Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Ân Tình Không Phai

Truyện ngắn của Hai Hùng SG


Trong cuộc đời này, mỗi chúng ta ai cũng mang trong lòng ít nhiều kỷ niệm, có chuyện vui, buồn, sướng, khổ v.v.. có những kỷ niệm mà ta ghi mãi trong tâm thức, đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời, vâng Tôi cũng vậy cái kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời mà đến giờ và mãi về sau này chắc rằng tôi không thể nào quên cho dù bụi thời gian chất chồng theo năm tháng...
Sau cái ngày 30 tháng 4 năm ấy, tình hình trong nước thật rối ren, xã hội đầy bất ổn, kinh tế đình trệ, đời sống đồng bào trong nước sống chật vật với cái thời sắp hàng mua gạo, mắm muối...v.v ... Mọi thứ nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày đều do nhà nước phân phối, do hàng hóa thiếu thốn mà nhu cầu thì nhiều nên chuyện cung cấp hàng hoá cho đồng bào có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn công nhân đi làm được mua theo tiêu chuẩn 2 người thì được một cây kem đánh răng, 2 người lãnh chung một cái ruột xe đạp, không biểt chia làm sao cho công bằng, vì những loại hàng như thế không thể cắt ra mỗi người một nửa, tình hình như vậy phải có một người chịu hy sinh nhường cho người kia rồi lấy chút ít tiền xoay sở cho nhu cầu khác trong gia đình. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, có lúc cũng cãi vả nhau chí choé do không ai chịu nhường ai, do gia đình nào cũng có nhu cầu giống nhau mà nhà nước không có đủ hàng để bán cho mọi người do lúc này Việt Nam bị cấm vận rất triệt để, bao nhiêu đau khổ trút hết lên đầu dân đen...

Loanh quanh với những công việc lặt vặt hàng ngày với số tiền kiếm được quá ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống, bữa nọ trong lần uống cà phê sáng với 2 đứa bạn trong xóm, qua nhiều chuyện vụn vặt thời sự vỉa hè, những tin tức vượt biên râm ran đây đó, thằng Khanh và thằng Khánh 2 anh em ruột con của vị sĩ quan mang lon trung tá của một binh chủng thiện chiến, ông mang ba lô đi trình diện "chánh quyền cách mạng" để đi học tập mười ngày, vậy mà gần 2 năm sau, vẫn chưa được về nhà... khi ba đứa chúng tôi đang nhâm nhi những ly cà phê đen, loại cà phê không thể nào đen hơn nữa, do người ta rang hạt bắp trộn với hạt cau ăn trầu, cho vô cối xay nhuyễn rồi trộn với bột cà phê thứ thiệt - với tỷ lệ 1/50 uống vô chát ngắt... Khanh nói:

- Nè anh Hưng, lúc này làm ăn khó khăn quá, hay anh em mình cùng nhau chạy áp phe đi, nghe nói mua bán mấy cái La Bàn đi biển cho dân vượt biên là vô khẩm lắm nha. Em có mấy đứa bạn bên Tân Đinh tụi nó trúng mánh đậm lắm đó.

Nghe thằng Khanh anh của thằng Khánh đưa ra cái ý tưởng hấp dẫn này, liên tưởng đến công việc tương đối nhẹ nhàng, nếu môi giới thành công một cái La Bàn thôi thì tiền sẽ vô như nước tha hồ ăn xài cho bõ những ngày cơ cực thiếu thốn, nhưng với tâm trạng bất an tôi hỏi nó:

- Tao nghe nói mấy người an ninh chìm họ canh me bắt bớ ba cái vụ này lắm à nghe, mầy nhắm làm được không vậy, tiền ai hổng ham nhưng coi chừng đó, làm ba cái chuyện này sao tao ớn quá.

Thằng Khanh khẽ mỉm cười, đưa mắt nhìn quanh chỗ chúng tôi ngồi, dường như thấy chẳng ai để ý đến, nó nói:

- Anh sao nhát khít, hổng nghe thiên hạ nói hả, Có gan mới làm giàu được chứ buôn bán lẻ tẻ như mình biết bao giờ mới khá?.

Đứng về phe của anh nó, thằng Khánh nói chen vào:

- Em thấy anh Khanh nói như vậy được đó anh Hưng, tụi em săn lùng nơi có La Bàn, còn anh kiếm mối bán lại, thiếu gì người đang tìm mua để họ vượt biển đi tìm tự do. Sao? Chịu hôn???? .

Tôi đành ậm ừ với hai đứa cho qua chuyện, thú thật tôi cũng không mặn mà lắm với cái đề nghị chuyển nghề của hai anh em nhà thằng Khanh đâu, bởi không rành rẽ về lĩnh vực này:

- Ờ... Ờ thôi vậy đi, tụi bây cẩn thận nghe, không khéo bị họ "vịn" mình là khổ một đời đó bây...

Sau khi tính tiền cà phê, ba đứa chúng tôi chia tay và hẹn nhau cứ mỗi buổi chiều sẽ cùng gặp nhau tại quán cà phê này để đánh giá tình hình thực hiện của mỗi đứa....

