Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Nàng Tiên Mắc Đọa

Truyện ngắn của Hai Hùng SG



Câu chuyện này tôi được nghe cô bạn thân kể lại từ rất lâu, hôm nay tôi lục lọi trong miền ký ức của mình xin thuật lại để bà con cùng sống lại cái thời ngây dại đã qua của tuổi trẻ trong mỗi chúng ta. 

Khi vầng Thái Dương đỏ ối thật to đang dần dần trốn vào đường chân trời và những cánh chim nhỏ bé vỗ cánh bay ngang qua, hình ảnh chiếc bảo tháp của ngôi chùa nơi xa xa hằn in rõ trên bầu trời y hệt như những bức tranh do các họa sĩ tài hoa tạo nên, một buổi hoàng hôn trên quê hương trong khung cảnh thật yên bình, lúc này thì phía đàng Đông cô Hằng Nga cùng chú Cuội bên gốc cây Đa trên Nguyệt điện cũng dần nhô lên sau rặng tre làng, trên ven con đê đôi trai gái đang tựa lưng vào nhau cả hai thả hồn vào khoảng không mênh mông của bầu trời, gió nhẹ thổi mơn man làm suối tóc mềm mại của cô gái bay phất phơ vào gương mặt của chàng trai, mùi thơm của tóc bay vào mũi khiến chàng trai ngất ngây, rồi chàng lên tiếng: 

- Mùi thơm tóc của cô Tiên này anh chẳng bao giờ quên được, cho dù mai đây ở tận góc biển chân trời nơi đâu chăng nữa anh nhất định không quên. 

Xoay lưng lại cô gái nhìn vào mắt chàng trai hồi lâu rồi nàng nói: 

- Anh nói vậy chứ mai đây anh gặp cô gái khác họ đẹp hơn em thì lúc đó em còn là nàng Tiên trong tim anh nữa hay không? 

Chàng trai không thốt lên lời nào, hai tay anh choàng qua ôm trọn thân hình cô gái, anh cúi xuống hôn vào đôi môi nàng rồi cả hai nằm ngả lưng xuống thảm cỏ xanh rì ở bờ đê, gió vẫn thổi nhẹ và trăng bắt đầu trèo qua khỏi mấy ngọn tre chiếu ánh sáng yếu ớt lên vạn vật, đôi trai gái vẫn không rời nhau họ ngước nhìn bầu trời đang bắt đầu lấp lánh những vì sao, họ như muốn dìu nhau qua bến bờ xa lạ ở tít trên cao, bất chợt cô gái nhắc lại câu nói khi nãy: 

- Mai này gặp cô Tiên khác là anh quên cô Tiên này liền đúng không anh? 

Lấy tay bứt cọng cỏ (Mần Trầu) đưa lên miệng nhai nhai, rồi dường như vị đắng của cọng cỏ giúp cho chàng trấn tĩnh lại trước câu hỏi của người yêu, phun vội cọng cỏ xuống đất chàng nói: 

- Làm gì có chuyện đó Tâm ơi anh sẽ suốt đời suốt kiếp yêu em mà, không tin anh sẽ thề độc cho em tin nhé. 

- Em nói vậy thôi em tin rồi anh thề thốt làm gì cho mang tội, em tính trước rồi phận đàn bà bao giờ cũng mang phần thiệt thòi về mình trong tình yêu, lỡ có bề gì em sẽ... sẽ... 

Toàn tên chàng trai, vội lấy tay bụm miệng người yêu lại rồi nói như trách: 

- Em này, chưa có gì mà lo lỡ với cỡ, chúng mình yêu nhau chân thật thì bất cứ trở lực nào cũng không thể ngăn cản chúng mình, anh tin rồi mình sẽ vượt qua tất cả. 

Dường như chưa thật an tâm sau câu nói của Toàn, Tâm e ngại nói: 

- Em thấy bên gia đình anh có vẻ không thích em thì phải, nhất là mẹ của anh bà nhìn em với cặp mắt rất lạ, trực giác cho em biết điều đó. 

Toàn an ủi Tâm: 

-Anh biết rồi, để anh thuyết phục thêm với gia đình mọi chuyện sẽ ổn thôi mà, anh tin con chúng mình sẽ được ông bà nội hân hoan chào đón em đừng có lo. 

* * * 

Trời mới tờ mờ sáng khi mọi người trong cái xóm nhỏ này còn ngáy ngủ, vậy mà Bà Mười mẹ của Toàn đã to tiếng cãi vả với ông Mười: 

- Đó tui nói với ông hết nước hết cái rồi, tui còn sống ngày nào là thằng Toàn đừng hòng lấy con nhỏ đó làm vợ, ông mà theo phe thằng Toàn thì đừng thèm nhìn mặt tui nữa, tui sẽ từ nó và xé hôn thú với ông luôn. 

Dường như chưa nguôi cơn giận, bà Mười còn xỉa xói thêm: 

- Hứ, thứ con gái con đứa gì mà coi không được mắt chút nào, thiệt là tức mình cái thằng Toàn này lắm rồi, chắc nó ăn phải bùa mê thuốc lú gì của con nhỏ này hay sao đó, thiệt là tức chết đi được. 

Ông Mười vốn là người hiền lành như cục đất, ông làm ăn chăm chỉ một tay ông lo canh tác ruộng vườn đầu tắt mặt tối quanh năm, mấy lúc gần đây ông Mười cũng loáng thoáng nghe chuyện thằng con trai mình nó đem lòng yêu thương đứa con gái của ông Út Gắng nhà ở xóm trên, ông thấy con Tâm được người được nết so với những đứa trang lứa với nó trong cái ấp này, hơn nữa con Tâm học hành đến nơi đến chốn nếu sánh với thằng Toàn con ông thì quá xứng lứa vừa đôi còn mong muốn gì hơn, vậy mà hôm nay bà vợ ông "làm Hùm làm Hổ" rùm beng lúc sáng sớm, chột dạ trong lòng ông Mười khẽ khàng nói với bà Mười: 

- Bà ơi là bà, mới có sáng sớm mà bà nổi cơn tam bành la inh ỏi hổng sợ làng xóm họ chê cười mình sao? Có gì thì bà to nhỏ với thằng Toàn thêm nữa cho nó biết, bà phân tách cho nó là nhà mình lỡ hứa hôn cho nó với con Thu con anh Sáu Kỉnh rồi coi thằng Toàn nó ăn nói ra sao. 

Bà Mười lớn tiếng: 

- Ông biết không tui nói với nó cái vụ con Thu cả trăm lần rồi mà có thấu lổ tai trâu của nó đâu, thằng này tuổi Sửu đúng là lì lợm như trâu mà. 

Cầm ly nước uống ực một cái cho thấm giọng, rồi bà Mười nói tiếp: 

- Ờ mà ông có nghe đầu trên xóm dưới người ta đồn đãi ì xèo vụ hai đứa nó chưa, tui nghe phong phanh cái thằng quý tử của ông nó ăn cơm trước kẻng rồi đó, thiệt là khổ cho tui, bây giờ làm sao ăn nói với vợ chồng anh Sáu Kỉnh đây. 

Nói đến đây dường như bị xúc động nhiều trong lòng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, do bà Mười vốn mang bệnh Tim bấy lâu nay, bà vội đi ra nhà sau thả mình trên chiếc võng phút chốc bà đã lim dim mắt ngủ. 

Ông Mười thấy vậy vội đến phòng của Toàn đưa tay gõ nhẹ trên cánh cửa và kêu nhỏ: 

- Toàn... Toàn dậy chưa con, ra đây tía biểu nè, mầy hay thiệt nha, từ sáng tới giờ má bây bả ca "sáu câu vọng cổ" rầm trời vậy mà ngủ được sao?. 

Tiếng Toàn trong phòng nói vọng ra: 

- Trời ơi! Nãy giờ con muốn độn thổ luôn chớ ngủ nghê gì tía ơi. Má con kỳ cục thiệt luôn đó, có gì thì từ từ giải quyết, chứ la ong óng làm mắc cở muốn chết luôn vậy đó. 

Thương cho thằng con trai đang lâm vào thế kẹt, giống như ông bị ông Tư Phò mã lên xe chiếu tướng trong ván cờ tướng mà hai ông giao đấu gần đây, may mà hôm ấy ông vận dụng đầu óc suy nghĩ muốn nổ tung cái đầu mới phá được thế cờ độc chiêu của ông Tư Phò Mã khiến mấy người đứng xem bên ngoài phục lăn ông sát đất, còn thằng Toàn liệu nó phá cái thế cờ bí hiểm do bà Mười bày ra mà nó đang đối mặt bằng cách nào, ông Mười dọ hỏi thằng Toàn: 

- Vậy chứ Tía hỏi con, vụ con với con Tâm sao rồi, tía nghe tụi bây lẹo tẹo với nhau sâu nặng lắm rồi phải không? Má bây bả làm dữ lắm tía mầy muốn xụi râu luôn huống hồ gì bây. 

Đến nước này Toàn đành thú thật cho tía, nó mong ông Mười có cách thức nào hoá giải tình hình tồi tệ hiện nay của mình như hiện giờ: 

- Tía ơi! Tụi con thương nhau thật lòng, cháu nội của tía vài tháng tuổi rồi đó, con người ta đẹp người đẹp nết như vậy mà Má con bả chê thậm tệ Tía coi vậy thấy có được không?. 

Lúc này thì hai năm đã rõ mười, lời đồn đãi kia bây giờ đã là sự thật từ nơi cửa miệng của Toàn thốt ra, ông Mười thở dài rồi nói lầm bầm. 

- Đúng là có huông thiệt sao ta? 

Thằng Toàn đang rối trí vậy mà nghe ông Mười nói câu chẳng ăn nhập đâu vào đâu, nó bèn hỏi: 

- Tía mới nói cái gì mà con không hiểu? 

Chợt nhận ra mình nói hớ, do ông đang suy nghĩ về hoàn cảnh của ông mấy mươi năm về trước, ông nói: 

- Ờ... ờ tía đang nói cái vụ khác, năm nào bà con mình cũng bị ba cái lũ lụt nó hoành hành, khổ sở vô cùng hổng biết chừng nào mới thoát ra được. 

Nói xong ông làm mặt tỉnh rụi khiến thằng Toàn tưởng ông nói thật, nhưng nó đâu có ngờ ông nói trớ qua chuyện khác, bởi hình ảnh mấy mươi năm qua nó ngồn ngộn trở về trong tâm trí của ông. 

Ngày xưa ông cũng từng yêu một cô Nữ sinh học chung trường với ông, hai người tưởng chừng như được cùng nhau ăn đời ở kiếp cho đến ngày răng long đầu bạc, rồi cũng chính mẹ ông ra sức ngăn cản y hệt như bà Mười vợ ông đang ra tay ngăn cản tình cảm của Thằng Toàn với con Tâm, ngày ấy ông Mười cùng người yêu nuốt lệ chia tay nhau trong một buổi chiều mưa gió tầm tã, ngày ông lên xe hoa với bà Mười thì cô nữ sinh nọ đứng lặng lẽ sau đám chuối cây rậm rạp bên đường để nhìn thấy người mình yêu lần cuối. 

Vài hôm sau ngày đám cưới, trong một buổi sáng hai vợ chồng ông Mười chuẩn bị sẵn chiếc xe Thổ mộ để ra chợ Quận một chuyến gọi là hưởng tuần trăng mật, đang chất đồ đạc lên xe thì có ai đó la làng: 

- Anh Mười ơi, Cô Thảo con chú Út Gắng nhảy cầu tự tử ngoài sông cái rồi, bà con mới vớt lên được rồi, hiện giờ họ chở cổ về nhà ông Út Gắng để làm đám, anh qua bển nhìn mặt lần cuối đi. 

Nghe tin sét đánh ngang tai, hủy bỏ ngay cái chuyến hưởng tuần trăng mật, anh Mười lội băng đồng chạy riết một mạch đến nhà người yêu kịp đưa tay vuốt mắt cho cô Thảo, tự dưng lúc đó dòng máu tuôn ra nơi khoé miệng cô ta, thấy vậy có người lên tiếng: 

- Con Thảo nó chết oan mới trào máu như vậy đó, tội nghiệp con nhỏ biết bao nhiêu, cha mẹ nuôi nấng khôn lớn chưa đền đáp gì mà ra đi rồi. 

Anh mười chết lặng trong người, anh đi đến bên cạnh chú Út Gắng bất chợt anh quỳ xuống dập đầu xuống đất rồi nói như van xin: 

- Con xin tạ tội với chú Út, con không ngờ em Thảo nặng lòng với con như vậy, con xin chú và em Thảo tha thứ cho con, con đáng chết lắm. 

- Chú Mười ơi! Thôi đứng dậy đi chú, số phần cả thôi tui biết tính tình chú Mười mà, chú cũng đừng tự dày vò mình nữa, chú về lo cho thím Mười đi, ở đây tui lo được mà. 

Với đôi mắt ngấn lệ anh Mười ôm chằm chú Út Gắng rồi cả hai cùng khóc ngất, khiến bà con chung quanh thương cảm cho hoàn cảnh này rồi đôi mắt họ cũng đỏ hoe. 

Khi cô Thảo mồ yên mả đẹp, anh Mười là người bỏ công bỏ của để lập cho người yêu một ngôi mộ thật đẹp, bà con lối xóm không ai còn nhìn anh như một gã sở khanh nữa mà họ còn khen: 

- Thiệt tình à nghe, thằng Mười này nó làm rể nhà ai thì nhà đó có phước mấy đời luôn, nó ăn ở có trước có sau ghê vậy đó. 

Rồi sau khi lo cho cô Thảo xong, anh Mười gặp phải cái ghen tuôn ngàn đời của Hoạn Thư, chị Mười nhắc đi nhắc lại nhiều lần: 

- Anh là người thả mồi bắt bóng, con Thảo nó thành ma mấy kiếp rồi mà cứ tơ tưởng triền miên, tui mà biết anh nặng lòng với nó như vậy chắc đời nào tui ưng anh. 

Những lúc bị cô vợ chì chiết như vậy anh Mười thật khổ tâm, anh chẳng thèm phản ứng lại chị Mười làm gì nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhưng cái tình cảm ngọt ngào của cô Thảo với anh thì anh cứ để nó bám chặt trong lòng dễ gì phai nhạt. 

Bổng tiếng của thằng Toàn hỏi làm cho ông Mười phải ngắt quãng cái quá khứ buồn vui lẫn lộn đã lâu lắm rồi mới có dịp nhen nhúm lại: 

-Tía ơi vụ của con bây giờ tính sao đây tía, con không thể bỏ em Tâm, hơn nữa cháu nội của tía sắp chào đời sao đành làm ngơ hả tía?. 

Ông Mười nhăn mặt rồi khẻ nói: 

- Vụ bây khó thiệt nghe, theo ý má bây thì trọn hiếu, còn như nhất quyết ăn ở với con Tâm thì phải đạo rồi đó, chắc tía má đành phải thất lễ với vợ chồng anh Sáu Kỉnh thôi chứ biết sao bây giờ?. 

Thấy thái độ muốn vẽ đường cho Hươu chạy, Toàn vội nói. 

- Hay là con với Tâm trốn lên Sài Gòn mướn nhà ở tạm, chừng nào em Tâm sinh nở xong thì tụi con về tạ tội cùng tía má, khi có thằng cháu nội rồi chắc má cũng nguôi giận đó tía. 

Ông Mười trố mắt nhìn thằng Toàn rồi nhủ thầm trong bụng: 

"Thằng này coi vậy anh hùng quá ta, tía ủng hộ bây hai tay hai chưn luôn" 

Ông Mười đưa mắt nhìn xuống nhà dưới xem thử có ai thấy cha con ông nói chuyện trên này hay khômg, nhìn qua phía cái võng ông thấy bà Mười nằm ngủ miệng ngái khò khò, yên chí lớn ông Mười nắm vai kéo thằng Toàn đến gần, ông ghé miệng vào tai nó nói nhỏ điều gì khiến hồi lâu sau gương mặt nó hớn hở thấy rõ y như những người biết mình vừa trúng số. Nói xong ông dùng tay đẩy Toàn ra xa như muốn thằng con yêu quý nhanh chân chạy trốn cái tình cảnh éo le này. 

* * * 

Khoác chiếc áo len, chụp cái nón nỉ lên đầu, tay quơ vội cái cặp táp đựng sách vở tài liệu của một thầy giáo làng, Toàn dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng nhà nó cúi đầu chào tiá rồi leo lên yên xe nhấn cái pê đan đạp xe vội đến trường tiểu học ở đầu làng, vừa đến cổng trường Toàn thấy Tâm cũng ôm cái cặp táp đang rảo bước đi vào. 

Toàn và Tâm được bổ nhiệm về dạy ở ngôi trường này khá lâu, vì một phần hai cô cậu là dân cố cựu của vùng đất này nên được người dân và chức sắc trong làng yêu mến nhất là các em học sinh, những đứa trẻ nơi đây ngoài giờ học hành ở lớp chúng còn phụ cha mẹ việc đồng áng nương rẫy. Hôm nào các em bắt được con cá to, hoặc mấy chú chuột đồng béo tròn bắt được sau mùa lúa gặt xong, các em mang những món quà quê này đem đến tận nhà biếu cho thầy cô, những người được ví như người đưa đò, quanh năm họ cặm cụi đưa các em nhỏ chân lấm tay bùn của vùng quê hẻo lánh này băng qua dòng sông tri thức với ước vọng các em có được một ít hành trang cho buổi đầu đời để các em còn phải tiếp bước thêm trên đường đời còn lắm gian lao nhọc nhằn phía trước, những con cá, chú chuột đồng, ngọn rau, cây trái của các em trao tặng tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng được các thầy cô đón nhận rất trân trọng, Toàn và Tâm cũng không ít lần nhận được những món quà như vậy, thậm chí có lúc đêm hôm trời mưa gió đường làng quê trơn trợt vậy mà cũng có em tay đùm tay nắm mang đến trao tặng những sản vật quê mùa cho thầy cô, để rồi có lúc Toàn phải choàng áo mưa đưa ngược các em trở về nhà, cái tình người nơi miền thôn dã sao mà ấm áp chân tình không sao kể xiết. 

- Tâm.. Tâm lại đây anh nói cái này cho nghe nè hay lắm... Lại đây! 

Dựa chiếc xe đạp vào thân cây Phượng già trong sân trường, Toàn ngoắc Tâm rồi chỉ vào cái ghế đá, cả hai yên vị xong bằng cái giọng vui vui Toàn nói: 

- Sáng nay má anh làm cho tía con anh một trận quá mạng, chuyện của chúng mình có chút trở ngại, anh tính... 

Không chờ Toàn nói hết ý, Tâm chen vào: 

- Em đoán trước hết rồi, cô Thu con ông Sáu Kỉnh nhà danh giá hơn gia đình em nên má anh muốn cho anh "Chuột sa hũ nếp" nên không đồng ý cho em làm vợ anh chớ gì. 

Nói bấy nhiêu thôi Tâm dừng lại với gương mặt đượm buồn, Toàn bối rối trong lòng nhưng cố phân bua giải thích: 

- Không phải vậy đâu Tâm ơi, ba má anh hứa hôn đâu hồi anh còn đầu để chỏm ở truồng tắm mưa nữa kìa, nhưng thôi bây giờ mình phải như vầy... như vầy. 

Toàn nói nhỏ vào tai của Tâm, nó cố tình sao y bản chánh câu nói nhỏ vào tai mình của ông Mười lúc sáng sớm nay, nghe xong thoáng một chút mừng rỡ và cũng một chút lo âu: 

- Anh và Bác trai tính như vậy cũng được, nhưng em thấy nó làm sao đâu vậy khi phải dứt áo rời nơi chôn nhau cắt rún của mình, rồi học sinh, rồi ba má em nữa... 

Toàn an ủi vỗ về: 

- Một thời gian thôi mà Tâm, hơn nữa trên Sài Gòn nhà của chú thím anh rộng rãi dư sức chứa tụi mình, chú thím thương anh số một luôn nghe, mỗi lần chú thím về đây chơi anh là người được nhiều quà nhất đó cô hai ơi, hi... hi... 

Tâm đáp lời: 

- Cái ông Toàn này nha, ông sắp lên đoạn đầu đài với má ông kìa không lo ở đó mà cười với giỡn, chết có ngày đó ông ba ơi hi... hi... 

* * * 

Tuần sau một buổi sáng khi lũ gà trong xóm chưa kịp cất tiếng gáy, sương khuya còn phảng phất trong màn đêm, trên đường làng hàng cây mù u đứng thẳng tắp như để tiển biệt hai đứa con yêu dấu của nơi đây, Toàn và Tâm chọn cái ngày này để trốn tránh cái áp lực của bà Mười, đang lội bộ trên đường tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc khiến Tâm và Toàn thở dốc vì mệt. 

Thời may có tiếng kút kít của bánh xe bò, tiếng chuông leng keng nơi cái vòng đeo trên cổ con bò phát ra, Tâm với Toàn mừng quýnh ngoắc tay xin quá giang, ông Ba Mạnh người chủ chiếc xe bò củ kỹ kia cho hai đứa quá giang ra chợ Quận: 

- Ủa con Tâm với Thằng Toàn đây mà, vậy mà ông ba tưởng ai, mới sớm bửng mà bây đi đâu vậy, cha ơi đồ đạc sao quá ể vậy con, lên xe đi ông ba cho hai đứa quá giang ra chợ nè, chừng đến nơi khỏi tiền bạc chi hết bây bao ông ba tô hủ tiếu mì với cái ly bạc xĩu là được gồi, chịu hông bây?.. 

Còn gì hơn thế nữa, Tâm và Toàn mừng rơn nên sau khi ngồi hẳn trong lòng chiếc xe bò Toàn cất tiếng hỏi: 

- Mà ông Ba chở hàng gì mà đi sớm quá vậy? Tụi con lên Sài Gòn học thêm để thi lên ngạch nữa ông ba ơi, gì mà hủ tiếu với bạc xĩu, chút nữa con tặng ông Ba một trăm luôn tha hồ ông Ba uống rượu nha. 

Nghe Toàn nói vậy ông ba Mừng vui trong bụng, nhưng ông cũng "Mại hơi chín hấu": 

- Ư... mới sáng sớm bây nhắc tới (gụ) là ông bắt thèm (gồi), ông Ba bây giờ cử bớt con ơi nốc mấy cái thứ ba xị đế này vô cháy gan cháy (guột) hết, ông ớn lắm (gồi) nhưng hôm nay ông Ba (dui) trong bụng ông Ba làm một xị với tô xí quách thì nghỉ liền. Ha... ha..., à mà có chở gì đâu mấy con, lúc này ế lắm nên ông cứ đánh xe đi gặp gì chở nấy, còn không thì ra chợ bi bô với mấy bạn già cho (dui) chớ ông Ba ở nhà một bữa thì bịnh liền. 

* * * 

Vừa bước chân ra khỏi giường, vuốt lại mái tóc rồi xỏ đôi guốc vong vô chân bước đi lộp cộp trên nền nhà xi măng, ngó thấy chiếc xe đạp của Toàn còn đang dựa vào cây cột nhà, bà Mười cất tiếng kêu: 

- Con Hiền đâu? Anh hai bây hôm nay nó không đi dạy hay sao mà xe nó còn đây vậy. 

Hiền em của Toàn đang lui cui canh lửa cho nồi cám heo đang sôi sùng sục dưới bếp, tiếng đàn heo kêu en éc khi ngửi thấy mùi cám bay xộc vào dãy chuồng, cả chục chú heo kêu lên như thế âm thanh nghe nhức cả đầu, nghe má hỏi con Hiền bước lên nhà trên, thấy con Hiền mặc quần ống thấp ống cao bà Mười quở liền một câu: 

- Hiền... Má nói con hoài bây lớn xông xỗng rồi ăn mặc ý tứ chứ con, quần ống cao ống thấp thấy khó coi lắm nghe. 

Hiền đáp lời bà Mười: 

- Con đang sắt chuối cho heo, nóng nực gần chết má ơi có ai thấy đâu mà sợ, lỡ có thấy có khi họ thèm chảy nước miếng cũng không chừng. 

- Cha ơi, hôm nay dám ăn nói với má kiểu dậy với má hả, thằng Ba Khía nó qua đây chơi tao méc nó, nó chạy xa con luôn đó nghe con. 

Chực nhớ lại bà hỏi Hiền: 

- Con thấy anh hai con đâu không, hay nó còn khò khò trong phòng, tối qua nó lục đục đến khuya chắc bài vở nhiều quá nên ngủ quên không chừng, con vô kêu nó coi. 

Hiền dạ một tiếng rồi đi đến trước cửa phòng của Toàn, tội nghiệp con Hiền nó rống họng kêu mà chẳng nghe anh hai đáp lời, nó bèn dọng vào cánh cửa rồi hét lớn lên: 

- Anh Hai, má kêu dậy liền, ngủ gì mà ngủ dữ vậy. 

Vẫn không thấy động tịnh từ phía bên trong, con Hiền ghé mắt vào khe cửa nó thấy đồ đạc trống trơn, phát hoảng nó la chí choé khiến cho bà Mười hoảng theo: 

- Anh Hai dọn đồ đi mất tiêu rồi má ơi, trời ơi! đi đâu vậy hổng biết nữa? 

Bà Muời phụ họa: 

- Cái thằng ôn này nó cuốn gói theo con Tâm rồi hổng chừng, thứ gì dại gái hết biết, bỏ... Tao bỏ nó luôn hổng có má con gì nữa, mai tao ra Hội đồng xã viết đơn từ nó luôn, cái điệu này chắc tía bây vẽ đường cho nó chứ đâu, chút nữa ổng về đây biết tay tao. 

Thấy mẹ đang bốc hỏa giận dữ, con Hiền xếp re lặn ngay xuống bếp tiếp tục quần quật với bầy heo đang đói. 

Ông Mười vác cây cuốc trên vai, vừa rẽ vào ngỏ nhà thì bà Mười như đạn đã lên nòng bắn như mưa vào ông: 

- Ông Mười ơi, thằng quý tử của ông nó cuốn gói theo gái rồi kìa, ông có biết chưa vậy, thiệt tui khổ tâm hết biết như vậy đó, rồi ăn nói làm sao với anh Sáu Kỉnh với cháu Thu đây nè trời. 

Làm ra dáng bở ngỡ với gương mặt sửng sốt, ông Mười "đóng kịch": 

- Bà nói thiệt không, mới hồi sáng tui ra đồng sớm thấy nó lục đục để đi dạy học ai dè nó dại dột thiệt nha, bỏ nhiệm sở đã đành nhưng tội nghiệp mấy đứa học sinh, nghe nói trường đang thiếu người dạy quá trời, giờ lấy ai đâu mà thay cho nó. 

Bà Mười nổi nóng: 

- Cái vụ đó nhằm nhò gì ông ơi, không có thầy này thì có thầy khác, Tổng Thống mà chết coi có người khác nhảy lên thay liền, ông lo chi việc Bò trắng răng, lo vụ Anh Sáu Kỉnh kìa, tui giao ông vụ anh Sáu đó. 

Tâm trạng ông Mười lúc này nó khoan khoái vô cùng, vì ông đã giải cho Thằng Toàn với con Tâm một ván cờ bí hiểm khiến đối phương từ thế thượng phong thì nay trở tay không kịp nữa rồi, bà Mười cố tình "chiếu bí", ông xúi thằng con dùng chiêu "Tẩu kế" chước thứ ba mươi sáu trong tam thập lục kế trong Tôn Tử Binh Pháp, rồi áp dụng tiếp chước "kim thiền thoát xác" là khi vợ chồng Toàn có thêm đứa con chào đời rồi ẳm cháu Nội về nhà thì xem như "châu về hiệp phố", tính kiểu như ông Mười chắc ăn như bắp, bà Mười đâu có ngờ hồi nào đến giơ bà cố tình lấn lướt ông trong mọi chuyện bà độc đoán gia trưởng đủ điều, tưởng đã thuần phục được đấng lang quân của mình, nhưng bà đâu có biết ông Mười vẫn cao hơn bà một cái đầu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

* * * 

Chuyện của Toàn và Tâm trốn đi được làng xóm bàn cãi, đồn đãi, phóng đại tô vẽ đủ màu sắc, thời gian dần dà trôi qua mọi chuyện cũng lui vào quên lãng, không khí trong gia đình bà Mười có phần yên vui hơn, sau cú sốc phải xin lỗi sui gia hụt vui lòng bỏ qua cho lời hứa hôn hôm nào vì sự việc xảy ra ngoài ý muốn, ông Sáu Kỉnh thấy không có cách nào tốt hơn đành phải làm lành với ông Bà Mười, bù lại Thu con ông gặp một chàng trai tốt bụng ở làng bên qua dạm hỏi nhờ vậy mà không phải mất duyên đời con gái, bầy heo bà Mười bán hết trơn do vậy con Hiền không còn cảnh quần ống cao ống thấp nữa, nó ra chợ Quận học thêu thùa may vá, thằng Ba Khía cũng nhờ mai mối mang trầu cau sang bỏ ngỏ va hẹn khi con Hiền ra nghề mở tiệm may thì bấy giờ sẽ là ngày pháo nổ rộn ràng nơi sân nhà ông bà Mười. 

* * * 

Trong phòng sanh một bệnh viện ở thủ đô Sài Gòn, tiếng dao kéo lách cách phía bên trong, tiếng sản phụ la hét đau đớn khi sinh, phía ngoài phòng sinh bên hàng ghế gỗ ba người đàn ông đủ mọi lứa tuổi ngồi cạnh nhau chia sẻ kinh nghiệm đi nuôi vợ đẻ, có một ông ra vẻ thành thạo vì vợ qua mấy lửa rồi, bầy con nheo nhóc đang ở nhà, ông thì lớn tuổi vậy mà cũng còn đi nuôi vợ đẻ, mấy cô y tá nơi đây đều nhẵn mặt đối với ông, nên mấy cô hay buông lời chọc ghẹo: 

- Hôm nay ông ngoại dẩn bà ngoại đi đẻ con so nữa hả, ngoại nhiều con quá nuôi sao nổi? 

Ông già không giận, hóm hỉnh ông đáp lại: 

- Ô bây giờ thì cực thiệt, nhưng sau này con đàn cháu đống vui lắm, ôi cô ơi Trời sanh voi sanh cỏ lo gì đói, đúng không cô? 

Cô y tá cười vang lên rồi nói: 

- Thiệt con sợ ngoaị luôn, cái gì ngoại cũng mói được hết, con ngoại lần này Gái nữa rồi, vậy là ngũ Long Công chúa sau này ngoại tha hồ hưởng phước nhé. 

Nhìn đứa con trai khá bụ bẩm nằm kế bên mẹ, nhìn Tâm đang mệt nhọc mắt nhắm nghiền với cái dáng người xanh xao, bỗng dưng thằng bé khóc: 

- eo... eo... 

Thật hạnh phúc Toàn vỗ về con rồi nó quan sát thật kỹ thằng bé, Toàn thốt lên: 

- Chu cha ơi, sao giống thằng tía con hồi nhỏ quá vậy. 

Toàn cúi xuống hôn lên đôi gò má mỏng tanh của bé, bao nhiêu nhọc nhằn bấy lâu nay xa nhà sống trên đất Sài Gòn giờ đả đến ngày Toàn và Tâm được đền đáp, nghe động đậy bên mình Tâm thức giấc thấy chồng đang bên cạnh mình và con, Tâm chớp chớp đôi mắt khiến Toàn chú ý thấy đôi dòng lệ trên gương mặt Tâm chảy lăn dài xuống chiếc gối, Toàn lấy khăn chậm nước mắt cho vợ, những giọt nước mắt cho hạnh phúc đong đầy hôm ấy. Toàn cúi xuống hôn thật sâu vào đôi môi người yêu bé bỏng của mình hôm nào, Toàn lặp lại câu nói: 

- Em như một nàng Tiên mà anh thương mến, dù sau này có ở chân trời hay góc bể anh không bao giờ quên cô tiên này đâu, mùi tóc cô tiên thơm quá. 

Gượng sức Tâm cố nhép miệng cười và thều thào nói nhỏ cho chồng mình nghe: 

- Phải rồi em là Tiên, mà là Nàng Tiên mắc đọa thì đúng hơn phải không anh. 

Cả hai cùng giữ nụ cười mãn nguyện, rồi thằng bé chắc đang được mụ bà dạy nó cũng mĩm cười như cha mẹ nó. 

* * * 

Cuộc trùng phùng giữa vợ chồng Toàn với ông bà Mười như thế nào tôi không được biết, nhưng tôi chắc rằng khi bà Mười bồng thằng cháu nội giống thằng cha nó như đúc thì mọi cái trở lực ngày xưa bà áp dụng cho con dâu của mình không còn tồn tại trong lòng bà Mười nữa, cũng cầu mong như thế, một kết thúc thật có hậu đúng theo tài của kịch sĩ ông Mười. 

Viết xong mùng 6 tết Nhâm Thìn 2012 

Hai Hùng SG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét