Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Cũng Xong Một Kiếp Người

Truyện ngắn của Hai Hùng SG



Cơn mưa bất chợt trút xuống làm cho mảnh đất vùng quê nhà ông Chín Đờn Cò như bừng tĩnh sau những ngày nắng gay gắt, từ những khoảnh ruộng khô nứt nẻ đến các loại hoa màu do bà con trồng quanh thôn xóm sống rất èo uột. Chưa bao giờ nắng hạn khốc liệt như năm nay, sông suối ao hồ có nơi khô khốc trơ cả đáy, còn người dân nơi này bị ảnh hưởng hạn hán thấy rõ qua gương mặt hốc hác của họ, do lo toan nhiều mặt, do cuộc sống đão lộn. Với tình trạng nắng nóng nghiêm trọng như vậy, bà con xoay xở đủ cách tìm nước để cứu được phần nào hoa màu thì hay phần ấy, những gia đình khá giả thì mướn mấy người chuyên khoan giếng công nghiệp, họ khoan sâu vào lòng đất có nơi sâu mấy chục mét mà chẳng có giọt nước nào phun lên, chừng như đoán ra nếu khoan thêm nữa cũng chẳng thu hái được kết quả gì, nhóm thợ này rút mũi khoan lên dời qua nơi khác rồi tiếp tục khoan, cuối cùng sau khi bỏ dăm ba lỗ khoan họ cũng tìm ra được nguồn nước quý giá nằm sâu gần trăm thước, còn những nhà nghèo thì họ rủ nhau năm ba người cùng nhau đào giếng thủ công giữa các lòng sông suối để mong có nước cho các nhu cầu của đời sống hàng ngày, cũng như đám người khoan giếng kia, họ dùng đôi bàn tay nhỏ bé của mình bốc gỡ từng lớp đá nằm trong lòng đất, có lúc cây xà beng chạm vào tảng đá to tướng bên dưới làm cho xà beng nháng lửa và có những làn khói nhỏ bay lên mang mùi khen khét, đôi lúc họ phải bỏ cuộc tìm nơi khác để tiếp tục đào cho đến khi có nước mới thôi. Còn những gia đình đơn chiếc họ phải lội bộ đi xa hàng chục cây số đến những vũng nước đục ngầu còn đọng lại trên mặt đất mang về dùng, họ ra khỏi nhà lúc tờ mờ sáng đến gần giữa trưa mới về đến nhà với số nước ít ỏi trên vai. 

Tình hình khô hạn như vậy, nên cơn mưa như trút nước này được bà con gọi là “Cơn Mưa Vàng” nhờ vậy mà mọi thứ dường như hồi sinh trở lại, miệng cười toe toét, bà Chín Đờn Cò đang kê lại cái máng xối dã chiến, sở dĩ gọi như vậy vì bà Chín lấy tấm tole thiếc cũ sì, sơn phết dầu hắc lên để chống rĩ sét, bà uốn cong cong tấm tole lại như cái máng xối một đầu máng bà thọc nghiêng khoang bốn mươi lăm độ vào cái lu sành, đầu trên của máng xối bà hướng vào giữa mái tranh nơi những giọt nước mưa chảy xuống bà nói lớn cho ông Chín nghe: 

- Cám ơn Trời Phật lắm nghe ông Chín, nếu không có trận mưa này chắc dân tình nơi đây sống không qua nổi con trăng này đó ông.

Ông Chín đang di chuyển thêm mấy cái lu lại gần mái tranh nhằm hứng tối đa lộc Trời cho, nghe bà vợ chia sẻ niềm vui với mình ông cũng hòa điệu vào: 

- Ðúng rồi, sáng mơi bà mua nhang đèn, hoa quả cúng tạ ơn Trời đất đi bà, mà linh thiệt nha, bà biết sao hông? 

- Cái ông này ngộ chưa, linh là linh cái giống gì, đang nói chuyện mưa gió mà ông xía vô chuyện gì mà linh với hiển, có ăn nhập gì với chuyện mưa gió hôm nay không?. 

-Bà ơi! Cái tật hổng bỏ đa, chưa biết ất giáp gì thì bà nhảy vô bản họng người ta rồi sao người ta nói. 

Bà Chín cười duyên với ông một cái rồi với giọng nhỏ nhẹ ngọt như mía lùi: 

-Mình ơi! Tui xin lỗi mình nhen, chuyện gì đâu cho tui biết đi, mình kéo máng xối qua một chút nước văng ra ngoài hết rồi, uổng lắm đó. 

Lâu lắm rồi, ông Chín mới nghe vợ thốt ra những lời tình tứ với mình nghe mát cả ruột ông nói: 

- Chứ mình hổng nghe mấy con Cóc đêm qua nó nghiến răng quá cở đó sao, đúng y như rằng: 

“Con Cóc là cậu ông Trời . 
Ai mà đánh nó, thì trời đánh cho“ 

- Ðã vậy cái đám ểnh ương nằm đâu trong hang ở bờ mương trước nhà mình nó cũng phụ họa với đám cậu ông Trời kia, khiến cho ông Trời động lòng cho mưa xối xả đó mình. 

Sau câu nói, ông Chín liếc nhìn bà, cả hai cùng mĩm cười làm cho mái tranh nhà ông Chín dưới cơn mưa thêm phần ấm cúm. 

* * * 

Tay xách cặp vịt ta mập mạp, nách kẹp chai rượu đế nước trong veo như mắt mèo, đến trước cổng rào nhà ông Chín đờn cò, ông Sáu Dậu í ới gọi: 

- Chú Chín ơi! Có trong nhà hông sao cửa nẽo đóng khít rịt dậy? 

- Tui đây anh Sui quơ, anh chịu khó chờ tui một chút, tui ra liền ra liền. 

Vừa trả lời, ông Chín bước ra mở cổng: 

- Chu cha ơi! Hôm nay anh Sui đi giỗ quải ở đâu mà tay đùm tay nắm (dậy), cha chả cặp Vịt này mà đánh tiết canh thì phải uống cho thuyền chìm tại bến luôn nghe anh, khi nào tỉnh dậy mình làm tiếp tăng hai nữa đã lắm anh Sui ơi. 

- Chú chín làm thầy bói được rồi đó đa, bây giờ khỏi đi đờn cò cho cái hội cổ nhạc của ấp cho khoẻ, vì lúc đó bà con kêu chú Chín nó bằng thầy rồi, cha cha tiền bạc vô hầu bao rũng rĩnh nữa đó nghe chú. 

Ông Chín đờn cò cười ha hả, với giọng sảng khoái ông nói: 

- Anh Sui tha cho tui nhờ, anh xúi dại tui mần thiệt mấy cha nội trên ấp xuống hốt tui cho nằm “ấp” (Tù) thì thà chết còn sướng hơn nghe anh Sui, (dô) nhà đi anh. 

Ông Chín ngoái đầu vào nhà cất tiếng kêu: 

- Mình ơi có anh Sui tía thằng rể bà ghé thăm nè. Lên chào anh sui đi má sấp nhỏ. 

Ðang lom khom dọn dẹp, tắm táp cho mấy con heo phía sau nhà, nghe sui gia ghé thăm, bà Chín lật đật rửa tay bà nói vọng ra: 

- Dạ chào anh Sui anh ngồi chơi một chút, tui pha miếng trà anh uống nghe. 

- Tự nhiên đi thím Chín, khách khứa gì trà nước chi cho mắc công, thím cho tui gáo nước mưa là tốt lắm rồi, tui mà hớp miếng trà là con mắt ráo hoảnh có khi bị thức sáng đêm luôn cho mà coi. 

- Chèn ơi tui quên phứt vụ đó rồi, hôm đám cưới hai đứa nhỏ anh than trời ba cái vụ trà quá sá, may thôi bửa nay chút xíu là tui hại anh lần nữa rồi nghe anh sui. 

Ông Sáu giơ tay khiều nhẹ ông Chín: 

- Chú Chín nè! Ðem cặp Vịt này xuống bếp chú thím muốn mần món gì cũng được, xong rồi dọn lên quấc với tui hết cái chai này rồi tui (dìa), lâu ngày tui nhớ chú thím nên qua đây thăm chứ có đi giỗ quải gì đâu. 

* * * 

Bà Chín là người nội trợ đảm đang, với sự giúp sức của ông chồng chẳng mấy chốc các món nhậu được dọn lên bàn, nào là cháo Vịt nấu đậu xanh cà, dĩa tiết canh đỏ au, phía trên bà rắc đậu phộng rang, rồi trang điểm lên mặt dĩa tiết canh nào là ngò gai, lá rau quế, vài lát ớt đỏ khiến cho dĩa tiết canh thêm phần bắt mắt, một tô Vịt nấu chao, một tô cà ry vịt. Bao nhiêu đó thôi đủ cho mấy ông nhậu “quắc cần câu“. 

Hai ông sui so lại đôi đủa của mình, ông thì rót rượu, ông thì sửa lại chén, tô cho gọn ghẽ để cho cuộc nhậu bắt đầu, ông Chín rót ly rượu đế đầy tràn, hai tay đưa ly rượu cho ông Sáu, ông Chín nói: 

- Anh sui mần trước ly này đi rồi tới tui. 

Ông Sáu nhận ly rượu nhưng không vội uống, ông nói: 

- Chú Chín nó mới là chủ xị chớ nào phải tui đâu, sách có câu: Tiên vi chủ, hậu vi khách, thôi chú làm trước đi. 

Ông Chín giẫy nẫy: 

-Anh sui là chủ đúng rồi, vì mồi màng, rượu riết này là của anh hết ráo thì anh đã là chủ rồi còn gì phải phân biệt ngôi thứ hả anh sui, hà.. hà, còn tui anh cho là chủ hả, chủ không thì có, thôi mần trước đi anh Sui, câu nệ làm chi cho mất thời giờ. 

Hai ông sui chưa ai nhấm nháp được hớp rượu nào, thì bổng đâu phía bên ngoài hàng rào có tiếng ai đó cất lên: 

-Ai (Kiêu) tui đó, có tui đây, chú Chín có độ nhậu mà hổng thèm đếm xỉa gì con cháu hết trơn hết trọi vậy chú. 

Ông Chín hơi giật mình, ông than với ông Sáu: 

-Anh sui thông cảm nghe , để tui (kiêu) thằng Ba Lợm vô làm vài ly, chớ không cái thằng này nó (kiêu riêu) xẩu mình luôn đó anh Sui. 

-Chú Chín cứ (Kiêu) chú Lợm dô đi, còn ai gần đây mời qua chơi luôn một thể, Trà Tam rượu tư mới “đã ngứa“ chú chín ơi!. 

Ông Chín chưa kịp lên tiếng mời thì ông Ba Lợm sà vào bàn ngồi bắt tréo chân trên chiếc ghế đẩu, miệng phì phèo điếu thuốc rê khói bay khét lẹt, Ba Lợm nói nói: 

- Cha cha hôm nay ngày gì mà chú Chín chơi xộp quá (dậy), tui thấy nội cái dĩa tiết canh đây cũng đủ nhậu rồi, chú mần chi nhiều hung vậy chú Chín? 

Chực nhớ còn ông khách ngồi kế bên, Ba Lợm quay qua rồi chìa bàn tay chai cứng do cày xâu cuốc bẩm hàng ngày để bắt tay ông Sáu để làm quen: 

- Xin lỗi chú đây chắc bà con chi với chú Chín nhà này, cho tui “Bông rua“ một cái làm quen đi. 

Thấy vậy ông Chín vội đỡ lời cho ông Sáu: 

- À xin giới thiệu với chú ba bây, đây là sui gia của vợ chồng tui, Anh Sáu đây là cha chồng của con Út Đẹt nhà này đó chú ba, mà tại chú hết thảy đó, hôm đám cưới mời chú với thím rốt cuộc chú đi đâu mà để cho thím Hai bữa đó ngồi “cu ki một mình“ vậy? phải chi bữa đó chú dự đám cưới của hai cháu là chú biết anh Sáu ông sui của tui rồi, vậy hôm nay tui phải phạt chú mấy ly mới được. 

- Bà ơi! Vô cái “Gạc măng rê“ bà lấy cho tui cái ly xây chừng ra đây để tui phạt chú Ba Lợm coi bà. 

Nghe ông Chín nói như vậy, Ba Lợm phân bua: 

- À bữa đó Tui có cái đám giỗ nhà anh Tư Ninh bên kia sông, mèn ơi có đám khách trên “Sè gòn“ (dìa) (dui) lắm, tui hứng chí uống xả láng, quắc cần câu ngủ luôn bên đó, hôm sau (dìa) tui có nghe con (dợ) nói hai vợ chồng chú trách tui dữ lắm, thôi thì bất khả kháng tui mới thất hứa với chú Chín chớ ai đâu mà muốn (dậy) đâu nè. 

* * * 

Ba Lợm là một con Sâu rượu, theo bà con trong xóm ví von như thế, có người còn nói nhấn mạnh thêm tính chất ghiền rượu của ông: 

- Ở ấp Bình Linh của mình không thiếu gì sâu rượu, nhưng so với ông Ba Lợm thì đó chỉ là đám Sâu con thôi, ông Ba nhà mình là ông cố tổ của Sâu rượu nữa đó, mấy người biết tại sao ổng có cái biệt danh Ba Lợm không, tui kể cho bà con nghe nè. 

Câu chuyện ông Ba sở dĩ có thêm cái biệt danh Lợm đi liền phía sau là do ông có người anh Tên Hai, nhưng do tính tình vui vẻ khi nhậu nhẹt uống rượu ba si đế như uống nước mưa nên thiên hạ trong ấp này khi đụng độ nhậu với ông Hai thì ai cũng gục tại bàn, còn ông Hai cứ uống hoài uống hoài không say, dần dà bà con đồng lòng gán chữ Lì cho ông Hai, biệt danh Hai Lì có từ đó, riêng ông Ba thì hơi bị oan khi mang chữ Lợm phía sau tên Ba, có người nói anh là Hai Lì thì gọi đứa em là Ba Lợm thì đúng quá rồi còn gì. 

Hai Lì vốn ngày xưa khi ông còn là anh Lính dân vệ chuyên gác ở dinh Quận phía ngoài chợ Châu Thành, bữa nọ sau ca gác anh cưởi chiếc Gobel chạy một mạnh về nhà, vừa tới đầu ấp tình cờ gặp cô Hai Thơm đang khệ nệ khiêng cái can nhựa chứa đầy nước trong đó. Anh Hai tấp xe vô rồi lên tiếng ghẹo: 

- Thơm đó hả em, thấy chưa! phải chi ưng anh thì hôm nay đâu có cực khổ như dậy, mà em khiêng cái gì đó, lên xe ôm eo ếch anh cho quá giang (dìa) nhà nè. 

Vừa mệt, vừa sùng trong bụng khi nghe Hai dân vệ buông lời trêu ghẹo mình, định mắng cho Hai nhà ta một trận cho đã nư, nhưng nghĩ lại đường về nhà hãy còn xa nên cố nén giận trong bụng cô Thơm ngọt ngào nói: 

- Nhà em hôm nay cúng cơm cho ông Ngoại, tía sai đi mua rượu về để đãi khách, sẳn đây mời anh Hai ghé nhà Thơm nhậu chơi cho vui. 

Ðịnh bông đùa cho vui nhưng không ngờ Cá cắn câu anh Hai mừng như mở cờ trong bụng, anh Hai nhảy xuống xe lấy sợi dây thun ràng cái bình rượu trước bình xăng của chiếc xe rồi đưa tay phủi cái ”Bọt ba ga“ phía sau cho sạch bụi và hơi nghiêng mình chìa hai tay ra hiệu mời cô thơm ngồi lên, ngày xưa khi các bà các cô được chở đi bằng xe gắn máy, họ thường ngồi một bên quay lưng về một phía, nhưng hôm đó vì cái bình rượu quá nặng, hơn nữa rượu sóng sánh chao qua đảo lại khiến can rượu muốn tuột ra khỏi sợi dây ràng, anh Hai còn chơi cắc cớ bắt cô Thơm ngồi gát chân hai bên, hai tay ôm choàng ra phía trước qua thân hình của anh Hai để giữ cho bình rượu khỏi rơi xuống đất, được người đẹp ôm khít rịt anh Hai khoái chí tăng ga chiếc Gobel chạy xồng xộc nhã khói mịt mù, khi qua các ổ gà trên đường quê anh Hai cố tình nhào xuống khiến chiếc xe dằn xốc dữ dội nên cô Thơm càng ôm anh Hai thật chặt khiến anh Hai đê mê vô cùng, còn cô Thơm hiểu ý của anh Hai dân vệ lợi dụng tình thế để có được cái va chạm ngoài ý muốn của Thơm, cô ta lầm bầm trong miệng: 

- Ðược rồi, chút nữa về tới nhà anh sẽ biết tay tui. 

* * * 

- Rượu (dìa) rồi kìa, thôi mời bà con nhập tiệc, mời chú Hai nó (dô) đây luôn, đó cái bàn chổ anh Bảy Trưởng ấp đó, chú Hai nó tọa chổ đó luôn cho vui. 

Qua vài tuần rượu, hơi men lâng lâng, người ta thường ví rượu vào thì lời ra, anh Hai dân vệ cũng không thoát khỏi quy luật này, hớp xong ly rượu đế anh Hai Lì giơ đôi đủa tre gắp cái cánh gà chiên nước mắm anh bỏ vào miệng nhai luôn xương nghe rao ráo, rồi anh bắt đầu lè nhè: 

- Cái ấp mình dạo này thiên hạ nhậu yếu xìu, uống rượu kiểu đó không đã chút nào, nhậu như (dậy) thua mấy đứa ở ấp bên kia sông xa lắc xa lơ. 

Lúc này cô Thơm đến sau lưng anh Hai, cô nàng bèn lên tiếng khích tướng: 

- Anh Hai nói (dậy) chớ anh uống sao bằng chú Ba Bầu ở cuối ấp mình, ly xây chừng ổng uống một lần ba ly liên tiếp mà tĩnh queo hà. Cở như anh Hai đây đối với chú Ba chẳng có nghĩa lý gì hết á. 

Bị chọc ngay chổ ngứa Anh Hai nỗi nóng: 

- Bi giờ anh Hai không uống bằng ly xây chừng như chú ba Bầu, anh uống bằng cái ly cối, là cái ly bự tổ bà nái mà ở Sài Gòn người ta hay uống Larue (la de), nếu anh uống ngon lành thì Thơm cho anh Hai đây (Hun) một cái chịu hông?. 

Biết đối phương trúng ké, cô Thơm nhà ta gật đầu cái rụp: 

- Chịu liền, nhưng phải hai ly cối mới được, có cô bác đây làm chứng ai ăn gian thì cô bác phân xử dùm con nghe cô bác. 

Mấy ông Già và mấy bà sồn sồn ngồi bàn bên cạnh hưởng ứng tức thời: 

- Ðược rồi, được rồi tụi tui mần chứng cho, cô Thơm yên chí, thằng Hai mầy chuẩn bị (Hun) con Thơm đi là (dừa). 

Về phía mấy cái bàn xa xa, nằm dưới tán dừa mát rượi có tiếng ai đó nói: 

- Tui chắc mẽm con Thơm thua chắc rồi, cái thằng Hai dân vệ này nó uống ba cái rượu này như Rồng uống nước, nhiêu đó nhằm nhò gì nó đâu. 

- Chưa chắc nghe. Nãy giờ thằng Hai nó như con Nhạn là đà (gồi). Có khi uống xong hai cái cối này nó cho Chó ăn chè (ói) luôn cũng hông chừng. 

- Ừa thì để coi sao, chưa biết ai thắng ai thua đâu, khó nói lắm. 

Cơn say làm cho Hai dân vệ hăng tiết vịt phán liền một câu xanh dờn: 

- Ô kê sa lem. Thơm đem ly ra liền đi, rồi coi anh Hai biểu diễn nè, sao có thay đổi ý không, anh chừa cho em con đường thối lui đó, chớ không thiên hạ nói anh Hai đây là người ức hiếp em út thì tội anh lắm nghen Thơm. 

Cái ly cối đầy tràn rượu được đặt trước mặt anh Hai một tay chấm vào dĩa muối ớt để đưa cay, tay kia dốc ly rượu vào miệng uống ừng ực, hai bên khoé miệng anh Hai những giọt rượu dư chảy dài xuống ướt cả ngực áo, bà con trong bàn được một dịp lé mắt khi chứng kiến tận mắt cao thủ võ lâm đệ nhất tửu của vùng này đang thi thố tài năng, lần lượt hết trơn rượu trong ly cối thứ hai thì tự dưng cái ly trên tay anh Hai dân vệ rớt xuống đất bể toang ra từng mảnh, anh lảo đảo rồi té khụy xuống nền xi măng nằm kế bên con chó phèn đang gậm mấy miếng xuơng gà dưới gầm bàn. 

Các bàn tiệc nhốn nháo, họ xúm lại khiêng anh Hai lên bộ ván gỏ phiá nhà trên, người giật gió, kẻ thoa dầu, có người còn lấy vôi ăn trầu của mấy bà già trét hình chữ thập dưới lòng bàn chân của Hai dân vệ họ cho rằng mẹo này chống say rượu rất công hiệu: 

Thím Hai Cẩm là người ở sát nách nhà Hai Lì chứng kiến từ đầu, khi thấy anh Hai uống dứt hai ly cối rượu và nằm chỏng cẳng thím bèn lên tiếng: 

- Cái thằng Hai này đúng là Lì thiệt nghen bây, trên đời trời đất đây là lần đầu tao mới thấy, ai đời uống rượu đế mà uống bằng ly cối, thiệt là Lì hết biết đa nghen. 

Cái biệt danh Hai Lì được gán cho anh Hai dân vệ kể từ đó. 

Lại nói về cô Thơm, hôm cô cố tình khích tướng khiến cho Anh Hai dân vệ chút xíu nữa thì Ngàn Thu Vĩnh Biệt, Hai Dân Vệ sau khi được thoa dầu đánh gió, trét vôi vô lòng bàn chân thì anh Hai nằm quay đơ cán cuốc trên bộ ván, hơi thở anh lúc này cũng đều đều không còn vật vã như lúc xế chiều, ngoài trời hoàng hôn đang dần buông xuống, vạn vật nơi vùng quê yên ả này lại sắp qua một đêm như bao đêm khác, bình thường giờ này hàng ngày Cô Thơm nằm vắt vẻo trên cái võng phía hàng ba để hò hát mấy bài vọng cổ, bà con vùng này cũng như bà con vùng quê khác nơi quê hương miền Nam yêu dấu, cải lương và vọng cổ là món ăn tinh thần không thể thiếu, từ già đến trẻ khi nhà ai đó mở radio lên khi có tài danh nào đang vô sáu câu vọng cổ thì y như rằng họ lân la đến gần để nghe cho rõ, có người còn nhép miệng hát theo, họ còn ghẹo nhau: 

- Trời ơi! con Thơm hôm nay bây ca ngọt quá trời nghen, nếu mà đi thi ca với cô đào Phượng Liên thì bây đứng nhì là cái chắc. 

Cô Thơm vừa mắc cở? vừa quê độ? với lời chê khéo này cô Thơm bèn trả treo: 

- Con nói thiệt với bà Năm nghe, nếu con được ở trên (sè gòn), tiền bạc dư dả con vô lò của chú Năm Cơ, chú Bảy Bá học đàn ca vọng cổ thì con dám đi thi hát với cô Thanh Nga cũng không chừng, lúc đó chưa biết Mèo nào cắn Miêu nào nghe cô. 

- Thôi bây ơi! Ở đó mà mơ với mộng, ý cô nói bây ca cũng giỏi, Phượng Liên Sao bây qua cho được, nhưng trong ấp Bình Linh này bây là số một La Mã rồi đó con có (dậy) mà hổng biết còn bày đặt mắc mỏ với tao nữa chớ. 

Thấy bà Năm vớt vát lại một câu nghe sướng rân người, cô Thơm cười toe toét rồi đứng dậy dông về nhà ngay, đêm đó cả xóm được dịp nghe Cô Thơm cống hiến gần chục bài vọng cổ miễn phí. 

Hai Dân Vệ nằm miết gần nửa đêm thì tỉnh dậy, đầu óc đau nhức như bị búa bổ, miệng khô cháy, ngồi bật dậy qua ánh đèn dầu loại đèn nhỏ bà con thường gọi cái đèn này là đèn Hột vịt, vì cái chụp đèn bằng thủy tinh nho nhỏ bầu bầu như cái trứng thành thử bà con cứ cho là đèn hột vịt , anh Hai cố nhướng mắt nhìn qua màn đêm bởi ánh sáng lờ mờ của cây đèn, đang tìm phương hướng ra sau hè tìm lu đựng nước mưa nhằm giải quyết cơn khát, anh mò mẫn đôi chân để tìm đôi giày Bốt đờ sô, bổng chân anh chạm phải một nùi bông dưới chân, anh dùng chân chà qua sát lại để xác định nó là vật gì, chưa hiểu cái gì dưới chân mình thì anh Hai đã nghe tiếng con Phèn: 

- Gừ. Gừ. gâu. gâu. 

Con Phèn sau khi gặm mớ xương gà lúc ban chiều, đang nằm ngủ dưới bộ ván, khi bị anh Hai dùng chân đạp lên thân hình của mình nó gầm gừ để cảnh cáo, khi nghe tiếng con Phèn phản ứng anh Hai vội co giò lên rồi than thở: 

- Làm ơn đi chổ khác cho tao nhờ với. 

Cô Thơm nghe tiếng lục đục phía nhà trên cô vội chong cây đèn dầu lớn rồi ra xem chuyện gì, thấy anh Hai đã tĩnh rượu và đang co ro ngồi trên bộ ván, Thơm bèn lên tiếng: 

- Cha chả tĩnh rồi hả anh Hai, anh làm em và bà con hết hồn hết vía, nếu uống không được anh ráng mần chi, kia kìa có ca nước đá em để sẳn đó anh uống đi cho đở khát. 

Không để cho Hai Dân Vệ leo xuống bộ ván, Thơm bưng ca nước đá đến cho anh ta, mừng như bắt dược vàng Hai Dân Vệ bưng cái ca nốc một hơi thiệt đã, cái mát lạnh của nước đá làm cho Anh Hai tĩnh hẳn, trả lại cái ca cho cô Thơm anh ta nói: 

- Anh... anh cảm ơn em thật nhiều nghe, nghĩ lại thấy mắc cở quá sá, uống xong cái ly đế thứ nhì là anh không còn biết trời trăng mây gió gì nữa, anh có làm gì không phải xin em bỏ qua cho nhé. 

Cô Thơm nhoẽn miệng cười, rồi cô nhắc lại câu chuyện lúc ban chiều: 

- Anh Hai uống quá nhiều, say rồi còn đòi uống bằng ly cối, may là sức khoẻ anh tốt chứ bằng không ngộ độc rượu là nguy hiểm đến tánh mạng, có thắng đi chăng nữa thì còn sức đâu mà bắt em trả nợ cá cược cho anh. 

Nghe Cô Thơm nhắc lại chuyện thách thức lúc ban chiều, anh Hai dần nhớ ra mọi chuyện, anh thầm nghĩ: 

- Nếu tính ra thì mình thắng cô Thơm này rồi, chỉ tại bất ngờ mình gục ngã thôi, đúng giao kèo là cô Thơm phải để cho mình Hun cổ một cái, cha.. cha làm sao bây giờ đây ta? 

Hai Dân Vệ nghĩ đủ mọi cách làm sao hôn được cô Thơm, lúc say xỉn anh còn mạnh miệng, giờ tĩnh rượu anh thấy sao mà khó để nhắc lại cái chuyện tế nhị này, nhìn quanh quấc mọi người trong nhà vẫn đang say giấc nồng, giờ chỉ còn mình anh và cô Thơm trong gian nhà nhỏ được bao quanh bởi bóng tối lờ mờ của ngọn đèn dầu vặn nhỏ, bậm gan anh Hai kêu cô thơm: 

- Thơm, lại đây anh nhờ chút chuyện. 

Tính tình hiền lành và ngây thơ cô Thơm vội đi đến bên anh Hai, Hai dân vệ kéo tay Thơm rồi nói: 

- Em ghé tai vô anh nói nhỏ cho nghe nè lỡ có người nghe thì kỳ lắm. 

Ghé sát đầu vào anh Hai tưởng rằng sẽ được anh ta nhờ cậy làm việc gì, chẳng hạn xuống bếp lục cho anh tô cơm nguội ăn với cá Bống trứng kho khô, ai dè Hai dân vệ bất chợt dùng đôi tay ghì chặt cô Thơm vào lòng rồi anh đặt một nụ hôn thật say đắm vào đôi môi của nàng thôn nữ đang tuổi xuân thì, thoáng chút bối rối nhưng không phản ứng quá đáng, Thơm xô nhẹ Hai dân vệ ra rồi cô đứng lên nói nhỏ vừa đủ cho hai người nghe: 

- Rồi coi như trả nợ cho anh rồi nghen, gan quá há tự nhiên dụ người ta rồi làm càn hà, tui không thiếu nợ anh thì tui la làng thì coi như anh tù mọt gông luôn nghe ông chằn. 

Hai Dân Vệ mừng vui khôn siết, vậy là ước muốn bấy lâu nay sắp thành sự thật, chưa cho Thơm trở gót ra ngoài, Hai Dân Vệ nắm tay thơm lần nữa, rồi anh bắt đầu rót mật vào tai, làm cho Thơm không cưỡng lại những nụ hôn nồng nàn tiếp theo của anh Hai, cứ như vậy hai người quấn chặt vào nhau, trên cây đòn dông giữa nhà có hai thằn lằn cũng đang quấn lấy nhau, bất chợt nó rơi xuống ngay nơi hai tâm hồn đang hòa chung cùng một nhịp trên bộ ván gõ, đang âu yếm mùi mẫn, bị cặp Thằn lằn rơi xuống trúng người, hai anh chị hoảng hốt đồng thanh la lên: 

- Trời ơi! Gớm quá. 

Cả hai phóng cái rột ra khỏi bộ ván gõ. Nằm ngủ cạnh phòng bên, nghe tiếng la thất thanh của con gái và Hai Dân Vệ, Ông Mười Mạnh, tía cô Thơm tốc mùng ra và quơ vội cây gậy tầm vông để bên đầu giường, ông chạy ra hỏi lớn: 

-Gì vậy Thơm? 

Chưa nghe con gái trả lời nhưng thấy Hai Dân Vệ đứng gần bên Thơm cả hai đang ngượng ngập, dường như ông Mười cũng đoán ra phần nào của câu chuyện, ông nói cho cả hai: 

- Trời còn sớm lắm, thôi bây đi nghỉ tiếp đi, mai còn ra ruộng phụ tía bắt ba cái đám ốc Bươu vàng hổm rày nó cắn phá lúa quá trời. Còn chú Hai cũng (dậy) nghỉ cho khoẻ mai còn công việc lính tráng nữa chứ. 

Hai anh chị dạ lí nhí trong miệng, trước khi trở về phòng Thơm cố thanh minh với tía mình: 

- Tía biết sao hông, tại cái ông này nè, ổng quậy con Phèn nó sủa rân trời con tưởng ăn trộm, ai dè ổng lọ mọ kiếm nước uống, thấy (dậy) con mới đem ca nước đá cho ổng uống, rồi ổng làm sao hổng biết cái ca bị rớt xuống đất làm con hết hồn la lên thì thấy tía xuất hiện rồi, thôi con ngủ tiếp đây. 

Thơm cố tình bịa chuyện để tránh cho tía nghi ngờ mình có tình ý với Hai Dân Vệ, và cũng để cứu anh Hai nhà ta khỏi tình trạng Chó ăn vụng bột khi bị chủ bắt gặp. 

Mừng trong bụng khi được cô Thơm vẽ đường cho Hươu chạy, và nhằm củng cố lòng tin nơi ông Mười, Hai dân vệ nói hùa theo: 

- Cô Thơm nói trúng đó chú Mười, con khát nước gần chết, may mà có cô Thơm ra tay đúng lúc, chớ không con chết khát lâu rồi, mà có khi bị con Phèn nhà chú nó xơi tái cặp giò của con luôn đó chú Mười, thôi có phiền hà chú Mười tha lỗi cho con nghe. 

Nghe Hai Dân Vệ nói vậy, ông Mười ôn tồn nói: 

- Có gì đâu mà chú Hai nó áy náy, Ông Năm tía của chú với tui coi nhau như cật với ruột, hơi đâu chú Hai phải lo, mình như người trong nhà, bà nhà tui cũng quý chú Hai lắm đó. 

Nghe ông Mười nói như cởi tấm lòng, trong bụng Hai Dân Vệ mừng hết lớn, sau khi nằm lại trên bộ ván gõ anh Hai không thể nào chợp mắt cho được, hình ảnh Thơm cứ lỡn vỡn trong đầu, mùi hương của da thịt cô Thơm nó còn vươn vấn đâu đây, như tiếc cơ hội bên người đẹp quá ngắn ngủi, rồi anh đỗ tội cho hai kẻ phá bỉnh từ trên trời rơi xuống, anh lẫm nhẫm: 

- Hai con thằn lằn mắc dịch này, hết chổ hẹn hò tự dưng ngay trên đầu mình rớt xuống, phải chi không có hai đứa bây thì tụi tao đâu có bị chia Uyên rẽ Thúy sớm như (dầy) đâu. 

* * * 

Ðám cưới của Hai Lì lạ lẫm nhất vùng quê êm đềm này, bởi ngày rước dâu Hai Lì không thuê xe Huê Kỳ như bao cặp hôn phối khác, cũng chẳng thèm mướn xe thổ mộ đưa rước dâu trên đường quê gập gềnh, trước ngày rước dâu Hai Lì thỏ thẻ cùng Thơm: 

- Em, em nè! kỳ này đám cưới tụi mình anh tính như (dầy) nè em thấy được hông? 

Không biết Hai Lì bàn chuyện gì với bà xã tương lai việc gì, nhưng lúc thì gương mặt của Thơm nhăn nhó, lúc thì Thơm và Hai Lì cùng nhau cười nắc nẻ, sau khi nghe trọn câu chuyện Hai Lì bàn bạc với mình, Thơm gặng hỏi Hai Lì: 

- Anh Hai thấy chắc ăn không đó, coi chừng bể kế hoạch mấy đứa bạn em tụi nó cười thúi đầu luôn đó. 

- Chắc như bắp rồi, thôi để anh tính đừng nghĩ ngợi mau già lắm bà xã, em già là anh đi kiếm bồ nhí ráng chịu nghen. 

- Ui da, đau quá tha cho anh đi Thơm, anh giỡn chút thôi mà, tính giết anh hay sao (dậy) bà chằn lửa. 

Thì ra sau câu nói bông đùa của Hai Lì, cô vợ tương lai của anh Hai nhéo ngay bắp vế non của Hai Lì một cái thật đau khiến Hai Lì la làng và lấy tay xoa xoa vào chổ bị nhéo cho bớt đau. 

Tiếng pháo phía nhà gái nổ vang lên rộn ràng, cả nhà đàng gái ra cổng chờ đàng Trai vào làm lễ chạm ngỏ, trong bộ Veston comple trong dáng lịch sự, đứng cạnh ông Mười là bà vợ ông tha thướt trong tà áo dài màu thiên thanh, sở dĩ bà Mười mặc áo màu thiên thanh là do ngày xưa lần đầu gặp nhau nói lời yêu đương với ông bà đã mặc màu áo này, hôm nay ngày trọng đại của con gái ông muốn bà chưng diện lại cái áo dài như ngày xưa thân ái nhằm ôn lại kỷ niệm của một thời yêu đương vụng dại. 

Ðàng trai từ phía ngoài đường làng đi vào, khi vào đến nơi qua các thủ tục cưới hỏi mà ông cha truyền lại, qua tuần trà bánh trái, đàng trai xin phép rước dâu về. 

Ra đến đoàn xe rước dâu của đàng trai, ông bà Mười Mạnh chưng hửng vì thấy đoàn xe rước dâu của anh Hai Dân Vệ toàn là xe của nhà binh, đi đầu là chiếc xe jeep M151A2 của ngài Quận trưởng cho mượn, kế đến vài chiếc xe Dodge rồi vài chiếc GMC nối đuôi tiếp theo, chiếc nào cũng trang trí hoa lá thật xinh xắn, có cả Trung đội lính mặc quân phục ủi hồ thẳng nếp đi theo đoàn rước dâu. 

Ông Mười nói nhỏ vào tai vợ: 

- Thằng rể nhà binh của bà chơi kiểu này khỏi sợ đụng hàng hén bà, kỳ này chắc đám cưới con mình thế nào cũng được đăng vô Ghi Nét đó bà. 

- Cái ông này. 

Nói bấy nhiêu thôi rồi tất cả mọi người lên xe, phía dưới sân bà con đứng xem hai bên đường đông nghẹt, không khí đám cưới nhà binh trên đường quê hương sao mà rộn ràng dễ thương vô cùng. 

* * * 

Từ lúc Thơm qua đời trong cơn bạo bệnh, để lại cho anh Mười thằng con trai bé bỏng, bao nhiêu ước mơ thêu dệt trong đầu Hai Lì giờ tiêu tan thành mây khói, sau lễ cưới Hai Lì hứa với Thơm không bao giờ anh uống giọt rượu nào, anh chí thú làm ăn sau những lúc xong công tác ở đơn vị, vậy mà chỉ một thời gian ngắn thôi, Trời không chìu lòng người vợ anh đã thành người thiên cổ. 

Thất chí, anh Hai quay lại chè chén như ngày xưa, khuyên lơn con rể không được ông bà Mười đành ẳm đứa cháu ngoại về nhà nuôi nấng. 

Những lúc bưng ly rượu uống, với đôi mắt lệ nhòe anh Hai thấy Thơm đứng trước mình với gương mặt thật buồn, anh nói lời xin lỗi: 

- Mình ơi! 

Em bỏ đi anh chông chênh nơi bến bờ thương nhớ. 
Ðêm giật mình bở ngỡ lệ ướt tràn mi. 
Tình vài năm sao vụn vỡ lúc chia ly. 
Anh không thể chạy theo Tình yêu mới. 

Mà thật vậy, thấy con rể của mình đang thất chí nên thương cảm trong lòng, ông bà Mười đứng ra tìm cho anh Hai một cô gái khác đẹp người đẹp nết nhưng anh Hai chẳng màng để ý, anh uống rượu như hủ chìm để giải phá cơn sầu, rồi một sáng nọ người trong ấp thấy xác anh Hai nằm mắp mé dưới ao cá bên dường, bên trên bờ ao còn đó phân nửa chai rượu đế trong như mắt mèo, cạnh đó hai trái cóc xanh và gói muối ớt nằm chỏng chơ, gần đó có một phong thư sau khi mở ra xem thì mọi người mới biết thư tuyệt mệnh của Hai Lì, nội dung anh nhắn lại anh muốn đoàn tụ với cô Thơm bên kia thế giới cho trọn đạo vợ chồng. 

Mấy bà sồn sồn đứng gần cái xác của anh Hai nói: 

- Rồi thì cũng xong một kiếp người. 

Viết Lại đêm 15/4/2015 

Hai Hùng SG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét