Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 25

Phú Quốc - Đảo Ngọc
Ký sự của Thanh Hà


1/-Ngày 13.05.2022
Cổng vào resort VinOasis
Rời “Địa Trung Hải Phú Quốc”chúng tôi còn ghé Gành Dầu thăm vườn tiêu (không nhớ tên chủ nhân). Tiêu là một trong các đặc sản Phú Quốc nổi tiếng: tiêu, nước mắm, ghẹ, khô…
Hồ tiêu trồng ở đảo Phú Quốc nhờ thổ nhưỡng, khí hậu có vỏ mỏng, ruột đặc, vị cay, mùi hương không đâu sánh bằng. Tuỳ theo mức độ chín nên có ba loại: tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ. Tiêu đỏ gọi là hồng tiêu phẩm chất tốt nhất được thu hoạch lúc chín đỏ, còn giữ nguyên vỏ.

Muốn vào vườn tiêu, đầu tiên chúng tôi phải đi vào gian phòng thật lớn bày bán đủ các đặc sản địa phương và nhiều sản phẩm nội địa khác. Từ đó có cửa thông ra ngoài sân để đến khu vườn trồng tiêu. Như vậy bắt buộc khách phải dạo bước suốt chiều ngang chiều dọc cửa hàng nên không thể không nhìn thấy các món tiêu, cà phê, bánh trái, khô, nước mắm… được chưng bày hấp dẫn đập vào mắt; nên dù thoạt đầu không có ý định mua sắm gì nhưng rồi bị quyến rũ khó cưỡng, sẽ mua ít nhất vài món trở lên. Đây là nghệ thuật “dụ dỗ” rút hầu bao khách rất tinh vi khéo léo mà kẻ bán người mua đều hài lòng. Người bán vui vì thu được lợi, người mua sung sướng tưởng đâu mình may mắn vớ bở món hàng ngon rẻ, chính gốc nơi sản xuất. 

Nơi nầy gợi tôi nhớ vườn cà phê ở đảo Hawaii, cách sắp xếp y hệt. Chỉ một khác biệt là nơi ấy để thuyết phục khách còn được mời nhâm nhi vài loại trà, cà phê đặc sản vườn nhà trồng nữa. Các chủ nhân Việt thì chưa đủ “hào phóng” để mời ăn thử uống thử, chắc họ lo ngộ nhỡ người Việt vốn tính “nồng nhiệt, thật thà”quá đáng, thay vì lịch sự uống 1 ngụm cà phê nhỏ tẹo”lấy vị chứ không lấy bị” rồi cám ơn trước khi rời đi thì “dân mình” cứ tha hồ ăn uống thoả thuê– bởi được tặng không cơ mà– thì họ sẽ bị mất một khoản lời không nhỏ.
*Tôi sao cứ nghĩ xấu cho dân tôi vậy ta!

*Tương tự ở các phi trường lớn quốc tế, sau khi qua cổng kiểm soát passport và hành lý trên băng chuyền, hành khách bắt buộc phải đi xuyên qua các gian hàng duty free để lần dò đến cổng (gate) chờ giờ lên phi cơ. Những mặt hàng bày biện khéo léo quyến rũ quá, thế nào cũng khiến ít nhất phần ba hành khách dừng lại mua một vài món hàng về làm quà cho người thân, đinh ninh đã mua được hàng rẻ miễn thuế. 

Sau khi vào vườn ngó lên các dãy tiêu xanh mượt trồng thẳng tắp
thành nhiều luống xem có chùm tiêu nào không. Tìm hoài chẳng thấy, chắc đã thu hoạch xong hoặc chưa đến mùa, chúng tôi cũng đứng làm dáng cho cháu chụp hình- tất nhiên rồi, sao mà thiếu cái phần nầy được- mặt trời đà nghiêng bóng chúng tôi yêu cầu tài xế đưa đến khách sạn VinOasis đã đặt trước ở Bãi Dài, Gành Dầu.
Thời gian nầy VN chỉ vừa mở cửa lại sau nhiều tháng phong toả do dịch Covid nên chưa có du khách ngoại quốc, chỉ ít dân nội địa đi chơi nên khách sạn resort không chen chúc ồn ào, đúng nghĩa là nơi để thư giản.
Là một khu tổng hợp bao gồm khách sạn hơn 1300 phòng chia thành hai khu A, B có cửa hàng ăn uống, mua sắm, trung tâm giải trí… du khách có thể ăn uống ở các nhà hàng, mua sắm nữ trang quần áo mà không cần bước chân ra khỏi khu vực, kiến trúc không thua với các khách sạn quốc tế. Tất cả các phòng đều được thiết kế có balcon sao cho tầm nhìn hướng ra biển hoặc rừng nguyên sinh xanh ngát. Được họ giới thiệu là một ốc đảo giữa lòng đại dương.
*Chúng tôi thấy có hai gian hàng bán quần áo thời trang do hai chàng Ấn Độ làm chủ cách nhau một khoảng gương mặt rất giống nhau, tôi hỏi thì quả đúng là hai anh em.
 
 từ balcon k.s. Oasis
Căn phòng chúng tôi nhìn ra bên ngoài phía dưới có hàng cây cao xanh tươi mát, biển xa xa thấp thoáng vài hòn đảo, phong cảnh dịu mát khá nên thơ.
Phòng có hai giường đôi cho bốn người mà chỉ hai chị em nằm. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là sự thoáng đãng, sạch sẽ, trang hoàng màu sắc hài hoà thanh nhã, trên tường treo bức tranh trừu tượng phong cảnh mờ ảo, vật dụng đồ đạc mới tinh, nhất là phòng tắm lau chùi bóng sáng không tìm thấy khuyết điểm nào. 

sảnh khách sạn
Trong tủ treo quần áo có xếp bốn cái áo kimono hoa lá cành dành

choàng bên ngoài bộ áo tắm khi đi piscine hoặc ra bãi biển. Tôi không có dịp đi bơi những ngày ở VN, như thể buồn ngủ gặp chiếu manh thế là bốn chị em dì cháu thay áo tắm, khoác kimono bên ngoài, kéo nhau từ ks có con đường tráng xi măng nối dài xuống bãi biển khoảng 300m. 
*Ô hay, vô hình chung tôi đi quảng cáo cho cái resort nầy !!

Ngoài xa mặt biển mang vẻ phẳng lặng hiền hoà, nhưng vào gần bờ thì sóng dâng khá cao, tôi chờ cho đợt đầu tiên gần đến thì nương đà nhảy lên ngọn*, nhưng sóng cao và mạnh quá tôi không đủ sức “gối lên”, thế là nước quật tôi ngã ngửa chìm lỉm đầu xuống dưới. Tuy bãi cát cạn chỉ cao tới lưng nhưng tôi không sao gượng để đứng lên được. May cặp vợ chồng trẻ đứng gần vội nắm tay tôi vực dậy nên chưa bị ngộp thở. Mắt kính rơi ra, tôi chụp lại kịp chứ không thì hết thấy đường- bởi tôi bị cận-. Cám ơn hai người bạn trẻ tốt bụng xong, tôi thử “gối sóng” vài lần nữa, tuy không bị quật ngã nhưng nước vỗ túi bụi vào mặt không thở được đành chịu thua ông thần đại dương.

*Trong truyện ngắn Anh Phải Sống của Khái Hưng, kể về vợ chồng anh Thức dùng thuyền nan bơi ra giữa sông Hồng vớt củi bán lấy tiền mua gạo nuôi ba đứa con thơ, sóng to chiếc thuyền nan lật úp, hai vợ chồng cố bơi vào bờ. Nhưng bờ còn xa mà lũ cuốn mạnh, vợ mệt, chồng khuyên vợ:”Theo giòng nước mà bơi. Gối lên sóng !”.
Sức đàn bà yếu, lát sau phải vịn vai chồng. Rồi đến phiên anh Thức cũng quá mệt, cánh tay rã rời, nếu chỉ mình anh bơi thì sẽ vào được đến bờ. Anh nói: “Thôi cùng chết cả đôi“. Chị Lạc rung rung nói :”Thằng Bè! Cái Nhớn! Cái Bé! Không! Anh phải sống!”. Đó là tên ba người con, rồi chị buông tay cho chìm xuống đáy sông, để anh Thức sống sót trở về nuôi con.
Câu chuyện thương tâm cảm động học từ năm đệ thất hay đệ lục, vẫn hằn sâu trong ký ức tôi không rời. Mỗi khi nhìn biển động sóng to khiến gợi nhớ, tuy chỉ là hư cấu nhưng tôi hình dung cảnh tượng rõ mồm một, không muốn khóc mà nước mắt cứ chảy. Viết tới đoạn nầy tôi phải ngưng, lấy khăn giấy chùi mắt chùi mũi mới viết tiếp.

Sóng to dồn dập bơi không thoả, tôi chỉ lặn hụp chiếu lệ. Leo lên bờ trở vào hồ của khách sạn. Piscine rất lớn lộ thiên hình vỏ sò, một hồ nho nhỏ dành cho trẻ em bên cạnh. Mỗi ngày tôi đều xuống hồ mặc sức bơi lội.

2/-Buổi tối
Sau một ngày đi thăm vài địa điểm, tâm trạng tuỳ cảnh tuỳ nơi mà thú vị hoặc ngỡ ngàng, tôi tạm gác một bên những suy tư băn khoăn để trí óc thảnh thơi hưởng vài khoảnh khắc thư giản thuần giải trí. 
Hai cháu gõ cửa phòng gọi đi dạo phố, đi ăn và sau đó xem hai màn trình diễn: một show Once ở Vinwonders lúc18 h; hai là nhạc dưới nước ở Chợ đêm Grand World. Tôi diện y phục dạ hội (robe de soirée) bù lại thời gian”dọc đường gió bụi” ngồi trên yên con ngựa sắt vận quần jean giày thể thao, nón bảo vệ đầu nặng trịch, mạng che mặt chỉ ló hai con mắt như các Ninja Nhật Bản.

a/ Show Once diễn câu chuyện huyền thoại nên có lâu đài tráng lệ cùng những nhân viên trong trang phục cổ. Có hình ảnh cánh chim phượng hoàng lửa đối đầu mụ phù thuỷ ác độc trong tiếng nhạc lớn dần, hùng hồn qua lời người dẫn truyện, khiến người xem như lạc vào xứ sở thần tiên.
b/ Chúng tôi đi bộ 1km đến hồ trung tâm gọi là Kênh Venise (bởi quang cảnh nhà cửa hai bên bờ sông kiến trúc phỏng theo kênh nổi tiếng của Ý) để xem tiếp màn”Sắc màu Venise” bắt đầu từ 21h30’- 22h00 mỗi đêm. May là những ngày chúng tôi đến đảo trời nắng đẹp, nếu gặp mưa thì các buổi diễn phải huỷ.

Tiết mục “Vũ điệu Venise”với các nam nữ vũ công trong trang phục cầu kỳ theo lối cổ Âu Châu lướt đi uyển chuyển trên mặt nước*. Âm nhạc, vũ điệu hoà trong ánh sáng lung linh huyền ảo khiến mọi người say mê theo dõi. Các tia laser, lửa khói ngồi từ mấy trăm mét vẫn cảm nhận hơi nóng ùa vào người. Hoạt cảnh ngoạn mục sánh ngang màn trình diễn ở Disneyland hoặc hơn, bởi ở đây các vũ công là người thật.
*Sàn diễn nhấn chìm dưới hồ, rộng hàng trăm mét vuông cùng các đạo cụ chìm dưới nước, khi các nghệ sĩ trình diễn, sân khấu sẽ từ từ được kéo lên vừa ngang mặt hồ. 

Ngoài ra còn có nhạc cảnh Tinh hoa Việt Nam ở Grand World, Bãi Dài Gành Dầu. Đây mới thực sự là một đêm diễn thuần tuý văn hoá Việt, tái hiện bối cảnh cung đình, dân dã truyền thống VN do hơn 200 vũ công trình diễn trên diện tích 11.000 m2.

3/- Ngày 14.05.2022. Buổi sáng
Xuống tầng trệt ăn điểm tâm, các món Việt lẫn Tây mấy chục loại tha hồ lựa chọn, sau đó chúng tôi theo xe của khách sạn chở đi tour Safari, tức đến công viên bảo tồn động vật bán hoang dã có diện tích 380 hecta. Tour nầy bao gồm lúc đặt vé phòng.  
Từ khách sạn Oasis đến công viên khoảng 5 km, bỏ qua những chi tiết “khó chịu” chẳng hạn ngay ở cổng vào có vài nam nữ người gốc châu Phi đứng chào đón du khách trong y phục núi rừng cùng vũ điệu Zulu. Ngoài ra còn có một bức tượng gỗ to tướng mặt người châu Phi có khắc hàng chữ Wilda Africa, làm như ở VN thì không có chim hạc, cọp gấu hưu nai… làm như chỉ những gì du nhập từ ngoại quốc mới tăng giá trị và thu hút du khách hơn là nguồn gốc nội địa ấy. Niềm tự ái dân tộc trỗi dậy, tôi không hiểu nổi.
Thôi! Nhủ thầm hãy thư giản mà hưởng những khoảnh khắc an bình do thiên nhiên mang lại, đừng tự dày vò bản thân nữa. Đâu có ai chê bai phàn nàn gì, chỉ tôi rắc rối.

Điều đầu tiên thú vị đập vào mắt tôi là ngắm một đàn hồng hạc lẫn hạc trắng cánh đen, cổ cao, hai chân cũng dài ngoẵng như hai ống sậy đứng chen chúc cạnh bờ ao, nhiều cây xanh bao bọc chung quanh.
Hạc là loài chim quí tượng trưng cho sự thanh cao, quân tử, trường thọ được tôn lên hàng linh vật, thiên tiên. Có câu “cưỡi hạc quy tiên”,”mình hạc xương mai”. Ngay thi sĩ Nguyễn Du cũng nhắc:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời…
…Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao ( Kiều )

Gần đây một đài truyền hình của người Việt ở Mỹ cũng mở cuộc thi lấy tên Tiếng Hạc Vàng dành cho người cao niên có dịp góp giọng ca truyền cảm sinh động hát các bài nhạc xưa trác tuyệt chạm tận đáy tim người nghe*, lại khiến người mang bản tính mơ mộng lẫn hoài cổ như tôi cứ bâng khuâng thương tiếc về một thời xuân trẻ với bao nhiêu hoài bảo trong sáng hồng tươi. 
*Tiếng hạc- danh từ thật tao nhã để gọi lớp người tuổi ngã hoàng hôn, mùa thu cuộc đời. Tôn quí thay tấm lòng của những người sáng lập chương trình Tiếng Hạc Vàng.

Chúng tôi được xe bus chở đi một vòng trong rừng để xem hổ, voi, gấu, hưu cao cổ, linh dương sừng xoắn, vượn cáo hai màu trắng đen, lạc đà, ngựa vằn…đây cũng là khoảnh khắc trở về tuổi thơ, nhớ hồi nhỏ được ba má dẫn đi Sở Thú Saigon vậy. 

Thế là hết buổi sáng. Nắng gắt chúng tôi tìm quán ăn xong về khách sạn nghỉ ngơi, chiều ra hồ tắm tiếp. Sau đó lên xe của khách sạn chở ra trung tâm, dạo khu Grand World, Vinwonder- một kiểu Disneyland- mà hôm qua chưa kịp xem các nơi, trong đó gồm hơn chục tiết mục như cung điện Hải vương, tức Aquarium nuôi cá khổng lồ, làng người Viking...mọi thứ đều rất hấp dẫn cho trẻ con vui chơi. 
Chúng tôi không muốn tiếp tục làm con nít, đi loanh quanh một lát thấy chán quá nên thuê xe điện trở về phòng nằm nghỉ ngơi đọc sách.

4/- Ngày 15.05.2022
Cậu tài xế hẹn 9g đến đón chở ra bến Bãi Vòng, Dương Tơ để lấy tàu về Rạch Giá lúc đầu giờ chiều. Bận đi chúng tôi trả tiền hậu hỉ nên bận về tự cậu đề nghị chở chúng tôi đến trại Ngọc Hiền chuyên nuôi cấy ngọc trai kết hợp cửa hàng bán trang sức ngọc trai kim cương cũng trên đường đi mà không tính thêm tiền công.
Ở đó tôi được giải thích và chiêm ngắm nguyên một phòng bảo tàng nhỏ chưng bày hàng chục ngàn những bát tô bằng gốm sứ, vỏ trai tai tượng hoá thạch, những chảo sắt… được trục vớt từ chiếc thuyền bị đắm vào thế kỷ 15 ở Hòn Dầm, Phú Quốc do người chủ trại Ngọc Hiền thuê thợ vớt. 

Các cô nhân viên làm việc cho khu bán hàng trang sức rất dể thương, xinh xắn lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ chào hỏi vồn vả, hướng dẫn đi xem hết các công đoạn A-Z, từ khâu tách vỏ sò có hạt ngọc bên trong cho đến các gian hàng chưng bày hàng trăm hàng ngàn sâu chuỗi, nhẫn, hoa tai, vòng đeo tai, mặt dây chuyền…cẩn kim cương, đá saphir, rubi, ngọc lục bảo lẫn các viên ngọc trai màu trắng, đen, hồng, xanh nhạt… đủ mọi kích cỡ, mọi mẫu mã đặt trong tủ kính được soi qua ánh đèn khéo léo nên càng tăng thêm vẻ óng ánh ngời sáng của món hàng. 

Tôi lại liên tưởng đến trại nuôi ngọc trai ở Hawaii. So sánh giữa hai đảo có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ : khí hậu bốn mùa mát mẻ, các bãi biển cát trắng trải dài tuyệt vời, thiên đường của môn lướt sóng (surfer) trên nước. Ẩm thực ngon có tiếng là cà phê, khóm (dứa), hạt macca (maccadamia), đường, và kỹ nghệ nuôi ngọc trai (có dịp tôi sẽ viết một ký sự về hòn đảo nầy).
Trông người lại ngẫm đến ta. Ta không kém cạnh họ bất cứ phương diện nào, ưu đãi từ thiên nhiên cho đến ẩm thực, văn hoá…trong khi dân Hawaii luôn tự hào và giữ gìn cùng phát huy văn hoá bản xứ không hề “rinh”cái hay cái lạ ngoại bang đem vào mà thu hút hằng triệu du khách mỗi năm đổ xô tìm đến–chính những nét văn hoá riêng biệt ấy mới khiến du khách tìm đến để chiêm ngưỡng, khám phá– còn Phú Quốc của chúng ta lại bắt chước copy cái của thiên hạ đem về khoe toáng lên có vẻ rất hãnh diện là thế nào nhỉ ?

Tài xế chở ra bến, chúng tôi xuống tàu quay về đất liền.
Tròi nóng phát điên, nhiệt kế báo 35oC, nhưng tôi chắc phải 39o hay 40oC. Mồ hôi ướt áo, chảy dọc sóng lưng thành giọt. Giờ chỉ mong mau về đến nhà, tắm mát và nghỉ ngơi trong không gian mát mẻ quen thuộc.

5/- Phú Quốc là nơi cả nước ai cũng đều biết tiếng và từng ghé qua thế mà tôi –một người con Rạch Giá–mới chỉ đặt chân lần đầu hồi tháng 5 năm 2022. Thật là thiếu sót lớn. Muộn còn hơn không, nhờ có đi tôi mới chịu để tâm tìm hiểu về nơi được mệnh danh đảo Ngọc. Tôi rút ra kết luận: “Thật tuyệt vời mà cũng thật đáng tiếc !”
Tuyệt vời vì phải công nhận đó là nơi nghỉ dưỡng, giải trí lý tưởng thích hợp cho mọi lứa tuổi nhờ thiên nhiên ưu đãi ban tặng các bãi biển cát trắng hay vàng mịn giữa không gian bao la, gió thổi lồng lộng. Nhưng hình như các bãi đẹp đều thuộc quyền sở hữu của các khách sạn, resort. Tôi lẩn thẩn tự hỏi còn bãi biển đẹp nào dành cho tất cả mọi tầng lớp người nếu họ không thuê chỗ ở của khách sạn & resort nhỉ, hay đành chấp nhận những địa điểm“thứ cấp” khiêm nhượng ?
Ngoài ra có những địa điểm giải trí dành cho người lớn lẫn trẻ em khá ngoạn mục, đặc sắc, những công trình kiến trúc công phu, khu nhà gỗ chứa những dụng cụ âm nhạc cổ... Mong rằng các di sản văn hoá được bảo tồn và quảng bá rộng rãi để trước là người Việt, sau là dân ngoại quốc am hiểu nhiều hơn.     

Còn tiếc là tiếc cho bộ mặt xinh đẹp của hòn đảo rất xứng danh đảo Ngọc bị huỷ hoại bởi những“tác phẩm”dàn dựng ngoại lai giả hiệu. Có thể ví von: giống như đè cô gái thơ ngây ra tô son trát phấn loè loẹt khiến dung nhan tinh khiết nguyên sơ trở nên lố lăng, và còn bắt khoác lên mình những y phục lộn xộn thân áo bà ba, phần dưới mini jupe lạc điệu chẳng giống ai. Phải chi đừng có những công trình kiến trúc lạ hoắc ấy thì đảo Phú Quốc hoàn hảo biết bao !
Nếu đi ngoài đường không nghe người dân nói tiếng Việt, không thấy những bảng hiệu cửa tiệm, nhà hàng viết bằng tiếng Việt thì không ai biết hòn đảo nầy thuộc quốc gia nào? Tây không ra Tây, Á-đông không ra Á -đông, một kiểu“hầm bà lằng” hổ lốn.

Có nhiều câu chuyện về các nhân vật lịch sử pha chút huyền thoại, hay những truyền thuyết dân gian của đảo như:
–Giếng Tiên – đã có nhắc về câu chuyện nầy ở bài trước.
–Bãi Ngự. –Dinh Cậu. –Hang dơi
–Giống chó có xoáy trên lưng được ca tụng là khuyển vương Phú Quốc.
–Truyền thuyết bà Kim Giao có công khai phá đảo v..v…
Tương truyền bà Kim Giao vốn thuộc dòng hoàng tộc Chân Lạp vì biến loạn phải chạy trốn sang Phú Quốc. Bà mang theo đàn trâu, khai khẩn đất hoang canh tác biến vùng đất thêm trù phú. Bà từng giúp đỡ lương thực cho chúa Nguyễn Ánh lúc ông lánh nạn ở đó. Sau bà hồi hương để lại đàn trâu, không ai chăm sóc nên chúng biến thành trâu hoang. Những năm 60 của thế kỷ 20 người ta vẫn còn loáng thoáng gặp bầy trâu này ở Bắc Đảo. Nay đã bị tiêu diệt. Nhưng trên cánh đồng nơi bà canh tác vẫn còn dấu tích nhiều cột bằng cây, từ chuồng nuôi gia súc. Nay có Dinh Bà thờ ở Cửa Cạn gần Dinh Cậu ( Dương Đông). 
Còn về chó Phú Quốc, tương truyền có xuất xứ từ hoang đảo Ấn Độ Dương được các hải tặc châu Âu bắt nuôi trên tàu nên rất giỏi sóng nước, biển cả. Một lần gặp bão, tàu hải tặc tạm lánh vào Phú Quốc, bầy chó xổng chuồng chạy vào rừng. Từ đó chó sinh sôi nẩy nở thêm ra. Được xếp hạng giống chó quí hiếm thế giới.

Theo thiển ý, thay vì tốn bao nhiêu tiền tạo dựng phong cảnh du nhập từ các quốc gia xa lắc lơ chẳng có điểm tương đồng văn hoá nào với người Việt, chi bằng người ta chỉ cần dành tâm huyết truyền bá rộng rãi những nét hay đẹp về tập tục, lối sống, lịch sử; khai thác điểm mạnh là các đặc sản hiếm quí… liên quan đến đảo để thế giới thấy tuy là một nước nhược tiểu nhưng cũng có nhiều điều đáng nể phục, có phải hay không.
Đây là lời tâm huyết của một người con viễn xứ.
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh ( Kiều, Nguyễn Du )

Thanh Hà, tháng 10.2023






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét