Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Ký Ức Tuổi Thơ Của Tui... - Kỳ 8

Tự thuật truyện của Mỹ Nhan Hà


Tác giả Mỹ Nhan Hà
Bạn bè trong bót Vĩnh Lạc thấy ba tui hiền lành mà nhát gái quá đổi nên tới gần ba chục tuổi đầu mờ chưa có vợ , trong khi cùng trang lứa họ có con 5, 6 tuổi rồi. Không biết bác Mười Đô bày kế sách chi mà ba chịu liền. Hàng ngày má tui đi chợ với chị người ở đội thúng theo kế bên. Đợi má đi ngang bót bác Mười Đô gái đi ra giả bộ vô tình gặp má :
- Cô ba đi chợ sớm dữ hen ! 
- Dà, đi sớm dìa sớm nấu ăn cho kịp ở nhà dí thầy thợ ăn , chị Mười.
- Bà Hai đâu hổm nay ít đi chợ dị cô ba ?
- Dạ, má tui ở nhà coi chừng đốc hối sắp nhỏ làm công chiện nên lóng này tui đi chợ không hà chị Mười. 
- Tui tính nhờ cô ba một chiện... 
- Dạ, chiện chi chị Mười..
Bác Mười gái đẩy đưa : 
- Là như dì .... Hổm rày anh Ba Phú á, bị ảnh chưa có vợ nên hổng ai giặt ủi đồ cho ảnh. Anh nhờ tui giặt ủi dùm rồi tới tháng ảnh cho tiền sắp nhỏ ăn hàng. Ngặt tui hông có bàn ủi. Tính hỏi cô ba có thì cho tui mượn ủi đỡ. Rồi tui mót mót đủ tiền tui mua cái bàn ủi .. mà .. ngại hổng dám hỏi cô ba..
Má nghe rồi cười..
- Dà... Ở nhà tui có tới 2 cái. Để tui đi chợ dìa rồi kêu sắp nhỏ đem qua cho chị mượn.
- Ý .. để tui qua lấy. Khỏi mắc công người làm. Cám ơn cô ba hết sức..
- Dạ hổng có chi đâu chị Mười. Chòm xóm mờ.. 
Lúc đó ở ba tui đang ở trong nhà bác Mười Đô núp sau cánh cửa dòm ra hổng biết 2 người nói giống gì mờ người nói , người gật coi mòi vui vẻ lắm. 
Đợi Bác Mười gái vô ba hỏi: 
- Sao rồi chị Mười ?
Bác Mười gái cười cười : 
- Êm rồi, Anh cứ y như sách tui đưa ra. Bảo đảm có lý đó nghen. 
Ba đỏ mặt ,gãi đầu: 
- Không biết cổ hiểu lầm chắc chết!
- Chết giống gì mờ chết nà... mình ngõ lời đàng hoàng chớ có nói bậy bạ chi đâu mờ anh lo.! 
Một lát đợi má tui đi chợ dìa, Bác Mười gái phóng cái rột ba chưn bốn cẳng tới nhà ông ngoại , nghe chó sủa om trời bà ngoại tui lên tiếng: 
- Đứa nào ra cổng coi có ai mờ chó sủa dữ bây! 
- Dạ có chị nào kiếm cô ba đó bà Hai.
Má tui đang dưới bếp coi người làm nấu cơm liền chạy ra: 
- Chỉ kiếm con đó má .
- Kiếm bây chi? 
- Dạ chỉ mượn cái bàn ủi. 
- Ợ.. Dị lấy cho cổ mượn đi con. 
Má kêu chị ở lấy bàn ủi đưa cho Bác Mười gái. Bác cám ơn rồi chào bà ngoại với má tui về. 
Ngày sau , canh lúc ăn cơm trưa xong cả nhà ngoại tui nghỉ trưa bác Mười xách cái bàn ủi qua trả. Nghe người làm nói má tui đương nằm đưa võng ở sau chái bếp bác vòng ra hè lội tuốt đằng sau nhà :
- Chèn ơi, Trưa gió sau vườn thổi vô mát quá hé cô ba. 
Má lật đật ngồi dậy.
- Ủa chị Mười..
Bác Mười tay cầm cái giỏ đệm sà xuống ngồi kế bên má :
- Tui đem bàn ủi qua trả cho cô ba nè. 
- Gấp chi mờ trả dị chị. Để xài vài bữa trả cũng được. 
- Dạ , trả rồi chừng xài tui mượn.. 
Rồi bác cười cười, hạ giọng nói nhỏ : 
- Cô ba ơi, Cô coi trong cái bàn ủi có gì ai gởi cho cô nè. 
Má tui chưng hững:
- Ụa, ai gởi gì cho tui dị chị ? Mờ sao để trong bàn ủi ? 
Bác Mười gái cười: 
- Ậy, để tui dìa rồi cô hả coi nghen, chiện bí mật nghen cô ba, thôi tui dìa. Cám ơn cô ba nhiều lắm.

Thì ra bác Mười gái giả bộ mượn bàn ủi để có cớ đem trả. Trong bàn ủi là là thơ của ba tui đã thức trắng đêm trường viết ra. Ba tui cả ngày hôm đó đứng ngồi hông yên, bụng dạ như đánh lô tô.. đêm thù trằn trọc lăn lộn hoài không ngủ. Trông chơ trời mau sáng đặng biết tin của Má

Sáng hôm sau bác Mười gái cũng hồi hộp lắm.. bác chực hờ sẵn ngay cổng bót Vĩnh Lạc đợi ná tui đi chợ. Từ xa bác đã thấy bà ngoại tui dí chị người ở đội thúng đi tới. Bác Mười hơi nhót ruột nhưng cũng ráng gồng mình đi tới hỏi : 
- Ủa, cô ba bữa nay hông đi chợ hé Bà Hai?
- Hồi tối nó nhức đầu , sáng nay mệt bên hổng có đi. 
- Dà, cho con gởi lời thăm cô ba nghe Bà Hai. 
- Ùm,,, thôi tui đi chợ đa.!
Bác Mười phóng ngược vô bót, ba tui đứng lên liền : 
- Sao chị ? 
- Cổ bịnh rồi.
Ba chặc lưỡi..
- Hông biết mình có mạo phạm gì tới người ta, rồi người ta giận chắc chết luôn.!
- Chắc cổ mắc cỡ. Người ta con gái mờ..

Má tui sau khi đọc bức thơ của ba tui gồi mặt nóng bừng, lòng phân vân vừa vui vừa sợ. Ông ngoại tui khó lắm . Ngoại mà biết là tiêu. Lời trong thơ mộc mạc nhưng chân tình. Mà người này má tui cũng biết nhưng chưa chào hỏi lần nào. Gương mặt sáng sủa khôi ngô, dáng người thanh nhã. Nghe nói rất hiền mà kén vợ lắm đa. Cả đêm đó má cứ thao thức, lâu lâu đem thơ ra đọc. Rồi suy nghĩ sang nay đi chợ rũi gặp mặt chắc mắc cỡ chết luôn.. thôi , nói láo là nhức đầu cho khỏi đi chợ.
Ba tui không nghe trả lời trả vốn gì hết tam sầu bạch xác bỏ ăn bỏ uống ốm nhom. Bác Mười gái cũng rầu hổng thua gì ba tui. Bác Mười Đô trai chọc :
- Má mầy mần quân sư quạt mo cho thằng Phú kể như trật đường rầy xe lửa rồi đa. 
Bác Mười gái nạt:
- Cha đừng có dô diên quá nghen. Cái miệng cha ăn mắm ăn muối không hà. Chiện tình duyên mờ ông mần như đi chợ . Lựa đại con tép con tôm rồi mua hà.. cái gì cũng từ từ chớ. Chời ơi, ngừ ta đờn bà con gái , bộ thấy trai cái tươm tướp sao. Hồi đó ông cũng đi qua đi lợi cái bến đò của tía tui mòn 5, 7 đôi guốc, rồi giả bộ qua đò ngồi mòn cũng 8 cái đít quần mới cứi được tui ông quên rồi ha!! 
( Tía của Bác Mười gái làm nghề chèo đò. Nhưng ông tu nên đưa người qua sông mần phước chớ không lấy tiền. Ông ăn chay trường , vợ mất sớm ở dị nuôi con. Buổi nào ông nghỉ thì bác Mười gái chèo thế ông )
- Xời ơi, hồi đó bà thấy tui bước xuống xuồng là mừng quính hết, chèo lóng ngóng muốn cóng tay. Đâm bên này, quẹo bên kia thì có..' - Bác Mười trai chống chế.
Bác Mười gái trề môi:
- Hứ, đâm cái cù loi tui nè. Biết dị hồi đó tui đạp ông lọt xuống sông cho uống nước đã luôn..
- Khà khà khà.. Má nó đạp tui lọt xuống sông thì bi dờ đâu có con Hường..hahaha.
Ba tui đang rầu mờ nghe 2 ông bà cãi nhau cũng phì cười theo.

Mấy ngày sau nữa bác Mười gái thấy má tui đi chợ thì mừng húm. Nhưng đằng này lại đi 1 mình hổng ai đi theo. Má cầm cái giỏ tre thiệt bự đi ngang mà không dám nhìn vô bót. Tay thì kéo nón lá che nghiêng hết khuôn mặt. Bác Mười dễ gì để lỡ cơ hội , bác bước theo má hỏi lớn:
- Cô ba bịnh hổm nay ,giờ khỏe đi chợ hén cô Ba?
Má giựt mình thấy bác Mười đi sau lưng. 
- Dà, tui khỏe rồi chị Mười. 
- Con Tư đâu hông theo xách giỏ tiếp cô ?
- Má chỉ bịnh, chỉ xin dìa thăm ít bữa. 
Bác Mười bước mau lên đi kế bên má, giọng nhỏ nhẹ :
- Cô Ba đừng buồn tui nghe . Tui thấy anh Phú ảnh thuơng cô mờ hông dám nói nên tui giúp ảnh. Hổm rày ảnh buồn vì sợ cô giận nên hổng ăn uống chi ráo nên ốm nhom ốm nhách. 
Má tui e thẹn lí nhí: 
- Dị sao, tui có giận chi đâu. Tại bất tử nên tui khó nghĩ quá .Chớ tui đâu dám chê bai ảnh. Mà sao ảnh lo chi cho bịnh dị chị Mười!
- Ảnh mờ nghe cô Ba nói ảnh mừng lắm da. Thôi tui có ý này, cô Ba dìa nhà viết vài chữ hồi cho anh Phú ảnh yên bụng. Chớ hổm rày ảnh sợ mạo phạm cô nên ảnh lo. 
- Dị .. tui thấy ngại quá chị Mười.. 
- Ậy, mình đàng hoàng mờ ngại chi nà. Coi như cô mần ơn hen cô ba. Rồi trưa trưa tui qua mượn bàn ủi, cô để lá thơ trong đó, phủ than lên hổng ai biết đâu.. 
Má tui còn đang dùng dằng thì bác Mười nói: 
- Thôi.. tui dìa nấu cơm hen . Dị nghe cô Ba.. 
Rồi bác Mười quay lại dông tuốt trong khi má tui đứng như trời trồng...


DUYÊN NỢ

Ba tui tuy là đàn ông con trai mà nước da trắng hồng, môi đỏ au, tay chưn đỏ như son. Đã vậy tính ba hiền lành ít nói và nhát gái. Cho nên mới có một giai thoại rất mắc cười . Các bạn ba hay kể lại cho tụi tui nghe.
Lúc ba tui chừng 17 , 18 tuổi , mùa hè nhà vườn mướn người chặt mía . Nhằm lúc rảnh rổi ba theo đám anh em bạn đi chặt mía kiếm thêm tiền xài. Cả đám cũng chục mạng chèo ghe theo các vườn xa xa vài chục cây số. Vì trời nắng nóng như đổ lửa nên ai nấy đều lấy khăn chàng tắm ( khăn rằn) bịt đầu cổ mặt mày kín mít chỉ chừa 2 con mắt đặng mà dòm. Ruộng mía cả chục mẫu nên họ phải làm năm mười bữa mới xong. Xế chiều cả đám đờn ông đờn bà mần rồi tụ lợi cái hiên nhà của chủ vườn ăn uống rồi đợi chủ trả tiền công nhựt. Đám thợ nào đi chung thì ngồi ăn cùng mâm , vừa ăn họ vừa chọc ghẹo nói cười rôm rả . Chỉ có ba tui ngồi nín thinh ăn cơm. Đầu ba còn đội khăn chàng tắm cột chéo dưới càm. Ba bận bộ bà ba đen nên càng thấy lộ nước da trắng muốt. Đợi đám thợ ăn cơm rồi ông chủ nhà mới đi từng mâm phát tiền. Ông người vui vẻ nhân hậu nên ai cũng mến. Tới mâm cơm của ba ông nói: 
- Mấy cậu ăn uống rồi xuống sông tắm rửa rồi tối lấy nóp vô hàng ba nhà tui mà ngủ nghen. Hàng ba nhà tui rộng mà dài lắm các cậu cứ ngủ thái mái.
Quay qua ba tui ông nói tiếp:
- Còn cô này lát vô nhà sau có nhà tắm mà tắm rửa hen, rồi tối vô buồng ngủ chung dí con gái tui.
Cả đám cười cái rần. Còn ba tui thì đỏ mặt tía tai . Bác Sáu Đa vừa cười vừa nói:
- Dà, bác đừng lo, để tối cổ vô ngủ dí con gái bác. 
- Ừ, dị đi nghen cô. -Ông chủ quay lưng đi còn gật đầu. 
Cả đám bạn cười ầm ầm xúm lợi chọc ba tui quá xá mấu. Đêm đó ông chủ kiểm tra đâu đó rồi hỏi cô con gái dị chớ cô kia có vô ngủ dí con hông? Cô con gái nói có thấy cô nào đâu, ổng lật đật xách đèn ra hàng ba hỏi lớn:
- Cô gì ơi, sao giờ này chưa vô ngủ. Ngủ sớm mơi thức sớm đi mần . 
- Bác Tư ơi, nó là đực rựa chớ phải cô nào á đâu.
- Úy, dị hen, thấy trắng bóc ai mờ biết. Khà khà khà.
Dị đó mờ ai cũng nhắc hoài nhắc hủy..

Cũng bởi vì nhát và hiền nên có nhiều cô ưng bụng ba dữ lắm nhưng hổng lẽ cột lại tìm trâu! Nên ba ở tới 29 tuổi mờ vẫn phòng không chiếc bóng. May nhờ bác Mười Đô gái làm quân sư, nhưng hôm rày hông thấy má tui đi chợ ba rầu tam sầu bạch xác, sợ lá thơ ba gởi làm cho má buồn má giận..

Từ khi bác Mười gái chặn đường đưa cái lịnh tiễn là má phải viết thơ hồi đáp thì đầu óc má tui bay lơ lửng trên ngọn cây gòn hai bên đường ,còn chưn má thì đi dìa phương trời vô định.. chính vì dị mờ thay vì đi thẳng ra chợ thì má quẹo xuống bến đò chùa Ông Nồi. 
- Ủa, cô Ba qua sông sớm hen cô Ba.
Má tui giựt mình khi nghe có tiếng hỏi . Dòm lợi thấy ông Chín ba của bác Mười Đô gái. Má ấp úng:
- Dạ, Bác Chín.. con.. hơ..
- Cô Ba qua sông đi chùa hả cô Ba ?
- Dạ, con .. qua sông .. hơ... công chiện ...
Nhiều người lục đục xuống bến đò đông bộn. Người thì gánh thúng mủng cà ràng ông táo đặng bán dọc theo bờ sông. Người dắt xe đạp có thùng bằng thiếc vuông để đi hớt tóc dạo..
Ông Chín tay quạt quạt mái chèo cho đò tấp sát vô bờ. Ông kêu lớn: 
- Bà con cô bác xuống đò mau mau nghen , bên kia có nhiều cô bác gánh rau cải ra chợ bán, kẽo trưa quá! 
Tiếng " Chợ " của ông Chín làm má tui sực tỉnh. Má cầm giỏ tre quay cái rẹt một trăm tám chục độ vì nhớ ra nhiệm vụ của mình hổng phải qua đò. Ông Chín ngạc nhiên hỏi với theo:
- Quơ. Cô Ba hổng qua đò ha?
- Dạ, con nhớ có công chiện gấp ngoài chợ mờ con quên. Thôi con đi nghen bác Chín.
Rồi má quày quả trở lui.

Bữa cơm hôm đó vừa dọn lên , ông ngoại đưa mắt dòm một lượt rồi hỏi:
- Nay ai đi chợ dị bà?
- Thì con Ới chớ ai.
- Sao nay nấu nướng gì mà món nào món nấy quánh lộn dí nhau dị nè.. canh chua cá ngát , cá thu chiên sốt cà, thịt luộc rau sống, dưa cải trộn giá, mực dồn thịt chiên. Bộ sợ canh chua chưa đủ chua sao còn dưa cải nữa. Cá thu sao nó hổng kho với thịt phải trúng điệu hông.
Bà ngoại quay qua hỏi: 
- Con Tư đâu rồi? 
Chị Tư từ sau dọt ra: 
- Dạ, con đây bà.
- Bây nấu chung dí cô ba sao hông nhắc nó ?
- Dạ, con có nhắc mờ cô ba nín thinh. 
- Sao bây hông mời cô Ba ăn cơm.?
- Dạ hồi nảy cô Ba than nhức đầu nên nấu cơm rồi cô vô buồng nằm
Bà ngoại tui chắc lưỡi:
- Chần ơi, hổm nay nó than nhức đầu hoài đó ông.
Ông ngoại ngó bà ngoại:
- Ăn cơm rồi bà vô coi con Ới bịnh sao, rồi kêu con Tư bắt gà nấu cháo bỏ hành tiêu cho nhiều để nó ăn giải cảm.
- Da.- Bà ngoại tui luôn nhỏ nhẹ với ông ngoại.
Ông ngoại cưng má nhứt nhà nên má bịnh làm ông lo. Ông dặn thêm :
- xế chiều mát một chút , bà kêu xe kéo dẫn con ba đi ra tiệm thuốc Tế Nam Đường hốt cho nó vài thang thuốc Bắc . Rồi kêu con Tư sắc cho cô Ba bây uống nghen.

Má tui viện lý do để khỏi ăn cơm vì má hông còn lòng dạ nào mờ ăn dí uống. Suốt mấy đêm qua má trằn trọc có ngủ nghê được đâu! Má nhớ như in từng chữ trong lá thơ của ba. Hình ảnh người con trai có gương mặt khôi ngô sáng sủa , tướng ta nho nhã cứ lỡn vỡn trong đầu má. Má thở dài suy nghĩ hoài chưa nghĩ ra viết chi đây. Bỗng nhiên cửa phòng mở cái " két" , bà ngoại bước vô:
- Bây bịnh sao dị Ới?
- Dạ, có sao đâu má.
- Hông sao mờ con bỏ cơm.
- Chắc tại con trúng nắng nên nhức đầu . Lát con uống ly nước cam là khỏe hà má.
- Chệt ( ba) bây kêu má dẫn con đi hốt thuốc. Con nằm nghĩ đi rồi xế trưa đi dí má.
- Thôi má ơi, con có sao đâu mờ hốt thuốc. 
- Hổng đi á rồi con bịnh nhiều Chệt bây nhằn má đó đa.
- Chệt la thì con chịu cho. Má đừng lo . 
Ngoại thở dài :
- Con nhỏ này tánh cứng đầu gan lì y như ổng hà. Thôi , nằm nghỉ cho khỏe rồi con Tư đem cháo vô húp một miếng kẽo đói nghe hông. 
- Dạ, con biết rồi.
Bà ngoại chặc lưỡi bước ra. Má khóa của buồng rồi bước lại hộc tủ kiếm cuốn sổ ghi tiền chợ và cây viết chì . Ngồi xuống ghế cạnh cái bàn sát của sổ , má thừ người suy nghĩ. Gió ngoài vườn thổi vô mát rượi, mấy nhánh khế sai oằn, trái rụng vàng đất mờ hổng ai thèm lượm. Mùa này bộng mận nở trắng cành tỏa hương thơm nhè nhẹ ngan ngát cả khu vườn. Cảnh vật nhởn nhơ khoe sắc mờ lòng má ngổn ngang thiệt là kỳ lạ...

Cái bàn ủi Con Gà thời đó là vật xa xỉ đối với nhà bình dân. Nhà trung lưu khá giả hay nhà thầy chú thì năm thì mười họa có đi đám tiệc thì mới ủi đồ . Chớ bình thuờng đồ giặt phơi khô rồi giũ cái phạch xếp cho ngay ngắn rồi cất vô rương và không quên dằn cái gì nặng nặng lên trên . Còn nhà bình dân thì nhiều lắm cũng một vài bộ. Nhưng có được lành lặn đâu. Vá chằng vá đụp, miếng này rách miếng khác đắp vô riết rồi nó dày như cái mo. Đồ dơ thì họ đem xuống sông vò vò , vắt cho ráo rồi đem máng lên sào tre phơi. Tới đồ khô thì quơ vô máng xung quanh miệng bồ lúa. Muốn bận thì vô vachj kiếm mờ bận chớ ở đó mà ủi dí iếc..
Cái chức năng thiêng liêng của bàn ủi là ủi đồ cho thẳng thớm. Nhưng bi dờ nó lại là sợi chỉ hồng bay vô bót Vĩnh Lạc rồi bay dìa nhà má tui mà ông tơ bà nguyệt là bác Mười Đô gái. Cái cục sắt vô tri vô giác đó lại trở thành một cầu nối thần kỳ hết biết. Nó kéo gần 2 con người xa lạ lại với nhau. Mà cái sự kéo gần đó là nhờ cái đám cưới của ông bạn lính của ba tui ...

(Còn tiếp... xin mời đón xem kỳ 9)

RG 16/01/2018..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét