Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Cắm Câu

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Mỗi khi bạn gắp một miếng cá lóc nướng trui, cuốn rau sống bánh tráng, rồi đưa cay với ly rượu đế hay ly bia đang sủi bọt, hoặc giả nhìn dĩa cá trê vàng nướng than béo ngậy hay là nồi cá rô kho tộ thơm lừng, bạn có bao giờ suy nghĩ hay tìm hiểu xem những con cá đó làm sao mà nó mò về chợ được, để bà xã bạn mua nó về nhà rồi chế biến thành thức ăn không? 
Chắc là hổng ai quởn mà làm cái chuyện tào lao đó rồi. Vậy thì để tôi làm thế cho nghen...
Chuyện tôi kể là chuyện hồi năm nẳm, thời "Bảo Đại bắn cu li" chứ bây giờ thì không còn nữa đâu. Bây giờ hầu hết cá ngoài chợ là cá nuôi, không phải cá sống và sanh trưởng tự nhiên như thời xưa, mà hai thứ cá xưa và nay đó, khi ăn vào mùi vị, phẩm chất có gì khác biệt nhau không? Thiệt tình mà nói, tôi không rành mấy, chắc phải nhờ mấy bà nội trợ đảm đang phân biệt dùm...

Ngày xưa cá ở quê nhiều vô số kể, một năm 12 tháng, tháng nào nông dân cũng có thể kiếm cá bán được. Tháng giêng, tháng hai nước rút khô trên ruộng thì người ta tát đìa, hoặc nhấp cá dưới kinh, hay sông rạch, có người dậm dấu, mò cá trong các con kinh nhỏ hay là đi nôm cá cập mé kinh, tháng ba có mưa lai rai, nước mưa từ trong ruộng chảy ra, mang theo lượng phèn rất lớn xuống kinh, xuống sông, làm cho nước sông lóng tất cả cặn xuống đáy nên trong vắt như mắt mèo, nhìn thấu đáy vì vậy ban đêm có thể đi soi cá...
Tháng tư trở lên mưa nhiều, trên ruộng bắt đầu có nước, cá trở về đồng sanh sôi nẩy nở nhiều vô số. 
Dân mình đúng ra không mấy hiểu biết, à mà không, tôi phải nói là không hiểu một tí gì về việc bảo tồn thiên nhiên hết, thì mới đúng (trong đó có tôi). 
Cá đầu mùa mưa, toàn là cá giống, trong bụng mang trứng đầy nhóc vậy mà mới vừa lú lên ruộng là đã bị bọn tôi đi soi, lượm bắt hết một mớ, cho đến khi nước linh láng trên đồng thì mùa soi cá mới qua. 
Vụ đó còn chưa tàn ác bằng đuổi cá ròng ròng, cá ròng ròng là cá lóc con mới sanh hơn tuần lễ, chúng đi từng bầy theo cá mẹ, người ta dùng đăng đó để bắt chúng. 
Cái đó làm bằng nang tre nhỏ, bện tròn đường kính khoảng 40 cm, cao chừng 80 cm, một bộ đăng cũng làm bằng nang tre nhỏ, gồm 2 miếng, mổi miếng dài chừng 5 hay 6 mét. 
Thường thường đăng đó dùng để đuổi bắt cá linh trong mùa nước nổi, người ta đặt cái đó xuống cho sát mặt đất, rồi kéo hai tấm đăng ra thành hình chữ V, rải một ít cám trên mặt nước, ngay tại vị trí đặt đó, khi thấy có cá bắt đầu lên ngớp, ăn mồi, thì dùng ống tre nhỏ mà thục xuống nước, gây tiếng động cho cá chạy vô đó. 
Đuổi cá linh cũng có kỹ thuật y như đuổi chuột, lúc đầu thục chậm, khi gần đến miệng đó thì phải thục cho nhanh, thục liền tay cho cá không dội trở lại mà nó phải chịu chun vô đó...
Bạn cứ thử tưởng tượng, một bửa ăn với cá ròng ròng, một nồi cá ròng ròng mỗi con bằng đầu đủa ăn, có hàng ngàn con cá lóc con trong đó, vậy mà người ta nuốt sạch bách, nồi cá đó nếu đợi vài tháng sau nó lớn thành cá lóc, mỗi con nửa kí lô thôi thì cũng đã là nửa tấn cá rồi. Bây giờ nghỉ lại tôi thiệt bái phục cho sự ngu si, dốt nát của mình...
Tuy là bị tàn sát đũ kiểu, đũ cách vậy mà tới tháng sáu là cá lại nhiều vô số và mùa cắm câu bắt đầu, nó kéo dài dài cho tới khi lúa trổ bông, gió bất thổi thì tạm chấm dứt, bởi vì cá bắt đầu rút vô đìa hay là mò xuống sông mà tìm mồi... Có người nói, gió bất lạnh quá, cá bị ê răng không ăn mồi được nữa vụ đó tôi thiệt không biết có đúng không.
Câu cắm và câu giăng là hai thứ hoàn toàn khác nhau, tùy từng loại cá, từng thời điểm trong năm mà thợ câu dùng mồi khác nhau, những thứ mồi thông dụng là:
Mồi trùng, mồi nhái con, mồi cua con, cá sặc con, cá linh, mồi cá sặc cắt,... Nếu bạn dùng sai mồi để cắm hay giăng câu thì sẻ không dính một con nào để mà làm thuốc đẹn, chứ đùng nói tới ăn hay bán... 
Cắm câu lúc nước còn ít, chưa sâu lắm, khi nước dâng hơi cao thì không ai cắm câu nữa mà chuyển qua giăng câu...
Cần câu được làm từ thân cây tre gai bọng ruột vừa đủ già, để không yếu quá và cũng không giòn quá để dể bị gãy. 
Người ta đốn cây tre xuống, phân đoạn ra từng khúc khoảng chừng một mét, chừa một đầu có mắt và một đầu không, đầu có mắt dùng làm nơi để cột chặt nhợ câu cho khỏi tuột ra, đầu không mắt để cho dể chuốt nhọn mà cắm xuống đất. 
Một khúc tre tùy theo lớn nhỏ có thể chẻ ra được mấy chục cần câu, mổi cần câu nhỏ chừng hơn ngón tay út nhưng lớn hơn chiếc đủa ăn một tí, lớn quá thì nặng không ôm theo được nhiều, nhỏ quá thì yếu không cắm sâu xuống đất được, dể bị gãy... 
Phía trên đầu cần câu được vót mỏng để dể uốn cong, chính giữa đóng một cái móc để móc lưỡi câu vào. Nhợ câu được làm bằng dây ni-lon nhuyễn, một đầu tóm vào lưỡi câu, đầu kia cột vào cần câu, nhợ câu dài khoảng 50 cm, sở dỉ người ta phải móc lưởi câu vô cái móc chính giữa cần câu như dây cung là để khi nhổ câu không bị rối nhợ lại với nhau và máng tất cả vô cánh tay cho dễ...
Có hai loại lưỡi, nếu chuyên cắm câu cá lóc thì tóm lưới câu hình chữ Ư nhưng ngạnh lưỡi quay vào trong và cái chui dài hơn một tí, nếu cắm câu bắt cá trê thì dùng lưỡi câu dấu ó hình hơi tròn...
Cắm câu thường đi ban đêm thì cá ăn mồi nhiều hơn, nhưng ban ngày cũng có thể cắm được, tuy là dính ít cá. Cắm câu bắt được cá nhiều hay ít, tùy rất nhiều yếu tố lệ thuộc, không phải ai cũng bắt được nhiều cá... trong đó yếu tố "sát cá" cũng là quan trọng lắm. Có người cả đời đi cắm câu, học nhiều kinh nghiệm nhưng không sát cá nên lúc nào cũng thu hoạch ít hơn người khác. 
Mỗi năm vào mùa cắm câu nếu là mưa sớm tôi có thể tham gia một vài tuần thì đến ngày nhập học rồi, còn như mưa trể tôi chỉ đi một ngày chủ nhật duy nhất mà cắm ban ngày chứ không phải ban đêm. Vậy để tôi thuật lại một chuyến đi cắm câu cho các bạn nghe chơi cho vui nhé...
Tôi biết cắm câu bắt cá từ khi còn "cuổn chời đi tắm mưa" nhưng chỉ đi cắm chung quanh sau nhà kiếm ít con cá rô, cá trê con, để kho quẹt ăn trong nhà mà thôi, trong khi đám con nít ở xóm 12, 13 tuổi đã đi xuồng tới chổ xa nhà hơn 4, 5 cây số để cắm câu lấy cá bán. Phải chờ cho đến khi tôi biết lén lén nhìn con gái, biết mình cần tiền để mua vật nầy vật nọ, biết cần quần mới, áo mới khi mùa tựu trường đến, thì tôi mới thật sự theo chúng bạn bơi xuồng đi cấm câu.
Năm đó chiến tranh ở quê nội tôi bùng nổ cho nên gia đình nội chạy loạn lên Rạch Giá, cất nhà trên miếng đất của ba tôi.
Năm trước đó quê tôi bị ngập nước lúa ngủm hết, nên mọi người nghèo mạt. Mùa đuổi chuột qua cũng không khá mấy tôi hỏi má:
- Năm nay, con làm đủ tiền đi xe chưa?
Má tôi ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi lại:
- Con hỏi để làm gì? Đủ thiếu gì thì con cũng phải đi học, ba má sẻ lo cho con học tới nơi tới chốn mà.
Tôi vốn muốn nói:
- Nếu mà dư tiền xe rồi thì má cho con xin tiền mua cây viết máy hiệu "Ba-Ke" đi, hay tệ lắm cũng là cây viết "Bic" bấm. Bởi vì lúc nhỏ tôi viết bằng viết chấm, khi lên Trung Học thì viết bằng viết "bic" có nắp đậy bằng nhựa, màu xanh dương mà thôi. Những bạn bè học chung lớp ai cũng có hai ba cây viết Bic bấm hay viết máy dắt miệng túi áo, coi đã vô cùng. Nghe má mình nói vậy tôi biết ngay là nhà không dư tiền, hổng chừng còn thiếu nợ nữa là đằng khác, bởi vì ba má tôi xuất ra không ít tiền giúp cất nhà cho nội rồi. Thấy tôi làm thinh bỏ đi má tôi kéo tay lại hỏi:
- Má hỏi sao không trả lời ?
- Con chỉ muốn biết thôi mà. Nói xong tôi vọt mất.
Buổi chiều bọn thằng Tài, Tư Phụng rủ tôi xuống xóm dưới chơi giựt cờ với đám con gái, tôi đang chán nản sự đời nên không muốn đi:
- Tụi mầy đi đi, tao không chơi đâu.
- Sao vậy ? Mầy hổng đi tụi nó không chịu chơi đâu.
Ở xóm tôi lúc đó có nhiều trò chơi mà con trai và con gái hay chơi chung như: bỏ khăn, kéo dây, giựt cờ... nhứt là giựt cờ thì chơi thường lắm. Giựt cờ chơi càng đông càng vui, nhưng ít lắm cũng 7 đứa thì mới xôm tụ. Trò chơi cần một trọng tài, số còn lại chia ra 2 phe đều nhau bằng cách "chuyễn xùm" rồi lựa bồ mà bắt, mỗi người có một số để nhớ, cây cờ là một nhánh cây được cắm chính giữa sân, khi trọng tài gọi số nào thì số đó chuẩn bị chạy đi giựt cái nhánh cây về phía mình, nếu không bị đối phương đánh trúng thì thắng, giựt cờ thường chơi ăn cõng, bên thua sẽ phải cõng bên thắng trên lưng mình, đi từ đầu sân bên nầy qua bên kia. Tụi bạn tôi thường nói:
- Ăn thua gì cũng đã hết. Thua thì vác bịch gòn trên lưng êm ru, còn thắng thì được ôm cổ con gái vừa thơm vừa mềm...
Còn tôi thì thường bị bắt làm trọng tài, nên ít có được hưởng thụ hai cái màng kể trên, vì tụi nó nói:
- Mầy làm trọng tài đi, chơi hồi hộp hơn.
Thường thường mấy đứa khác làm trọng tài chỉ biết kêu "số 1 giựt cờ, số 2 tiếp viện hoặc là số 1 rút về, số 3 thế chổ". Tôi thì chế ra đủ kiểu gọi, thí dụ "đang kêu số 1 chuẩn bị...thay vì nói tiếp giựt cờ thì tôi đổi nhanh thành đứng đó, rồi kêu liền số 3 giựt cờ". Đám con trai con gái luôn luôn bị rối đội hình và lúc nào cũng trong tư thế sẳn sàng ứng chiến...
Thấy tôi làm thinh hai thằng nó rề sát bên hỏi nhỏ:
- Ê! Bộ có chuyện gì hả ? Sao mặt mày buồn hiu vậy?
Tôi kể lại chuyện sắp tới ngày nhập học mà không có tiền sắm đồ cho tụi nó nghe. Tư Phụng cười lớn:
- Có gì quan trọng đâu? Thì nghỉ học cho rồi, ở nhà đi cắm câu với tụi tao phải vui hơn hông.
Tôi đang bực trong mình, muốn xực lại nó nhưng thằng Tài lên tiếng:
- Tưởng chuyện gì, cái đó dể ồm, mầy theo tụi tao đi cắm câu ít chuyến thì mua mấy cây mà hổng được? Tụi tao 3 ngày sau là xuống câu rồi.
Đi theo tụi nó cắm câu? Chuyện đó tôi đã nghỉ đến rồi, nhưng tôi bị kẹt 2 vấn đề nan giải. Thứ nhất tôi chỉ có chưa đầy một trăm cần câu mà lại là đồ cổ lổ sỉ 2 năm rồi chưa thay lưỡi mới, nó lục nhách, lâu lâu có vài con cá bị mù mắt nên mới dính câu của tôi. Thứ nhì xuồng tôi có là xuồng để qua sông thay đò, còn xuồng để đi cắm câu là xuồng được lót sạp bằng phẵng, từ sau ra trước để vừa chất được nhiều đồ và ban đêm có chổ nằm ngủ. Nghe thằng Tài đề nghị tôi hỏi lại nó:
- Làm sao đi được? Câu không có, xuồng không sạp, đi theo quảy giỏ cá cho mầy à?
Thằng Tài được dịp cười ngất :
- Chuyện dễ muốn chết mà tính hổng ra, vậy mà hồi nào tới giờ tưởng mầy thông minh lắm, té ra mầy cũng đâu có khá hơn tụi tao bao nhiêu.
Tôi nổi gió tính cự lại nó nhưng làm thinh thử xem nó tính thế nào. Thằng Tài cười đã rồi nói:
- Nhà mầy tre gai, tre mỡ nhóc, đốn xuống mà làm sạp xuồng mấy hồi, không xài thì gở lên đem cất, còn câu tụi tao chia cho mầy mượn mỗi thằng năm chục cần, câu cũ của mầy thì đi mua lưỡi nhợ mới, tụi tao tiếp, thay dùm cho một chút xíu là xong rồi, có gì dữ dội đâu mà mặt mày một đống thấy ghê.
Nghe nó nói cũng chí lý, nhưng nghỉ kỹ lại không ổn tí nào, nhà tụi nó nghèo rớt mồng tơi, mùa nầy trông cậy vào tụi nó đi cắm câu mua gạo, tôi nở nào mượn đi 1/6 số câu của nó vì vậy nên tôi từ chối :
- Mầy giỏi quá hén! Mượn của tụi mầy để tao bị chửi à?
- Ai nói mà biết được?
Tư Phụng nhảy vô:
- Ê! Hay là đốn ít cây tre, tụi tao vót tiếp cho mầy một ngày là xong rồi...
Bốn đứa tôi hôm sau hạ 3 cây tre lớn, lớp đống sạp xuồng, lớp chẻ làm cần câu, hai ngày sau là tôi có đầy đủ dụng cụ cắm câu của một thợ câu chuyên nghiệp. Đám bạn nhắc nhở tôi từng li từng tí, nhất là thằng Tài khi dọn đồ xuống là luôn miệng hỏi:
- Hai tấm cao su lớn đem xuống chưa? Mầy mà quên rủi bị mưa là tao không cho đục nhờ đâu đó, áo mưa nữa nhớ bỏ vô, không có áo mưa là ngũ luôn tới sáng khỏi đi thăm câu luôn à nghen....
Mỗi thằng nhắc vài câu, hỏi vài thứ vậy mà cũng quên mất thứ quan trọng là cái nóp để ngủ, nếu không nhờ Sáu Hiền phát hiện kịp thời thì chắc không có ai dám cho ngủ ké trong cái nóp hết, bởi vì cái nóp được làm bằng tấm đệm xếp đôi, hai đầu được may lại bằng chỉ bao bố, khi chun vào ngủ thì xoay miệng nóp xuống lưng đè lại cho muỗi vô không được, phần trên bung lên cho có nhiều không khí để dễ thở một chút, cái nóp chỉ có thể chứa chủ nhân của nó mà thôi, không còn chổ nào cho người thứ hai chui vào được...
Bốn chiếc xuồng chúng tôi chuẩn bị đầy đủ chờ nước bắt đầu sắp lớn là khởi hành, tụi nó còn đốt nhan bàn thờ ông bà, van vái giống gì không biết nữa. Khi Sáu Hiền và Tư Phụng tới bến nhà tôi réo gọi inh ỏi, thì tôi với thằng Tài xuống nhập cuộc. Tụi nó đã đi cắm câu hai năm rồi còn tôi mới đi lần đầu nên nôn nóng hồi hộp lắm, hồi hộp như ngày đầu bước chân vào lớp Đệ Thất, không biết những giờ phút sắp tới ra sao...
Chúng tôi đi về hướng Kinh Tư, nước trên sông đang đứng lớn, nên nằm yên không chảy, tôi thắc mắc hỏi tụi nó:
- Lúc nảy nước ròng còn chảy mạnh không chịu đi cho xuôi nước, bơi phải nhẹ hơn không, ngồi tán dóc làm chi để bây giờ nước đứng trân mới chịu đi, đúng là đi hoài mà không rút được một chút kinh nghiệm nào ráo trọi.
Ba thằng nó cùng cười lên một lúc:
- Không biết thì làm thinh đi, đâu có ai nói mầy câm đâu mà sợ? Hồi nảy nước ròng chảy mạnh mầy đi xuôi nước, nhưng xuôi nước được khúc nầy tới đầu Kinh Tư thôi, khi phụp vô kinh rồi thì nước trong kinh chảy ra, ngược nước thấy lảo tổ, mầy bơi cong xương sống luôn. Mà mầy biết từ vàm Kinh Tư qua tới chổ cấm câu dài gấp 3 lần từ nhà mình tới đầu kinh mà. Vậy còn dám nói tụi tao không rút kinh nghiệm nữa thôi?
Tôi bị quê độ nên làm thinh không hó hé gì nữa. 
Xuồng đi chừng 20 phút sau thì quẹo vô kinh tư. Kinh Tư là một con kinh đào nhỏ không sâu lắm, lúc bây giờ ít có ai cất nhà ở hai bên bờ, xa xa có một vài cái trại trống không, để cho người làm rẩy tạm trú mưa nắng, cặp mé kinh cỏ dại đủ thứ mộc đầy, chỉ còn ngay chính giữa dòng kinh chừng 2 mét là còn tróng trải để đi lại mà thôi.
Y như tụi nó tính toán, nước bắt đầu lớn nên chảy vô kinh, xuôi chèo mát mái tụi tôi bơi nhanh như tên bắn, chưa đầy một giờ sau là gần tới kinh sáng mới, chúng tôi rẻ vào một con mương nhỏ rồi bắt đầu dùng sào mà chống lần trên mương để vô giữa ruộng. Đất ruộng ở đây có khu đã cấy lâu rồi, lúa bắt đầu bén rể đâm lá non, có đất mới vừa cấy xong một vài ngày, nên mạ còn lá úa ngã màu vàng, có người còn đang dọn đất sửa soạn cấy...
Chúng tôi vô sâu gần 2 cây số thì bắt đầu tìm nơi thuận tiện mà đậu xuồng.
Thường thường dân ruộng đi làm chung 2 người một cặp, cắm câu giăng lưới hay đặt lờ cũng vậy, hai người để có bạn cho vui, chứ thật ra mỗi người làm riêng một nẻo, nhưng khi rỗi rảnh thì hai người tán dóc cũng đở cô đơn, nhưng cũng có những "Độc Cô Hành" thích một mình yên tỉnh... 
Ba đứa bạn tôi đi chơi cũng như đi làm thường chung một đám, lần nầy có tôi theo đúng lý ra phải tách ra làm hai nhóm nhưng không thằng nào muốn, vì vậy bốn thằng đậu xuồng chung một chổ, rồi chia vùng ra mà cắm câu.
Sáu Hiền nhiều tuổi hơn hết nhưng vẫn bị kêu thằng như thường, nó nhổ một cọng cỏ năng, ngắt ra làm 4 khúc dài ngắn khác nhau nói:
- Ba đứa bây rút thăm đi, thằng nào rút được cây dài nhất thì bắt chổ trước.
Bốn đứa tôi mỗi thằng một hướng đem câu đi cắm. Mỗi đứa đều nhắc lại bài học tụi nó dạy hai hôm trước. Nào là canh hướng gió để cá ngửi được mùi mồi, nào là canh nước sâu, nước cạn, ngang lung ngang bào phải làm sao, chổ sâu, chổ gò, cắm thưa, cắm dầy, đủ kiểu, đủ cách...
Tôi bắt đầu thực hành bài học mà tôi đã biết nữa vời trước đây, mỗi cần câu trung bình cách nhau từ 3 tới 4 mét đầu cần câu được hướng về phía cần kế tiếp, có thể cấm câu theo đũ loại hình, chữ nhật, hình vuông, vòng cung...nhưng tựu chung thì cần câu đầu tiên phát xuất từ nơi đậu xuồng và cần sau cùng cũng kết thúc gần nơi khởi hành. 
Khoảng một giờ sau là 300 cần câu được cắm xong. Sáu Hiền phân công tôi nấu cơm, thằng Tài đi kiếm rau Tư Phụng và nó thì mỗi đứa móc mồi ít chục cần câu kíếm cá để kho ăn chiều ...
Cơm nước, dọn rửa xong thì tụi tôi ngồi hút thuốc rê chờ mặt trời xuống núi là bắt đầu đi móc mồi. Mồi trùng có hai loại, trùng hổ và trùng quắn để cắm câu cá trê, những thứ trùng khác như trùng cơm hay trùng huyết không xài được vì nhiều lý do. 
Đầu mùa thì xài trùng hổ khi đào hết trùng hổ trong xóm rồi thì phải mua trùng quắn mà cắm. 
Trùng hổ lớn bằng ngón tay út dài từ 15 cm tới 20 cm, mỗi con có thể cắt ra từ 15 đến 20 miếng mồi. Trùng được đem theo và nuôi chúng trong một cái hủ sành có chứa đất làm thức ăn cho nó.
Khi mặt trời xuống còn chừng nửa sào là chúng tôi ba chân bốn cẳng mở hết tốc lực đi móc mồi câu trước khi trời tối hẳng. Móc mồi sớm quá sẽ bị các loại cá bổi như cá chốt, cá rô, cá trèn đớp mất mồi, cá trê chưa kịp ăn thì cần câu đã dính mấy anh chàng cá bổi rồi, còn như để tối quá thì lại không thấy đường đi...
Bốn đứa tôi móc xong mồi thì trời đã tối, ngồi nghỉ mệt hút thuốc một hồi thì bắt đầu cắt trùng chuẩn bị đi thăm câu đợt đầu. 
Ngồi cắt trùng mà nghe cá dính câu giẩy, nghe tiếng cá trê đớp mồi chùng chụt lòng tôi nôn nóng, nhấp nhổm lạ thường...
Tôi bước khỏi xuồng với cái khăn bịt trên đầu, cái bội vớt cá được chụp phía trên, trước ngực mang lon trùng cắt sẵn để thay mồi, vai trái mang lồng đèn, bên trong có cây đèn bánh ú, vai phải mang giỏ đựng cá, thằng Tài nhắc:
- Hột quẹt có đem theo chưa? Quên nó lở bị gió mạnh thổi tắt đèn thì bỏ mạng nghen.
Tôi tiến tới cần câu đầu tiên, nhìn thấy nó bị kéo lôi về bên phải còn ngóc lên ngóc xuống, tôi đinh ninh chắc là dính con cá trê bự tổ bố rồi, nên lẹ làng lấy cái bội khỏi đầu, một tay kéo nhợ câu, tay kia cầm bội xúc nó lên, trong bội không phải con cá trê lớn mà là con cá trèn. Đối với tôi người từ trước tới nay chỉ cắm câu ban ngày kiếm cá ăn, thì dính được bất cứ loại cá gì cũng là mừng quýnh đít, gở cá bỏ vô giỏ thay mồi xong tôi hâm hở tiến tới cần thứ nhì...
Câu tôi là những cần câu mới toanh nên còn rất bén và nhậy cho nên bất cứ loại cá nào đớp phải mồi đều bị dính câu, liên tiếp mấy chục cần dính toàn cá bổi lâu lâu mới dính được một con cá lóc phải tới một phần ba đường mới bắt đầu dính cá trê, tôi hăng say gở cá thay mồi cho tới khi thấy cần câu cấm ngược đầu thì biết là cuộc chơi chấm dứt, mình đã đi về tới xuồng rồi...
Ba đứa bạn đã về tới từ lâu, tụi nó đã rộng cá vô thùng và làm xong cá bổi để muối cho khỏi hư. Thằng Tài kéo giỏ cá của tôi lên xem rồi nhóng thử nói:
- Chắc là phải hơn 3 kí.
Hai thằng kia nghe vậy nhảy qua xuồng tôi coi thử, xem xong thì tụi nó cười rộ. 
- Nó trúng mánh rồi, cái nầy chắc cở bốn kí, mà chỉ là cá bổi bán có được đâu, hổng biết cá cân được hai kí hông nữa.
- Cá nào hổng được ? Được nhiều là tốt rồi.
- Tốt khỉ gì, mầy trút lẹ ra rồi rộng vô thùng đi, để lâu trong giỏ coi chừng bị ngộp chết ráo thì một kí cũng không còn chứ đừng nói chi tới hai.
Tôi còn lo thay quần áo khô thì thằng Tài trút giỏ cá của tôi xuống khoang xuồng, hai thùng đựng cá được nó múc sẳn nước trước dùm, nó lựa cá trê thì rộng riêng một thùng còn thùng còn lại thì rộng cá lóc. Quần áo thay xong tôi lấy dao chặt đầu mổ bụng làm sạch đám cá bổi đem ướp muối cất vô thau rồi mới ra ngồi hút thuốc tán dóc với tụi nó...
Khoảng một giờ sau thì tụi tôi lại tái diễn trình tự cũ, lần nầy thì câu tôi ít dính cá bổi mà được cá lóc và cá trê khá hơn đợt đầu. Rộng cá, muối cá xong thì bắt đầu trải nóp ra chun vô ngủ cho tới trời mờ mờ sáng thì thức dậy nhổ câu.
Những người đi cấm câu hay đặt rập ban đêm, bộ não hình như có trang bị đồng hồ báo thức tự động, đồng hồ của tôi vẫn còn chạy tốt cho đến giờ...
Nhổ câu xong là chúng tôi bắt đầu lo cơm nước buổi sáng rồi mới tính xem nên cấm ở đâu cho đêm kế tiếp... 
Ba đứa nó bàn tính một lúc thì quyết định đi sâu thêm 3 cây số nữa tụi tôi nhổ sào chống đi tiếp tục đến khu đất mới, ở đây người ta cấy lúa chắc phải hơn một tuần rồi, màu lá lúa non xanh mướt như một tấm thảm nhung đang chập chờn vợn sóng đẹp vô cùng. 
Bốn chiếc xuồng đậu sát vào nhau nhưng cột chùm thành hai cặp bốn cây sào và bốn cây dầm được làm sườn cho cái trại bằng cao su để tạm thời che nắng mà ngủ trưa hầu bù lại đêm rồi không ngủ đủ. Chúng tôi ngủ chưa được 2 tiếng đồng hồ thì gió lạnh thổi tới làm những tấm cao su kêu lên phành phạch, bốn thằng đều thức dậy nhìn trời mà đoán thơi tiết. 
Thanh niên ở vùng quê ai cũng là chuyên gia dự báo thời tiết hết, chỉ có khác biệt là giỏi hay dở mà thôi, nhưng hôm đó bốn đứa tôi đều đoán là có mưa lớn nên cả bọn chuẩn bị sẳn sàng chịu mưa, áo mưa được mặc vô, đồ đạc thì đậy kín để khỏi ướt, cái trại lớn được thu nhỏ lại trên hai chiếc xuồng, cao su được hạ thấp xuống chỉ còn ngang đầu để tránh gió, bốn đứa ngồi trên 2 chiếc xuồng sẵn sàng chờ mưa. Hôm đó mưa tuy nặng hột nhưng không có gió mạnh, nước rơi trên cao su nghe lộp bộp lâu lâu đọng lại thành một bọc lớn đổ xuống cái ào, mưa cả giờ rồi mà chưa dứt, vẫn cứ lắc rắc mãi tụi tôi quyết định dầm mưa để đi cắm câu trước khi trời tối, chứ không đợi mưa tạnh vì thông thường trời mưa thì không thấy mặt trời để mà canh giờ được. Vừa mới bước ra khỏi xuồng thì tụi nó nhắc nhở:
- Nhớ nghen, hôm nay mưa lớn lắm đó, cá sẽ lên gò tìm mồi, mầy mà cắm như đêm rồi thất nửa thì đừng có trách sao tụi tao không chỉ.
Thời đó đi cắm câu xa nhà một đêm trung bình phải được 9,10 kí lô cá cân, nếu chỉ có 7,8 kí thì xem như thất thu còn trên 10 kí thì là trúng mánh. Đêm rồi tôi chắc được 7,8 kí đối với tôi đã là quá nhiều, nhưng tụi nó thì tội nghiệp cho tôi. Nghe lời dặn đêm đó tôi cắm sát gò, nước sâu chừng một tất thôi. Vì trời mưa tụi tôi đi móc mồi hơi sớm khi trời nhá nhem tối thì mưa đã tạnh hẳn và chúng tôi đã móc xong mồi. Nước mưa làm cá mát mình nên đi tìm mồi nhiều hơn, đêm đó bọn tôi trúng lớn cho nên trời chưa sáng là đã mang theo đèn mà cuốn câu về rồi...
Trên đường về tụi nó bàn tính đi qua vựa cá bên chợ cân luôn rồi mời trở về nhà. Tụi nó bày cho tôi cất bớt lại tiền không mang về hết. Đứa nào cũng nói một câu hơi hơi giống nhau:
- Phải thủ một ít phòng thân chứ, đưa cho ổng bả biết bao nhiêu mới đủ?
Vậy là từ hôm đó trở về sau, hể tôi làm ra tiền thì đưa cho má tôi 4 phần, tôi giữ lại một phần để xài riêng cho mình, không như lúc còn nhỏ làm bao nhiêu giao cho mẹ hết bấy nhiêu...
Cắm câu ngoài đồng tróng ít khi bị muổi cắn, nhưng thường mắc mưa có khi suốt cả đêm bị mưa không ngủ được, phải đội mưa mà đi thăm câu, lạnh lẽo vô cùng, nhưng đối với dân quê nó là một nguồn lợi lớn nuôi sống gia đình.
Bây giờ đất thì được ban bằng, lung bào được lấp để tăng diện tích canh tác, lúa làm 3 vụ bờ mẩu được đấp cao để bơm nước ra vô, thuốc sát trùng xử dụng vô tội dạ, môi trường ô nhiễm trầm trọng, cá tôm không có nơi sanh sản tự nhiên nữa, cho nên chuyện bơi xuồng đi cắm câu chắc là đã đi vào kho tàng của chuyện cổ tich rồi... 

Người ta chỉ còn nuôi cá để mà bán thôi...

3 nhận xét:

  1. Rất cám ơn bạn Hoa và blog THKT đã cho post bài Cắm Câu với hình ảnh rất trung thực, làm tôi tưởng tượng hai cái bàn chân đó là 2 cái bàn chân không của mình ngày xưa đã từng băng đồng lội nước cả đêm lẫn ngày ...
    Đôi chân nhỏ lội bùng trên ruộng nước
    Đêm từng đêm cất bước để cắm câu
    Kỷ niệm xưa giờ ta biết tìm đâu
    Thân khách trú mang mối sầu vong quốc...

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh Lanh, em cũng là người từng đi cắm câu tại quê hương xứ sở Rach Sỏi của những năm 1970, 71...

    Trả lờiXóa
  3. Chau Kim Trang · Friends with Lanh Nguyen

    Xin mời các Bạn đọc truyện ngắn của Nguyễn Lanh,Cac bạn sẽ thấy rất nhiều sinh hoạt thực tế hang ngày của dân Nam Bộ nói chung và nhièu mẫu truyện dài "Móc ngoặc" đã đăng trên THA HUONG RẠCH GIÁ".Chúng ta ,sẽ tìm lại ,những chặng đường đi qua trong ngành Giáo Duc sau thời 75 ,bắt đầu mà các khóa 9 ,10 (SPVL)đẫ ít nhiều dấn thân nơi vùng quê mà người dân chịu thiệt thòi ,thất học ,Các bạn cố gắng làm lại từ lúc đó...nhưng dưới nhà nước mới cho đến nay..hình như vẫn thế! Xin mời tìm đọc!

    -----------------------

    Lanh Nguyen

    Cám ơn cái comment dể thương của bạn hiền CKT. Hầu hết các bài viết của tui đều được post trên trang FB. Trang Google, Blog Tha Hương, Vườn Thơ Ngọc Huệ và mới đây được bạn Hoa cũng như Blog TH Kiên Thành cho post ở đó. Nhưng mà nói thiệt nghen bây giờ có rất ít người chịu khó ngồi xem truyên ngắn hay tiểu thuyết lắm. Chỉ còn một số rất ít bạn già hoài cổ như chúng ta mà thôi. Người xem đã ít mà người viết càng ít hơn. Nhưng dù chỉ có 1 người xem mà thích là mình cũng có tinh thần để viết tiếp rồi. Chúc tất cả các bạn còn sức khoẻ để nhìn cuộc đời với lăng kính màu hồng.

    --------------------------------

    Blogthkt RachSoi

    Thiệt là hay ở câu: "... dù chỉ có 1 người xem mà thích là mình cũng có tinh thần để viết tiếp rồi." xin được đồng hành cùng ông anh bạn già. Kính mến

    Trả lờiXóa