Thời gian ròng rã gần 2 tháng trôi qua, ngày 2 cử cà phê đen, cuối cùng thằng Khanh nó hớn hở chạy u về báo tin cho tôi và thằng Khánh biết:

- Ui... đã quá, tụi mình sắp vô mánh rồi...

Thằnh Khanh nó kể lại cái thằng Tín Hí bạn nó bán chợ trời ở chợ Tân Định đã giới thiệu cho thằng Tín gặp một người lính Hải Quân, trước đây người này làm việc trong Hải Quân công xưởng gì đó, cái tay này nói có cả kho La Bàn đi biển còn "ô la zin" trong hộp, lão đang làm thủ kho do được lưu dụng làm việc tiếp tục từ 30 tháng 4 đến giờ, điều kiện muốn lão cung cấp La Bàn thì phải dằn tiền cọc và hẹn ngày đẹp trời luồn hàng ra khỏi kho giao cho nó và sẽ nhận tiền đợt cuối.

Sau khi kể kể hết mọi việc thằng Khanh nói:

- Ngày mai em đi giao tiền cọc cho lão ta, nên làm sớm cho ông ấy thấy mình thật sự muốn mua, lấy uy tín làm ăn lâu dài.

Nghe nó dứt khoát ngày giao tiền cọc, thoáng chút nghi ngại tôi gặng hỏi lại:

- Khanh ơi, mầy thấy chắc ăn không? Coi chừng họ gạt là cụt vốn làm ăn luôn nghe mậy, đến nước đó rồi cháo rùa cũng không có mà húp nữa, mà tao chưa tìm được người mua, mầy lấy La Bàn về để ở nhà chôn vốn là chết đó, nói dại chứ... bán... bán không được chắc ba thằng mình đem La Bàn này vượt biên luôn quá .

Lúc này thằng khanh nó nổi xân si lên, nó làm cho tôi một trận:

- Anh kiếp trước chắc con cháu Tào Tháo hay sao đó, cái gì cũng nghi ngờ, chưa ra trận sợ thua rồi thì còn làm ăn cái nỗi gì ???.

Biết mình làm trật giao kèo với thằng Khanh, nhưng tôi cố vớt vát chống chế lại nó theo cái lý của mình.

- Tao nói vậy thôi, chưa thấy la bàn la biết ở đâu hết mà đưa tiền, coi chừng mầy gặp phải cảnh mua trâu vẽ bóng thì cụt vốn đó nghe cái thằng kia.

Nãy giờ bà chị Hai của tôi đứng gần bên nghe hết mọi chuyện nên nói chen vào:

- Khanh ơi! thằng Hưng nhà chị nó nói đúng đó em, phải cẩn thận mới được, thời buổi bây giờ vàng thau lẫn lộn khó biết lắm.

- Chị góp ý nhé, em phải giao ước với ông ta, thấy hàng mới giao tiền, vậy đi cho chắc ăn. Sao? Được hông em trai...

Nghe sự góp ý của chị tôi có phần chí lý, thằng khanh đồng ý làm theo cách này để khỏi sợ bị lừa gạt.

Tuần lễ sau kể từ cái ngày tôi chạy vạy gom góp vốn liếng cho thằng Khanh đi giao dịch với ông cựu Hải Quân công xưởng kia, một buổi chiều nọ với gương mặt thiểu não, hai anh em thằng Khanh thằng Khánh với cái dấp dáng giống hệt chú mèo Tam thể trong nhà tôi bi rớt vào cái thau chứa đầy nước trước đây trông thảm hại vô cùng, linh tính mách bảo có điều gì chẳng lành xảy ra, chưa kịp hỏi han 2 anh em nó chuyện gì thì thằng Khánh bật khóc như chưa bao giờ được khóc, nó nói:

- Hít... Hít... Đã nói rồi, mà anh Khanh không chịu nghe...

Đưa tay kéo vạt áo thun đang mặt trên người, thằng Khánh lau nước mắt rồi kể tiếp:

- Anh Hưng với chị Hai biết không, Ông già đó Đâu phải hải quân hải quyết gì đâu, ... Hít .. Hít .. cái thằng Tín Hí với ổng dàn cảnh gạt anh Khanh lấy tiền trốn mất biệt rồi. Cái ông nội đó chạy xe ôm ở góc Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ đó) lúc nãy em hỏi mấy bà bán xăng lậu chổ ngã tư này, mấy bả kể vanh vách về ổng, trước khi trốn đi còn quịt tiền đổ xăng của mấy bả nữa kìa, mấy bả chửi đổng một trận quá trời khi hay tin ổng lừa anh Khanh cái vụ mua bán này.

Nghe thằng Khánh thuật lại toàn bộ câu chuyện, tôi cảm thấy trạng thái xảy ra với mình như lúc ấy như bị mất trọng lượng thân hình tôi đang vật vờ trong không khí, tai tôi ù lên tiếng o o vang lên bên ta , bủn rủn tay chân, mồ hôi tự dưng tuôn ra như tắm, gương mặt nhợt nhạt, tim đập loạn xạ... Cố giữ bình tỉnh không để ngã quỵ với cái tin tồi tệ này, thế là hết , bao nhiêu vốn liếng cắc ca cắc củm dành dụm giờ đành phải cúng cho ông xe ôm có tài thuyết khách nổ banh ta long kia, cố tạo sự trấn tĩnh tôi quay sang chất vấn thằng Khanh:

- Bữa trước mầy hứa với chị hai tao là có hàng mới giao tiền, giờ sao bị gạt, vậy cái la bàn đó hiện giờ ở đâu?

