Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Tóc Người Cuối Sông

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phong Dinh (Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng)


Sông nầy chảy một dòng thôi
mây đầu sông thắm tóc người cuối sông...
(Phạm Thiên Thư)

1.

Chiếc taxi thả tôi xuống góc đường Lý Chính Thắng và Cách Mạng Tháng Tám. Buổi sáng tháng Sáu, trời Sài-gòn ngột ngạt và nóng như đổ lửa. Cẩn thận trên tay với chiếc túi xách, tôi đi dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám hướng về phía cầu Trương Minh Giảng. Vừa đi, tôi vừa lẩm bẩm địa chỉ của Hùng, Trịnh Xuân Hùng. Tương phản với vài căn nhà cao tầng trơ trẻn bên đường là những dãy nhà lụp xụp, nghèo nàn và những con hẽm dơ bẩn, tối tăm.
Thành phố nầy thay đổi đến chóng mặt, đến điên đầu. Đây là lần thứ nhì trở lại, Sài-gòn với tôi vẫn là hình ảnh hỗn loạn của đám đông và tiếng động; là của bầu không khí ngột ngạt, khó thở. Lần đầu, phải mất gần cả tuần lễ tôi mới hoàn hồn, làm quen với giờ giấc, tiếng động và sinh hoạt ở đây. Những ngày còn lại, tôi cùng mẹ chạy vạy từ khách sạn tới bệnh viện và từ bệnh viện về khách sạn. Nhiều lần taxi chạy ngang chợ An Đông, tôi định dừng lại, đi một vòng cho biết. Nhưng ngó sang mẹ, lại thôi. Bà lo lắng, phiền muộn gần như người mất hồn. Một phần vì bệnh tình của ngoại, nhưng phần khác nặng nề hơn là, mẹ và cha tôi vừa chính thức ly dị. Buồn và thất vọng, nhưng chúng tôi, anh Thuận, anh Thái và tôi, không ai ngạc nhiên gì mấy. Cha tôi đã dọn ra riêng hơn cả năm, và gần như không còn liên lạc gì với mẹ, ngoài một số phân chia tài sản lủng củng giữa hai người. Không như những người đàn ông Mỹ, cha tôi tình nguyện ra đi ‘sạch sẽ’, không thắc mắc, không kiện cáo. Nhà cửa, đồ đạc trong nhà đều thuộc về mẹ tôi. Tiền nhà băng, quỹ tiết kiệm, mẹ tôi lấy hai phần ba, ông chỉ nhận phần nhỏ ‘dằn túi’. Tôi là con gái út đang học năm thứ ba, hai anh đều có gia đình riêng, nên mọi việc thu xếp chung quy vào cha và mẹ mà thôi... Từ nhỏ tôi đã không gần gũi mẹ tôi. Bà thương và hãnh diện về anh Thuận nhiều nhất. Anh Thuận học giỏi và đầu óc thực tế giống bà. Đang học năm thứ năm y khoa thì anh Thuận lấy vợ. Vợ anh Thuận là con chủ tiệm vàng ở vùng Washington D.C, bạn thân của phía gia đình mẹ tôi. Đám cưới anh là cả niềm hãnh diện lớn của bà con hai họ. Tôi gần gũi và thân với anh Thái và cha tôi hơn. Ngay trong suốt chuyến đi dài, mẹ và tôi cũng không phá vỡ được bức tường vô hình, tẻ nhạt đó. Sau hai tuần, tôi phải trở về Mỹ chuẩn bị cho niên học cuối. Lần đó, Sài-gòn không để lại trong tôi một hình ảnh tốt đẹp nào, ngoài những cảnh tượng hỗn loạn của một thành phố đầy ngợp hơi người và mờ mịt khói xe.

           Tôi đi chậm lại và dừng ở đầu con hẻm. Đúng là địa chỉ số hẻm nầy.Tôi ngần ngại nhìn quanh, mấy đứa trẻ con đang chơi giỡn chợt dừng lại, trố mắt nhìn người khách lạ dò xét. Vài tiếng ho khan, hắng giọng khạc nhổ đâu đó vọng lại từ mấy căn nhà tăm tối đầu ngõ. Chiếc túi xách nặng trên tay như còn giữ nguyên vẹn hơi ấm của bàn tay xanh xao bịn rịn, của đôi mắt thờ thẫn tuyệt vọng đang bóp nghẹt trái tim tôi, bóp nghẹt mọi nỗi ngần ngại, yếu lòng. Tôi mạnh dạn bước vào con hẻm nhỏ... 

2.

