Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Thằng Té Giếng

Truyện Ngắn của Hai Hùng SG


Bãi đất hoang cuối đường làng nơi xóm tôi cư ngụ, vào buổi chiều trời se lạnh của những ngày cuối năm khung cảnh lại càng Hoang vu, bởi thấp thoáng trên mặt đất những ngôi mộ bị cỏ mọc cao che khuất phía sâu bên trong hàng cây Gòn chen nhau đứng thẳng hàng như những người lính đứng nghiêm bồng súng chào, khi đến mùa trái Gòn đậu treo đầy trên cành, trái càng lộ rõ khi những chiếc lá gòn dần rơi rụng xuống đất, lúc này thì những trái gòn chín vàng nứt toát nổ tung vỏ và bông gòn bên trong bay ra trắng xóa cả vùng. Nơi đây cũng là chốn bọn con nít chúng tôi thời bấy giờ cùng nhau bày những trò chơi con trẻ. 

Khi hè đến lúc lũ học trò tạm thời xa rời bảng đen phấn trắng, cứ sáng nào cũng vậy thằng Cu Sì con của bà Mười quán trong xóm tôi nó đem con Diều giấy ra bãi đất này, nó canh chừng khi có cơn gió thổi ùa đến nó tung tăng chạy lấy trớn để đưa cánh Diều của mình bay lên bầu trời trong ánh nắng ban mai, chẳng mấy chốc con Diều của thằng Cu bay lên trên cao, khi con Diều no gió làm căng cứng sợi dây, thằng Cu cột sợi dây Diều vào trụ đá ong của một ngôi mộ cổ rồi ngồi say xưa ngước nhìn theo cánh Diều của mình. Lần lượt những đứa khác trong xóm ra nhập cuộc với thằng Cu, nhiều con Diều được bay lên cao với đủ màu sắc vui mắt, thời ấy con Diều thường được chúng tôi làm bằng giấy bóng bao tập, loại giấy này rất dai khó rách và có đủ màu xanh đỏ tím vàng .v.v.. Nên đứa nào cũng thích, hơn nữa khi nó lướt gió chuẩn bị bay lên cao thì tiếng giấy bóng của con Diều kêu loạt soạt âm thanh đó rất quen thuộc nên có lúc đứa nào trong bọn đã nói đùa:

- Tiếng đuôi Diều tung tăng trong gió rất quen, ông Bảy Mù xóm mình khi nghe âm thanh này ổng còn nhận ra huống hồ gì người sáng mắt.

Nhưng đâu phải đứa nào cũng có tiền để mua giấy bóng để làm Diều, chẳng hạn con Diều của thằng Cu Sì được làm bằng giấy nhật trình mà nó xin Ông Sáu Bi, ông Sáu thấy nhà nó khá nghèo nên lôi mấy tờ báo có tên Trắng Đen ra cho nó để làm Diều, vậy đó mà con Diều của Thằng Cu Sì cũng bay lên cao, có điều tụi tôi không thấy nó thanh thoát như những con Diều làm bằng giấy bóng của mình, rồi có lần tôi ghẹo thằng Cu:

- Cu Sì nè, con Diều nhật trình của mày là Diều nhà nghèo, Diều tụi tao là Diều nhà giàu nè biết không?.

Thằng Cu Sì nghe vậy nó lấy làm tức tối trong bụng nhưng nó cũng "Xực" laị tôi tức thì:

- Kệ Tao, Diều nghèo mà bay cao hơn Diều nhà giàu của tụi bây, quê ế... 

Bấy giờ cục tức trong bụng thằng Cu Sì chuyển sang tôi hồi nào không hay, bởi con Diều nó thật sự đang làm trùm bầu trời sáng hôm ấy.

* * *

Cả bọn đang sung sướng nhìn con Diều của mình khoe sắc thắm trên bầu trời trong veo, khi thấy Diều mình bay thấp hơn của đứa khác thì không ít thằng thả thêm dây được quấn quanh cái lon sữa bò, những lúc tình cờ có vài chú chim bay gần con Diều cả bọn la lên:

- Coi chừng đụng, coi chừng đụng.

Có đứa nghe nói vậy bèn cãi lại:

- Đụng sao được mà đụng, tui bây làm như mấy con chim ngu lắm vậy đó. Nó biết tránh chứ bộ, tao chưa bao giờ thấy chim đụng Diều bao giờ .

Diều chúng tôi đang bay ngon lành thì tự dưng trời đứng gió một cách đột ngột, làm cho cả đàn Diều từ từ hạ cao độ khiến cả đám nhóc chúng tôi thâu dây Diều một cách nhanh chóng nếu không muốn con Diều của mình đáp xuống ngọn cây gòn phía xa trong kia...

* * *

Một buổi chiều nọ, bầu trời dịu bớt nắng, trên trời cao mây nhẹ bay, những ngọn gió trong lành mơn man thổi, cả đám chúng tôi cùng tụ tập lại nơi sân thả Diều như mọi hôm, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là hôm ấy thằng Cu Sì nó cầm trên tay con Diều hết sức đặc biệt khiến cả đám nhóc chúng tôi đều trầm trồ kêu lên :

- Ồ Diều của thằng Cu hôm nay là ông nội của Diều nhà giàu nữa nghe tụi bây.

- Đúng rồi...  Đúng rồi...

Con Diều của thằng Cu được làm bằng giấy bóng kiếng màu đỏ, loại giấy bóng để dán vào các loại đèn Trung Thu, giấy này rất mắc tiền, "Giàu có" như bọn tôi có mơ cũng không có tiền để mua loại giấy bóng kiếng này khoác lên cánh Diều của mình, không hết thắc mắc sao thằng Cu đủ khả năng chơi trội như thế này tôi bèn lân la đến bên thằng Cu gặng hỏi nó:

- Cha ơi, hôm nay mầy có con Diều bảnh quá há, bao nhiêu tiền con này (dậy)? Mầy cho biết để tụi tao mần giống mầy cho vui, hôm trước tao nói Diều mầy nhà nghèo là nói chơi chớ tao không có ác ý đâu nha, mầy đừng giận.

Tự nhiên thằng Cu nổi sùng nó (dợt) tôi liền một khi:

- Mầy chê tao nghèo thì có, tụi bây ỷ nhà giàu hay chọc ghẹo tao, tao méc ba tao rồi, ba tao mới làm con Diều này để so với Diều nhà giàu tụi bây nè.

Thằng Thành đứng gần bên nghe thằng Cu nói như vậy nó tức lắm bèn lên tiếng:

- Diều mầy hôm nay ngon rồi há, vậy có dám thả thi với Diều tao không?

Thằng Cu Sì nói mạnh miệng:

- Tao sợ mầy chắc, cá liền sợ gì, Diều đứa nào bay cao hơn thì đứa đó thắng, đứa nào thua thì chung cho đứa thắng hai cắc bạc mầy chịu không?

Thằng Thành nóng máu đáp lại:

- Chịu liền. Thằng Phương làm chứng nghe, rồi tao với mầy đi ra thả liền, tao giao trước thua là phải chung tiền liền không được ăn gian đó.

Không hiểu thằng Thành nó nghĩ ngợi điều gì, nó nói tiếp:

- Hai cắc của tao nè, tiền mầy đâu đưa thằng Phương giữ luôn cho chắc ăn.

Tôi chưa kịp nhận lời sẽ làm chứng cho cuộc thi thả Diều do hai con ngựa non háu đá bày ra, thì hai đứa đưa tôi giữ bốn cắc bạc, lúng túng vô cùng vì tự dưng hai thằng này giao cho tôi giữ tiền cá cược của hai đứa nó làm tôi bối rối không biết cất giữ ở đâu, bởi quần áo tôi đang mặc trên người không có cái túi nào, bí quá tôi đàng cuộn bốn cắc bạc này lại trong lưng quần tà lỏn, lúc này thì hai đứa nó cùng nhau vác con Diều của mình chạy nhanh về phía hàng cây gòn phía bên trong để bắt đầu cuộc tỉ thí một mất một còn, phía bên ngoài tôi và mấy đứa bạn ngồi trên thành mấy ngôi mộ đá ong để quan sát hai đứa nó. Chừng như canh được ngọn gió vừa thổi đến hai đứa lấy trớn vừa chạy vừa thả dây Diều, con Diều của Thằng Cu Sì dường như bay nhanh và cao hơn, theo tôi có lẽ do Diều của nó làm bằng giấy kiếng rất mỏng nhẹ nên dễ bay hơn. Đang mải mê theo dõi hai cánh Diều bổng tôi nghe đau nhói dưới chân, thì ra lo xem Diều tôi quên bẵng về mình khiến lũ muỗi lợi dụng cơ hội hiếm có xúm lại vươn vòi chích lia lịa làm tôi ngứa ngáy vô cùng, khi giải quyết xong đám muỗi trong tích tắc khi tôi nhìn lên thì lúc này chỉ còn trơ trọi lại một mình thằng Thành, nó vẫn đang cắm đầu chạy về phía chúng tôi để thả cho cánh Diều của mình bay thật cao, nó cũng không ngờ chỉ còn lại mình nó trên đường đua, còn Thằng Cu Sì thì biến mất cùng con Diều màu đỏ của nó, tôi bèn la lên:

- Thằng Cu trốn đâu mất rồi bây ơi! Chắc nó sợ thua thằng Thành nên trốn mất rồi, có đứa nào thấy không?.

Cả đám chúng tôi nhốn nháo, có đứa còn nói:

- Có khi nào ma giấu nó không tụi bây, mai mốt thả Diều buổi sáng đi, bây giờ sắp tối rồi tao sợ quá.

Chúng tôi thật sự cuống cuồng, tỏa ra khắp khu đất để tìm thằng Cu, thằng Thành lúc này nó cũng thu con Diều xuống và chạy lại hỏi:

- Tao với thằng Cu chạy một lượt, cuối cùng tao vượt lên phía trước, đến chừng tụi bây la lên tao mới biết thằng Cu Sì biến đâu mất.

Chúng tôi chia nhau đi quanh khu đất, vừa tìm vừa kêu:

- Cu Sì ơi! Mầy ở đâu? Thôi nếu sợ thua thì khỏi cần cá nữa, về nhanh lên trời tối rồi ... Cu ... Sì .. Õi .....

Chợt nghé tiếng ai đó rên và kêu cứu:

- Cứu... Cứu tui... với...

Tất cả chúng tôi hướng mắt đến nơi phát ra kêu, chợt hiểu ra điều gì thằng Thành vội nói:

- Cái giếng lạn, chết rồi thằng Cu đang dưới giếng đó tụi bây ơi.

Thế là cả đám nhóc chúng tôi lao nhanh về cái giếng Lạn, quanh miệng giếng một vệt cỏ bị vật gì kéo ngã rạp về một phía, dấu vết để lại chỉ ra rằng có ai đó đã rơi xuống cái giếng lạn này, mà tiếng kêu cứu ban nãy phát ra thì đích thị tiếng kêu của thằng Cu mà thôi, tôi chụm hai bàn tay lại làm cái loa và thét lớn xuống giếng:

- Có ai dưới đó không? Cu ơi Cu!

Có tiếng nói thều thào vọng lên từ đáy giếng khiến chúng tôi mừng khôn siết:

-Tao dưới đây nè, mau cứu tao, tao sợ lắm!.

Bầu trời sụp tối thật nhanh, cố lắm nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy diện mạo của thằng Cu Sì lúc bấy giờ, nhưng tôi chắc rằng nó đang mang một tâm trạng vô cùng sợ hãi.

Tôi nói với thằng Thành :

- Ông chạy nhanh về báo cho ông Mười biết tin thằng Cu bị té giếng đi, nhớ nhắc ông mười đem theo đèn, cái thang, và dây thừng nữa nghe .

Thằng Thành chạy u một mạch về báo hung tin , trong khi chờ đợi người đến giải cứu cho thằng Cu , chúng tôi phải lên tiếng nói chuyện liên tục với thằng Cu nhằm giúp nó trấn tỉnh lại:

- Mầy có sao không Cu Sì. Con Diều nhà giàu của mầy đâu rồi?.

Nghe thằng Đực nhỏ hỏi han thằng Thành như vậy , thằng Quỳnh nó lên tiếng:

- Trời, trời, giờ này mà còn hỏi con Diều, may mà nó không bị chuyện gì, chớ không thì...

Thằng Quỳnh bỏ dở câu nói giữa chừng, sở dĩ nó không dám nói hết ý, vì có lần nọ trong xóm tôi có nhà bị mất trộm cặp gà nòi, thiên hạ đang đứng bàn tán xôn xao thì thằng Quỳnh nó khều nhẹ vai thằng Thành rồi nó nói:

- Thành nè! Ông sáu bị mấy thằng mắc dịch chôm cặp gà nòi, nhà mầy cũng có gà nòi hổng chừng nó bị thỉnh luôn rồi đó nghe mậy.

Thần khẩu hại xác phàm, đúng y chang câu nói của Thằng Quỳnh, mấy chú gà nòi úp trong cái bội ngoài sân dưới gốc cây trứng cá nhà thằng Thành cũng tự dưng không cánh mà bay, khiến thằng Thành "đay nghiến" thằng Quỳnh:

- Miệng mầy ăn mắm ăn muối nói linh như Miễu vậy đó, làm ơn mai mốt đừng có ứng khẩu nói như vậy nữa nghe ông.

Bởi vậy lần này thằng Quỳnh nó "thắng" cái miệng nó lại kịp thời, chớ không thì có khi nó lại bị thằng Thành "quở" cái miệng ăn mắm ăn muối lần nữa thì có nước độn thổ luôn.

* * *
Đang ngồi ngoài sân nhà nhâm nhi mấy ly ba xi đế cùng với mấy ông bạn già trong xóm, ông Mười Quán chuẩn bị dốc cái ly mắt trâu rượu đế sóng sánh nước trong veo như mắt mèo vào miệng, bổng tiếng kêu thất thanh từ xa của thằng Thành đang réo tên ông khiến ông chựng lại chưa kịp thưởng thức cái cay nồng của ly đế Gò Đen chánh hiệu, ông vội lên tiếng:

- Ông Mười đây, có chi mà bây la cái miệng bài hải vậy Thành, vô đây đi con.

Hổn hển thở, thằng Thành sà ngay vào cái bàn nhậu của ông Mười, nó lật đật thế nào không biết làm văng dĩa khô mực nướng bốc mùi thơm lừng rơi ngay xuống đất cạnh bàn nhậu khiến mấy ông đệ tử lưu linh nổi giận mắng mỏ thằng Thành:

- Cái thằng này thiệt... là hậu đậu nghe bây, có gì thì từ từ nói, bộp chộp làm rớt bà nó dĩa khô mực của tụi tao rồi, giờ tính sao đây?

Thằng Thành như biết lỗi nó lắp bắp nói:

- Dạ con xin lỗi mấy ông vì Thằng Cu Sì nó....

Thằng Thành chưa dứt câu, thì tiếng ông Tám Ngàn the thé vang lên:

- Suỵt... suỵt ... Đi ... Đi, trời đất, con chó nhà bà ba Cá nó lũm mấy con khô mực rồi mấy ông ơi.

Ông Hai Nghĩa nghe vậy phán một câu làm cho mấy ông nhậu "mất lửa":

- Ôi thây kệ anh Tám ơi, mình nhậu hoài, nhậu hà rầm ăn mồi đủ thứ hết rồi, lâu lâu cho con Mi Lu nhà bà ba nó "Hưởng Sái" chút đỉnh có sao đâu?.

Ông Mười nãy giờ nghe hết trơn lời đối đáp của các bạn già, nhưng ông chẳng buồn quan tâm đến việc đó, ông nói:

- Trời mấy ông làm ơn ngưng nói chuyện chút đi, Thành ơi! Thằng Cu Sì làm sao vậy con, nói cho ông Mười nghe coi.

-Dạ. Dạ Cu Sì rớt xuống giếng lạn ở khu đồng mả rồi ông Mười ơi, mấy bạn nói ông đem thang tre, dây thừng ra cứu gấp

Bà Mười đang cầm cây chổi tàu cau quét gom lá cây lại thành đống và đốt để un ba cái đám muỗi đang bay vo ve trong sân, mùi khói đốt lá nghe quen thuộc vô cùng bởi vùng này ngày ấy chưa có xe đổ rác trong các xóm nhỏ, còn rác ở các chợ thì được mấy chiếc xe bò gom chất đầy nhóc vun lên khỏi thành xe phía sau, để tránh cho rác rơi rớt dọc đường mấy ông đánh xe bò dùng mấy chiếc chiếu cũ đậy lên trên rồi dùng dây kẽm cột các góc chiếc chiếu vào thùng xe thật chặt, mà thời ấy xe bò chở rác chỉ được phép chở vào ban đêm cho đến mờ sáng, bọn nhóc chúng tôi thích nhất cùng nhau đu phía sau xe bò khi đoàn xe này đi qua thôn xóm, hôm nào không vui trong bụng mấy ông chủ xe bò đổ quạu rầy rà và không cho chúng tôi đeo bám vào thùng xe bò, có ông còn lấy cây roi thật dài dùng để trị mấy chú bò ương ngạnh, họ quất ngược về phía sau có hôm mấy thằng nhóc bị trúng phải ngọn roi này đau thấu trời buông tay nhảy xuống rồi dọt thẳng vào các hẻm nhỏ bên đường, còn hôm nào vui thì mấy ông chủ cho bọn tôi đu xe thả cửa rồi thậm chí cho chúng tôi nào chuối, ổi để cả đám cùng ăn..., khi nghe thằng Thành nói thằng Cu Sì té giếng lạn, bà quăng cây chổi xuống đất rồi vừa thúc hối vừa trách móc ông Mười:

- Ông Mười ơi ông Mười, lo đi cứu thằng Cu dìa liền kìa, thôi dẹp bàn nhậu là vừa, ông chẳng để ý gì thằng Cu, nó lêu lỏng cả ngày, vậy mà ông ngồi nhậu cho được á.

Nghe "Sư Tử Hà Đông" của ông bạn già đang "làm hùm làm hổ" với ông mười, mấy ông nọ bèn rút lui không kèn không trống vì sợ ngồi hồi lâu bị vạ lây thì phiền phức vô cùng.

Thấy Bà vợ nóng ruột với tin thằng quý tử bị té giếng mà lớn tiếng với mình, phần thì có tật "nể vợ", phần thì thấy chiến hửu đã rút khỏi trận địa, hiện chỉ còn mình ta với Địch nên ông Mười cũng không thèm đôi co với bà làm gì, ông mười quay sang hỏi thằng Thành cớ sự ra sao mà thằng nhỏ nhà ông té xuống cái giếng lạn

Thằng Thành kể lại câu chuyện cho vợ chồng ông Mười quán nghe, rồi nó nhận định:

- Phải chi tụi con đừng thi nhau thả Diều thì đâu có chuyện rắc rối này há ông Mười.

Ông bà Mười lôi ra cái thang, sợi dây thừng, có cả cây đèn khí đá, khi ra khỏi sân nhà mình bà Mười chực nhớ mới nói vọng vào nhà:

- Phát ơi! Ra trước coi nhà đi con, nhớ coi chừng đống un nghe phát, dẹp dọn chổ tía bây nhậu luôn dùm ổng đi con.

Thằng Phát là em kế của Cu Sì từ sau nhà bếp chạy vội lên nhà trên, nó lớn tiếng dạ trước khi mọi người bên ngoài sân đi khuất .
* * *

Từ đàng xa chúng tôi thấp thoáng thấy ông bà Mười và thằng Thành xuất hiện, trong lòng chúng tôi lúc bấy giờ như trút được gánh nặng ngàn cân trên vai vì ông bà Mười đến vừa đúng lúc, do thằng Cu Sì nó quá mệt mỏi và chưa kịp hoàn hồn sau cú ngã từ mặt đất xuống đáy giếng, tiếng là cái giếng lạn không sâu có điều bị rơi xuống bất tử cũng làm thằng Cu Sì bị trầy trụa khắp người, dưới đáy giếng tiếng nó rên hừ hừ vọng lên phía trên khiến cả đám chúng tôi cũng thấy xốn xang trong lòng, bởi bất lực khi thấy thằng Cu lâm nạn mà chẳng làm gì được cho nó.

Ông Mười lao nhanh về cái giếng lạn, đến nơi ông ra lệnh cho chúng tôi:

- Tụi con xê ra xa xa một chút, vì bu lại đây nhiều người quá thì bên dưới thiếu dưỡng khí thì nguy hiểm cho thằng Cu Sì vì nó sẽ bị ngạt thở đó mấy con.

Chúng tôi giạt ra xa đứng đó quan sát ông bà Mười giải cứu thằng Cu Sì, bà Mười cầm cây đèn
khí đá rọi xuống miệng giếng, cũng nói sơ qua cái đèn khí đá này, nó được cấu tạo bộ vỏ đèn bằng đồng thau thật dầy, nhà sản xuất thiết kế bên trong như thế nào thì tôi không biết, nhưng muốn sử dụng phải bỏ khí đá một loại đá mà nhiều người ngày xưa gọi là (đất đèn), khi bỏ khí đá vào đèn rồi họ gài chặt lại rồi châm nước vào, chỉ trong chốc lác phản ứng hóa học xảy ra và sẽ sinh ra một loại khí có khả năng bắt lửa và cháy rất tốt, mấy ông chệt ở Sài Gòn hồi đó đi bán bánh bò bánh tiêu ban đêm hay xài loại đèn này, vì nó chịu gió rất giỏi không bị tắt.

Trở lại chuyện thằng Cu Sì, khi bà Mười huơ huơ đèn tìm thằng Cu, phía bên dưới nó cảm động khi thấy mẹ mình bên trên nó mếu máo nói:

- Con sợ lắm má ơi, chút nữa về nhà nói ba đừng đánh con tội nghiệp nghe má.

Bà Mười nghe Cu Sì năn nỉ làm bà cũng mủi lòng, nghèn nghẹn bà nói:

- Không sao đâu con, má sẽ nói với ba dùm cho, con bị như vầy ba má thương không hết chứ làm sao đánh con cho được.

Ông Mười thả cái thang xuống dựa vào thành giếng, ông leo xuống nhanh chóng, chỉ chốc lát thằng Cu Sì được ông dìu nó lên khỏi cái giếng, tiếng vỗ tay rần rần của bọn nhóc quanh đây vang lên, rồi cả bọn đồng thanh hô to:

- Hoan hô ông Mười đi tụi bây, ông Mười hay quá giống y như anh hùng người Dơi vậy đó.

Bà Mười mừng muốn rơi nước mắt khi nghe chúng tôi tung hô ông Mười như hai anh em Bat Man và Rô Bin trong phim người Dơi thỉnh thoảng chiếu trong vô tuyến truyền hình nằm ở băng tầng thuộc đài Mỹ ở sài gòn, bà Mười bắt đầu pha trò làm cho cuộc giải cứu thêm phần sinh động:

- Cha... cha mấy con không công bằng nghe, bà đây ganh tị đó, ông Mười bây được hoan hô như người Dơi, thì bà Mười này cũng có công cứu thằng Cu Sì thì chí ít ra bà cũng là Miêu nữ chớ, sao không hoan hô bà vậy mấy con.

- Hoan hô bà Mười, hoan hô, hoan hô...

* * *

Sau lần tai nạn đó thì râm ran tiếng đồn trong xóm, mấy người lớn họ bàn tán với nhau:

- Mấy bà biết không? Mấy người té giếng giống Thằng Cu Sì trong xóm mình đó, sau này người ngợm ăn nói cư xử không ra gì, có khi bị khật khùng cũng không chừng. Hoặc khờ khờ như thế nào đó.

Trong số mấy bà buôn chuyện hôm ấy có người không đồng ý với nhận xét trên:

- Chị Hai nói sao chớ, đâu phải ai té giếng rồi cũng khờ khờ (mad mad) hết đâu.

Thực hư tiếng đồn đãi này trúng trật như thế nào thì cái đám bạn của thằng Cu Sì và cả tôi chưa thấy nó có cái biểu hiện như lời đồn đãi kia, có điều một bữa nọ trong lần chơi đánh đáo ăn tiền, sau một hồi chơi thì thằng Cu Sì nó khai ra nó đã thua cháy túi, có nghĩa là nó không còn một cắc trong người, vậy là chúng tôi phải nghỉ, cả đám quay quần dưới gốc cây khế già, đứa thì đếm tiền đứa thì tranh thủ uống nước cũng có vài đứa nằm bẹp người xuống đất, tụi nó nằm gối đầu chổ gốc cây khế nổi trên mặt đất , liền khi ấy ông Bảy cà Rem đẩy chiếc xe cà rem dừng ngay chổ bọn tôi đang tụ tập, thằng Quỷnh là thằng ăn nhiều nhất trong trò chơi đánh đáo, nó chạy đến mua ngay năm cắc cà rem đậu xanh, ông Bảy đút tiền vào cái học tủ bên dưới rồi ông mở nắp thùng cà rem lôi ra một bẹ cà rem lạnh bóc khói, ông lấy con dao nhỏ cắt làm mấy cục, ông ghim một cục khá to đưa cho thằng Quỳnh, thằng Quỳnh cầm lấy và liếm cục cà rem một cách ngon lành, rồi lần lượt đứa nào cũng mua, có điều hổng có ai chơi sang bằng thằng Quỳnh, thậm chí có đứa mua chỉ một cắc bạc, khiến ông Bảy càm ràm:

- Một cắc bạc khó bán lắm, ít ra phải hai cắc, mà thôi thấy mấy đứa thèm quá ông bán luôn cho bây, chứ bán vậy ông không có lời đâu.

Quanh đi quẩn lại chỉ còn thằng Cu Sì là không mua cà rem, tôi mới chực nhớ nó nói đã thua hết tiền, dự tính cho nó mượn hai cắc để cùng ăn cho vui, nhưng Thằng Quỳnh lẹ miệng kêu:

- Nè Cu Sì lại đây tao cho mầy cắn một miếng nè.

Cu Sì đang bí xị vì đứa nào cũng có cà rem để ăn, còn nó đang nhìn các bạn ăn một cách ngon lành, nó nuốc nước miếng ừng ực, tiếng thằng Quỳnh mời mọc làm cho Cu Sì phấn chấn hẳn lên, nó vội đến rồi cắn ngay một góc bẹ cà rem trên tay thằng Quỳnh, do Cu Sì cắn miếng hơi to khiến thằng Quỳnh la lên:

- Cái thằng này kỳ ghê. Kêu cắn một miếng mà cắn cho dữ vô, không cho mầy ăn nữa.

Lúc này thằng Cu Sì tự ái nổi lên:

- Hỗng cần, tao mua tao ăn thôi

Nói xong nó lận cái lưng quần lôi ra một nắm bạc cắc mới tinh được gói kỹ trong cái bọc nylon, nó còn cẩn thận ràng hai sợi dây thun gói bạc cắc cho chắc ăn.

Thấy gói bạc cắc của thằng Cu Sì ai nấy cũng trầm trồ, thằng Cảnh bèn nói:

-Cái thằnh té giếng này xạo ke, còn cả đống tiền vậy mà lúc nãy dám nói hết tiền.

Lúc này tôi mới chực nhớ lại câu chuyện hôm nọ mấy bà trong xóm bình luận về tính khí của những người té giếng, như vậy hôm ấy tôi biết được cái thằng té giếng trong xóm tôi nó không ngu ngơ khù khờ chút nào, mà trái lại nó khôn trật đời qua chuyện ăn chực cà rem của thằng Quỳnh.

Rồi cái bằng chứng hùng hồn chứng minh lời đồn đãi nọ ít ra cũng có trường hợp ngoại lệ, sau này khi đến tuổi trưởng thành, có nghề nghiệp làm nghề bọc nệm ghế salon cho các nhà thầu nên phúc chốc Cu Sì ăn nên làm ra khá dã hơn những đứa bạn cùng thả diều ngày xưa.

Giờ đây khi ai gán cho ai cái tên "đồ té giếng" để ám chỉ người không bình thường, thì theo tôi chưa chắc đó là những tay càn dỡ trong cuộc sống, ai mà cố cãi lại tôi sẽ dẫn họ đến gặp "Cu Sì đại gia" đã từng té giếng một thời vậy mà hắn đang sở hửu một gia tài to lớn mà chưa chắc người "chưa từng té giếng" có được.

Sài Gòn mùa nắng nóng - 2012

Hai Hùng SG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét