Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 20

Trúc Lâm Bạch Mã:
Hai Con Bướm Đen Cánh Viền Vàng (phần 1) 
Tùy bút của Thanh Hà

1/-
Quang cảnh thiền viện Trúc Lâm - Huế
Nếu dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục khuấy nhiễu nhân gian thì trong tương lai ngoài chức triết-giả (triết gia giả hiệu ) như có lần tôi đề cập ở bài viết trước, giờ tôi có thể tự xưng thêm một chức danh mới nữa, đó là nhà-tâm-linh-giả,- chuyên nghiên cứu về vấn đề tâm linh huyền bí. 

Tất nhiên chữ Giả ở đây vẫn cùng một nghĩa, là giả hiệu, mạo nhận.

Tôi theo đạo Phật, lúc còn ở V N thỉnh thoảng có đi vài ngôi chùa nghe các Sư Thầy thuyết giáo tuy không thường xuyên : Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi..Saigon; Thường Chiếu , Viên Chiếu ở Long Thành… và còn vài ngôi chùa, đình thờ ở Rạch Giá và các tỉnh thành khác nữa. 

Tôi rất tin Đức Phật, Đức Chúa, Thánh Thần, Tiên...các Đấng Linh Thiêng, Thượng Đế… cõi trên theo phù hộ độ trì cho chúng sinh dương thế.

Lúc tôi khoảng 6 tuổi suýt chết vì bịnh thương hàn, các bác sĩ tây y ở Rạch Giá đã ngã nón để tiễn biệt tôi sang thế giới khác rồi, may nhờ uống thuốc nam chế bằng cây cỏ không tốn xu nào của ông thầy Sáu Mậu mà tôi kêu bằng ông chú ở chùa Ông Địa, Cầu Ván Rạch Sỏi mà cứu sống tôi, nay mới còn ngồi đây để viết đủ chuyện lẩn thẩn. Tôi đội ơn cứu mạng của ông chú Sáu đến mãn kiếp này. 
Ông đã ngủ yên chốn vĩnh hằng từ hơn 30 năm rồi.
 
Có hai điều tôi xem như chân lý sống :
Ở hiền gặp lành
Điều gì mình tin thì sẽ có, không tin sẽ không có.

Tôi không tin những việc như:
–Kỵ ra ngõ gặp gái.
–Đi xe không được lấy lược chải tóc.
–Xuất hành đi chơi xa lựa ngày lành tháng tốt, (những tai nạn lưu thông xảy ra bất cứ ngày, giờ nào trong tháng chứ có chừa ra ngày nào).
–Không chui qua hàng dây căng phơi quần áo.
–Ba ngày tết thì không được quét nhà đổ rác. (Ông bà ngoại ba má tôi cũng làm như vậy. Tôi đâu dám cãi, nên vâng lời).
–Không mua sắm tổ chức lễ lạc vào cuối tháng vì là “năm cùng tháng tận”.
–Mấy người buôn bán nhắm ngày ế ẩm thì đốt phong long đuổi xui xẻo.
–Không được làm di chúc lúc mạnh khoẻ.
–Cô dâu chú rể khi làm lễ gia tiên ai mà nhanh tay giành được đốt nến trước thì sẽ “nắm đầu cưỡi cổ” người kia.
…. và còn một danh sách dài những kiêng kỵ khác mà tôi không biết, hay nhớ hết.

Vì “không tin thì sẽ không có” nên tôi chưa bao giờ tuân theo qui tắc nào trong những điều kể ở trên. Thực tế chứng minh là tôi cũng chưa hề gặp xui vì không chịu tuân theo cả.

Mở ngoặc: Đám cưới của tôi tổ chức vào ngày 30 tháng 10 tối thứ bảy, buổi chiều trời khô ráo tuy rất lạnh nhưng đến khoảng 8g tối thì tuyết rơi ào ạt phủ kín đường xá nhà cửa ít nhất là ba, bốn tấc. Tiệc tùng xong về nhà cũng 3 g sáng chủ nhật. Chiếc xe chúng tôi đậu ở parking trước nhà, tuyết phủ trắng xoá nên chắc người lái chiếc xe nào đó không thấy rõ, ủi trúng bị móp thanh chắn sau xe khá nặng. Thủ phạm cao bay xa chạy nên không biết ai mà bắt đền. Có điều bảo hiểm xe bồi thường để sửa chửa.

Đã vậy trước giờ đến toà thị chính để làm lễ ký giấy kết hôn tôi còn bị một phen hồn phi phách lạc giống như bị chơi khăm do cô bạn phù dâu kiêm nhân chứng đãng trí vì mãi “ngồi lê đôi mách” với bạn trên điện thoại, bỏ quên tôi ở viện uốn tóc khiến tôi phát khóc tưởng đâu đến trễ sẽ bị huỷ bỏ buổi hẹn –kỷ niệm này cũng có thể ghi vào guinness chuyện hi hữu về đám cưới. Có dịp tôi sẽ kể. Giờ nhớ lại thì cười nhưng lúc đó thần trí bấn loạn không sao tả xiết.

À, quên kể nốt. Là vì gấp gáp quá nên bỏ quên bó hoa ở nhà, không cầm theo như mọi cô dâu đều phải cầm nữa chứ, hu hu.

Những điều kể trên, nếu ai mê tín sẽ cho là điềm xui đó nhỉ. Thế mà chúng tôi sống an bình trong tình nghĩa lẫn yêu thương hoà hợp, chỉ lưỡi hái tử thần mới làm cho dây tơ hồng nối liền chúng tôi bị đứt đoạn sau 22 năm hạnh phúc.

Qua câu chuyện trên, tôi càng củng cố niềm tin là”không tin sẽ không có”.

2/-
Nhưng với chuyện sắp kể này thì tôi lại tin. 
“Nếu tin thì sẽ có” nên với tôi , nó là có thật. 

Tất nhiên đây là ý nghĩ chủ quan của mình chứ ngay cả ngành Tâm-linh-học cũng chưa chứng thực chuyện :”Có một đời sống khác sau cái chết hay không”.

Đó là vào mùa xuân sau khi chồng mất, tôi có dịp về Việt Nam, đến Thiền Viện Trúc Lâm- Huế, và Thánh Địa Mỹ Sơn-Quảng Nam nơi có di tích của người Chăm.
Muốn đến được Thiền Viện Trúc Lâm, sáu dì cháu tôi thuê ba chiếc xe gắn máy từ Huế.

Mở ngoặc:Trí nhớ bị bào mòn nên tôi ăn cắp một đoạn lược tả cách đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thuộc nhánh Yên Tử cho chính xác hơn. Trang vntrip tả cảnh rất sinh động hấp dẫn, tôi chỉ trích 1 đoạn ngắn :

Từ thành phố Huế đi về phía nam 30 km sẽ đến cầu Truồi. Bên phải là con đường rẽ vào đập Truồi, đi men theo giòng sông ta gặp một vùng đất khô cằn thưa thớt nhà dân. Thêm một đoạn là bãi đất hoang toàn mồ mả.
Từ đất liền đã thấy đập Truồi hiện ra.
Thiền viện nằm gọn gàng giữa lòng hồ nước.
Ta dùng đò sang bên thiền viện.

Mở ngoặc : Đoạn đường toàn mồ mả họ có nhắc ở trên nhìn hoang vu ảm đạm, kéo dài vài cây số. Chỉ toàn cây cối cỏ dại xen lẫn lác đác các ngôi cổ mộ xây theo lối xưa, rất cầu kỳ kiên cố, có lẽ đặc trưng ở miền Trung hay Huế chứ tôi không thấy kiểu mộ ấy ở miền Nam.
Khiến lòng người viễn khách là tôi không khỏi dậy lên cảm giác ngậm ngùi thương cảm. Tự hỏi ai là người nằm dưới mộ kia ? Rồi nhớ mấy câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng làm thơ khóc than người thiếu nữ ông yêu mất sớm:

Trời cuối thu rồi em ở đâu ?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi ! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…

…Em hãy cười lên vang cõi âm
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm
Những hồn phiêu bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm…

….Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình…
( Gởi Người Dưới Mộ, Đinh Hùng )

Tôi không dám viết thêm hai câu cuối, nó khiến tôi cũng đang rùng mình ớn lạnh đây.

Phải nói là mấy dì cháu tôi rất hợp về chuyện du ngoạn, theo kiểu lãng tử phóng khoáng, tự túc lên chương trình, bay ra Huế rồi thuê moto thăm phong cảnh, chứ không dùng xe bốn bánh có người lớn theo chăm sóc, hướng dẫn, mất cả hứng thú.
Tôi thích cảm giác trực tiếp đón nhận làn gió trời mát rượi thổi vào người, chứ không phải toát ra từ máy lạnh nhân tạo. 
Bình thường tôi sống rất nguyên tắc, ngay cả bửa ăn, giấc ngủ theo thời khoá biểu chính xác đến từng chi tiết. Nếu hẹn với ai thì cũng đúng không bao giờ trễ hẹn bắt họ chờ đợi.
Vì vậy, mỗi khi du ngoạn, tôi muốn mình sống ngược lại với những thói quen tự mình đặt để cho mình. Phản kháng, đả phá các lề thói cứng nhắc, tận hưởng chờ đón những niềm vui bất-ngờ mà chuyến đi sẽ mang lại.

Đoạn cửa ải Hải Vân
Mấy đứa nhỏ xếp tôi cùng thế hệ với chúng chớ đâu có coi tôi là người lớn như ba mẹ chúng, lý do tôi vừa nêu, theo kiểu nói trần tục là “chịu chơi” vậy. Nhưng chỉ về phương diện du lịch, hoà đồng với mọi lớp tuổi, chứ không phải việc nhảm nhí khác đâu à. 

Không phiêu lưu sao mà dám lấy moto từ Huế vượt đèo Hải Vân sang Đà Nẳng, Hội An, các vùng phụ cận…nếu không gặp chuyện ngoài ý muốn thì còn đi thăm động Thiên Đường ở Quảng Bình bằng mấy con ngựa sắt thuê đời cố luỹ cố lai, cũ mèm rên xiết, mỗi lần lên dốc cứ lo ngay ngáy bị chết máy nằm đường.
 
Đã vậy, chuyến vượt đèo Hải Vân quay lại Huế chúng tôi còn mò mẫm chạy trong đêm tối mịt nữa, vì mãi ham vui ghé dọc đường thăm viếng cảnh quang nào đó ngoài chương trình, mà chợt thấy thú vị. Đi ban ngày thiên hạ còn lo sợ lật đèo huống gì đi ban đêm, không đèn đường soi lối. Mà đường đâu có tráng nhựa phẳng lì cho cam, vẫn còn lục cục đá to nhỏ lẫn lộn đất bụi. Chỉ cần bánh xe cán lên hòn đá nào đó là sẽ ngã lộn nhào như chơi. 

Đoạn lên, xuống đèo chúng tôi thấy rất nhiều những bàn thờ, am dựng theo dốc, có tượng Chúa, Phật cùng hoa, nhang, đèn. Chắc chắn là để thờ những oan hồn đã bỏ mạng nơi này.   

Ngày xưa đường đi trong miệng. Bây giờ thì chỉ cần vô Google Map là tìm được ngay. 
Nói vậy chứ đôi lúc ông Gu Gồ chỉ trật lất, nên thỉnh thoảng cũng phải dừng chân hỏi thăm người dân. Chuyện hỏi thăm đường cũng có vài giai thoại vui, làm giàu thêm vào kho truyện cười thú vị của chúng tôi.

Trong các cháu trai gái của tôi, có một cô tuy vóc dáng, gương mặt, cách nói năng cử chỉ rất liễu yếu đào tơ, tha thướt nhưng lại là chỉ huy trong chuyến đi bởi tài tháo vát xếp đặt chương trình, thời khoá biểu cùng trí nhớ chính xác phương hướng cảnh vật. 
Cho nên chúng tôi 5 người còn lại yên tâm phó mặc số mạng cho cô gái xinh đẹp nầy lèo lái dẫn dắt, phân công ai chở ai, đi đến đâu là dừng để nghỉ ngơi, đổ xăng, ăn uống… tôi chỉ việc ngồi đằng sau tha hồ ngắm cảnh hai bên đường.

Trở lại câu chuyện đến viếng thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Nghe kể ngày xưa Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc vào động Thiên Thai. Không biết cõi thiên thai họ gặp ra sao, nhưng từ lúc mới bắt đầu ngồi đò sang thiền viện tôi đã có cảm giác cảnh thần tiên là đây rồi, không cần phải mơ đâu nữa.

Từ xa đã thấy thiền viện ẩn hiện giữa lòng hồ Truồi, bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ, rừng thẳm. Mặt hồ nước xanh trong, là đà sương khói, không hề có sinh hoạt của con người làm xáo trộn sự an nhiên tĩnh tại của thiên nhiên, ngoại trừ tiếng máy chạy đò. 

Tôi lại ăn cắp tiếp đoạn tả thiền viện của trang vntrip, vì họ tả chính xác và hấp dẫn hơn tôi :

Rời đò chúng ta đi hết con dốc lên lưng chừng đồi, thiền viện dần hiện ra như bức tranh thiên nhiên sinh động, núi rừng chập chùng, cỏ cây chen đá tô điểm thêm sắc hoa.
Bên dưới tiếng suối reo như hát vọng lại, cùng giọng muôn chim đua nhau hoà điệu. Con người như càng nhỏ bé trước cảnh vật, rồi dần chìm lắng vào hư không chỉ còn thiên nhiên thơ mộng.
Khí hậu ôn hoà từ 19–21 độ C nhờ độ cao 1450m và đón nhận hai luồng gió từ biển và lục địa thổi vào.

Trang nầy còn tả nhiều chi tiết rất thú vị, nếu ai có hứng thú thì vào web ấy để nghiên cứu thêm.

3/-
Thiền viện có tất cả sự trang nghiêm, tráng lệ, thanh tịnh mà chúng ta ít nhiều đã từng chiêm ngưỡng ở các ngôi chùa nổi tiếng khác.
Tôi không có ý định tả chi tiết về thiền viện, mà viết chuyện khác có liên quan đến chủ đề “tin thì sẽ có”.

Ngày hôm ấy chỉ lác đác chừng chục khách đến viếng nên rất yên tĩnh. Chúng tôi hơi thấm mệt vì sáng dậy sớm chạy xe từ Huế vào hơn 30 km, chặng đường đi khá vất vả. Hết ngồi moto cà rịch cà tang, còn phải lội bộ trên đường đất mòn, tiếp tục vượt qua khoảng đất bồi gập ghềnh có chỗ chưa khô hẳn. 
Đến bến ngồi chờ đò, chủ đò thấy ít khách nên ra điều kiện: một là chúng tôi phải bao nguyên chiếc nếu muốn đi liền, hai là phải chờ cho đầy khách là 20 người (hình như vậy) thì mới đủ tiền xăng dầu và công sức.

Sợ trễ nên chúng tôi đồng ý bao nguyên chiếc đò , để đi và về cho sớm trong ngày. Vì buổi tối có chương trình đi dạo trung tâm phố Huế, sáng sớm hôm sau  phải trực chỉ Đà Nẵng. Luôn luôn trên mấy con ngựa sắt già nua ấy.

Sau khi vào đốt nhang lạy Phật và nghe Thầy (không biết tên vì Thầy không nói) giải thích về nhánh tu thiền phái Yên Tử và sự tích xây cất chùa, đa số do tiền của những mạnh thường quân Phật Tử ở ngoại quốc cúng dường.

Chúng tôi đi vòng vòng quanh sân viếng phong cảnh và chụp hình–điều này không thể thiếu– .Lúc ấy đã 2 giờ trưa. Cảm thấy hơi mệt nên vào hành lang bên chái phía trái của thiền viện ngồi bệt xuống nền gạch mát rượi sạch bóng nghỉ ngơi, hứng làn gió trong lành từ rừng thổi tới, rung cành cây xào xạc.

Cách ngẫu nhiên, các cháu chọn một góc hành lang thiền viện để ngồi. Tôi đến nhập hội. Khi đã an vị xong xuôi, cúi xuống định cởi đôi basket cho đỡ nóng chân thì tôi sững người khi nhìn thấy nó, cách đôi giày của tôi chừng 2 phân.
Có nghĩa là mém chút thì tôi đã giẫm lên.

Ngay từ đầu cho đến khi ấy, các cháu và tôi đều hoàn toàn không nhìn thấy gì hết, thật lạ lùng.
Vậy có phải chỉ là ngẫu nhiên, hay có sự sắp đặt của đấng vô hình ? Sao hành lang bao bọc thiền viện cả ba mặt dài hun hút, mà chúng tôi lại chọn ngồi đúng chỗ nầy, và để chính tôi bắt gặp nó chứ không là các cháu tôi ?

 (còn tiếp...)
Thanh Hà

5 nhận xét:

  1. Hi bạn TH,
    Ui bài viết thật hay và lôi cuốn, cám ơn bạn đã cho KT được đi du lịch tưởng tượng với bạn và các cháu nhau.
    Mà độc thiệt sao lại ngưng ở cái khúc hấp dẫn nhứt dị bạn tôi ơi ! NÓ là ai ? Là gì ... đang hồi hộp và hơi tưng tức vì phải suy nghĩ và chờ đợi kỳ tiếp nè.
    Chúc bạn luôn vui khỏe để viết và thơ tiếp theo nha, KT đang chờ đó TH ơi .

    Trả lờiXóa
  2. Chào Kim Trúc,
    Bây giờ là chưa kịp sáng ngày thứ 7 bên nầy nữa, mà TH có thói quen thức sớm -vì đi ngủ sớm- mở blog THKT ra đọc thấy tin nhắn của KT , thấy vui ghê, đang cười mĩm chi đây nè.
    Cô cháu mình cũng nói y như KT, là ngưng lại ở chỗ khiến người ta hồi hộp. Lý do là bài viết còn dài nên phải chia ra cho kỳ tới, và nhất là TH bắt chước thủ thuật của mấy người viết truyện chuyên môn ngừng ở cái đoạn làm ra vẻ bí mật để cho độc giả chờ chơi vậy đó, he he.

    KT chờ thêm vài bửa nữa đi nghe, hy vọng TH còn đủ chữ để viết tiếp kỳ 2, và biết đâu còn kéo dài thêm ra kỳ 3 nữa...
    Chúc KT và gia quyến luôn bình an vui mạnh. À TH vẫn đón nghe và đọc nhạc , thơ của KT luôn luôn đó nhé. Thương

    Trả lờiXóa
  3. Chị Thanh Hà thân mến!
    TTH1 ơi!
    Em cũng cùng đi phiêu lưu theo Chị trong từng câu chữ ,từng đoạn đường Chị qua Và rất hào hứng cũng như hồi hộp theo dõi những diễn biến và tình tiết với điều mà chị “ tin là có thật “ đó , mà thiệt như chị Trúc nói ... ác ghê nha bị đứt nửa chừng hihi
    Đọc bài viết của chị cũng làm em nhớ lại lần về VN cuối năm 2019 , đầu năm 2020 , em cũng có cuộc phiêu lưu xe moto nhưng từ Đà Nẵng tới cửa ải Hải Vân cùng 3 đứa cháu trai , nhớ lúc đó thật thích thú và hăng hái nhưng vì phải trở lại Đà Nẵng ngày hôm đó và vì vào tháng đó trời đầy mù sương nên tụi em chỉ ghé qua cửa ải Hải Vân rồi về ngay ...
    Em đang chờ bài viết sau của chị vì em cũng đang rất muốn biết chuyện gì đã xảy ra với 2 chú bướm đen viền vàng này Vì em cũng là người không tin mấy những chuyện như vậy nhưng em đã Trãi nghiệm nên giờ em cũng tin là có ...
    Cuối tuần rồi , em chúc Chị Thanh Hà TTH1 thật nhiều niềm vui khỏe và an lành nha !
    * Tái bút : em hóng chờ bài viết kế tiếp của Chị nha ....
    Thân mến
    TTH2

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyển lời giùm cho chị Thanh Hà:

      “ TTH 2 thương,
      Chị TTH1 có xem NL hát Lặng Lẽ Nơi Nầy, trong đó có cảnh NL đi dưới hàng hoa anh đào phải không , tay vin cành . Cảnh đẹp hoà quyện với tiếng hát chơi vơi nức nở như lời thầy Hoàng nói đó, rất nên thơ lẵng mạn.
      Cám ơn NL đã đọc bài chị viết, vậy NL với KTruc bị rơi vào bẫy của chị là cố tình ngưng ở đoạn đó để khiến người đọc tò mò chờ đọc tiếp . Cái TTH 1 nầy ranh mãnh quá trời chưa ?🤪
      A giờ lại được biết thêm là NL cũng có máu phiêu lưu bằng moto giống chị nhỉ.
      Mấy cháu chị đọc lại chuyện này lại nổi hứng đề nghị mai mốt dì cháu đi chơi miền Trung bằng moto tiếp nữa.
      Chị đang viết tiếp câu chuyện , hy vọng tìm đủ chữ để diễn tả. Viết một hồi đọc lại thấy nó dở ẹc hà, nản quá nên ngưng để đó, chờ lúc khác mới viết tiếp .
      Chúc TTH 2 và gia quyến luôn bình an vui mạnh. Giờ sắp mùa xuân nên mình thấy lên tinh thần hơn đúng không ?
      Mến,
      TTH1

      Envoyé de mon iPad

      Xóa
    2. Chị TTH1 thương ơi !
      Em cảm ơn đã nghe em hát nha , Đó là những bức hình em chụp trong vườn almond đó chị , cũng là lần đầu em biết hoa hạnh nhân lại đẹp và mơ màng mê lòng người như vậy , một màu trắng xoá cả khung trời luôn Chị ơi!
      Nói thật là lần đầu em phiêu lưu moto đoạn đường dài như vậy đó , tuy em thích đi chơi lắm nhưng mà nhát hít hà , cái gì cũng sợ hết á hihi với lại ít khi nào mà mấy đứa cháu có cùng thời gian rảnh , hứng chí mà đi như vậy lắm ...
      Em cũng vậy đó , có khi hát một bài hát rồi nghe tới nghe lui vẫn thấy dở , thế là để qua một bên một ngày khác nghe lại là có cái nhận xét chính xác nhất , lúc đó mới quyết định chọn nó hay hát lại , có khi cũng do cảm xúc của mình lúc đó nữa , Bây giờ là mùa xuân nên khí hậu cũng ấm dần lên , ngoài trời sẽ sáng hơn ... Vậy là chị đang thấy yêu đời hơn rồi phải hôn !
      Em mong chị sẽ thật vui vẻ yêu đời , an lành và hạnh phúc nữa nha Chị !
      Thương mến
      TTH2

      Xóa