Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Bán

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Ngày xưa trong xã hội Việt Nam người ta xếp hạng theo thứ bậc "Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương ". 
Còn tài tử, nghệ sĩ thì cho vô thành phần "xướng ca vô lại". Tôi thật không hiểu hồi đó người ta dựa vào tiêu chuẩn nào để mà xếp hạng.
Cuộc sống luôn luôn thay đổi, cho nên thứ bậc trong xã hội cũng thay đổi theo. Lúc tôi biết chuyện thì những người làm thương mại không còn ở hạng chót mà đã nhảy tọt lên hàng đầu rồi. Tài tử, nghệ sĩ cũng không còn bị xem là vô lại nữa, còn sĩ và công đang tranh nhau hạng cá kèo vì vậy mới lòi ra 2 câu thơ:

Không ai sang bằng Thầy với thợ,
Không ai thiếu nợ bằng thợ với Thầy.

Rồi mất nước, tất cả bị đổi thay, địa vị xã hội đảo lộn tùng phèo.

Ông ra thằng, thằng nhảy ra ông. 
Cứ nhảy long tong ông thằng một thứ.

Chuyện đảo lộn địa vị xã hội không chỉ xảy ra ở trong nước mà nó còn vượt biển sang đệ tam quốc gia. Cuộc vượt thoát khổng lồ của người Việt tị nạn mang theo đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Khi đến bến bờ tự do, tự nhiên có sự đổi đời. Từ lính nhảy thành quan, từ quan lên hàng tướng, từ đứa bán khoai nướng biến thành công tử Bạc Liêu...
Nhưng ở xứ tự do, sự thật sớm muộn gì rồi cũng phơi bày để trở về với sự thật. Trật tự rồi cũng được lập lại nhanh chóng, vài năm sau là đâu vào đấy. Thứ nào ra thứ nấy, không còn “nổ bậy, nổ bạ” làm cho lộn xộn nữa. Ở trong nước  thì không dễ như vậy. Bốn mươi mốt năm qua sự đảo lộn đã bám rể ăn sâu như dề lục bình tấp vô bãi cạn. Nó bám lấy mặt đất, bắt rể ăn vào chằng chịt, phũ lấp gần bít kín quê hương. Chắc phải chờ đến khi có một ngọn lửa khổng lồ như trận "Xích Bích" đốt rụi chúng để mọi sự việc trở về nguyên thủy của nó.

Sự đảo lộn ngôi thứ ở quê nhà đậm nét nhất là năm 1977. Chữ sĩ bị tuột dốc không phanh, đổi xuống hàng "thương" nhưng mà thương buôn thì có vốn mua vô bán ra để kiếm lời. Sĩ của thời đó không còn vốn để mua vô, mà đúng ra kẻ sĩ thời đó, đâu có thứ gì để mua vô được, nên đành phải bán ra không thôi.
Thê thảm nhất là những cô, thầy giáo bán cháo phổi. 
Trước năm 1975 tuy đồng lương của giáo chức không cao lắm nhưng cũng đủ sống cuộc sống thanh nhàn thoải mái, không hề bận tâm đến cái bao tử. Sáng cà phê thuốc hút, bánh tằm bì, hay bún cá... Trưa cơm dĩa, sữa đậu nành, sinh tố, kem...
Nếu tiết kiệm một chút các cô còn dư tiền bỏ ống.
Đùng một cái, nhà giáo trở thành nhà báo. Người lưu dụng được trả lương $50 tháng. Lớp dạy sáng, lớp dạy chiều, tối đi bình dân học vụ, chủ nhật lụ khụ đi họp, đi hành, không giờ nghỉ ngơi cho nên cái phổi không tanh bành mới là lạ.
Với tiền lương 5 chục một tháng mà cà phê sáng một đồng một ly, bún cá, bún xào 2 tì một dĩa, thuốc vàm cỏ $3 gói. Mới lảnh lương mà chơi sang đi ăn sáng thì tiêu mất 1/5 tiền lương rồi. Một tháng 30 ngày chia ra cách nào để xài mà khỏi báo gia đình đây? Vì thế mà nhà giáo biến thành nhà báo. Những gia đình khá thì còn về nhà báo được, những gia đình nghèo thì dựa vào ai để mà báo? Vậy thì chỉ còn có cách bán đi, đi bán mà thôi...

Hai vợ chồng thằng Phát cùng đi dạy chung trường. Tụi nó có 2 đứa con, hồi xưa còn có tiền phụ cấp gia đình nên dư xài. 
"Phải Dóng" rồi, tiền lương còn tí xíu mà phụ cấp thì bị triệt tiêu, nhà nó không có cái gì quý để đem ra bán, cho nên đành bán đồ nữ trang ngày cưới của vợ nó. Bán hết nữ trang rồi thì nó lôi tới quần áo còn mới đem tới chợ trời.
Có lần tôi ghé nhà thăm nó, móc gói thuốc vàm cỏ ra mời, nó lắc đầu. Tôi nổi gió cự liền:
- Thuốc vàm cỏ là “chế độ cao” rồi, mầy còn chê nữa sao? Thuốc Sài Gòn giải phóng chỉ có cán bộ thứ thiệt mới có. Buôn lậu như tao làm sao có được mà mầy đòi?
Nó buồn rầu trả lời:
- Bỏ thuốc mấy tháng nay rồi. Không tiền mua sữa cho con tiền đâu mua thuốc hút. Đồ đạc quần áo tao cũng bán sạch sẻ rồi, bây giờ chỉ còn chút máu đặc kẹo và cái lương tâm khô cằn nầy, tao muốn đem bán nốt để lấy tiền nuôi con mà không có ai chịu mua.

Rời nhà thằng Phát tôi qua thăm cô Thu. Nhà cô ở khỏi trường Mong Thọ một đổi. Ngôi trường vẫn vậy, học trò vẫn vô tư chạy nhảy nô đùa, mấy chị bán hàng rong cho học trò vẫn ngồi chen chúc cạnh hàng rào để bán những thứ đồ ăn rẻ tiền như: xôi bắp, bánh chuối, khoai lang...
Vừa bước vô nhà tôi giựt mình. Cái tủ thờ ông bà làm bằng gỗ cẩm lai nó không cánh vậy mà bay đi đâu mất, thay vào đó cái bàn bằng gỗ tạp được đống vá díu tạm bợ, bộ lư hương bằng đồng bóng lộn ngày nào được thế bằng cái lư hương sành nằm trên tờ giấy báo cũ. 
Thím Mười thấy mặt tôi vội bỏ mấy cây củi tươi đang phơi dở chạy vô dồn vã:
- Cháu dzìa hồi nào dậy? Bây giờ dạy ở đâu? Có đủ sống hông con?
Những câu hỏi dồn dập đó chắc thím không mong câu trả lời, vì câu trả lời đã nằm tại nhà thím rồi:
- Cháu dạy dưới Thứ, về thăm nhà hôm qua. Cô Thu có nhà không Thím?
- Nó đang bán xôi bắp đằng trường. Chắc cũng sắp dzìa rồi đó, còn 15 phút nữa là tới giờ dạy rồi. Vậy mà nó chưa dzìa tới, chắc là hôm nay lại ế nữa rồi. Điệu nầy chiều nay đố khỏi ăn xôi bắp trừ cơm.
Rồi Thím chép miệng nói thêm:
- Nhà không còn gì để bán nữa, tui đành bấm bụng để nó đi bán xôi. Thiệt tình nhục ơi là nhục, làm cô giáo mà phải gói xôi cho học trò mình...
Mắt tôi bỗng dưng bị bụi lọt vào cay xè, nên tôi vội vã xin phép ra về không dám chờ chạm mặt cô Thu.

Hôm sau, chủ nhật tôi xuống cầu Quằn thăm vợ chồng thằng Xem. Quê Xem trên Vĩnh Long nhưng tới xã tôi chọn trường cầu Quằn để dạy. Nó ở trọ nhà cô Thư. Ở được năm đầu êm ái, nhưng tới năm sau thì nó xin làm rể nhà người ta luôn. Bác Ba Sử cất riêng cho vợ chồng nó căn nhà kê tán bề thế nhất nhì ở đó, rồi trang bị cho vợ nó cả chục cái máy may để dạy may cho con gái xóm cầu Quằn.
Đời nó đang lên hương, thơm phức làm cho mấy đứa con trai cùng khóa thèm nhỏ nước miếng. 
Rồi mất nước. Năm đầu nó còn chơi sang lắm. Lảnh lương xong là phải có màn ăn sáng uống cà phê. Đôi khi còn nổi máu anh hùng bao luôn thằng Phát, thằng Thạch. Không biết những lần đó về nhà, nó có bị tan tành 2 cái bắp vế hông nữa...
Còn cách nhà nó hơn 100 mét xe tôi bị xẹp vỏ, tôi đành xuống xe dắt bộ. Dắt được hơn nửa đường thì tôi thấy một cái chòi cất bên lề với tấm bảng "Vá vỏ xe". Mừng quá tôi tấp vô liền. Anh thợ vá vỏ đang nằm trên cái băng nhỏ đống bằng tre, trên mặt đấp tờ báo cũ, nhắm mắt ngủ trưa.
- Vá dùm tôi cái vỏ xe đi đại ca. Tôi lên tiếng.
Người thợ quăng tờ báo qua một bên, ngồi bật dậy như cái lò xo:
- Đại ca dắt xe vô tuốt bên trong chòi cho em đi.
Nghe tiếng quen quen tôi ngước lên nhìn anh thợ. Thì ra là thằng Xem. Tôi hỏi nó:
- Mầy làm gì ở đây dzậy? Lại phá ai nữa rồi. Chủ nhật hỏng ở nhà nựng vợ, cứ phá hết người nầy tới người khác. Thời nào cũng giỡn được. Thiệt tao bái phục mầy sát đất rồi.
Nó cười hì hì:
- Tao giỡn chơi hồi nào mà mầy nói? Trạm vá xe hiện đại nầy là của tao, khai trương hơn hai tháng rồi. Ngày nào mở cửa xui lắm cũng kiếm được năm chục xu. Còn hên hên có khi được hai đồng, tính thử chơi nó hơn tiền lương nghen mậy.
- Vậy sao mầy không bỏ dạy rồi nhảy qua vá vỏ xe để mà làm giàu đi?
Nó vừa lui cui vá xe cho tôi vừa tiếp tục đấu láo:
- Bộ tao khùng sao mà bỏ nghề? Mất dạy để đi kinh tế mới à? Còn mầy? Bỏ nghề chưa, sao tao thấy mầy cà nhỏng hoài dzậy? Lúc nầy còn kiếm chác gì được nữa hông? Hay là tụi nó quen cái quen nước rồi nó đá mầy ra như đá trái banh cũ, xì hơi?
- Mầy đoán giỏi đó. Sao không đồi nghề làm thầy bói mà lại đi vá vỏ xe? Ủa! Vợ mầy làm ăn ra sao mà thả cho mầy ra đây khơi khơi dzậy?
Thằng Xem với nét mặt rầu rỉ pha chút ân hận trả lời:
- Vải sồ thương nghiệp quản lí hết rồi, có ai mua vải được đâu mà may đồ, vì vậy tiệm may của vợ tao ế chổng gộng. Mấy đứa học trò cuốn gói về nhà ráo trọi. Thấy mấy cái máy may nằm không bỏ uổng tao xúi nàng đem bán lấy tiền xài đở.
Tôi cười cười chọc nó:
- Cái tật chơi sang của mầy thì tao biết. Nhưng vải vóc dân chúng còn không mua được để xài, máy may của vợ mầy đem bán cho ai? Họ mua về chất chà dụ chuột à?
Thằng Xem phãn pháo lại:
- Tao hổng biết mầy có thiệt đi buôn lậu hay không mà cái chuyện cán bộ ngoài Bắc vô Nam đụng thứ gì cũng gôm hết thứ nấy đem về, mà mầy lại không biết?
Tôi vẫn còn cù cưa với nó cho vui:
- Tụi nó lương cũng có hơn mình bao nhiêu đâu? Làm sao mà có tiền gôm đồ của mình đem về Bắc được?
Thằng Xem cười lớn:
- Thì chính mầy cho tiền tụi nó đó chớ còn ai vô đây nữa? Vậy mà còn làm bộ giả nai chán mầy ghê...

Đám bạn tôi thời gian đó chữ thì bán không ai thèm mua. Mà học trò cơm, có đứa còn thiếu ăn, thì làm gì có tiền dư để mà đi mua chữ của cô thầy? Thế cho nên tụi nó bán đủ thứ. Thằng Phát bán nữ trang của vợ, cô Thu bán bàn thờ ông bà, bán xôi bắp cho học trò, thằng Xem bán sức lao động... Những đứa khác có thứ gì bán thứ nấy, không biết có ai đem tư cách hay lương tâm đi bán không nữa...
Còn tôi, lúc đó thứ gì cũng không có nên tôi không có gì để bán. Tôi chỉ đứng trung gian làm những cuộc trao đổi để lấy tiền công mà thôi...
Nghề trao đổi của tôi lúc đầu khá lắm, nhưng về sau thì đám cán bộ tự họ biết hết các mánh mung luồng lách. Họ trực tiếp bán cho bạn hàng không cần qua trung gian nữa, cho nên tôi bị thất nghiệp.
Mùa hè năm đó. Thằng Xem có lần rủ tôi:
- Ông già vợ tao có chiếc ghe lớn chở được cả ngàn giạ lúa. Mầy biết lái ghe, lái tàu lại rành đường sông rạch, hay là tao mượn ghe ổng, tụi mình chở nước xuống miệt Thứ bán đi. Nước ngọt ở sông mình múc đầy ghe đâu có cần bỏ ra cắc bạc vốn nào.
Thằng Xem nói đúng bon, bán Nước đâu có cần bỏ vốn ra để mua... Chỉ cần đem Nước đi bán thôi là lấy tiền bỏ túi riêng rồi...
Nhưng mà dù cho là nước uống, người dân quê thất học cũng không nở lòng đem bán, người ta chỉ đem đổi để uống thôi. Hai từ "Bán Nước" ở miền quê miệt Thứ tôi cũng chưa từng nghe ai nói qua lần nào. Tôi trả lời nó:
- Nước uống, không có ai đem đi bán. Họ chỉ đổi thôi. Mầy có muốn đổi thì đi với tao. Còn chừng nào mới đi đổi Nước thì tao chưa biết...
Thằng Xem không đi đổi Nước với tôi mà nó đi với gia đình bên vợ. Đi mà không đổi được Nước, lại bị nước nhận chìm mất xác cả đại gia đình giữa lòng đại dương mênh mông vô tận...
Còn tôi, tôi đã đổi Nước 36 năm rồi, 36 năm đau buồn ray rức trong lòng của kẻ mất Nước, mất quê hương, muốn đổi Nước lại mà vẫn chưa đổi được...

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét