Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 21

Thánh Địa Mỹ Sơn:
Hai Con Bướm Đen Cánh Viền Vàng (phần 2)
Tùy bút của Thanh Hà 


1/-

Trước cổng Trúc Lâm Bạch Mã
Nhắc lại, sau khi đã cúng Phật, thăm phong cảnh chung quanh thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã-Huế xong, sáu dì
cháu tôi ra hành lang bên chái thiền viện ngồi nghỉ trước khi xuống bến lấy đò trở về đất liền. 

Không biết chỉ là tình cờ hay có sự sắp đặt vô hình nào chen vào mà lúc cúi xuống định cởi đôi basket cho mát chân, thì tôi bắt gặp con bướm đen, đôi cánh mở hờ hửng, cạnh đôi giầy của mình chừng 2 cm ! 
Nhưng nó bất động, không còn sự sống nữa.

Con bướm màu đen nhung tuyền, khá to, rộng khoảng nửa bàn tay người lớn, có đường viền vàng dọc theo phần dưới đôi cánh. 
Chỉ nhìn bằng mắt thường, cũng nhận thấy thân và màu sắc bướm vẫn còn tươi. Có nghĩa là nó vừa chết không lâu.

Lúc chờ đò qua thiền viện

Thoạt tiên tôi ngạc nhiên, kêu lên:
—A, có con bướm nằm ngay dưới chân má tư (m4 ) nè mấy đứa.
Các cháu tôi thấy lạ, xúm lại quan sát rồi mỗi người một câu :
—Hay thật. Sao nó lại nằm ngay dưới chân m4, mà không phải chỗ tụi con ha.
—Mà cái gì xui khiến m4 ngồi đúng chỗ nó nằm vậy?
—Chắc là dượng tư theo hộ vệ chúng mình đó m4.  
—Dượng tư theo bảo vệ m4 mới chính xác hơn.

Cầm xác bướm đặt lên bàn tay. Nghe các cháu nói, tôi chạnh lòng nghĩ đến chồng. Chúng tôi xa nhau hơn năm rưỡi rồi. Kẻ dương gian, người cõi hư vô.

Nhân gian tin loài bướm tượng trưng linh hồn người đã mất hoá thân bay về thăm viếng, hay báo trước một tin vui, điềm hoạ nào đó cho người còn ở lại.
Họ cho rằng bươm bướm màu đen, vàng, nâu, vàng pha trắng mang điều lành, may mắn, hạnh phúc, tình yêu…
Ngược lại, bướm trắng, bướm đen có đốm dữ tợn mang hung tin, bệnh tật, tai nạn…

Tôi nửa tin, nửa ngờ. Vì đâu dể gì tôi tin ngay những chuyện mơ hồ như vậy.

Rồi lập luận chẳng qua người ta có khuynh hướng tin vào mấy chuyện siêu nhiên hoang đường nên sáng tạo ra huyền thoại. 
Mặt khác, tôi tự thuyết phục là nếu đúng như mọi người nói thì ít ra tôi cũng được an ủi là chồng lúc nào cũng bên cạnh bảo vệ trên từng bước đường đi. Dù không thấy anh bằng xương thịt nhưng anh luôn hiện diện trong tâm tưởng trong trái tim. Nhờ nghĩ vậy nên nỗi sầu đau cũng vợi bớt phần nào.
hể tin là có.

Sau đó tôi cũng quên đi câu chuyện nầy.

2/-
Chúng tôi tiếp tục cuộc du ngoạn Đà Nẳng, Hội An, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà nơi chùa Linh Ứng có tượng Phật Quan Âm cao 67m, núi Tiên Sa…bãi biển với những resort, khách sạn lộng lẫy kiêu sa nối tiếp nhau chạy dài hằng nhiều cây số, chẳng thua kém gì ở quốc gia tây phương. 

Ngày cuối ở Đà Nẵng, chúng tôi quyết định đi thăm Thánh Địa Mỹ Sơn, nơi có di tích đền đài của người Chăm còn sót lại. 

Theo Wikipedia :
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc quận Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 69 km gần thành cổ Trà Kiệu, có nhiều đền đài Chămpa nằm trong thung lũng đường kính 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Được xem là một trong những trung tâm đền đài Ấn Độ Giáo chính thống thuộc khu vực Đông Nam Á. Được bình chọn là di sản văn hoá thế giới.

Thông thường 69km chúng ta chỉ chạy khoảng 45’, 50’ là đến nơi. Nhưng ở V N nhà cửa đông đúc, đường phố không được rộng rãi nên mất nhiều thời gian hơn. Với ba con ngựa sắt già cằn, mà Google Map lần này chỉ đường không rõ ràng nên chúng tôi tuỳ cơ ứng biến, chốc chốc ngừng lại hỏi thăm mấy người dân ngồi ngoài hiên nhà hoặc quán hai bên đường.

Họ vui vẻ chỉ dẫn. Nhưng có người không biết Mỹ Sơn chỗ mô nên chỉ sai hướng, nên chúng tôi cứ lẩn quẩn loanh quanh quay tới quay lui nhiều bận. 

Đặc biệt, có một người đòi phải trả tiền thì mới chỉ. Các cháu tôi nghe vậy cám ơn rồi lên xe chạy tiếp. Kể ra đưa tiền cho họ cũng chẳng tốn bao nhiêu. Nhưng các cháu tự ái, nghĩ sự tử tế giờ sao hiếm hoi, cái gì cũng tính bằng tiền, nên nhất định không chịu chi ra đồng nào “cho bỏ ghét thói tham lam”.
Đó là trường hợp riêng lẻ, ở đâu cũng gặp.

Trong số người tử tế, có một người đàn ông trung niên ngoài 50, rất sốt sắng, giải thích cặn kẻ chi tiết. Cuộc đối thoại như sau :

Cả đoàn tấp xe vào lề, hai cháu xuống xe mở mạng che mặt, lễ phép hỏi người trung niên đang đứng chăm sóc cây kiểng trước sân :
—Thưa chú cho con hỏi thăm phải đường này đi đến thánh địa Mỹ Sơn không chú ?

Ông liền ngưng việc, đi ra tận lề đường nơi dì cháu tôi đậu xe, và bắt đầu nói. Ông nói như thế này (hy vọng là sau mấy năm tôi vẫn còn nhớ gần đúng những chữ ông phát âm):
Các êm cứ đi thẻng đèng trước mẹt, khoẻng trem thước, thì tháy có hai con đường, tré vè phẻ. Các êm đừng rẽ tré, mà nhớ rẽ phẻ là đi đúng hướng tới Théng Địa Mỹ Soan đoá.

Và còn giải thích một tràng gì nữa mà chúng tôi không hiểu nổi.
Chúng tôi cứ im lặng. Như trời trồng. Ai ngồi xe thì cứ ngồi trên xe. Ai đứng thì cứ đứng. Không đáp lời hay hỏi thêm gì hết. 
Vì đâu có hiểu ông nói gì, ngoại trừ loáng thoáng mấy chữ đừng rẽ tré, moà rẽ phẻ được ông lập đi lập lại nhiều lần.

Có lẽ thấy bộ mặt ngơ ngác của hai đứa ( không che mạng ) và sự nín thinh thít của cả nhóm chứng tỏ là không hiểu, nên ông lập lại những gì vừa nói. 
Lúc đầu tôi chỉ nghe được mấy chữ rẽ tré với rẽ phẻ , mà tôi cố đoán nhưng vẫn hoàn toàn mù mờ. Tôi tưởng ông khuyên chúng tôi ngừng lại nghỉ ngơi cho khoẻ ( mà ông phát âm thành phẻ) rồi hãy đi tiếp.

Chúng tôi quá bối rối, cứ ấm ớ như thể vịt nghe sấm. 

Thấy thế ông kiên nhẫn lập lại nhiều lần. Có kèm theo cử chỉ cánh tay đưa ra bổ túc cho đừng rẽ tré, mà rẽ phẻ, như người Việt nói tiếng Anh, Pháp luôn kèm động từ “tu quơ” vậy. Tức là quơ tay quơ chân diễn tả thì người đối diện mới hiểu đó mà.

Nhờ ông vừa nói vừa quơ tay chỉ trỏ con đường nên sau cùng chúng tôi nghiệm ra. Rằng :
—Các em cứ đi thẳng đằng trước mặt, khoảng trăm thước thì thấy có hai con đường, trái và phải. Các em đừng rẽ bên trái, mà rẽ bên phải thì mới đúng hướng.

Các dì cháu tôi “chợt bừng tỉnh cơn mơ”, hiểu ý của ông. Nên cả sáu đồng thanh cảm ơn ông đã mất thời gian chịu khó giải thích đường cho chúng tôi.
Ông cười ngoác miệng, có vẻ sung sướng vì đã làm cho lũ dân Nam Kỳ nầy hiểu lời ông nói.

Chắc ông là dân xứ Quảng vào đây lập nghiệp. Vì hai vợ chồng bạn thân người Đà Nẵng của tôi nói rất dể hiểu.

3/-
Nhờ nghe lời ông đừng rẽ tré, mà rẽ phẻ nên chúng tôi chạy một mạch mấy chục cây số tới tỉnh Quảng Nam, theo bảng có mũi tên chỉ đường quẹo vào Thánh Địa Mỹ Sơn mà không còn phải hỏi thăm ai nữa.

Trên đường đi, tôi ngồi sau lưng cho một cô cháu khác ( là em của cô chỉ huy nhóm) chở. Nhớ tới người đàn ông tử tế, tôi nhắc lại với cháu:
—Hồi nãy con có hiểu lời ông ấy nói không vậy ?
—Dạ không. Con không hiểu một chữ nào hết m4.
—M4 cũng vậy. Ổng nói cái gì mà….

Rồi tôi thử phát âm theo cách của ông ấy cho cháu nghe.
Cô nầy tính trầm lặng, ít nói dù hưởng ứng mọi trò vui. Chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng chậm lại loạng choạng, tôi tưởng có trục trặc máy móc. Lại thấy bờ vai của cháu cứ rung rung không ngừng. Tưởng cháu bị trúng gió, hỏi chuyện gì vậy con, thì cháu trả lời ngắc ngứ trong cuống họng không rõ làm tôi càng quýnh. Cháu phải lập lại lần nữa tôi mới hiểu:
—Má tư đừng có kể nữa, làm con cười nôn cả bụng rồi, con lái xe không được nè m4.
A thì ra cháu cười rung cả người không lái xe được chứ không phải bị bịnh bất tử. Ai biết cô cháu nầy cũng có máu hài hước giống dì của mình.

Đây chỉ là kể cho vui, chứ tôi không có ý chế giễu, xúc phạm giọng nói vùng miền nào hết. Tỉnh Rạch Giá đa số người ta phát âm chữ R thành G hết đó thì sao.

Đã chật lất gồi mà còn nói mình ên nữa chứ. 
Hỏi sáng nay anh, chị đi guộng hả ? Ừ tui đi ga guộng bắt dài con cá gô về chiên dí nấu canh. Nhiều ăn hổng hết thì đem gộng lại bửa sau ăn tiếp…v..v..

Hồi nhỏ tôi cũng nói như vậy đó. Giờ vẫn còn nói vần V ra vần D.

Dân Cao Lãnh quê ông ngoại tôi thì nói chữ TR thành T, ông trời thành ông tời…

4/-
Thánh Địa Mỹ Sơn.
Qua cổng, chạy đoạn ngắn đến nơi bán vé, bên trái là parking gởi xe. Sau đó đi bộ tiếp vài trăm mét nữa mới đến tận nơi có các đền đài xây dựng hàng ngàn năm của vương triều Chăm một thời huy hoàng, có khán phòng nơi trình diễn ca nhạc vũ hội..v..v..
Thật may mắn , chúng tôi đến đúng vào lúc bắt đầu trình diễn vũ điệu Apsara huyền thoại làm rộn ràng cả vùng đất yên tỉnh. Ngoài ra có các nghệ sĩ chơi nhạc cụ Chăm, nghe trầm hùng, ma lực lẫn man dại tiếng vọng thâm sâu của núi rừng.

Một kiến trúc trong Thánh Địa Mỹ Sơn

Màn trình diễn nầy lôi kéo tâm hồn tôi tưởng tượng bay đến thời xa xưa khác. Tôi như nghe văng vẳng lời ca u trầm thống thiết Hận Đồ Bàn, khóc thương cho một kinh thành, một quê hương đã mất:

Rừng hoang vu
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù

Vạc kêu sương
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường
Đàn đóm vương
Như nhắc ai trong lúc đêm trường về…
…Người xưa đâu ? Người xưa đâu ???
( Hận Đồ Bàn, Xuân Tiên )

5/-
Trở lại lúc đầu xe vừa qua cổng thánh địa, ba dì cháu xuống đứng chờ ba cô cậu kia đem xe vào bãi gởi. 
Đó là khoảng đất lộ thiên trống trải. Trời trưa nắng tháng hai miền Trung như đổ lửa lên đầu lên mặt. 

Tôi lấy nón rơm đội lên che nắng, đi lại gần các cháu. Bỗng một cháu đưa cánh tay ra xua xua, hấp tấp nói :
—Khoan khoan m4, m4 coi chừng bước chân kẻo lại giẫm lên nó à.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
—Sao? Có chuyện gì ?
—M4 nhìn xuống chân coi.
Tôi cúi xuống nhìn. Ô kìa, lại một xác bướm đen cánh viền vàng nằm bất động ngay dưới chân tôi nữa !!!

Tôi ngẩn ngơ, ngó quanh quất. Chung quanh là khoảng không gian trống tênh, dưới chân trơ trụi chỉ toàn đất với đất không hề mọc một cọng cỏ. Trên đầu là bầu trời xanh ngắt lẫn nhiều cụm mây trắng bềnh bồng. Những cây cổ thụ cách xa hàng trăm mét. Con bướm nầy từ đâu bay tới, rơi xuống nằm chết sẵn ở nơi mà tôi định đứng chờ các cháu đang vào gởi xe? 

Nơi đứng chờ rất rộng, du khách không đông đúc. Tại sao chúng tôi lại đứng đúng vào chỗ có con bướm đen nằm chết mà không chọn đứng nơi nào khác ?

Tôi cầm xác bướm lên quan sát. Vẫn màu đen nhung tuyền, vẫn to bằng bề ngang bàn tay xoè, vẫn cánh viền vàng, xác tươi nguyên không hề lấm bụi dù nằm dưới đất pha cát vàng. Chứng tỏ là nó vừa qua đời không lâu.
Như thể hai con bướm là một.

Lần đầu gặp xác bướm ở thiền viện Trúc Lâm, tôi còn nghi ngờ chỉ là sự ngẫu nhiên. Nhưng đến lần thứ hai nầy, thì…

Nếu tôi đứng dưới những tàng cây xanh cổ thụ hay cạnh các khóm hoa thì còn giải thích việc xuất hiện của bướm vờn chung quanh để hút mật là chuyện bình thường. Đàng nầy tôi đứng giữa không gian trống trải, khô khốc, ngay cả gió còn không có !!

Các cháu tôi lại bàn tán tiếp :
—Chắc chắn là dượng tư đi theo bảo vệ m4 thật đó.
—Vì sao mà có sự trùng hợp kỳ lạ thế. Cả hai con bướm đều nằm chết ngay dưới chân m4 như thể cố tình cho m4 thấy vậy.
—Chỗ nầy đất khô cằn, cỏ còn không mọc thì bướm từ đâu bay đến nằm chết ngay đây. Mà xác còn tươi nguyên. Không hiểu nó định mang thông điệp gì ?!

Lòng tôi rúng động. Nhờ mang kính màu chống chói nắng nên không ai thấy mắt tôi ươn ướt.

Nếu cho rằng linh hồn chồng hoà nhập vào bươm bướm để theo bảo vệ tôi , thì tại sao lại là xác con bướm chết mà không là bướm đang bay ?
Cả hai lần tôi đều mang xác bướm đến chỗ các gốc cây cổ thụ, thả vào không gian nhờ gió mang theo hoà với đất.

Phải đợi mấy ngày sau, khi trở lại Huế, tiếp tục khám phá đất thần kinh, thăm thành nội, lầu đài…
Buổi chiều nhạt nắng từ lăng Khải Định quay ra phố, xảy ra một tình tiết nữa thì tôi mới thật sự tin : điều gì tin thì sẽ có.

(còn tiếp.. )

Thanh Hà



4 nhận xét:

  1. Tui nhớ hồi xưa khi còn xống ở Gạch Dá, mỗi lần bà quại tui chống xuồng đi ga guộng hay ga gẩy là tui ở nhà mình ên dí dì Chúc ( Trúc ), dỉ mê chồng bông nên hay xai tui xách cái gổ ra chợ mua cá gô dìa bỏ dô thùng phi gọng nước , cá gô nhảy nghe gột gột dui ơi là dui, tui đương ngái ngủ nghe kiêu là hai con mắt dẫn còn dính ghèn tui cũng ba chơn bốn cẳng chạy đi cho lẹ, hỏng thui dì chúc bả nổi xùng quýnh dô đít tui đau lắm ...hihihi tui cũng dân Gạch Dá Chánh hiệu con Nai dàng nè bạn TH ơi .

    Hi bạn TH, cám ơn bạn tiếp tục cho KT đi du lịch tưởng tượng với bạn, thích ghê ...
    TH ơi đúng là TIN LÀ CÓ BẠN HÉ, mà nếu niềm tin của mình lạc quan và đầy thương nhớ và tin tưởng là người bạn đời về hộ mạng cho mình thì càng tốt hơn nữa hé.
    Mình chờ để đi du lịch tiếp tục với bạn nè, mong là đừng chờ lâu quá nha.
    Mến chúc TH luôn vui, khoẻ lạc quan như nụ cười của bạn hé.
    Thương
    KT
    Dừa đi mần dìa thấy có bài của bồ là tui nhào dô coi liền đó.

    Trả lờiXóa
  2. Hello Ki Trúc
    TH viết lại lần này nữa là lần thứ ba , mà nó biến mất thì TH lại phải nhờ Hoa Trần chuyển giùm đây, tức quá rồi.
    TH đọc nhận xét của KT mà cứ cười hoài không ngưng, thì ra cô bạn của tui cũng có máu hài hước quá chừng. Tưởng tượng một ngày nào mình có dịp gặp nhau- họp mặt liên trường chẳng hạn, nếu lúc đó hết covid- chắc vui lắm.

    TH cám ơn Kim Trúc luôn khích lệ cho mấy bài viết của TH ( cũng như TTH2 nữa). Để TH cố vắt óc để cho ra chữ mà viết tiếp kỳ tới. Mấy bài thơ KT hay lắm, còn vọng cổ thì mùi như nghệ sĩ cải lương á.
    Chúc KT và gia quyến luôn bình an mạnh khoẻ, hạnh phúc nhé . Thương, TH

    Trả lờiXóa
  3. Chị TTH1 thân ơi
    Hôm nay, lại được phiêu lưu cùng Chị TTH1 tiếp tục . Hôm qua , đáng ra đã đọc bài viết của Chị TH gồi , mà đang đọc đến giữa chừng thì có điện thoại gọi.... hôm nay tiếp tục phiêu lưu cùng Chị TH và được một phen cười thoải mái với phần hỏi đường cùng người dân địa phương mà quẹo phẻ , quẹo tré theo , chắc em cười cũng gần giống như cô cháu gái , làm cho Chị TTH 1 tưởng bị bệnh luôn đó .
    Em chờ đọc tiếp phần sau xem điều gì đã làm Chị TH thật sự tin vào những điều vô hình là thật ... Với em thì chuyện những chú bướm như một sự hiện diện của người thân đã khuất của mình là có thật vì chính em đã trãi nghiệm điều đó nhiều lần rồi ....
    Em chúc Chị TTH1 luôn vui , khỏe yêu đời để tiếp tục bài viết này và còn những bài kế tiếp nữa nha !
    Thương mến
    TTH2

    Trả lờiXóa
  4. TTH2 thương,
    Sáng hôm qua đọc tin của K Trúc đã khiến chị TTH1 có một phen cười quá trời, chiều nay lại đọc thêm lời của TTH2 làm chị thêm vui lần nữa. Cám ơn TTH2 đã chịu theo dõi bài chị và luôn khích lệ nhé. Chị cũng đang viết phần tiếp theo, hy vọng là mình diễn tả được những gì mình nghĩ cho rành mạch.

    Thế TTH2 trải qua chuyện bướm hoá thân cho người thân yêu đã khuất ra sao, em viết bài kể cho mọi người cùng nghe với, giờ chị cũng háo hức muốn nghe em kể lắm.
    Còn người nói tiếng địa phương nghe vui vui- như dân Gạch Dá của chúng mình dzị. Mỗi vùng miền có những đặc tính riêng của vùng ấy, đều mộc mạc và..dể thương cả, đúng không.
    Chúc TTH2 luôn bình an vui mạnh, và có thêm những bài hát, bài thơ mới nữa.
    Thân, chị TTH1

    Trả lờiXóa