- Em có thấy La Bàn, em mới giao tiền, khi đếm xong ổng với thằng Tín Hí cất tiền vô cặp, bổng đâu có một người đàn bà nào đó cất tiếng la làng ngoài sân:

- An ninh tới kìa anh Bảy ơi, chạy đi...

Thằng Khanh Kể Tiếp:

- Nghe vậy em sợ quá dzọt ra cửa sau trốn trong cái lu nước to đùng, chừng hồi lâu không thấy động tịnh em lò mò lên nhà trên thì ổng và thằng Tín Hí trốn mất tiêu.

Chưa dằn hết cơn tức giận, khanh nói:

- Tưởng căn nhà đó là của ổng, ai dè khi em hỏi han hàng xóm thì ra đây là nhà của bà bán xăng lậu ngoài ngã tư chứ đâu phải nhà ổng, tức thiệt, em mà gặp lại Thằng Tín Hí với ổng thì không yên với em đâu, giờ tính sao anh Hưng? .

Đáp lời thằng Khanh tôi cố dịu giọng với nói:

- Còn gì nữa mà tính với toán, coi như của đi thay người, thôi mày về đi, sáng mai uống cà phê chổ cũ nha mậy, tao đợi đó.

Thật ra tôi cố nói nhỏ nhẹ cho thằng Tín nó yên lòng chứ trong bụng tôi còn ấm ức với cái chuyện mất vốn lãng xẹt, nhưng khi bình tĩnh ngẫm lại tôi cũng có phần trách nhiệm trong đó khi giao phó cho nó mọi chuyện, mà suy cho cùng tại tôi quá sợ nên không dám ra mặt, nghĩ mà thương cho thằng Khanh, qua vụ này xem như ba đứa chúng tôi mua một bài học ở đời với một giá hơi đắt, nhưng cũng chưa yên thân bà chị Hai của tôi, bả chì chiết cả buổi khi biết kết cục câu chuyện này:

- Em thấy chưa? Chị đã nói trước rồi mà không chịu cẩn thận gì hết. Giờ thì chịu khó ăn cơm với nước mắm kho quẹt nha thằng em trai.

Chuyện bị gạt tiền lần trước rồi cũng trôi qua, dòng đời cứ tuôn chảy, cuộc sống ba đứa chúng tôi thêm phần chật vật sau cái chuyện đúng y như tôi nói với thằng Khanh trước kia, nó đã mua Trâu vẽ bóng...

Một ngày nọ, sau những ngày lận đận ở sài Gòn, tình cờ tôi gặp lại anh Hạnh, người Hạ sĩ quan ban 3 hành quân chung đơn vị với tôi trước đây. Đang dừng đèn đỏ tại một ngã tư, khi đèn xanh chưa bật sáng thì phía sau tô , người đàn ông vội vã rồ ga chiếc xe gắn máy hiệu Gobel (gô ben) tông thẳng vô đuôi chiếc Push 3 đèn của tôi, hơi phật ý quay lưng lại nhìn, bất chợt tôi và anh Hạnh cùng reo lên mừng rỡ, vì đã lâu rồi từ khi rã ngũ theo lệnh của ông Dương Văn Minh, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, bỏ lại sau lưng những đồng đội thân thương từng gắn bó với nhau suốt chiều dài của cuộc chiến trên quê hương lầm than:

- Anh Hạnh ơi! Đi đâu đây... Có cái quán bên kia đường kìa, anh em mình lai rai tâm sự chút đỉnh cho đỡ nhớ nha.

Tôi và anh Hạnh vào quán, sau một hồi ôn lại những kỷ niệm thời binh lửa, rồi quay ra hỏi han cuộc sống hiện tại, và hướng đến tương lai...

Gần cả kết larue (la de) được bật nắp. 
Tôi và anh Hạnh thật sự hạnh phúc khi làm sống lại thước phim những năm tháng hào hùng trước đây khi chúng tôi còn trong quân ngũ cứ ngỡ nó sẽ mãi mãi ngủ yên cùng quá khứ:

- Giờ thì Hưng đang làm gì, nếu được thì theo anh lên Sông Bé (Phước Long) làm rừng, sống trên đó được lắm.

Tôi kể lể mọi sự tình, anh Hạnh chặc lưỡi liên tục, sau cùng bằng cái vỗ vai thật mạnh anh nói với tôi:

- Vậy là dứt khoát lên làm với anh nghe, Hưng làm về sổ sách kế toán thôi, chấm công, nghiệm thu sản phẩm, trả lương và làm thủ tục chuyển lâm sản về Sài Gòn, trước đây ở ban Truyền tin anh thấy Hưng là nhanh nhẹn nhất, về làm với anh là số dzách rồi. Ok nhé.

Sau ngày tan hàng ở mặt trận phía tây sài gòn, anh Hạnh tìm cách nhảy vô một đơn vị chuyên khai thác gỗ, giờ đang trong lúc bí thế gặp được anh tôi mừng lắm và thầm nhớ lại câu tục ngữ của người đời thường nói:

- Buồn ngủ mà gặp chiếu manh.

Nghiệm lại tôi thấy quá đúng trong trường hợp này. Chếnh choáng hơi men, hai chúng tôi chia tay trong lưu luyến, tôi hứa sẽ lên rừng một phen xem có đổi vận may hay không và tôi thường nghe người ta ví von:

"Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá", đại ý họ cho rằng không nghề nào sánh bằng hai cái nghề làm rừng và nghề đi biển, vì họ thường ví rừng vàng, biển bạc, nhưng sau này tôi lại nghe được một câu tục ngữ khác, phản nghĩa lại câu trên mà khi nghiệm lại tôi mới thấy rõ ràng ông bà mình nói câu nào thì đúng câu đó không sai chạy đâu hết bởi vì: "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt" .

Sáng hôm sau Tôi kể lại tin vui cho anh em thằng Khanh thằng Khánh nghe, hai đứa đòi theo tôi quyết chí lên rừng phá sơn lâm một chuyến.

Sắp xếp chuyện nhà chuyện làm ăn xong, cả ba đứa chúng tôi vác ba lô theo chân anh Hạnh lên rừng, đón chúng tôi tại cái quán cà phê mà chúng tôi thường ngồi la cà ở đây, chiếc xe La dalat màu trắng ngà cũ kỹ do anh Hạnh tự cầm lái vừa ngừng lại bên vệ đường, tính vội tiền cà phê cả ba vừa bước ra khỏi quán, Bà Tư chủ quán biết chúng tôi tạm xa thành phố, tạm ngưng làm thân chủ thường xuyên của quán cà phê của bà một thời gian, bùi ngùi bà cất tiếng:

- Nè ba chú đi mần ăn xa nhớ mạnh giỏi nghe, thôi tui không có gì nhiều chỉ có chút ít đường cát và cà phê gửi mấy chú lên rừng có cái mà uống , nghe nói trên rừng hổng có quán sá gì đâu, chừng nào rảnh rang về lại thành phố nhớ ghé ủng hộ quán tui nha.

Cảm động với nghĩa cử tốt bụng đậm tình lối xóm của bà Tư bán cà phê, tự dưng thấy nghèn nghẹn trong lòng tôi thay mặt anh em thằng khanh cảm ơn bà Tư và không quên hẹn sẽ mang những món đặc sản của núi rừng về biếu bà khi trở lại Sài Gòn.

Chiếc xe La Dalat tuy già nua nhưng chạy khá ngọt, ra đến quốc lộ 13 đường rộng thênh thang anh Hạnh tăng tốc độ, chiếc xe lướt nhẹ êm ru trên đường nhựa, gió hai bên đường ùa vào xe không khí mát lạnh thổi thốc vào khiến chúng tôi có cái cảm giác thư thái trong lòng, thú thật đã thật lâu rồi mới được ngồi trên xe hơi chúng tôi cảm thấy tự nhiên mình oai hẳn lên như những ông chủ đồn điền cao su đi kiểm tra nhân công làm việc cho mình.

Đến thị xã An Lộc nơi vài năm trước đây tôi và đồng đội đã từng đặt chân đến nơi này, chiến trường thời bấy giờ thật khốc liệt, nhiều khúc ca bi tráng vang lên suốt chiều dài cuộc chiến ở đây, kia rồi dãy nhà lồng chợ An Lộc vẫn còn trơ khung vì kèo sắt cháy nám đen, trên tường lỗ chổ những vết đạn còn hằn lên, cũng tại nơi đây trước kia chiều chiều tôi và những anh em trong đơn vị xúm xít nhau chơi bóng chuyền, có những lúc trận bóng đang giằng co tỷ số giữa hai bên thì tiếng đề pa của các dàn pháo của phía bên kia bắn vào, nhiều tiếng nổ chát chúa gầm vang làm chúng tôi phải nhảy vội vào hầm trú ẩn khiến trận cầu kết thúc một cách tức tưởi, có đứa còn nói vui:

- Tiếng pháo kích của mấy ổng như tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài, bắt buộc phải ngưng thôi.

Vào một quán cơm bên đường cạnh chợ An Lộc, trong khi ăn uống tôi tranh thủ quan sát cảnh vật nơi này có nhiều thay đổi, tuy vậy cũng còn lại đây vài xác xe tăng T54 bị bắn cháy nằm chỏng chơ trong nắng mưa, vài khẩu pháo gục nòng chứng tích của cuộc chiến năm nào, bất chợt có đôi chim Bồ câu sà xuống đậu trên nắp pháo tháp chiếc T54, tiếng kêu ríu rít dường như chúng muốn chọn cái pháo tháp vô dụng kia để xây tổ uyên ương chăng.