               Tôi dọn ra ngoài căn apartment một phòng, nằm trong khu downtown. Vừa rẻ tiền vừa tiện đường đi làm. Mark nằng nặc đòi tôi dọn về ở chung với anh, khỏi tốn khoản tiền nhà lại an toàn. Nhưng sau biến cố gia đình, tự dưng tôi chán ngán những quan hệ tình cảm, chỉ muốn một mình, yên thân. Tội nghiệp Mark, biết tính tôi, cũng không năn nỉ gì thêm. Ngược lại, tôi bảo anh trong hay cuối tuần, lúc nào muốn đến ‘thăm’ hay ở lại qua đêm cứ gọi trước, tôi sẽ thu xếp. Trong tất cả bạn trai, Mark là người tôi thương và dan díu lâu nhất.Có lẽ, anh là tập hợp nhân cách của anh Thuận và cha tôi. Mark tính tình rất thực tế, nhưng lại bốc đồng và lãng mạng. Đời sống trật tự, tiền bạc sòng phẳng nhưng Mark rất khó khăn nhớ một tên đường và ‘vua’ đi lạc. Một lần anh rũ tôi đi ăn cơm ‘bóc’ ở nhà hàng Thái Lan, cách chỗ tôi ở chừng bốn mươi lăm phút lái xe. Vậy mà từ lúc rời nhà, năm giờ chiều, mãi đến gần chín giờ tối tôi và anh mới ngồi xuống bàn gọi thức ăn. Hai đứa đói đến xanh mặt và ‘bóc’ ăn run cả tay. Khác với hoàn cảnh tôi, Mark mồ côi từ nhỏ và sống với gia đình cha mẹ nuôi. Mãi đến năm mười bảy tuổi Mark mới biết về tông tích của chính mình. Như một ác mộng, một trái nổ thay đổi cả cuộc đời chàng. Chưa bao giờ và bất cứ ở đâu, sự hiện diện của Mark phản ánh sự khác biệt về màu da. Từ ngoài tới trong và cả ánh mắt của xã hội chung quanh, anh là một người da trắng hoàn toàn. Vậy mà khoẳnh khắc, sự thật đã đưa anh về đối diện với thân phận của chính mình. Một người da trắng với giòng máu da màu. Mark sinh ra trên phần đất Pakistan mà anh chưa hề biết đến! Cha Mark gốc người Anh, mẹ anh là người phụ nữ Pakistan. Anh là kết quả của một cuộc tình hay nạn nhân của sự cưỡng đoạt? Sau nhiều thời gian tìm kiếm, Mark được biết cha mình đã qua đời trong một thành phố nhỏ ở Anh. Người duy nhất còn lại, anh hy vọng, để trả lời câu hỏi đó, là mẹ Mark. Người đàn bà mà giòng máu đang luân lưu trong cơ thể anh, sống hay chết đâu đó trên đất nước Pakistan xa lạ, mù tăm. Hy vọng là niềm tin duy nhất của Mark về thân phận và cuộc sống ngày mai.Trong cuộc sống thực tế, Mark và tôi thường dùng nhiều ‘từ’ tương lai, xây dựng những lâu đài của ước vọng. Nếu không có những ước mơ và hoài vọng, tôi thì thầm tai anh, thế giới chúng ta sẽ đi lùi ngược với chiều xoay của trái đất. Mark viết và dán câu nói nầy phía mặt trong của cửa ra vào phòng anh. Có vài lần Mark đề cập đến chuyện hôn nhân, không hiểu sao tôi lại giả đò không nghe hoặc lờ lãng đi.Có lẽ, tôi yêu anh nhưng chưa đủ để kết thành duyên nợ. Tôi không muốn lập lại hình ảnh của cha mẹ tôi cho thế hệ con cái sau nầy..? Từ đó Mark không hề nhắc nhỡ hay đề cập đến nữa. Quan hệ giữa tôi và anh cứ như vậy mãi đến bây giờ.

Đúng như dự báo thời tiết, khoảng năm giờ chiều thì trời đổ tuyết.Những bông tuyết trắng muộn màng cuối tháng ba rơi dầy đặc, phủ kín bầu trời xám đục. Tôi vừa cho xe vào bải đậu chung cư, chợt thấy dáng người phụ nữa Á-đông đang cố loay xoay cầm hai bọc giấy đầy ấp thực phẩm. Có thể là người Việt, cũng có thể là người Trung Hoa, Đại Hàn không chừng. Tôi xuống xe, bước vội đến chào xã giao và giúp người đàn bà một tay. Khuôn mặt bình dị, thanh tú và nhất là mái tóc, mái tóc đen dài phủ kín bờ vai chinh phục cảm tình tôi ngay trong giọng nói lí nhí cảm ơn bằng tiếng Việt. Chị tên Hà, ở tầng trên cùng khu chung cư với tôi. Người Việt chung quanh đây không phải là điều ngạc nhiên, nhưng tôi bị thu hút ngay trước vẻ đẹp giản dị và suối tóc của chị. Sau nầy tôi hỏi đùa với chị, ‘tóc chị như dầy to như cọng mì sợi.Làm sao mà chị gộI đầu một mình và mỗi ngày được’.Chị Hà cười nhẹ, ‘cũng vất vả lắm Kim. Nhưng đâu phải chị muốn làm đẹp, làm duyên gì đâu cho khổ. Chị đã khấn nguyện cùng trời đất sẽ giữ gìn mái tóc nầy cho đến ngày đoàn tụ với chồng con, gia đình. Như một nhắc nhở, một lời hẹn ước !’... Đã lâu lắm rồi, tôi tưởng đã quá quen mắt nhan nhản trên đường phố, trong quán ăn, ca sĩ trong băng ca nhạc truyền hình, các khuôn mặt phụ nữ cứ giông giống như nhau, từ con mắt, sóng mũi, đôi môi đến cái càm... Tôi tình nguyện giúp chị Hà mang bọc thực phẩm lên tận phòng. Chị cười nhẹ, không phản đối. Tôi và chị quen nhau từ đó.
           Trần Thị Lệ Hà, tên chị, thật buồn như một giòng sông nước mắt. Chị lớn hơn tôi sáu tuổi, sống độc thân chung phòng với một người bạn gái khác. Chị nói, Hà là một trong những người mướn phòng ở lâu nhất của khu chung cư. Tôi gọi chị, ngược lại chị gọi tôi bằng tên và xưng tên với tôi. Gần mười năm qua, biết bao nhiêu người bạn gái chung phòng với chị, đến rồi đi. Mỗi người là một quá khứ, một hoàn cảnh khi đến, để rồi, là một cuộc đời bất chợt, vô định khi đi. Chỉ còn lại chị là ở lại như một bến sông buồn, chờ đợi một hẹn ước mơ hồ của thời gian... Hay tại cái cửa sổ từ căn phòng, Hà có thể nhìn thấy cả một góc phố chuyển động, đổi thay phía dưới. Hay là người quản lý da đen tốt bụng đã dành cho chị nhiều tình cảm ưu ái, nhất là khoản tiền mướn phòng không tăng trong những năm qua, đã giữ Hà ở lại chung cư nầy. ‘ Chắc là tại tất cả đó Kim’, chị vừa nói vừa cười buồn lạ, ‘ tụi bạn gọi chị là con ma xó của cái chung cư nầy!’.
            Tôi đưa mắt nhìn bức ảnh của ngườI đàn ông và đứa bé đặt trịnh trọng trong căn phòng thật ngăn nắp. Giọng chị Hà trở nên trìu mến, thiết tha:
               - Anh Hùng, chồng chị và đứa con trai của Hà. Nó tên Nghĩa, năm nay mười bốn tuổi rồi. Nhanh quá... 
               - Đây mới là lý do chính mà chị ở lại mãi căn chung cư nầy, phải không?
Chị khẻ gật đầu, không đáp.Hình như mọi ngày qua trong cuộc sống của chị là hy vọng và sự đợi chờ mòn mỏi. Rồi chị lẫn tránh, lãng sang chuyện khác, chừng như không muốn ai chạm đến niềm tin yêu thiêng liêng của mình. Tôi tôn trọng mọi niềm riêng tư của người khác.Có lẽ vì vậy mà tôi và chị thân thiết nhau ngay sau lần đầu gặp mặt.Chung quanh tôi chừng như cuộc sống cái gì cũng phức tạp, nhiều nhu cầu mà lại thật tầm thường và thực tế.Tôi sống như một thói quen, máy móc, ‘một ngày như mọi ngày’.Chỉ cần một lệch lạc nhỏ trong chuổi thời gian khuôn rập, là tôi đã khó chịu, bực tức dễ dàng. Có lẽ, cùng tận tâm hồn tôi luôn ngầm chứa một cơn bảo lớn, những đợt sóng ngầm chỉ chờ một khắc giây là sẵn sàng cơn địa chấn. Ngược lại, đờI sống chị Hà như một giòng suối trong vắt, nhìn tận đáy nước. Vậy mà khi trầm mình xuống, tôi cố lặn hụp bao nhiêu cũng không hề đụng đáy. Tưởng như đơn sơ mà sâu kín. Tưởng chừng bình dị mà khúc mắc, bủa vây. Chị thường khen tôi những lần gặp gỡ, ‘ Kim giỏi, độc lập và tự tin’. Tôi càng gần chị tôi càng bị chinh phục bởi cách sống thật mộc mạc, trong suốt của chị. Thỉnh thoảng chị nhìn đầu tóc loe hoe của tôi phân bua, ‘chị thích mái tóc ‘cao ráo’ của Kim. Vừa gọn gàng, trẻ trung lại không mất thời giờ chăm sóc ‘.Tôi cười lớn, ‘chị nói vậy. Làm biếng và tóc xấu, lưa thưa mấy cọng như em, không cắt ngắn chắc phải cạo trọc như tụi skin-head coi mới được!’. Thiệt không nói ra, chớ tại tôi ‘mê’ cô tài tử Demi Moore trong phim Ghost, nên cũng bắt chước luôn mái tóc.

Tôi thấy anh thường ghé chơi với chị Hà vào những buổi chiều và tối. Hỏi, chị nói anh tên Tiến, chủ của tiệm tóc và móng tay chị đang làm. Anh Tiến cũng là người bạn tốt của chị trong nhiều năm qua. Ngay trong ánh mắt đầu tiên, tôi đã không nghĩ anh Tiến chỉ là người bạn đối với chị Hà. Chắc hẳn anh đã và đang theo đuổi chị, trong thái độ thật kiên nhẩn. Có lần vừa về tới nhà, chị đã gọi xuống, giọng vui tươi, phấn khởI, ‘ Kim ơi, rảnh chưa lên ăn cơm chiều với chị’. Tôi biết chị phải có chuyện vui hoặc quan trọng lắm cần chia sẻ. Ở gần chị Hà, cũng là ở gần với niềm vui hiếm hoi của người đàn bà nhiều khổ lụy này. Vài tuần trước, Mark đến rủ tôi đi ăn tối và đề nghị mời chị Hà đi luôn. Tôi gọi chị, gặp chị Chính, cho hay Hà đi làm thêm buổi tối ở nhà hàng Nhật. Tôi chưng hửng:
               - Mỗi ngày chỉ đi làm tóc, hai ngày cuối tuần thì làm móng tay. Nay tối lại đi làm thêm nhà hàng. Chắc chị ấy không muốn sống nữa..!
               - Con Hà có muốn chết cũng không dễ.
           Tôi lặng yên trong tiếng thở dài phía đầu dây kia của chị Chính:
               - Tội nghiệp con nhỏ. Cả gia đình cùng vượt biên, nhưng cuối cùng chồng và đứa con trai kẹt lại. Lệ Hà đi với đứa con gái nhỏ bồng tay. Tàu gặp cướp biển, nó bị hiếp còn đứa nhỏ thì chết trên biển. Tới được trại, nó như người điên... Mấy năm đầu qua Mỹ, Hà phải vào bệnh viện tâm thần điều trị mỗi tháng. Chừng liên lạc được chồng con gia đình, nó mới tỉnh táo lại dần. Nhưng chưa được mừng bao lâu, nghe nói chồng nó bị bệnh phổi, đau ốm triền miên. Rồi đứa con trai nữa, mỗi ngày một lớn, mọi thứ tiền bạc cấp dưỡng một tay nó hết. Vậy đã hết đâu, mẹ Hà về ở chung với rể vừa thể chăm sóc cháu. Năm trước mắt bà lại kéo cườm, không mổ sợ mù. Thôi thì trăm sự chỉ đổ đầu con nhỏ... Con Hà làm ngày làm đêm, có đồng nào gửi về đồng đó. Mấy năm nay cũng không nghe nói hoàn cảnh gia đình nó khá gì hơn... Người đâu mà khổ đoạn trường..!
Tôi thuật lại cho Mark nghe.Anh lắc đầu thở dài, không hiểu sao người đàn bà đẹp và còn trẻ phải sống và chịu đựng như vậy.Tôi cười buồn với anh, ‘nếu Mark nói Kim không hiểu được nỗi đau da màu của Mark.Thì cũng mãi mãi, Mark sẽ không bao giờ hiểu được nỗi lòng của chị Hà và câu chuyện người đàn bà hóa đá đợi chồng’.

            Lên vừa tới cửa, tôi đã ngửi thấy mùi nhang khói nồng nặc... Chị Hà xuất hiện trong chiếc áo dài màu xanh nhạt, hơi rộng so với khổ người, cười đón tôi lúng túng:
- Đã lâu lắm rồi Hà mới mặc áo dài.Chiếc áo nầy mẹ chị gửi qua cho sáu bảy năm về trước. Ngó có kỳ quá không Kim?
               - Kỳ gì. Chị Hà mặc áo dài giống như... cô giáo của em ngày xưa vậy đó.
               - Kim đừng có nịnh... ăn với Hà nghen.
           Rồi thấy tôi nhìn quanh ngơ ngác, chị cười giải thích:
               - Bữa nay Hà làm mân cơm cúng trời đất, ông bà linh thiêng đã phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi. Mời anh Tiến và Kim chia sẻ chút niềm vui của Hà... Chị Chính chọc Hà còn mê tín dị đoan. Thử hỏi, ngoài những mê tín dị đoan nầy, Hà còn niềm tin nào khác nữa đâu!
           Chị Chính, người bạn gái chung phòng với chị, cũng lại là một cuộc buồn bã khác. Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, nhưng những thân phận người phụ nữ của quê hương tôi vẫn còn đeo đẳng bao nhiêu niềm khổ ải... Tôi và anh Tiến nhìn nhau vui mừng trước những nụ cười rạng rỡ của chị Hà hôm đó.Chị  hết gắp thức ăn cho anh Tiến, lại ép tôi ăn thêm món nầy món khác. Vậy mà suốt bửa ăn, tôi thấy chị Hà chỉ đụng đủa có lệ, chẳng ăn uống gì. Thỉnh thoảng, chị ngả người vào thành ghế thở hắt và trong đôi mắt sâu to chừng như vàng vọt hơn vì mất ngủ.Chừng như mái tóc dài đen óng của chị cũng bắt đầu lưa thưa. Anh Tiến cũng nhận ra và tỏ lời ái ngại thì chị cườI, nói sang chuyện khác:
- Thằng Nghiã vừa thi đậu vào cấp 3. Mẹ em đã mổ mắt, thấy rõ lại nhiều. Cũng theo thư, anh Hùng báo đã chạy được thầy thuốc giỏi. Ảnh nói chịu thuốc, ăn uống ngon, bớt ho và bệnh có đà thuyên giảm nhiều. Hy vọng kỳ khám sức khỏe tới sẽ qua lọt. Tuy có tốn kém nhiều, nhưng em mừng lắm.
Chị Hà nói một hơi với anh Tiến, không kịp ngừng thở, giọng trũng nước xúc động. Biết nói gì đây khi mà thật sự, mọi niềm vui nỗi mừng của chị, của tôi, của anh Tiến không phải chỉ là những hình ảnh đang diễn tiến của cuộc sống thường ngày chung quanh. Mà là những bức thư, những tấm hình, mái nhà, dòng sông, gốc phố... trên mảnh đất cách xa phân nửa trái đất của quê hương. 
Tôi nhìn thấy ánh mắt trìu mến của anh Tiến trong đôi mắt bồi hồi, thương cảm của chị Hà. Mối tình thật trong sáng và thật đẹp. Không một tà khói dục tâm trong mỗi nụ cười, ánh mắt của hai người. Chừng như họ ở một phần thế giới tình yêu nào đó, thật lãng mạng và thật xa lạ với tôi. Trong tình yêu, trái tim tôi cũng phải dự phần vào cuộc hành trình của tình yêu thể xác, những sướng ngất của cảm giác tột cùng... Có những lúc cả ba chúng tôi chợt yên lặng, tưởng chừng không gian là một vách thủy tinh vô hình, mong manh. Chỉ cần một tầm tay với của anh Tiến, chỉ cần một hé môi cong của chị là tan vỡ ngay cái khoảng cách nghiệt ngã đó. Niềm hy vọng trong ánh mắt chị Hà như vòm trời riêng tư, đang khép kín bao nhiêu trăn trở một đời người. Nỗi đợi chờ trong tình yêu anh Tiến sao nhắc nhở tôi đến một tuyệt vọng đâu đó  ' tình trong giây phút mà thành thiên thu...', của thời dĩ vãng. Khói hương tịch mịch, hiện tại mơ hồ.Tôi cầm tách trà và đi lãng ra phía thành cửa sổ. Bên ngoài đang rớt về một cơn mưa. " Vũ vô kiềm toả năng lưu khách", vậy mà anh Tiến đã vụng về đứng dậy xin về. Vậy mà chị Hà bịn rịn, ngỡ ngàng không giữ lại khách. Chỉ còn lại chị và tôi, không gian rạn nứt. Đêm nay tôi sẽ gọi Mark, cho tay gối đầu, cho hơi người nhốt kín đêm đen. Để đêm nay và bao nhiêu đêm, chị Hà có yên giấc được không, hay trăn trở với bao niềm cô đơn lạnh lẽo. Đêm có mưa cho đêm chờ sáng, giấc mơ nào cho những đợi chờ qua hết đêm sâu. Rồi mưa sẽ thành suối, đổ thành sông. Sông có rộng lớn bao la hay nhỏ hẹp đôi bờ, cũng ước mơ ngày xuôi về với biển. Nhưng bây giờ, ở đây thì cả chị Hà và tôi đều chỉ là những hạt mưa tạt qua cánh cửa nhỏ bé cuộc đời...

Bẵng một thời gian tôi không gặp cũng không liên lạc điện thoại với chị. Mark cuốn hút tôi vào bao nhiêu biến động khác. Anh báo tôi hay đã tìm được tông tích của mẹ, đang sống ở một làng quê hẻo lánh của quê hương Pakistan, nơi chôn nhao cắt rún của anh. Tôi đón nhận niềm vui với anh tràn trụa nước mắt. Hai đứa trải rộng tấm bản đồ, lần tay trên xứ Pakistanxa xăm, huyền hoặc. Mẹ anh đang ở nơi đó, người đàn bà đã đem anh đến cuộc đời nầy nhưng chưa một lần thấy mặt. Bà, hình dáng ra sao, cuộc sống thế nào, khổ đau hay hạnh phúc... Biết bao nhiêu câu hỏi choáng ngập tâm hồn Mark. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra, ngày mai sẽ ra sao nhưng Mark biết chắc chắn một điều là anh phải tìm gặp mẹ. Một ánh mắt ngỡ ngàng, một nắm tay khô dại và anh ao ước thay một vòng tay muộn màng ôm chặc cuộc đời anh thổn thức... Tự bao giờ tôi cứ ngỡ chỉ có quê hương tôi, chỉ có dân tộc tôi mới xảy ra những chia cắt nát lòng, những tình người huyền thoại.Bây giờ đứng trước cuộc đời của Mark, tôi hiểu nhiều hơn trong cùng cảnh bao la một kiếp người.anh đang chuẩn bị cho một chuyến đi, một chuyến trở về quê mẹ dù không một đốm ký ức nhỏ nhoi trong tiềm thức. Anh có thể mất tôi, Mark nói, không trách móc. Nhưng anh không thể, một lần nữa đánh mất được chính mình. Anh chấp nhận anh và hãnh diện ngập tràn về giòng máu của mẹ. Mark chấp nhận về anh, nên anh tôn trọng sự lựa chọn của tôi. Tình yêu và màu da, màu da và tình yêu như hai mặt của tấm gương soi, phản ánh cuộc đời và chính anh một phía bên nầy, nhưng bên kia chỉ là bóng tối. Đơn giản mà máu chảy bao đời, mà tận cùng chia cách... 
           Tôi ngổn ngang tơ lòng trong vòng tay ôm của Mark hằng đêm. Để mỗi ngày lên, tôi ngơ ngác, bơ vơ đếm từng ngày đưa Mark lên đường tìm về quê mẹ. Con người cứ chờ đợi và ước mơ, nhưng thời gian không nàn đến câu trả lời. Lặng lẽ trôi qua, trôi qua, khắc nghiệt. Tôi dọn qua ở hẳn với Mark mấy tuần nay. Vừa chuẩn bị hành trang cho anh, vừa luôn bên cạnh ủng hộ tinh thần Mark cho mọi diễn biến rủi may trước mặt. Mark dự định sẽ trở về Pakistan một tháng và hy vọng sẽ không gặp nhiều khó khăn về nơi mẹ anh đang sống. Cơ quan đoàn tụ liên hiệp gởi cho Mark tất cả các chi tiết cần thiết trong việc di chuyển, phòng ngừa các di ứng truyền nhiểm và cả các vùng đang có những cuộc nội chiến của các tổ chức, đảng phái đối lập. Tôi nhiều lần thở dài với anh, không hiểu sao trong lầm than, đói khổ con người vẫn còn phải tạo thành bao cuộc chiến. Tình yêu và sữa ngọt cho trẻ con, thêm chút ước mơ và hy vọng cho người lớn. Chừng ấy thiết nghĩ cũng đã đủ rồi cho mọi cuộc đời trần thế. Dĩ nhiên, cả tôi và Mark không phải là những nhà chính trị. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ thơ đầy ấp tình yêu con người, yêu cuộc đời và nghèo nàn lòng tham vọng.         
           Tôi trở về căn phòng trống trải, lạnh lẽo của tôi sau khi bỡ ngở tiễn Mark đi vào khoang chuyến bay sáng nay. Cứ tưởng rằng tôi không cầm lòng được buổi chia tay. Vậy mà tôi lại vui mừng cho anh đến ứa nước mắt. Có những cuộc chia tay tràn ngập biệt ly, nhưng cũng có cuộc chia tay ngập tràn niềm vui phía trước. Cho Mark và cả cho tôi. Vì cùng tận, Mark đã mang cả mối tình của tôi về miền mơ ước của anh.Trong chiếc hôn dài tạm biệt, tôi dặn Mark, ‘gặp mẹ, anh phải để những giọt nước mắt chảy xuôi dòng từ chính lòng mình, nghen anh. Đừng ngược dòng, đừng để ngược dòng nước mắt !’... Chiếc máy nhắn tin nhấp nháy số sáu màu đỏ chói.Tôi thờ ơ nghe mấy mẩu nhắn tin của phòng hẹn nha sĩ, mấy con bạn cùng chỗ làm. Nhưng gần cuối là giọng vội vã, ngắt khoảng của chị Chinh từ phòng đợi bệnh viện, báo tin chị Hà đang nằm trong phòng cấp cứu. Cuối cùng cũng là giọng chị cho biết chị Hà đã qua rồi cơn nguy biến và đang nằm phòng hồi sinh. Tôi quơ vội chùm chìa khóa và chạy ra xe.

               - Sáng đó Hà thức dậy than tối ngủ không được, hơi tức ngực và nhức đầu. Tôi bảo nó thôi đừng đi làm, gọi cho anh Tiến hay, ở nhà nghỉ một bữa. Hà không chịu, nói chỉ cần uống vài viên Tylenol là khỏe lại... Tôi cũng lui cui chuẩn bị đồ ăn mang theo, thì nghe tiếng kêu nghẽn giọng của nó và tiếp theo là tiếng đồ vật đổ xuống. Chạy vội vào phòng, tôi đã thấy Hà nằm ngất xỉu trước bàn trang điểm, miệng méo một bên, đau đớn. Tôi hốt hoảng, gọi 911 và theo xe cứu thương chở nó thẳng vào bệnh viện nầy... Phần không nghe rành tiếng Anh, bệnh viện lại không có người thông dịch, tôi gọi cho Kim mấy lần để nhờ nói chuyện với bác sĩ...
           Tôi sững sờ, còn chị Chinh vừa kể vừa nắm chặc tay tôi đầm đìa nước mắt. Không có thân nhân, tôi và chị Chinh ký tên nhận trách nhiệm với hoàn cảnh của bệnh nhân, Trần Thị Lệ Hà. Sau khi chụp quang tuyến và qua nhiều thử nghiệm, bác sĩ báo tin chị Hà có hạch trong não. Lần tai biến mạch máu não vừa qua chỉ là một phần biến chứng của loại ung thư nầy. Tôi tê dại cảm giác, còn chị Chính thì khóc nức nở. Nhìn khuôn mặt giật méo một bên với chiếc đầu không còn cọng tóc của chị Hà trong phòng hồi sinh, tôi hỏi bác sĩ tính cách quan trọng và hy vọng chửa trị. Ông nhìn tôi thật lâu, sau lời chia buồn ngắn ngủi, cho biết ung thư đã ở thời kỳ thứ tư, quá trễ. Khả quan lắm là một tháng, và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Hy vọng duy nhất hiện nay của chúng tôi là, chị Hà hồi tỉnh và ý thức chung quanh để chuẩn bị những gì chị cần làm trước khi ra đi.Tôi buông người xuống ghế, miệng khô đắng, mắt nhìn trừng trừng chiếc đồng hồ màu số đỏ lấp lánh trên bờ tường bệnh viện.
           Những ngày kế là những cơn vật vã, nửa tỉnh nửa mê, hành hạ cơ thể vốn đã mỏi mòn của chị Hà. Chị chống trả mãnh liệt với hình ảnh của chồng, của con và người mẹ già nơi quê nhà chờ đợi. Trong những cơn quằn quại, tôi biết, câu hỏi rồi những người thân yêu sẽ ra sao khi mất chị, đang diễn ra trong giây phút mong manh còn lại. Định mệnh không tên mà nghiệt ngã biết chừng nào.Sau hai lần giải phẩu, lượng thuốc chống đau càng ngày càng tăng, khi khoảng cách giữa những phút tỉnh giấc càng ngày càng vắng dần. Đến tuần lễ thứ hai chị không còn ý thức nhiều sự vật chung quanh và không còn nói gì được nữa. Chị đã thật sự kiệt quệ, buông thả hoàn toàn theo từng biến động của cơ thể. Một đêm, chị thức giấc, thần sắc tỉnh táo lạ thường.Chị ra dấu muốn viết.Tôi vội vả đưa giấy viết cho chị, chờ đợi. Chị nghệch ngoặt mấy dòng chữ, đưa cho tôi cùng gói tóc chị đã giử lại:
‘Hoả táng.Nhờ Kim chuyển hài cốt, nắn tóc nầy cùng số tiền Hà dành dụm về gia đình mình ở Việt Nam. Kim hứa?’.
            Tôi nắm chặc tay chị, gật đầu, mặc cho giòng nước tuôn tràn trên má. Sau đó, chị thiếp đi... để rồi mãi mãi không bao giờ tỉnh dậy với cuộc đời nầy nữa. Khuôn mặt bình yên, chị đã thật sự đi vào cõi bình yên vĩnh cửu, trả lại hết cho cuộc đời những hệ lụy cưu mang.
Vài tuần lễ sau ngày hỏa táng, tôi để lại máy nhắn tin cho Mark và thực hiện ước vọng cuối cùng của chị Hà, Trần Thị Lệ Hà.

3.

Cái số nhà viết bằng sơn đỏ vụng về ở một góc tường.Trong nhà vắng lặng, tối tăm. Tôi nhìn kỹ số nhà lần nữa cho chắc chắn, đưa tay gõ cửa.
               - Ai đó ?
Tiếng khàn đục của một bà già vọng ra.Có lẽ là mẹ của chị Hà? Tôi xúc động, bồi hồi nhìn quanh căn nhà nhỏ ẩm thấp, xác xơ nơi mà chị đã từng sống và để lại nơi đây tất cả đời mình. Theo sau tiếng dép lẹp xẹp là một bà già nhỏ thó, nghiêng đầu nhìn tôi:
               - Có chuyện gì, cô tìm ai ?
               - Thưa bà, có phải bà là mẹ chị Hà, chị Lệ Hà, không ?
               - Hà... Lệ Hà nào kìa ? Tôi không có đứa con gái nào tên Hà đâu. Chắc là cô lộn số nhà.
               - Dạ... thưa bà, đây có phải là nhà ông Hùng, Trịnh Xuân Hùng.
               - Thì ra cô kiếm ông Hùng. Cô đến giao tiền cho ổng.
               - Dạ...
               - Tôi chỉ ở mướn nhà nầy của ổng. Cô cứ đi trở ra mặt đường, nhìn xéo xéo bên tay trái, căn khách sạn Xuân Lan bốn tầng là nhà ổng đó.
           Tôi đứng tần ngần, tưởng mình nghe lầm, vội hỏi:
               - Có phải ông Hùng có đứa con trai tên Nghiã, không bà ?
               - Phải rồi !
               - Nghe nói ông bị bệnh phổi nặng và ở chung với bà mẹ vợ... 
               - Cô nói bà mẹ vợ, người vợ ở Mỹ đó hả. Bả chết lâu rồi. Ổng có bệnh hoạn gì đâu..! Tội nghiệp bà vợ nào đó bên Mỹ, tháng nào cũng gửi tiền về để ổng nuôi mấy bà vợ bé bên nầy.
           Tôi bàng hoàng, chết lặng, lòng dạ xót xa:
               - Còn đứa con trai ?
               - Thằng Nghiã, con bà ở Mỹ chớ gì. Nó bỏ nhà, đi bụi đời cả năm nay... Nếu không phải chuyển tiền, cô kiếm ông Hùng có chuyện gì ?
                - Dạ, cháu là ngườI quen của gia đình ông ấy.
                - Vậy à. Cô cứ đến cái khách sạn mi-ni Xuân Lan thì gặp ổng.
Tôi đứng loay xoay bên lề đường, đối diện với cái khách sạn mi-ni bốn tầng, cao ngất. Sự thật là đây, chiếc xách tay nặng trĩu hộp hài cốt và gói tiền dành dụm của người khốn khổ như chính tấm lòng tôi trĩu nặng, hoang mang... Những dòng xe cộ, dòng người đang hờ hững lướt qua lòng đường. Và, đó không phải là người ốm yếu, bệnh tật mà là một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc lòe lẹt, cặp bên tay cô gái trẻ đẹp phấn son. Người đàn ông ấy mang nét phảng phất tấm hình chụp đặt trang trọng trong căn phòng khiêm nhường của chị Hà. 
           Tôi đứng lặng người thật lâu, đủ để nhìn thấy họ đèo nhau trên chiếc xe màu đỏ chói, mất hút vào đám đông. Thẫn thờ, tôi bước lặng lẽ xa dần cái khách sạn cao tầng và con hẽm nghèo nàn, tăm tối.

4.

Buổi chiều nước lớn, dòng sông chảy xiết và màu nước xám đục hơn.Tôi thắp ba nén hương cắm bên bờ và trân trọng mở nắp chiếc hộp.Cúi đầu khấn nguyện hồn chị linh thiêng tha lỗi, tôi vãi phần tro hài cốt chị xuống dòng sông.Tôi đã không thực hiện được ước nguyện cuối cùng của đời chị. Nhưng có lẽ, ở đâu đó, chị sẽ hiểu cho tôi và sẽ cùng xuôi với dòng sông quê hương về biển cả. Với tôi, chỉ có tấm lòng bao la của biển mới chứa đựng hết tấm lòng của chị.
           Tự dưng tôi nhớ đến Mark, nguyện cầu mong anh tìm lại được dòng sông quê hương của mẹ, cho chính mình. Tôi tin rằng anh sẽ tìm thấy, như tôi, đã tìm thấy dòng sông quê hương trong tấm lòng của biển. Những giọt nước mắt tôi đang chảy xuôi xuống dòng đời, nào ngại ngùng chi kiếp người, bể khổ. Mark ơi, xin hãy để những giọt nước mắt anh xuôi xuống cuộc sống nầy hệ lụy. Màu da anh, màu da tôi, là gì khi tất cả sẽ một màu trở về với cát bụi..! Sau cùng, tôi bỏ gói tiền cùng nắm tóc vào hộp, buộc chặc và thả xuống dòng nước. Những đợt sóng chiều lăn tăn, xô đẩy chiếc hộp chập chùng, ẩn hiện trên dòng nước, trôi xa.

Nguyễn Thị Phong Dinh



2 nhận xét:

  1. Câu chuyện này đã đưa tôi đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác! Cuộc sống vô thường, kg ai biết trước đc cái gì sẽ đến? Mọi thứ kg còn nghĩa gì khi con người ta nhắm mắt xuôi tay! Thật tiếc và thật đáng thương cho nhân vật Hà, đã bao nhiêu năm hy sinh và chờ đợi ngày đoàn tựu! Thế mà......

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa