đó, cho nên mới mượn cớ chở đi đám giổ, hay là nhơn dịp nầy "tới luôn đi bác tài" tui ủng hộ ông hết mình, cần giúp gì nói tui một tiếng "a lê hấp" có ngay .

Tôi nghe nhẹ nhỏm trong bụng nhưng vẫn làm bộ mời nó:
- Thôi cha nội, đừng có xạo quá đi, rủ đi đám giổ cho có bạn nhậu mà không dám, còn bày đặt đòi giúp đỡ nầy nọ, mắc cở quá đi.

Thằng Thắng kề sát vào tôi nói nhỏ:
- Lúc nầy gần Tết người ta hay tổ chức vượt biên lắm, tui phải ở đây xem chừng coi có ai lạ mặt tới xã mình không, đi với ông sao được? Thiếu tay nhậu thì qua bển rủ tụi thằng Báo của trạm biên phòng, tụi nó cũng nhậu với ông mấy lần rồi mà. Nhà ông Hai ghe cào cũng sát bên đó chứ xa xôi gì. Thôi ra đón ông già vợ tương lai đi, tàu sắp tới rồi, tui nghe hơi máy tự nảy giờ...

Tôi chở gia đình cô Kim qua tới nhà ông Hai ghe cào thì đã hơn hai giờ chiều, trước khi chia tay tôi còn nhắc nhở với cậu Hai và ba của cô ta:
- Hai chú nhớ chiều nay phải phục rượu tụi thằng Báo nghen, sống chết gì là tùy thuộc độ nhậu sinh tử nầy, bây giờ thì cháu phải đi rồi, cháu mà nhậu trận nầy thế nào cũng bị tình nghi...
Nói xong, tôi từ giã mọi người trở xuống vỏ máy, chưa kịp tháo sợi dây ghe thì cô Kim từ trên nhà chạy bay xuống, bất thình lình ôm chặt lấy cổ tôi rồi tặng một nụ hôn nóng bỏng...
Nước mắt và hương thơm của hơi thở làm tôi như người đang nằm mơ...
Nhưng bổng nhiên hai gò má tôi bị đau nhói làm tôi giựt mình thức giấc, đứa cháu 8 tháng tuổi  đang cùng ông nó ngủ trưa, nó thức trước nên bò dậy hai tay cào vào mặt tôi, như muốn đánh thức tôi dậy để cùng nó tiếp tục giỡn.


Ôi! Cháu ơi! Cháu hại ông rồi. Biết tới ngày nào ông mới có lại một giấc mơ đẹp như vậy...

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét