Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Ngôi Trường Ký Ức - Phần 1, Chương 1

Tùy bút của Thầy nguyễn Ngọc Hoàng

Mời quý Thầy Cô và các bạn cựu học sinh THKT trở về với "Ngôi Trường Ký Ức", loạt bài tùy bút nhiều chương của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng. Để thấy lại những đổi thay, thăng trầm của ngôi trường Kiên Thành  xưa sau 1975... Mọi trích dẫn hay phổ biến đều phải có sự đồng ý của tác giả.

Blog THKT


       1. Theo Dòng Năm Tháng

Buổi chiều trời hanh nắng. Từng cơn gió hắt hiu thổi qua dãy hàng lang trống trải. Ngôi trường nhỏ, nằm khuất phía sau hai hàng bạch đàn càng khiêm tốn, lặng yên.Vài tiếng chim Cu đất gáy xa xa, vọng lại. Tôi xếp vội sấp bài đang chấm dở, định bước ra khỏi lớp học nhưng chần chừ, lại thôi. Vạt nắng chiều xuyên cửa sổ, nằm vắt dọc theo dãy bàn ghế trống phía dưới. Mùi rạ khô sau mùa gặt từ những thửa ruộng bên hông trường, như loang tỏa khắp căn phòng. Tôi muốn ngồi lại, tận hưởng khoảng khắc tĩnh lặng nầy…...Từng dãy bàn ghế trống không, lặng lẽ phía dưới. Chừng như chúng cũng mang một đời sống riêng; chừng như chúng cũng có một linh hồn.Những buổi chiều như hôm nay, tấm bảng gỗ đen, dãy bàn ghế chợt như thì thầm với tôi, một câu chuyện kể.

Đến nay, tôi quen thuộc từng khung cửa sổ của mỗi lớp học; những viên gạch thụng nghiêng, sứt mẻ; hay cả những chỗ dột của vài phòng học khi trời đổ mưa dầm. Ngôi trường gồm ba dãy nhà trệt, quay ra phía mặt đường. Dãy giữa dài, gồm sáu phòng học và một phòng cuối làm thư viện, thiết bị. Nối theo đầu nầy, là dãy nhà bốn phòng tập thể cho thầy cô giáo ở  xa. Đối diện phía bên kia là một dãy ba phòng học với nền cao hơn. Phía cuối chừng như là một phòng học dự định xây bỏ dở, chỉ xong phần nền. Chính giữa ba dãy phòng là sân trường, nửa nền xi-măng và nửa nền đất là phần sân cho giờ thể dục của thầy Oanh! Buổi chiều lại biến thành sân bóng chuyền cho cả học sinh và các thầy “thi đấu”. Nối theo phần sân xi-măng là con đường với hai hàng bạch đàn, qua cổng trường dẫn đến con lộ chính. Hai bên phía sau cổng trường, một bên là chái để đậu xe; một bên là văn phòng họp hội đồng và phía sau là bếp ăn tập thể. Con đường “thơ mộng” thêm lên, với hai công trình ao đào của” lực lượng” học sinh và thầy cô cả trường. Đến nay, bên góc ao đã thắm đầy hoa Súng màu hồng tím thật đẹp. Đối diện trường, bên kia con lộ là vài quán nước nhỏ – chủ yếu bán cho học trò và thầy cô của trường. Cách một con nương cạn, bên hông dãy nhà tập thể là doanh trại lính, chừng như gọi là tiểu đoàn 207 thì phải?   Một trong quán nước đó, có quán cà-phê nhà dì Năm. Tôi biết tên qua lời chuyền tai của học trò. Nơi chứng kiến, là nhân chứng biết bao “vật đổi sao dời” của ngôi trường cấp 3 bé nhỏ nầy. Lúc bấy giờ, vào những năm 1977-79, lương giáo viên bọn tôi là 60 đồng/tháng. Một ly cà-phê sữa nóng hoặc 2 điếu thuốc Samit  là 1 đồng. Mỗi sáng chỉ cần một ly cà-phê sữa, một điếu Samit là gần mất toi hết một ngày lương. Qủa thật, nếu làm bài tóan nhẩm, thì bọn tôi chẳng còn tiền đâu mà ăn cơm tập thể (hay còn gọi là cơm cô Thu – vì cô nấu cơm tập thể cho trường tên Thu). Cứ vậy mà lên lớp, hội họp, thi đua và phấn đấu không ngừng để sống “mẫu mực” trên từng cây số!

Phía sau trường là ao nuôi cá tra, cũng là nhà vệ sinh mang đầy tính “kinh tế thời đại” và đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao! Sạch sẽ, thông thoáng và nâng cao thêm nhu cầu “tứ khoái” của con người. Bên ngòai vòng rào bằng tre, gỗ (không biết đã có tự bao giờ) là những vuông ruộng lúa của dân chúng ngụ chung quanh. Và phía bên hông trái của trường là mấy thửa ruộng của gia đình thầy Nguyễn Văn Trực. Sau nầy sang nhượng lại cho thầy Quách Nhứt. Nói chung là hai phần chu vi của trường được bao bọc với những thửa ruộng, quanh mùa gió lộng. Hình ảnh, hương vị của mùa lúa trồ đòng thơm ngát đầu mùa và mùi rạ khô sau mùa gặt đã ăn sâu vào mọi ngõ ngách của ký ức, hòai niệm một đời tôi mãi mãi không nguôi! Phía bên kia chân cầu Rạch Sỏi, đường vào chợ Giữa, có một nhà máy xay làm phân bón cá. Những buổi chiều hanh nắng, mùi phân bón cá theo gió nồng nực cả một vùng thị trấn. Lúc ban đầu thật khó chịu, nhưng dần dà cũng thành quen. Những năm tháng lưu lạc về sau, tôi vẫn nhơ nhớ mùi vị đặc biệt nầy trong những buổi chiều hanh nắng. Con người sẽ dễ quên đi những bình yên, phẳng lặng. Nhưng sẽ một đời cưu mang, trăn trở với những vị nồng của đắng cay, khốn khó đi qua.   Tôi cưu mang, yêu thiết tha ngôi trường cấp 3 nhỏ bé cũng từ bao yêu dấu đó. Đó là chưa kể đến những kỷ niệm vào những mùa mưa nước ngập. Có những chiều mưa dầm trút nước, sân trường lúp xúp ngập, là những chú cá “lóc” từ những thửa ruộng chung quanh, quá độ qua sân. Thế là thầy cô có những bửa cháo cá, những cuộc nhậu nướng trui để đời! – Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến thầy Nguyễn Quốc Quân, các em Hồ Văn Bảy, Nguyễn Đình Nghiêm, Huỳnh Ngọc Bắc, Khưu Hồng Cẩm (và vài em nữa tôi không nhớ hết tên) trong một cuộc nhậu “vô tiền khóang hậu”. Dùng thành ngữ nầy không phải để cường điệu, mà tôi không tìm được một cụm từ nào để diễn tả đúng hơn. Tôi hứa sẽ kể lại “trận nhậu” nầy trong một chương sau. 

          Ngôi trường trung học cấp 3 của cả mấy huyện gom về: Vĩnh Thuận, An Biên, Giồng Riềng, Gò Quao,... cùng với Rạch Sõi và các vùng phụ cận. Tất cả cũng chỉ ngần ấy. Được biết đây vốn là cơ sở vật chất của trường cấp 1 chuyển sang. Những ngày mới về  trường, tôi ngạc nhiên thoáng chút thất vọng trước hình dáng của một ngôi trường trung học cấp 3 của huyện Châu Thành. Đúng hơn, là trường mang tên của thị trấn Rạch Sỏi, trường trung học phổ thông cấp 3 Rạch Sỏi (thường được gọi ngắn là trường cấp 3 Rạch Sỏi). Tuy cơ sở vật chất khiêm tốn, nhưng ngôi trường lại tọa lạc không xa trung tâm của thị trấn. Về mặt địa lý và cả kinh tế, ngả ba thị trấn Rạch Sỏi, là cửa ngõ thông thương của tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Là trục lộ chính nối liền giao thông từ các tỉnh miền tây nam như Đồng Tháp, Long Xuyên, Cần Thơ... ngay cả thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) về các huyện và thị xã Rạch Giá. Và kể cả giao thông đường thủy với bến đò về các huyện vùng xa như Vĩnh Thuận, An Biên và Miệt Thứ. Thế nên trong một thời gian ngắn, tôi dần dà yêu mến ngôi trường nhỏ bé nầy vô cùng. Ngôi trường như chất chứa cả một quê hương Rạch Giá trong “lòng con ốc nhỏ”.

Tôi về nhận “nhiệm sở”, dạy môn Văn vào khỏang giữa học kỳ năm 1976. Thời gian nầy, trường vừa mới chuyển về cơ sở của trường cấp 1 vài ba tháng. Thầy cô giáo và học sinh vẫn còn tiếp tục sắp xếp phòng học, văn phòng, thư viện và thích nghi với môi trường mới. Thật khó mà diễn tả tâm trạng của tôi trong buổi giới thiệu, gặp gỡ đầu tiên với thầy cô và học sinh của mình. Có chút gì đó băn khoăn, nghi ngại xen lẫn với niềm hân hoan của một thầy giáo trẻ. Giai đoạn chuyển thể, đầy tính “bi-kịch-lịch-sử” của một nền giáo dục mới, học đường mới. Ngôi trường nhỏ, khiêm tốn của tôi cũng ngập đầy không khí sinh họat chính trị. Chính trị xâm nhập vào mỗi tiết học, mọi bộ môn giảng dạy. Sinh họat đoàn thể trong học sinh, thầy cô giáo; và hơn thế nữa, sinh họat đoàn thể chung cho cả học sinh và thầy cô giáo giảng dạy của toàn trường. Sinh họat đoàn thể chính trị giữa thầy cô và học trò kiểu nầy đã tạo ra nhiều cảnh “dỡ khóc dỡ cười” đầy chua xót. 
Cùng về trường cấp 3 Rạch Sỏi với tôi, là thầy Nguyễn Quốc Quân dạy môn toán và thầy Nguyễn Văn Nhân dạy môn sử địa. Bây giờ, vào năm 1976, thành phần thầy cô của trường mà tôi có thể nhớ, bao gồm:

-Môn toán có: thầy Nguyễn Văn Tiến, thầy La Tùng Sơn, thầy Quách Nhứt và thầy Nguyễn                                Quốc Quân;
-Môn lý hóa sinh có: thầy Nguyễn Văn Trực, cô Hòang Xuân Thảo, cô Nguyễn Ngọc Sương và                             thầy Nguyễn Văn Hảo;
-Môn văn có: thầy Nguyễn Đình Lý, cô Bùi Thị Thanh Trang, cô Nguyễn Ánh Tuyết và tôi;
-Môn sinh ngữ có: thầy Nguyễn Học Hải (Anh), cô Nguyễn Thị Sen (Pháp);
-Môn sử địa có: thây Nguyễn Văn Nhân, cô Nguyễn Bạch Tuyết;
-Môn thể dục thể thao có: thầy Nguyễn Văn Oanh; 
-Hành chánh có thầy Lê Hữu Thường (kế toán), cô Nguyễn Thị Loan (phụ trách thư viện kiêm                              thủ quỹ)
-Môn chính trị có: thầy Trương Văn Yến (hiệu trưởng);

Những năm sau, mỗi năm đều có sự thay đổi, kẻ đến người đi. Suốt thời gian dạy ở trường, có lẽ thầy Nguyễn Quốc Quân và Nguyễn Đình Lý là thân thiết với tôi nhất. Thầy Lý, dạy môn triết trước đó, tiền thân là trường Trung Học Kiên Thành. Ngay phút đầu gặp nhau, tôi và thầy Lý “kết” ngay! Ngoài khả năng chuyên môn tốt, thầy Nguyễn Đình Lý còn rất giỏi trong công việc quản lý. Lớn hơn bốn tuổi, nhưng thầy Lý trông rất trẻ, nhìn chừng bằng tuổi tôi! Với quan niệm sống, nhất là trong giai đoạn nầy, khép kín gần như cô lập và không phô trương tôi cũng khó mà thích nghi với cuộc sống tập thể nầy. Ngoài giờ dạy, tôi cố tránh né những sinh họat đòan thể. Nếu có và phải, thì cũng chỉ cho có lệ. Khác với tôi, thầy Lý có nhiều nhiệt tình, nhiều sáng kiến để cải tiến, nâng cao hoàn cảnh và tinh thần giảng dạy của tập thể thầy cô. Ngoài khả năng giảng dạy, quản lý, giao tiếp giỏi, thầy Lý còn là một tay nhậu và đánh cờ tướng cừ khôi! Về hai mặt nầy thì thú thật, tôi thua xa và đành chấp tay “bái phục, bái phục” thầy!  Bên cạnh những khác biệt đó, tôi và thầy Lý có một điểm chung “tâm đầu ý hợp” là lãnh vực văn chương, triết học – nhất là văn chương của triết lý hiện sinh cận đại. 

          Toàn trường lúc bấy giờ, chừng như chỉ có hai lớp 12, hai lớp 11 và bốn lớp 10. Đây cũng là một giai đoạn lịch sử thật đặc biệt của trường mà mãi mãi tôi sẽ không thể nào quên được một đời. Có những tuần những tháng, mỗi ngày bước chân vào lớp học, thầy cô phải ngậm ngùi nhìn dãy bàn ghế trống không, thiếu vắng bóng dáng học trò vừa mới gặp hôm qua. Có em ra đi cùng với gia đình, người thân. Nhưng không ít, các em phải âm thầm ra đi một mình mà hành trang là những ước vọng khôn lường phía trước. Ở tuổi các em, tôi biết, có em chưa hề sống xa nhà dù ngay chính quê hương mình, nói chi đến một vùng đất xa lạ khác.Khác ngôn ngữ, đời sống, phong tục, tập quán và con người.- Con đường các em đi qua, tôi cũng đi qua, nhưng với kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Thế mà rất nhiều, rất nhiều đêm trên bước đường lưu lạc tôi đã thầm khóc! Những giọt nước mắt không chảy xuôi, mà chừng như chảy ngược vào thân phận, vào trái tim với biết bao khoảng trống mênh mông không gì lấp được của chính mình.Có thể là chỉ có tôi, vẫn luôn hy vọng và cầu mong như vậy. Những gặt hái, những thành công, những vật chất “có được” chỉ là lớp sơn “mạ” phía bên ngoài. Khả năng sinh tồn, phục vụ và đóng góp cho gia đình, xã hội chung quanh vẫn chưa hẳn là ước mơ chung. Chữ quê hương, chừng như thật đơn giản, bình thường nhưng sao sâu thẳm, vô hình, trĩu nặng bên trong.  Tôi vẫn ví mình như một cụm lục-bình, trôi dạt giữa dòng, một đời không bám rễ nhưng vẫn phải nở hoa..!    

           Thầy Nguyễn Quốc Quân dạy môn toán, là con trai của nữ nghệ sĩ Hồ Điệp. Bà là giọng ngâm thơ  “vàng”, điêu luyện, trữ tình trong chương trình Thi Văn Tao Đàn của đài phát thanh Sài-gòn trước năm 1975. Ngoài giọng ngâm thơ tuyệt vời “có một không hai” của Việt Nam, bà còn rất đẹp với làn da rắng mịn màng, đôi mắt sáng tinh anh và giọng nói trong trẻo, du dương khó quên. Chừng như thời gian không hề lướt qua khuôn mặt thanh tú của bà.Vào khỏang cuối năm 1978, bà có về sống ở trường cấp 3 Rạch Sỏi một thời gian ngắn với thầy Quân và bọn tôi. Càng gần gũi, tôi càng quý mến và trân trọng bà nhiều hơn. – Viết đến dòng chữ nầy, tôi như thấy lại khuôn mặt thanh tú, hiền dịu và nụ cười thật đẹp của bà hiện ra trước mặt. Theo vài nguồn tin đáng tin cậy, bà vượt biên bằng đưởng bộ và mất tích vào khoảng giữa năm 1988. Xin thắp lên đây nén hương lòng để tưởng nhớ bà, nữ nghệ sĩ Hồ Điệp!

Thầy Quân với tôi từ những ngày đầu tiên về trường có cùng chung một quan điểm. Nhiệm vụ lớn nhất, tiên phong của thầy cô giáo là phải dạy giỏi. Những sinh họat xã hội, đoàn thể và chính trị khác là phải tự nguyện, không mưu cầu lợi ích cá nhân; và cũng chỉ kết hợp với thực tế, với đời sống xã hội, với tấm lòng yêu quê hương đất nước để nâng cao tinh thần dạy giỏi của mình hơn. Thầy  Quân không những là một thầy giáo dạy toán giỏi, hay nói theo từ ngữ ngày nay: cực giỏi, còn có một tâm hồn nghệ sĩ rất giống mẹ. Thầy Quân thuộc rất nhiều thơ và có giọng đọc thơ rất hay, truyền cảm mà tôi, thầy giáo dạy văn vẫn còn thua rất xa! Khác với tôi, dễ an phận thủ hòa, thầy Quân luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cho lẽ phải, cho sự thật và công bằng. Không sợ đụng chạm và đấu tranh, thầy Quân đã gặp không ít khó khăn với các đòan thể chính trị trong trường và cả địaphương. Nhưng ngược lại, đối với học trò, thầy rất mực yêu thương và gần gũi. Trong nhiều hòan cảnh sống thật khó khăn, vất vã, thầy Quân không ngại dành nhiều thời gian dạy kèm từng em, từng nhóm về môn toán sở trường và kể môn vật lý. Chẳng vậy, vài em học trò ở xa gặp khó khăn về tài chính nơi ăn ở, thầy mạnh dạn đứng ra xin nhà trường cho các em tạm ở chung phòng! Cũng như thầy Lý, ngoài việc dạy giỏi, thầy Quân còn là một tay cờ tướng và nhậu “tới bến, múc chỉ cần câu”...

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét