Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Đôi Bờ Nước Lặng

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phong Dinh (Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng)


1.
      
Tiếng người phi đoàn trưởng vọng lên từ phòng lái, báo tin cho hành khách phi cơ đang trên độ cao của vòm trời thành phố Hồ Chí Minh, thời tiết tốt và nắng ráo. Tôi bồi hồi nhìn ra khung cửa sổ, từng cụm mây trắng chen lẩn bên dưới là những khoảng đất màu xanh mướt. Quê hương tôi đó, mãnh đất yêu thương, nặng lòng suốt một quãng đời quá khứ của tôi. Nước mắt dàn dụa, đầu óc trống không, chỉ tràn ngật những thổn thức quặn thắt trong lòng. “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi... Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”... Văng vẳng bên tai bài hát như vang vọng từng nỗi khắc khoải, nhớ thương không màu sắc, không trọng lượng nào so sánh được. Vậy rồi cũng trở về, để không biết còn gì nữa đây, tôi phải đối mặt với bao thực tại mất mát, biển dâu. Nhạn ơi, hề gì, đã thành người, tôi đã lớn nổi thành người sao lại không thương nhớ quê hương. Vài giây phút nữa đây, tôi sẽ đặt bước chân mình trên mãnh đất mến yêu nhất, sẽ gặp lại tất cả hình ảnh, tình cảm của một thời dĩ vãng chất ngất tiếc thương...

       … Con gái thứ trong gia đình ba chị em, cha mất sớm, tôi chịu thiệt thòi nhiều nhất. Mọi kỷ niệm hay ước vọng chưa thành, mẹ tôi dồn vào chị Bình. Tên chị là nơi mẹ gặp cha và thành hôn ở đó, Vĩnh Bình. Đám cưới chị, mẹ gom góp hết của cải dành dụm, để đưa chị Bình về nhà chồng. Mẹ nói, con gái về nhà chồng tay không thường bị coi khinh rẻ rúng. Còn Trinh là con gái út. Bao nhiêu tình thương còn lại bà dồn vào nó. Mỗi lần nhìn Trinh đi lại, cười nói trong nhà là mẹ như nhìn thấy cha. Người đàn ông mà suốt cuộc đời nầy bà yêu thương, kính nể. Trinh lớn khôn như trái cây được 'dú' kỷ lưởng trong vòng tay của bà. Chỉ mình tôi là bà ít khi quan tâm và bày tỏ lòng trìu mến. Tôi là một loại trái chín hoang, bơ vơ trong vòng bổn phận của bà.

      Sau ngày chị Bình về nhà chồng, tôi trở thành người đàn ông trong nhà. Mẹ tôi chủ hụi, ngoài việc thay bà khui góp hụi, mọi việc hành chánh giấy tờ tới sửa chửa linh tinh nhà cửa, thể một tay tôi. Trinh học dưới tôi một lớp, tính tình nhút nhát lại bệnh hoạn rề rề, nên chẳng đở được gì mà chỉ thêm phiền lụy. Chẳng bao lâu bạn bè lẫn người hàng xóm ai cũng gọi tên tôi là Nhạn đen. Suốt ngày chạy rong khắp chợ huyện, chỉ nán đen không cháy là may mắn rồi. Ngược lại Trinh càng lớn càng đẹp, ca hay múa giỏi, nổi tiếng cả trường, cả huyện.  Mẹ và tôi đều hãnh diện và thương yêu, chìu chuộng Trinh một mực. Nhiều lần đi chợ chung, tiếng bàn tán xì xào chung quanh tôi và Trinh. Tôi chẳng bao giờ để ý quan tâm hay tủi thân, buồn bã. Nhưng Trinh thì rất ức và mũi lòng, về nhà lần nào nó cũng khóc tức tửi bởi những lời dị nghị đó. Công việc chăn nuôi mẹ tôi mỗi ngày một phát triển. Từ hai con heo, bầy gà, vài cặp thỏ và mấy luống rau muống căn nhà mẹ tôi trở thành trại chăn nuôi kiểu mẩu. Khách khứa nhà tôi tấp nập, một phần công chuyện làm ăn nhưng phần khác lớn hơn, là vì mẹ tôi và Trinh. 

      Biến cố lịch sử thay đổi hoàn toàn cuộc sống mẹ con tôi xảy ra vào cuối năm học lớp mười một. Vẫn trường lớp, thầy cô giáo cũ nay xuất hiện thêm nhiều đoàn thể và ban lãnh đạo nhà trường với cách ăn mặc, sinh hoạt lạ mắt hơn. Chúng tôi ca hát, họp hội và lao động ngoài trời nhiều hơn trong lớp học. Vở hụi, rồi trại chăn nuôi trở nên hoang tàn, mẹ tôi như người mất trí. Suốt ngày bà lẩn quẩn trong vườn, lúc khóc lúc cười, lúc thì bà lẩm bẩm nói chuyện một mình. Vài tháng sau, chị Bình dẩn hai đứa con nhỏ về ở chung, chồng đi học tập cải tạo nói một tháng đến nay vẫn biệt tăm. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc nức nở, và bà bắt đầu chửi rủa chính quyền mới không tiếc lời. 

      Tôi bắt đầu niên học mới cùng với một số thầy cô giáo mới đổi về trường. Học sinh càng lúc càng vắng dần, thầy cô giáo cũ cũng bỏ dạy, chạy vại nghề khác nuôi con. Nhà trường phải dồn lớp, giáo viên dạy đôn cấp, chéo môn nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp trên. Tôi không còn chạy rong góp hụi nữa mà thay vào, chạy theo đám con buôn mua bán đồ nhu yếu phẩm. Từ đường cát, bột ngọt, sữa hộp, thuốc tây... đến cả thịt heo bán theo chế độ, tất cả đều trở thành thị trường chợ đen, chuyền tay bán sổ. Thời gian nầy tôi gặp Long. Huyện lỵ nhỏ như bàn tay, con buôn lạ được nhận diện ra ngay. Long chạy thuốc tây từ thành phố, tìm bỏ mối tỉnh nhỏ. Không phải chuyên nghiệp, Long cũng như tôi, năm thứ hai khoa dược, bỏ học đi buôn. Tôi và Long dễ thân nhau ngay. Trong thời gian ngắn, tôi trở thành "mối" chính của anh. Công việc làm ăn nhanh chóng phát triển, tôi bỏ dần những việc linh tinh khác, tập trung vào phân phối thuốc tây cho Long đến những con buôn nhỏ. Thuốc càng khan hiếm, chúng tôi càng kiếm được nhiều tiền. Đời sống gia đình khá hơn, mẹ và chị Bình tỉnh táo lại sau cơn xáo trộn, đổi đời. 

      Chừng như tất cả công việc đối với Long như một trò chơi, càng gay cấn hiểm nguy anh càng thích thú. Kết quả và tiền bạc chỉ đóng một vai trò nhân chứng, chính quyền mà nhất là đám công an là đối tượng chính của anh trong trò chơi nầy. Tôi biết theo anh là bén với lửa, nhưng hề gì với đời sống ngột ngạt, dãy đầy giả dối chung quanh. Được mánh, anh ăn mừng cười giởn đã đành, đằng nầy lổ vốn anh cười giởn như không. Có lần thấy tôi vừa tiếc vừa bực tức, anh nói:

         - Được làm vua, thua làm lại, mắc gì buồn bực cho lổ thêm bản thân.

     Tôi chịu anh, lắc đầu cười trừ cho khỏi lổ thêm. Gia đình tôi ai cũng mến Long, dù mỗi người nhìn ở một khía cạnh khác nhau. 
     Mẹ tôi:
        - Long nó chạy mánh, buôn bán chợ trời nhưng có ăn học, trí thức. Không giống người khác, nó khẳng khái, thông minh, “đi với bụt thì mặc aó cà sa còn đi với ma thì mặc áo giấy”. Gia đình nó gia giáo, nề nếp vì hoàn cảnh mà con cái ra nông nổi nầy... Rồi bà thở dài, như chợt nói đến hoàn cảnh của chính mình.

    Chị Bình triết lý hơn:
        - Long không chỉ buôn bán để sống, mà đùa cợt thách thức với hoàn cảnh, với định mệnh cuộc đời. Đúng hơn, Long buôn thời, buôn thế.

    Trinh thì khác:
        - Anh Long thông minh, nghệ sĩ. Ảnh luôn nhìn con người bằng tấm lòng của mình, không bằng con mắt ‘trần trụi’. Thời buổi nầy được người như anh Long, không phải dễ.

    Phong trào vượt biên nổi lên rầm rộ. Từng đợt người liều chết ra đi. Chính quyền bối rối, đám địa phương được dịp nước đục thả câu, nạn hối lộ tràn ngập. Có "cây" là có cơ hội đi. Rồi những bức thư gởi về từ những phương trời tự do, xa lạ. Vượt biên trở thành ước vọng, đề tài ở khắp mọi nơi từ đầu đường góc phố đến sinh hoạt trong mỗi gia đình. Long nhiều lần nửa đùa nửa thật:
          - Được xuống tàu ra biển với Nhạn, có chết cũng cam lòng chớ đừng nói chi tới được thiên đường tự do...
          - Anh cứ mở miệng là nói bậy. Hơn nữa, chết với đùa con gái đen đúa, xấu xí như em, anh khó đầu thai lắm nghen.

        Rồi tôi nhìn quanh, thấp giọng: 
          - Mà anh nói thiệt không vậy.
          - Anh nói thật. Gia đình đồng ý, khuyến khích anh nếu có dịp thì cứ ra đi. Anh đã liên lạc được chỗ tin cậy, chỉ chờ ý kiến Nhạn và bác. Nếu đời anh được chết chung với em, anh không cần đầu thai nữa.
          - Ai nói thì nhớ nghen.
          - Còn chị Bình và Trinh thì sao.
          - Chị Bình thì nhất định ở lại chờ anh Nhân trở về. Trinh thì ởm ờ, không dứt khoát. Mẹ em thì từ ngày giải phóng đến nay bao nhiêu của cải dành dụm đều tiêu tán cả. Bây giờ thì thân ai nấy lo... Vã lại, đời mẹ khổ nhiều rồi, tụi em không muốn phiền lụy đến bà nữa.
          - Anh hiểu.

       Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu mối quan hệ ngày càng thắm thiết giữa tôi và Long. Mà cả anh và tôi cũng vậy. Chưa bao giờ anh ngõ lời nói yêu tôi, ngược lại, tôi vẫn ngượng ngùng mỗi lần hai đứa đề cập đến tình cảm. Anh chỉ nói bóng gió bâng quơ, còn tôi thì cũng nửa đùa nửa thật. Vậy mà đầm ấm thiết tha biết chừng nào. Vắng anh một ngày là tôi xót xa thương nhớ. Vắng tôi một ngày là anh ngơ ngẩn không yên. Một lần anh cầm tay tôi qua đò rồi "quên" không buông ra. Tôi cũng "quên" không rút lại và hiểu rằng hai đứa đã thuộc về nhau mất rồi.

      Mẹ tôi nhìn ba chị em tôi, nói nhỏ:
        - Sinh ra các con, mẹ muốn nhìn hạnh phúc của từng đứa. Không làm được điều nầy, mẹ ân hận vô cùng... Khả năng mẹ có hạn, Bình thì chồng con ở đây, Trinh còn nhỏ, mẹ chỉ lo được cho Nhạn. Hơn nữa, Long là người đứng đắn, biết lo, đi với nó mẹ yên lòng vô cùng. Nói rõ ý mẹ là lo cho Nhạn ra đi cùng với thằng Long. Các con nghĩ sao cho mẹ biết.

      Chị Bình:
       - Mẹ tính rất phải. Có điều nên làm lễ thành hôn cho Nhạn và Long trước khi hai đứa ra đi thì tốt hơn.

     Trinh gật đầu:
          - Con cũng đồng ý với mẹ và chị Bình.
          - Mẹ đã nghĩ đến chuyện nầy. Nhưng tính lại, đợi khi hai đứa đến nơi đến chốn, ổn định đời sống đâu đó rồi làm đám cưới tốt đẹp hơn. Nhạn, con thấy thế nào cho gia đình biết.

        Tôi xúc động vô cùng trước sự lo lắng của mọi người, run giọng:
          - Con xin hứa sẽ làm đúng theo lời mẹ dặn...

        Với khả năng, chỉ một thời gian ngắn Long tìm được tổ chức cho chuyến đi của chúng tôi. Mọi việc trôi chảy, lại chỗ tin cậy, ngày giờ cho chuyến đi được ấn định không xa. Từ những ngày tháng nầy, tôi tự coi mình như đã thuộc về Long. Tôi dọn mình, dọn lòng sẵn sàng trao cho anh tất cả tâm hồn và thể xác mình. Nhưng Long luôn thì thầm, ước vọng:
          - Anh muốn đêm động phòng của chúng mình phải ở trên phần đất tự do. Nơi mà nhân phẩm con người được tôn trọng, nơi mà nếu may mắn thành tựu tình yêu chúng ta hình thành, phải là mầm sống của tình người và yêu thương. Không phải là nơi của lọc lừa, áp bức và nhân phẩm chỉ là trò đùa của xã hội.

        Đêm hôm đó, tôi xuống ghe nhỏ theo một nhóm khác gồm nhiều đàn bà và trẻ con. Còn anh cùng một số thanh niên, chủ tàu, thợ máy đi theo một hướng khác để tránh sự dòm ngó của đám công an và chính quyền địa phương. Tất cả sẽ gặp nhau ở ghe lớn đã neo sẵn ngoài khơi. Kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo không để trong tôi và anh chút lo lắng nào. Tôi nhìn anh, cười thật tươi rồi khẻ hẹn gặp lại nhau ngày mai trên chuyến tàu ra khơi, về miền đất hứa.

     Tôi lên ghe lớn trời còn tờ mờ sương. Trên ghe lóc nhóc, đầy cứng người. Cho đến lúc tàu kéo neo, bắt đầu tốc độ chạy, tôi vẫn chưa nhận dạng được anh. Tôi đinh chắc là anh ở phía sau hầm máy hoặc trên buồng lái, nên cứ yên tâm ngồi gục gật chờ khi trời sáng. Mãi đến lúc người ta chuyển cho tôi vắt cơm trưa, tôi mới biết chắc là anh không có trên chuyến tàu định mệnh nầy. Tôi nhũn người, cắn chặc môi để khỏi bật ra tiếng thét não lòng. Tôi đang làm gì ở đây, không có anh tôi chỉ là cái bềnh bồng trên chuyến tàu ly biệt. Nước mắt tuôn tràn, tôi bật ngồi dậy, muốn chạy lên trước mủi ghe và nhảy thẳng xuống lòng biển, để được trôi dạt trở về nơi có anh. Lườn ghe chật, nhiều tiếng càu nhàu, la hét khi chiếc tàu nhỏ chồng chềnh trước động tác điên rồ của tôi. Vài tiếng khóc thét của trẻ con kéo tôi trở về hoàn cảnh thực tại. Định mệnh đang bủa chung quanh tôi với biết bao nhiêu sinh mạng con người. Long ơi, bây giờ anh ở đâu, làm gì, có chết cả tấm lòng như em. Biển cả mênh mông, dòng đời cuộn chảy, thân phận chúng ta nhỏ bé, vô vọng biết chừng nào. Và, tôi đã khóc, khóc đến cạn khô nước mắt nhưng lòng từ đây sẽ chẳng bao giờ ráo lệ. Từng khuôn mặt hiện ra chập chờn trước mắt tôi. Khuôn mặt tần tảo, chịu đựng của mẹ, khuôn mặt mõi mòn của chị Bình, khuôn mặt đẹp hờ hững của Trinh và luôn luôn ở lại trong tôi là khuôn mặt bướng bỉnh, cợt đời của Long. Cuối cùng, tôi thiếp đi trong từng cơn mộng dữ không ngừng...

2.

           Thời gian chảy, đá mòn sông núi lở, vậy sao lòng tôi đã hơn mười mấy năm rồi chẳng chút đổi thay. Cuộc sống mới, tha hương mở rộng trước mặt tôi biết bao choáng ngập của tự do và thử thách. Tôi trở lại với nhịp sống của con Nhạn ngày nào, chỉ khác là trên một vùng đất thật lạnh lùng, xa lạ. Mỗi nhịp cánh tôi bay là mỗi một lựa chọn nát lòng cho thân phận làm con gái. Có được, có không, có mất mát nhưng cũng có tràn ngập những vùng trời đầy nhịp sống mới. Tôi vẫn là tôi trước hết cho cuộc sống chính mình và sau mới là những tình cảm phủ mờ của quá khứ. Con người cúi đầu, bó tay với quá khứ, nhưng vẫn sống cho hiện tại và với hy vọng thay đổi được hình ảnh của tương lai. Nếu không, có lẽ, tôi đã tự hủy đời mình từ bước chân bờ đất xa lạ, hững hờ; từ những bức thư đưa tin bao nhiêu thay đổi xé nát lòng tôi. Định cư ở  Mỹ được một năm, mẹ tôi mất. Sau sự xúc động vỡ bờ, bơ vơ tôi chợt thấy chút nhẹ lòng. Thôi thì một đời khốn khổ cưu mang, nay mẹ đã thực sự trở về với cõi yên bình vĩnh cữu. Dòng đời mãi mãi lạnh lùng trôi mặc cho bao thay đổi, dâu bể chung quanh. Dưng không cũng một kiếp người. Những tháng năm sau đó mới thật sự là những thử thách, đối diện với định mệnh khắc nghiệt của tôi. Thư của Long cũng thưa dần theo thời gian và trong những giòng chữ chừng như anh có điều gì vướng mắc, ngậm ngùi. Tôi hiểu thế nào xa mặt cách lòng, nhưng lòng tôi một dạ nào ngại gì khoảng xa cách  không gian. Chịu phong thổ, hình tôi gởi về đã thấy thắm nhiều da thịt. Nhiều khuôn mặt, tấm tình loáng thoáng chung quanh, dành cho tình cảm tôi những cuộc tình hứa hẹn. Không hiểu sao, miệng tôi có mĩm cười lòng tôi vẫn cứ nguội lạnh dững dưng. Tôi biết mình vẫn một lòng chờ đợi anh. Cho đến hôm nhận được bức thư dài, lượm thượm với lời lẽ ngập ngừng báo tôi hay anh và Trinh chuẩn bị làm lễ thành hôn. Tôi không nhớ trong thư Long đã viết gì, mà chỉ còn lại trong tôi là nỗi nghẹn ngào, rống rỗng mênh mông. Rồi tiếp theo là thư Trinh và cả chị Bình, tất cả là những chấp vá cho biết bao nguyên nhân đưa đến cảnh ngộ trái lòng nầy. Mọi nghịch cảnh dù có to lớn đến đâu, cũng chỉ là hạt bụi thổi bám qua cây lá cuộc đời. Tôi vẫn sống và đám cưới của anh và Trinh vẫn tổ chức long trọng vô cùng với quà của tôi cùng lời chúc trăm năm hạnh phúc. Bao năm qua tôi đã cuộn lòng trong chăn, nay ra khỏi kén, lại tiếp tục nhả cho đời bao tơ sợi đơn côi. Tơ càng óng ả, đời sống tôi càng lặng lẽ trôi qua.

            - Con người có thể trân trọng, tiếc thương quá khứ nhưng không ai, Nhạn à, sống cho quá khứ trong mãi cuộc đời mình.

        Tuấn, người bạn cùng chỗ làm, thường nhắc nhở mỗi khi anh nghe tiếng thở dài khe khẻ của tôi. Phải, đơn giản như vậy ai mà không biết. Nhưng quái ác thay, cái định mệnh của người nầy không là cuộc sống của người kia. Nên ngày tháng trôi qua tôi lặng lẽ đi bên cạnh cuộc chơi nầy. Tôi đành cúi đầu chịu mình ngu dại, thua thiệt chớ không thể nào làm khác hơn. 

            - Nhạn hỏi thiệt, anh Tuấn có yêu lần nào chưa.
            - Nhạn làm như tôi là gỗ đá gì đây. Có chớ, yêu lăn lóc, yêu trằn trọc, cứ như nếu không có ngày mai trời sẽ không sáng.
            - Ghê vậy. Còn bây giờ thì sao, Nhạn thấy anh cứ yêu hết cô nầy lại tiếp cô khác.
            - Vậy là Nhạn không biết gì hết. Người đàn ông bao giờ cũng yêu mỗi lần một người và mỗi người đều hết trọn trái tim, nhưng chỉ nửa cái đầu thôi ! 
  
         Tuấn nói xong, nhìn tôi cười cười, đắc ý. Tôi trả đủa ngay:
            - Hèn chi người ta nói đàn ông chỉ xài phân nửa khối óc còn đàn bà mới sữ dụng trọn vẹn khối óc của mình.

         Nói chỉ là để nói, rồi đâu cũng vào đó. Tuấn vẫn sống cuộc sống dễ dàng, buông thả còn tôi vẫn chôn mình trong tu viện cô đơn của chính mình. Chắc chắn là mãi mãi tôi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được cánh cửa cứu rổi cho mình trong cuộc sống đầy bất trắc, rủi may nầy. Mà nhất là tình yêu, với tôi như chim phải ná sợ cành cây cong. Thời gian chừng như phản bội lại mọi ước mơ và bao nỗi đợi chờ. Quá khứ thì mù tăm, bến đời thì dịu vợi chỉ có Tuấn và tôi thì thật gần, một tầm tay với chừng thôi. Anh bên tôi như từng tiếng thở dài, tôi bên anh như một đường thẳng song song. Khác với tôi, tình yêu của Tuấn luôn gắn liền cuộc sống hiện tại và cho hiện tại. Với tôi, tình yêu vẫn là một đường thẳng song song với cuộc sống, vô cùng. Chừng như trái tim ngườI đàn ông luôn đập theo nhịp tớI, không phải nhịp lui. Sự hiện diện của anh đã giúp tôi mở ra nhiều hướng của tình cảm và ý niệm của lòng vị tha. Tôi lớn lên, trưởng thành như trái chín hoang vu, trải mình trong nắng gió của đời. Nếu Long là giòng sông thời mới lớn, thì Tuấn là nhịp cầu bắt qua đời tôi những tháng ngày với bao thác ghềnh của nghịch cảnh. Nhiều lúc tôi buông thả, nổi loạn thì Tuấn dìu tôi lại, nhắc nhở tôi giá trị của ước mơ. Thế là tôi và anh sống êm ả, lặng lẽ bên nhau như đôi bờ của một giòng đời hững hờ, không bến.

3.

          Phi trường Tân Sơn Nhất, trời Sài-gòn nắng như đổ lửa. Đầu óc tôi bềnh bồng sau hơn hai mươi mấy giờ trên những chuyến bay. Hai tai tôi ù ù những tiếng động rền vang của bao thứ âm thanh hổn loạn và mắt như hoa lên những người và người. Tiếng gọi ơi ới vọng lại từ mọi phía, không biết đã bao năm rồi tôi mới được sống lại với ngôn ngữ mẹ đẽ vây bủa cùng khắp chung quanh. Tôi đưa mắt nhìn dáo dác đám đông, mong nhận ra khuôn mặt nào đó quen thuộc. 

              - Chị Nhạn... Chị Nhạn. Em, Trinh nè chị !

           Tôi quay đầu lại về hướng tiếng kêu. Trước mặt tôi là Trinh, người đàn bà trẻ tóc uốn cao, nụ cười vẫn còn phảng phất nét con gái quen thuộc, thân thương. Trinh ôm chặc lấy tôi nức nở và tôi sau bao năm tháng lưu lạc cũng mặc cho giòng lệ tuôn tràn. Chỉ trong khoẳng khắc  niềm tủi hận chợt tan biến, còn lại là những thương cảm dạt dào tràn ngập trong tôi. 

             Sau cơn xúc động, Trinh nhanh nhẹn dành chiếc xách tay và kéo chiếc xe đẩy đầy hành lý ra khỏi cửa phi trường. Tôi cũng trở về thực tế với đám đông đón ngườI dầy đặc chung quanh. Khó mà tưởng tượng được tiếng người, tiếng kèn, tiếng động cơ xe cộ và mùi không khí nặng nề phủ vây. Tôi cố định thần để bắt giữ lấy hình ảnh chung quanh nhưng đầu óc cứ vẫn căng thẳng, đảo chao. Trinh không còn là đứa con gái yếu đuối, rề rà ngày xưa mà rắn chắc và lanh lợi hơn nhiều. Tay đẩy tay cầm, Trinh rẽ đám đông kéo tôi đi về phiá bải đậu xe. Mồ hôi tôi rịn ướt mình. Trinh vẩy tay, trờ ngừng trước mặt tôi chiếc xe van màu đỏ. Bước xuống xe là người đàn ông đứng tuổi, ngâm đen với nụ cười khó nhọc trên môi.

                 -  Chị Nhạn, mừng chị mới về...
                 -  Anh Long nầy, giúp em một tay để đồ lên xe. Xớ rớ đó làm gì, về dưới nhà rồi tha hồ mà nói chuyện.

               Tôi lặng lẽ nhìn người đàn ông đang hăm hở chất đồ lên xe. Long của tôi ngày xưa đây sao? Người đàn ông đã đem lại cho tôi bao mơ ước của một thời con gái. Không biết sao lòng tôi trong giây phút nầy thật hờ hững, xa lạ hay cuộc đời trớ trêu đã biến con người thành những vở tuồng cười ra nước mắt. Long bướng bỉnh, khinh đời ngày nào đã mất, bây giờ chỉ còn là một người đàn ông lam lủ, rụt rè, tầm thường như bao nhiêu người đàn ông tầm thường khác. Tôi không biết phải nói gì, cư xử thế nào cho phải nên chỉ đành im lặng, cúi đầu chào anh. Thời gian làm con người lớn hơn cũng khiến người ta nhỏ bé lại. Đôi mắt tôi vẫn ngời sáng theo bao nghịch cảnh đổi dời, mà sao đôi mắt của Long đã đục mờ theo cơm áo. Tôi xót xa cho quá khứ, cho chính mình bao nhiêu thì càng thương xót cho Long, cho Trinh bấy nhiêu. Giòng sông quê hương tuổi thơ tôi vẫn cuồn cuộn chảy nhưng chừng như đã cuốn trôi theo biết bao hình ảnh của ngày xưa. Thôi thì cảm ơn thay một lần gặp lại. Lòng tôi chợt nhẹ tênh, mênh mông một nỗi yêu đời. Tôi nắm chặc tay Trinh, tay Long trong niềm xúc cảm vô bờ. 

               Nhạn ơi, một nơi nào đó, cuộc sống và tình yêu đang chờ. Hãy soi thật rõ khuôn mặt mình, tấm lòng mình với giòng sông đời đang cuộn chảy để thấy được hạnh phúc lóng lánh trong lòng tay. Tôi đưa mắt nhìn những dãy nhà, những cánh đồng lướt qua khung cửa xe như một giấc mơ có thật trong đời mình. Tự dưng tôi nhớ đến nụ cười trẻ con, hồn nhiên trên khuôn mặt Tuấn và chợt khóc dịu dàng. 

Nguyễn Thị Phong Dinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét