Ngày 14/03/2024
Đây là lần thứ ba tôi tái ngộ Hội An.
*Nói 4 gái, thực ra phải nói 3 gái và 1 bà mới đúng. Bà
là tôi đó. Tôi mà tự nhận là ”cô gái” thì thiên hạ ngã lăn ra đất xỉu mất.
Thế thì phải nói 6 người gồm 3 cô gái và 2 chàng trai, 1 phụ nữ trung niên (tôi không chịu kêu bằng bà đâu, nghe già quá chừng🤭😜)
Thuở ấy, 5 thanh niên thiếu nữ ấy vẫn còn độc thân. Giờ
còn sót lại 1 cô chưa muốn “bỏ cuộc chơi”dù kẻ si tình vẫn ôm mối tình si bao
nhiêu năm đeo đẳng. Thật hiếm ở thời đại sống nhanh như tên lửa hiện nay mà có
kẻ chung tình như thế.
Còn 4 người kia thì “phận gái (trai) 12 bến nước, trong nhờ đục chịu” “ván đã đóng thuyền, chim đã vào lồng, cá đã cắn câu” từ mấy năm nay rồi.
Lần ấy các cháu sắp xếp thời gian sao cho chúng tôi đến Hội An đúng vào dịp 14 âm lịch (mỗi tháng cứ vào ngày 14 âm lịch, thành phố đều tổ chức đốt đèn lồng), đường phố lung linh huyền ảo bởi hàng hàng lớp lớp đèn lồng giăng mắc, chúng tôi hoà vào dòng người nhộn nhịp, tiếng nói cười ồn ào vang động mọi ngõ ngách. Đi hết các phố, thăm Chùa Cầu di tích lịch sử nổi tiếng, chúng tôi ghé quán lộ thiên ăn cao lầu*.Tuy các bàn kê san sát chật ních, ghế thấp chủn, cũng phải dạo tới dạo lui hồi lâu mới tìm được chỗ trống. Đủ dân da vàng, da trắng ngồi chen chúc. Ăn món mặn xong lại sà tiếp vào gian hàng tàu hủ nước đường mà họ gọi là tào phớ đựng trong cái chén to như cái tô nhỏ, no căng cả bụng.
*Cao lầu được xem đặc sản Hội An, là một loại mì xứ Quảng
Nam. Mì làm từ bột pha với tro củi tràm, trồng ở cù lao Chàm. Tro hoà với nước
múc từ giếng Bá Lễ mới dai và chắc đặc biệt.
Tro nếu lỡ pha nhiều quá sợi mì bị nhão, nồng. Mà ít thì sợi
mì sẽ khô, bở.
Cù lao Chàm còn có tên Chiêm Bất Lao, gồm 1 hòn đảo lớn
và 8 đảo nhỏ bao bọc. Diện tích khoảng 15 km2, thuộc địa phận Hội An, tỉnh Quảng
Nam.
Bột cán ra được cắt thành sợi to đem hấp cách thuỷ 3 lần
rồi phơi khô. Nên cao lầu dù để qua đêm cũng không bị thiu*
*Oh là la, vậy tô cao lầu chúng tôi ăn có phải mì dư từ đêm trước không nhỉ ?! Căn cứ vào số khách đông đúc thì chắc là không đâu.
Tôi thắc mắc vì sao gọi món mì nầy là cao lầu, tìm hiểu
thì ra xuất xứ như sau: món nầy đã có từ thế kỷ 17 do người Nhật hay Trung Hoa du
nhập vào. Được xem là cao lương mỹ vị bán trong các quán tiệm có tầng lầu, khi
khách gọi thì người chạy bàn xướng kêu mang “lên lầu”, lâu dần rút gọn thành
cao lầu.
Cách giải thích trên ngẫm cũng có lý.
Một người bạn của các bạn tôi (dân Đà Nẵng) tình nguyện
chở cả nhóm đi thăm phố cổ. Lúc ấy Việt Nam vừa thoát qua cơn dịch Covid-19
kinh thiên động địa, dân ngoại quốc còn hạn chế nhập cảnh, chỉ lác đác nên
chúng tôi tha hồ dạo phố ngắm cảnh chụp hình mà không bị vướng víu bởi nhiều
người đứng cản trở, che khuất.
Ngẫu nhiên, trùng ngày đó có 1 cô người mẫu Mã Lai cũng đến
Hội An, có điều chúng tôi không gặp lúc cô ngồi thuyền bé rong chơi trên sông
Hoài, mặc áo dài Việt Nam bằng the đen mỏng mà không mặc…quần (chắc vì không biết)
chụp hình đưa lên mạng gây một trận scandale dậy sóng khiến dân Việt cười cợt
chê bai– tôi đoán các “bậc trượng phu nam nhi chi chí” ngoài mặt thì chê trách
nhưng trong lòng hẳn thích thú vì được xem màn trình diễn mê ly miễn phí. Nếu
tôi đoán sai thì trăm lần xin lỗi nhé*
*Câu chuyện nầy
tôi đã có “tường thuật tỉ mỉ” trong bài ký sự số 6.🤭🤪
Thực đơn hàng trăm món, món nào cũng gần như “huyền thoại”,
nhất là “bánh xèo huyền thoại”. Nhà hàng nầy cũng nằm gần cái giếng “Bá Lễ huyền
thoại” đã có từ thế kỷ thứ 8-9 do người Chăm Pa đào. Sau được bà Bá Lễ người Việt
trùng tu lại nên mang tên bà.
Như có viết ở trên, món cao lầu cũng hoà bột với nước giếng
Bá Lễ nên mới ngon dai nổi tiếng không đâu sánh bằng.
*Hai chữ Huyền Thoại tôi viết trong ngoặc kép không phải do tôi tự đặt đâu nghe.
**Kể thêm chuyện buồn, là chưa đầy một năm sau, buổi sáng nọ Song Hồng nhắn cho tôi hay hung tin người bạn chở chúng tôi đi Hội An-,là bạn cố tri với Pháp- buổi tối còn đến nhà họ uống trà hàn huyên tâm tình, 6g sáng hôm sau, gia đình xuống nhà mở cửa mới phát giác anh ấy nằm bất động trên bộ trường kỷ. Một nén hương cho người bạn tốt bụng đã ra đi bất đắc kỳ tử, cầu nguyện cho bạn bình yên nơi cõi vĩnh hằng.
C/- Lần trở lại thứ 3 nầy du khách đông vô kể. Trên đường phố nhiều đoạn phải chen vai thích cánh mà luồn lách tìm lối đi. Thấy cảnh đẹp muốn chụp hình cần kiên nhẫn chờ cho họ giản bớt thì nhanh tay chộp lấy cơ hội. Nhiều thuyền lớn xuồng nhỏ, lớp neo đậu tại bến đón khách, lớp lượn lờ xuôi ngược trên sông Hoài tấp nập. Chắc ngày nào cũng là ngày lễ hội.
Chúng tôi không ăn “bánh xèo huyền thoại Bá Lễ”, uống “trà huyền thoại Bá Lễ”mà để vợ chồng Tuyết Mai thử món “đặc sản cao lầu Hội An”.
Quán ăn nhỏ bày trí khá thanh lịch, sạch sẽ, chỉ đặt vài
cái bàn cao cho ai thích ngồi bên trong yên tỉnh, ghế dựa tương ứng với thân
mình duỗi chân thoải mái. Còn nấu nướng thức ăn được chủ quán bày biện bên ngoài
vỉa hè nơi đặt nhiều bộ bàn ghế thấp cho người thích ngồi ngoài trời ngắm thiên
hạ đi qua đi lại.
Chúng tôi là những người khách đầu tiên bước vào bên
trong, chọn cái bàn chữ nhật đặt chính giữa phòng ngay cửa ra vào. Một thanh
niên trạc 30-40 phục vụ. Khởi đầu rất niềm nở, chạy ra chạy vào bưng bê các
món.
Họ mang ra mỗi người một tô cao lầu và một chén nước súp
đựng riêng. Trong tô gồm có những sợi mì
màu vàng xắt mỏng giẹp, thịt xá xíu, nhiều nạc ít mỡ ướp ngũ vị hương. Vài miếng
bánh tráng cắt hình vuông nhỏ chiên giòn, đậu phộng rang cùng rau quế, ngò.
Khách chỉ việc trộn các thứ lẫn lộn với nhau và…gắp cho
vào miệng thưởng thức.
Nếu ai thích thì múc nước súp thêm vào tô, tuỳ khẩu vị.
Tôi ngồi cạnh cái bàn bày bánh tráng. Vừa ăn cao lầu vừa liếc nhìn mấy xấp kẹo đậu phộng trải đều đặn có rắc thêm mè, đường mạch nha cán mỏng trên chiếc bánh tráng tròn đường kính khoảng 18-20 cm quyến rủ quá. Tưởng tượng khi cắn vào nó sẽ giòn tan ngọt ngào trong miệng mà thèm, nên đề nghị với các bạn lát mua ăn thử.
Như thường lệ, tôi luôn là người ăn xong sau cùng. Trong lúc chờ tôi ăn xong, chồng Tuyết Mai hỏi người thanh niên phục vụ bánh có bán không. Anh gật đầu tới mở bịch lấy 1 cái bánh vừa bẻ ra phân phát cho mỗi người chúng tôi một mẫu vừa vồn vã quảng cáo “đặc sản”, kể do chính tay gia đình anh ta làm với sự tỉ mỉ chăm chút như thế nào, mạch nha được nấu ra sao, hương vị đặc biệt không nơi nào sánh bằng ..v..v… *Về sau mới hay bánh được bày bán khắp các cửa hàng, chợ… ở Hội An, Đà Nẵng giống hệt như bánh ở quán cao lầu nầy.
Nghe hấp dẫn, đáng tin cậy quá. Các bạn ăn trước, xuýt xoa khen khiến tôi nôn nóng cố nuốt cho xong mấy cọng mì để còn thưởng thức kẹo và nhường chỗ ngồi cho khách lúc nầy kéo đến khá đông.
Ngon thật. Đậu phộng rang giòn đặt trên chiếc bánh tráng
nhỏ xinh, rắc thêm mè trắng áo một lớp mạch nha mỏng, ngọt thanh dịu hoà quyện
nhau đủ độ dẻo vừa phải mà không quá dai để bị dính chặt vào răng. Người thanh
niên lượn lờ quan sát phản ứng của chúng tôi. Nhìn thấy sự hài lòng hiện trên nét
mặt chúng tôi bèn lại gần hỏi chúng tôi có mua không, cặp mắt chiếu tướng vào
tôi. Tôi gật đầu, anh ta cầm mấy xấp bánh lên, hỏi:
–Chị mua bao nhiêu bịch ?
Tôi nghĩ thầm: mỗi bịch gồm 10 chiếc, mà hỏi mua bao
nhiêu bịch tức ít nhất vài chục cái? Chưa biết trả lời sao bởi hơi ngạc nhiên với
câu hỏi. Chúng tôi đang đi dạo phố phường, định mua vài cái ăn tráng miệng cho
vui chứ mua nhiều thì sao tay xách nách mang cho được. Anh ta vừa lập lại câu hỏi,
vẫn nhìn vào tôi:
–Chị mua một chục bịch hay hai chục bịch ?
Trời đất ! Mua 100, 200 cái bánh ư? Tôi chưa biết trả lời
thế nào, đưa mắt sang các bạn cầu cứu thì anh Hoàng Tuyết Mai trả lời thay:
–Chúng tôi mua vài cái ăn cho vui thôi chứ đang dạo chơi
mua nhiều làm sao mang đi được.
Anh Hoàng vừa dứt lời thì anh ta quay ngoắt thái độ tức khắc.
Dằn xấp bánh xuống bàn- đâu dám quăng mạnh, rủi nó bể nát vụn thì có mà đền cho
chủ quán sao🤪🤭-, không thèm nói
câu nào quày quả bước thẳng ra ngoài hiên, đứng xoay lưng lại.
Đường phố chật hẹp người người chen chúc nhau đi, dù chạng vạng mà mồ hôi vẫn đổ. Tôi dư sức đi thêm chục cây số, nhưng các bạn đều có vẻ mệt nên bỏ ý định. Thật tiếc cho bạn đã đến Hội An mà không được nhìn cây cầu lịch sử nổi tiếng.
Cầu Chùa là một cây cầu cổ còn có tên cầu Nhật Bản có từ thế kỷ 17 do các thương nhân Nhật góp tiền xây cất. Được xem như hình ảnh tiêu biểu của phố cổ Hội An. Cầu nguyên thuỷ làm bằng gỗ trên những trụ bằng gạch đá, dài 18 m, vắt qua lạch chảy ra sông Thu Bồn.
Năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên cầu là Lai Viễn Kiều, tức Cầu đón khách phương xa.
Gọi là cầu Chùa hay chùa Cầu cũng là một, bởi cầu được lợp
bằng ngói âm dương che kín cây cầu. Hai bên đầu cầu có văn bia, lại dựng thêm
phần chùa nối vào lan can phía bắc. Truyền thuyết nói chùa như một thanh kiếm
đâm xuống lưng quái vật Namazu để nó không quẫy đuôi gây ra động đất, lũ lụt.
Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu
(Ca dao-dân ca (?))
*Tương tự, bang
Lucern Thuỵ Sĩ cũng có 1 cây cầu gổ dành cho khách đi bộ là Cầu Nhà Nguyện
–pont de Chapelle–. Cây cầu mái che cổ nhất Châu Âu tồn tại. Là biểu tượng của
thành phố Lucern có trong chương trình du lịch, thăm viếng chính cho du khách
quốc tế. Trên trần có 158 bức tranh vẽ từ thế kỷ 17, tả lịch sử thành phố nhà
và truyền thuyết về 2 vị thánh St.Léodegar, St.Maurice.
Cầu xây từ thế kỷ 14 nhưng có lần bị cháy khiến một phần
cầu và nhiều tranh bị phá huỷ. Họ đã trùng tu lại, số bức tranh bị cháy được
thay thế bằng tranh sao chép, thật là một mất mát không gì bù đắp.
Nhiều gia đình bạn thân tôi sống tại thành phố ấy và vùng phụ cận nên tôi lui tới mỗi năm vài lần, mỗi lần 10 ngày hoặc nửa tháng. Lần nào tôi cũng đều dạo chơi quanh cây cầu cổ kính nầy không biết chán🤪🤭. Dọc hai bên bờ sông cạnh cầu có chợ trời (chỉ ngày cuối tuần), vô số nhà hàng…rộn rịp vui nhộn vào ban ngày. Về đêm cây cầu, nhà cửa, ánh đèn soi bóng xuống giòng sông Reuss lung linh huyền ảo, đẹp làm sao!
Quảng Nam có Tam Kỳ nổi tiếng về gà, phố cổ Hội An và
thánh địa tháp Chàm Mỹ Sơn.Có thể nói tỉnh Quảng Nam là một trong những vùng đất
địa linh nhân kiệt sinh sản biết bao anh hùng, nhân tài lỗi lạc như Phạm Phú Thứ,
Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân…có học giả kiêm văn,
thi sĩ Phan Khôi, có thi sĩ tài hoa Bùi Giáng…
*Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở…
…Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ đất khách gặp nhau
Hai cái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được
Ôn chuyện cũ mà thôi
Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi
(Tình Già, 1932, thơ Phan Khôi)
*Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
(Phụng Hiến, thơ Bùi Giáng)
*Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chờ đón nhau
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Chào Nguyên Xuân, thơ Bùi Giáng)
Một ca sĩ gốc Hội An: Ánh Tuyết* với giọng soprano chuyên
hát nhạc tiền chiến. Giai thoại kể rằng khi nghe bà hát nhạc của mình như Buồn
Tàn Thu, Thiên Thai… nhạc sĩ Văn Cao phải thốt lên ”đầu đời có Kim Tiêu, cuối
đời có Ánh Tuyết”.
Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi nghe bà hát Đường Xa Vạn Dặm-một sáng tác của ông- ông chìa cho bà xem 4 cái khăn giấy và nói “anh đã khóc ướt 4 cái khăn rồi”.
*Còn một nữ
danh ca trùng tên Ánh Tuyết gốc Hải Phòng nổi tiếng vào thập niên 1950, sở hữu
một nhan sắc yêu kiều rực rỡ và giọng hát thánh thót “rung ngời ánh sáng,
ngát lịm âm ba vang xa, như tấm gấm đại hồng thêu hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyến
xen kim tuyến” theo lời ca tụng của văn sĩ Hồ Trường An.
Có nhiều, rất nhiều nhân tài lỗi lạc đất Quảng Nam trong
mọi lãnh vực mà tôi không nhớ để kể hết ra đây.
Thanh Hà
La Chaux-de-Fonds,
10/11/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét