Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Trên Xứ Sở Thanh Bình

 Tùy bút của Thanh Hà 

*** Chút ân tình cho Thuỵ Sĩ, quê hương thứ hai của tôi. TH

Lần đầu tôi biết Thuỵ Sĩ là nhờ học về môn địa lý thế giới ở trường trung học ngày xưa, tôi rơi vào tình yêu (tomber amoureux) ngay lập tức. Ao ước sau nầy mình sẽ được sống trên xứ sở có phong cảnh hữu tình đẹp như tranh, thể chế  chính phủ độc nhất vô nhị; người dân hiếu hoà, ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng cao.

Khi ước mơ của tôi trở thành hiện thực, Thuỵ Sĩ không hề làm tôi thất vọng mà tình cảm tôi dành cho xứ sở tuy nhỏ bé về diện tích nhưng được mệnh danh là thiên đàng trên hạ giới này càng thêm gắn bó đậm sâu.
Đây đích thực là quê hương thứ hai đáng sống của tôi.

Thời kỳ người Việt bất chấp hiểm nguy chìm tàu, hải tặc, bắt bớ, tù tội lũ lượt kéo nhau ra biển vượt biên, tôi tâm sự với mẹ nếu như tôi may mắn thành công thoát được tôi sẽ ghi nguyện vọng định cư Thuỵ Sĩ chứ không là quốc gia nào khác.
Thời gian ấy ba tôi bị tù cải tạo ở rừng U Minh, mẹ kêu đợi khi nào ba về rồi cả gia đình cùng đi, vì người em của ba cảnh cáo nếu như mẹ tôi để cho một trong chị em chúng tôi ra đi thì ba tôi có nguy cơ bị tù vĩnh viễn không ngày về.
Sáu năm sau ba được tha về, thì hải tặc hoành hành trên biển càng dữ dội, các cuộc bắt bớ càng ráo riết, em của ba lại khóc lóc nói ông bà nội mất chỉ còn có mấy anh em nếu ba tôi bỏ quê hương đi nữa thì chắc tới chết anh em không bao giờ còn cơ hội gặp nhau. Thế là ba tôi xiêu lòng không tính chuyện đi, sau này có chương trình H.O ba cũng không làm thủ tục.

Rồi các chị, em gái tôi lần lượt lấy chồng. Cậu em trai 19 tuổi bàn với nhóm bạn cùng trang lứa góp tiền vàng mua chiếc tàu nhỏ, dầu, lương thực.. liều mình bất chấp giông bão, cướp biển may mắn vượt thoát sang bến bờ tự do. 
Thời gian ấy Cao Uỷ LHQ đã đóng lại chương trình tiếp nhận thuyền nhân tỵ nạn, tôi vẫn tiếp tục ôm giấc mộng Thuỵ Sĩ nhất định không chịu lên xe hoa dù trước mắt tôi không thấy có cánh cửa nào mở ra cho mình. Không thể vượt biên bằng thuyền ra biển, không bằng đường bộ qua Cam Bốt, Thái Lan, không theo cha mẹ diện H.O, nhưng tôi vẫn có niềm tin lạc quan là một ngày không xa tôi sẽ đạt ý nguyện, dù không biết bằng cách gì, khi nào.

Như truyện cổ tích, giấc mơ Thuỵ Sĩ của tôi trở thành sự thật vào đầu những năm 90 lúc tôi không ngờ nhất. Đến nổi khi đã bình yên tại vị trên xứ sở hiền hoà này cả năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn còn bàng hoàng tự hỏi : có thật mình đang sống tại Thuỵ Sĩ không vậy ?!
So với những người Việt xa quê hương thì tôi có hai điều may mắn: 
– Tôi không phải trải qua hành trình gian nan nguy hiểm dù sang đây muộn màng hơn nhiều người khác.
–Về phương diện tinh thần tôi tuy cũng bắt đầu cuộc đời mới từ zero, nhưng không phải lo vấn đề cơm áo gạo tiền mà chỉ chuyên tâm học hỏi ngôn ngữ, phong tục tập quán của người bản xứ để mau hoà nhập thích nghi vào xã hội.

Nhớ ngày đặt chân đến phi trường quốc tế Geneva buổi sáng đầu tháng 9, tôi chỉ mang theo một valise quần áo, và bốn bức tranh khảm xà cừ Ngư Tiều Canh Mục do bạn tặng quà cưới. Lần đầu xuất ngoại cũng là lần đầu tiên đi máy bay, tôi như người rừng lạc chợ, tiếng Anh tiếng Pháp trả hết cho thầy cô sau bao nhiêu năm không thực hành, chỉ đọc và viết được chút ít, tôi liều lấy hết can đảm đi một mình vì biết là có người yêu tôi chờ đón.
Từ Tân Sơn Nhất lấy phi cơ Air France quá cảnh qua phi trường Charles de Gaulle-Paris, Pháp. Từ đó lại chuyển qua hãng AA của Mỹ mới sang Thuỵ Sĩ. Phải xử dụng hai thứ tiếng, may là chỉ cần trao đổi vài câu thông thường đơn giản, nên chuyến đi suông sẻ.

Khi đến nơi, tôi lo lắng không biết lối ra cổng, không biết tìm hành lý ở gate nào nên cứ chạy lung tung hỏi han nhân viên phi trường bằng cái vốn Pháp văn nghèo nàn, thế mà họ cũng đoán ra được và hướng dẫn tôi chính xác. Đến khi nhận valise xong thì những hành khách đi chung chuyến đã lần lượt ra khỏi cổng còn tôi là người cuối cùng. Ông hải quan chận tôi lại chỉ vào cái gói carton bề dầy hơn gang tay hình chữ nhựt dài hơn thước, nói gì tôi chả hiểu, chỉ đoán ý nên tôi trả lời mỗi câu: đó là bức tranh. Ông hỏi tiếp câu nữa thì tôi..bí , chỉ lập đi lập lại mỗi chữ bức tranh. Ông lấy dao cắt mối dây buộc mở gói ra xem. Nhìn thấy bức tranh ông lại hỏi tiếp, tôi đứng ngẩn tò te nhìn ông. Ông lắc đầu dang hai tay tỏ ý bất lực. Bỗng như thần giao cách cảm, tôi ngẩng nhìn lên tầng lầu cách không xa, thấy chồng đứng chờ. Hai chúng tôi vẫy tay chào nhau. Mừng quá, tôi liền lắp bắp ráp chữ: chồng tôi đang chờ tôi ở trên kia, vừa chỉ cho ông thấy chỗ anh đứng.
Ông ngoắc tay ra dấu, kêu chồng tôi vào. Cả ông và tôi đều thở phào nhẹ nhỏm vì giải quyết tình thế lưỡng nan kẻo không biết còn nhùng nhằng ở đó đến bao giờ.
Chồng tôi sau đó kể là ông hỏi giá trị bức tranh –chắc để đóng thuế– anh giải thích đây là quà cưới của chúng tôi, thì ông chúc mừng và cho chúng tôi đi mà không đòi giấy chứng minh giá tiền bức tranh nữa.
Vừa đặt chân xuống đất Thuỵ Sĩ, giây phút đầu tiên tiếp xúc với nhân viên phụ trách an ninh phi trường, tuy bất hoà ngôn ngữ mà thái độ họ rất hoà nhã lịch sự, không hoạnh hoẹ đòi hỏi thủ tục đã cho tôi một cảm nghĩ tốt đẹp ngay.

Về nhà còn xa 150 km, dọc theo xa lộ tôi có dịp nhìn thấy các vườn trồng táo, mơ, đào, nho… những cánh đồng cỏ xanh tươi xa xa các ngôi nhà xinh xắn nằm ẩn hiện sau những cây cổ thụ, khung cảnh thật êm ả làm sao.

Thuỵ Sĩ một quốc gia có nhiều điểm rất đặc biệt:
—Là liên bang gồm 26 canton hợp lại, tuy dân số chỉ 8,5 triệu và diện tích 41,285 km vuông  được bao bọc bởi Pháp, Ý, Đức, Áo, theo thể chế trung lập, dân chủ.
—Có bốn ngôn ngữ quốc gia mà ba được xử dụng chính thức trong văn bản hành chính : Đức, Pháp, Ý. Và Romanche được xử dụng một phần. Ai ở vùng nào thì nói theo ngôn ngữ vùng ấy. Người nói tiếng Đức chiếm đa số, lần lượt vùng Pháp, Ý. Thí dụ như tôi sống thuộc vùng nói tiếng Pháp nên ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, văn bản chính thức, báo chí, truyền thông… đều bằng tiếng Pháp. 
Tuy vậy, khi tôi có dịp sang vùng nói tiếng Đức, Ý tôi vẫn thấy thân thuộc chứ không hề mang cảm giác như mình sang quốc gia khác. Có lẽ vì cả ba vùng miền đều chung nền văn hoá, luật lệ, cách ứng xử…dù ngôn ngữ khác nhau chăng ?

—Hội đồng liên bang là cơ quan lãnh đạo tối cao của Thuỵ Sĩ, gồm có bảy Cố Vấn( conseillers) tương đương chức Bộ Trưởng, nhiệm kỳ bốn năm, mỗi cố vấn phụ trách một bộ. Tổng thống cũng là một trong bảy cố vấn được bầu chọn bởi Quốc Hội Liên Bang, nhiệm kỳ một năm. Quyền lực các cố vấn ngang nhau. 

—Cứ mỗi lần quốc hội hay đảng phái đề nghị đạo luật đều trưng cầu ý kiến toàn dân. Vì vậy mỗi năm chúng tôi nhiều lần đi bầu cử. Ngày xưa phải đến các địa điểm có phòng phiếu, hơn chục năm sau nầy thì dân có thể bầu bằng thư gởi qua bưu điện và e-mail, rất tiện lợi.
Người Thuỵ Sĩ quan tâm đến mọi khía cạnh xã hội, chính trị, văn hoá, kinh tế. Họ đồng hành cùng chính phủ, bởi họ hiểu rằng tiếng nói của họ được lắng nghe. Tôi rất thán phục họ về lòng tự trọng và yêu nước hiếm thấy. Mà hai thí dụ dưới đây là điển hình :
*Dự luật đề nghị cho bất cứ công dân mỗi tháng lãnh 2500 frs (tương đương 2700 đô Mỹ) bất chấp người ấy có công ăn việc làm hay không, trẻ con lãnh 625 frs. (700 USA ) 
Kết quả : Hơn 2/3 dân từ chối nhận tiền miễn phí từ chính phủ nên dự luật không thành công.
*Dự luật hỏi ý kiến dân có đồng ý trả tiền mua coupon lưu thông trên highway mỗi năm thay vì 20 frs thì sẽ tăng thành 40 frs.
Kết quả : dân đồng ý trả tiền coupon lên gấp đôi.


—Thuỵ Sĩ nằm trong số hiếm quốc gia có môi trường không khí sạch sẽ trong lành nhất. 
- Thuỵ Sĩ không có biển, chỉ có sông, hồ, ao, núi, rừng tuyệt đẹp.

—Tôi ở đây hơn 30 năm mà không hề thấy người xin ăn nằm ngồi lây lất trước cửa chợ, lê la ngoài đường phố như các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Á khác.
Một lần, chúng tôi lên núi Cervin thuộc dãy Alpes chơi, phải gởi xe ở parking lộ thiên chứa được khoảng vài trăm chiếc, xong dùng télécabine đưa lên đỉnh. Lúc bước ra khỏi xe, chồng tôi rút ví bỏ túi quần sau đặt tạm lên nóc xe rồi bỏ quên. Tôi cũng không để ý. 
Lên núi chơi, trưa đói bụng vào restaurant ăn xong lúc anh tìm ví trả tiền thì không thấy đâu, tưởng bị rơi hay bị móc túi. May là tôi có mang theo, chứ không thì không biết lấy gì trả tiền ăn.
Đến chiều xuống núi, vào lấy xe. Ô kìa chiếc ví da đen lúc sáng nằm ngoan ngoãn trên nóc xe như thế nào thì giờ vẫn ở nguyên vị trí đó. Mà parking kẻ ra người vào suốt cả ngày không ngớt, vẫn không ai thèm đụng đến cái ví căng phồng nào thẻ ngân hàng, carte ID, thẻ hội viên, tiền giấy, tiền cent gì cả.

Lần khác vào mùa hạ chúng tôi dạo hồ ngắm cảnh, đi nhiều thấm mệt nên ngồi nghỉ chân trên cái băng
dài đặt rải rác dọc bờ, một đôi trai gái nhích ra nhường chỗ. Khi rời đi, tôi vô ý tứ bỏ quên iphone trên băng. Trời đẹp, bao nhiêu là dân bản xứ lẫn du khách đi lại nhộn nhịp, đôi lúc phải lách vai chen chân nhau mà tiến bước. Bỗng nghe có ai kêu gấp gáp sau lưng: Madame, Monsieur ! Ngoảnh lại, cô gái ngồi cùng băng ghế lúc nảy cầm cái iphone trao lại cho chúng tôi với nụ cười nồng ấm vừa thở hào hển vì chạy đuổi theo chúng tôi. Tôi vô cùng cảm kích với sự thiện lương của họ.

Thuỵ Sĩ không có tài nguyên khoáng sản thiên nhiên, chỉ nhờ vào sự cần cù chăm chỉ, tôn trọng chính xác giờ giấc, chịu khó học hỏi… nên được xếp hạng là một trong những quốc gia đáng ngưỡng mộ nhất để sống. Tôi không kể chi tiết về trung tâm tài chính, thương mại, kỷ nghệ: đồng hồ, ngân hàng, dược phẩm, du lịch, fromage, chocolat… 
Ngoài ra phải kể đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva lớn thứ hai sau trụ sở New York; hội Hồng Thập Tự, diễn đàn Kinh Tế Thế Giới; trụ sở Olympique thế giới…
Người Việt không thể không nhớ Hiệp Định 1954 chia đôi nước Việt lấy mốc vĩ tuyến 17 bên sông Bến Hải cầu Hiền Lương được ký kết tại Geneve, mà tôi được may mắn sinh ra ở miền Nam bên nầy vĩ tuyến.

Ở đây tôi muốn nhắc đến khía cạnh phong cảnh. Với những ngọn núi tuyết phủ vạn niên thuộc dãy Alpes. Những rừng thông ngút ngàn bốn mùa lá xanh không tàn. Những chiếc thuyền buồm nhởn nhơ rong chơi trên mặt hồ êm ả vào mùa hạ, thu nắng vàng ấm áp. Những cánh đồng lúa mì, lúa mạch, rẫy bắp rập rờn theo ngọn gió đong đưa. Trẻ con, người lớn trên những chiếc xe đạp luồn lách qua các con đường làng quê yên tĩnh. Xen đó đây đàn bò vàng mang bầu sữa trĩu nặng thong thả gặm cỏ, cổ mang vòng gắn quả chuông âm thanh ngân vang rộn rã. 
Một trong những tấm hình đầu tiên tôi chụp trên đất Thuỵ Sĩ là cảnh khi tôi yêu cầu chồng dừng xe lại trên con đường làng quê chụp tôi đứng cạnh đàn bò gặm cỏ. Chúng trông sung sướng mũm mỉm, cảnh vật thanh bình hạnh phúc làm sao.

Tôi đã may mắn được sống trên quê-hương-đích-thực của mình.

Thanh Hà
June, 2020




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét