Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Canada Xứ lạnh Tình Nồng - Kỳ 6

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Bữa tiệc tại nhà Kim Trúc
Tui mất cả ngày trời mới viết xong câu chuyện Canada Xứ Lạnh Tình Nồng kỳ 6,  nhưng khi định bỏ thêm vào đó vài tấm hình cho xôm tụ thì lại có chuyện không hay xảy ra. 
Số là hổm rày mỗi khi cho thêm hình vào bài viết, nếu chỉ có 1 cái hình thì không sao còn như 2 hình chung một chỗ thì cái trước cái sau trên dưới không đều nhau. Mấy lần trước tui mặc kệ lần nầy thì tui thấy rất chướng mắt bèn ra tay dời tới, dời lui cho 2 tấm hình ngay hàng thẳng lối.
Không biết tay chân vụng về như thể nào mà bài viết bị biến mất trên màn hình. 
Ối trời ơi! Công trình khổ cực của tui cả ngày trời tự nhiên tan tành theo bọt biển. 
Tánh tui không dể gì chịu thua như vậy, nên mò tới mò lui để tìm cách recover nó lại nhưng mà bấm mỏi tay tìm đủ mọi cách, thử đủ chỗ vẫn không tìm ra cách. Cuối cùng tui bèn chạy qua nhà Google để hỏi thăm. 
Thiệt là không ít người gặp trường hợp như tui đang cầu cứu với Google, ông ta bảo rằng nếu vừa bất ngờ làm bậy mà bị mất nếu phía trên của màn hình còn in chữ Undo thì nên lẹ tay bấm vào đó để lâu vài phút đồng hồ nó biến mất luôn chữ undo thì lão ta cũng đành bó tay chấm cơm thôi, ổng chưa có cách nào tìm lại dùm được, ổng chỉ biểu mỗi khi viết xong một đoạn nên save nó vào Google drive rồi mới viết tiếp đoạn kế, để tránh trường hợp lỡ tay mò không đúng chỗ rồi bấm bậy bấm bạ mang vạ vào mình...
Vậy là mất toi thêm gần 2 tiếng đồng hồ làm cái việc vô bổ, rốt cuộc đành phải ngồi gõ lại từ đầu nhưng mà tui hết tinh thần làm việc rồi nên đành phải tắt máy để đi đó đi đây hy vọng ý tưởng cũng như trí nhớ phục hồi lại, chứ ngồi hoài rủi tụi nó bắt chước lên cơn như cái computer đang đình công thì bỏ bú...
Sau một vòng đi bộ trở về thì tôi chợt nhận ra rằng:
Chuyện bấm lộn nút để mất đi cái bản thảo của một câu chuyện vừa viết xong chả có gì là quan trọng để phải tốn công mò mẫm tới lui làm phiền lòng nhà Google nó chỉ là một cơ hội tốt để cho trí óc mình luyện tập nhiều thêm một tí nữa mà thôi. 
Thế là tôi cố nhớ để ghi lại câu chuyện mà mình đã gõ ngày hôm trước.

Hôm trước tôi khởi đầu câu chuyện như vầy nè....
Chỗ chúng tôi đang trọ gọi là khu Marché Atwater muốn tới nhà Kim Trúc phải lái xe gần một giờ. Còn chỗ ông thầy mà đi nhà KT thì phải chạy ngang qua chỗ chúng tôi đang ở, tôi đề nghị mỗi xe nên đi riêng để khỏi phải chờ nhau, cũng không cần rượt đuổi nhau trên xa lộ làm gì cho mất công lôi thôi, có khi còn bị police nó hỏi thăm sức khỏe, sinh ra mất vui. 
Tối hôm qua chúng tôi hẹn với ông chủ nhà Thái sẽ gặp nhau lúc 10 sáng giờ nên 9 giờ là tụi tui bắt đầu khởi hành để tránh tình trạng kẹt xe vì Canada thường hay sửa đường bất tử vào mùa hè. 
Xứ Canada vừa đồi núi, vừa đồng bằng lại lắm sông ngòi, nước ngọt bao phủ quanh năm cho nên cây cối xanh rì. 
Xe chạy ra khỏi thành phố càng xa thì nhà cửa càng vắng vẻ không khí càng trong lành mát mẻ thật là cảnh đẹp thần tiên mà.

Sáng mùa hè ửng hồng vệt nắng 
Trời không mưa nên chẳng thấy mây 
Gió lùa vài sợi tóc bay  
Hương thơm ngào ngạt của cây hay người...

Kia giọng nói tiếng cười vui vẻ 
Biết của ai? Là trẻ hay già.
Dù cho trời đất bao la
Chúng ta cười nói đường xa (cũng) thành gần

Xe đang chạy ngon lành chúng tôi đang "tám" chuyện vui vẻ thì cái máy chỉ đường bắt đầu nhắc nhở sắp tới exit nhà của Kim Trúc rồi. Đến giờ đó thì tôi mới chú tâm nhìn vào màn ảnh trên xe. Khi còn cách chừng 1/4 mile thì nó nhắc nhở liên tục:
- Quẹo trái, quẹo trái.
Nhưng con đường hôm đó đang được sửa chữa. Cái xe cuốc đất đang đào xới ầm ầm. Cát bụi trên đường tung bay tứ tán mà ở ngay đầu đường 2, 3 tấm bảng cấm quẹo nằm chình ình cản cả lối vô. 
Nhớ đêm ở Boston đi rước anh Phiêu cũng xui xẻo như vậy. Khi khổng khi không cái nhà ở đầu đường bị bà hỏa đến viếng cho nên cảnh sát giăng dây cấm quẹo tùm lum. Google thì làm gì biết được chuyện tai nạn cháy nhà vừa mới xảy ra chưa được 1 ngày nên nó cứ réo:
- Quẹo trái, quẹo trái liên hồi.
Police thì lớp đứng ngoài đường, lớp ngồi trong xe làm chúng tôi đêm đó chạy lòng vòng mò đường cả giờ đồng hồ mới vào được nhà anh Kính. 
Lần nầy lại gặp chuyện không may nữa. Nhưng mà ban ngày thì dễ nhận diện đường xá hơn cho nên tôi bàn với rể Rạch Giá quay trở lại con đường cũ rồi lấy cái exit trước cái mình vừa đi vào bọc hậu phía sau nhà KimTrúc một con đường, rồi mình chạy tới. 
Nhưng hên quá khi đi ngang qua ngả vô, tôi chỉ thất duy nhất có một cái xe đào đất đang hoạt động mà thôi, không còn một chướng ngại vật nào nữa, xe cộ cũng vắng tanh còn cảnh sát thì cũng không có anh nào đứng rình mò cả. Cho nên tôi bàn với anh Tiến cứ quẹo vô từ bên phía ngược chiều rồi chạy qua khỏi chiếc xe cuốc, chứ đi lòng vòng làm gì cho phí thời gian...
Hú hồn. Xe qua trót lọt không bị anh cảnh sát nào núp trong bóng tối để bắt những tay lái xe ẩu tả như bên Mỹ hết.
Đúng là dân Canada rất hiền từ và dễ thương vô cùng, kể cả mấy anh chị Polices

Hôm đó trong 4 chiếc xe đến nhà Kim Trúc thì chiếc Tahoe của chúng tôi được xếp hạng nhất vì cây kim chỉ giờ vừa nhích đến số 10 là anh Tiến đã đậu xe trên con đường vào nhà Kim Trúc rồi.Thiệt là đúng giờ còn hơn người Mỹ nữa nghen. 
Cám ơn anh Tiến người tài xế tuyệt vời một mình lái xe trong suốt cuộc hành trình 10 ngày liên tục từ Boston đến Canada.
Phía sau nhà Kim Trúc
Nhà Kim Trúc thuộc vùng ngoại ô. Rất xinh nhưng không bé như lời trong bài hát "Căn nhà ngoại ô". Trước cửa nhà là con lộ lớn nhưng có rất ít xe qua lại. Sau nhà là con sông L ´Assomption nằm im lìm thơ mộng. Nước sông trong vắt không bợn một chút rác rưởi nào cả. Nếu dòng sông đó có thêm những ghe thuyền xuôi ngược hay những dề lục bình chở đầy bông tím đang lơ lửng trôi nữa thì thiệt tình nó giống dòng sông Kiên "lắm lắm" đi thôi, vì phía bên kia bờ sông còn có một dãy building không biết là một khu chợ, một khu shopping hay là một thành phố nhỏ...
Chung quanh nhà có những cây cổ thụ cao ngất ngưởng che bóng mát gần như là giáp cả chung quanh nhà. Chắc là rể của chúng đã đan kín cả mặt đất rồi, nên Kim Trúc không thể trồng thêm rau cải như bên nhà thầy Lễ.


Kim Trúc và Ông xã mùa đông đào lỗ
câu cá không cần cần câu
Vào nhà Kim Trúc chào hỏi chưa xong là cả bọn ùa ra bờ sông học nghề làm nhiếp ảnh. Dòng sông nầy theo Kim Trúc cho biết mùa đông nước sông biến thành băng giá. Dân Montreal đổ xô về đây lớp trợt ba-te lớp đấp người tuyết lớp khoét lổ câu cá thật là tưng bừng náo nhiệt.
Nhưng theo tôi mùa nầy rất ấm áp tôi sẽ buông câu giăng lưới cả ngày lẫn đêm. 
Nếu dính cá nhiều quá ăn không hết thì cứ làm khô, làm mắm rồi gởi qua California bán thì làm giàu mấy hồi. 
Bấm tới đây làm tôi ao ước, phải chi mình có dư chút tiền còm hoặc là bất thần trúng số, tôi sẽ mua liền một căn nhà tại chỗ nầy để mùa hè cắm câu giăng lưới chơi cho đã, rồi mua thêm một căn khác bên Hawaii để sống vào mùa đông thì trời ơi cuộc đời nầy còn gì hơn nữa? 
Nhưng tôi vốn là một gã nghèo kiết xác cho nên chỉ còn có nước mơ mà thôi...

Một lúc sau thì 2 chiếc xe khác lại đến. Xe thầy chở 3 người. Thầy, cô và cô Tám. Xe anh Tâm cũng chở 3 người. Anh Tâm chị Bảo Phương và bác Nguyễn Phương.
Bác Phương đây là soạn giả Nguyễn Phương người đã viết hàng trăm vở tuồng cải lương bất tử trước năm 1975.
Hôm chúng tôi gặp bác Phương thì bác ấy vừa ăn cái sinh nhật thứ 95 cách đó không bao lâu.
Soạn giả Nguyễn Phương

Ở tuổi 95 bác vẫn còn đi đứng khá vững, tuy phải cần cây gậy giúp sức nhưng nhìn cũng còn nhanh nhẹn gọn gàng. Trí nhớ thì thật tuyệt vời và đối đáp vô cùng nhậy bén. Nhưng hay nhất vẫn là bác còn đủ minh mẫn để tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình.
Hôm đó bác kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của một công chức nghành bưu điện vì mê cải lương nên bỏ sở bưu điện để theo đoàn hát rồi trở thành người soạn giả viết tuồng nổi tiếng của miền nam Việt Nam. 
Cuộc đời của bác thật ly kỳ, nhưng ly kỳ  nhất vẫn là câu chuyện kể về 3 người soạn giả cùng đi xem ông thầy bói đang thời kỳ lỡ vận. 
Bác kể rằng:
"Có một bữa nọ ba anh em đang đi uống cà phê về, trên đường vô tình bị một ông thầy bói đang ế khách kéo lại mời xem bói". Bác định nói:
- Ông có biết 3 anh em chúng tôi là những thầy tuồng chuyên giàn dựng cho đào kép hát hay không? Mà thầy tuồng là những tổ sư nói dóc. Ông làm thầy bói thì sao có thể dóc bằng thầy tuồng chúng tôi được mà đòi coi?
Nhưng bác lại nhìn thấy 2 người bạn kia đang chăm chú ngồi nghe nên không nở nói ra. Vậy mà mấy mươi năm sau câu chuyện lại xảy ra cho cuộc đời của 3 người đúng y chang như lời tiên đoán của ông thầy bói bên vệ đường.
Bác còn đọc cho chúng tôi nghe 4 bài thơ của bác làm để tặng riêng cho bác gái nhân ngày giỗ hằng năm. 
Mỗi bài thơ nhắc về một kỷ niệm khác nhau, mỗi bài thơ nói về một góc nhớ khác nhau, nhưng những bài sau lại nhớ thương chồng cao hơn những bài trước.
Thật là một con người tràn đầy tình cảm gia đình...


Chiếc võng mắc hiên sau nhà Kim Trúc
Nhà  Kim Trúc không chỉ có phong cảnh hữu tình mà còn có một vật dụng trử tình vô cùng. Cái món đồ đó ở Việt Nam nhà nào cũng có nhưng ở Mỹ nhất là ở những nơi chật chội như San Francisco rất hiếm thấy. Cái tôi muốn kể cho các bạn đó là chiếc võng.
Chọn nơi giăng võng là cả một nghệ thuật hưởng thụ. Chọn nơi nào cho thích hợp để mắc chiếc võng lên là cả một vấn đề. Mắc võng ở nơi ồn ào chỉ làm tổ hại cho 2 cái lỗ tai mà thôi chứ chả có ích lợi gì cho việc thư giãn hay nghỉ trưa. 
Mắc võng thường được người dân quê chọn giữa 2 gốc cây cao rợp đầy bóng mát gần bờ sông để có gió hiu hiu và mùi hương của nước. Nhà Kim Trúc có nhiều nơi lý tưởng để mắc võng mà nằm ngủ trưa.  

Tôi không muốn kể về những món ăn của từng nơi tôi đến, nhưng mà chuyến đi nầy chủ yếu chỉ có viếng thăm bạn bè, nên tán dóc và ăn nhậu là 2 đề tài chính ở mỗi nơi đến, không nói về nó thì biết viết cái gì để kể cho các bạn xem đây? Hơn nữa nói về nhà người nầy mà không kể tới nhà người kia có khi gia chủ sẻ phàn nàn là mình không công bằng. Mặc dù kể hoài có khi nhàm chán và cũng có thể có người thèm nhiểu nước miếng...
Hôm đó chúng tôi bắt đầu uống bia bằng đậu phọng rang. Cái nầy thì đúng điệu để uống bia rồi. Nhưng bắt đầu vào tiệc thì tới hột vịt lộn.
Hột vịt lôn đây!
Hột vịt lộn hôm đó luộc rất ngon có lẽ người mua chọn đúng loại hột vịt vừa đủ, không quá ngày. Còn người luộc trứng cũng luộc đúng cách nên nước còn đầy ấp bên trong. Ngon"tuyệt cú mèo" cám ơn các tiểu thư.

Muốn chọn trứng đúng ngày nếu ở gần lò ấp thì đến nơi hỏi ngay ngày bắt đầu ấp trứng. Muốn con vừa mới tượng hình thì chọn loại ấp từ 14 - 18 ngày. Có nhiều người thích con lớn thì họ chọn 18-22 ngày. Trên 22 ngày con có nhiều lông lá rất khó ăn.
Luộc trứng nếu là trứng non thì khi nước bắt đầu sôi phải hạ lửa xuống chỉ vừa đủ sôi mà thôi canh chừng khoảng 15 phút là tắt lửa được rồi. Nếu không nhớ rõ nước sôi vào lúc nào thì cứ dùng đũa mà gấp thử. Nếu gắp được hột vịt lên khỏi mặt nước bằng 2 chiếc đũa được, tức là nó đã chín rồi. 
Nếu là hột vịt có con lớn thì cần để thêm 5 phút nữa cho con bên trong chín đều không còn máu. 
Bánh cuốn (của Kim Trúc làm)
Bánh canh (của chị Mai Lan Cúc làm)
Luộc hột vịt quá lửa tức là để sôi lâu quá sẽ khô nước bên trong, mất ngon...
Món kế tiếp là chả giò, rồi đến bánh cuốn. Tiếp theo là bánh canh tôm cua giò heo do chị Mai Lan Cúc mang đến. Cám ơn nhị vị tiểu thư Rạch Giá Kim Trúc Phùng và Mai Lan Cúc nghen

Mười tám người chúng tôi ăn uống nói cười vui vẻ, no say để lại sau lưng một bãi chiến trường ngổn ngang chén dĩa cho vợ chồng cô 5 "thanh tán" trước khi lên đường để đến nhà anh chị Quang & Phượng ở Ottawa vì giờ hẹn là buổi chiều 6 giờ nên 3 giờ là bắt buộc phải rời nhà Kim Trúc rồi. 
Ôi thời gian sao mà eo hẹp lại tàn nhẫn đến thế.
Chúng tôi phải ra xe trực chỉ Ottawa mà thẳng tiến. Xe của thầy bây giờ lại có thêm cô 5 bến đò Sông Kên theo chạy phụ vì đường khá xa.


(Mời các bạn xem tiếp kỳ tới.)

Lanh Nguyễn




1 nhận xét:

  1. Muội cám ơn bài viết của sh/ Biển Đông Cá Kình nè, cám ơn hột vịt lộn thật ngon của thầy Nhut Pham Cong, tô bánh canh cua giò heo đặc biệt của chị Lan Cuc Mai, hôm đó thật vội vàng, ít thời gian quá, 888 chưa đã, cô 5 tui chỉ ăn có 1 trứng vịt lộn chưa thấm vào đâu, ước gì được tái ngộ 1 lần nữa hé .👍👍😍😍🤣🤣😂😂

    Trả lờiXóa