Vậy là chúng tôi hiện diện trên công trường khai thác lâm sản Đakia thuộc tỉnh Phước Long sau mấy giờ dằn sốc trên con đường đất đỏ đầy ổ gà, ổ khủng long, khi xuống xe mỏi nhừ người tôi nhìn kỹ lại thấy bộ đồ vía đang mặc trên người đã nhuộm đỏ bụi đường, tóc tai mặt mũi cũng bụi đường nhuộm đỏ...

Khi trút bỏ lớp bụi đường dưới dòng suối nhỏ nằm đối diện phía trước công trường, làn nước mát lạnh làm chúng tôi sảng khoái bao nhiêu nhọc nhằn trên đường đi nó tan biến lúc nào chẳng hay, ngâm mình dưới dòng suối được làn nước mơn man vổ về da thịt, thỉnh thoảng tôi ngụp lặn khi mở mắt ra 
nhìn thấy từng đàn cá nhỏ đang tung tăng bơi lội cùng chúng tôi trong làn nước khiến tôi có cảm giác mình thật gần gũi với thiên nhiên vô cùng.

Chưa kịp tìm hiểu và quan sát toàn bộ khu vực nơi công trường tọa lạc thì trời đã sụp tối, buổi ăn tối đầu tiên nơi công trường thật ấn tượng, biết chúng tôi lên từ Sài Gòn một số anh em công nhân đã chuẩn bị cho buổi tiệc ra mắt thật hoành tráng, thức ăn ê hề, cá thịt, gà rau..v.v... Không thiếu món nào nhưng cái ấn tượng mà tôi nhớ nhất là cái bình rượu cần và khô khỉ, rượu cần hôm ấy là loại nước cốt có màu vàng tươi như nước mía, mùi vị thật thơm, đã từng được uống rượu cần khi còn ở Kontum nhưng cũng không thể nào bằng cái bình rượu hôm ấy, nó nồng ấm đậm đà rất dễ uống mà một khi ngấm vào cơ thể thì ai nấy say hết biết trời đất là gì. Còn cái món khô khỉ thì đây là lần đầu tôi nhìn thấy, nó có mùi vị lạ lẫm khiến tôi ngại ngùng không muốn đụng đũa vào, một công nhân lớn tuổi thấy vậy liền nói:

- Chú gì đó ơi, tại chú mới đến đây chú không biết chứ anh em chúng tôi ăn hà rầm, khỉ vùng này nhiều lắm người dân tộc Stiêng nơi đây săn bắt được họ làm thịt bán đầy đường mỗi sáng, ban đầu tôi cũng ngài ngại như chú nhưng giờ thì xơi láng hết, cứ con nào nhút nhít thì cứ ăn sợ gì?

Nể lời ông tôi cố nhai một miếng nhỏ nhưng không thể nào nuốt nổi cái món đặc sản này, tôi lấy cớ và dzọt lẹ ra sau hè láng trại và nhổ ra hết miếng khô khỉ nọ và tự hứa không đời nào rớ đến cái món đặc biệt kia. Sau một hồi chén chú chén anh, buổi tiệc ra mắt cũng tàn, các anh em công nhân lui về dãy nhà tranh phía sau công trường để nghỉ ngơi, dọn dẹp xong tưởng rằng sẽ chìm vào giấc ngủ một cách nhanh chóng nhưng hình ảnh những chú khỉ đáng thương bị lột da để chế biến thành các món ăn nó cứ lởn vởn trong đầu và do lạ chổ lạ nơi khiến tôi thức gần trắng đêm bên đống lửa bập bùng cháy suốt giữa sân của công trường.

Mờ sáng hôm sau, vừa chợp mắt được chút xíu anh Hạnh đã kêu giật ngược:

- Hưng ơi ! Dậy làm ly cà phê cho tỉnh, cà phê ở đây ngon hết xẩy.

Dụi đôi mắt cay sè, tôi bật dậy cũng không quên lay anh em thằng Khanh thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới nơi vùng sơn lâm chướng khí.

Quán cà phê anh Hạnh nói nó nằm ven tỉnh lộ 12, con đường này có độ dài gần 20 km nối liền huyện Lộc Ninh và huyện Phước Bình tỉnh Sông Bé, nói cái quán cho có vẻ sang trọng nhưng thực chất là một căn nhà tranh có 3 gian rộng rãi nằm dưới tàn cây rộng lớn, quán bán tạp hoá cà phê và các món điểm tâm, bàn ghế được đóng bằng những tấm bìa gỗ từ những xưởng cưa thải ra, vợ chồng bác Tư Liệp chủ quán là Việt kiều từ xiêm riệp kampuchia hồi hương về sinh sống nơi đây:

Khi ai nấy yên ổn chổ ngồi, anh Hạnh nói vọng vào bên trong quán:

- Bác Tư ơi cho cháu bốn ly cà phê sữa, nhớ cho ít sữa thôi nghe Bác Tư, cho sữa vô nhiều quá nó làm át mất mùi vị của cà phê, uống vậy mất ngon đó Bác Tư.

Anh Hạnh vừa dứt lời bác Tư gái vồn vả hỏi thăm:

- Chú Hạnh mới lên tối hôm qua phải không, chà... chà còn ba chú đây là người mới hả chú Hạnh, mấy chú nhớ ủng hộ quán bác nha.

Nhìn nhân dáng ông bà Tư tôi thấy họ thật hiền và phúc hậu, ông bà sống chung với thằng Cảnh con út của ông bà, còn những người con lớn thì sống quanh đấy không xa, có chuyện gì thì chỉ cần lấy 2 tay làm loa và í ới vài ba tiếng thì con cháu tề tựu đầy đủ, thấy bà tư mở lời tôi cũng nhanh nhẩu:

- Dạ con tên Hưng còn Khanh và Khánh đây bạn con, nghe anh Hạnh nói trên đây dể sống nên tụi con theo ảnh lên đây tìm vàng đó Bác Tư.

Nghe tôi nói đùa như thế Bác tư gái lè lưỡi, nhíu mày và nói:

- Trời đất, trên này làm gì có vàng chú Hưng ơi, chỉ có vàng da thôi, hi..hi.. Là sốt rét vàng da đó chú biết hôn, ở đây coi vậy chứ không khí còn độc địa lắm, cả cái ấp này chừng trăm nóc nhà ước phỏng ba trăm dân, mà năm nào cũng gần chục mạng ra đi đó chú. Tui nói là nói vậy chứ ở đây chịu khó thì làm giàu không mấy hồi đó chú.

Thời gian đầu do là mùa nắng nên công việc khai thác chặt hạ gỗ trong rừng tương đối dễ dàng nên chúng tôi được tiền công cũng kha khá, đang túng thiếu trong cuộc sống rồi tự dưng tháng nào tiền bạc cũng rủng rỉnh khiến chúng tôi ăn xài có phần phung phí, có những lúc cùng nhau bày ra những buổi nhậu thừa mứa, thức ăn ê hề rượu tây rượu ngoại uống đến say mèm, cũng do mấy cái thứ rượu này nó đã bào mòn sức khỏe chúng tôi một cách nhanh chóng...

Một sáng nọ ngoài trời đang có một cơn áp thấp nhiệt đới gây mưa rả rích suốt đêm ngày, ngồi trong quán cà phê chúng tôi nghe Bác Tư Liệp kể lại cuộc mưu sinh trên đất khách, rồi biến cố xảy ra khi quân kerme của Tổng thống Lon non cáp duồn người Việt, bà con bồng bế gồng gánh chạy về quê nhà và chọn nơi này làm quê hương, bà con sống chen lẩn với người dân tộc thiểu số người Stiêng, cùng nhau phát nương rẩy, trồng tỉa bắp, lúa, các loại đậu, cây mè .v.v... Ban đầu do vài ba vụ mùa đất còn màu mỡ, bà con thu hoạch trúng mùa nên đời sống thêm phần khá giả, người Kinh, Thượng, kherme sống chung vui vẻ, dần dà đất bạt màu năng xuất kém, đời sống chật vật từ đó xảy ra nhiều vụ xích mích đáng tiếc, lúc này bộ tộc người Stiêng cùng nhau du cư vào sâu trong rừng lập thành sóc mang tên Bù Tam và ở lại đây đến tận bây giờ.

Cơn mưa rừng vừa tạnh, ly cà phê uống hãy còn dang dở thằng Khanh nó nói nhỏ vào tai tôi:

- Hôm nay anh em mình vô sóc Bù Tam nha anh Hưng, krấp trong sóc kêu anh em mình vô đó nhậu chơi. Nó có món thịt khỉ nướng ngũ vị hương thơm lừng.

- Hả... Lại thịt khỉ... Thằng krấp này đúng là khỉ thiệt. Ờ mà đến ba bốn cây số đường rừng, trời mưa gió vầy mà nhậu nhẹt gì, sao mầy không hẹn với thằng krấp để bữa khác?

Bác Tư Liệp nghe vậy nên nói chen vào:

- Chú Hưng có đi thì Bác cho mượn đôi ủng nè, mang giày như chú lội rừng giờ này thì con Vắt nó chui vô hút máu đau lắm.

Chưa kịp suy nghĩ với cái lòng tốt của Bác Tư, ông nói tiếp:

- Cảnh ơi! Mầy lấy đôi ủng cao cổ ra cho chú Hưng mượn đi con.

Thằng Khanh nghe vậy nó mừng ra mặt, nó còn tài lanh nói đùa với Bác Tư:

- Con thay mặt anh Hưng cám ơn bác Tư

Con đường mòn ngoằn ngoèo chạy dài đến sóc Bù Tam phải lội qua mấy đoạn suối cạn, rừng núi còn đầy hơi nưóc , mùi ẩm thấp của lá cây mục xông lên mũi khiến chúng tôi nhảy mũi liên tục, còn cách nơi đến quảng độ non chừng một cây số, đang ngồi thở dốc bên bờ suối do không quen lội rừng, bổng đâu tiếng cây rừng đỗ sầm vang lên gần đấy kèm theo tiếng kêu thảm thiết của ai đó khiến tôi rùng mình ớn lạnh:

- Cứu... Cứu bà con ơi, có ai không?

Tiếng kêu cứu vang dội cả khu rừng, bằng sự phản xạ nhanh nhẹn cả đám chúng tôi không ai nói một lời cùng nhau chạy nhanh về hướng tiếng kêu cứu phát ra, trước mắt tôi ông Thạch một công nhân trong đội khai thác bị dập nát cả thân người máu chảy lai láng còn thằng Nhân người làm chung với ông Thạch, mình mẩy ướt sủng nước đang run rẩy với gương mặt thất thần, tôi vội hỏi:

- Chú Thạch bị sao vậy, mưa gió như vầy mà còn vô đây cưa với cắt làm chi.

- Chú thạch cắt xong cái cây này, cây ngã theo hướng kia nên quăng cái cưa và chạy qua hướng này, không ngờ gió lớn bất chợt nên bị phản tàn chú Thạch bị gốc cây đập vào ngực văng ra phía xa.

Cảnh tượng thương tâm xảy ra ngoài ý muốn, bối rối vô cùng tôi kêu thằng Khanh nhanh chóng quay về công trường tìm xe máy cày để chuyển ông Thạch về trạm xá công trường. Thằng Khanh chạy như ma đuổi phút chốc nó mất hút phía xa nơi cuối rừng, ngồi cạnh ông Thạch ông thoi thóp thở nhưng cũng cố thuật lại sự việc rồi ông lịm dần, thằng Nhân lấy tay bịt chổ máu đang rỉ trên ngực ông Thạch, tôi thấy đôi mắt nó đang nhòa lệ, gương mặt nhợt nhạt, thỉnh thoảng cơ thể ông Thạch co giật từng cơn, rồi ông xuôi tay trút hơi thở cuối cùng, hai khoé mắt ông tự dưng ươn ướt. Tôi lặng người và thương cảm cho ông Thạch, nhà ông rất nghèo theo chân lên đây mong kiếm tiền về lo cho bà vợ bệnh hom hem ở nhà, bà chưa hết bệnh mà ông đã sanh nghề tử nghiệp rồi.

Biết được sự việc đau lòng xảy ra trong rừng, Bác tư Liệp đã tự nguyện xách chiếc máy cày có cái rờ mọc phía sau, bác chở thằng Khanh đến nơi tai nạn và bốc xác ông Thạch đem ra tỉnh lộ. Lúc bấy giờ nếu không có sự hào hiệp của Bác tư thì chúng tôi sẽ gặp vô vàn khó khăn phải vượt qua.

Cũng bằng chiếc máy cày của Bác Tư chúng tôi vượt gần chục cây số đoạn đường đau khổ ra bệnh viện Phước Bình để tẩn liệm và chuyển thi hài nạn nhân về sài gòn, Khi chiếc máy cày thở phì phò như trâu rống vượt cái dốc cao chung quanh lau sậy mọc cao quá đầu người, hết cái dốc gặp ngay phi đạo sân bay Phước Long cuối phi đạo là Bệnh viện, bất chợt tôi thấy thấp thoáng xác một chiếc máy bay C47 caribu bị bắn cháy còn nằm trên phi đạo khiến tôi liên tưởng đến sự hy sinh của các anh lính không quân hào hoa thuở nào lòng tôi chùng xuống, gió thổi mạnh trên phi đạo như muốn cuốn phăng đi chiếc xe máy cày chở xác một người đi phá sơn lâm mà chưa tròn nguyện ước.

Mùa mưa ở rừng dai dẳng cũng đồng nghĩa với sự thất nghiệp của những người làm nghề khai thác cây rừng. vì đường rừng lầy lội không thể mang gỗ ra khỏi cửa rừng, đời sống công nhân hàng ngày càng khó khăn thêm.

Công việc của công trường nơi tôi làm việc cũng gặp nhiều trở ngại, gỗ chở về thành phố trên đường đi phải cống nạp cho mấy tay kiểm lâm, nếu không có khoản lót tay này dù là gỗ hợp pháp 100% cũng không thể qua trạm, do chi phí nhiều gây nên lỗ lã trong kinh doanh.

Một sáng nọ Anh Hạnh được lệnh đem toàn bộ công nhân trở lại Sài gòn, công trường tạm thời ngưng hoạt động, kêu tôi qua chổ làm việc của mình anh Hạnh buồn buồn nói với tôi:

- Mình về Sài gòn ít lâu, Hưng ở lại trông chừng nơi đây, xong việc mình trở lên ngay, đừng buồn nhé, Hưng cầm tạm số tiền này mà chi dùng.

Tôi cũng ngậm ngùi không kém, tò mò tôi hỏi anh:

- Có khi nào họ giải thể công trường này không anh? Nếu đúng vậy thì buồn thật.

Chiếc xe GMC cũ kỹ từ Sài gòn lên chở toàn bộ nhân sự về xí nghiệp ở Sài gòn để giải quyết những tồn tại khó khăn vừa qua, khi chiếc xe khuất sau đám bụi đỏ mịt mù, còn lại một mình trên công trường trống vắng, nỗi buồn nó xâm chiếm lòng tôi đêm ấy khí trời thật lạnh, mình tôi cô đơn bên đống lửa cháy bập bùng...

Tôi ngã bệnh bất ngờ khi công trường bước sang ngày thứ hai ở đây một mình, nằm liệt giường, miệng, môi tôi khô khốc, đôi mắt thất thần, đau nhức khắp mình, từ sáng đến chiều tối không có gì trong bụng khiến tôi lả người thiếp đi...

Giật mình tỉnh dậy tôi thấy hơi ấm dễ chịu lan tỏa khắp người, mình mẩy hảy còn ê ẩm nhưng cảm giác trong người không còn nặng nề như lúc ban sáng, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, vừa định ngồi dậy thì tiếng Bác Tư Liệp vang lên khiến tôi giật mình:

- Chú Hưng chưa khoẻ đâu, cứ nghĩ ngơi Bác múc cháo cho chú ăn cho lại sức nè.

Thấy tôi ngỡ ngàng pha chút bối rối , Bác tư gái và Thằng Cảnh đồng lên tiếng:

- Chú Hưng mạng lớn lắm nghe, ông nhà tui không tới thăm là chú có thể chết rồi đó.

Bác tư gái kể lại chiều hôm đó tự nhiên bác Tư trai cảm thấy bứt rứt trong người, ông nghĩ là do trời nóng bức nên dẫn chú chó cưng đi dạo cho khuây khoả, trên đường đi ngang công trường biết chỉ còn lại mình tôi nên bác ghé vào trò chuyện cho vui, đến trước sân bác kêu rất lâu không thấy tôi trả lời, chú chó thì sủa lên liên hồi, nghi có chuyện chẳng lành bác tông cửa vào thấy tôi đang thở thoi thóp người nóng như lửa đốt, Bác tư lật đật đánh gió và kêu người nhà đem thuốc, và nấu cháo cho tôi ăn giải cảm...

Từng muỗng cháo được Bác Tư đút cho tôi, cháo chạy đến đâu tôi thấy ấm lòng đến đó, như một thầy thuốc chánh gốc bác Tư đã cứu mạng tôi từ tay tử thần trong gang tất .

Công trường giải thể, do khu rừng nơi đây đã bị khai thác gần hết, chỉ còn trơ lại trên mặt đất một ít cây nhỏ khẳng khiu, do làm ăn thua lỗ. Tôi phải từ giã mảnh rừng bạt ngàn của ngày nào, giã từ những người dân tộc stiêng thân thiết gặp nhau trong rừng, giã từ cái món khô khỉ và những bình rượu cần nồng ấm.

Vác cái ba lô lép xẹp tôi lê bước đến quán nhà Bác Tư Liệp, vừa gặp mặt chưa kịp chào bác mang ra 2 gói quà to tướng trao cho tôi, với đôi mắt buồn buồn Bác tư nói:

- Chú về Sài Gòn mạnh giỏi, cho vợ chồng tui gửi lời thăm hỏi gia đình chú, tui gửi ít quà quê mình ở đây, đường tán và đậu xanh chú dùng lấy thảo, sau này có dịp chú về đây thăm vợ chồng tui nhé.

Nghẹn ngào trào dâng muốn nổ tung lòng ngực, tôi ôm Bác tư và ngã đầu vào lòng Bác tôi thì thầm:

- Con cám ơn Bác tư nhiều lắm, không biết bao giờ con mới trả nỗi cái nợ ân tình này hả Bác Tư?

Tự dưng Bác tư và tôi cùng rơi nước mắt, vỗ vào lưng tôi Bác mạnh mẽ nói:

- Thôi chú đi đi, xe đến rồi kia .

Tôi cố ngoái nhìn cái quán Của bác tư khi chỉ còn lại một chấm nhỏ xa xa sau lớp bụi mờ...

Sài gòn ...ngày...tháng...năm 

Thưa Hai BácTư rất yêu quý của con! 
Ở một nơi xa xôi nào đó, con vẫn biết rằng hình bóng và tình cảm hai bác lúc nào cùng dành thật nhiều cho con.

Con thật tệ khi hay tin hai bác đi xa, thật xa mà con không một lần về thăm. Cái nợ ân tình ngày nào có lẽ không bao giờ con quên, giá mà hai bác có thể đọc những dòng này chắc rằng hai bác sẽ hiểu lòng con hơn.

Hôm nay con mượn câu chuyện này, con nhắc lại những ân tình rất quý mà hai bác cùng người thân đã dành thật nhiều cho con, nơi vùng đất còn mang nhiều khốn khó nhưng mang đầy ấp tình người nơi hai bác.

Con xin cầu nguyện ơn trên gia hộ cho hai bác của con được mãi mãi an lành nơi miền viên miễn, riêng con sẽ noi theo hai bác sống sao có ích cho đời, cho người. 
Thương hai bác Tư ngàn đời không phai.

Bây giờ mấy mươi năm qua rồi, khi ai đó trong người thân quen nhắc lại câu: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá" chắc tôi sẽ chắp tay sá dài vì câu nói ăn của rừng rưng rưng nước mắt còn in mãi trong tâm trí tôi chắc khó bao giờ phai nhạt.

Hai Hùng SG
Viết xong tại sài gòn trung tuần tháng 11/2011 ( nhân mùa lễ tạ ơn ) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét