Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Chồng Già Vợ Trẻ - kỳ 1

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Ngày xưa để chỉ những cặp vợ chồng chênh lệch tuổi người ta đặt ra mấy câu ca dao như sau:

Chồng già vợ trẻ là tiên 
Vợ già chồng trẻ là duyên mấy đời 
Ai ơi nghe nhắn ít lời 
Rượu mua thì nhấp rượu mời thì không 
Trai thời tìm vợ chợ đông 
Chợ chiều ra đó khỏi mong gặp nàng 
Cũng đừng ham vợ giàu sang 
Giữa đường nó bỏ rồi mang hận tình...


Nhạc sĩ Song Ngọc & Vọng Châu đã mở đầu cho nhạc phẩm bất tử "Nó & Tôi" với câu: 
Tôi Nó sinh ra nhầm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến. Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về...

Rồi kết thúc bằng câu:
Nó anh hùng ngày mai...

Còn tôi và Nó cũng sinh ra trong thời kỳ chinh chiến, nhưng lúc quen nhau chả có thương mến nhau cũng bởi vì mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cộng sản phương bắc  đã xua quân Nam tiến, chúng chiếm cỗ thành Quảng Trị và tổng công kích toàn Miền Nam Việt Nam. 

Lệnh tổng động viên được ban hành. Nó phải xếp bút nghiên đi trả nợ núi sông. Còn tôi thì lại trốn lính trong hàng ngũ cán bộ xã ấp ở nông thôn.

Cuối năm 1972 để chuẩn bị cho việc ngưng bắn da beo trên toàn Miền Nam các sĩ quan trường Thủ Đức phải rời trường để về nông thôn làm công tác dân vận giữ đất, giữ dân. Nó và 2 người bạn khác đã đến căn nhà trọ của tôi đang ở, mà ké đỡ trong thời gian công tác một tháng ở đây. 

Nó dân Sài Gòn còn tôi dân ruộng nên hai lối sống khác nhau. 
Nó là Lính còn tôi thì trốn lính nên quan điểm về chiến tranh cũng khác nhau.
Nhưng bốn chúng tôi đều có chung một nhiệm vụ là đi tuyên truyền vận động để giữ đất giữ dân 
Một tháng qua nhanh Nó và 2 người bạn trở lại trường bộ binh Thủ Đức để hoàn tất khóa học. Tôi vẫn còn ở lại địa phương tiếp tục nhiệm vụ của mình. 
Ngày mất nước Nó là Lính nên phải vào tù vì cái tội đã để mất quê hương vào tay giặc. 
Còn tôi thì bị kẻ chiến thắng bắt đem đi tẩy não rồi lưu dụng lại. 
Não tôi u mê tối tăm nên tẩy hoài mà không trắng nổi. Rồi một tối mờ mờ sương phủ tôi theo tàu đánh cá vượt đại dương trốn qua xứ người ta ở tạm.
Nó thì đêm nằm trong tù bắt muỗi, đếm sao, ngày thì khổ sai lao động tăng gia sản xuất nuôi quân xâm lược. 
Khi Nó ra tù thì gia đình Nó đã đi vượt biên không biết sống chết ra sao mà bặt vô âm tính. Nhà cửa bị kẻ chiến thắng tịch thu. Bà con nội ngoại thì ở ngoài kia nơi mà từ lâu lắm Nó không hề muốn nghĩ tới chứ nói chi đến về thăm hay ở. 
Vậy là Nó thành kẻ mồ côi, sống lây lất rày đây mai đó.
Nó về nơi đóng quân ngày trước làm đủ mọi nghề rồi cũng chen lấn theo người ta đi vượt biên, hầu mong được rời khỏi cái thiên đường "xuống hố cả nước".
Nhưng số Nó vẫn là số con rệp, chuyến đi không thành Nó lại phải vào kinh làng thứ 7 tiếp tục trồng tràm, làm ruộng nuôi quân.

 Mãi tới thời điểm 1989 nội các của chánh phủ Ronald Reagan sau 8 năm thương thuyết với chánh quyền cộng sản mới đoạt được thỏa thuận cho những người đã từng cộng tác với Hoa Kỳ mà bị tù đày bay sang Mỹ định cư.Trong cái gọi là ưu tiên đặc biệt của chương trình ODP.
Hoa Kỳ xem việc đưa những tù nhân chánh trị nầy sang Mỹ định cư như thể để trả món nợ mà quốc gia Hoa Kỳ đã làm cho Miền Nam rơi vào tay cộng sản khiến cho toàn dân Miền Nam phải lâm vòng lao lý...

 Cùng năm đó Nó lại được ra tù lần nữa mà lần nầy Nó không còn một cắc lộn lưng. Nhưng theo luật bù trừ không có cái nầy thì được cái khác. Nó được anh chủ đò Thứ 7- Rạch Sỏi tốt bụng cho quá giang ra chợ Rạch Sỏi khỏi trả tiền đò mà anh ta còn dắt đến tận nhà bà chị có sạp bán cơm nơi bến đò Rạch Sỏi để gởi gấm. Bà chị đó còn tốt bụng hơn em mình, chắc do tình "huynh đệ chi binh" vì chồng chị đã đền nợ nước trước giờ quân đội tan hàng. Anh ấy đã để lại cho chị 4 đứa con mà đứa nhỏ nhất khi anh mất chỉ mới 2 tuổi đầu. 

Bà chị tốt bụng cho Nó ăn ở nhờ qua đêm còn tặng thêm tiền xe để nó về lại Sài Gòn.
Trời thương. Nhờ chương trình trên mà nhiều người tìm Nó để gả con gái. Đời Nó từ một gã khố rách áo ôm bổng chốc sáng giá vô cùng...

 Năm 1992 tôi đang chở một người bạn mới vừa được sang Hoa Kỳ định cư theo diện HO, chúng tôi tới chợ Pacific Supermarket ở Daly City chơi cho biết nơi người ta bán thực phẩm Á Châu lớn nhất vùng. Tôi đang đề máy xe để chạy về nhà thì anh bạn mới la lên:
- Anh ngừng xe lại một chút được không? Ai như thằng bạn chung đơn vị với tui đang từ trong xe kế bên bước ra kìa.

Anh bạn mới mở vội cửa chạy sang hàng xe đậu kế bên. Tôi giương mắt ếch nhìn theo. Cái parking xe không lớn lắm, tôi chỉ nhìn thấy một người trung niên ốm ốm lùn lùn đầu đội nón kết lưỡi trai của đội football 49er, tôi cũng cảm nhận quen quen qua lời nói của người bạn mới nhưng không nhớ được mình gặp anh ta ở đâu và gặp trong trường hợp nào, nên vẫn ngồi yên trên xe rồi lấy báo ra đọc để chờ anh ta trở lại. Chừng 15 phút sau anh bạn mới với khuôn mặt hớn hở trở lại xe cười cười nói với tôi:
- Đúng là thằng Thành ở chung tiểu đoàn của tui rồi. Nó qua trước tui gần năm nay đang ở gần đây nè. Hôm nào rảnh anh chở tui lại nhà nó chơi được không? 

Tôi hăng hái trả lời:
- Hôm nào nữa cho mất công chờ. Hôm nay quởn nè theo anh ta về nhà chơi luôn đi.

Hai đứa tôi xuống xe vào chợ tìm Thành. Rồi theo anh ta về nhà.
Trong khi Ân người bạn mới của tôi và Thành đấu láo với nhau tưng bừng thì tôi chi ngồi nghe họ nhắc về những cuộc hành quân trong các tỉnh thuộc vùng bốn chiến thuật, họ nhắc về những người bạn thân thương cùng khoá hay cùng đơn vị nhưng đối với tôi những cái tên đó, những địa danh đó thật là xa lạ cho đến khi họ nhắc đến Vũ cùng Khánh và cái địa danh Xẻo Rô nơi họ đến để làm công tác dân vận thì tôi chợt nhớ đến 3 người bạn quen trong một thời gian ngắn ngủi, mà 2 trong 3 người đó là kẻ thường hay tranh luận với tôi trong mỗi tối, về mọi vấn đề của cuộc sống. Tôi chen vào câu chuyện của họ:
- Vậy ra cuối năm 1972 khi đang học ở trường bộ binh Thủ Đức anh đã xuống Kiên An trong chiến dịch giành dân giữ  đất trước khi hiệp định Paris được ký kết à?

Thành quay sang tôi hỏi lại:
- Đúng rồi. Anh cũng nhớ chuyện đó nữa sao? Vậy anh học khóa nào? 

Tôi cười lớn:
- Tôi hả? Học khóa trốn lính. Cái người mà hằng đêm anh với thằng Vũ đã đấu khẩu cả tháng trời tại chợ Xẻo Rô hồi năm 1972 đó chính là tôi đây nè nhớ chưa? 

Trái đất quả thật là tròn nó quay vòng vòng rồi cũng trở lại nơi khởi điểm. 
Câu chuyện dễ chừng đã qua gần 20 năm rồi nhưng mà với chúng tôi "Tha Hương ngộ cố tri" nên xem như là mới xảy ra mấy hôm trước. Tôi hỏi về Khánh thì Thành rưng rưng nước mắt kể:
- Nó đã đền xong nợ nước trước giờ buông súng đầu hàng rồi, còn thằng Vũ thì tui không có tin tức gì nó hết... 

 Kể từ hôm đó tôi và Nó mới thật sự làm bạn với nhau. Ba chúng tôi thường thì điện thoại thăm hỏi, giúp đỡ nhau vài chuyện vặt vãnh, lâu lâu có tiệc tùng thì mời nhau uống vài chai bia hay là lúc rảnh rổi ngồi nhâm nhi tách cà phê đắng mà nhắc chuyện bên kia bờ đại dương...

Nó làm cùng nghề với tôi. Trong khi tôi vật lộn với nước lạnh hằng đêm trong hãng làm xúc xích, thì Nó ung dung nhàn hạ ở nơi khô ráo trong trường trung học Westmoor High School ở Daly City. Ca của nó từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng nhưng thường thì đến nửa đêm là xong hết việc rồi. Còn ban ngày Nó được vợ ưu ái gắng thêm cái chức hỏa đầu quân kiêm giữ con cho vợ đi học.
Tụi tôi thường khen nó là thằng đàn ông gương mẫu của thế kỷ 20.

 Rồi 20 năm sau. Một buổi sáng chúa nhật tôi đang còn nằm nướng trên giường bỗng chuông điện thoại reo vang. Vừa bắt máy lên tôi đã nghe giọng nói yếu xìu của Nó:
- Hôm nay ông có rảnh hong? Đến nhà tui làm vài chai giải sầu coi. Thằng Ân đang trên đường tới nhà tui đó. 

Chuyện lạ bốn phương à nghen. Dễ chừng gần 10 năm nay nó không hề rủ bọn tôi lại nhà nó chơi nữa. Kể từ cái tiệc ăn tân gia khi nó mua căn nhà đó, mà theo nó là rất tốt về phong thủy. 
Mà tốt thiệt nó mua chưa được bao lâu là vợ Nó tốt nghiệp đại học rồi có ngay một việc làm rất ngon cơm ở thung lũng điện tử gần San Jose. 
Cũng từ đó Thành tỏ ra trầm tư ít nói khác với bản tánh nhiều chuyện hay tranh luận hơn thua thường ngày. Ân hay phàn nàn với tôi:
- Cái thằng quỷ Thành nầy từ ngày vợ nó ra trường có job ngon hình như là nó bị lây bịnh "chảnh" nên cái mặt lúc nào cũng hỉnh hỉnh khinh đời, hong thèm nói chuyện với ai hết. Hỏi cái gì cũng ậm ừ nín thinh nhìn nó mà phát chán.

Tôi đỡ lời cho Thành:
- Ừa. Thì Nó có ít nói hơn mọi khi nhưng mà vẫn đi chơi với tụi mình bình thường thôi, có cái gì gọi là chảnh đâu nà. Không chừng có chuyện gì đó mà Nó chưa thể nói ra được hỏng chừng.

Cái chuyện hỏng chừng đó 10 năm qua Thành dấu kín trong lòng thì hôm ấy thần men đã khai ra ráo trọi. Nó kể rằng:

 Năm 1981 chuyện vượt biên bị bại lộ. Cả bọn đi chung ghe đều bị hốt trọn ổ. Có người ở tù vài hôm lo tiền xong là được thả ra, kẻ không tiền thì lao động vài tháng cùng lắm là 1 năm cũng được tha về. Còn Nó là sĩ quan Ngụy đã được học tập đường lối chính sách của đảng rồi mà vẫn còn ngoan cố đi vượt biên nên họ ưu ái tặng thêm gấp đôi thời gian học tập lần đầu vậy cho nên mãi tới đầu năm 1988 nó mới được tha về. Thời điểm đó tất cả các trại tị nạn đều đóng cửa không thu nhận người mới tới cho nên hy vọng ra nước ngoài của Nó cũng tan tành theo mây khói. 

Nó trở lại Sài Gòn mở sạp vá xe đạp bên lề đường kiếm sống đấp đổi qua ngày. 

 Đùng một cái Hoa Kỳ tuyên bố nhận tất cả quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo từ 3 năm trở lên cho qua Mỹ định cư. Nó có thâm niên hơn 9 năm tù nên sáng giá vô cùng. 
Từ một thằng ốm đói vá xe đạp bên lề đường không cô nào để mắt tới nhìn. Nó bổng chóc biến thành một người được nhiều gia đình giàu sang có con gái đẹp chiếu cố.
Trong số những gia đình đến gạ gẩm thì gia đình Mỹ Huyền có nhiều điều kiện tốt nhất chỉ là tuổi tác của 2 người có chút chênh lệch. Nàng nhỏ hơn Nó những 15 tuồi đầu.

Chuyện cưới sinh cũng như giấy tờ xuất cảnh gia đình nàng đều bao thầu hết. Nhiệm vụ của Nó chỉ là làm thế nào cho đến ngày phỏng vấn mà Mỹ Huyền mang thai thì chắc chắn 100% hai người không có trở ngại gì cả.

 Sang Mỹ những năm đầu lạ xứ lạ quê vợ chồng sống rất hạnh phúc nó đi làm Mỹ Huyền đi học anh văn sau 5 năm nàng bò vào được  San Francisco State University Nó vẫn còn làm janitor trong high shcool để nuôi vợ ăn học và chăm sóc cho con.

Đến khi nàng tốt nghiệp ra trường Nó vẫn còn là thằng lao công trong trường học. 

Vợ nó tìm được việc làm tốt ở thung lũng điện tử cách nhà chừng 1/2 giờ lái xe. Ở Hoa kỳ chổ làm cách nhà ở từ nửa giờ cho đến 1 giờ lái xe là chuyện bình thường. Năm đầu vợ Nó ở nhà đi đi về về nhưng kể năm thứ 2 trở đi nàng than lái xe mệt nên đòi mua nhà ở riêng gần chổ làm rồi mỗi tuần về thăm con một lần. Dần dần 2 tuần rồi có khi cả tháng nàng mới trở về nhà một lần. 

Nó có vợ trẻ mà lại phòng không gối lẻ. 
Khi mà việc bảo lãnh cha mẹ cũng như các anh chị em của nàng hoàn tất. Đứa con gái chung đã vào trường đại học thì nàng đưa cái đơn ly dị tới cho Nó. 
Cái đơn nằm ở văn phòng tòa án mấy tháng trời cho đến tuần vừa rồi người ta đã mail cái giấy li dị của 2 người tới nhà cho nó...
Ân và tôi chết lặng hồi lâu. Để phá tan bầu không khí ảm đạm Ân lên tiếng:
- Thì cũng tại mầy. Lấy vợ cùng trang lứa như tao thì lại không chịu lấy, lấy chi cái đứa nhỏ hơn những 15 tuổi để bây giờ lâm cảnh...

Đôi ta hai ngã đường tình 
Em đi còn lại một mình anh thôi 
Tình đời bạc trắng như vôi 
Căn nhà vắng vẻ buồn ôi là buồn...

Tôi an ủi Nó:
- Chuyện vợ chồng ở không hợp nhau thì ly dị, nó bình thường  như ăn cơm bữa chứ có chi mà lạ. Tao có 3 thằng bạn thời trung học sang đây từ đầu thập niên 80. Ba đứa nó mang vợ từ Việt Nam sang đây mà bây giờ cả 3 thằng đều bị phòng không gối chiếc chứ có phải mình mầy đâu mà ở đó rầu rỉ.

Thành vẫn lặng thinh bất động. Ân bồi thêm:

- Hay là mầy về Việt Nam tìm một cô chừng 20 tuổi rồi rước qua đây cho con vợ mầy lé mắt chơi. Bây giờ phong trào về Việt Nam cưới vợ trẻ đang thịnh hành. Mà mầy chưa được 60 tuổi còn trẻ măng, lo gì kiếm hỏng ra. Cha ba Định gần 70 mà năm rồi còn rinh qua đây một cô chưa đầy 30 tuổi đó, hỏng thấy sao? 

Thành bỗng cười lớn:
- Chả rước qua nhưng mà thằng con trai chả hưởng. Má ghẻ với con chồng dắt nhau đi xây tổ uyên ương rồi, hai đứa bây hỏng hay sao mà còn ở đó xúi bậy, xúi bạ. Tao chán cái cảnh chồng già vợ trẻ lắm rồi. 

Nó còn quay qua tôi móc giò lái một cái:
- Còn mầy nữa coi chừng có ngày ra đường mà ngủ chứ ở đó mà lo xúi nầy xúi nọ.

 Thành ly dị vợ, nó không buồn như tụi tôi tưởng mà nó trở lại năng động vui vẻ như thuở mới vừa thoát cảnh lao tù dưới chế độ cộng sản lúc trước. Nó điện thoại cho tụi tui thường hơn, rủ đi uống cà phê tán dóc thường hơn. Mùa hè năm đó trong khi nhậu nó nổi hứng rủ:
- Ba thằng mình về Việt Nam chơi coi thử 22 năm nay nó thay đổi cở nào. 

Tui chưa kịp nói gì thì Ân ré lên cười:
- Sao chịu hết nổi rồi hả? Muốn về Việt Nam cưới vợ phải hong? Vậy thì theo tụi tao về Rạch Giá chơi đi sẵn đó tao mần mai cho mầy luôn. Muốn tuổi cở nào có cở đó hể đừng dưới tuổi vị thành niên là được. 

Tôi thối thoát:
- Hai đứa bây đi đi, còn như muốn tao đi chung thì phải chờ năm tới chứ tao mới trở qua có mấy tháng tiền đâu có để mà về nữa.

Thành và Ân không chờ tôi nổi. Tụi nó đặt vé làm visa tháng sau là về Rạch Giá ra khu lấn biển để ngắm cảnh hòn Rùa... 

 (Xin xem tiếp kỳ sau)

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét