Hồi ký của Phạm Hồng Ân
Tàu Phú Quốc chạy suốt đêm, cứ rỉ rả rì rà cho tới 6 giờ sáng hôm sau, mới tới bến An Thới. An Thới nằm ở cực nam của đảo Phú Quốc, là một xã trù phú và an bình, so với các xã nằm trong đất liền. An Thới có những hãng nước mắm nổi tiếng, những hàng công-mỹ-nghệ tuyệt đẹp sản xuất từ vảy đồi mồi. Ngược lại, nó cũng có các cơ ngơi dành cho chiến tranh. Như trại tù, trại lính...Trong đó có hải đội 4 duyên phòng, một đơn vị mới, tôi đang tìm đến, trình diện.
Hải đội nằm sát bờ biển, ngó ra mũi Ông Đội sừng sững ngoài khơi. Mũi này cũng được các tàu ghe phương xa dùng làm điểm chuẩn để nhận diện Phú Quốc. Bãi biển, cát ngà ngà. Là bãi tắm lý tưởng cho lính, buổi chiều, muốn trầm mình xuống sâu, gột rửa ưu phiền. Về đây, tôi thật sự rời xa những chiếc giang đỉnh bụi đời, một thời cùng tôi tung hoành trong binh lửa. Rời xa đám lính tráng thân yêu, tuy ngang tàng, nhưng luôn sống chết có nhau. Rời xa dòng sông, cánh rừng - dù chúng luôn lảng vảng bóng dáng tử thần, nhưng trĩu nặng nghĩa tình đất nước. Và nhất là rời xa Duyến, một người bạn thơ, bạn rượu và cũng là bạn giang hồ, đồng hành đi khắp thế gian. Bù lại, An Thới đẹp như một bài thơ. Quanh năm không một tiếng súng. Du khách muốn lên rừng, có rừng. Muốn xuống biển, có biển. Dù lên rừng hay xuống biển, thiên nhiên nơi nào cũng có vẻ mơ màng, người ta có cảm giác như đang lạc vào cõi thiên thai.
Hải đội 4 có tất cả 26 PCF, hoạt động tuần duyên vùng : Phú Quốc, Rạch Giá và Hà Tiên. PCF là chữ viết tắt của Patrol Craft Fast, tiếng Việt gọi là Duyên Tốc Đỉnh. Loại tàu này đóng tại xưởng đóng tàu Seawart Seacraft, thành phố Berwick, tiểu bang Louisiana, và được đưa qua Việt Nam sử dụng cho chiến trường miền nam từ năm 1965. Vì thế, về đây, bắt buộc tôi phải leo lên một chiếc PCF, tiếp tục ngao du khắp chốn giang hồ. Kỳ này, ngao du biển. Trên sóng nước mênh mông, chắc chắn lý thú và thơ mộng hơn sông nhiều. Thật vậy, vịnh Thái Lan rất lộng lẫy. Biển trong xanh. Ban đêm, tàu quẫy sóng, nước tung lên, lóng lánh những khối lân tinh diệu kỳ. Nếu phía nam Phú Quốc thịnh vượng, an bình bấy nhiêu, thì phía bắc lại hoang vu, nguy hiểm bấy nhiêu. Bắc đảo giáp ranh với Căm Bốt. Nơi đó có rặng núi Chao và mũi Kwala hiểm trở. Bên trong là rừng và đá núi bạt ngàn. Quân đội chúng ta không có khả năng để kiểm soát vùng này, nên nó là nơi trú đóng an toàn của đối phương. Tàu địch từ miền bắc, thường chở vũ khí xâm nhập vào đây. Hoặc tàu đánh cá của Căm Bốt, Thái Lan, lén đánh cá nơi vùng biển này.
An Thới cũng có những quán cà phê đèn màu, ban đêm nhộn nhịp lính tráng. Một nhà hàng nổi tiếng với các thức ăn ngon, thực khách tha hồ nhậu nhẹt tới khuya. Trên con đường đến hải đội, có một ngã ba, sát vệ đường là cái quán ba cô, bán bún giò heo. Buổi sáng, mấy ông sĩ quan hải đội thường kéo nhau đến đây, điểm tâm. Gọi là quán ba cô, vì quán có ba cô gái phục vụ thực khách. Chẳng biết bún có ngon hay không? Nhưng chắc chắn với nhan sắc của ba cô, tô bún đã tăng thêm hương vị đặc biệt của nó. Gần hải đội nhất, có câu lạc bộ của ông thiếu tá hải quân. Câu lạc bộ luôn vắng khách, vì lính tráng muốn tìm kiếm những chốn vui chơi khác, có không khí tự do hơn. Họ không muốn những giờ phút nghỉ ngơi, lại bị ràng buộc vào khuôn khổ quân đội. Để câu khách trở lại, ông thiếu tá lật đật mang cô cháu sinh viên từ Sài Gòn ra đây đứng quán, trong ba tháng hè. Nhưng tiếc thay, cô gái không biết cách chinh phục khách, nên quán vẫn ế nhệ. Chỉ có tôi, thường lui tới nơi này, kêu một ly cà phê, nghe dòng nhạc Trịnh ray rứt, rồi thả hồn phiêu du theo khói thuốc. Đôi lúc, tôi ngó cô gái, ngó mái tóc dài thướt tha để nhớ về Tuyết, hồi tưởng quán Xuân Mai ngày nào, thuở còn dẫn chiến đỉnh tung hoành trên những khúc sông Mỹ Tho.
Về Rạch Giá hoạt động, tôi bắt đầu nghe lại tiếng súng, tưởng chừng đã lãng quên khi bước chân vào thiên đường Phú Quốc. Rạch Giá chói chang bên kia, với thành phố bề thế, thênh thang dinh thự. Nhưng Hòn Đất lại âm u bên này, với rừng rậm bạt ngàn, lồng lộng tử thần. PCF 3806 đã vùi chôn tên tuổi tại đây. Nửa đêm, giặc giả dạng ngư dân tiến sát vào tàu, rồi bất thần tấn công, chặt đầu từng thủy thủ. Chúng lôi PCF vào hòn Đất, lột sạch vũ khí và máy móc. Cuối cùng, thả tàu nổi trôi theo sóng biển bập bềnh. Đọc lịch sử, từ ngàn xưa cho đến nay, chưa có cuộc chiến nào kỳ quái như cuộc chiến này. Cuộc chiến mà giữa dân và địch, chúng tôi không phân biệt được. Thủ đoạn của địch là trà trộn vào dân, hoặc đẩy dân làm bia đỡ đạn. Và chính điều này, tay súng chúng tôi luôn nao núng, trong bất cứ những trận tấn công.
Hòn Tre là một đảo nhỏ, nằm phía tây Rạch Giá. Từ bờ biển Rạch Giá, nếu trời trong lồng lộng, du khách có thể nhìn thấy mập mờ từ xa, hình dáng một con rùa khổng lồ nổi trên mặt biển. Con rùa đó chính là hòn Tre, một hòn đảo biên cương mà hải quân chúng ta đã tận dụng đặt căn cứ trên đó. Thời gian công tác ở Rạch Giá, duyên tốc đỉnh thường về đó nghỉ ngơi và lấy nhiên liệu. Dân ở hòn không đông, vì địa thế phức tạp với những cánh rừng chiếm vị trí khá lớn. Tuy vậy, hòn cũng có những giai nhân làm rung động biết bao trái tim các chàng lãng tử hải quân. Một số đã lập gia thất với nhau. Một số quyết chọn nơi này làm quê hương vĩnh viễn. Còn lại hai cô giáo dạy trường sơ cấp. Cô nào cũng đều trẻ, đẹp, dễ thương và rất hiếu khách, nhưng chưa thấy ông nào gõ cửa trái tim.
Vùng công tác lý thú nhất, với tôi, là vùng biển Hà Tiên. Chiến tranh, có một thời, tấn công Hà Tiên. Làm tiêu điều những thắng cảnh. Làm hoang tàn các di tích đẹp trong thành phố. Nhưng chẳng bao lâu, Hà Tiên lại hồi sinh, nhộn nhịp buôn bán, như binh lửa chưa từng quét qua thị trấn này. Lật lại lịch sử, ngày xưa Hà Tiên là một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ của Cao Miên. Giữa thế kỷ 17, nhà Minh bị tiêu diệt ở Trung Hoa, tướng Mạc Cửu mới dẫn gia đình, binh lính và hàng trăm sĩ phu xuống tàu, theo biển, di cư về nam, rồi đổ bộ lên đây. Từ đó, Mạc Cửu đã cùng con là Mạc Thiên Tứ chỉ huy binh sĩ khai phá vùng đất hoang sơ này, chỉ trong vòng 50 năm, Hà Tiên đã trở thành một thương cảng náo nhiệt. Sau đó, Mạc Cửu quy phục chúa Nguyễn, chân thành đem phần đất sầm uất Hà Tiên, dâng vua. Từ đấy, bờ cõi Việt Nam được mở rộng qua tây và xuống nam. Ngoài chuyện lịch sử, vùng đất này còn là một vùng đất thơ, sản sinh biết bao thi sĩ tiếng tăm. Như HÀ TIÊN THẬP VỊNH, là đề tài xướng họa của các thi nhân trong tao đàn Chiêu Anh Các, dưới thời Mạc Thiên Tứ lãnh đạo. Và sau này, có nhóm thơ "Hà Tiên tứ tuyệt" gồm 4 thi sĩ : Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà.
Muốn nghỉ bến Hà Tiên, từ biển, PCF phải tìm cửa để chạy vào. Cửa này, được gọi là mũi pháo đài. Đường vào cửa chỉ có một con lạch nhỏ, nhưng sâu và hẹp. Hai bên lạch toàn bãi lầy, cát cạn. Nước biển quanh năm phủ mênh mông, cho nên tàu lạ vào cửa dễ bị mắc cạn. Vì thế, người ta đặt một ngọn đèn xanh ở mũi pháo đài, và một ngọn đèn xanh trên ngọn tháp cao trong thị trấn Hà Tiên. Từ ngoài khơi, muốn vào cửa an toàn, thuyền trưởng phải hướng mũi tàu chạy sao cho 2 ngọn đèn chập lại thành một. Nếu không, tàu rướn bãi, thuyền trưởng chỉ có nước kêu Trời, rồi ngồi chờ nước thật lớn, mới mong thoát ra được. Nhờ ngao du trên vịnh Thái Lan, tôi mới biết thêm nhiều hòn, nhiều thắng cảnh đẹp trên đất nước mình. Gần Hà Tiên nhất, có hòn phụ tử, với hình ảnh hai cha con quấn quýt, như không muốn rời nhau. Ngó phía trái là hòn Một, xa hơn nữa là hòn đồi mồi. Ngày xưa, trên hòn này có một trại nuôi đồi mồi rất lớn, du khách có dịp về Hà Tiên, đều ra đây, ghé thăm. Xa hơn nữa, có quần đảo Bà Lụa . Ở đây, đảo lớn nhất và đông cư dân nhất là hòn Heo. PCF thường dừng chân nơi này, sau chuyến hải hành mệt nhọc. Cách thêm vài hải lý nữa, về phía nam, có hòn Nghệ hùng vĩ giữa trời biển. Hòn cao như ông khổng lồ, vì thế khi chấm tọa độ, chúng tôi thường lấy điểm này làm điểm chuẩn.
Trong chuyến công tác ra hòn Đốc, chúng tôi chở phái đoàn giáo viên đến thăm một trường học trên hòn. Vùng biển hòn Đốc đầy đá ngầm. Tàu không thể vào sát bờ được, đành neo ngoài khơi, nhờ ghe dân trong hòn, ra rước phái đoàn. Ghe dân vừa chở phái đoàn đi được 2/3 đường, bỗng dưng giông gió nổi lên, nhồi chiếc ghe xoáy tròn, rồi hất tung phái đoàn văng xuống biển. Từ tàu, chúng tôi hoảng hốt trước cảnh tượng đó, tất cả lật đật mặc áo phao, phóng nhanh về hướng chiếc ghe, vội vã cứu người. Thế rồi, giữa cơn giông tố phũ phàng, chúng tôi cố gắng mỗi người ôm lấy một cô, vật lộn với sóng gió, dìu nạn nhân vào bờ.
Từ đó, cô giáo được tôi cứu, cứ dính vào tôi như một chất keo, khó gỡ. Mỗi lần tàu về bến, từ xa, tôi đã thấy bóng dáng cô giáo đứng như tượng đá, trước cổng ty Quan Thuế. Dù nắng chói chang, hay mưa tầm tã, nàng vẫn vậy, vẫn đợi, vẫn chờ, cho đến lúc gặp nhau, mới mãn nguyện. Có cảm động cách mấy, tôi vẫn không dám buông thả tình cảm, vì còn Tuyết - đang héo hắt chờ tôi ở quê nhà. Nhưng ngược lại, cô giáo quyết tâm, tuân theo mệnh lệnh từ trái tim nàng.
- Ngày đó, không có anh, chắc chắn hôm nay, mồ Hạnh xanh cỏ rồi. Anh đã hồi sinh, cứu em sống lại từ cõi chết, thì tấm thân này, coi như thuộc về anh. Anh hiểu không?
Dưới ánh đèn đường mong manh ánh sáng, tôi thấy đôi mắt Hạnh mơ màng, đắm đuối nhìn tôi một cách lãng mạn. Khách sạn Hà Tiên kề bên. Chỉ cần một cái gật đầu, thoáng chốc, tôi và Hạnh sẽ nằm ôm nhau trong chăn êm nệm ấm. Nhưng, tôi vẫn cương quyết.
- Chẳng lẽ cứu người, hay làm một việc nhân đạo thì tấm thân người đó thuộc về ân nhân sao? Em đừng hoang tưởng, đừng suy nghĩ một cách kỳ cục. Tình yêu không phải vậy, không phải để trả nợ. Nó ở vị thế khác. Nó bắt đầu từ DUYÊN, em biết không?
- Vậy chúng mình không bắt đầu từ DUYÊN sao? Theo anh, nó bắt đầu từ cái gì?
Tôi đuối lý. Tôi chịu thua trước cường độ tình cảm mãnh liệt đến điên cuồng của Hạnh. Tôi như con rùa bất lực, chỉ còn biết rúc đầu vào mai, nằm chịu sức tấn công vũ bão của đối phương. Ngày qua ngày, Hạnh vẫn cố gắng theo tôi như một thám tử siêng năng. Và tôi vẫn tiếp tục trốn chạy nàng, như kẻ tử tội cố đào thoát khỏi ngục tù, trốn chạy cái bản án tử hình đang siết dần vào cổ.
Cho tới hôm, tôi nhận được một tấm giấy học trò, từ tay cậu bé bán báo ở cầu tàu. Tấm giấy được xếp làm tư, khi mở ra, mới biết đó là những dòng chữ của Hạnh.
Anh Ân,
Ngày mai, em qua An Thới chơi. Em rất mong anh có mặt nơi đó, với em, để cùng nhau du ngoạn. Em sẽ chờ, cố gắng chờ anh hai ngày nữa. Nếu kỳ này, không gặp anh, chắc chắn từ đây về sau, anh sẽ hối tiếc khôn cùng. Ở An Thới, có biết bao người tình nguyện đưa em đi chơi, nhưng vì anh, em vẫn còn lưỡng lự. Vậy một lần cuối, em xin nhắc lại, nếu anh từ chối lời mời gọi của em, đừng bao giờ nói lời hối tiếc với nhau.
Yêu anh vô cùng
Hạnh
Tôi cầm lá thư Hạnh, lắc lư mãi trong hai ngón tay. Lòng canh cánh phân vân, không biết có nên trở về An Thới, hay xé lá thư tan tành, coi như không có chuyện gì. Nhưng, tấm thân kiều diễm của Hạnh cứ gợi cảm trong đầu, cùng với lời nguyền hối tiếc, như một thách đố khiêu khích? Người ta không thể chối từ mãi, khi món ngon vật lạ cứ dâng lên trước mặt? Tuy vậy, hình ảnh Tuyết vẫn lồng lộn hiện đến, vẫn là tình yêu thương tuyệt vời, có sức mạnh ngàn cân xô ngã tấm thân kia. Cuối cùng, tôi vò nát tấm giấy, quăng xuống lòng sông. Rồi dửng dưng bước xuống tàu, quay đầu ra biển.
Mất Hạnh, không còn ai đợi tôi trên bến, sau chuyến hải hành. Tôi cảm thấy bơ vơ, lẻ loi trên mỗi con đường. Kể từ đây, có ai dám can đảm bỏ công đuổi theo một ảo ảnh? Có ai chịu cố gắng ấp ủ hơi hướm của những cuộc trốn chạy ươn hèn? Có ai tìm được sinh khí ở cái quán cà phê, thiếu Hạnh. Khi khói thuốc bay lên. Khi dòng nhạc cuộn tròn. Mong manh tình khúc.
Rồi, tôi cũng quên đi, chẳng hối tiếc làm chi về lối đi của con sáo xổ lồng. Sáo sang sông. Sáo vút bay. Điều tất nhiên từ một qui luật. Tôi phải trở về với Tuyết, với con sáo trong lòng tay. Con sáo đang làm tổ. Đang chờ bàn tay tôi lót tình trên đó. Hôm qua, tôi vừa nhận được điện tín từ Mỹ Tho, báo cho biết, Tuyết đã về đây, chờ ngày khai hoa nở nhụy. Mới đây, khi nghỉ phép thường niên, tôi đã dặn Tuyết. Nếu sinh trai, em đặt con, Phạm Duyên Cương. Nếu gái, bé sẽ tên Phạm Hồng Tâm Giao. Nghe xong, Tuyết mơ màng, ngó tôi, Tâm Giao thì em hiểu, còn Duyên Cương, nghĩa gì vậy anh? Tôi cú nhẹ vào đầu Tuyết một cái, Duyên là duyên tình, Cương là biên cương. Có phải đôi ta gặp nhau giữa cuộc chiến không? Anh muốn như vậy, để khi gọi con, tức khắc chúng mình liên tưởng đến một kỷ niệm lớn trong đời. Ngày nhận điện tín, mừng quá, tôi kéo thằng lính ra quán nhậu. Vui, tôi uống một hơi tới giọt rượu cuối cùng. Tôi say li bì. Tôi quậy lung tung. Trong cơn chập choạng, tôi thấy tôi ngó lên núi Tô Châu cười ha hả. Chưa đã, tôi ngước mặt lên trời cao, chụp chai rượu uống ừng ực. Rồi hứng chí, cất giọng thét lên lanh lảnh giữa đêm đen. Tau sắp làm cha, tau sắp làm cha. Ha ha...
Chẳng còn bao lâu nữa, tôi sẽ về An Thới, nhận giấy thuyên chuyển ra hạm đội. HQ.231. Một trợ chiến hạm anh hùng, có một thời chiến đấu với quân thù tới viên đạn cuối cùng. Hết sông. Tới đảo. Hết đảo. Ra biển. Tôi mãi lưu lạc như vậy. Không biết chừng nào mới dừng chân, yên vui với cuộc sống. Đêm nay, Hà Tiên thật buồn. Có lẽ, vì là đêm cuối cùng, tôi còn lại, ở đây. Đêm nay, trăng vắt ngang Hòn Đốc. Cái ra đa khổng lồ của đài kiểm báo lung linh, ngất ngưởng trên đồi cao. Phía dưới là ngôi trường Hạnh dạy. Gần nữa, ngoài biển, là nơi Hạnh rơi xuống, là nơi tôi nhào tới, ôm nàng, lôi vào bờ. Rồi Hạnh rượt đuổi tôi. Rồi tôi trốn chạy Hạnh. Tiếc thay, những ngày tháng Hà Tiên, tôi mãi trốn chạy, trốn chạy như thế. Tôi quên mất Hà Tiên có vóc dáng thơ, có cội nguồn tình. Tôi chưa một lần đến lầu thơ, ngôi biệt thự của thầy Đông Hồ, thăm cái ổ tình sáng giá của nàng thơ Mộng Tuyết - đôi thi sĩ tài hoa đã để lại cho đời những áng thơ tuyệt tác. Cũng như chưa từng đến viếng lăng Mạc Cửu, thắp cho dòng họ Mạc một nén nhang, tưởng tiếc các tiền nhân đã có công mở nước, dựng nước.
Lần lữa ở Phú Quốc, cũng tới lúc chia tay hòn đảo này. Ngày cuối, tôi ghé câu lạc bộ uống cà phê, nghe Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Chưa bao giờ tiếng hát dồn dập, phấn khích tôi như lúc này. Chưa bao giờ ngôn ngữ nhạc réo gọi tâm thức tôi như bây giờ. Và chưa bao giờ cô sinh viên trầm lặng sầu mộng này, liếc tôi cười cười, vui vẻ như hôm nay. Tôi đốt thuốc liên tục, và nhắp từng hớp cà phê, kéo dài thời gian hạnh phúc. Tuyết đã sinh con trai. Mẹ tròn con vuông. Thằng con trai giống hệt tôi, đang ọ ọe tìm cha. Nhưng tôi phải ngồi đây, chờ đây, chờ cầm trong tay lệnh thuyên chuyển ra đơn vị mới. Nếu không, tôi đã bay về Mỹ Tho từ khuya, bồng thằng con lên, nhìn thật kỹ mặt nó, coi giống mình bao nhiêu? Giống Tuyết bao nhiêu? Rồi đến lúc, cô sinh viên mở miệng.
- Nghe nói, anh sắp về Sài Gòn, phải hông?
- Vâng. Có chuyện gì không cô?
Cô sinh viên vào trong, lục lạo một lát, mới cầm ra một lá thư.
- Anh về Sài Gòn, dán cho em con tem. Rồi gởi dùm em thư này.
Tôi nhận thư. Nhưng kịp phát giác, phong bì chưa dán kín. Vội, trao thư lại cho cô gái.
- Này, phong thư chưa dán. Bộ không sợ người ta đọc trộm sao?
Cô sinh viên ngó tôi đắm đuối.
- Về Sài Gòn, anh dán tem, dán thư dùm em luôn. Thư, em gởi cho bạn. Chẳng có gì. Em còn mong anh đọc, để hiểu em thêm.
Tôi chưng hửng, ngẩn ngơ, muốn buông rơi lá thư. Cô bé muốn gì mà mong tôi đọc để hiểu "em" thêm? Lúc này, tôi mới ngẩng đầu lên, quan sát cô bé. Nhìn kỹ, nàng đẹp thật. Một vẻ đẹp kín đáo, e ấp trong lớp vỏ tiểu thư phong thái ngày xưa. Vẻ đẹp như vẻ đẹp của chiếc bình cổ quý báu được nhân thế trang trọng trưng bày, và gìn giữ nơi góc của một viện bảo tàng.
Thoáng chốc, tôi lưỡng lự, và bối rối vài giây. Nhưng cuối cùng, cũng lẹ làng, cất bước. Trong khi cô sinh viên lẽo đẽo chạy theo.
- Tháng sau, em về Sài Gòn. Anh nhớ ghi lại địa chỉ trên phong bì. Rảnh rỗi, ghé thăm em nha!
Tàu Phú Quốc chạy suốt đêm, cứ rỉ rả rì rà cho tới 6 giờ sáng hôm sau, mới tới bến An Thới. An Thới nằm ở cực nam của đảo Phú Quốc, là một xã trù phú và an bình, so với các xã nằm trong đất liền. An Thới có những hãng nước mắm nổi tiếng, những hàng công-mỹ-nghệ tuyệt đẹp sản xuất từ vảy đồi mồi. Ngược lại, nó cũng có các cơ ngơi dành cho chiến tranh. Như trại tù, trại lính...Trong đó có hải đội 4 duyên phòng, một đơn vị mới, tôi đang tìm đến, trình diện.
Hải đội nằm sát bờ biển, ngó ra mũi Ông Đội sừng sững ngoài khơi. Mũi này cũng được các tàu ghe phương xa dùng làm điểm chuẩn để nhận diện Phú Quốc. Bãi biển, cát ngà ngà. Là bãi tắm lý tưởng cho lính, buổi chiều, muốn trầm mình xuống sâu, gột rửa ưu phiền. Về đây, tôi thật sự rời xa những chiếc giang đỉnh bụi đời, một thời cùng tôi tung hoành trong binh lửa. Rời xa đám lính tráng thân yêu, tuy ngang tàng, nhưng luôn sống chết có nhau. Rời xa dòng sông, cánh rừng - dù chúng luôn lảng vảng bóng dáng tử thần, nhưng trĩu nặng nghĩa tình đất nước. Và nhất là rời xa Duyến, một người bạn thơ, bạn rượu và cũng là bạn giang hồ, đồng hành đi khắp thế gian. Bù lại, An Thới đẹp như một bài thơ. Quanh năm không một tiếng súng. Du khách muốn lên rừng, có rừng. Muốn xuống biển, có biển. Dù lên rừng hay xuống biển, thiên nhiên nơi nào cũng có vẻ mơ màng, người ta có cảm giác như đang lạc vào cõi thiên thai.
Hải đội 4 có tất cả 26 PCF, hoạt động tuần duyên vùng : Phú Quốc, Rạch Giá và Hà Tiên. PCF là chữ viết tắt của Patrol Craft Fast, tiếng Việt gọi là Duyên Tốc Đỉnh. Loại tàu này đóng tại xưởng đóng tàu Seawart Seacraft, thành phố Berwick, tiểu bang Louisiana, và được đưa qua Việt Nam sử dụng cho chiến trường miền nam từ năm 1965. Vì thế, về đây, bắt buộc tôi phải leo lên một chiếc PCF, tiếp tục ngao du khắp chốn giang hồ. Kỳ này, ngao du biển. Trên sóng nước mênh mông, chắc chắn lý thú và thơ mộng hơn sông nhiều. Thật vậy, vịnh Thái Lan rất lộng lẫy. Biển trong xanh. Ban đêm, tàu quẫy sóng, nước tung lên, lóng lánh những khối lân tinh diệu kỳ. Nếu phía nam Phú Quốc thịnh vượng, an bình bấy nhiêu, thì phía bắc lại hoang vu, nguy hiểm bấy nhiêu. Bắc đảo giáp ranh với Căm Bốt. Nơi đó có rặng núi Chao và mũi Kwala hiểm trở. Bên trong là rừng và đá núi bạt ngàn. Quân đội chúng ta không có khả năng để kiểm soát vùng này, nên nó là nơi trú đóng an toàn của đối phương. Tàu địch từ miền bắc, thường chở vũ khí xâm nhập vào đây. Hoặc tàu đánh cá của Căm Bốt, Thái Lan, lén đánh cá nơi vùng biển này.
An Thới cũng có những quán cà phê đèn màu, ban đêm nhộn nhịp lính tráng. Một nhà hàng nổi tiếng với các thức ăn ngon, thực khách tha hồ nhậu nhẹt tới khuya. Trên con đường đến hải đội, có một ngã ba, sát vệ đường là cái quán ba cô, bán bún giò heo. Buổi sáng, mấy ông sĩ quan hải đội thường kéo nhau đến đây, điểm tâm. Gọi là quán ba cô, vì quán có ba cô gái phục vụ thực khách. Chẳng biết bún có ngon hay không? Nhưng chắc chắn với nhan sắc của ba cô, tô bún đã tăng thêm hương vị đặc biệt của nó. Gần hải đội nhất, có câu lạc bộ của ông thiếu tá hải quân. Câu lạc bộ luôn vắng khách, vì lính tráng muốn tìm kiếm những chốn vui chơi khác, có không khí tự do hơn. Họ không muốn những giờ phút nghỉ ngơi, lại bị ràng buộc vào khuôn khổ quân đội. Để câu khách trở lại, ông thiếu tá lật đật mang cô cháu sinh viên từ Sài Gòn ra đây đứng quán, trong ba tháng hè. Nhưng tiếc thay, cô gái không biết cách chinh phục khách, nên quán vẫn ế nhệ. Chỉ có tôi, thường lui tới nơi này, kêu một ly cà phê, nghe dòng nhạc Trịnh ray rứt, rồi thả hồn phiêu du theo khói thuốc. Đôi lúc, tôi ngó cô gái, ngó mái tóc dài thướt tha để nhớ về Tuyết, hồi tưởng quán Xuân Mai ngày nào, thuở còn dẫn chiến đỉnh tung hoành trên những khúc sông Mỹ Tho.
Về Rạch Giá hoạt động, tôi bắt đầu nghe lại tiếng súng, tưởng chừng đã lãng quên khi bước chân vào thiên đường Phú Quốc. Rạch Giá chói chang bên kia, với thành phố bề thế, thênh thang dinh thự. Nhưng Hòn Đất lại âm u bên này, với rừng rậm bạt ngàn, lồng lộng tử thần. PCF 3806 đã vùi chôn tên tuổi tại đây. Nửa đêm, giặc giả dạng ngư dân tiến sát vào tàu, rồi bất thần tấn công, chặt đầu từng thủy thủ. Chúng lôi PCF vào hòn Đất, lột sạch vũ khí và máy móc. Cuối cùng, thả tàu nổi trôi theo sóng biển bập bềnh. Đọc lịch sử, từ ngàn xưa cho đến nay, chưa có cuộc chiến nào kỳ quái như cuộc chiến này. Cuộc chiến mà giữa dân và địch, chúng tôi không phân biệt được. Thủ đoạn của địch là trà trộn vào dân, hoặc đẩy dân làm bia đỡ đạn. Và chính điều này, tay súng chúng tôi luôn nao núng, trong bất cứ những trận tấn công.
Hòn Tre là một đảo nhỏ, nằm phía tây Rạch Giá. Từ bờ biển Rạch Giá, nếu trời trong lồng lộng, du khách có thể nhìn thấy mập mờ từ xa, hình dáng một con rùa khổng lồ nổi trên mặt biển. Con rùa đó chính là hòn Tre, một hòn đảo biên cương mà hải quân chúng ta đã tận dụng đặt căn cứ trên đó. Thời gian công tác ở Rạch Giá, duyên tốc đỉnh thường về đó nghỉ ngơi và lấy nhiên liệu. Dân ở hòn không đông, vì địa thế phức tạp với những cánh rừng chiếm vị trí khá lớn. Tuy vậy, hòn cũng có những giai nhân làm rung động biết bao trái tim các chàng lãng tử hải quân. Một số đã lập gia thất với nhau. Một số quyết chọn nơi này làm quê hương vĩnh viễn. Còn lại hai cô giáo dạy trường sơ cấp. Cô nào cũng đều trẻ, đẹp, dễ thương và rất hiếu khách, nhưng chưa thấy ông nào gõ cửa trái tim.
Vùng công tác lý thú nhất, với tôi, là vùng biển Hà Tiên. Chiến tranh, có một thời, tấn công Hà Tiên. Làm tiêu điều những thắng cảnh. Làm hoang tàn các di tích đẹp trong thành phố. Nhưng chẳng bao lâu, Hà Tiên lại hồi sinh, nhộn nhịp buôn bán, như binh lửa chưa từng quét qua thị trấn này. Lật lại lịch sử, ngày xưa Hà Tiên là một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ của Cao Miên. Giữa thế kỷ 17, nhà Minh bị tiêu diệt ở Trung Hoa, tướng Mạc Cửu mới dẫn gia đình, binh lính và hàng trăm sĩ phu xuống tàu, theo biển, di cư về nam, rồi đổ bộ lên đây. Từ đó, Mạc Cửu đã cùng con là Mạc Thiên Tứ chỉ huy binh sĩ khai phá vùng đất hoang sơ này, chỉ trong vòng 50 năm, Hà Tiên đã trở thành một thương cảng náo nhiệt. Sau đó, Mạc Cửu quy phục chúa Nguyễn, chân thành đem phần đất sầm uất Hà Tiên, dâng vua. Từ đấy, bờ cõi Việt Nam được mở rộng qua tây và xuống nam. Ngoài chuyện lịch sử, vùng đất này còn là một vùng đất thơ, sản sinh biết bao thi sĩ tiếng tăm. Như HÀ TIÊN THẬP VỊNH, là đề tài xướng họa của các thi nhân trong tao đàn Chiêu Anh Các, dưới thời Mạc Thiên Tứ lãnh đạo. Và sau này, có nhóm thơ "Hà Tiên tứ tuyệt" gồm 4 thi sĩ : Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà.
Muốn nghỉ bến Hà Tiên, từ biển, PCF phải tìm cửa để chạy vào. Cửa này, được gọi là mũi pháo đài. Đường vào cửa chỉ có một con lạch nhỏ, nhưng sâu và hẹp. Hai bên lạch toàn bãi lầy, cát cạn. Nước biển quanh năm phủ mênh mông, cho nên tàu lạ vào cửa dễ bị mắc cạn. Vì thế, người ta đặt một ngọn đèn xanh ở mũi pháo đài, và một ngọn đèn xanh trên ngọn tháp cao trong thị trấn Hà Tiên. Từ ngoài khơi, muốn vào cửa an toàn, thuyền trưởng phải hướng mũi tàu chạy sao cho 2 ngọn đèn chập lại thành một. Nếu không, tàu rướn bãi, thuyền trưởng chỉ có nước kêu Trời, rồi ngồi chờ nước thật lớn, mới mong thoát ra được. Nhờ ngao du trên vịnh Thái Lan, tôi mới biết thêm nhiều hòn, nhiều thắng cảnh đẹp trên đất nước mình. Gần Hà Tiên nhất, có hòn phụ tử, với hình ảnh hai cha con quấn quýt, như không muốn rời nhau. Ngó phía trái là hòn Một, xa hơn nữa là hòn đồi mồi. Ngày xưa, trên hòn này có một trại nuôi đồi mồi rất lớn, du khách có dịp về Hà Tiên, đều ra đây, ghé thăm. Xa hơn nữa, có quần đảo Bà Lụa . Ở đây, đảo lớn nhất và đông cư dân nhất là hòn Heo. PCF thường dừng chân nơi này, sau chuyến hải hành mệt nhọc. Cách thêm vài hải lý nữa, về phía nam, có hòn Nghệ hùng vĩ giữa trời biển. Hòn cao như ông khổng lồ, vì thế khi chấm tọa độ, chúng tôi thường lấy điểm này làm điểm chuẩn.
Trong chuyến công tác ra hòn Đốc, chúng tôi chở phái đoàn giáo viên đến thăm một trường học trên hòn. Vùng biển hòn Đốc đầy đá ngầm. Tàu không thể vào sát bờ được, đành neo ngoài khơi, nhờ ghe dân trong hòn, ra rước phái đoàn. Ghe dân vừa chở phái đoàn đi được 2/3 đường, bỗng dưng giông gió nổi lên, nhồi chiếc ghe xoáy tròn, rồi hất tung phái đoàn văng xuống biển. Từ tàu, chúng tôi hoảng hốt trước cảnh tượng đó, tất cả lật đật mặc áo phao, phóng nhanh về hướng chiếc ghe, vội vã cứu người. Thế rồi, giữa cơn giông tố phũ phàng, chúng tôi cố gắng mỗi người ôm lấy một cô, vật lộn với sóng gió, dìu nạn nhân vào bờ.
Từ đó, cô giáo được tôi cứu, cứ dính vào tôi như một chất keo, khó gỡ. Mỗi lần tàu về bến, từ xa, tôi đã thấy bóng dáng cô giáo đứng như tượng đá, trước cổng ty Quan Thuế. Dù nắng chói chang, hay mưa tầm tã, nàng vẫn vậy, vẫn đợi, vẫn chờ, cho đến lúc gặp nhau, mới mãn nguyện. Có cảm động cách mấy, tôi vẫn không dám buông thả tình cảm, vì còn Tuyết - đang héo hắt chờ tôi ở quê nhà. Nhưng ngược lại, cô giáo quyết tâm, tuân theo mệnh lệnh từ trái tim nàng.
- Ngày đó, không có anh, chắc chắn hôm nay, mồ Hạnh xanh cỏ rồi. Anh đã hồi sinh, cứu em sống lại từ cõi chết, thì tấm thân này, coi như thuộc về anh. Anh hiểu không?
Dưới ánh đèn đường mong manh ánh sáng, tôi thấy đôi mắt Hạnh mơ màng, đắm đuối nhìn tôi một cách lãng mạn. Khách sạn Hà Tiên kề bên. Chỉ cần một cái gật đầu, thoáng chốc, tôi và Hạnh sẽ nằm ôm nhau trong chăn êm nệm ấm. Nhưng, tôi vẫn cương quyết.
- Chẳng lẽ cứu người, hay làm một việc nhân đạo thì tấm thân người đó thuộc về ân nhân sao? Em đừng hoang tưởng, đừng suy nghĩ một cách kỳ cục. Tình yêu không phải vậy, không phải để trả nợ. Nó ở vị thế khác. Nó bắt đầu từ DUYÊN, em biết không?
- Vậy chúng mình không bắt đầu từ DUYÊN sao? Theo anh, nó bắt đầu từ cái gì?
Tôi đuối lý. Tôi chịu thua trước cường độ tình cảm mãnh liệt đến điên cuồng của Hạnh. Tôi như con rùa bất lực, chỉ còn biết rúc đầu vào mai, nằm chịu sức tấn công vũ bão của đối phương. Ngày qua ngày, Hạnh vẫn cố gắng theo tôi như một thám tử siêng năng. Và tôi vẫn tiếp tục trốn chạy nàng, như kẻ tử tội cố đào thoát khỏi ngục tù, trốn chạy cái bản án tử hình đang siết dần vào cổ.
Cho tới hôm, tôi nhận được một tấm giấy học trò, từ tay cậu bé bán báo ở cầu tàu. Tấm giấy được xếp làm tư, khi mở ra, mới biết đó là những dòng chữ của Hạnh.
Anh Ân,
Ngày mai, em qua An Thới chơi. Em rất mong anh có mặt nơi đó, với em, để cùng nhau du ngoạn. Em sẽ chờ, cố gắng chờ anh hai ngày nữa. Nếu kỳ này, không gặp anh, chắc chắn từ đây về sau, anh sẽ hối tiếc khôn cùng. Ở An Thới, có biết bao người tình nguyện đưa em đi chơi, nhưng vì anh, em vẫn còn lưỡng lự. Vậy một lần cuối, em xin nhắc lại, nếu anh từ chối lời mời gọi của em, đừng bao giờ nói lời hối tiếc với nhau.
Yêu anh vô cùng
Hạnh
Tôi cầm lá thư Hạnh, lắc lư mãi trong hai ngón tay. Lòng canh cánh phân vân, không biết có nên trở về An Thới, hay xé lá thư tan tành, coi như không có chuyện gì. Nhưng, tấm thân kiều diễm của Hạnh cứ gợi cảm trong đầu, cùng với lời nguyền hối tiếc, như một thách đố khiêu khích? Người ta không thể chối từ mãi, khi món ngon vật lạ cứ dâng lên trước mặt? Tuy vậy, hình ảnh Tuyết vẫn lồng lộn hiện đến, vẫn là tình yêu thương tuyệt vời, có sức mạnh ngàn cân xô ngã tấm thân kia. Cuối cùng, tôi vò nát tấm giấy, quăng xuống lòng sông. Rồi dửng dưng bước xuống tàu, quay đầu ra biển.
Mất Hạnh, không còn ai đợi tôi trên bến, sau chuyến hải hành. Tôi cảm thấy bơ vơ, lẻ loi trên mỗi con đường. Kể từ đây, có ai dám can đảm bỏ công đuổi theo một ảo ảnh? Có ai chịu cố gắng ấp ủ hơi hướm của những cuộc trốn chạy ươn hèn? Có ai tìm được sinh khí ở cái quán cà phê, thiếu Hạnh. Khi khói thuốc bay lên. Khi dòng nhạc cuộn tròn. Mong manh tình khúc.
Rồi, tôi cũng quên đi, chẳng hối tiếc làm chi về lối đi của con sáo xổ lồng. Sáo sang sông. Sáo vút bay. Điều tất nhiên từ một qui luật. Tôi phải trở về với Tuyết, với con sáo trong lòng tay. Con sáo đang làm tổ. Đang chờ bàn tay tôi lót tình trên đó. Hôm qua, tôi vừa nhận được điện tín từ Mỹ Tho, báo cho biết, Tuyết đã về đây, chờ ngày khai hoa nở nhụy. Mới đây, khi nghỉ phép thường niên, tôi đã dặn Tuyết. Nếu sinh trai, em đặt con, Phạm Duyên Cương. Nếu gái, bé sẽ tên Phạm Hồng Tâm Giao. Nghe xong, Tuyết mơ màng, ngó tôi, Tâm Giao thì em hiểu, còn Duyên Cương, nghĩa gì vậy anh? Tôi cú nhẹ vào đầu Tuyết một cái, Duyên là duyên tình, Cương là biên cương. Có phải đôi ta gặp nhau giữa cuộc chiến không? Anh muốn như vậy, để khi gọi con, tức khắc chúng mình liên tưởng đến một kỷ niệm lớn trong đời. Ngày nhận điện tín, mừng quá, tôi kéo thằng lính ra quán nhậu. Vui, tôi uống một hơi tới giọt rượu cuối cùng. Tôi say li bì. Tôi quậy lung tung. Trong cơn chập choạng, tôi thấy tôi ngó lên núi Tô Châu cười ha hả. Chưa đã, tôi ngước mặt lên trời cao, chụp chai rượu uống ừng ực. Rồi hứng chí, cất giọng thét lên lanh lảnh giữa đêm đen. Tau sắp làm cha, tau sắp làm cha. Ha ha...
Chẳng còn bao lâu nữa, tôi sẽ về An Thới, nhận giấy thuyên chuyển ra hạm đội. HQ.231. Một trợ chiến hạm anh hùng, có một thời chiến đấu với quân thù tới viên đạn cuối cùng. Hết sông. Tới đảo. Hết đảo. Ra biển. Tôi mãi lưu lạc như vậy. Không biết chừng nào mới dừng chân, yên vui với cuộc sống. Đêm nay, Hà Tiên thật buồn. Có lẽ, vì là đêm cuối cùng, tôi còn lại, ở đây. Đêm nay, trăng vắt ngang Hòn Đốc. Cái ra đa khổng lồ của đài kiểm báo lung linh, ngất ngưởng trên đồi cao. Phía dưới là ngôi trường Hạnh dạy. Gần nữa, ngoài biển, là nơi Hạnh rơi xuống, là nơi tôi nhào tới, ôm nàng, lôi vào bờ. Rồi Hạnh rượt đuổi tôi. Rồi tôi trốn chạy Hạnh. Tiếc thay, những ngày tháng Hà Tiên, tôi mãi trốn chạy, trốn chạy như thế. Tôi quên mất Hà Tiên có vóc dáng thơ, có cội nguồn tình. Tôi chưa một lần đến lầu thơ, ngôi biệt thự của thầy Đông Hồ, thăm cái ổ tình sáng giá của nàng thơ Mộng Tuyết - đôi thi sĩ tài hoa đã để lại cho đời những áng thơ tuyệt tác. Cũng như chưa từng đến viếng lăng Mạc Cửu, thắp cho dòng họ Mạc một nén nhang, tưởng tiếc các tiền nhân đã có công mở nước, dựng nước.
Lần lữa ở Phú Quốc, cũng tới lúc chia tay hòn đảo này. Ngày cuối, tôi ghé câu lạc bộ uống cà phê, nghe Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Chưa bao giờ tiếng hát dồn dập, phấn khích tôi như lúc này. Chưa bao giờ ngôn ngữ nhạc réo gọi tâm thức tôi như bây giờ. Và chưa bao giờ cô sinh viên trầm lặng sầu mộng này, liếc tôi cười cười, vui vẻ như hôm nay. Tôi đốt thuốc liên tục, và nhắp từng hớp cà phê, kéo dài thời gian hạnh phúc. Tuyết đã sinh con trai. Mẹ tròn con vuông. Thằng con trai giống hệt tôi, đang ọ ọe tìm cha. Nhưng tôi phải ngồi đây, chờ đây, chờ cầm trong tay lệnh thuyên chuyển ra đơn vị mới. Nếu không, tôi đã bay về Mỹ Tho từ khuya, bồng thằng con lên, nhìn thật kỹ mặt nó, coi giống mình bao nhiêu? Giống Tuyết bao nhiêu? Rồi đến lúc, cô sinh viên mở miệng.
- Nghe nói, anh sắp về Sài Gòn, phải hông?
- Vâng. Có chuyện gì không cô?
Cô sinh viên vào trong, lục lạo một lát, mới cầm ra một lá thư.
- Anh về Sài Gòn, dán cho em con tem. Rồi gởi dùm em thư này.
Tôi nhận thư. Nhưng kịp phát giác, phong bì chưa dán kín. Vội, trao thư lại cho cô gái.
- Này, phong thư chưa dán. Bộ không sợ người ta đọc trộm sao?
Cô sinh viên ngó tôi đắm đuối.
- Về Sài Gòn, anh dán tem, dán thư dùm em luôn. Thư, em gởi cho bạn. Chẳng có gì. Em còn mong anh đọc, để hiểu em thêm.
Tôi chưng hửng, ngẩn ngơ, muốn buông rơi lá thư. Cô bé muốn gì mà mong tôi đọc để hiểu "em" thêm? Lúc này, tôi mới ngẩng đầu lên, quan sát cô bé. Nhìn kỹ, nàng đẹp thật. Một vẻ đẹp kín đáo, e ấp trong lớp vỏ tiểu thư phong thái ngày xưa. Vẻ đẹp như vẻ đẹp của chiếc bình cổ quý báu được nhân thế trang trọng trưng bày, và gìn giữ nơi góc của một viện bảo tàng.
Thoáng chốc, tôi lưỡng lự, và bối rối vài giây. Nhưng cuối cùng, cũng lẹ làng, cất bước. Trong khi cô sinh viên lẽo đẽo chạy theo.
- Tháng sau, em về Sài Gòn. Anh nhớ ghi lại địa chỉ trên phong bì. Rảnh rỗi, ghé thăm em nha!
Phạm Hồng Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét